Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Dầu Tiếng nhìn về Tây Ninh

Collapse
X

Người Dầu Tiếng nhìn về Tây Ninh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Dầu Tiếng nhìn về Tây Ninh

    Người Dầu Tiếng nhìn về Tây Ninh


    Ngày còn nhỏ, mỗi lần Tết đến thì trong nỗi xôn xao vui mừng tôi lại buồn buồn vì phải sắp xa mấy đứa bạn khi nó nói:
    -Tao phải "dìa xứ" trước Tết, mà ba má tao nói chắc sẽ không trở lại làng này nữa!
    Tôi hỏi:
    -Xứ mày ở đâu?
    Nó buồn bã chỉ lên ngọn núi xanh đậm, vượt lên khỏi rừng cây cao su xa xa:
    -Tuốt ở miệt trên đó, gần Núi Bà, Tây Ninh.
    Trời cuối năm trở lạnh về đêm, lá cao su rụng hết để trơ lại cành khẳng khiu, những trái cao su nổ lốp bốp như pháo tép rồi rơi từ trên cao xuống lớp lá khô xào xạc. Chúng tôi để dành tiền ăn Tết bằng cách đi lượm hột bán cho người Tàu mua về làm xà bong (nghe nói vậy vì hột cao su béo béo như đậu phọng, nhưng lớn hơn ngón chân cái). Rồi ngày chia tay cũng tới, đứa ở lại đứng trông theo chiếc xe ngựa chở bạn mình rời xa mà lòng buồn vô hạn.

    Tôi sinh ra ở Làng 5 thuộc Quận Dầu Tiếng, chỉ nghe người ta nhắc tới Tây Ninh nhiều lần mà chưa bao giờ được đến tận nơi. Làng 5 này thuộc đồn điền Michelin, vào những ngày trời trong, thấy rõ ngọn núi Bà với giòng nước trắng bạc đổ xuống từ trên cao như một giải lụa. Khi ra gần chợ quận, hàng cây của núi Cậu trông rõ mồn một.
    Dân trong làng hầu hết là dân có số, nghĩa là có công tra, ngoài lương bổng còn được hưởng quyền lợi như chăm sóc y tế, tiền thưởng cuối năm, gạo lãnh theo gia đình đông con hay ít, nhưng còn một số khá đông nữa gọi là “Dân tuỳ dịp", họ làm đủ việc như cạo mủ cao su, xạc lai, quét nước thuốc ở các thân cây, đào mương, đào lỗ ươm cây cao su non v v... mà lương thì lãnh theo công nhật, y như ở Mỹ ta mướn mấy anh Mễ ngoài Home Depot vậy.
    Ở những vùng quê gần Dầu Tiếng, cứ sau mùa lúa là dân nghèo thường đi xin việc đồn điền để làm tuỳ dịp, họ sẽ trở về làng sau mấy tháng để tiếp tục công việc ruộng nương. Trai gái đi từng nhóm ba bốn người, mà cũng còn có cả từng nhóm gia đình với con cái đùm đề nữa.
    Lúc cha mẹ đi làm thì chúng tôi cùng nhau đi học cũng như chơi đùa, nên mau chóng trở thành thân thiết.
    Trong làng chỉ có một trường và một thầy hay cô giáo. Dậy từ lớp vỡ lòng đến lớp ba là hết. Cô chỉ cần dậy lớp lớn nhất, rồi lớp lớn lại dậy lớp nhỏ hơn.
    Dân Tây Ninh đến đây làm đông lắm, từ lớn tới nhỏ hầu như ai cũng biết nói lái. Tôi học được từ những đứa bạn gốc "Tây ăn mắm ruốc" này, không những khi nói chuyện, mà còn trong những bản nhạc nữa.
    Những người trên dưới 60, chắc chẳng mấy người không biết bản: "Đây ngày tươi sáng, muôn chim ca hót tưng bừng, muôn ánh sáng mai mà ta vẫn mơ..." đã bị sửa lời thành: "Cô Mười cô Chín hai cô anh muốn cô nào? Muốn dắt cô đi đừng cho má cô hay...."
    Chúng tôi hát lái như sau:
    "Cươi mồ kinh chố, hô cai uông mánh cao lồ. Mách duống ki đô, đò chưng máy cô ha..."
    Ngoài những bản Tân nhạc, họ còn đi chợ Dầu Tiếng cuối tuần đem về những bài ca Cổ nhạc lớn bằng hai bàn tay, như Tiếng Trống Trường Làng, Trăng Nước Lam Giang …và bây giờ đã hơn năm mươi năm mà tôi còn thuộc giọng hò buồn bã trong đêm vắng:

    Bước sang canh một anh đốt ngọn đèn vàng
    Chờ con bạn ngọc thở than đôi lời
    Canh hai nguyệt đổi sao dời
    Tính sao thời tính cho trọn đời thủy chung
    Canh ba cờ phất trống rung
    Mặc ai ai dãn ai dùng mặc ai
    Canh Tư hạc đậu nhành mai
    Sương sa lớp lớp biết ai mà chờ
    Canh dài thơ thẩn thẩn thơ
    Đêm mơ thấy bậu dậy rờ chiếu không…

    ******

    Trong đời, chắc các bạn đã từng có lần nhận được cái gọi là thơ luân lưu (?)
    Trong đó cái nào cũng hao hao giống nhau, mà hầu như không có lời khuyên bảo gì về đạo hạnh, về làm việc phước đức, xa lánh tội lỗi… chỉ rặt là những điều vu khoát, nói rằng ông kia bà nọ chép ra 9 bản gởi cho 9 người thì được ơn này ơn kia, trúng số, trúng đề; nhưng cũng có những người không tin, vất vô sọt rác nên bị tai nạn xe cộ, bị vợ bỏ, bị mất việc v v..
    Ngày nay, đã có máy copy thì việc in ra 9 bản đâu có gì là cực nhọc, nhất là khi nhận được trên email thì lại càng dễ dàng hơn nữa chỉ nhấp con chuột mấy cái là xong, nhưng ngày tôi còn nhỏ, mấy bà chị tôi nhận được thư luân lưu là sợ hết hồn hết viá. Trong thư nói rằng đây là một lá thư bay xuống từ núi Bà Đen, vào ngày tháng đó, năm đó, sẽ có tai ương từ trời đổ xuống, ai chép ra 9 bản thư này thì sẽ được cứu thoát.
    Thanh niên thiếu nữ trong làng lo đi mua giấy tập, bì thư, nằm xoài ra giường, dùng viết lá tre chấm mực tím mà viết cho đủ 9 tờ. Rốt cục trong làng có bao nhiêu người đâu, nên cứ người này gởi cho người kia, thành thử mỗi người nhận được cả trăm tờ thư. Khỏi nói thì ai cũng biết sau cùng những lá thư này được chui vô nhà cầu!

    Hiện nay thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhận được trên email những lá thư vô bổ này, và thẳng tay delete mà vẫn …sống sởn sơ như thường, nhưng vào những năm xa xưa, ở mãi trong miền rừng xanh đất đỏ xa xăm, mà dân tình ít học thì sự sợ hãi nghĩ cũng là thường tình.

    Năm 1958 gia đình tôi xuôi về miền Hậu Giang-Kiên Giang, nhưng trong lòng lúc nào cũng vẫn nhớ về ngôi làng nghèo nàn thuở xưa, vẫn ước mong được về thăm lại, sẽ đi qua những địa danh mà ngày nhỏ thường nghe: Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng, Củ Chi, Bến Cát, Thanh An, Cỏ Trách… và biết đâu trong dòng người xuôi ngược đó, lại bất ngờ gặp lại được những người bạn thuở ấu thơ.

    Nguyễn Viết Tân
    Last edited by Phòng Trực; 01-31-2013, 04:18 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X