Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhóm ba chàng mưu sinh

Collapse
X

Nhóm ba chàng mưu sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhóm ba chàng mưu sinh

    NHÓM BA CHÀNG MƯU SINH

    Bút Ký

    Đã lâu tôi tìm cách liên lạc với hai người trong nhóm mà đành bó tay, từ khi ra khỏi trại tù đến nay, người về trước, kẻ về sau, người tứ xứ về tứ xứ, gọi là trở về nguyên quán, tôi quanh quẩn nơi này, biết tìm họ nơi đâu!


    Không biết từ bao giờ mà ba đứa chúng tôi hợp thành một nhóm ở chốn thâm sơn cùng cốc này, cũng hay, ba cây chụm lại thì thành núi cao, đó là Khiêm, ít nói, đậm người rắn chắc, cái gì nặng thì anh ta cán đáng, khiêng cây chung thì anh khiêng đằng gốc; Chiểu liều mạng, có tài kể chuyện tiếu lâm và tôi, chơi với nhau cũng để nương nhau lúc khó khăn, chuyện vãn mà không phải dòm trước ngó sau, nhất là khi có ai kiếm được gì để bỏ vào mồm thì lại chia cho người khác, dịp đầu tiên chúng tôi chia nhau là ở đội phát quang, thấy con rắn lục xanh như tàu lá chuối, cuộn tròn trong bụi rậm, mấy cây cán cuốc nện xuống, chúng tôi dấu con rắn, đến trưa đem xuống suối làm thịt, chờ đến tối mới nấu nướng bằng lon gigô, trên đống lữa đốt rác.

    Khi cái bụng lúc nào cũng lõm vào ngay cả sau một bửa ăn, thì ai cũng nghỉ cách tìm cái gì để lấp vào, hôm đó một ngày như mọi ngày, trên đường đi làm, tức là đi vào rừng, chúng tôi ngang qua rẩy bắp, tôi ra dấu hai chàng kia đi thụt lùi, sẽ tính chuyện đi ngoài để lủi vào đám bắp kiếm ăn, Chiểu bước ra khỏi hàng nói với vệ binh:
    - Báo cáo cán bộ, cho tôi đi vệ sinh!
    - Đi “khẩn trương” lên nha!, tên vệ binh đồng ý.
    Hắn cũng đồng ý cho tôi đi, nhưng đến Khiêm thì hắn không cho, hai thằng tôi lủi sâu vào đám bắp, vừa đứng đi ngoài, vừa cạp bắp sống, thậm chí phải xoay tròn trái bắp trên hai hàm răng cho nhanh, thật là êm bụng, chúng tôi không quên lận trong lưng hai trái cho Khiêm, phải chùi miệng cho sạch, hai thằng coi cho nhau trước khi đi ra, chứ nó mà bắt được màn “cải thiện linh tinh, phá hoại chính sách” này thì khổ thân.


    Chúng tôi về trại nhẫm tính, rẩy bắp này ở hướng Đông, nằm giữa triền suối và con lộ từ cổng chính đi ra, đường chim bay có lẻ hơn nửa cây số, ba chàng bàn chuyện đi hái trộm, đi qua cổng ra đường là không được, cái bót canh trên trời nhìn xuống bao phủ quanh vùng, ngày đêm lăm lăm họng súng, vậy thì…như vầy, như vầy…

    Nửa đêm tôi nhận mấy cái khèo chân, tôi tỉnh ngay, thật ra dù mệt đừ sau mỗi ngày lao động về là ngũ say, nhưng đêm nay tôi chỉ chập chờn trông chờ phút này, tôi nhẹ nhàng bò ra khỏi giường, cố không gây tiếng động nhưng cái giường làm bằng sậy thật mong manh, tôi nằm yên một chút coi như là tiếng trở mình, rồi với tay lấy cái quần dài buộc quanh cổ, hai ống quần đã túm sẳn để chốc nữa đựng chiến lợi phẫm. Ba chàng nhẹ nhàng vén liếp cửa, loại cửa chống ở miền quê, len ra khỏi căn nhà tranh, cũng vách sậy, chứa hai mươi lăm mạng, trong hai mươi hai mạng còn lại có ai nghe thấy gì không?, theo nội quy là sau Mười giờ phải tắt đèn, không được ra khỏi nhà. Chúng tôi nắm tay men theo đường đất xuống suối, đây là bến cho tù cải tạo tắm giặt, may mà cánh cỗng nhỏ này chỉ đóng hờ, có cái bót gác nhưng bỏ trống đã lâu.

    Trăng hạ tuần chưa lên, trời tối như mực, chúng tôi di chuyễn chậm chạp cho đến khi dẫm chân lên cát, lội xuống suối, khi mực nước lên đến thắt lưng mới thấy ớn lạnh, chúng tôi hì hụp, có khi bò trên từng tảng đá trơn trợt, gọi nhau đi sát vào bờ, tránh gây tiếng động chừng nào hay chừng đó, chỉ có tiếng nước róc rách, cảnh vật như đông đặc, ba chàng vẫn hăng hái tiến bước, chẳng còn nghỉ là sẽ bị lộ hay không?, nhìn lên, chỉ thấy in trên nền trời, bóng những ngọn cây nghiêng ra lòng suối.


    Vừa đi vừa đoán chừng kẻo quá lố, đã thấy cái lạnh thấm dần, ở đây khí hậu thật khó chịu, ban ngày như lữa đốt, ban đêm thì lạnh buốt, không biết chúng tôi đã lần mò dưới suối được bao lâu, thì bỗng thấy triền bên phải hiện lên một đường thẳng nằm ngang, chia nền trời làm hai mảng, chỉ có rẫy bắp mới có ngọn không lồi lõm, tôi vội lên tiếng:
    - Chính nó đây rồi, chắc chắn!
    - Không biết cách trại bao xa? Khiêm nói.
    Chiểu cũng ngước lên, ba đứa rất phấn chấn, tìm chỗ leo lên là một vấn đề, chỗ vách đá không leo được, chỗ bờ đất thì sạt lở, chúng tôi phải níu rể cây và dây leo để đu người lên; rồi cũng lên tới nơi, việc trước tiên là mỗi người bẻ vài trái bắp ăn liền, ba chàng nằm xuống thảm cỏ ướt sương, vừa thở vừa nhai, cạp lẹ thêm mấy trái nữa, chúng tôi vội vàng bẻ bắp bỏ đầy hai ống quần, choàng qua cổ đu đưa trước ngực, rồi thã người tuột xuống suối, chúng tôi chỉ sợ ngã lăn thì văng mất số bắp, uổng công đêm nay, đã biết đường rồi mà sao đường về xa quá, không biết có gì rình rập phía trước không? Bến nước quen thuộc đây rồi, vẫn vắng lặng, chúng tôi leo lên bờ, bương sâu vào những lùm cây tìm chỗ khuất, đào cát chôn tất cả bắp vào một hố, làm dấu, để trưa mai sẽ lủi vào đây đào lên mà nấu.

    Trở lại căn chòi tranh, trăng đã lên, nhìn thoáng bao quát một vòng để xem động tĩnh, hai mươi căn lều nhốt năm trăm mạng người, vẫn nằm im thin thít trong bóng đêm, tôi chưa khi nào thấy cảnh tượng khu trại tịch mịch và u buồn như thế, những ngôi nhà tranh nằm san sát, từng dãy ngay ngắn, thoáng hiện trong sương mù trông như những ngôi mộ khỗng lồ; chúng tôi mò tìm vào chỗ ngũ, rón rén thay bộ đồ ướt, lên giường nằm im, lúc này hơi thở mới trở lại bình thường, không ngờ đêm nay mọi chuyện suông sẻ.

    Trưa mai, sau khi chia cơm, nuốt vội mỗi người một chén cơm độn sắn và con mọt, cầm cái lon húp luôn chút nước mằn mặn với mấy lá rau được gọi là canh, ba đứa chúng tôi một chút hồi hộp lẫn vui mừng, xuống suối nấu bắp, tìm một chỗ khá xa, cây ngọn cao để không ai thấy khói bay lên, chúng tôi nấu đầy một thùng đạn đại liên, nhâm nhi, sau khi khá no bụng, chúng tôi đem theo một ít để dúi cho anh em thân thiết, cái phản ứng đầy ngạc nhiên, tò mò của mấy anh chàng cầm nửa trái bắp trên tay làm tôi thấy chuyến đi hồi hôm rất hửu lý, anh ta gặn hỏi:
    - Đâu vậy?.
    - Cất đi, dài dòng lắm! tôi nói nhỏ.
    Cứ như thế, cách một trưa là chúng tôi lại xuống suối nấu bắp cho đến khi sạch sẽ, chúng tôi giấu cái thùng sắt đựng đạn dùng làm nồi, biết đâu có khi cần, đến bây giờ, có lẻ chỉ ba đứa chúng tôi là biết có chuyện này trên đời.


    Tháng ngày lê thê, đất trời thì vẫn thế, chúng tôi đã bị cô lập với thế giới bên ngoài, để khuây khỏa, có anh bạn nhà viên, cái tiếng “nhà viên” nghe rất lạ tai, nhà trưởng nhà viên là một, cũng tù như nhau, nhưng trại trưởng trại viên là không đội trời chung, anh nhà viên này bẫy được con chim khứu nuôi làm vui, tôi hỏi cách làm bẫy để kiếm một con, sáng sáng đi làm, đem lồng bẫy theo đặt cầu may, xuống mấy khe trũng yên tỉnh mà đặt, chiều trước khi về, lẻn ra coi rồi đặt lại qua đêm, mỗi lần như thế rất hồi hộp, lần này thật bất ngờ, tôi không bắt được chim khứu mà một con gì khá to, lông đen và vàng rực đang xoay xở bên trong, thì ra đó là một con bìm bịp, loại chim này rất nhiều thịt và là một vị thuốc nữa, nghe nói thế, nhóm chúng tôi tối hôm đó lại chia xẻ ngọt bùi bên đống lửa, tôi kiên nhẫn theo đuổi trò chơi này cho đến khi bắt được một con khứu, sau này khi ra khỏi trại, tôi đem nó theo, con khứu và ống thuốc lào là hai vật tôi đem từ trại tù về, để kỹ niệm thời gian đen tối nhất trong đời.

    Thỉnh thoãng chúng tôi dấu củ sắn (củ mỳ) luồng trong tay áo hay rau tàu bay trong túi quần; sau mỗi trận mưa, chúng tôi lại bắt được một số nhái, tự nhiên chúng tôi lại biết cách làm bột lọc, mài sắn củ, lắng bột, phơi khô để dành; làm bột nêm canh từ nhái con, bắt nhái phơi khô, tán mịn, mỗi khi hái được nắm rau rừng nấu canh, thì bỏ một chút bột nêm này vào để có mùi tanh, lúc này thật kỳ lạ, các loài dế, cào cào, cắc kè, rắn mối, cóc nhái…biến đi đâu mất, khó mà tìm thấy quanh trại.

    Xin kể một chuyện kiếm thêm đồ ăn, có một anh nhà viên ngâm một lọai thức ăn vuông vuông trong cái nón sắt, có thứ nước nâu đen, sau mỗi bửa ăn anh vớt ra một miếng để ăn thêm, thì ra đó là bắp chuối, anh mời tôi một cục, tôi cắn thử, xin lỗi đắng hơn ký ninh, tôi trã lại, trong nhà không ai ăn được chỉ trừ anh, không ngờ bắp chuối rừng lại đắng như thế; tôi nghiệm ra, bỏ đói là cách thúc đẩy con người làm những việc khác thường, bỏ đói cũng là cách kềm chế thể xác lẫn tinh thần con người, kẻ thắng đã thực hiện như thế với tù binh.

    Nhóm chúng tôi vẫn siêng năng tìm tòi, có lần thấy ngoài hàng rào gần cỗng gác, cảnh vệ có trồng ớt và đu đủ, bên ngoài khá quang đảng sạch sẽ nhưng bên trong cỏ mọc lúp xúp, một buổi chiều sau giờ đi làm, chúng tôi phân công một chàng giả bộ ra ngoài hàng rào xin vài trái ớt, rồi chờ lúc tên cảnh vệ ngó lơ thì bức đu đủ ném vào, bên trong hai chàng giả đi hái rau, dòm chừng, lắng tai nghe đu đủ bay vào, lượm mà lủi về, còn chàng ở ngoài thì xòe tay cho tên cảnh vệ coi mấy trái ớt trước khi đi vào cỗng.

    Chúng tôi ba đứa độc thân, vẫn chung đụng với nhau như anh em một nhà, mà một nhà thật, nhà Một, trại Bốn, Hiệp Đức, hàng đêm bên ống thuốc lào, kể cho nhau nghe về đơn vị, về gia đình, người thân, biết có bình an không?, về người bạn gái mà giờ đây chẳng biết nơi đâu!, ba người nhìn ra khoảng tối, trầm ngâm, uất hận, biết bao cuộc tình dang dỡ vì cuộc bại trận này! Chúng tôi tuy ở những đơn vị khác nhau, mỗi người mỗi miền, chưa từng quen biết nhưng chúng tôi cùng suy tư và chắc chắn là cùng chung chí hướng, Khiêm ở An Ninh Quân Đội, Chiểu ở Phân Chi Khu, tôi ở Không Quân, chúng tôi đã tình nguyện dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, tin tưởng vào một ngày thắng trận, nhưng giờ đây, biết bao câu hỏi “tại sao” đặt ra mà không ai trã lời được?

    Về sau chúng tôi dè dặt hơn vì có nhiều anh em bị nhốt vào nhà đất, đó là nhà kỹ luật, vì nhiều lý do như “cải thiện” để kiếm đồ ăn, bực tức phát ngôn bị cho là “phản động”…, chuyện tìm đồ ăn của nhóm chúng tôi chắc chưa bại lộ, nhưng tên quản giáo cảnh cáo tôi là “còn mơ tưởng đế quốc”, chẳng lẻ kể chuyện đi đây đi đó cho anh em nghe hoặc hát nhẫm vài câu cũng bị báo cáo, lúc này tôi tự may được một cái mũ bo rộng vành, ghi câu “good bye my …” trên vành mũ như một lời giã biệt với kỹ niệm, Chiểu bị cảnh cáo “phát biểu linh tinh”, thật ra anh ta hay làm bộ điệu chế diểu cách của vệ binh, như khi thấy anh em đứng ngồi túm tụm, Chiểu bước tới, đưa tay trái ra, lật ngữa bàn tay làm như cái mỏ, ngón trỏ tay phải làm cái dùi, gỏ xuống từng nhịp rồi lên giọng:
    - Lày! Tôi nói cho các anh nghe nha! nàm thì ra nàm, chơi thì ra chơi,
    không có vừa nàm vừa chơi đấy nha!
    Thế là anh em có dịp cười cho qua ngày, đó là cái máu tiếu lâm của Chiểu.

    Màn lên lớp giữa trưa sau một buổi lao động thật là cực hình, trong khi đang đói và mệt lã, không cho về mà phải nghe cái điệp khúc không đâu vào đâu, nên đã xẫy ra vụ Thiếu tá họ Võ, thuộc tổng trại I, Hiệp Đức, không chịu được tên cảnh vệ non chọet cứ chửi mắng dông dài, anh bước ra đá hắn một cái lật nhào, tên cảnh vệ thứ hai báo động, chúng đem anh về nhốt, nửa đêm dẫn anh ra suối bắn, thế là xong, giữa núi rừng thâm u, không ai chứng kiến một anh hùng vừa hy sinh!

    Trở lại cái nhà đất để khống chế người tù, đó là một cái hầm nổi, mọi bề đều bằng đất, chỉ có mặt trước được chèn bằng thân cây để có thể nhìn vào bên trong xem người tù thế nào; nằm đất, vào đây phần ăn còn bị giãm bớt, cái đặc điểm của nhà kỹ luật này là mỗi cạnh cũng như chiều cao được làm ngắn lại, để người tù không thể nằm thẳng chân và không thể đứng thẳng lưng, vào trong đó một tuần thì gân cốt rút lại, khi thả ra chỉ bò mà thôi.

    Trại chúng tôi nằm dưới thung lũng, gần suối, con suối là cái gì rất thân thuộc, ít nhất ngày hai lần chúng tôi cần nó, tắm rửa và lấy nước uống, đầy vi trùng sốt rét, đến mùa mưa, nước dâng cao, buổi sáng đi làm phía rừng bên kia thì phải lội qua giòng nước chảy xiết, lạnh buốt, chỉ níu vào sợi giây mây giăng ngang hai bờ; một chuyện thương tâm xẫy đến, anh bạn nhà Sáu vuột tay, nước lủ cuốn đi, anh mãi mãi ở lại bên triền suối, chỉ có vài người bạn tù vừa lấp vừa tiễn đưa.

    Nhóm chúng tôi một hôm đi rừng đốn cây về đốt than, tù không được dùng than nhưng không biết than đi đâu?, cây rừng thì vô tận, công tù thì như nước sông, chúng tôi chỉ biết vắt sức lao động; đang làm quần quật dưới một tàng cây, thì thấy một con cắc kè phóng ra từ một bộng cây để đớp sâu, cứ mỗi lần có con sâu vừa rơi xuống thì một hai con cắc kè chạy ra tranh nhau, rồi chạy trở lại vào tổ, những con sâu này tự làm hại mình, ăn lá non mà cắn luôn cuống lá nên mới bị rơi xuống đất; cắc kè núi có khác, to bằng cườm tay và đen thui trông gớm ghiếc, đợi cho con cắc kè phóng ra, chúng tôi một đứa chận đường về của nó, hai đứa cầm cây rượt theo cho đến khi tóm được.
    .

    Khi nghe tin anh em nhà Hai Mươi ở dãy đối diện, lót ổ dụ gà của vệ binh vào nhà đẻ trứng làm chúng tôi tò mò, anh em bên đó chỉ lấy trứng chứ không dám bắt gà, Chiểu bèn đưa ý kiến làm sao bắt một con gà, hai thằng tôi cũng đồng ý và tìm cách thực hiện, chuyện này mà lộ ra, chắc chắn là nhóm tôi bị nhốt vào nhà đất, chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có cơ hội, ngày đi làm thì có hai cảnh vệ, một đi trước dẫn đường, một đi sau đoạn hậu, khi về trại thì đông người, ban đêm không biết lúc nào quản giáo, vệ binh ở trại sát bên ra vào rình rập, mà ban đêm thì gà đã về chuồng.

    Cho đến một hôm, đó là ngày Tết, mùa Xuân lại đến sao!, có lẻ chúng tôi nôn nao vì chuyện sắp thực hiện hơn là đón năm mới, hôm đó tù binh được nghỉ làm, cảnh vệ cũng ở nhà, tù sẽ tập trung tại hội trường để ăn một bửa đặc biệt, có thịt heo do nhà bếp nuôi, không hiểu mấy con heo này ăn gì trong khi tù không có ăn? Hội trường là một cái nhà tranh khỗng lồ, mái liền mái, không phên vách, có dựng hơn năm chục cái bàn cây đóng xuống đất, mặt bàn làm bằng cây “sặc”, ghế cũng đóng xuống đất, do tù dựng lên để tập trung nghe giáo điều; khi tìm ra cây sặc thì chúng tôi thay bàn ghế, giường nằm… bằng loại cây này, nhỏ hơn cây sậy nhưng thân bóng và bền hơn. Chúng tôi âm thầm thực hiện theo dự tính, sẽ để dành một ít sắn , bắp khô để dụ gà…, tôi và Khiêm sẽ có mặt tại hội trường trước giờ khai mạc để khỏi bị nghi ngờ, tôi và Chiểu chung một tổ, chỉ nên vắng một người và chốc nửa tổ kia chỉ vắng Khiêm.

    Chờ cho cả trại tập trung xuống hội trường, chỉ còn một vài bóng từ những ngôi nhà đằng xa thì chúng tôi mới khởi sự: Trong khi tên trưởng trại thao thao bất tuyệt, tôi và Khiêm nhanh chóng trở lại căn lều, Chiểu đã núp sẳn trong đó, Khiêm đi quanh để xua gà vào gần, tôi buộc lẹ sợi giây vào cây chống cửa rồi cầm đầu giây đi núp, chờ đợi…, nhìn theo con gà thong dong mỗ theo đường rải thức ăn, đến gần cửa, rồi từ từ lọt vào bên trong, tôi giật mạnh sợi giây, cây chống chỉ gài hờ, cái cửa đập xuống, con gà bay lên, rồi nhiều tiếng bay vù vù, tiếng đập cánh lẫn tiếng gà quát bên trong, có lẻ Chiểu đang rượt đuỗi nó, trong nhà chắc không đủ ánh sáng vì cửa đã sập hết, hai thằng tôi đứng bên ngoài, khuất sau nhà bên cạnh mà từ hội trường nhìn lên không thấy, mắt trông chừng coi có ai tới gần, thời gian sao trôi chậm quá, thật hồi hộp, tiếng con gà quát to như sấm, hai thằng tôi cứ liếc nhìn về phía cánh cửa liếp, lúc này có gì thì cũng đã phóng lao rồi…, cho đến khi thấy Chiểu đẩy cửa chui ra tôi mới thở hắc, Chiểu với hai tay không, thong thả đi xuống suối, con gà đã giấu trong ngưòi, tôi và Khiêm đi lẹ xuống bếp xin hai bi-đông nước sôi (vì một người chỉ xin được một cái) rồi đem lẹ xuống suối, chỗ nấu bắp lần trước, để nhổ lông gà, việc làm gà giao cho Khiêm, tôi và Chiểu trở lại hội trường.

    Ai cũng hỏi đi đâu vậy! tôi chỉ vào cái bụng ý nói đau bụng; hội trường vẫn chưa được ăn, tên trại trưởng đang còn vung tay, lên giọng xuống giọng một cách hăng say, lúc này hắn đã leo lên đứng trên một cái bàn ở giữa hội trường, trong lúc hắn đứng thì mọi người cũng không được ngồi, mấy khi cách mạng sộp như thế này nên hắn phải tận dụng, ăn cơm không độn, với chút thịt (da) heo, có lẻ cảm thấy vừa đũ, hắn hạ giọng:
    - Các anh phải “quán triệt” chính sách khoan hồng, nhân đạo của cách
    mạng mà cải tạo cho tốt,…phải...phải.., về sớm hay muộn là tùy các anh!
    Hắn vừa bước xuống thì một tên cán bộ khác leo lên cái bàn, tiếp mấy câu rồi nhấn mạnh:
    - Vậy hôm nay các anh ăn uống cho “khí thế” nha!
    Há! mọi người trợn tròn mắt, bỗng nhiên không hẹn mà cả hội trường cùng “Ồ” lên một tiếng, lẫn tiếng cười khục khặc, tên cán bộ không hiểu chuyện gì, hắn ngạc nhiên đảo mắt nhìn quanh rồi nạt lớn :
    - Ổn định! Ổn định!
    Chúng tôi không hiểu ý hắn muốn nói gì, chỉ đoán lờ mờ mà lắc đầu ngao ngán, không hiểu đến lúc này, lớp cán bộ đó, có biết thế nào là nói đúng tiếng Việt chưa?, tiếng Việt mà người Miền Nam đã xữ dụng.
    Có lẻ Khiêm đã xong công việc dưới suối, tất cả tù trở về lán trại, chiều nay ở nhà, chúng tôi đem cờ tướng ra chơi chờ trời tối, cuối năm nên có nhiều thân nhân thăm nuôi, vài nhóm tụ lại ăn uống sơ sài, nhưng để đề phòng chúng tôi vẫn dọn bửa này trong mùng, trước khi bày thịt gà ra, Chiểu nói: “chờ tí!”, anh ta muốn cho đũ vị, bèn tính chuyện chui rào qua trại vệ binh nhỗ trộm xà lách, Chiểu thật là người gan dạ, ở bên đó tù binh không được bước qua, chỉ khi sai biểu gì thì có cảnh vệ dẫn đi, cuốc rựa cũng phải tập trung bên đó vào ban đêm, sáng sớm qua nhận về đi làm; giờ này thì cái cửa ngăn giữa trại tù và cai tù đã khóa, nhìn ra trời đêm hai thằng tôi lại một phen hồi hộp, Chiểu vơ đại cả đất cát đem về, ăn xong chúng tôi ra sân ngồi, đêm nay chúng tôi cũng có niềm vui nho nhỏ đón Xuân.

    Sáng sớm hôm sau, khi chúng tôi đang lục đục chuẫn bị cho một ngày khổ sai, nghe nhốn nháo bên kia hàng rào, quanh vườn rau, tiếng cảnh vệ la lên:
    - Ôi giời ôi! Thằng lào mà tợn thế! Ông bắn bỏ cã nũ đấy nha!

    Ở bên này, ba thằng tôi đưa mắt nhìn nhau, tiếp tục hút thuốc lào.

    Thời gian thấm thoát hơn ba mươi năm, những kỹ niệm ngọt bùi lẫn đau thương cùng nhiều thử thách lúc ở trong trại, tôi sẽ không bao giờ quên, chắc ba thằng mình giờ này tóc đã điểm sương, mà không biết thời gian có đợi chờ, cho chúng mình cơ hội gặp lại nhau, nhưng dù ở phương trời nào, hai bạn vẫn biết là có một thành viên trong nhóm, luôn nhớ đến hai bạn với lòng quý mến chân thành.


    Thu 2010
    Phan Văn Dinh
    Last edited by hung45qs; 02-28-2011, 07:18 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X