Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiếng vọng từ khe núi sơn trà

Collapse
X

Tiếng vọng từ khe núi sơn trà

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiếng vọng từ khe núi sơn trà

    TIẾNG VỌNG TỪ KHE NÚI SƠN TRÀ



    Trung Tâm 2 Kiễm Báo Panama trên đỉnh Sơn Trà, nằm ngay cửa Vịnh
    Đà Nẵng, xa xa chân rặng Hải Vân mờ mờ trong mây thấp


    Đã một ngày hai đêm, chúng tôi chôn chân trên bán đảo này, mong tìm tàu bè hay một vật gì nổi mà thoát đi, trong khi từ cửa sông Hàn, tàu bè lớn nhỏ tua tủa nhắm chiếc tàu sắt trông mờ mờ ngoài khơi mà tiến tới, đứng trên bãi cát, tưởng chừng như đưa tay ra với được những chiếc ghe thuyền kia, nhưng giờ nầy là giờ thứ hai mươi lăm.

    Lần hồi chúng tôi cũng ra tới một bãi cát hẹp, ngắn độ nửa cây số, Bãi Bắc của bán đảo Sơn Trà, mà mùa này chưa hết mùa biển động, sóng cuồn cuộn tràn xa lên bờ, đêm hôm qua chúng tôi nằm ngủ co quắp trên cát trần, sát tận bờ cỏ và vài loại giây leo bò ngổn ngang, hai đầu bãi cát là ghềnh đá lượn vòng bao bọc quanh đảo, sóng vỗ dồn dập làm tung bọt trắng lên cao, tạo nên chuỗi âm thanh liên hồi như thúc dục chúng tôi phải tìm đường sống.

    Đúng nữa đêm hôm trước, đêm 28/03/1975, sau khi phá hủy máy móc đặt trong hai vòm cầu của Trung Tâm 2 Kiểm báo Đà Nẳng, đài Panama, thì đơn vị gần tám chục người thả mình theo khe suối trong đêm đen, tìm đường xuống biển, trước khi có lệnh rút vài giờ có tiếng trực thăng đáp, không lâu rồi cất cánh nhưng không ai rõ chuyện gì, lúc này đã trong tình trạng báo động đỏ sau khi mất Ban Mê Thuộc, VC tấn công vào thị xã tại đài Kiễm Báo Pyramid, Th/úy Hưng 72B hy sinh trong đêm đó.

    Chúng tôi tới chân núi khi trời vừa hừng sáng, rồi đi bọc theo bờ biển hết một ngày, cố leo qua những mõm đá xanh rêu cho đến khi gặp bãi cát này, không hẹn ai cũng dừng lại nghỉ ngơi. Theo như lệnh, đơn vị rút ra bờ biển sẽ có tàu đón, tất cả máy truyền tin thi nhau gọi liên hồi mà bặt vô âm tín, vài nhóm với quân phục khác nhau đã có mặt ở chân núi từ trước, đang tìm cách liên lạc với đơn vị mình nhưng vô vọng, chỉ còn sóng và nước, gió và bụi mưa.

    Đơn vị tôi lúc này đã phân tán khắp mạn Bắc núi Sơn Trà, hai anh bạn trong Nam cùng ra nhận đơn vị, Th/úy Vượng và Th/úy Thái cũng chẳng thấy đâu, riêng tôi nhập vào một toán khoảng hai chục mạng, không có ai quen, soát lại trên người đâu còn trang bị ứng chiến, áo giáp, nón sắt, súng dài… may còn lại hai bịch gạo sấy, nhìn quanh các anh em binh chủng khác đã hòa nhập tự bao giờ, mấy hôm trước có tin các đơn vị Bộ Binh và Tổng Trừ Bị đã di tản bằng tàu thuyền từ biển Lăng Cô ghé vào đây, toán chúng tôi có một số anh em Biệt Kích, họ như còn công tác và có bản đồ vùng núi này, gồm Đại úy Th., một Thiếu úy và một Chuẩn úy phụ tá, trong toán có nhiều Sĩ Quan cấp tá cùng nhau tìm đường thoát.

    Ba mươi sáu giờ đồng hồ trôi qua, những ai bị kẹt quanh đảo coi như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, không biết Đà Nẵng mất chưa?, làm cách nào đi về bên đó hay đi ra con tàu đang chờ ngoài khơi, nơi đây chẳng có thực phẩm và phương tiện gì, vỏ mấy bao gạo sấy cuối cùng đã nằm rải rác trên bãi cát, anh em bàn đi bọc quanh đảo để tìm tàu thuyền, sau cùng chúng tôi đồng ý đi về bãi Nam hay qua An Hãi để dò hỏi tin tức, một anh tìm trong bản đồ rất kỹ mới thấy được một đường chấm nhỏ, đứt khúc khi ẩn khi hiện, ám chỉ một con đường mòn ít xử dụng, tạm gọi là nối từ Bãi Bắc sang Bãi Nam.

    Nếu tính đường chim bay bán đảo Sơn Trà có chiều dài 13 Km, chiều ngang 5 Km, trên hai đĩnh cao hình yên ngựa, một phía là đài Kiểm báo Không quân, trách nhiệm vùng trời, bao phủ địa đầu giới tuyến và quần đảo Hoàng Sa, không phận đảo Cồn Cỏ là nơi thường hay thực tập không chiến vào buổi sáng, phía núi đâm ra biển là đài Kiểm báo Hải quân, tôi chưa ghé qua nhưng vẫn vẫy tay chào khi xe hai đơn vị gặp nhau trên núi, con đường đèo tráng nhựa ngoằn ngoèo khá dốc từ chân lên đỉnh dài 7 Km, leo bằng GMC mười bánh cũng mất ba mươi phút, chúng tôi không biết con đường chéo mơ hồ này dài bao nhiêu và có đi được tới Bãi Nam không?

    Sau cùng chúng tôi cũng mò ra đầu mối con đường mòn trên thực tế, hai bên là những cây trà cằn cỗi xen lẫn những bụi gai, chúng tôi có lúc phải leo, nhảy trên những mõm đá, bây giờ là buổi sáng, mưa bay bay và gió khá mạnh, bóng chiếc tàu lớn không còn thấy nữa, mọi người đã thấm ướt, hốc hác nhưng vẫn còn hăng hái, có vẻ lên tinh thần hơn hôm qua vì biết là mình đang đi đâu, ai cũng quyết tâm bằng mọi cách để thoát khỏi nơi này, thật hoang mang không biết những gì đang xẩy ra ở thế giới bên kia, đoàn người lặng lẽ theo lối mòn, vạch lá, lội khe, thỉnh thoảng lại gặp một toán mới, nhập vào, bên đường tiếng một con gà rừng bay vù.

    Con đường lại dẫn ra khỏi rừng cây để nhìn thấy biển, dưới kia là một bãi cát nhỏ mà anh em nói là bãi Nam, chẳng thấy có bóng người hay tàu bè gì nên lại tiếp tục hành trình, hy vọng gặp bãi đá An Hãi, đã xế chiều dù không thấy mặt trời, từ sáng đến giờ không thấy ai ăn uống, mưa vẫn lâm râm, đi mãi miết nên không thấy lạnh, đêm nay lại ngủ ở chốn này ư!, mọi người nhìn nhau mà chưa có câu trả lời, chẳng có gì nuôi sống, chỉ còn mấy cây súng là vốn liếng chung.

    …Nhưng! khi vừa ló ra khỏi lùm cây, những người đi đầu cùng ồ lên một tiếng và đưa tay chỉ về chiếc ghe đang dập dềnh bên ghềnh đá, có lẽ là một chiếc ghe đánh cá, sao giờ này còn neo nơi đây!, anh em tụ lại bàn là đi hỏi xem họ có thể đưa chúng ta ra chiếc tàu ngoài khơi kia không?, chúng ta trả tiền, bao nhiêu cũng được, (tôi sực nhớ chỉ còn số tiền còm cõi), hai anh biệt kích dợm bước đi thì Đại úy Th. kêu ra xa dặn riêng điều gì, hai thuộc cấp luôn lận sẵn mấy trái mini và Colt, mang theo sứ mạng tìm đường giải thoát cho số người còn đứng trên bờ đá cheo leo.

    Chúng tôi hồi hộp trông theo họ nhảy lên hụp xuống, lấp ló trên đường tiến đến chiếc ghe, đường thoát là đây, nổi xúc động tăng dần, phần đói và lạnh làm thêm run, khoảng cách độ hai trăm thước mà ai cũng thấy quá xa! chúng tôi ngồi xuống chờ, phóng tầm mắt bám theo hai người đi, ngoài khơi thoáng bóng chiếc tàu hy vọng.

    Họ đã đứng trước mũi chiếc ghe, rồi bước xuống, chui vào trong khoang, như vậy công việc có vẻ thuận lợi, một hồi lâu họ vẫn chưa trở ra, có gì trục trặc, thật căng thẳng!…Nhưng có ai vừa chui ra khỏi ghe… vẫy vẫy, rõ ràng là một anh đang đứng trước mũi ra hiệu cho chúng tôi tiến lại, mọi người thở ra nhẹ nhõm, cuối cùng rồi cũng còn đường, chúng tôi chưa tới số, lúc sau mới biết Đại úy Th. dặn họ là tùy cơ ứng biến và lúc gay cấn họ buộc phải khống chế chủ thuyền.

    Chiếc thuyền con phon phon ra khơi mang theo độ bốn chục mạng người, hướng về con tàu sắt mỗi lúc mỗi lớn dần, đã thấy rõ màu xam xám của nó, mưa vẫn bay và gió xốc ngược nhưng ai cũng muốn đứng phía trước mũi, ngóng ra biển khơi, mong khoảng cách mặt nước giữa hai con tàu biến đi, mọi người im lặng theo đuổi ý nghỉ của riêng mình, chỉ mấy ngày mà biết bao thay đổi, tiếng máy nổ đều đều, lòng phơi phới… Tôi quay nhìn lại Sơn Trà nhỏ dần trong sóng nước, nhìn lên hai ụ trắng hình cầu mờ trong hơi sương, chạnh nhớ quanh năm khí hậu trên đỉnh rất dễ chịu nếu không muốn nói là mát lạnh như cao nguyên, đôi khi tôi đứng đây nhìn về Đà Nẵng qua màn mây thấp mà thương nhớ thành phố, thời cắp sách đến trường, phố phường dìu dập, chốn phồn hoa dù là thời chiến tranh?, trái lại Sơn Trà như một miền đất lạ, các căn cứ nằm rãi rác chân núi, các công xưởng trải dài đến cảng Tiên Sa, im lặng, vắng bóng thường dân, thỉnh thoảng nghe tiếng gà rừng, đêm nghe con mang kêu tát, dọc đường lên núi đôi khi gặp mấy chú khỉ mông đỏ, gọi là giác hoàng hay giáp hoàng vì lông nó màu vàng, chúng nhún nhảy trên các tảng đá bên lề như muốn ra đón đường.

    Tôi dõi mắt nhìn chân trời xa xa, có lẻ những người trên thuyền này cũng như tôi, có những người thân đang lênh đênh trên biển, cùng đoàn người xuôi Nam và hẹn gặp ở phần đất tự do còn lại, Sài Gòn, tôi đã từ giã gia đình tại bến cặp mấy chiếc xà lan trong cảng Tiên Sa và trở lại đơn vị, lúc đó các ngã đường dẫn đến ngã ba Sơn Trà không còn chỗ đặt chân, ai muốn ra Tiên Sa để xuống tàu phải bỏ vũ khí tại đây… sóng vỗ tung tóe mạn thuyền, văng lên mặt, thôi tạm biệt Đà Nẳng!..

    Chiếc ghe hăng hái lướt đi trên đường hướng tới tương lai, bỗng sao nghe tiếng máy nổ rời rạc, pạch, pạch… rồi ngừng hẳn, có nhiều tiếng kêu hụt hẫng, mọi người xôn xao…chiếc ghe chậm lại rồi không tiến được tất nào, chòng chành gục gặc, chủ ghe tiến vào buồng máy, khom xuống đứng lên, vặn vặn gõ gõ, quay máy liên tục nhưng động cơ vẫn im lìm, rồi ông ta nhảy ùm xuống biển lạnh ngắt để xem chân vịt có vướng rác rưới rong rêu gì không?, mọi người hồi hộp, kiên nhẫn theo dõi chủ ghe và nhân công làm việc nhưng vô vọng, ụ máy vẫn là một đống sắt vô tri.

    Để ghe trôi lênh đênh, mặc cho gió đưa sóng đẩy rồi tấp trở về bãi đá, lại bờ đá oan nghiệt, bờ nào trông cũng giống nhau, trời đã chiều, chủ ghe buồn rười rượi nói chúng tôi lên bờ chờ tìm phương tiện khác, nếu ở lại trên thuyền lắc lư một hồi mà không tát nước kịp rồi cũng chìm, chúng tôi đành từ giã vật nổi được cuối cùng, một nổi hụt hẫng bối rối khôn tả, tất cả đều thúc thủ ở đây sao! Cái lạnh đã thấm vào người, nhìn xa xa dưới ghềnh, tôi thấy một chiếc xuồng cao su đen của Hải quân, loại nầy ít khi gặp, có mấy người đang khom khom ở đằng đuôi, không nghe tiếng máy nổ, vài người đang cố chèo ra bằng dầm tay nhưng công lao của họ chỉ cần một cơn sóng là đẩy chiếc xuồng vào gần bờ hơn, cuộc vật lộn này với phong ba đến bao giờ mới chấm dứt?, chúng tôi đứng ngồi trên những tảng đá nhìn nhau không ai mở lời, đây đó từng nhóm núp sau những lùm cây hay dựa vào vách đá để tránh gió, tâm trạng lúc nầy và một giờ trước đây thật khác biệt, ở hai thế giới tương phản, có và không, còn và mất, muốn tin vào tương lai nhưng còn gì quanh đây?, đêm nay xuống rồi sáng mai có còn thấy một ngày, ngoại trừ một phép lạ.

    Chiếc ghe trống không đậu lắc lư một hồi rồi từ từ trôi ra xa, vẫn còn trông rõ mồn một, bỗng dưng nổ máy nhắm một đường hướng về mũi đất phía Nam, chúng tôi sửng sốt!, sao không kiên nhẫn chờ sửa chửa, hay có gì khó hiểu trong việc này, có nhiều tiếng giận dữ, dù gì thì chiếc ghe cũng đã xa tầm đạn súng tiểu liên.

    Thời gian lúc này cứng ngắc, máu trong người như sôi lên, ai cũng muốn phải làm một điều gì đó, đâu là giải pháp cho tình huống này? Chúng tôi không dám nhìn vào mắt nhau nhưng cũng cảm nhận ra bao nổi oan khiên, uất hận trong đó.

    Từ xa có bóng hai chiếc ghe nhỏ vừa ló ra khỏi mũi đất mà phía bên kia là Đà Nẵng, hình như đang tiến về hướng chúng tôi, tiếng động cơ nghe rõ dần, chúng từa tựa như chiếc ghe cá hồi chiều, không lẽ ông chủ ghe đó về kêu chiếc khác ra cứu chúng tôi, lòng phập phồng vui sướng khôn tả, sắc mặt ai cũng tươi trở lại, mấy hôm nay tâm trạng chúng tôi thay đổi liên tục, từ cực tiểu đến cực đại, rồi ngược lại, chúng tôi nhốn nháo tìm một chỗ đứng để nhìn cho rõ, chờ đợi… Nhưng mọi sự đã kết thúc!, hai chiếc ghe chậm chậm dừng lại cách một khoảng, văng vẳng tiếng loa kêu đầu hàng, những họng súng hờm sẵn, ghe cập vào bờ, chúng tôi tiến ra, xuống thuyền, có người đi ngược lại, lẫn vào những lùm cây, họ không chịu đầu hàng.

    Khi hai chiếc ghe chở chúng tôi rời xa bãi đá một đoạn thì tôi nghe những tiếng nổ từ trong bờ vọng ra, mọi người quay đầu lại, thấy từng cụm khói đậm màu sau mỗi tiếng vang, phủ trên những tảng đá, ngọn cây, một người nghẹn ngào thốt lên: “chúng nó rút chốt rồi!”(chốt lựu đạn), cay đắng dâng trào…các anh đã ở lại vĩnh viễn với đồi núi Sơn Trà.

    Chiếc ghe chở chúng tôi lướt vào một bãi cát rộng khi trời tối hẳn, tôi vẫn nhận ra Thọ Quang nhưng khác lạ, biển đông người, dơ bẩn, nhốn nháo, mấy người đeo súng chấm đất chạy tới chạy lui, tôi lặng người nhìn ra biển lớn, một màu xám đen ngang tầm mắt, chỉ còn hình dáng núi Sơn Trà cao lồ lộ, hiện rõ trên nền trời như muôn đời che chắn cho Đà Nẳng, dọc theo nền cát nham nhở, đây đó những ánh đuốc lập lòe như ma trơi trên bãi biển thân yêu.

    Sau hơn ba mươi năm, những diễn biến ngoài ghềnh đá bán đảo Sơn Trà như một đoạn phim gay cấn, tôi vẫn không sao biết được là chiếc ghe chở chúng tôi ra con tàu lớn, có thật sự bị hư máy hay chúng tôi đã bị lừa?, số tiền đưa ra thuê là bao nhiêu, có được chấp thuận không và hai anh Biệt kích đã cướp chiếc thuyền như thế nào?. Tôi có nghe tin Đại úy Th. đi tù cải tạo ở Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, hai người bạn, Thiếu úy Vượng 72A, trên đường rút xuống biển gặp đoàn xe di tản của đơn vị Hải quân giữa đường đèo, anh quá giang vào cảng Tiên Sa xuống tàu, qua nhiều chặng anh tới Sài Gòn và di tản vào phút cuối, hiện định cư ở North Carolina; người bạn thứ hai, Thiếu úy Thái 72B, trong đêm lội bộ xuống núi anh lọt vào địa phận cảng Tiên Sa, sau qua bao gian nan đến phút cuối anh ra tới đảo Phú Quốc nhưng không thoát được; ba người bạn cùng điểm xuất phát đài Panama, 72 A,B,C, một đến miền đất hứa, hai đi tù cải tạo.

    Có những anh hùng hy sinh với tên tuổi, mộ bia và vòng hoa tưởng niệm nhưng cũng có vô số anh hùng Miền Nam tự nguyện ra đi không để lại dấu tích và xác thân họ tan biến vào không trung, trong đó có những anh hùng vô danh bên khe núi Sơn Trà, xin kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ.


    Bút ký Phan Văn Dinh 72C
    Thu 2009
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X