Thông báo

Collapse
No announcement yet.

SAN ANTONIO, Một Ngày Đáng Nhớ

Collapse
X

SAN ANTONIO, Một Ngày Đáng Nhớ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • SAN ANTONIO, Một Ngày Đáng Nhớ

    SAN ANTONIO, Một Ngày Đáng Nhớ



    Lần đầu tiên tôi theo chồng đi dự buổi họp mặt cựu Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân và cựu nhân viên huấn luyện bay, do căn cứ huấn luyện Không Quân Sheppard ở San Antonio tổ chức nhân ngày Memorial day năm 2003. Ðó thực ra không chỉ là một ngày, mà cả ba chúng tôi (gồm hai vợ chồng và ông thầy dạy bay của ông xã) đã trải qua gần ba ngày tràn đầy niềm vui và ý nghĩa trong suốt buổi họp mặt chuyện trò. Ông xã tôi và hầu hết tất cả các bạn bè của anh, ai ai cũng như được sống lại với những kỷ niệm xa xưa của một thời trai trẻ khi còn trong quân ngũ qua những mẩu chuyện vui, buồn về hình phạt, tập dượt trên không, và còn có cả những chuyện tình ái vụn vặt, lăng nhăng. Hàn huyên lại mới thấy thời gian sao trôi nhanh quá, mới đó mà đã ba mươi năm. Ba mươi năm với bao nhiêu thăng trầm biến đổi trong cuộc đời của mỗi người lính phiêu bạt trên đất Mỹ. Ba mươi năm gặp lại nhau để có chung nụ cười cho người có dịp được hội ngộ, và nước mắt cho người đã mất.

    Buổi đi thăm viếng đầu tiên bắt đầu vào trưa thứ sáu ngày 23/5 lúc một giờ, từng chiếc xe nối nhau rời khỏi khách sạn Laquinta ( nơi mà ban tổ chức đã dành trọn chỗ ở cho nhũng người đến tham dự từ Houston, Dallas…và nhiều tiểu bang khác nhau ) để đến trường Raindoph. Mọi người được chia thành hai nhóm lên hai chiếc bus của trường. Một chiếc bus dành cho những nguời muốn bay link, vợ chồng tôi và ông IP (Instructor Pilot) của chàng lên chiếc bus đi tour vòng quanh trường. Trên chiếc bus của chúng tôi có hai nữ hướng dẫn viên duyên dáng trong bộ đồng phục Không Quân. Hai cô lần lượt giới thiệu lịch sử của từng building khi xe chạy ngang qua, ngôi trường thật rộng lớn như một thành phố. Tôi không thể nhớ hết những chỗ tôi đã đi qua, nhưng tôi không quên được sự oai dũng của những chiếc máy bay khác nhau đậu rải rác ở một vài phi trường. Tôi còn nhìn thấy cả những toà nhà từ nhà trẻ mẫu giáo cho đến trường trung học dành cho các con em của nhân viên trong trường. Xe ngừng ở một phi trường khoảng 30 phút cho mọi người xuống chụp hình. Những “anh hùng của thời xa xưa” đã hào hứng thay phiên nhau leo lên chiếc T37, T38, có chàng thì hiên ngang đứng, có chàng thì thư thái ngồi như hồi niệm lại lúc vừa đáp xuống phi trường quân sự sau mấy giờ bay trinh sát. Có cả những hiền thê cùng tham gia bên chồng trên chiếc may bay oai hùng. Những chiếc máy ảnh đủ loại hết dơ lên cao rồi lại hạ xuống, nghiêng sang trái, sang phải, vội vã tươi cười. Tôi cũng hân hạnh được trở thành một nhiếp ảnh trong giây phút đó để tranh thủ chụp cho chồng vài tấm trước khi rời khỏi khu vực phi trường… Sau buổi đi viếng cảnh đó , xe bus chở chúng tôi về lại chỗ đậu xe để mọi người lên xe riêng của mình trở về khách sạn nghỉ ngơi. Trên xe bus không ngớt những tiếng trò chuyện giữa bạn bè, tiếng cười vui đùa, chọc ghẹo hai nàng hướng dẫn viên và anh chàng tài xế còn trẻ măng , tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn tạo nên một âm thanh ồn ào mà ngộ nghĩnh. Tôi không có ai quen để chuyện trò như ông xã tôi và với bản tính thụ động kém xã giao tôi chỉ ngồi im lặng để nghe cuộc đàm luận. Dù như thế tôi vẫn cảm thấy vui lây với niềm vui của mọi người.

    Về đến khách sạn, ông xã tôi gặp thêm vài người bạn cũ, lại những cái bắt tay xiết chặt, những vòng tay ôm vai thân mật. Tôi thật khâm phục cho trí nhớ của những anh chàng mặc áo bay, không ai có dịp gặp lại nhau sau 30 năm xa cách vậy mà bây giờ chỉ cần nói tên là các anh đã nhận ra nhau rồi. Riêng ông xã tôi thì đặc biệt hơn, anh nhìn ra ngay vóc dáng của từng người bạn cũ và còn lập lại biệt danh của họ khi xưa còn trẻ trong đơn vị đã đặt .Thí dụ như anh bạn Hiệp hơi có da thịt một chút thì được đặt là “Hiệp mập”, anh Dương Điền thì gọi là “Dê Điên”. Các anh thật sự đang vui như cái thời còn trẻ tuổi nghịch ngợm. Chiều hôm ấy cũng có thêm nhiều người đến tham dự, Tôi gặp lại vài chị bạn quen, chúng tôi trò chuyện vui không kém gì các đấng lang quân. Cũng ngay chiều hôm ấy một bữa tiệc vui ngoài trời cho mọi người đã kéo dài đến gần nửa khuya giữa các vị gentlemen Mỹ -Việt với nhau. Không ai cảm thấy mệt mỏi, họ cứ uống, cứ trò chuyện, chỉ có cánh Ladies là phải từ bỏ cuộc trò chuyện để về phòng.

    Sáng thứ bảy ban tổ chức có hoạch định chương trình bay thử cho những anh chàng cựu phi công nào muốn bay cùng thân nhân mỗi vòng bay gồm 20 phút. Ông xã tôi có ý muốn thử nhưng tôi sợ nên không muốn chàng tham gia. Chúng tôi kết hợp với vài nhóm bạn lái xe đi River Side Walk ở Down town San Antonio. Giòng sông được thiết kế giống như một khe suối lớn giữa lòng thành phố với nhiều bậc thang dẫn xuống tận đáy sông, chung quanh là những mõm đá và nhiều cây xanh bóng mát. Trên sông thật tấp nập với hai chiếc thuyền lớn chở đầy những khách du lịch, có một cây cầu ngắn chạm đá nổi nối ngang hai bên bờ. Cảnh đẹp nhưng lại thiếu sự yên tĩnh cho những ai yêu thiên nhiên và thích tản bộ trong sự thong thả, vì các quán ăn đầy dẫy hai bên bờ, người đi bộ qua lại rất đông, có những chỗ người ta gần như phải chen nhau để tìm lối đi. Tôi đi mà luôn có cảm giác sợ bị lạc. Chúng tôi chụp hình giữa đám đông qua lại, chụp trên cầu, dưới bờ sông. Ði dạo một vòng bên này bờ sông, chúng tôi vào một quán ăn tạm hamburger để rồi lại đánh một vòng sang bên kia bờ sông đi tiếp... Cuộc hành trình lẽ ra còn tiếp tục, nhưng vài người đã thấm mệt, và mệt nhất là ông thầy của ông xã tôi, ông bị chứng bệnh Parkinson không thể ngồi lâu hơn trên chiếc xe lăn dưới cái nắng của bầu trời San Antonio, nên chúng tôi đành phải trở về khách sạn.


    Ðêm thứ bảy, một đêm đầy ý nghĩa. Chúng tôi có mặt tại hội trường Lackland đã thấy các bàn tiệc tròn sắp sẵn. Trên mỗi chiếc bàn đều có đặt hai lá cờ Mỹ Việt ở chính giữa, phía trước chính diện là một chiếc bàn dài phủ khăn trắng, bên trên được xếp đặt 4 cái nón tượng trưng cho 4 ngành quân đội khác nhau, những chiếc ly được úp xuống bên cạnh một lọ hoa đỏ và hai lá cờ Việt Mỹ (Ông xã tôi bảo đó là chiếc bàn dành để tưởng niệm những chiến sĩ trận vong). Một ban nhạc với người nhạc trưởng da đen trên sân khấu đang chuẩn bị dây đàn. Khi mọi người đã đến đông đủ, ban tổ chức ngỏ lời chào mừng tất cả những khách đến dự và sau đó là lễ chào cờ. Trong không khí trang nghiêm, một ban hầu kỳ gồm bốn người, ba người đàn ông và một người phụ nữ, người đàn ông dẫn đầu lá cờ Mỹ được trịnh trọng cầm trong tay người phụ nữ theo sau, kế tiếp là một chàng cựu sinh viên Việt Nam với lá cờ vàng ba sọc đỏ, sau cùng là một người sĩ quan, cả bốn người bước đều theo nhịp hô đi lên phía trước sân khấu quay mặt lại khán giả đứng im chào. Ban nhạc trổi lên bài quốc ca Mỹ hùng tráng, để lại trong những đôi mắt đang hướng về phía lá cờ kia có lẽ là những hồi tưởng hay những ý nghĩ khác nhau về nước Mỹ, mà phảng phất một ngày buồn 9-11 ?.. Sau bài quốc ca Mỹ, ban nhạc chuyển sang bài Quốc ca miền Nam Việt Nam, tự động vài tiếng hát cất lên và rồi dần dần nhiều tiếng hát cùng hoà nhịp vào nhau theo ban nhạc. Tôi thật xúc động khi nghe lại bài Quốc ca, và trong trí nhớ tôi lúc ấy chợt hiện lên hình ảnh của những người Sĩ Quan Võ Bị nghiêm trang đứng chào cờ trong ngày duyệt binh chào mừng lễ Quốc Khánh. Tiếng kèn như nhấn nốt cao hơn, tiếng trống như cũng dập mạnh hơn… Tôi lại nhớ đến cha tôi ngày xưa khi còn trong quân đội, cha tất tả về nhà ăn vội miếng cơm rồi lại ra đi, có khi mấy ngày cha tôi phải cấm trại không về. Thời chiến tranh là thế, hy sinh, mất mát, chia ly… những ánh sáng chớp nhòe từ những máy chụp hình và máy quay phim nhá lên liên tục, ai cũng muốn ghi lại hình ảnh giây phút trang trọng này. Bài Quốc ca vừa xong thì ban nhạc lại tiếp đến bài “Không Quân hành khúc “, lần này chẳng ai đợi ai, các chàng thi nhau đồng ca chung bài hành khúc, rất tự nhiên mà đều một nhịp điệu oai hùng. Sau bài hát là phần tưởng niệm các chiến sĩ trận vong. Phút mặc niệm được thể hiện bằng những lời đọc của một vị (có lẽ là cựu sĩ quan người Mỹ) nào đó, và lần lượt hai người đàn ông trong ban hầu kỳ trang nghiêm bước đến chiếc bàn phủ khăn trắng, bằng động tác từ tốn họ trân trọng nâng chiếc ly lên ngang tầm mắt dừng lại một chút và rồi từ từ hạ chiếc ly xuống úp vào chỗ cũ. Khi giờ phút mặc niệm đã xong, mọi người cùng ngồi xuống để bắt đầu buổi tiệc. Tôi nhìn khung cảnh chung quanh mà luôn chớp mắt vì những ánh đèn flash, tiếng chuyện trò vui không ngớt, sau màn tiệc là phần giới thiệu những cựu nhân viên đã từng phục vụ trong căn cứ huấn luyện Sheppard từ năm 1972 và phần phát biểu cảm tưởng của từng người. Ðiều đặc biệt nhất trong đêm hôm ấy đã làm tôi hết sức cảm kích đó là bài phát biểu được một chàng cựu Không Quân đại diện toàn thể khối Sinh Viên Không Quân Nam Việt Nam đọc. Bài viết đã nói lên được tất cả sự ưu ái chân thành của tất cả các cựu Sinh Viên Không Quân Nam Việt Nam đối với các cựu IP, sau bài đọc đó là phần bắt tay thân thiết giữa các thầy trò, bè bạn, ông xã tôi là người Việt nam duy nhất có thầy cũ đi tham dự cùng. Anh đã ôm chầm ông thầy để bày tỏ sự cảm ơn thắm thiết. Tôi còn nhớ thêm một nhân vật cựu Không Quân Nam Việt Nam đã đến tham dự từ nước Pháp xa xôi. Anh cũng được mời lên phát biểu cảm tưởng lúc đó. Kế tiếp là phần diễu hành các cờ đồng minh đã tham dự cuộc chiến tranh Việt nam và phần giới thiệu các thành viên trong ban nhạc. Người nhạc trưởng đã trình bày sơ qua thành tích về những buổi trình diễn của nhóm, ông cũng cho biết ban nhạc của ông đã hân hạnh được chơi bài Quốc ca Nam Việt Nam 13 lần ở nhiều tiểu bang khác nhau. Ðiểm đặc biệt thứ hai mà cũng đã làm tôi xúc động khi tất cả các chàng cựu Sinh Viên và cựu thầy dạy bay được mời lên trên phiá trước sân khấu để chụp hình, số lượng người quá đông không đủ chỗ đứng phải chen sát vào nhau. Ngay lập tức toàn bộ cánh phụ nữ dơ cao máy lên để chụp, để quay. Với chiếc máy ảnh nhỏ trên tay, tôi cũng cố chen chân vào để chụp, cái vui làm tôi hứng thú chạy lăng xăng nháy lia lịa, chẳng biết ai với ai. Khi đoàn người Mỹ đã tản mác bớt, những chàng không quân tập hợp nhau lại để chụp một tấm hình chung, lúc đó các chàng hứng chí đồng thanh ca bài “Việt Nam” thật hay, bài hát gợi lên trong tôi một niềm tự hào về dân tộc Việt mà từ bao lâu nay tôi mới được nghe lại giai điệu hùng mạnh đó. Sau màn chụp hình là phần khiêu vũ…

    Cuộc vui nào cũng tàn, hội ngộ rồi cũng đến giờ phải chia tay, niềm lưu luyến như hãy còn vương trong từng ánh mắt, trong những cái bắt tay nồng nhiệt và những lời hò hẹn cho kỳ gặp mặt tới. Chúng tôi giã từ San Antonio vào buổi trưa chủ nhật với vài người bạn trong bữa ăn thân mật ở một quán ăn Việt Nam nho nhỏ. Hương vị của những ngày vui đã theo tôi trên suốt đoạn đường trở về Farmington heo hút. San Antonio, ôi những ngày thật đáng nhớ.


    Thiên Lý
    Tháng 6 2003
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X