Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Giòng Ký Ức

Collapse
X

Những Giòng Ký Ức

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Giòng Ký Ức

    Những Giòng Ký Ức



    Quyên ngồi yên lặng bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời; tuyết vẫn rơi mỗi lúc một nhiều hơn. Cả đất trời như đang chìm trong một màu trắng mênh mang, lạnh ngắt. Những bông tuyết bay bay rồi đậu lại trên các nhánh cây khô làm nên từng cụm hoa trắng tinh khôi. Từng giây, từng phút, tuyết cứ phủ dày lên bao mái nhà, bao đồi cỏ một màu trắng xóa đến não lòng người. Tuyết đẹp chỉ để ngắm nhìn, nhưng tuyết gợi buồn quá, cứ mỗi một bông tuyết rơi lại một nỗi nhớ mông lung, rời rạc dậy lên trong ký ức Quyên. Những ngày thơ ấu nào đã rất xa, rồi những ngày bắt đầu làm người lớn, biết cảm xúc với thiên nhiên, biết cười bằng ánh mắt, biết mơ mộng về con tim, biết hát những bài tình ca và biết vần vơ nhung nhớ…một người…một người từ lúc là thư sinh cho đến khi anh vào lính. Rồi một ngày, tình cờ gặp anh trở về từ trại tù cải tạo; tàn tạ, khập khễnh với vết thương bên chân phải, chứng tích của sự trốn thoát tù tội. Nỗi vui mừng chứa chan nhiều nước mắt, hạnh phúc được gặp nhau chưa nói hết lời, và nụ cười chưa trọn vẹn. Anh lại ra đi, lại biệt tăm tông tích. Dù năm tháng đã quá xa, anh vẫn là anh đó, một người quen, một người bạn, một người yêu nhưng không đã là yêu. Anh đi, anh đến cũng như một huyền thoại trong lòng Quyên để cho Quyên bao mong nhớ, khắc khoải, chờ đợi, ngập buồn lên đôi mắt. Tuyết cứ rơi và lòng Quyên cứ nhớ, nỗi nhớ cứ dày theo từng hàng tuyết phủ lên giòng ký ức nặng nề, xa vắng…

    Sau biến cố lịch sử đau thương xuân 68, lúc ấy Quyên chỉ mới lên mười. Tình hình kinh tế trong gia đình Quyên bắt đầu đi xuống, vật giá leo thang, tiền lương của một sĩ quan biệt phái cấp úy như bố không đủ chi tiêu. Mẹ lại vừa sinh thêm em bé trai thứ tám, không thể mướn người làm, nên là con gái lớn trong nhà, Quyên phải gánh vác một phần công việc nội trợ để giúp mẹ. Khi bố mở lớp dạy kèm luyện thi tú tài toàn phần ban toán tại nhà sau giờ làm việc thì cũng là lúc anh xuất hiện. Trong số khoảng bốn, năm anh học trò đến học, chỉ có mỗi mình anh là hay nhìn Quyên mỉm cười, đôi khi anh còn cho Quyên kẹo nữa. Những hôm anh đến sớm nộp bài tập cho bố chấm, anh không hề ngồi tại bàn học để theo dõi bài sửa mà thường đến chỗ Quyên ngồi trông em nói chuyện, lần đầu anh hỏi Quyên: “ Em tên gì vậy?”, lần sau thì: “ Em học lớp mấy? Trường nào?” Có lần Quyên đang đút cơm cho đứa em trai thứ bảy, thằng bé được mười lăm tháng. Hôm đó, nó rất khó chịu không muốn ăn, cứ khóc và lắc đầu nguầy nguậy. Tưởng em đòi bế, Quyên xốc nách nó trên tay dỗ dành nhưng nó vẫn khóc tức tưởi, nó nắm tóc Quyên rồi ngả đầu ra phía sau gào to giận dỗi. Nó giẫy cái chân rất mạnh làm Quyên mất thăng bằng chao đảo rồi té. Ngay lúc ấy, Quyên cảm thấy như có bàn tay ai đó đã chụp lấy hai chị em Quyên từ phía sau. Lúc hoàn hồn lại, Quyên mới biết đó là bàn tay trợ giúp của anh học trò lơ đãng. Quyên nhìn anh bằng ánh mắt nửa biết ơn, nửa xấu hổ. Có lẽ tiếng em bé khóc đã làm anh phân tâm ngó ra ngoài sân, Quyên nghĩ chắc anh học dở lắm mới phải đi học thêm, đã thế sao thấy anh chẳng chú ý gì tới bài giảng của bố, cứ ngồi cười hoài trông anh điên điên làm sao. Một hôm, Quyên than phiền với mẹ rằng: “Bố có anh học trò kỳ cục quá, cứ nhìn con cười hoài.” Mẹ đã mắng Quyên: “ Ơ hay, mày không nhìn người ta làm sao mày biết người ta nhìn mày.” Quyên ngập ngừng không biết trả lời sao, mẹ nói thêm: “ Này, con hãy còn bé lắm nhé, đừng có nhìn ai vớ vẩn mà bị thôi miên đấy, lại coi chừng bị bắt cóc nữa , thời buổi loạn lạc này, đàn ông, con trai tuổi nào cũng đáng sợ.” Quyên hỏi mẹ: “Thôi miên là gì hả mẹ?” Mẹ nói: “Thôi miên là khi hai nguời nhìn nhau như bị bỏ bùa mê, tốt hơn hết là con không nên nhìn ai lâu nghe chưa?” Quyên chẳng hiểu hết lời mẹ dặn, nhưng nghe đến chữ bùa mê và bắt cóc thì tự nhiên Quyên thấy sợ anh thật. Những lần sau anh đến học, Quyên hay bế em trốn dưới bếp, rồi khi em khóc quá lại phải bế nó đi ngang qua phòng bố dạy học để ra ngoài sân dỗ em, để cho anh có dịp lơ đãng nhìn chị em Quyên chơi. Nhớ đến lời mẹ, Quyên nhất định không nhìn anh chàng điên này một phút nào, kể cả những lúc anh lân la đến nói chuyện với Quyên. Anh hỏi gì, Quyên cũng không nói. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những viên kẹo anh cho như một lời giảng hoà kín đáo làm Quyên cảm thấy anh cũng không đến nỗi điên lắm.

    Một năm sau, trước ngày bố thuyên chuyển lên Đalạt làm việc. Anh đột ngột đến thăm bố với món quà nhỏ. Anh cho bố biết là anh đã đậu tú tài toàn phần hạng ưu năm ngoái, dự định sẽ nhập ngũ. Bố rất vui và có ý khuyên anh với bằng tú tài toàn phần nên thi vào Võ bị Đà Lạt, nếu anh thích đời binh nghiệp. Anh tủm tỉm cười tiết lộ rằng: “ Thưa thật với thầy là em đã vào không quân cũng từ năm ngoái, và đang được huấn luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân NhaTrang gần năm nay rồi. Em cũng vừa may mắn trúng tuyển kỳ thi khoá học bay ở Mỹ. Chắc khoảng hơn hai tháng nữa em sẽ rời Việt Nam.” Anh đã cho bố sự ngạc nhiên và khâm phục đến độ bố buột miệng: “ A, cậu này giỏi thật, giỏi thật”. Lần đó anh có vẻ tự nhiên hơn với chị em Quyên, anh cho các em Quyên rất nhiều kẹo bánh và anh cho Quyên một cái kẹp tóc bằng đồi mồi. Lúc chào tạm biệt bố ra về, anh không quên quay lại cười với Quyên và nói : “ Khi nào tóc em dài nhớ kẹp tóc bằng kẹp đồi mồi nhé!” Đó là lần cuối cùng gặp anh trong thời thơ ấu của Quyên, cái vóc dáng thư sinh cao, gầy, đôi mắt sáng tràn đầy tự tin. Nụ cười vui mang nhiều hoài bão. Quyên bâng quơ nhìn theo bóng anh khuất sau giàn bông giấy trước hiên nhà.


    Vài tháng sau, bố thu xếp cho cả nhà dọn lên Đà Lạt, chị em Quyên háo hức được đi máy bay và đổi nhà mới. Cũng trong năm đó, bố được thăng cấp bậc thiếu tá với chức “Văn Hoá Vụ phó” kiêm trưởng khoa toán ở trường Võ Bị Đà Lạt. Gia đình Quyên ở trong một khu cư xá dành cho sĩ quan gọi là cư xá Lý Thường Kiệt ở Chi Lăng, phía ngoài cổng vào cư xá có một đồn lính canh gác, người lạ muốn vào thường phải xuất trình thẻ căn cước. Quyên rất yêu thích khung cảnh mới của những ngôi nhà cư xá, buổi sáng ở đây thật là yên tĩnh, cảnh vật mờ ảo như trong truyện thần tiên bởi sương mù còn giăng mờ trên những ngọn thông cao ngất. Quyên hay dắt em ra khu vườn sau nhà buổi sáng để cùng thi nhau thở ra khói, rồi đùa vui dưới hơi lạnh của bầu trời sương sớm.

    Mùa xuân năm 1973, mùa xuân bắt đầu nở ra trong Quyên một chồi non mơ mộng. Cứ mỗi lần mẹ sai lau cửa kiếng là Quyên lại đứng hàng giờ nhìn ra khu vườn nhỏ bé tuyệt vời sau nhà. Quyên yêu sao cây đào rừng với màu hoa hồng tươi thắm, giàn hoa bìm bịp tím thẫm leo quanh bờ rào. Quyên yêu những sáng xuân trong lành có tiếng chim cười rúc rích trong vòm lá. Một làn gió nhẹ qua, thoảng mùi hương cỏ ướt quyện với mùi đất ẩm, mùi thông non, mùi hoa dại…. Cũng vào một buổi sáng đang lau cửa kiếng phía trước nhà, Quyên chợt thấy bố lái chiếc xe Jeep vào sân, từ trên xe bước xuống cùng với bố là hai chàng thanh niên trẻ mặc hai bộ quân phục khác nhau. Quyên có thể nhận ra một người là sinh viên Võ Bị vì anh mặc quân phục Võ Bị, còn người thanh niên kia mặc bộ quân phục màu xanh trông rất oai nghiêm. Quyên chép miệng: “Lại có khách”, rồi vội vàng chạy tọt vào trong, luồn cửa bếp để ra vườn sau. Quyên rất sợ cái cảnh bưng khay trà ra mời khách, phải trốn cho lẹ để mẹ sai Trâm. Khổ nỗi Quyên vừa ngồi xuống bậc thềm sân sau thì đã nghe tiếng mẹ gọi giật lại: “Quyên, lên pha trà cho khách này”
    Quyên nhăn nhó:
    “Mẹ bảo Trâm pha trà đi, con mắc bận rồi.”
    “Bận việc gì cũng mặc, mau lên pha trà cho khách không bố mày lại la bây giờ. Con Trâm tha em đi chơi đâu rồi”
    Quyên đành phải đứng lên vào bếp đặt ấm nước, Quyên phân bì:
    “Mẹ xem con Trâm chẳng bao giờ ở nhà phụ mẹ, việc gì cũng tới con, mệt quá”
    Mẹ mắng: “ Lại cành nanh với em, mày là chị lớn kia mà”

    Quyên chỉ biết thở dài. Sắp đặt xong khay trà, Quyên trịnh trọng bưng ra mời khách. Một sự ngạc nhiên đến sững sờ khi Quyên nhận ra anh, người thanh niên mặc quân phục màu xanh, chắc chắn đó là quân phục của không quân rồi. Trông anh có vẻ đen và già dặn hơn hồi Quyên gặp anh mấy năm về trước. Anh cũng tròn mắt nhìn Quyên, một cái nhìn rất lạ, nụ cười ngày xưa đã không còn trên môi anh. Quyên thấy lúng túng trước cái nhìn đó, run tay đặt khay nước trên bàn, Quyên lí nhí: “ Mời bố , mời hai anh dùng nước” rồi chạy nhanh vào trong nhà. Quyên nghe tiếng anh hỏi: “Có phải em Quyên đó không thầy? “
    “Ừ Quyên chứ còn ai, năm nay nó đang học đệ tam, lớp mười bây giờ đấy”
    “ Trời ơi Quyên lớn quá, nếu gặp ngoài đường chắc em chẳng nhận ra”


    Quyên không biết mình đã lớn và đổi khác ra sao như anh nhận xét, nhưng Quyên biết chắc là trông Quyên nhếch nhác, lam lũ lắm. Mẹ có thêm em bé gái thứ chín, Quyên lại bận hơn với hàng đống công việc nhà sau giờ học. Không có quần áo đẹp như mình mơ ước, không được phép đi đâu chơi với bạn bè, Quyên cảm thấy mình thua sút rất nhiều so với những cô gái cùng trang lứa. Dù lúc đó bố đã được thăng cấp lên bậc trung tá, lương bố vẫn không đủ để mướn ngườì làm, cảnh nhà Quyên vẫn không sung túc như những gia đình sĩ quan khác trong khu cư xá. Chị em Quyên thường đi bộ đi học, không có tài xế đưa đón…Quyên thở dài, lặng lẽ đến bên cái gương nhìn xem mình đã lớn như thế nào, mà không thấy anh cười với Quyên như lúc trước. Xem này cái mặt Quyên lúc nào cũng đỏ bừng như người bị lên máu bởi lẽ Quyên cứ ở trong bếp luôn, tóc Quyên dài thì phải búi lên cho gọn để làm việc, muốn xoã tóc ra làm điệu cũng không được. Quyên chợt nhớ đến cái kẹp đồi mồi anh cho đã bị gẫy vì tóc Quyên quá dày. Quyên nói thầm: “Trông mình giống như bà cụ non thật, khiếp quá” Rồi Quyên quay ra miệng vẫn còn lẩm bẩm: Khiếp quá, khiếp quá. Tiếng anh hỏi đã làm Quyên giật mình: “Cái gì khiếp hả Quyên?” Quyên nhìn anh sửng sốt:
    “Ủa ! sao anh lại đứng ở đây?”
    “ Anh muốn xem cây đào rừng sau nhà, nghe thầy nói đẹp lắm, anh lại chưa bao giờ thấy hoa đào, thầy bảo vào nói Quyên dẫn anh ra xem”
    “Ồ, cây đào ở đây nè” Quyên và anh ra sau vườn, cây đào đang trổ nhiều bông hoa tươi thắm trông rất đẹp mắt. Anh ngắm cây đào thì ít mà ngắm Quyên thì nhiều làm Quyên ngượng ngùng cứ phải quay đi để tránh cặp mắt kỳ quái của anh. Cặp mắt mà hình như đã nhốt cả thời thơ ấu của Quyên trong ấy, Quyên hỏi anh một câu thừa thãi: “Hoa đẹp quá anh hả?”
    Anh nói tỉnh bơ: “Ừ đẹp như em vậy!”
    Quyên ngạc nhiên: “ Em mà đẹp gì, như lọ lem ấy”
    “Ừ, thì đẹp như công chúa lọ lem”
    “ Anh cứ nhạo Quyên hoài ” Quyên mắc cỡ quay đi
    “ Anh đâu có nhạo Quyên làm gì, thời gian đi nhanh quá, lần cuối gặp Quyên ở Sài Gòn , Quyên hãy còn nhỏ xíu mà bây giờ đã đệ tam rồi.”
    Quyên nhặt một chiếc lá rơi trên ghế băng, buồn buồn nói:
    “ Em còn mong cho mình lớn thật mau để đi làm kiếm tiền”
    “Sao em mong dại dột thế, làm người lớn nhiều nỗi lo lắm. Kiếm tiền là nỗi lo khủng khiếp, cay đắng nhất. À mà Quyên học ban gì vậy?”
    “ Em học ban C”
    Anh trợn mắt:
    “ Ban C? Sao bố dạy toán mà con gái lại không học ban toán?”
    Quyên vò nhẹ chiếc lá trong tay ngập ngừng:
    “ Tại …tại em … dốt toán nên đành phải chọn ban văn chương. Bố cũng buồn em lắm”
    Anh lắc đầu:
    “Anh không tin là em dốt toán, anh còn nhớ hồi học bố em ở nhà, anh có lén xem tập toán và tập chính tả của em, thấy toàn điểm mười không à. Hồi đó không nhớ em học lớp mấy mà chữ em đẹp ghê”
    “Anh cũng tò mò quá há, không lo học mà cứ rình coi tập người ta. Hồi em học tiểu học em rất thích môn toán, nhưng khi lên lớp đệ thất thì em bắt đầu ghét toán, và thích môn văn. Em không chú ý đến môn toán nữa, rồi mất căn bản từ lúc đó.”
    Anh gật gù: “À, ra thế! Mà em chọn ban C cũng hay, con gái học ban toán thì thấy khô khan quá, học ban C nghe ướt át tình cảm hơn”
    Nói xong, anh nhìn Quyên cười cười, nụ cười quen thuộc của ngày nào mà Quyên đã nghĩ là điên. Quyên chợt hỏi:
    “À, anh có thích đọc thơ không?”
    “ Không thích lắm, nhưng nếu thơ của Quyên làm thì anh rất thích đọc”
    Quyên tròn mắt nhìn anh hỏi lại: “ Sao anh biết em làm thơ?”
    Anh lại cười: “ Thì anh nghe thầy than là con gái thầy dạo này cứ hay làm thơ thẩn chẳng chịu lo học hảnh gì cả”
    “Chết, bố em nói với anh vậy hả, vậy mà bố hay đưa sách thơ cho em đọc, lại còn mang giấy màu về cho em đóng tập thơ nữa. Lần tới anh về chơi em sẽ làm một bài thơ tặng anh nhe”
    Anh cười to: “Ủa , phải lần tới mới được tặng thơ hả? Sao lần này không tặng anh cho rồi, lỡ mai mốt anh không có dịp nào ghé đến đây nữa thì sao!”
    Quyên cúi đầu thở dài: “ Em sưu tầm được nhiều thơ hay lắm, làm cũng nhiều nhưng đã bị mẹ xé hết hai cuốn rồi.”
    Anh ngạc nhiên: “ Sao vậy ?”
    “ Mẹ không thích con gái làm thơ, mẹ bảo mơ mộng hão huyền, lãng mạn thì chóng hư, mẹ chỉ muốn em làm việc nhà thật giỏi, thật nhanh”
    Nói đến đó tự nhiên Quyên thấy buồn muốn khóc, Quyên tiếc những tập thơ mà Quyên đã ngồi nắn nót chép hàng giờ, và vẽ vời đủ màu sắc. Thú vui duy nhất của Quyên đã bị đập vỡ rồi. Quyên nghe như có tiếng chân anh bưóc đến gần Quyên cùng tiếng anh nói:
    “ Mẹ Quyên phòng thủ cho con gái kỹ quá! Thật là tội cho Quyên.” Quyên ngước lên thấy anh đã đứng sát bên mình. Anh đưa bàn tay lên vuốt má Quyên thì thầm “ Quyên dễ thương lắm em có biết không ?”. Quyên đỏ mặt chạy vụt vào trong nói to: “Không, em không biết”, mặc kệ cho anh gọi “ Kìa Quyên đi đâu vậy?”

    Quyên nghe trái tim mình đập thình thịch, một cảm giác xấu hổ lan trong người tê cứng, Quyên sờ mặt mình thấy nóng ran, giận anh sao kỳ cục quá, mình đâu còn là trẻ con nữa mà vuốt má. Rồi Quyên lại tự trách mình sao mắc cỡ một cách lãng nhách thế, phải nên tự nhiên hơn và xem mình hãy còn là con nít dưới mắt anh, lúc nói chuyện với anh Quyên cũng thấy vui vui vậy. Quyên vén rèm cửa nhìn ra ngoài phòng khách, thấy anh đã ngồi bên cạnh bố tự lúc nào, nhìn anh rất oai phong trong bộ quân phục, bấy giờ Quyên mới thấy trên hai bên cầu vai áo anh có một bông mai . Trời ơi anh đã là thiếu úy rồi kia! Quyên nghe anh nói với bố là lần sau nếu phi đoàn anh đóng ở NhaTrang thì anh sẽ có dịp ra thăm em trai anh, và thăm bố. Vậy là lần đó anh đi phép ra thăm em trai anh, người sinh viên Võ Bị đang đứng cạnh anh. Quyên nhủ thầm nếu anh đến thăm bố lần nữa, Quyên sẽ cố nói chuyện với anh tự nhiên hơn. Đấy là lần đầu tiên gặp lại anh của thời thiếu nữ, Quyên đã bắt đầu nghĩ đến anh nhiều hơn, đã thích đọc những bài thơ tình của lính… Và cũng kể từ sau ngày đó Quyên không còn dịp nào gặp anh nữa, chắc anh phải đi bay nhiều nơi vì tình hình chiến sự trong những năm tháng ấy rất gay go, khốc liệt; bố cũng phải cấm trại luôn.


    Đầu Xuân năm 75, Quyên có thêm em bé gái thứ mười, Quyên càng bận hơn với trăm công việc nhà, không có thì giờ để ngồi mơ mộng hay chép thơ tình của lính. Dù vậy, trong lòng Quyên lúc nào cũng nghĩ đến anh. Quyên cứ ước mong một ngày nào anh sẽ đột ngột ghé qua thăm bố, và Quyên lại có dịp được nói với anh vài câu. Khi Việt Cộng chiếm Ban Mê Thuột vào tháng ba, bố đã tất bật lo cho cả nhà di tản về Sài Gòn, Quyên thấy thương bố quá…
    Ngày trường Võ Bị rời về Long Thành và làm lễ ra trường vội cho sinh viên. Tình cờ, cũng lại tình cờ bố đã gặp anh khi anh chạy sang Võ Bị để xem tình trạng của người em trai. Sau ngày lễ ra trường, anh đã chở bố về nhà bằng Honda, Quyên nghe bố kể , anh chạy như bay dưới làn đạn pháo, bố cứ tưởng là cả hai người khó mà sống sót trở về. May mắn thay, bố Quyên chỉ bị trúng một mảnh đạn nhỏ vào chân trái, còn anh thì không việc gì. Ngày hôm ấy, khi anh ngừng xe dìu bố vào nhà, thấy chân bố chảy máu chị em Quyên sợ đến nhốn nháo. Mẹ chạy ra chạy vào lo băng bó cho bố. Quyên mong anh sẽ nói một câu gì với Quyên, hay ít ra một cái nhìn tạm biệt, nhưng anh đã vội vã đi ngay.

    Chiến tranh chấm dứt, bố đi học tập cải tạo, cuộc sống của gia đình Quyên càng thê thảm hơn. Mẹ vất vả ngược xuôi với đủ mọi nghề để nuôi mười đứa con. Bố bặt tin từ lúc ra đi khi em bé út của Quyên chỉ vừa tròn 4 tháng tuổi, mãi đến lúc bé út biết đi, biết chạy thì gia đình Quyên mới nhận được tin đi thăm nuôi bố. Lần đầu tiên đi thăm bố cả nhà đều khóc, bố trông gầy yếu, xanh xao quá, tóc bố bạc đi nhiều, râu bố dài tới ngực. Bố đưa tay ra bế em bé út, nó khóc thét lên vì sợ bộ râu dài của bố. Mẹ hỏi bố có gặp người bạn nào chung trại không? bố nói chẳng gặp ai quen, chỉ gặp có mỗi thằng Đại hôm đi lao động. Tưởng là không quân như nó thì phải đi trước hết, có ngờ đâu bị kẹt lại. Nó cũng bị đày ở đây, nhưng mà ở khác chỗ. Quyên giật mình, có sự xui khiến nào mà anh và bố lại gặp nhau trong cảnh tù đày thế này. Thầy trò nhìn nhau chắc không sao tránh khỏi sự ngậm ngùi cho số phận bi thương của người lính sau chiến tranh. Quyên nhìn quanh khu nhà thăm nuôi, thầm mong sao có một sự màu nhiệm nào đó để Quyên có thể nhìn thấy anh ngay tại đây, để khóc, đề được nói với anh rằng: Quyên luôn nghĩ đến anh, từng ngày, từng tháng, vì Quyên đã biết yêu đời lính từ lúc bắt đầu thành thiếu nữ. Đời lính của anh luôn gắn liền với hy sinh, mất mát. Đời lính của anh luôn là những giấc mơ thanh bình, tự do, no ấm cho quê hương, giờ đây khi thanh bình đã thực sự đến, những người lính như bố như anh đã không còn tự do, và tất cả những người dân hiền lành cũng chằng có ấm no trọn vẹn.

    Sáu năm sau bố trở về, sự vui mừng của ngày xum họp không kéo dài được bao lâu thì một nỗi buồn lớn lại đến với gia đình Quyên. Cơn bệnh ung thư quái ác đã tàn phá cơ thể mẹ trong những năm tháng vật lộn với cuộc sống cơm áo. Lo lắng, buồn rầu, suy dinh dưỡng là những nguyên nhân đã tăng nhanh mầm bệnh và kéo mẹ đi đến chỗ kiệt sức. Cuối cùng mẹ đã bỏ bố và chị em Quyên ra đi không một lời trăn trối. Bố thay mẹ tiếp tục phần đời còn lại nuôi các con, bố bắt đầu nghề dạy kèm toán tại tư gia. Quyên cũng đi kèm trẻ nhiều chỗ ngoài giờ làm việc để phụ với bố nuôi em. Cuộc sống tạm yên ổn, và bố cũng tạm vui trong cảnh gà trống nuôi con. Những buổi tối khu phố bị cúp điện, chị em Quyên thường ngồi quanh bố để nghe bố kể chuyện, có khi bố kể chuyện kiếm hiệp, có khi bố kể chuyện trong tù cải tạo. Môt ngày nọ, bố kể về anh, người học trò giỏi, người sĩ quan không quân trẻ mà bố rất khâm phục. Anh đã gan dạ dám trốn trại một mình, dù bị rượt đuổi gắt gao, bị bắn cảnh cáo nhiều lần anh vẫn cứ chạy, chạy cho đến khi anh bị thương và ngã gục. Trời ơi! Anh thật là một người lính kiên cường bất khuất. Dẫu phải đương đầu với hoàn cảnh tù đày nghiệt ngã, anh vẫn không muốn đầu hàng. Nghĩ đến anh, lòng Quyên trào lên một nỗi xót xa, lo lắng. Không biết số phận anh đã ra sao? bao giờ anh mới được thả về, và Quyên có còn dịp nào gặp anh nữa không?

    Rồi trời cũng thương số phận người hiền, anh được trả tự do và bất ngờ đến thăm bố, anh là thế, sự thăm viếng của anh luôn luôn bất ngờ. Hôm ấy bố lại đi vắng, Quyên đón anh ngay cửa , cả hai không nhận ra nhau, anh gầy, đen, râu tóc mọc dài như người tiền sử, môi anh không còn nụ cười vui, mắt anh thôi tràn đầy tự tin chiếu sáng.. Khuôn mặt anh hằn lên nỗi ưu tư, chán nản và buồn bã. Có lẽ trông Quyên cũng già và khác nhiều trong mắt anh, nên nhìn Quyên anh ngập ngừng nói:
    “ Tôi...tôi là Đại , mới đi học tập về ghé qua đây thăm thầy cũ”
    Nghe giọng nói, Quyên đã nhận ra anh, Quyên nghẹn ngào: “Trời ơi anh Đại trông anh thay đổi nhiều quá ”
    Anh khựng lại vài giây: “Xin lỗi, chị.. à cô.. là…”
    Quyên ngắt ngang lời anh: “Là Quyên đây mà, anh quên rồi sao!”
    Anh mừng rỡ, thảng thốt gọi: “Ồ Quyên, Quyên đó hả, nhìn em thấy lạ, anh hoàn toàn không nhận ra.”
    “Anh vào nhà chơi uống nước đợi bố Quyên về, gặp lại anh bố Quyên mừng lắm đó”

    Anh dắt chiếc xe đạp vào sân, Quyên để ý thấy anh đi như người có tật chân cao chân thấp, nhớ đến chuyện bố kể về anh, lòng Quyên chợt nhói đau. Thời chinh chiến, anh đã vượt qua được bao nhiêu sự hiểm nguy, chết chóc, thương tật. Vậy mà khi hoà bình anh lại mang thương tật bởi họng súng điên rồ của những người cùng tiếng nói da vàng với mình. Không biết bố và anh đã mang tội gì với nhân dân? để rồi phải đền tội bằng những năm tháng tù đày khốn khổ như thế.

    Anh ngồi xuống ghế, mắt nhìn Quyên đăm đăm. Cái nhìn đã không còn làm cho Quyên ngượng nghịu, tránh né như thuở nào, trái lại nó thôi thúc Quyên phải nhìn sâu hơn vào mắt anh. Một cảm giác nào đó thật thiết tha, thật trìu mến, thật đắm đuối, thật vui và cũng thật buồn. Quyên rót cho anh một tách trà nóng, Quyên hỏi anh đã về hôm nào? Anh nói chỉ mới hôm qua thôi, hôm nay anh dành một ngày để đi thăm người quen thân thuộc. Anh hỏi Quyên:
    “ Thầy vẫn khoẻ chứ Quyên?”
    “ Bố Quyên vẫn khỏe, chỉ bị máu cao một chút thôi.”
    “ Bây giờ thầy làm gì?”
    “ Bố Quyên dạy kèm toán ở nhà, có khi dạy nhóm ở nhà học trò nữa.”
    “ Thầy lại trở về với nghề dạy học, thầy thật yêu nghề quá. Còn cô?”
    Nghe anh hỏi đến mẹ, nước mắt Quyên chợt ứa ra, chỉ lên bàn thờ Quyên nức nở: “ Bố Quyên về chưa được một năm thì mẹ mất, trời còn thương cho bố mẹ gặp nhau lần cuối, chứ nếu mẹ Quyên mất trước khi bố về , Quyên không biết phải làm sao, chắc Quyên chết luôn quá”.
    Quyên nghe anh thở dài: “ Thật là tội” rồi anh đứng lên tiến đến bên bàn thờ mẹ, thắp một nén nhang. Quyên nhìn anh từ phía sau, dáng anh vẫn cao, gầy, anh gầy đi nhiều. Quyên không còn tin được ở mắt mình đây chính là anh của năm nào trong bộ đồ không quân oai hùng. Trông anh bây giờ thật tuyệt vọng, chờ anh ngồi xuống, Quyên hỏi:
    “ Vết thương ở chân anh còn đau không?”
    Anh chậm rãi lấy thuốc ra hút, nhìn Quyên qua khói thuốc anh hỏi:
    “ Sao Quyên biết anh bị thương? Chắc thầy kể chuyện của anh phải không?”
    Quyên gật đầu: “ Nghe bố kể, thấy anh gan lì quá đi thôi, lỡ bị bắn chết thì sao?”
    “ Chết thì thôi có gì phải sợ! Không phải là anh gan lì đâu, mà là anh liều mạng thì đúng hơn. Lúc trốn được ra ngoài anh nghĩ mình đã thoát, nhưng khi bị phát hiện anh phải chạy cho mau để không bị bắt lại, lúc đó anh có nghe nhiều tiếng la hét phía sau, rồi tiếng súng nổ. Anh không cần biết gì hết, trước mắt anh, và cả trong đầu anh bấy giờ chỉ có hai chữ: phải thoát, thế là cứ chạy như điên.”
    Anh ngừng nói, rít một hơi thuốc dài. Quyên hỏi: “ Rồi sao nữa anh?”
    “ Anh đã bị ngất đi nên không còn biết gì hết, mà thôi chuyện buồn lắm Quyên nghe làm gì, thầy cũng kể cho các em rồi”
    “ Bố Quyên chỉ kể đại khái thôi, không có chi tiết, Quyên rất muốn nghe chuyện buồn của anh, muốn biết sau đó họ đã làm gì anh?”
    “Khi anh tỉnh dậy thì thấy mình nằm trong nhà thương, tay chân bị trói, anh rất là đau đớn… Anh cứ tưởng rằng chân anh sẽ bị cưa, vì vết thương bị nhiễm trùng ghê gớm lắm… Nhưng rồi có lẽ mạng anh hãy còn lớn, và cũng nhờ ở sự đức độ của mẹ, con trai nhờ đức mẹ mà, nên anh đã qua khỏi …Sau đó anh bị chuyển trại. Anh không muốn nhớ lại chuyện đó nữa, đừng bắt anh kể thêm nhé.”
    Quyên nhìn anh, lòng dạt dào thương cảm, muốn nói với anh vài câu an ủi mà không biết mở đầu làm sao. Tìếng anh hỏi Quyên:
    “ Hiện giờ Quyên đang làm việc gì?”
    “ Quyên đi dạy tiểu học”
    Anh chợt cười nhẹ:
    “À, Quyên là cô giáo rồi đấy, thảo nào trông cô giáo chững chạc quá.”
    Nhìn anh cười, Quyên cảm thấy mạnh dạn lên đôi chút, Quyên nói:
    “ Thì anh cứ nói là thấy Quyên già đi, anh dùng chữ chững chạc nghe chua xót làm sao”
    “Ơ kìa, chững chạc đâu phải là già, mà nếu nói Quyên già thì anh cũng thành cụ rồi. Anh hơn Quyên đến tám tuổi kia mà.”
    Quyên ngạc nhiên: “ Sao anh biết tuổi của Quyên?”
    “ Anh đoán tuổi theo lớp học. Này nhé, lần anh gặp Quyên ở Đà Lạt, lúc đó anh hai mươi ba tuổi, Quyên học lớp mười thì có phải là Quyên mười lăm tuổi không? Anh nhìn Quyên bây giờ thấy lạ chỉ tại trong đầu anh lúc nào cũng nhớ đến hình ảnh của Quyên lúc đó, da trắng má hồng, mũm mĩm như con búp bê, suốt ngày nấu cơm, giặt quần áo, bế em…”
    Quyên phì cười: “ Bộ hồi đó Quyên mập lắm hả?”
    Anh dụi tàn thuốc, nghiêng đầu nhìn Quyên: “Không mập gì, chỉ hơi tròn tròn như hột mít thôi. Mà anh nhớ không lầm thì đã mười năm rồi, mười năm phải cho người ta trường thành chứ. Đâu có thể mãi là cô bé hoài để mình cho kẹo, dù gì bây giờ đã là cô giáo rồi, mình phải thận trọng chứ.”
    Quyên cụp mắt nhìn xuống hai bàn tay mình, một niềm vui đang trải rộng trong lòng Quyên. Anh thực sự cũng có nghĩ đến Quyên sao, bao năm tháng nhớ mong, mơ mộng về anh như một ảo ảnh, Quyên không dám tin rằng có một ngày như hôm nay gặp anh, mặt đối mặt để nghe anh nói chuyện thật tình cảm với Quyên. Ồ mà biết anh có nói thật lòng không, hay chỉ là một lời tán hưu tán vượn cho vui.
    Tiếng anh hỏi cắt đứt ý nghĩ của Quyên:
    “ Sao Quyên im lặng vậy? Quyên buồn hả?”
    Quyên lắc đầu, nhìn anh: “ Không, Quyên đang vui vì nghe chuyện một người hãy còn nhớ đến Quyên từ mười năm trước, Quyên cảm động quá”
    Cuộc đàm thoại hôm ấy cũng khá lâu mà bố vẫn chưa về, anh không thể chờ lâu hơn nữa nên đành phải cáo từ, hẹn hôm khác sẽ đến thăm bố. Trước khi anh đứng lên, anh chợt nắm lấy bàn tay Quyên vuốt nhẹ rồi nói: “ Quyên này, trông em gầy và xanh xao lắm , em ráng giữ sức khỏe nhé, đừng suy nghĩ hay lo lắng nhiều quá mà thành bệnh đấy”
    “ Anh cũng gầy nhom à, nhìn anh sa sút Quyên thật muốn khóc luôn”
    Câu nói của Quyên đã làm anh khựng lại, anh nhìn Quyên thăm thẳm, khó hiểu quá. Rồi anh vụt quay đi : “ Anh là đàn ông mà, lại đã từng đi lính , anh chịu cực khổ quen rồi, thôi anh về nhé”


    Anh đã tạt qua thăm bố thêm hai lần nữa, cả hai lần đều không gặp được bố. Một lần thì Quyên đi vắng, anh ngồi nói chuyện với mấy em Quyên. Nghe Trâm nói anh cũng có ý ngồi chờ Quyên và bố về, chờ dài cả người mà chẳng thấy bóng em và bóng thầy đâu. Chán quá chàng đành ra về, Trâm còn diễu cợt: “ Xem ra, cái ông Đại này có vẻ si tình chị Quyên rồi nhe” Quyên đập vai Trâm “ Bậy bạ nào” Những đứa khác được thể nhao nhao lên: “Ờ bậy bạ vậy mà trúng tùm lum, ổng điều tra chị mình kỹ dễ sợ luôn, đúng là dịp may để tụi em tha hồ nói xấu chị , lúc chị đang dạy học trò có bị nhảy mũi không ? Có thấy ngứa lỗ tai không?” Quyên hỏi: “Ổng điều tra cái gì?” Thịnh cười: “Trời, trời hỏi tới nghe” Con bé Hương làm ra vẻ người lớn trịnh trọng nói: “Đây nè để em nói cho mà nghe ổng hỏi chị Quyên có hay đánh mấy em không ? Em liền nói chị Quyên đâu có uy trong nhà mà đánh ai. Chị Trâm có uy quyền hơn chị Quyên, nên tụi em sợ chị Trâm hơn chị Quyên” con bé Út thêm: “ Chị Trâm có nhiều bạn trai đến nhà chơi cho tụi em quà, muốn có quà thì phải nghe lời chị Trâm, còn chị Quyên chẳng có ai”. Quyên bẹo má em phì cười: “ Toàn nói nhảm nhí”.

    Lần thứ tư anh đến thăm thì đã gặp được bố, thầy trò hàn huyên tâm sự rất lâu. Hẩu hết những lần anh đến chơi sau này chỉ ngồi trò chuyện với bố. Anh và Quyên rất ít có dịp nói chuyện với nhau. Cho đến một ngày, anh hẹn Quyên đi chơi, đó là môt ngày vui nhất trong đời Quyên kể từ lúc gặp anh. Hai đứa đi bộ hết con đường Nguyễn Du thanh vắng mà vẫn không mỏi chân. Hôm ấy, Quyên nói chuyện huyên thuyên không ngớt, Quyên kể về con đường Nguyễn Du này đã cho Quyên bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của thời còn đi học sư phạm. Quyên kể những nỗi buồn chán trong suốt hai năm trời mệt nhoài với sách vở … Những ngày đi bộ dạy kèm rời rã cả chân tay. Quyên nói nhiều như chưa bao giờ được nói hết tâm sự trong lòng mình. Anh chỉ im lặng lắng nghe, trông anh rất là tư lự. Quyên hỏi:
    “ Hình như anh đang suy nghĩ chuyện gì hả anh? Có nghe Quyên nói không, sao anh cứ im lặng hoài vậy?”
    Anh lắc đầu: “À không , anh có nghĩ gì đâu, anh đang nghe Quyên kể chuyện mà”
    Quyên biết anh nói dối, chợt linh tính một điều gì đó không hay sẽ đến. Quyên nghĩ đến niềm vui hiện tại, niềm vui có anh bên cạnh như lúc này sẽ kéo dài được bao lâu, hay chỉ là thoáng chút thôi, rồi Quyên lại trở về với những nhớ nhung chờ đợi. Quyên mạnh dạn hỏi:
    “ Anh à, không biết chuyện giữa hai đứa mình rồi sẽ đi đến đâu?”
    Anh chép miệng:
    “ Anh cũng đang tự hỏi mỉnh câu hỏi đó”
    Rồi anh dừng lại, rít một hơi thuốc, anh tiếp: “Anh vẫn không tìm ra câu trả lời cho mình.”
    Anh quăng mạnh tàn thuốc vào gốc cây, quay sang phía Quyên, anh bất chợt ôm vai Quyên kéo sát vào anh. Quyên chống chế một cách yếu ớt, mùi thuốc lá nồng nồng từ hơi thở anh làm cho Quyên phải bật ho khan mấy tiếng. Quyên nghe như bờ môi anh đang chạm trên tóc mình, và lướt qua vầng trán, trôi bên má rồi nhẹ nhàng xuống đôi môi. Người Quyên mềm nhũn trong tay anh, nụ hôn đầu đời sao vụng về mà thân thiết quá, sao ngọt ngào mà vẫn nghe cay đắng, sao nồng nàn mà chua xót tận đáy tim, sao đam mê mà đau thắt cõi lòng. Quyên nghe tiếng anh thì thầm bên tai tựa hồ như vọng lại từ nơi nào rất xa:
    “ Quyên dễ thương lắm, em có biết không ? Đã mấy lần anh cũng muốn liều nhờ mẹ đến xin thầy cho Quyên về với anh, nhưng nghĩ đến phận mình mới đi tù về, việc làm không có, tiền bạc cũng không lấy gì mà nuôi Quyên. Ở đây tương lai mù mịt quá, anh đành phải nghĩ cách ra đi thôi.”
    Quyên sửng sốt: “ Anh đi đâu?”
    Anh ngập ngừng: “ Anh đi ...vượt biên”
    “ Trời ơi, chừng nào anh đi?”
    Anh thở dài: “Đêm nay”
    “Đêm nay, sao gấp quá vậy anh? Sao anh không nói trước với Quyên?” Quyên kinh ngạc hỏi
    “ Nói trước để làm gì?”
    Đêm nay anh đi, Quyên mím chặt môi lại để không bật ra tiếng khóc tức tưởi. Đêm nay anh đi, trái tim Quyên như thắt nghẹn, mắt Quyên như mờ đục, đầu Quyên choáng váng. Quyên nói như mê:
    “ Anh đi bằng đường nào vậy ?Quyên có thể tiễn anh được không ?”
    “ Cứ coi như bây giờ là lúc mình đang tiễn nhau đi, anh đi đường bộ nên khó khăn lắm”
    “ Trời ơi! Đường bộ nguy hiểm vô cùng anh có biết không?”
    “ Anh biết nhưng nghe nói nó gần hơn đường biển”
    Quyên nghe cõi lòng mình nát tan từng mảnh vụn. Ngày đầu tiên hò hẹn cũng là ngày cuối cùng chia tay. Quyên không biết nói gì hơn nữa, nước mắt Quyên cứ trào ra, trào ra... Anh nhẹ đưa những ngón tay khô rám gạt nước mắt cho Quyên:
    “Đừng khóc nữa Quyên, anh đi rồi không biết thành công hay thất bại, sống hay chết, thế nên em đừng chờ đợi anh lảm gì để phí hoài tuổi xuân. Nếu sau này có người nào thương yêu em thì hãy lập gia đình. Anh không dám hứa với em điều gì chỉ sợ mình thất hứa.”
    Quyên lắc đầu buồn bã: “ Mình về đi anh, ở đây càng lâu , Quyên không chịu nổi giây phút ảm đạm này đâu”

    Trên đường về nhà, cả hai đều im lặng, sự im lặng như tăng nỗi buồn lên gấp bội, ánh nắng chiều soi bóng anh dài bên bóng Quyên ngắn, chùng lại trên mặt đường thênh thang. Chia tay ở đầu ngõ, anh nhìn Quyên lưu luyến, anh nắm tay Quyên, nhưng Quyên đã giựt tay lại. Anh thở dài: “Anh đi nhé!” Quyên thẫn thờ nhìn theo bóng anh lung linh, mờ ảo, nhoè nhoẹt xa dần, xa dần…

    Quyên vẫn có thói quen ngồi bất động trước cửa sổ hàng giờ, để thả những giòng ký ức đi lang thang. Từ cái khung cửa nhỏ trên căn gác thấp lè tè hồi còn ở quê nhà, nhìn ra chỉ thấy những mái ngói chồng chất lên nhau, lâu lâu có vài đám khói từ bếp nhà ai đó bay ra. Đến cái khung cửa sổ lớn ỏ xứ người những khi nhìn tuyết rơi. Cả hai khung cửa ở hai phương trời đã chất chứa bao nỗi nhớ về anh, sự chờ đợi, mỏi mòn khô héo đã hai mươi mấy năm rồi. Không biết bây giờ anh đang ở đâu, làm gì ? Nơi anh ở có nhiều tuyết như chỗ Quyên không? Anh đã có khi nào nghĩ đến Quyên, dù chỉ là một thoáng nhớ qua thôi. Chắc anh đã có một gia đình mới rất hạnh phúc, ấm êm, và biết đâu anh đã có một đàn cháu nội, cháu ngoại. Nhưng sao anh không liên lạc với Quyên ? Hay anh đã bị chết giữa rừng sâu nước độc. Quyên rùng mình xua đi ý nghĩ chết chóc đó. Không, anh không thể chết, anh không bao giờ chết được trong lòng Quyên. Hình như anh đang trở về với bộ quân phục không quân, anh đi nghênh ngang dưới làn mưa tuyết phủ trắng xoá trên người anh. Quyên mừng rỡ chạy đến bên anh gọi to: “ Anh Đại , anh Đại”, ơ kìa sao anh chỉ cười mà không bước lại gần Quyên, anh cứ lùi, lùi mãi, lùi mãi cho đến khi bóng anh tan ra.
    “ Nhà có chị gái mà đi làm về không có cơm ăn, chị Quyên, chị Quyên đâu rồi?” . Tiếng Thịnh, em trai Quyên gọi đã kéo Quyên về thực tại. Quyên ngơ ngác hỏi:
    “ Mấy giờ rồi ?”
    Thịnh nói: “ 4 giờ chiều rồi, sao chị không nấu cơm nước gì hết vậy ? lại ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ chuyện cũ phải không ?”
    “Đâu có suy nghĩ gì đâu”
    “ Bác sĩ dặn chị rồi đó, đừng có nghĩ ngợi chuyện buồn nhiều mà bệnh depress lại nặng thêm. Tuyết ngưng rồi, thôi ra cào tuyết với em cho vui chứ để ngày mai nó đóng đá thì cào không nổi đâu”
    Quyên lững thững đi theo Thịnh, tuyết đẹp chỉ để ngắm nhìn, nhưng tuyết lại làm khổ người ta khi trở về đời sống thực.Cũng như chuyện của anh và Quyên có lẽ chỉ đẹp khi mình ngồi ngắm nghía và hồi tưởng đến nhau cho Quyên lại được sống trong những giấc mơ yêu thương, mong ngóng, để khi tỉnh giấc mơ nghe lòng mình trống rỗng, trái tim mình tê tái. Quyên chợt hát nho nhỏ:
    “ Một lần nào cho em gặp lại anh, nghe anh nói em vui một lần
    Một lần nào cho em gặp lại anh rồi thiên thu sẽ là nhung nhớ
    Giòng đời nào đưa anh đi về đâu, sao không thấy qua đây một lần
    Giòng đời nào đưa anh đi về đâu những bến bờ xưa cũ đã mờ” (1)


    (1) bài hát: “ Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em” của Vũ Thành An
    Quế Hương
    Tháng giêng 2010
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X