Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nha Trang ngày về

Collapse
X

Nha Trang ngày về

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nha Trang ngày về

    Nha Trang ngày về



    Tín biết cuối cùng rồi anh cũng chỉ là chiếc bóng của Ngọc. Chiếc bóng cứ bên cạnh Ngọc chảy trôi trên suốt đường đời. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75 Tín trở về quê chịu đựng những tháng ngày đày đoạn vì đã là người lính. Anh cố gắng sống để nhận ra mình vẫn còn tồn tại sau cuộc chiến dài. Trong những ngày đổi đời đó Tín gặp lại Ngọc. Cô lúc nào cũng ngọc ngà óng chuốt như tên của cô. Còn anh lúc nào cũng chạy theo sau niềm ao ước của mình.

    Tín nhớ lại lúc anh sắp vào lính vào cuối mùa hè năm 72, tình cờ gặp Ngọc. Tình yêu bùng vỡ. Tín chỉ còn lại vài ngày ở quê nhà, sau đó, là những thăng trầm trong đời quân ngũ. Anh yêu Ngọc vội vã như chưa bao giờ được yêu và trả giá cho tình yêu mãnh liệt này là những đêm mộng mị về Ngọc. Tín lang thang trong những đêm trăng, vội vã trong những buổi chiều để tìm gặp người yêu. Anh thu vén tình yêu vào một góc nhỏ của cuộc đời, nơi đó chỉ có mình anh tận hưởng.

    Chỉ vài tháng sau Tín làm sinh viên sĩ quan (SVSQ) của quân trường Không Quân (KQ) Nha Trang. Anh đã xa Ngọc ở một nơi rất xa, nhưng vào một buổi chiều, khi toán quân đang di chuyển cho một lần học quân sự „ké“ bên quân trường Đồng Đế, Tín đã gặp một cô gái giống y như Ngọc. Tín bắt gặp lại hình ảnh Ngọc. Cô gái đang chăm sóc vườn cây trái. Tín bên ngoài khu vườn. Cô gái bên trong khu vườn, đang với tay hái mấy trái ổi trên cành. Biết mình đã lầm người nhưng là cái lầm thật vui. Tín không thể nào quên ngay được lầm lỗi đáng yêu ngày ấy. Như vậy với Tín có nghĩa là Ngọc đã rời Sài Gòn và ra đến tận Nha Trang với Tín qua hình ảnh cô gái.

    Tháng 10 năm 1972, trước khi mang túi quần áo vào Quân Vụ Thị Trấn để trình diện đi lính, Ngọc rủ Tín với hai người bạn, một trai một gái, về quê cô „chơi“ một lần cho biết. Tín quê ở miền Đông Nam phần, lớn lên về học ở Sài Gòn, chưa biết gì về sông rạch miền Tây, những buổi chiều hơi sương trên sông Vàm Cỏ, những cô gái mỹ miều trên một góc đường ở bến Ninh Kiều, Tây Đô. Mọi điều đối với anh đều rất còn xa lạ như môi người tình của cậu thiếu niên ở tuổi mười lăm vẫn còn là những mộng mị, ước mơ. Nhưng quê Ngọc không phải ở trên sông Vàm Cỏ hay bến Ninh Kiều. Quê Ngọc ở tận Núi Sập thuộc tỉnh An Giang. Những địa danh xa xôi của miền Tây Nam nước Việt. Buổi chiều ngồi trên chiếc suồng ba lá với khoảng chừng mười lữ khách đi từ bến xe Long Xuyên về Núi Sập, Tín mới biết thế nào là cuộc sống Miệt Vườn của những cuộc đời trôi dạt theo những bến sông. Suốt một đoạn đường dài, nhìn lên là thấy những ngọn cây lá cây màu xanh tươi với đầy hoa trái, nhưng nếu nhìn dọc hai bờ sông sẽ thấy toàn một màu bùn đen sông rạch, thấy những thân cò lặn lội bờ sông, những thiếu nữ tóc mai sợi vắn sợi dài với chiếc áo bà ba chân không lam lũ. Những cậu bé ngây thơ đánh đu tòn ten trên những cây bần cây đước. Những chú heo ụt ịt, dạo ăn quanh những căn nhà lá, mái tranh chiều đang ủ chụp những làn khói mảnh như sương.


    Quê Ngọc ngày đó đem lại cho Tín nhiều thích thú, y như ngày đầu tiên anh bị „hốt hồn“ khi bắt gặp Ngọc trong Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn khi cô đang vui đùa với những chú khỉ. Cô gái với chiếc áo dài trắng thướt tha (các cô nữ sinh ngày ấy bao giờ lại không thướt tha!) đang đi với một cô bạn gái. Mái tóc dài đến đến bờ vai, dáng người mảnh khảnh, môi mộng đỏ như chuẩn bị đón những nụ hôn từ những ngọn gió lùa khi mùa xuân sắp đến. Tín không nhớ là nguyên do nào anh đã quen Ngọc. Nhưng anh biết chắc ngày đầu tiên hai đứa quen nhau là một buổi trưa đầu hè trong sở thú hôm đó. Ngọc đi với một cô bạn gái và anh cũng đi với một người bạn trai. Tiếng chim hót trong vườn Bách Thảo trong buổi trưa đã thay tiếng tơ tình từ hai đứa. Ngày cuối tuần trời Sài Gòn bên ngoài vẫn đầy ồn ào tiếng động, nhưng chỉ cách vài trăm mét đã là yên ắng, đã là chơi vơi. Những ngày sau đó, Tín chỉ đi với Ngọc, và Ngọc cũng chỉ có Tín, tay trong tay khi hai người hẹn hò gặp nhau trong một ngày cuối tuần nào đó trong thành phố Sài Gòn.

    Ngọc đã dẫn Tín đi trên những con đường quê của cô, đất đá lồi lõm, như những chiếc lưng khòm của những bác nông phu già đang ngồi trên những chiếc xe bò, xe trâu trong buổi chiều nơi quê cô. Vùng Núi Sập có những cây thốt nốt. Ngọc chỉ cho Tín xem khi thấy một người nào đó đang lấy nước thốt nốt trên cây. Một mình anh ta „lã lơi“ trên cành nhánh. Ngọc chỉ cho Tín xem gánh xôi của cô gái quê trong phiên chợ sáng. Cô gái quê bán xôi ở Núi Sập như hàng hàng lớp lớp những cô gái quê trên mọi nẽo đường Việt Nam. Bàn tay gọn gàng vội vã với những nắm xôi, buôn bán không chỉ bằng môi miệng mà còn bằng ánh mắt. Ánh mắt của những cô gái một nắng hai sương, lúc nào cũng muốn là vui lòng ở mỗi người khách: vừa mời mọc, vừa van lơn, kêu gọi. Ngọc chỉ cho Tín xem quán cà phê nơi góc đường, khi chiều đã đi và đêm dần đến. Cô chủ hàng cà phê, theo như Ngọc kể, đã là nơi hẹn hò của những người lính Địa Phương Quân rày đây mai đó khi có dịp đóng quân ở đây. Nước da trắng, mặt mày hồng hào, dáng người khoẻ mạnh, cô chủ quán cà phê đã như đóa hoa hồng thu hút những bướm ong xa lạ.

    Không như cô chủ hàng cà phê, Ngọc ngày đó gầy gò hơn, nhỏ hơn, nhưng nước da Ngọc trắng, màu trắng của những cô gái ở Sài Gòn. Ngọc lại có chiếc răng nanh duyên dáng mỗi khi cô cười. Là dân gốc Núi Sập, nhưng trông Ngọc như dân Sài Thành thứ thiệt. Những ngày gặp Ngọc là những ngày mộng mơ cho một tình yêu của chàng thanh niên mới lớn tên Tín. Ngôi nhà Ngọc tọa lạc trong một khu vườn rộng lớn, nhà có cả kho chứa lúa phía sau. Tín nghe Ngọc kể, nhà cô có mấy chục mẫu ruộng. Ba cô quanh năm làm ruộng để nuôi chị em cô ăn học ở Sài Gòn. Nhìn ba Ngọc, Tín nghĩ nghề làm ruộng nhưng chắc là ông chỉ mướn người ta làm rồi cuối mùa đong lúa trả, vì trông ông thảnh thơi, tận hưởng. Má Ngọc trông giống mấy bà Biện, bà Lý thời xưa trong những tuồng cải lương đang hát ở Sài Gòn.


    Nhưng chỉ sau đó vài ba tháng Tín đã lăn lộn ở miền Trung nắng nóng đến rát da. Tín đã trở thành người lính Không Quân đang học giai đoạn quân sự trong quân trường Đồng Đế Nha Trang, đã trở thành người bạn của những loại súng, những đường dây tử thần, giao thông hào, đoạn đường chiến binh v.v…, y như lính bộ binh thứ thiệt, nhưng Tín cũng còn là bạn những cô gái bán chè xôi, bánh ngọt, nước trà đá… trên những bãi tập miền biển cát nóng phỏng da này. Hình ảnh Ngọc đã vời vợi mất hút nơi khung trời Sài Gòn. Ngọc đã xa Tín, Tín đã xa Ngọc, vòng tay ôm đã trả lại cho người. Những cánh thư viết gửi về Sài Gòn không thấy hồi âm. Bàn tay, dòng chữ, hơi hướng Ngọc đã xa vời vợi, đã bị cuốn hút bởi chiến tranh và bởi những đoạn đường xe không còn yên bình trên đất nước. Buồn quá Tín lại làm quen với Mẫn trong một lần đi phép ở phố Nha Trang. Mẫn quê ở Thành, cách Nha Trang gần hai mươi cây số. Mẫn có cách đẹp khác Ngọc, và rất „riêng tây“ (1). Vẫn người nhỏ, vẫn khuôn mặt xinh, nhưng khác một điều Mẫn không có màu nước da trắng như Ngọc, mà là màu da bánh mật, màu „biển mặn“, và Mẫn cũng không mảnh khảnh như Ngọc mà lại hồng hào có da có thịt. Chiếc áo dài màu hoa hồng sậm ngày ấy khi nàng đi dạo với Tín trên bãi biển ở Hòn Chòng, cũng làm cho các cậu còng gió nếu hiện diện nơi đây sẽ điên đảo trước nhan sắc của cô gái ở Thành.

    Tín yêu Nha Trang ngày đó không chỉ qua các cô gái Nha–Thành, như Mẫn, mà còn qua những hàng dừa chạy dài theo bãi biển để cho bóng mát như mái tóc của một cô gái buông lã lơi xuống đến thắt lưng, mỗi khi gặp làn gió nhẹ đã điểm trang cho khuôn mặt thêm vẻ khêu gợi, tình tứ. Tín cũng yêu Cầu Đá, Hòn Chòng, Chợ Đầm và những con đường Phước Hải, Độc lập…, mà buổi chiều thứ bảy có lần đã vào một quán kem với người bạn lính khi trời bên ngoài trời đã se se lạnh. Nhìn khói thuốc từ miệng bạn bay lên, Tín mới thắm thía cho kiếp sống xa nhà của các bạn anh và ngay cả của chính mình, cô đơn bay vào không gian, như cứ mỗi buổi sáng những chiếc Cesna tập lái cô đơn bay vào cõi trời bao la của biển núi, hay cứ chiều chiều, khi trời chạng vạng, chiếc C47 màu đen thui với ánh đèn chớp tắt, cô đơn một mình cất rời phi đạo, lao vào bóng đêm để tiếp viện, làm „lên tinh thần“ cho những anh Nghĩa quân, Điạ Phương Quân đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trên các trục lộ giao thông, hay những chiếc cầu quan trọng, để Huyền thoại về một chiếc cầu đã gảy không thể tái diễn nữa. Nha Trang ngày đó là như vậy.

    Ngày đó, Tín đến Nha Trang sau Nghĩa, làm đàn em của Nghĩa. Nghĩa không có huấn nhục trực tiếp Tín, không phải là Khánh là Tốt (72G), không phải là Hòa (73C), những niên trưởng chịu trách nhiệm huấn nhục khóa Tín, nên Nghĩa không thể giảm cho Tín một cái hít đất hay một lần đi „bay đêm“ với các bạn đồng khóa. Nhưng mỗi khi Nghĩa xuất hiện ở cửa phòng Thiên Nga của Tín, ôi thằng bạn cùng lớp tên Nghĩa ấy đã đem lại cho Tín đầy sức mạnh để tiếp tục „đón tiếp“ thêm một ngày mai „thê thảm“, trong chuổi ba mươi ngày dài huấn nhục. Nghĩa chỉ cười cười nháy mắt ra tín hiệu, như cho Tín biết mọi việc huấn nhục cho SVSQ KQ ở quân trường Nha Trang này như là trò chơi để thử sức các tân khóa sinh, những người gọi là những thanh niên rường cột nước nhà, để xem các anh có sức khoẻ tới đâu, hào hùng tới đâu mà dám vào đăng ký để đi lính KQ. Bằng chứng là mỗi lần đến đứng nơi đầu Barrack, nhìn Tín, Nghĩa lúc nào cũng cười với nụ cười thật tươi, trong khi mới vài ba tháng trước đây Nghĩa cũng giống như Tín „bay đêm bay ngày“, húp nước mắm, môi miệng khô ran và lở vì thiếu nước. Nghĩa đã đem lại cho Tín nghị lực để vượt qua bốn tuần huấn nhục.


    Ngày đó, thiếu tá Bé, Đoàn trưởng đoàn SVSQ KQ lúc nào cũng nghiêm trang nhưng hiên ngang với bộ đồ bay màu xanh sậm với chiếc xe Dogt màu xanh da trời. Đại úy Thắng, Đoàn phó, cũng với bộ đồ bay, không những nghiêm như thiếu tá Bé mà còn „ngầu“ nữa bởi bộ râu. Không những „ngầu“ trong lúc đi lại, làm việc trong trại Ngân Hà, Thiên Nga mà ngay cả những lúc đã ngồi trên chiếc xe Lambrettic rời trại để về nhà với bà xả (hay với người yêu?) cũng còn „ngầu“. Thành thật mà nói, thuở ấy, hai vị sĩ quan này rất đẹp trai, rất Không Quân. Ngày đó có việc gì mà phải lên trình diện thiếu tá, đại úy là chết! Làm như nếu không ngầu, không nghiêm không làm được cán bộ cho đoàn SVSQ? Kỷ niệm một lần Tín có với thiếu tá Đoàn trưởng là buổi sáng ngày lễ Phật Đản. Tưởng gặp ngày lễ Phật là sẽ có một ngày rảnh rang. Tưởng vậy mà không phải vậy. Rảnh mà không rảnh. Mặc cho ngày thứ bảy, gặp ngày lễ Phật Đản là các khóa sinh theo đạo Phật phải đi… chùa (chớ không phải đi phố!). Gặp lúc Tín đã mặc đồ xong nhưng còn „chậm chạp“ chưa chịu đi chùa, thiếu tá đã quát. Anh có phải là người theo đạo Phật không? Với cái chào Tín làm ngay như một người máy: SVSQ ….. khoá ….trình diện thiếu tá! Thiếu tá vừa chào vừa lập lại câu hỏi: Anh có phải là người theo đạo Phật không? Dạ phải! Phải mà giờ này anh còn ở đây à? Dạ…! Dạ cái gì? Anh làm cho tôi 10 cái hít đất coi! Tín nghĩ: Buổi sáng chưa tập thể dục thì 10 cái hít đất nhằm nhò gì thiếu tá. Thiếu tá còn nói bâng quơ như để „ hăm dọa“ đến với các bạn khác. Các anh không phải vô thần, các anh có đạo các anh phải đi chùa, đi nhà thờ. Lính thuở VNCH là vậy, không biết bây giờ bộ đội ở VN ra sao!? Phu nhân thiếu tá ngày đó là cô giáo trong một trường trung học ở ngoài phố Nha Trang. Trong một lần Tín đã thấy mặt cô, khi cô cùng chồng vào trại Thiên Nga. Mặt cô rất phúc hậu.

    Đó là kỷ niệm cho những lần hít đất, nhảy xổm lai rai, chứ còn chuyện bị cạo đầu (Tông-đưa chỉ đi một đường lã lướt sát da đầu từ trước tráng ra tận sau ót đủ…gọi là… cạo rồi!) là chuyện cả khóa đều bị chứ đâu phải mình Tín bị đâu mà phải ráng nhớ. Nhưng ngày ấy có nhiều bạn không chịu đi cạo trọc luôn, ỷ lại tóc còn đang dài nên cứ lấy tóc cho che „đường rảnh“ trên đầu là qua mắt được các người đẹp Nha Thành, như Nhân đã làm, lại lấy làm hảnh diện lắm. Giống y những người dân quê lấy lá dừa đắp lên những đường mương nuôi cá. Không biết bây giờ Nhân, gốc gác Hố Nai, ở đâu rồi? Có nghe rõ năm trên năm không?

    Trung úy Tấn những ngày Tín ở Nha Trang thì chuyên lo về tiếp liệu. Cô „ trung úy“ là cô thợ may, may hầu hết đồ đi phép của SVSQ trong một hiệu may rất nhỏ nằm ngay trong trại. Trung Úy Tấn ngày đó không „ngầu“, lại còn hay cười đùa với khóa sinh, nhất là những lúc đi đá banh hoặc đánh bóng chuyền với các SVSQ.

    Còn Trung Tá Lăng, Chuẩn Tướng Oánh, những ngôi sao nằm tuốt ở trời xanh, Tín chỉ thấy mặt hai ông trong buổi sáng thứ hai khi chào cờ. Mà cũng không thấy rõ được mặt chuẩn tướng vì lúc nào ông cũng đeo kiến đen. Nghe nói HAI TÊ (2), là cháu của chuẩn tướng ngày đó, nhưng cũng bị phạt như điên, chẳng „con ông cháu cha“ gì cả. Tê Anh thì Tín không nhớ không thấy (có thể ở toán khác trong lúc huấn nhục) chứ Tê Em thì Tín thấy cũng bị đàn anh phạt kinh hoàng, vì Tê Em cao ráo, hay đứng đầu hàng. Y như Đạt từ Đà Nẳng vào, cũng nghe nói có „cậu làm lớn“ nhưng cũng bị phạt te tua. Hình như nghe nói ai có thân nhân „làm lớn“ lại càng bị phạt nặng! Đúng là mấy niên trưởng mình ngày đó điếc không sợ súng. Không biết Đạt bây giờ ở đâu? Chắc là Trần Viễn biết. Cũng giống như Dũng Hitler, mà Dũng giống Hitler thật, lúc ở Tân Sân Nhất, Dũng đã quần đàn em vô sau quá cở...thợ mộc, nên tin dữ đã đến Nha Thành. Thế là ngày đến Nha Trang, Dũng Hitler là một trong những người bị phạt nặng nhất. Đâu ông nào là Dũng Hitler đâu? Ra trình diện niên trưởng thử coi! Ông đã.. „giết“… đàn em ông ở trong Tân Sân Nhất phải không? Bây giờ ông „giết“ tụi tôi thử coi. Ôi cái giọng „chì chiết“ của đàn anh nghe sao mà dễ…sợ! Sau đó Tín không thấy Dũng Hitler nữa. Dũng Hitler „đi bay“ một mình mất biệt. Dũng Hitler rất dễ thương của những ngày anh em cùng khóa có nhau sau đó. Bây giờ Dũng Hitler ở đâu? Trong danh sách các bạn Tín không thấy. Chắc thế chiến thứ hai chấm dứt, Dũng Hitler cũng đã phải ra toà án Nuernberg ở Đức? Chớ sao giờ không thấy tâm hơi gì cả (nói chơi một chút cho dzui!).

    Rồi cái gì đến phải đến. Đêm „đi bay“ suốt đêm ở… dưới giao thông hào, rảnh nước, để chờ ngày mai trời lại sáng quả là đêm dài…vô tận! Bì bõm lội dưới giao thông hào đầy sìn nước, bên trên đàn anh lại còn la hét. Các ông bò không nổi nữa phải không? Các ông có muốn ngày mai gắn Alfa không? Các ông có muốn ngày mai đi phép không? Ông nào không muốn thì lên đây. Đây là cơ hội cuối cùng cho các ông. Các ông có thấy chán KQ chưa. Các ông có muốn ra khỏi KQ không. Chỉ còn vài giờ nữa thôi. Các ông hãy nhanh lên! Mặc các niên trưởng „dụ dỗ“, ai mà dám lên trong lúc „dầu sôi lửa bỏng“ đó. Mà đúng thật, chỉ sau đó vài giờ, khi „ánh bình minh vừa ló dạng“ là thời gian huấn nhục chấm dứt, cũng là lúc không còn thấy bóng một niên trưởng nào ló…mặt để lo cho đàn em nữa. Không như buổi chiếu tối hôm trước, lúc còn trong các Thiên Nga, trước mỗi tân khóa sinh đều có một cây đèn cầy đã được đốt lên. Mỗi khóa sinh đều giữ gìn cây đèn mình, che khư khư chỉ vì sợ gió làm tắt, vậy mà các niên trưởng vẫn đâu có để yên. Các ông có muốn tôi thổi tắt đèn của mấy ông…không? Tắt đèn là cuộc đời mấy ông sẽ tắt theo đó mấy…ông .. ơi! Vậy mà sáng nay không niên trưởng nào dám ở lại để thổi tắt mặt trời, chỉ còn biết trốn về Barrack để ngủ bì cho một đêm thức trắng vì „bận lo“ cho đàn…em.


    Đêm Văn nghệ gắn Alfa cho khóa cũng rất là ầm ĩ. Trên sân khấu có Lập, Trí, Tuấn (râu), Tiền đóng vỡ kịch trào lộng „Đông Tây gặp nhau“. Đường Sơn Đại Huynh Lý Tiểu Long đến từ Hồng Kông, Hiệp Sĩ Mù nghe gió kiếm đến từ Nhựt, Charle Bronson, cây súng cao bồi đến từ Pháp đã làm các tân SVSQ cười nghiêng ngữa. Rồi bản Tình Nước với SVSQ Lý Tỵ, Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sõi đá tôi với anh hai người xa lạ…, đã làm nỗi buồn vì vận nước đang điêu linh bởi chiến tranh nổi lên trong lòng các tân SVSQ. Mỗi người đều tự hỏi không biết ngày sau sẽ ra sao, khi cuộc đời người lính Không Quân ví như những sao băng giữa vùng không gian trong đêm tối, đi không ai tìm xác rơi. Trên sân khấu ban nhạc hình như cũng là do các tay đàn tay trống của khóa đảm nhiệm. Trong đó có Tâm, thủ trống, là người đã từng chơi trong ban nhạc của Jo Marcel ở Sài Gòn.

    Với những Hạnh, Trân thủ Quốc Quân kỳ, cùng với Dũng, Lễ…và ai nữa, trong toán hầu kỳ. Lễ còn „nổi tiếng“ lúc huấn nhục vì bị niên trưởng bắt làm thầy tụng đi tụng kinh ở các Barrack, cũng như Tín hay bị niên trưởng Khánh, Hòa bắt ca hoài …Lội bùn nhơ đêm lau lách sương khuya sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh đầy…hay…Xin hiểu lòng nhau trong thời chiến tranh này mấy người mơ ước cho tròn…là những lời ca mà Tín cứ phải ca đi ca lại trong thời gian huấn nhục. Ông ca đi! Ông ca để bạn bè ông được nghỉ! Đó là lời của niên trưởng Hòa hay nói.

    Với Trần Tuấn, trưởng phi đội từ Tân Sân Nhất ra, khi vừa rời chiếc C130 đã phải đứng đầu hàng để ra lịnh huấn nhục các bạn theo lịnh đàn anh. Với PT Nghị, hay cười hay giỡn, có lần còn dám „giỡn“ với thiếu tá Bé, với H Đ Nghĩa, L H Bình, HTX Thưởng, LPL Sơn, Hải, Hùng, Tuấn (sữa), Hân, Hoàng, Lộc, Chánh, Thành, Hiệp, Vàng, Hiếu, Bữu (đá banh), Cơ, Hảo, DV Hiển, TT Khen, Khai, Tân, Ngô, Minh, Sang, Giản, Bích, Trung ...và gần hơn 300 SVSQ cùng khoá, Tín đã sống trọn vẹn những ngày thật sôi động ở quân trường KQ Nha Trang, những chia ngọt xẻ bùi, và những ngày phép vội vã cùng những phiên gát đêm làm hao gầy sức lực, khi nhìn ra phố Nha Trang trong những đêm về trên phố khuya yên tĩnh. Bạn bè trong khóa nhiều quá. Không thể nhớ hết tên, và cũng không thể kể hết mọi kỷ niệm, dù kỷ niệm đó vẫn còn nằm yên đây, nhưng mỗi khi có ai khơi dậy là bật tung lên như ánh bình minh vươn lên trên mặt biển trong những ngày hè.


    Những ngày gặp lại được Ngọc thì bóng hình Mẫn đã biền biệt cách xa. Cũng biền biệt cách xa như Nha - Thành. Cô đã ở lại Nha Trang vĩnh viễn hay đã trốn chạy vào Nam trong những ngày gần cuối tháng tư đen? Cô đã ra ngoại quốc, hay đang lênh đênh trên những con thuyền định mệnh muốn rời bỏ quê hương. Mọi việc đều đã tan theo hư không mà đi. Có lẽ chỉ những hàng dừa trên bãi biển Nha Trang và những mối tình với những cô gái Nha -Thành của những chàng trai xếp bút nghiêng theo việc kiếm cung từ mọi nơi đổ về đây là còn để lại ít nhiều vết tích.

    Gặp lại Ngọc. Ngọc vẫn óng mượt kiêu sa. Tín đã tự ti để tìm cách xa Ngọc dù nhung nhớ đã tràn đầy tim óc, như phù sa đã rải đầy trên những cành đồng sau mùa nước nổi, nhưng cô lại mở rộng vòng tay như ngày nào còn trong thời chiến tranh, dù bây giờ không ít những cán bộ, bộ đội đã theo cô trên mỗi đoạn đường cô đi làm về. Những ngày này, Tín cũng gặp lại những người bạn lính KQ hoặc nghe nói về các người bạn lính. Nghĩa ra Vũng Tàu làm ghe để tìm đường vượt biên. Cơ về làm ruộng quê nhà, chiều chiều đánh xe bò chở lúa, chở cũi về, y như nông dân thứ thiệt, ngọn roi đánh bò cũng điệu nghệ không thua gì người cha già đã có mấy mươi năm làm ruộng. Thành là công nhân cho một nhà máy ở Sài Gòn, dáng dấp cũng giống công nhân lắm! Vài người bạn đang ngồi tù vì tội vượt biên. Và ai đó nữa đã trở thành „cán bộ“ Thủy…lợi. Mọi cuộc sống mới đều đẩy mỗi người vào con đường mới, không thụt lùi lại được. Cứ phải tiến lên thôi. Ngoại trừ những người bạn đã có cơ hội cất cánh bay, bay thẳng ra ngoại quốc trong tuần lễ sau cùng trước khi lịch sử Việt Nam lật qua một trang sử mới. (Bỏ lại anh em chết lên chết xuống ở quê nhà!)

    Nha Trang Ngày Về chắc có lẽ chỉ còn nghe được trong bản nhạc, chứ từ ngày ấy đến nay Tín chưa có dịp một lần trở lại Nha Trang. Nha Trang biền biệt. Nha Trang mất hút trên đường đời của Tín từ đấy.

    Nhưng rồi vì tương lai Ngọc cũng đã ra đi. Ngọc yên lặng ra đi, vội vã ra đi, trong một ngày gió Bấc sắp về. May mắn chuyến ghe cô đi vượt biên đến Indo an toàn. Và Ngọc đến Mỹ.

    Sau đó Tín cũng ra đi. Anh về trời Âu. Sống với mây mù. Nơi đây ít ánh nắng. Nhưng lòng vẫn nóng hổi với những kỷ niệm ở quê nhà. Kỷ niệm với Ngọc của những ngày ở Sài Gòn. Kỷ niệm với Mẫn, với quân trường và các Sĩ quan, niên trưởng, các bạn cùng khóa ở Nha Trang và với cả Nha -Thành. Kỷ niệm còn đây nhưng người đã ở đâu? Ngoài chân mây hay tận góc phương trời nào?

    1) Riêng Tây: Chữ hay dùng của một nhà văn khi viết tạp bút.
    2) Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thắng


    Vũ Nam
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X