Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Kỷ niệm một mùa Xuân

Collapse
X

Kỷ niệm một mùa Xuân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Kỷ niệm một mùa Xuân

    Kỷ niệm một mùa Xuân


    Từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang vừa làm lễ mãn khóa 2 Hoa Tiêu Trực Thăng, khoá này được huấn luyện tại Phi Đoàn 211 Thần Chùy tại căn cứ Trà Nốc, Cần Thơ sau khi tốt nghiệp chương trình Giai Đoạn II Quân Sự tại đây, tôi bốc thăm trúng về Sư Đoàn IV Không Quân tại Cần Thơ. Quê tôi ở miền Trung, đúng ra thông thường bạn bè có gia đình ở miền Nam muốn được gần gia đình thường trao đổi nhau và có bù thêm một số tiền. Tuy nhiên, tôi quyết định mình bốc thăm trúng nơi nào thì về nơi đấy vì tôi tin rằng đây cũng là số Trời đã chỉ định mặc dù nếu về Vùng I tôi có mấy cái lợi, vừa được phục vụ gần gia đình mà vừa lại có chút tiền còm.

    Nhận được Sự Vụ Lịnh của Bộ Tự Lệnh Không Quân đi nhận nhiệm sở mới: Phi Đoàn 225, Sư Đoàn IV KQ tại Căn Cứ Trà Nóc, Cần Thơ mà Tết lại gần kề. Ý nghĩ lúc bấy giờ là “đi về quê ăn Tết thay vì đi thẳng ra đơn vị mới,” chợt đến trong trí tôi, kỷ niệm những ngày Tết với gia đình sống lại làm tôi phân vân và đắn đo mãi. Một bên là tình cảm gia đình và một bên là quân kỷ đang dằng co mãnh liệt trong tôi.

    Cuối cùng, tôi quyết định đến trạm Hàng Không Dân Sự Việt Nam Nha Trang để mua vé. Nhân viên bán vé từ chối vì lý do là Sự Vụ Lệnh của tôi đi về Cần Thơ mà lại mua vé về Quảng Ngãi. “Lính tàu bay” bây giờ phải chọn con đường đi bằng xe đò. Thật là một cuộc mạo hiểm, chiến sự lúc bấy giờ bỗng trở nên yên tĩnh, chờ đợi, nhưng thật là trầm trọng, những đoạn đường phải đi qua như Bồng Sơn, Tam Quan ở Bình Định, Diên Trường, Mỹ Trang ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, v.v… làm chùng bước chân tôi. Nhưng Tết với gia đình lại tiếp tục thôi thúc mãi trong tôi. Cuối cùng, tôi quyết định mua vé xe đò trực chỉ về Quảng Ngãi, mặc dù trong lòng vẫn hồi hộp lo âu không biết “vẹm” đón đường lúc nào và nếu có phải phản ứng ra sao. Một liều thì ba bảy cũng liều cầu xin Trời Phật phù hộ.


    Tết! Chỉ một tiếng cụt thế thôi đã cho nỗi nhớ nhung vời vợi vì đã lâu chưa có dịp về thăm gia đình, làm cho tôi bất chấp hậu quả để có được một thời gian thật ngắn ngủi với cha mẹ, chị em, bà con thân tộc, xóm làng trong dịp Xuân về. Lòng miên man suy nghĩ như nghe văng vẳng trong mơ tiếng hát Duy Khánh vang lên: ...nếu con không về chắc Mẹ buồn lắm … đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai”…. trong bản nhạc “Xuân này con không về”, tôi nghe chừng như xúc động quá nhiều. Quê hương ơi! Những bà Mẹ Việt Nam, những em thơ mừng đón Xuân về trông mỏi mòn chờ đợi…
    Hành trang chỉ có vài bộ đồ lính và những vật dụng cần thiết. Trên đường đi, có nhiều khúc gập ghềnh, hư hại do bọn Việt Cộng đặt mìn phá hoại, đôi khi xe đò phải chạy vòng xuống ruộng thay vì chạy trên quốc lộ. Xe đi được hơn nửa ngày, bỗng dưng nghe tiếng súng cách đó không xa nổ vang, tài xế thình lình cho dừng xe lại rồi mọi người vội vã xuống xe tìm chỗ trú thân ở các bờ ruộng dọc theo quốc lộ. Một lúc sau, tiếng súng thưa dần rồi chấm dứt, xe đò lại tiếp tục đi trên con đường cái quan đầy bất trắc này. Tôi ngồi trên xe như ngồi trên lò lửa, trong lòng hồi hộp từng giây từng phút và mong sao được tới nơi đến chốn bình an…

    Trên suốt lộ trình này, tôi đã chứng kiến những cảnh cửa nát nhà tan, ruộng vườn hoang tàn bỏ ngỏ, không khí nặng nề của chiến tranh, của chết chóc, của hận thù làm tôi thấy thương quê hương, thương đồng bào, những người dân cần cù chất phác sống với làng mạc ruộng vườn và mồ mả tổ tiên phải di tản tìm nơi an toàn hơn hay phải sống trong âu lo hàng giờ dưới hầm hố để tránh bom đạn. Càng thương quê hương, càng thương cho kiếp sống đau thương của đồng bào tôi, tôi lại càng căm thù những tên lãnh đạo Cộng Sản bấy nhiêu…

    Miên man suy nghĩ mãi, rồi trước mặt là xứ Quảng thân yêu càng lúc càng hiện rõ, qua những nơi mà tôi khó khăn lắm mới nhận diện nổi. Xe qua khỏi Sa Huỳnh, nơi có nhiều ruộng muối, qua khỏi đèo Mỹ Trang là tới quận lỵ Đức Phổ. Tôi cố gắng nhận diện những nơi mà thuở “khi xưa ta bé” với nhiều kỷ niệm. Đây rồi, tại ngã ba con đường rẽ tay phải dẫn đến trường tiểu học Phổ Hưng A nơi tôi theo học, đi thêm một khoảng nữa là trường tiểu học Phổ Hưng B, bên trái là trụ sở Hội Đồng Xã Phổ Hưng. Lúc xưa, trong giờ nghĩ, tôi thường qua đó chơi và làm quen với ông Huỳnh, vị Đại Diện Xã Phổ Hưng.
    Ông dáng người to lớn phải nói là quá cỡ so với người Việt Nam. Tuy vậy, ông lại thích trò chuyện với tôi. Đây là một trong những kỷ niệm làm tôi thích thú - một chú bé tiểu học bạo gan làm quen với một vị Đại Diện Xã mà giờ đây mỗi lần nhắc lại, tôi không khỏi tự hào về sự “quen biết” đó.

    Tôi bùi ngùi không thấy căn nhà trọ xưa, không biết gia chủ và những người tôi quen đã mất còn hay đã trôi dạt phương nào. Nhà trọ này là nơi có nhiều kỷ niệm của cha con tôi. Quán bên đường, món thịt gà hon, mềm, cay cay mà tôi ưa thích, nơi ăn trưa của cha con tôi trong suốt thời gian Ba tôi dạy học ở trường Đăng Khoa và thời gian học hành của tôi ở trường tiểu học Phổ Hưng A.
    Kia là trường trung học Đăng Khoa bên cạnh dòng sông đào nhỏ bé, ngôi giáo đường, tháp chuông giờ đây không còn nữa và khuôn viên trường chỉ là những đống gạch vụn, quan cảnh thật hoang tàn. Trường Đăng Khoa do Linh Mục Bích sáng lập và nơi đây Ba tôi đã dạy học và có lắm học trò ngày nay vẫn còn thương mến ông.

    Qua khỏi cầu đúc nho nhỏ là thị trấn Trà Câu. Chợ Trà Câu sầm uất ngày nào, những tiệm buôn hai bên quốc lộ 1 nhộn nhịp một thời không còn nữa. Chiến tranh đã cướp mất sự sống. Bên trái, một hương lộ chạy theo cánh đồng ruộng qua chợ Liên Chiểu, bên bầu sen bát ngát - Liên Trì Dục Nguyệt, một trong 12 thắng cảnh của Quảng Ngãi – là đến trạm xe lửa Trà Câu, nơi đây bà Mợ tôi làm trạm trưởng, con đường tiếp tục qua bên kia đường xe lửa đến Phố Nghĩa, Phổ Phong… Tôi nhớ Mợ tôi vì bà rất thân thiết và gần gũi với Má tôi như hai chị em ruột.

    Tưởng cũng cần nhắc lại là gia đình bên Ngoại tôi đều là nhân viên hỏa xa nên gia đình tôi đi xe lửa không phải mua vé. Ông Ngoại tôi đã về hưu, lúc xưa là nhân viên phát lương và sau đó làm Thanh Tra cho sở Hỏa Xa và sau nầy Má tôi làm trưởng ga Mộ Đức sau nầy đổi tên là ga Thạch Trụ.

    Nhớ lại những chuyến tàu chợ, tàu suốt, kẻ đón người đưa, cảnh ga chiều làm lòng dạ tôi cũng lắm miên man. Những năm thanh bình vào giữa thập niên 1950’s, đường xe lửa lúc đó ít khi bị Việt Cọng đặt mìn, cứ mỗi lần Tết Trung Thu, sở Hỏa Xa cho một chuyến xe lửa đặc biệt để chở con em nhân viên hỏa xa đi du ngoạn và phát quà. Sau đó, chúng tôi được chở đi vào Tam Quan để dự Tết Trung Thu. Thị trấn Tam Quan bóng dừa rợp nắng tôi không thể nào quên được và tôi bắt đầu mơ mộng… Trung Thu chúng tôi được xem nhiều cuộc vui chơi nhưng mục “mô-tô bay” là không thể nào tôi quên được.

    Rời Trà Câu, nơi đây tôi thuở bé đã mài đũng quần để bắt đầu cho sự nghiệp làm "lính tàu bay”, qua khỏi làng Quạ Kêu, Vinh Hiển, đến cầu Suối Giới, chuyến xe đò từ từ vào thị trấn Mộ Đức. Tại đây gọi là ngã tư Thạch Trụ là nơi phát xuất tỉnh lộ chạy về hướng Tây qua ga Mộ Đức dẫn đến Ba Tơ lên Kontum miền cao nguyên Trung Phần. Nhà Ba Má tôi ở sát ga Mộ Đức, nơi tôi đã sống phần thời thơ ấu cùng các chị em tôi, bà con thân tộc, xóm làng. Những năm thanh bình, nhiều chuyến xe lửa về đêm làm tôi lại mơ mộng viễn du… Tôi nhớ ngày xưa quá, ngày xưa còn bé nhìn nắng hồng vươn sườn núi Thụ của làng tôi. Tại vùng này có một chỗ người dân ở đây quen gọi "Vũng Nước Sôi". Vũng Nước Sôi là vùng đất có mấy hồ nước nóng liên tục chảy ra từ lòng đất cũng giống như ở Yellowstone National Park nhưng nhỏ hơn nhiều.
    Nơi đây ông Bảy Tròn, người địa phương chuyên đúc bằng xi măng các chậu kiểng trồng bông hay những kệ có hình các con thú như con voi, sư tử...

    Ông xây những con mương để dẫn nước lạnh và nước nóng vào một hồ tắm xây bằng xi măng và đá để tắm. Gia đình tôi cũng như dân chúng trong vùng thường đến đây để tắm, nước có nhiều khoáng chất tốt cho da và chữa bịnh ngoài da. Trầm mình trong hồ tắm nước ấm áp cũng có thể bớt những bịnh tứ thời cảm mạo. Đôi khi dân làng còn mang cả gà heo ra chỗ vũng nước sôi để cạo lông, nhổ lông thật tiện lợi vì không cần phải đun nước.

    Thạch Trụ là một trong những địa danh lừng lẫy của QLVNCH nói chung, một chiến tích oai hùng của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân nói riêng. Nơi đây khi xưa, Thiếu Tá Sơn Thương, vị Tiểu Đoàn Trưởng cùng với các chiến sĩ Biệt Động Quân can trường đã đánh tan tành ba Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt, giữ vững hậu cứ, bảo vệ thị trấn không để lọt vào tay giặc, duy trì an ninh cho đồng bào.

    Tôi đã buồn thật nhiều, cái buồn vu vơ, tôi đã luyến nhớ từ con đường mòn, bạn bè, nỗi sợ hãi vào những đêm khi nghe tiếng chó sủa báo hiệu các "ông kẹ" về.

    Không xa lắm là núi Thụ cũng gọi là núi Đất vì phần trên đỉnh núi trơ trọi không cây cối, chơ vơ trơ trụi đang ngắm nhìn những thay đổi của cuộc đời. Trăng thanh bình đã bị lũ mờ bởi khói lửa chiến tranh. Từ đó tôi bắt đầu băn khoăn về cuộc đời.

    Phố xá buồn tênh vương vấn, cảnh vật đìu hiu, sự sống hầu như không còn nữa. Những căn nhà còn lại loang lỗ những vết đạn như những vết thương lòng…

    Xe qua quận ly Đồng Cát, thị trấn Thi Phổ, Liên Khương, Sông Vệ, rồi đến La Hà - La Hà Thạch Trận cũng là một trong 12 thắng cảnh của Quảng Ngãi -, núi Thiên Bút, cống Kiểu. Và cuối cùng chuyến xe đò đã đổ bến. Tôi đã trải dài những kỷ niệm tuổi thơ suốt con đường từ Nha Trang về Quảng Ngãi. Tôi đã mơ trong nỗi lo âu… Tôi thở phào nhẹ nhõm, tôi dâng lời cảm ơn Trời Phật đã phù hộ và đã cho tôi trọn ước mơ nhỏ bé là được sum họp với gia đình trong ba ngày Tết.


    Niềm vui khó tả, tôi vội vàng đón xe ôm chở về nhà. Vừa đến nhà, Ba Má tôi ngạc nhiên mừng rỡ, các em tôi sung sướng được gặp lại người anh lớn đã lâu chưa về thăm nhà.

    Nhà cửa được quét dọn và trang hoàng sửa soạn đón Xuân. Bộ lư hương, tam sự được cẩn thận lau chùi cho bóng loáng. Bàn thờ gia tiên, nơi gặp gỡ của tổ tiên và đàn con cháu, nơi khói hương nghi ngút mang quá khứ về hiện tại và mang hy vọng đến tương lai… sự giao cảm mật thiết của đại gia đình trải qua từ đời này đến đời nọ, con cháu tiếp nối mãi mãi về sau… đang được sửa soạn lại cho ngay ngắn.

    Má tôi và chị tôi lo làm đủ loại bánh mứt. Bánh nổ là món tôi ưa thích nhất. Nếp rang nổ xong, lựa cho sạch trấu. Nước đường được xên với gừng cho thơm, trộn đều nổ và nước đường xên gừng vào một cái thau, đổ vào cái khuôn gỗ hình khối vuông dài độ hơn nửa thước, nện cho chặt đều tay, gỡ khuôn ra, khối bánh được sấy khô và sau đó dùng dao thật bén cắt ra từng miếng vuông mỏng. Sau đó được cắt xén từng bánh nổ cho vuông vức, phần rìa gọi là đầu đày là phần tôi và các em tôi có thể "xơi" ngay được và không có gì ngon và thú cho bằng. Ngoài ra còn có bánh thuẩn, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, dưa món, củ kiệu và những món thịt cá được Má và chị tôi đã lo sẵn mấy ngày trước Tết.

    Bánh chưng hộc dừa (hộc là khối vuông nhỏ) phải có trong dịp Tết. Những năm chưa xa nhà, tôi thường đi hái là dừa non ở khuôn viên trường Bồ Đề về làm hộc để gói bánh. Những năm sau này, vì không còn ở nhà nên tôi không còn được làm công việc thích thú này nữa. Các em tôi phụ Má trong công việc này. Năm nay, tôi có dịp cùng em tôi xuống trường Bồ Đề để hái lá dừa như những năm trước vì dừa được trồng chung quanh khuôn viên trường. Lúc xưa, chị em tôi theo học ở bậc trung học đệ nhất cấp và Ba tôi dạy học tại đây.

    Lá dừa phải chọn lá non và bề ngang phải đầy. Bánh chưng gói bằng lá dừa khi nấu chín có mùi thơm đặc biệt và khi chưng bày trên bàn thờ trông thật đẹp mắt vì sự ngay ngắn và vuông vức như biểu hiện cho sự trọn vẹn cao quí. Tôi không quên được đêm hôm đó ngồi nấu bánh chưng cùng em gái kế tôi suốt đêm. Anh em tôi đã nói chuyện nhiều về những kỷ niệm xưa. Bên ngoài, Tết tiết trời lành lạnh, lửa củi cháy sáng, bập bùng trong đêm trừ tịch. Đêm nay, mọi người nôn nao để tống cựu nghênh tân, đón giao thừa. Bàn thờ nhỏ được sắp ngoài sân để cúng giao thừa, tôi suy nghĩ mông lung và nghĩ về những người lính xa nhà, họ nghĩ gì, họ đón giao thừa bằng phiên gác đêm.

    Tiếng pháo nổ trong giờ giao thừa như xua đuổi tà ma… nhưng không, pháo không được đốt vì lý do an ninh vào những năm sau này, nhưng súng nổ vang trời từ những căn cứ quân sự, hỏa châu soi sáng cả vòm trời. Súng đuổi giặc thay pháo, ánh sáng hỏa châu làm mất đi cái tịch mịch của đêm ba mươi. Nhưng nó chiếu sáng trên quê hương như để chiếu sáng những con người đang rình rập cướp lấy những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc. Giờ giao thừa là giờ rất quan trọng, giờ chuyển từ củ sang mới, giờ nghe ngóng con vật gì ra đời và đặc tính con vật là biểu hiệu những gì xảy ra cho năm mới. Tôi không biết con gì ra đời nhưng dù con gì đi nữa thì chiến tranh vẫn tiếp diễn và quê hương vẫn còn chìm đóng trong khói lửa chiến tranh. Thanh bình thật xa vời!

    Sáng mồng một Tết, tất cả anh chị em chúng tôi quần áo tươm tất thay phiên nhau chúc Tết mừng tuổi ông bà Ngoại và Ba Má sau đó cùng nhau đi lễ Chùa hái lộc đầu năm tại Chùa Tỉnh Hội. Trong dịp Tết này, Ba tôi có thực hiện một cuốn băng sinh hoạt gia đình. Anh chị em chúng tôi thay phiên nhau hát những bản nhạc Xuân ưa thích. Sau này tôi được biết Ba tôi vẫn giữ cuốn băng nhạc ấy, thỉnh thoảng ông đem ra nghe lại giọng hát của chúng tôi, và có lẽ là muốn nghe lại "tiếng nói" của tôi cho thỏa lòng thương nhớ vì cách xa.

    Ba ngày Tết ngắn ngủi quá mau, phút chia tay thật bùi ngùi, tôi phải khăn gói lên đường để trở về đơn vị mới, trễ phép vì đáng lẽ tôi phải trình diện trước Tết. Qua sự quen biết địa phương nhà nên tôi đã mua được vé máy bay vào Saigon không mấy khó khăn. Những năm gần đây, Phi trường Dân sự Quảng Ngãi không sử dụng nữa vì thường bị Việt Cộng pháo kích nên được dời vào Căn cứ Quân sự Chu Lai cho an toàn. Đứa em gái kế tôi muốn tiễn đưa tôi tận phi trường nên cùng tôi xuống trạm Hàng Không để đi xe buýt ra Chu Lai .

    Vì lý do an ninh và số ghế giới hạn nên em tôi không được đi theo, chúng tôi nhìn nhau buồn vời vợi. Tôi đã nhìn em tôi thật lâu trước khi xe chuyển bánh. Tôi nhớ mãi giây phút này, tôi nhớ mãi những ngày Tết mà hình ảnh thân yêu êm đẹp vẫn còn ghi khắc vào tâm tư tôi. Tôi nhớ và tôi nhớ!!!

    Xe lăn bánh xa dần thị xã Quảng Ngãi, qua cầu Trà Khúc giòng nước lặng lỡ trôi cùng năm tháng. Sừng sững bên phải là núi Thiên Ấn biểu tượng một uy quyền Trời ban cho xứ Quảng đang ngắm nhìn biển Đông.

    Đến Châu Ổ, qua những thị trấn cực Bắc của tỉnh nhà, xe vào căn cứ Chu Lai. Tất cả hành khách phải trình giấy tờ tại trạm Kiểm Soát. Dân sự đứng một bên trình cho Cảnh Sát, quân nhân đứng một bên trình cho Quân Cảnh. Ở Mỹ Murphy’s Law nói rằng: Chuyện gì có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra” và cũng đúng với câu: "chạy trời không khỏi nắng" của người Việt nam. Anh Trung sĩ Quân Cảnh đến lược xem giấy tờ của tôi, tôi hồi họp theo dõi. Sau khi xem xong, anh "lịch sự" ra lệnh cho tôi đứng riêng và mang giấy tờ vào trình xếp lớn của anh. Sau đó, anh mời tôi vào gặp vị Đại Uý Quân Cảnh. Tôi chào kính xã giao, ông Đại Uý muốn biết lý do tại sao tôi lại đi ngược đường và trễ phép không như trong Sự Vụ Lệnh cấp.

    Tôi thật tình “khai báo sự thật" rồi ông nhìn tôi hồi lâu, mỉm cười cho tôi đi. Tôi chỉ biết cảm ơn rồi vui mừng vội vã ra sân bay bước lên phi cơ. Sự thông cảm của ông, có lẽ phát xuất từ tình chiến hữu, tình quê hương, và những ngày đầu năm có lẽ lòng người rộng rãi và dể tha thứ hơn.

    Phi cơ từ từ chuyển bánh ra phi đạo cất cánh, bỏ lại sau lưng vùng trời miền Trung xứ Quảng thân yêu. Phi cơ bay vòng để lấy cao độ, từ trên nhìn xuống, tôi thấy dòng sông Trà Khúc vẫn lặng lỡ trôi, cầu Trà Khúc vẫn còn đó bên cạnh núi Thiên Ấn hùng vĩ từ từ nhỏ dần và che khuất trong những đám mây trắng. Lòng tôi cảm thấy một nỗi buồn khôn xiết vì không biết ngày nào tôi trở lại. Tôi suy nghĩ vẫn vơ rồi thiu ngủ lúc nào không hay đến khi giọng nói cô chiều đãi viên trên máy cho biết phi cơ sắp đáp xuống Tân Sơn Nhất. Máy bay đổi cao độ từ từ thấp dần rồi đáp xuống phi đạo.

    Thủ đô Sài Gòn về đêm muôn màu thật đẹp, giòng sông Sài Gòn chảy ngang qua như cánh tay người tình trải dài ôm ấp người yêu. Sài Gòn thật an bình dù chiến tranh đang xảy ra khốc liệt đó đây. Không biết người dân thủ đô có hiểu được cái giá của sự an vui mà họ đang hưởng. Và dù không, thì người “trai thế hệ" cũng không màng đến. Đến Sài Gòn bình an, sau đó tôi đáp xe đò xuống Cần Thơ. Đến đơn vị mới, lòng hồi họp lo sợ bị "ký củ". Bị ký củ nhiều thì đường binh nghiệp xem chừng không khá lắm. Phòng Nhân Viên làm tất cả thủ tục đáo nhận đơn vị mới cho tôi mà không có điều gì thắc mắc. Thế là mọi chuyện được êm xuôi, không có chuyện gì xảy ra. Một lần nữa, tôi thở phào nhẹ nhõm, Trời Phật lại phù hộ cho tôi.

    Nếu không có gian truân và kỷ niệm thì làm sao con người có thể gắn liền với quê hương… giờ thì quê hương tôi rộng lớn hơn. Tôi thực sự biết thêm về quê hương mình, quê hương miền Nam với những ruộng đồng bát ngát, những kênh lạch, giòng Tiền Giang và Hậu Giang mang màu mỡ tưới lên ruộng đồng bao la. Tôi đã đi bay trên các nơi thuộc Vùng IV Chiến Thuật như Sóc Trăng, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Châu Đốc, Cà Mau, v.v.. mỗi "quê hương" có những nét đặc thù riêng và tất cả đều đẹp cả. Người miền Nam hiền hòa, dễ dãi. Những chiều buồn trên bến Ninh Kiều tôi lang thang tìm ý nghĩa cuộc đời.

    Quả thật, thế hệ chúng tôi đang bảo vệ quê hương nhưng rồi cuộc chiến bỗng dưng chấm đứt trong tủi nhục, lệnh đầu hàng do vị Tổng Thống cuối cùng – Dương Văn Minh – tuyên đọc, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc đó tôi đang là Sĩ Quan trực của Phi Đoàn có nhiệm vụ phân công các phi vụ bay yểm trợ các đơn vị Bộ Binh bạn đang hành quân. Được tin Chuẩn Tướng Tần, Tư Lịnh Sư Đoàn IV KQ vừa rời bỏ đơn vị, trước tình cảnh này, chúng tôi quyết định vội vã ra đi mà trong lòng thầm oán trách các cấp chỉ huy và lãnh đạo.
    Từ trực thăng nhìn xuống, tôi nhìn lại quê hương tôi lần chót, giòng Cửu Long như những con rồng uốn khúc, xuyên qua cánh đồng ruộng bao la. Phố xá xưa, tiếng cười vui rộn rã và tất cả thực sự mất rồi.

    Tôi may mắn được sống trên đất nước tự do, còn lại đồng bào tôi, bạn đồng đội tôi, những người thân yêu tôi còn ở lại phải sống dưới cai trị độc tài của tập đoàn Cộng Sản vô thần. Tôi hoang mang đến tận cùng. Quê hương yêu dấu ơi! Đã hơn ba mươi lăm mùa Xuân lạnh lùng trôi qua, tôi vẫn nhớ đến quê hương tôi, nơi tôi đã được sinh ra, lớn khôn bằng sữa Mẹ và "đã phục vụ". Tôi ấp ủ những kỹ niệm vui buồn hòa lẫn đắng cay và mơ ước một mùa Xuân thanh bình thực sự cho quê hương mình

    Tết lại về, Tết về trong giá lạnh, tuyết trắng nơi đây mà cứ ngỡ như màu tang trắng phủ kín quê hương mình, tôi nhớ mãi cái Tết năm xưa. Má ơi! Con đâu ngờ đó là cái Tết cuối cùng của con với Má và cũng là lần Má vĩnh biệt con. Má yêu.

    Hiệp An Nguyễn Thanh Bình
    Xuân 2010!
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X