Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hè 1972 - Ngày tháng cũ

Collapse
X

Hè 1972 - Ngày tháng cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hè 1972 - Ngày tháng cũ

    Hè 1972 - Ngày tháng cũ


    Tôi viết bài này để xin được tưởng nhớ đến hai người bạn cùng nhập ngũ năm 1972:

    1. Cố Thiếu úy Trần Tiến Lộc SVSQ KQ khóa 72H đã gẫy cánh trong một phi vụ trên vùng trời Đà Nẵng.
    2. Cố Thiếu úy Ngô Quốc Huy SVSQ khóa 7/72 Võ Bị Thủ Đức đã hy sinh tại Vùng 4 năm 1973.



    Ngược dòng thời gian của 38 năm về trước, các bạn cùng lứa tuổi đôi mươi ngày ấy, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ quên được mùa hè năm 72. Cái năm đã mang một dấu móc quan trọng trong cuộc đời, đã đánh dấu một đổi thay quan trọng trong lý tưởng về sự trưởng thành của chúng ta. Những ngày tháng rời bỏ đời sống dân sự, rời bỏ mái ấm gia đình, trường học và bạn bè, bỏ cả người tình học trò nho nhỏ mới quen, vừa được nàng cho phép nắm tay băng qua đường, nụ hoa dại ép cho nàng chưa kịp khô đã vội chia tay…. Bao nhiêu là kỷ niệm của một thời quần xanh áo trắng, với điếu Pallmall trên môi như để chứng tỏ cho sự trưởng thành.

    Hôm nay trên đường đi làm về, trên radio tầng số FM 101.1 được nghe lại bản Bridge over trouble water do Simon và Gasunklel chơi, bản nhạc năm 1972 một thời thanh niên Sài gòn say mê và trên đài FM của quân đội Mỹ ở Việt Nam) Ôi bao nhiêu hình ảnh ngày tháng cũ trở về trong ký ức.


    Đường Tự Do, Trung Tâm Thủ Đô Sài Gòn năm 1972

    Miền nam chúng ta chỉ có hai mùa mưa và nắng, tôi còn nhớ Saigon trời tháng năm, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu với cái hầm hầm oi bức trước cơn mưa, lúc này không khí của các thành phố miền nam như sôi sục đầy không khí chiến tranh. Khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, đi đâu ta cũng thấy quân nhân mọi binh chủng, ra đường phố, xe Jeep và quân xa nhiều hơn xe dân sự, đâu đó khắp mọi nơi, những trại lính, cơ quan chính phủ với những bao cát chồng chất, vọng gác và hàng rào kẽm gai. Không xa thành phố lắm, những căn cứ của quân đội Hoa Kỳ hoặc Đồng Minh, xung quanh những nơi này thì cả là một sinh hoạt náo nhiệt, nào là quán rượu, hớt tóc, may mặc, giặt ủi, khu chợ trời bán hàng hóa của Mỹ từ bánh kẹo, đồ hộp, rượu, thuốc lá đến máy móc vân vân….. Dọc con đường Kỳ Đồng, khu Dân Sinh, Tân Sơn Nhất là nơi ồn ào náo nhiệt nhất, từ đâu đó một anh lính Mỹ đang ngây ngất bước ra từ quán Bar rượu bên cạnh người con gái Việt mặc mini jupe nhỏ bé dập dìu tiếng nhạc vọng từ trong các quán Bar, ở góc đường gần đó là xe quân cảnh MP hỗn hợp giữ an ninh những nơi thường có quân nhân Mỹ lui tới, được biết lúc này quân đội Hoa kỳ có mặt tại Việt Nam đã lên đến con số cao nhất (nửa triệu)


    Xe tuần tiểu của MP Mỹ ở đường Hai Bà Trưng tại Sài Gòn năm 1972

    Riêng Sài Gòn thủ đô Việt Nam, tuy không nên thơ như Huế, không mặn nồng như Nha Trang, không sương gió cao sa như Đà Lạt, không mộc mạc như Cần Thơ, Mỹ Tho nhưng Sài Gòn vẫn là hòn ngọc yêu quí trong lòng mọi người. Sài gòn có những hàng cây xanh dọc hai bên đường, những cành Phượng Vĩ nở rộ mỗi khi hè đến, mùi Dạ Lý Hương thơm nồng ngây ngất những ai đi về quá đêm qua những biệt thự vắng, những quán cafe ngon quanh Sài gòn như Văn Hoa, Dakao, Hầm Gió, Pénse Nguyễn thiện Thuật đầy ấp những sinh viên học sinh ngoài việc thưởng thức cà phê còn được nghe những bài nhạc thịnh hành Pháp Mỹ. Sang hơn, những Crystal Palace, Grival, La Pagoda, những Rex, Eden cứ vẫn dập dìu tài tử giai nhân vào những ngày cuối tuần, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn dù đang chiến tranh. Mặt trái của Thủ Đô hoa lệ xảy ra không quá xa nơi ngoại ô, đêm đêm người dân thành phố vẫn nghe tiếng pháo vọng về, những trái hỏa châu sáng tỏa cả góc trời, những chiếc trực thăng bay tuần thật thấp làm thức giấc mỗi đêm khuya, từng đoàn công voa băng xuyên qua phố để lại đám bụi mờ… Đâu đó từ trong ngõ hẻm sâu vắng chợt nghe tiếng kèn, tiếng đàn cò réo rắc hòa với tiếng nghẹn ngào nức nở của người thiếu phụ trẻ đang quằn quại bên quan tài người chồng vừa hy sinh, những hình ảnh ta thấy hằng ngày…


    Đường Lê Văn Duyệt trong giờ cao điểm tại Sài Gòn năm 1972

    Một vài sự kiện xảy ra trong năm 72, trước hết, phải nói về nền kinh tế xã hội, mặc dầu là một nước đang có chiến tranh nhưng nhờ sự giúp đỡ và viện trợ của khắp nơi trên thế giới, Nam Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất có tầm cỡ quốc tế như nhà máy xi măng, đường, bột ngọt, dệt, đặc biệt về gạo, nhờ sự thành công của chánh phủ qua chương trình Người Cày Có Ruộng, không bỏ đất hoang và sự thành công của giống lúa Thần Nông, đây là loại lúa mà hội Lương Nông Quốc Tế đã thành công ở Phi luật tân, đặc điểm của loại lúa này là dân đồng bằng miển nam có thể thu hoạch được 3-4 vụ mùa trong năm thay vì lúa mùa chỉ có 1-2 vụ mùa . Tuy ăn không ngon như gạo mình nhưng đạt về năng xuất nên dân Việt Nam có đủ gạo ăn mà còn xuất cảng sang Nam Dương và In Đô.. Ở thời điểm năm 1972 nếu so sánh với các nước láng giềng như Lào, Cam Bốt, Thái Lan, In Đô và Phi Luật Tân thì Nam Việt Nam văn minh và hùng mạnh vượt trội trên nhiều phương diện, sông ngòi biển cả rộng mênh mông, dù đang chiến tranh nhưng chưa có một chiếc ghe thuyền nào ra khơi tìm đường tị nạn, Sinh Viên Việt Nam du học năm châu đã trở về quê hương phục vụ, đây là điểm son của người dân sống trong chế độ tự do …

    Một sự kiện quan trọng nữa trong năm 1972 là Hội Đàm Paris, cho đến tháng chín năm đó theo báo Times có tất cả 501 buổi họp công khai, 45 buổi họp kín các bên (Nam Việt Nam, Cộng Sản và Hoa Kỳ) có 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn nhưng vẫn cù cưa chưa có kết thúc dù rằng các bên đang chạy đua nước rút. Riêng Cộng Sản Bắc Việt coi hội nghị Paris không những là cuộc đàm phán ngoại giao, mà còn là mặt trận tuyên truyền, những phong trào phản đối chiến tranh Viet Nam khắp nơi mà giới nằm vùng Cộng Sản đã khuynh đảo để làm nản lòng các Đồng Minh Nam Việt Nam. Trong ngạn ngữ của người Hy Lạp có câu “Có lúc ném đá đi, có lúc phải nhặt đá lại, có lúc ôm nhau phải có lúc buông nhau ra” và người Mỹ đồng minh của chúng ta lúc này đang buông ta ra.


    Kissinger bắt tay cáo già Lê đức Thọ

    Vào đầu tháng ba 1972, những cơn nóng như thiêu đốt ở miền địa đầu, lợi dụng mùa khô bắt đầu, Cộng Sản Bắc Việt đồng loạt tấn công các miền giới tuyến như An Lộc, Đông Hà, Quảng Trị cùng với các tỉnh miền nam mà nhà văn Phan Nhật Nam gọi là mùa hè đỏ lửa, dù thất bại trên các mặt trận nhưng Việt Cộng vẫn lấy đó làm tiếng vang cho hội nghị Paris làm áp lực Hoa Kỳ.

    Tháng sáu năm 1972, sinh viên học sinh miền Nam đã bắt đầu vào hè, những cuộc thi cử như Tú Tài, các Phân Khoa Đại Học đã xong, vì cuộc chiến leo thang, Hoa Kỳ đang chuẩn bị chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, Nha Động Viên, Bộ Quốc Phòng ra lệnh Quốc Gia Tổng Động Viên, khi lệnh này ban ra tức thời một số lớn thanh niên miền nam không còn đủ tuổi để được hoãn dịch tiếp tục học, thế là hàng trăm ngàn thanh niên hoang mang đua nhau hoặc tình nguyện đầu quân vào các binh chủng chuyên môn trước khi giấy hoãn dịch hết hạn, được biết sau ngày 23 tháng 9 năm 1972 ai bị bắt sẽ coi như tội trốn quân dịch sẽ không được khoan hồng . Năm 1972 là năm có lệnh Tổng Động Viên lần thứ hai sau lệnh Tổng Động Viên tết Mậu Thân 1968. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lên tới con số một triệu.


    Rạp Casino đường Paster Sài Gòn vào một buổi sáng năm 1972

    Cũng vào tháng sáu năm đó, hai binh chủng nghành Không Quân và Hải Quân cũng phát đơn và tuyển mộ, riêng Không Quân, nơi có Bộ Tư Lệnh ở Tân Sơn Nhất, hàng ngàn thanh niên ăn ngủ tại chỗ để được lấy đơn khám sức khỏe vào các ngành Kỹ Thuật, Phi Hành và Không Phi Hành. Riêng tại trường Võ Bị Thủ đức số SVSQ thụ huấn quá đông, một số chuyển qua trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang và một số phải đi chiến dịch ở các vùng nông thôn.
    Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, sau những ngày ròng rã khám sức khỏe tôi đã được nhận vào Không quân nghành phi hành. Cầm tờ giấy hoãn dịch còn hạn trong tay, tôi được dịp hưởng những ngày tháng cuối cùng của đời sống dân sự . Hình như những ngày tháng này trong năm, phố xá có vẻ vắng đi nhất là thanh niên, thay vào đó màu áo xanh của lính xuất hiện nhiều hơn ở khắp nơi.

    Cuối tháng 10 năm 1972, tôi làm thủ tục nhập khóa tại Tân Sơn Nhất cùng với các anh em đã đậu sức khỏe ở Đà Nẵng và Nha Trang tổng cộng có 119 khóa sinh thành lập ra khóa 72H, khóa cuối cùng của năm 1972.

    Sau 4 tuần huấn nhục, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống từ một thanh niên ngoài việc ăn học, rong chơi vô tư, nay đã trở thành một quân nhân, không biết có nhiều nhiệt huyết bao nhiêu nhưng bây giờ thì rắn chắc, đi đứng nói năng nghiêm chỉnh, mặt lúc nào cũng ngước lên (vì nhìn xuống đất, đàn anh cho là đi tìm bạc cắc.


    Hôm nay trong không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, nghe tiếng thông reo vi vu quanh doanh trại Phi Dũng, báo hiệu một buổi giao mùa những ngày tháng của năm 1972 sắp hết. Đứng trước tấm gương lớn trước trại SVSQ với hàng chữ lớn “Nhìn quân phục biết tư cách” tôi chỉnh lại đôi Alpha mới gắn, nhìn lại đôi giầy đen bóng trước khi đi phép, cái phép ra phố đầu tiên của một SVSQ với cái hân hoan khó tả. Bước ngang qua phạn xá (nơi ăn cơm của SVSQ) tôi thấy khóa 73A còn đang bị huấn nhục, cả khóa đang chống thế chờ, nhìn lên nóc của cây cột lớn tôi thấy Tân Khóa Sinh 73A Trần Đường Vinh đang bị Niên trưởng Cán Bộ 72C Ninh Việt Bình cho thi hành hình phạt “Dơi ngủ mùa đông” với hai chân treo ngược trên cột. Vinh nhìn tôi đi phép với cặp mắt thèm thuồng, tôi thầm nói “Thôi ráng đi cưng, anh mày đã từng nếm qua mùi này rồi, chắc là nổ quá nên bị móc ra phạt riêng!!” Vinh bây giờ là tay Guitar thường đệm cho anh em hát trong những ngày tuổi gần “xế chiều”.

    38 năm trôi qua, khoảng cách của một nửa đời người rồi còn gì nữa, mọi việc cứ tưởng như xảy ra ngày hôm qua khi mà cả ngàn mái đầu xanh lần lượt quỳ dưới cánh Đại Bàng xin lấy Không Gian làm Tổ Quốc.... Cũng theo dòng thời gian và định mệnh mà mỗi chúng ta mang theo, dù gì đi nữa cũng xin cám ơn cuộc đời, trong đó đã cho chúng ta đôi Alpha gắn liền với định mệnh đó. Vì vậy hôm nay khi mái tóc đã ngã màu, mỗi khi gặp lại nhau, nhắc đến nhau, dù vài năm không gặp hoặc gặp lại nhau ở khoảng cách hai bờ đại dương, vẫn cái chọc phá, mạnh thằng nào thằng đó nổ, cuối cùng vẫn cái khắn khít, giúp đỡ nhau khi cần thiết, như ngày xưa đã từng cover cho nhau....

    Những vui buồn đó chỉ có SVSQ KQ mới có, chắc chắn chúng ta sẽ còn giữ mãi ký ức của ngày tháng cũ đó, như một "Trang Sử Nhỏ", trong đó có trang in đậm nét “Một thời để nhớ” ...... Tưởng chừng đã quên….

    Hè 1972-2010
    Nguyễn Tấn Hùng
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X