Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyến Vượt Biên Bất Thành

Collapse
X

Chuyến Vượt Biên Bất Thành

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyến Vượt Biên Bất Thành

    Chuyến Vượt Biên Bất Thành

    Từ thị trấn Xuân Lộc Long Khánh ba người chúng tôi đáp chuyến xe đò Long Khánh - TPHCM về Sàigòn. Tôi, bà vú dẫn đường người gốc Long Xuyên, một đệ tử em của thằng bạn lúc đó khoảng 15 tuổi cư ngụ trong ấp Nùng xuôi Nam trên chuyến xe đò đã xuống cấp thê thảm nhưng vẫn còn chạy được. Thời điểm năm 1982 muốn mua đựợc một chỗ ngồi trên xe quả thật vô vàn khó khăn, thiên hạ xếp hàng dài dài, ngóng dài cả cổ để chờ đến lượt, khi có chiếc xe đò nào được điều vào bến ai ai cũng nhấp nhõm mong sao tới lượt mình. Từ tờ mờ sáng chúng tôi đã có mặt ở bến xe nhưng tới gần trưa mới có vé lên xe, thế là mừng rồi. Những thành phần ưu tiên xếp hàng mua vé là đám cán bộ công nhân viên nhà nước, còn dân đen và phó thường dân nam bộ đành chịu phép, phải chờ các đầy tớ của nhân dân đi sạch sẽ mới mong tới phiên mình.


    Chiều cùng ngày bộ ba chúng tôi về tới Xa Cảng Miền Đông và đi xe ôm xuống Xa Cảng Miền Tây. Tại Xa Cảng Miền Tây này ba người mua 3 ổ bánh mì để dành lên xe ngồi ăn, tranh thủ mua vé về Long Xuyên. Lúc lòng vòng ở Xa Cảng này đợi mua vé xe không ai để ý ai cả vì ai cũng có những nỗi lo riêng, theo tôi nghĩ lúc đó biết đâu trong số những người vội vã chen lấn đó cũng có những đồng bào có cùng tình cảnh như mình, cũng đang hướng tới một nơi nào đó của miền Tây, tổ chức vượt biên, những năm này phong trào vượt biên lên cao, nhà nhà vượt biên, người người vượt biên ngoại trừ cột đèn không thể nhúc nhích mà thôi. Thằng đệ tử người trắng trẻo lại hay lấm la lấm lét làm tôi cũng hơi hồi hộp vì từ nơi nó có thể gây chú ý của đám Công An bận đồ vàng.

    Tới đây xin nói rõ về bà vú người Long Xuyên một chút, chúng tôi biết bà vì bà là người nhà của một gia đình Hòa Hảo gốc Long Xuyên, làm rẫy và buôn bán trái cây đặc sản ở Long Khánh. Gia đình này ở chung trong xóm Nùng để kinh doanh làm ăn với người bản xứ nơi này. Tôi dạy kèm buổi tối cho con gia đình này nên lâu ngày dần dần thân tình bà vú mới móc nối và nhờ tôi quen biết để tìm người vượt biên. Chuyến đi này chỉ có tôi và thằng đệ tử tên A Coỏng theo bà vú dẫn đường.
    Xe đò chạy tuyến đường TP - Long Xuyên coi bộ khá hơn một chút, có lẽ xe chạy đường dài nên được chuẩn bị sửa chữa sơn phết giống như còn mới. Lên xe ngồi mình có cảm giác an toàn trên xa lộ, yên tâm hơn mặc dù trong lòng lúc nào cũng hồi hộp. Còn A Coỏng có lẽ mệt mỏi nên lên xe ngủ gà ngủ gật…

    Đoạn đường từ bến xe Xa Cảng Miền Tây chạy dài theo Quốc Lộ số 4 xuống tới Bắc Mỹ Thuận mất độ trên 2 tiếng đồng hồ. Trên đường đi xe thỉnh thoảng ngừng lại ở các trạm kiểm soát đột xuất, tụi CA kinh tế chỉ kiểm soát hàng của các bà buôn chuyến, không biết họ buôn những gì nhưng mỗi lần xe ngừng là chàng lơ xe có nhiệm vụ nhảy xuống phóng tới trước các đầy tớ rù rì ngoại giao, một lát sau lơ xe hớn hở quay lại phóng lên xe la lớn với bác tài: “ Tới”.

    Không thấy kiểm tra giấy đi đường nên tôi cũng mừng thầm trong bụng. A Coỏng ngủ vùi (đúng là thằng con nít mới lớn không biết lo gì), bà vú trông có vẻ bình thản, có lẽ vú đã quen với hoàn cảnh như vậy rồi - chuyên gia dắt vượt biên.
    Khi xe chạy gần tới Bắc Mỹ Thuận, nói là gần chứ thực sự xe còn cách mấy cây số phải ngừng lại và từ từ bò dần tới bến. Giống như người ta xếp hàng mua vé xe ở các Xa cảng, đoàn xe hàng dài như rồng rắn, khi tới gần trạm lơ xe la làng lên hối thúc khách xuống xe đi bộ mua vé qua trạm xuống phà phía trước. Sợ A Coỏng ngố ngố đi lạc tôi phải kêu nó đi trước tôi để dễ kiểm soát nó. Hai bên lề đường đầu phà vô số những trẻ bán mía ghim, bánh mì. Các bà già có, trẻ có bưng các thúng nem, cóc, ổi, xoài, mít...rao inh ỏi, người mua kẻ bán chụp giựt hối hả cãi vã nhau tranh giành mối đúng như người ta thường nói ồn ào như cái chợ. Lúc bấy giờ cũng đã chiều tối, đèn điện ở hai đầu phà sáng trưng, càng lùi xa bờ ánh đèn mờ dần, xa một chút là ánh đèn dầu lờ mờ trên tủ thuốc của các cô thiếu nữ bán thuốc lá bên vệ đường. Tôi ghé mua 2 điếu thuốc có đầu lọc hút cho tỉnh táo vì thời gian lâu rồi tôi không nhớ tên thuốc là gì.

    Cuối cùng chúng tôi 3 người xuống phà trước qua tới đầu phà bên kia sông đợi xe qua. Sinh hoạt về đêm của hai bến phà giống y chang nhau. Gần nửa tiếng sau xe đò mới sang sông. Xe ai nấy lên, tôi phải nhắc chừng A Coỏng coi chừng mất đồ mặc vì chúng tôi mang theo chỉ một bộ đồ để thay và một số lặt vặt cần thiết. Rồi cũng tới Bắc Cần Thơ, qua phà cũng y như phà Mỹ Thuận, nhưng nước sông ở phà Mỹ Thuận chảy xiết hơn. Khi vô bến xe Cần Thơ chúng tôi phải đổi xe Cần Thơ - Long Xuyên. Đường từ Cần Thơ về Long Xuyên xấu dần do ảnh hưởng bom đạn của chiến tranh trước 75, đến thời điểm này vẫn chưa được tu sửa lại. Lỗ chỗ ổ gà, ổ vịt, xe dằn sóc muốn đau cả cái lưng. Không ai có thể chợp mắt được cho dù rất buồn ngủ. Ngồi trên xe tôi với A Coỏng chưa biết sẽ đi về đâu, không biết đích tới, không biết cá lớn cá bé ở mô tê (cá lớn là tiếng lóng gọi ghe dùng để ra biển, cá bé là chiếc xuồng nhỏ dùng chèo để đưa khách qua cá lớn có nơi gọi là taxi). Chỉ biết theo bà vú mà đi tới thôi, tôi chỉ lờ mờ đoán chắc bà vú dắt đi đường Hồng Ngự Châu Đốc qua Miên.

    Xuống xe tại bến xe Long Xuyên, A Coỏng và tôi không khỏi bỡ ngỡ vì những chiếc xe đạp lôi nhiều vô kể, chiếc xe đạp kéo rờ-moọc phía sau ngồi được cỡ 4-5 người và hành lý (những xe chế này ở Sài Gòn và Long Khánh làm gì có). Bà vú kêu một chiếc lôi 3 người chạy vòng vòng một hồi về tới nhà bà vú ở gần chợ Long Xuyên. Chúng tôi không thể hình dung được cái thị xã Long Xuyên lớn cỡ nào vì vọn vẹn một ngày một đêm ở nhà vú chỉ có ăn uống tắm rửa và nghỉ ngơi, chẳng dám ra khỏi nhà. Sáng hôm sau, vú lại dắt cả hai người ra bến xe kiếm xe về Rạch Giá.

    Con đường từ Cần Thơ về Long Xuyên xấu 5 thì đường từ Long Xuyên về Rạch Giá xấu 10, nhất là từ khúc quẹo ở ngã ba Lộ Tẻ về Rạch Giá - Ôi thôi đường xấu ơi là xấu, xấu không thể tưởng tượng được, Quốc Lộ gì mà trơ ra toàn sỏi đá. Sau 7 năm " phỏng giái " đường xá xe cộ, giao thông khắp nước xuống cấp hư hại thê thảm, nhà cửa loang lỗ, nhìn vào đó đủ biết đời sống của dân chúng thê lương thế nào.

    Chiếc xe mà 3 người ngự trên đó là một chiếc xe tải không ghế ngồi, chúng tôi phải ngồi bẹp xuống sàn xe, mỗi lần xe lọt ổ gà 3người bị hất qua bên này lúc qua bên kia y như con lật đật, đau khổ nhứt là mỗi khi xe cán trúng đá bị nảy lên như nhảy cóc cái mông của 3 người ê thấu trời xanh. Nhìn mặt thằng Coỏng lúc đó không biết phải diễn tả như thế nào, nó muốn khóc mà chẳng dám thấy mà tội cho nó. Xe chạy khá lâu và đặc biệt song song với con lộ là con sông hay con kênh, nhìn ghe thuyền chở đủ thứ hằm bà lằng mà tôi chỉ nhìn vu vơ không chủ đích nên không nhớ rõ lắm. Hình như ghe thuyền là phương tiện vận chuyển và lưu thông chủ lực của dân vùng lục tỉnh nhiều sông lạch lắm kênh đào này. Còn xe cộ do đường xá quá bết bát nên chỉ lưa thưa không nhiều như thuyền bè trên sông.
    Xe chuẩn bị vào thị xã, từ xa chúng tôi nhìn thấy quang cảnh biển Rạch Giá, lại gần mới thấy biển khơi xa xa; tôi liếc mắt nhìn A Coỏng, nó cũng liếc nhìn tôi gật gật tỏ ý ngầm hiểu chắc chúng ta vượt biển từ nơi đây. Lúc đó mặc dù khá mệt mỏi do suốt ngày ngồi bó gối trên xe nhưng cũng vui ra mặt vì cảm thấy le lói ánh sáng của hy vọng. Hy vọng thực sự được bước xuống ghe vượt biên chứ không phải tới để ém quân rồi về.
    Đêm đó ngủ ở nhà do tổ chức sắp xếp, tôi lấy chiếc khâu 1chỉ đưa cho bà vú đem bán lấy tiền chi tiêu mua những thứ cần thiết. Sáng hôm sau dậy thật sớm, ba người ra kêu một chiếc xe đạp lôi chở tới bến tàu Rạch Sỏi. Xuống một chiếc vỏ lãi chở khách (danh từ địa phương ám chỉ chiếc ghe dài có 2 hàng ghế 2 bên có mui che nắng mưa cho bà con qua đò sang sông) chạy gần tới một bến đỗ, bà vú dắt 2 người xuống đò lên bờ. Vú dắt đi bộ một hồi tới 1 căn nhà lợp lá dừa gần một trại cưa mà giờ không còn nhớ tên. Ở nhà này cơm nước và chuẩn bị, trời chưa sáng có một chiếc xuồng do một ông chèo tới, bà vú dặn dò xong tụi tôi theo ông ta xuống xuồng. Tôi biết ông này đang chèo đưa 2 chúng tôi về hướng sông Cái Lớn, bà vú cho tôi biết cá lớn đang chờ đón tụi tui nơi đó. Sau này tôi mới biết đây là con kênh đào nối dài từ huyện Rạch Sỏi qua rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ tới miệt dưới Cà Mau.

    Trở lại ông chèo xuồng đưa 2 chúng tôi tà tà theo làn nước, luồn lách qua các trạm biên phòng trên bờ kênh giả giống như dân địa phương đi vô trông rẫy dứa, tới trưa mặt trời đứng bóng, lủi chiếc xuồng vô một gốc rừng tràm nghỉ mệt lấy cơm nước ra ăn uống. Dĩ nhiên cả 2 thằng tui đều mặc đồ y như dân ở đây, cũng giỏ cói khăn rằn máng trên vai, nón lá đội lụp xụp để che nắng che mặt. Dân trong vùng đa số trồng dứa nên nhiều ghe chở toàn dứa đầy khẩm, nhiều ghe máy chạy ngang tạo sóng vỗ vô bờ làm ánh mặt trời phản chiếu lóng lánh hắt vô mặt làm chói cả 2 mắt. Chiếc xuồng này có lẽ chở tôi với thằng Coỏng thôi nên suốt ngày lênh đênh trên nước cũng thoải mái. Tới chiều lúc mặt lặn chúng tôi ăn vội mấy cái bánh ú đem theo, ông chèo chèo nhanh hơn hướng về cửa sông Cái Lớn. Khoảng 8 giờ tối, màn đêm bao trùm không gian, mặt nước bập bềnh theo mái chèo và chiếc xuồng, gần tới ngã tư giữa con kênh và sông Cái, ông chèo chèo nhanh đưa chúng tôi vào bờ hữu của con sông; nhìn lên bầu trời trong xanh có vài vì sao lấp lánh, xa xa có vài ánh đèn leo lét mà mình không biết là ánh đèn nhà dân hay ánh đèn của những ghe đêm. Và đúng giờ hẹn chiếc ghe đã cặp vào bên hông của chiếc ghe lớn nằm khuất trong lùm cây lớn, ông chèo ghe nói vừa đủ nghe:
    - Cá lớn đó leo qua đi.

    Tôi và A Coỏng mừng quá trèo vội qua chiếc ghe lớn làm nó hơi tròng trành. Ông đưa xuồng lúc đó kêu mọi người trên cá lớn giao mật mã để đem về, ông ta chèo đi và chúc mọi người may mắn.

    Khi ông taxi (người chèo xuồng) đi khuất rồi bọn tui mới ổn định được lại vị trí, đếm đi đếm lại chỉ có vọn vẹn 7 người vượt biên đêm nay mà thôi. Tôi, A Coỏng, anh Quang làm tài công, Hoàng, chú Sáu và 2 thanh niên nữa tôi không còn nhớ tên. Nhìn lại chiếc ghe gọi là cá lớn, chỉ là loại ghe tam bản loại chở hàng chạy trong sông, dài cỡ 8 mét, bề ngang chừng 2 mét, có 2 máy đặt ngoài: một máy Nhật loại Yanmar 7 và máy kia là máy xăng. Nếu mặt biển êm thì còn tạm được còn biển động có sóng chắc không xong. Biết sao bây giờ, lao đã phóng rồi, cưỡi lên lưng cọp rồi, Quang, Hoàng và chú Sáu nói đi được, còn tôi đâu biết gì thuyền bè và hải hành, nghe mấy giả nói được thì cũng cầu sao cho được thôi, thì hên xui may rủi vậy. Chết cũng đành chịu vì đến nước liều rồi, tôi không tin dị đoan, nhưng chú sáu là người lớn tuổi nhứt trong đám cứ lẩm bầm: “Tại sao lại là 7 - 7 là thất”. Tui nghe ông lầm bầm mà giựt mình. Bà mẹ nó! Tới nước này rồi tới đâu thì tới hơi đâu mà lo!

    Quang cầm lái, Hoàng phụ và quay máy, 2 máy nổ đều và ghe vọt tới trước. Còn tụi tôi 5 người ngồi mọp xuống lườn ghe, ghe phóng dọc theo bờ sông hướng ra cửa biển. Thay vì lái ghe ra giữa sông anh Quang cứ cặp bờ miết nên ghe lướt qua những cái đáy đóng ngầm dưới sông của dân. Cũng may nhờ máy đặt ngoài nên không bị vướng đáy, nếu không là dính lại hết chạy. Ghe chạy chừng 10 phút thì nghe mấy tràng AK bắn phía bên kia sông, không chừng bị phát hiện rồi chăng. Nỗi lo lắng tăng dần, ghe vẫn phóng tới. tuy ban đêm không nhìn thấy mặt nhưng tôi biết ai ai cũng đang căng thẳng. Một tiếng đồng hồ sau vẫn không thấy tàu nào đuổi theo nên cũng an tâm. Ghe bắt đầu ra cửa biển, giờ phút quan trọng từ đây, nhìn xa xa ngọn hải đăng ngoài Rạch Giá quay vòng vòng chiếu sáng trên mặt nước biển.
    - Chết cha! Ghe vô nước.

    Tiếng ông già Sáu vang lên báo động. Ai nấy hết hồn, rồi ai đó kiếm được miếng giẻ nhét vô lỗ thủng. Chắc lúc phóng qua mấy cái đáy trong bờ làm thủng chăng!. Nước vẫn rỉ vô ghe nên thay phiên nhau tát nước. Nước vô không nhiều nên tát được, còn hy vọng.

    Ghe vẫn tiếp tục chạy khoảng 2 tiếng nữa thấy đi ngang qua một hòn đảo có ánh đèn mờ mờ trên đó, tài công nói đó là Hòn Khoai. Nhờ không có trăng nên ghe khó bị phát hiện trong đêm. Lúc đó đã xa bờ, nếu tài công ngon lành chắc ghe ra tới hải phận quốc tế trước khi trời sáng sẽ thoát.

    Thật không may, khi trời hừng đông ghe vẫn còn loay hoay trong vùng biển Thổ Chu. Phía sau là quần đảo Nam Du. Còn chếch về phía tay phải đảo Thổ Chu sừng sững xa xa. Và chuyện gì đến rồi sẽ đến, khoảng 7 giờ sáng tài công la lên:
    - Có tàu đuổi theo.

    Nghe la tôi nhón chân ló đầu quay sau nhìn thấy một chiếc tàu lớn đuổi theo sau. Ống khói tàu này khói xịt đen bầu trời, rõ ràng nó đang tăng tốc để bắt chiếc tàu vượt biên nhỏ bé này. Ai nấy đều hối tài công mở ga lớn đua với nó. Nhưng chiếc ghe sao mà chậm quá, nhìn lại thấy tàu sau dí theo mỗi lúc một gần. Bị dí gần 2 giờ đồng hồ, tôi thành tình hình bi đát rồi nên quăng hết giấy tờ đặc biệt xuống biển mà vô cùng tiếc nuối. Không lâu sau đó tiếng đạn chíu chíu trên đầu, tụi nó bắn trực xạ đó, tui la lên tài công buông cần lái ôm đầu nhào xuống lườn ghe núp chung với tụi tui .Chiếc ghe không người lài xoay vòng vòng rồi tắt máy. Cũng may tụi nó không bắn nữa, không ai bị thương.

    Chiếc tàu quốc doanh đánh cá chạy vòng vòng chiếc ghe và giữ một khoảng cách an toàn đúng bài bản đề phòng chúng tôi có vũ khí chơi lại. Tụi nó bắt loa kêu tụi tôi giơ tay lên đồng thời AK chỉa thẳng vô đám vượt biên khốn khổ này. Tụi nó cũng chưa dám sáp lại gần và chạy vòng thêm 2 vòng nữa mới cho tàu sáp vô. Sau đó thảy dây qua kéo ghe vượt biên sát vô mạn tàu và tụi tôi lần lượt leo qua. Chúng trói mọi người lại thành một xâu chẳng khác gì cá bị dính câu, cho ngồi đàng trước mũi tàu. Mọi người nhìn nhau thở dài, buồn bã mắt rưng rưng muốn khóc cho số phận đen đũi này, đúng là công dã tràng. Tương lai mịt mờ, nhà tù đang rộng mở. Tâm trạng lúc đó chán chường vô cùng, bao nhiêu mơ ước tan theo dòng nước, số phận thật nghiệt ngã. Bảy người đúng là thất bại như điều mà chú Sáu đã lo sợ.

    Chúng đưa tụi tui vô Hòn Máu nơi tụi biên phòng này đóng chốt. Giam lỏng trên đảo đúng 1tuần mới có ghe dân vô đất liền mới dẫn độ chúng tôi vô bờ. Ông chủ ghe bữa đó nói nhỏ với chúng tôi, sao các người chạy vô nạp mạng vậy, tụi nó đâu có phương tiện đâu, tại tài công ôm sát hòn quá nên nó nhìn thấy mới mượn ghe đánh cá dân ra rượt đó. Nghe xong chúng tôi ngỡ ngàng, ai cũng nhìn anh tài công mà lắc đầu, thật là khốn nạn thay, đời đen như mõm chó.

    Bữa đó có sóng vì biển động, trên đường vô bờ anh Quang ói quá chừng, chúng tôi càng buồn thêm, đúng là dỏm, dỏm nên không biết đường lái ra xa, và hậu quả cả nhóm phải vô tù ngồi. Khi vô trong trại tạm giam Tà Niên ở Rạch Sỏi rồi ,ngày nào ông Sáu cũng đay nghiến mỉa mai chàng tài công dỏm này. Trại tạm giam này có người kể lại có cô ca sĩ Thanh Lan cũng đã từng bị bắt vô đây rồi, bây giờ đến phiên chúng tôi, nơi đây mỗi ngày đều có những chuyến vượt biên bị bắt giải tới giam chung với tụi tôi. Hỏi ra đa số bị bắt trong đất liền, chỉ có nhóm 7 người chúng tôi là bị bắt ngoài biển thôi. Nếu tổ chức mướn được tài công đúng tài công chắc tụi tôi thoát được trong chuyến đi này rồi.

    Trong vòng chỉ có một tháng mà nhân số trong trại tăng nhanh chóng mặt. Có một số anh tham gia phục quốc bị bắt giam bên Khám Lớn, Rạch Giá cũng bị giải qua đây, rồi thêm đám ngư phủ TháiLan bị bắt cũng đưa vô, nhà tù trở nên chật chội.

    Hai tháng sau A Coỏng được thả vì tuổi vị thành niên, gần đến Tết tụi tôi bị gom xuống tàu chở tuốt tới Thứ Bảy. Đây là nơi tập trung lao động “cải tạo" - nơi đầy ải con người - một thứ địa ngục trần gian. Sáu tháng trầm luân trong bể khổ này thì nhóm tôi được thả về. Mừng quá vừa ra khỏi cổng là xá nó luôn, tổng cộng ở hai trại giam đúng 9 tháng. Một ngày trong tù bằng 3 năm ngoài đời, ai có trong tù cộng sản mới thấm thía hai chữ tự do. Mãi tới năm 1989, tức 6 năm sau hai vợ chồng tôi mới vượt thoát được bằng đường qua Phnom Penh (Miên) xuống tàu ở cảng Kom-pong -som trực chỉ đảo Bidong - Malaysia.



    Vong A Duong 72H
    30/5/2010
    Hung45HTQS



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X