Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Em Còn Nhớ Mùa Thu - Lá Trúc

Collapse
X

Em Còn Nhớ Mùa Thu - Lá Trúc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Em Còn Nhớ Mùa Thu - Lá Trúc


    Em Còn Nhớ Mùa Thu

    - Tác Giả : Lá Trúc




    Thương nhớ về Đà Lạt, thân tặng Iroquois ... những ngày thơì xuân xưa ấy ....



    Thế là nhỏ đã bỏ đi. Thu tháng 9 buồn lạ lùng. Đà Lạt nhạt nhòa trong màn sương. Chiều nay tôi lang thang trên những con đường vắng đếm lá vàng. Nỗi nhớ day dứt như con sâu ngọ ngoạy trong trái tim làm tôi xốn xang vô cùng. Ký ức như một cuốn phim quay chầm chậm trong chiều...
    ...

    - Ê, ông kia.

    Tôi giật mình quay lại. Một con nhỏ tóc cắt ngắn như con trai, đang chống nạnh cạnh chiếc xe đạp đỏ. Tôi dáo dác nhìn quanh rồi ngập ngừng:

    - Gọi tui hả?

    - Ủa chứ chẳng lẽ tui gọi ma sao, ở đây có mình ông dzí tui.

    Chu choa, sao mà chua bạo. Con nhỏ này chắc ăn chanh thay cơm. Tôi nghĩ thầm. Liếc nó một cái dò xét, (chẳng lẽ nó thấy tôi "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao", tướng sang hơn... Sở Khanh một chút định làm quen sao chứ), tôi hỏi:

    - Umm... gọi tui có chuyện gì?

    Nhỏ cười thật tươi (may nhờ trời nó còn có cái răng khểnh dễ sương, chứ không chua kiểu đó chắc ế quá) chỉ chiếc xe đạp:

    - Có gì đâu, xe tui sút sên, sửa giùm tui đi.

    - Hả?

    - Có gì đâu mà ông phải dòm tui ghê dzậy? Mấy khi mới được dịp sửa... xe cho tui... ông phải lấy đó làm vinh dự chứ. Hơn nữa nhiệm vụ sửa xe cho con gái là của con trai mí ông muh... lẹ lên đi... tui phải đi gấp nè.

    Trời, đúng là đồ con gái... xí xọn vô duyên. Tôi rủa thầm nó không thương tiếc. Khi không chẳng quen biết gì với người ta mà nhờ vã kiểu dễ... nổi nóng vậy. Nhưng mà nó nhìn giống sư tử Hà - Đông quá, không làm dám nó xé xác tôi lắm. Dù sao tôi cũng đẹp trai, chưa có bồ. Chết sớm vậy uổng lắm. Thôi thà nhịn nó một tí bảo vệ tính mạng cũng không sao. Tôi hậm hực liếc nó rồi đi tới chiếc xe đạp lui cui gắn dây sên vào. Con nhỏ đứng bên cười một cách đắc ý. (Chẳng lẽ lúc đó tôi đứng lên đục nó một cái cho gãy cái răng khểnh chết tiệt kia chứ, dòm nó đáng ghét vậy muh sao mới đầu tôi còn khen nó dễ thương). Qua một thế kỷ của tôi (tức 10 phút của nó), tôi hí hững đứng lên:

    - Xong rồi nè.

    Con nhỏ giằng chiếc xe ra khỏi tay tôi.

    - Í da, ông sửa lâu quá, tui trễ rồi. Thôi tui đi nha.

    Chưa nói dứt câu, nó đã vọt thẳng. Để tôi đứng sững trong chiều gầm gừ với những chiếc lá vàng vô tội xung quanh...

    Sáng nay là buổi học đầu tiên. Thằng Sinh, thằng Hải và tôi đứa nào cũng hồi hộp. Bởi vì năm nay lớp 12A tụi tôi sẽ dưới sự chiếu cố của "Từ Hy Thái Hậu" Công Tần Tôn Nữ Trần Vị Khuê. Nội đọc xong tên bả thì nồi cơm của tôi cũng muốn... khê thiệt rồi. Sở dĩ Cô Khuê được tiếng là "Từ Hy Thái Hậu" là vì cô rất khó và rất dữ. Mà chắc cũng có lẽ vì cô là người Huế cho nên hồn thơ cô thật là lai láng.

    Xưa nay chưa có đứa nào thoát qua khỏi lớp văn của cô mà không bị rụng tóc... rát cổ họng cả. Lý do đơn giản: cô yêu thơ hơn văn. Bọn chúng nó từ lồi sỉ đều phải ngậm ngùi trở thành thi sĩ hết. Chúng tôi,Tam Quái 12A: Mã Giám Sinh (thằng Sinh), Sở Khanh (tức là tôi) và Từ Hải (thằng Hải) xưa nay đã chứng kiến không biết bao nhiêu đứa bứt tóc leo cây mận làm thơ mỗi khi cô Khuê cho bài tập. Chúng tôi đã từng sung sướng cười trên sự đau khổ của bọn nó, không ngờ bây giờ lại tới phiên ba đứa tôi.

    Tôi đưa mắt nhìn quanh lớp, cũng là mấy khuôn mặt... mốc quen thuộc của tụi nó. Lớp 11A quỷ quái nổi tiếng năm ngoái năm nay đã được lên chức. Cầu trời phù hộ cho chúng con, đừng để bà Từ Hy Thái Hậu biến bọn con thành... những tên thái giám cuối cùng của nhà Thanh hết. Tôi lẩm bẩm rồi cười thầm một mình. Cô Khuê mà biết tôi nghĩ vậy chắc cô cho tôi nhập cung trước quá. Đang say mê viễn tưởng những ngày đen tối của tụi tôi thì "reng... reng... reng". Những tiếng ồn ào trong lớp lập tức im bặt. Mấy chục con mắt đổ dồn về phía cửa lớp. Cô Khuê trong chiếc áo dài trắng (chắc cô quên mua nón bài thơ), ẻo lã như cô gái Huế... lỡ thời thật sự bước vào. Đứng dậy một cách hiên ngang như Từ Hải trước lúc bị... ngủm, tôi hét lên:

    - Mẫu hậu giá lâm!

    Lập tức những tiếng rúc rích vang khắp mọi nơi. Đứa nào cũng mặt đỏ gay nhưng không dám cười. Cô Khuê nhìn tôi và cười:

    - Cô đã nghe tiếng Tam Quái 11A lâu rồi, chắc em là 1 trong 3 em đó. Em tên gì đây?

    Tôi cố nén cười giả vờ lễ phép:

    - Thưa cô, em là Sở Khanh. Uả dạ không phải, em là Hoàng Vũ Khanh ạ!

    Hahaha, rốt cuộc thằng Hải nén không nổi. Nó gập người lại cười. Mấy đứa khác trong lớp tôi cũng rũ ra ngặt ngẽo.

    Cô Khuê quát:

    - Trật tự.

    Rồi đưa mắt nhìn tôi, cô lại cười khó hiểu:

    - Khá lắm, dám giỡn mặt với cô giáo như vậy. Đúng là đại ca của Tam Quái. Em ngồi xuống đi.

    Tôi ngạc nhiên nhìn cô. Lạ chưa, Từ Hy Thái Hậu không phạt tôi, sao trời còn chưa mưa nhỉ?

    Cô Khuê đưa mắt nhìn quanh phòng. Rồi chậm rãi lên tiếng:

    - Chào các em lớp 12A, tôi tên Khuê. Năm nay tôi sẽ là cô giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm của các em. Trước khi bắt đầu lớp, cô muốn giới thiệu với các em một bạn học mới. Thảo Nguyên, em vào đi.

    Đôi mắt lém lỉnh với mái tóc thật ngắn xuất hiện ngay cửa. Trời ơi, kẻ thù của tôi, con nhỏ răng lồi sỉ. Có lẽ nào xưa nay tôi ăn chay niệm A Di Đà Lạt mà còn gặp phải ma nữ bây giờ. Nhìn nó là tôi muốn chóng mặt. Xưa nay Nhất Quái Sở Khanh nổi tiếng phá và lì trong trường mà hôm đó phải hy sinh làm thợ sửa xe bất đắc dĩ cho nó. Chuyện này nói ra thì tôi còn mặt mũi gì. Hình như Thảo Nguyên không để ý gì tới ánh mắt hình viên đạn của tui đang nhắm vào nó. Nó cười tỉnh bơ:

    - Ủa, thì ra ông học chung với tui hả? Cô ơi, cho em ngồi bàn này nha.

    Nói xong, nó thản nhiên mang cặp tới ngồi trước mặt tôi. Hất hất mái đầu tóc... rể tre như trêu gan tôi.

    - Được rồi, hôm nay là ngày đầu tiên. Cô sẽ không có dạy gì nhiều. Cô nghe nói em Vũ Khánh học rất giỏi. Hơn nữa hôm nay chúng ta có bạn mới là Thảo Nguyên. Nếu ngay bây giờ em Khanh có thể làm ra 4 câu thơ tặng cho Thảo Nguyên thì cô cho các em ngồi không tiết này.

    Giọng cô Khuê nhẹ nhàng mà tôi nghe như sét đánh. Trời thần, cái thằng tôi xưa nay chỉ chuyên về Toán. Hỏi tôi một cộng một bằng mấy hay là ba cộng má bằng con đúng không thì tôi biết. Chứ còn làm thơ thì... Rõ ràng là cô muốn trả thù cái vụ "đón tiếp" lúc nãy mà. Cả lớp háo hức nhìn tôi chờ đợi. Ừ, thì bọn mày vui vẻ tại vì bọn mày đâu có ra trận đdầu tiên như tao. Sự hy sinh của tôi còn có thể đổi về cho tụi nó một tiết ngồi không nữa. Biểu sao tụi nó không khoái. Thằng Sinh cười hìhì:

    - Phen này mày tiêu rồi Sở Khanh ơi, đáng lẽ Từ Hải chuyên về văn bả không gọi, bả lại đưa lược cho thầy tu chải tóc. Thôi mày vì anh em ráng đi. Tao ủng hộ mày. Mày đừng lo nếu mày hy sinh tao sẽ đốt giấy vàng mã cho mày đều đều mỗi năm hehehe. Còn khóc một dòng sông đưa tiễn mày nữa.

    Cái thằng trời đánh, tôi muốn thoi cho nó một thoi bạo. Nhăn nhó đứng lên. Dòm khuôn mặt tươi rói của nhỏ Thảo Nguyên, tôi càng tức ói máu. Hãy xem nè con nhỏ sư tử rừng xanh. Vận hết 12 thành công lực, tôi thong thả:

    - Đêm qua mẹ em hầm cẳng bò
    Bốn, năm cái cẳng thiệt là to
    Em mê em xực cho nó đã
    Nên tới bây giờ vẫn còn no!

    Cả lớp tôi muốn vỡ tung ra. Đứa thì bò sát trên bàn. Đứa thì ôm bụng. Đứa chảy nước mắt nước mũi. Cô Khuê nhìn tôi chăm chú:

    - Thơ hay lắm, thực tế ghê há. Nhưng mà có liên quan gì tới Thảo Nguyên?

    Tôi cười cười nhìn Thảo Nguyên:

    - Dạ thưa cô Thảo tức là cỏ, Nguyên tức là bằng. Cỏ bằng không phải cẳng bò sao cô? Em làm ra 4 câu thơ tả Thảo Nguyên rồi, cô có giữ lời hứa không ạ?

    Cô Khuê hết nhịn được, cô mĩm cười:

    - Giỏi lắm Khanh, các em hôm nay cứ tự nhiên nói chuyện cho hết tiết này.

    Cả lớp tôi đồng loạt rống lên:

    - Sở Khanh muôn năm!

    Tôi mém chút nữa là đưa tay chận lổ mũi. Ôi giây phút huy hoàng của họ Sở tui. Không phải vì nghe mấy đứa nó khen mà là vì tôi đã trả thù con nhỏ đáng ghét đó được. Tôi sung sướng nhìn nó. Thảo Nguyên ném cho tôi một cái liếc sắc như dao cạo. Thôi đi sư tử ơi. Một đều rồi đó nhỏ ạ. Đừng tưởng Nhất Quái dễ ăn hiếp mà lầm.

    Đã hơn 2 tuần trôi qua, mà sao tôi chẳng thấy "sư tử" Thảo Nguyên làm gì tôi cả. Nó chỉ lâu lâu nhìn tôi một cách đe dọa rồi bỏ đi. Tôi không ngờ con nhỏ nhìn giống con trai như nó mà lại giỏi thơ văn như vậy. Mới có 2 tuần mà nó đã nghiễm nhiên trở thành lớp phó học tập trong lớp tôi. Công chuá "Cẳng Bò" cưng của bà "Từ Hy Thái Hậu". Trong khi nó rảnh rỗi ngồi ăn ô mai và nhiều chuyện với mấy đứa con gái chung lớp thì tôi phải thức trắng 2, 3 đêm vò đầu làm thơ và gạo bài. Nếu những con chí trên đầu tôi biết nói, thế nào chúng nó cũng đi biểu tình phản đối cô Khuê. Vì tại cô nên tôi mới phải gãi đầu hoài.

    Hôm nay lại phải ghi một bài thơ. Tôi hết nằm rồi lại ngồi, leo lên xực gần sạch cây ổi nhà tôi mà vẫn chưa nghĩ ra.

    - Sở Khanh, thằng quỷ mày đâu rồi?

    Thằng Mã Giám Sinh hớt hải chạy vô. Tôi chồm dậy nhìn nó:

    - Gì đây mày, không thấy tao đang làm bài sao?

    Thằng Sinh vừa thở vừa nói:

    - Tin động trời mày ạ, tao bảo đảm mày nghe xong mày hết muốn ăn ổi luôn.

    Tôi bứt một trái khác, chùi chùi cho vào miệng cắn tiếp:

    - Ờ, nếu là tin bà Từ Hy Thái Hậu nghỉ dạy thì tao khỏi cần ăn ổi thiệt. Tao đãi tụi mày đi ăn bò bía.

    Thằng Sinh cắt ngang:

    - Mày biết gì không.

    - Mày không nói làm sao tao biết?

    - Trời, mày nghiêm chỉnh một chút được không. Tao mới phát hiện ra thằng Từ Hải đi ăn kem với đám sư tử chiều nay.

    Quỷ thần, tôi mém nữa nuốt luôn cả trái ổi. Lật đật phóng xuống, tôi chụp vai thằng Sinh:

    - Hả nó dám tạo phản... Trời ơi còn gì là bí mật quân sự của tụi mình.

    Thằng Sinh bật cười:

    - Bí mật quần sự thì có, mình có cái quái gì mà bí mật với bật mí. Cái chuyện kinh khủng tao nói đây là hình như thằng Hải thích con nhỏ "Gấu mẹ vĩ đại" đó mày ạ.

    Tôi sửng sốt một chút rồi ôm bụng cười:

    - Hahaha má ơi cứu con, đụng ai không yêu đi yêu con nhỏ đó.

    Hà học chung với bọn tôi từ lớp 10 tới giờ. Bọn tôi gọi nó là "gấu mẹ vĩ đại" là vì tướng tá nó cao lớn như con trai. Lại còn có đai đen Nhu Ddạo nữa. Bọn con trai gặp nó là le lưỡi chạy dài. Thằng Từ Hải chắc uống lộn thuốc rồi. Tôi vỗ vai thằng Sinh:

    - Tao với mày đi mua hòm cho nó mày ơi. Chứ tao nghi nó sắp đổi tên Trần Văn Hải thành Trần Văng Dẹp rồi đó. Bị đá văng mà còn bị đè bẹp dzí nữa hahaha.

    Thằng Sinh huých tôi:

    - Thôi đi mày, đi chỗ này hấp dẫn hơn. Tao tình cờ phát hiện lá thư trong hộc bàn của thằng Hải. Hai đứa nó hẹn gặp ở Hồ Than Thở chiều nay đó.

    Tôi quăng vội trái ổi:

    - Quá đã, tao phải đi coi kịch. Kệ cha bài thơ của bà Từ Hy Thái Hậu. Hy vọng lần này thằng Hải không bị "than thở thê thảm tàn tạ te tua thân trai tơ".

    Hai đứa hí hửng phóng ra khỏi nhà tôi. Mục tiêu: Hồ Than Thở.

    Buổi chiều Đà Lạt thật đẹp. Hồ Than Thở phẳng lặng như một mặt gương. Lâu lâu gợn tí sóng. Gió nhẹ nhàng xua làn tóc của các cô gái trong chiều. Cảnh thì đẹp nhưng tôi và thằng Sinh đâu có hứng thú nhìn. Hai đứa tìm chỗ giấu xe rồi phóng lên cây ngồi chờ. Khoảng 30 phút, tôi sốt ruột khều thằng Sinh:

    - Ê thằng quỷ chơi tao hả mậy, sao giờ chưa thấy bóng 2 đứa nó?

    Thằng Sinh cũng sốt ruột như tôi, nó nghiêng qua nghiêng lại trên cây như bị kiến cắn:

    - Mày chờ chút đi. Ah, mà khỏi chờ nữa... tèng téng teng... mở màn... Từ Hải ra trận kìa.

    Tôi dõi theo hướng tay nó, quả nhiên thằng Hải đang mò mò tới. Ông tướng hôm nay thiệt là bảnh. Quần áo ủi láng o, đầu tóc cũng láng o. Tôi không biết nó xịt hết bao nhiêu chai keo rồi. Nhưng tôi chắc chắn là con ruồi nào mà xui xẻo đậu trên tóc nó thì nhất định trượt té gãy cẳng chứ chẳng chơi. Nó vừa đi vừa dáo dác dòm xung quanh. Đúng là cái thằng này ăn trộm sợ bị bắt quả tang, tôi hậm hực nghĩ thầm, rồi mày sẽ biết tay ông, Từ Hải ạ. Gấu mẹ vĩ đại không biến mày thành Trần Văng Dẹp thì tao cũng biến mày thành Trần Văn Trụi. Tôi phát vô mông thằng Sinh một cái thật mạnh làm nó mém té xuống cây:

    - Ê mầy, sao chưa thấy nhân vật chính Thuý Kiều xuất hiện kìa? Bộ ẻm Hà còn phải đi thẩm mỹ viện trang điểm lại dung nhan gấu mẹ của nó rồi mới ra diện kiến Từ Hải sao?

    Thằng Sinh bực tức thò chân đạp tôi:

    - Thằng quỷ, mày dám đập mông ông một cái đau điếng dzị à. Coi chừng tao thưa mày cái tội rờ mó trai tơ bất hợp pháp đó nghe chưa.

    Đang thao thao chợt nó ngưng ngang, mắt sáng rỡ:

    - Tới rồi tới rồi, chời chời, coi ẻm gấu mẹ vĩ đại của lớp mình hôm nay diện ác.

    Tôi chồm lên nhìn. Nhỏ Hà hôm nay mặc đầm. Trời ơi, không khéo nó làm trời Đà Lạt đổ tuyết mất. Bất ngờ, tôi thấy thằng Hải rút ra một bó hoa hồng từ phía sau lưng đưa nhỏ Hà. Quái, thằng này giấu hoa đâu hay vậy kìa. Hay là nó nhét trong... tuí quần. Hong biết em Hà ngửi có bị viêm mũi không chứ tôi thấy nó nhận bó hoa từ tay thằng Hải mà run run như bị điện giựt. Chắc có lẽ vì xúc động quá cỡ trước tấm lòng... heo của thằng bạn thân tôi. Thằng Sinh và tôi gần như nín thở khi 2 đứa nó từ từ đi lại gần chỗ núp của bọn tôi. Chuyện này tôi phải thầm khen thằng Sinh chọn chỗ canh me chính xác quá, phải chi nó đem theo cái máy chụp hình nữa thì bá chấy bò chét chó. Tôi nghe thằng Hải ấp úng:

    - Chút... chút nữa mình đi đâu đây Hà?

    Nhỏ Hà cười e lệ:

    - Thì tuỳ ý Hải đi. Mà hôm nay Hải hẹn Hà ra đây bảo là có chuyện muốn nói mà. Thì Hải nói đi.

    Thằng Hải run lên như bị sốt rét ác tính:

    - Hải... Hải...

    Tôi ngồi trên cây mà nóng mặt dùm nó. Trời đất ơi cái thằng ngốc, mày cua gái vậy đó hả? Sao không nhào vô nắm tay rồi ôm đại đi. Em ngại ngần rồi cũng... ôm lại. Còn không em có lên cơn thì mày quỳ lạy. Mà em mang đai đen vô thì mày bỏ chạy. Thiệt tình. Không chịu học qua đại ca Sở Khanh của nó một chuyến trước khi ra trận tình của ẻm mà.

    Nhỏ Hà và nó ngồi im lặng không dám nhìn nhau thật lâu. Rồi thằng Hải run run thò tay qua đụng nhẹ tay Hà. Con nhỏ rụt tay lại, mặt nó đỏ bừng lên. Tôi không thể tưởng tượng khi vật nhau ầm ầm với đám con trai Nhu Đạo nhỏ Hà xông pha như con cọp cái xổng chuồng mà bây giờ hiền như con nai tơ trước mặt thằng bạn tôi. Lần này tao phải bái mày làm sư phụ để học nghề trị sư tử và cọp cái mới được, Hải ạ.

    - Um... à... Hà à - thằng Hải rụt rè lên tiếng.

    - Dạ, nhỏ Hà cúi đầu mân mê tà áo.

    - Thật ra Hải có chuyện này muốn nói với Hà nãy giờ mà ngại quá. Hải... Hải...

    Mặt nhỏ Hà càng đỏ hơn, nó không dám ngẫng lên nhìn thằng Hải. Nó lí nhí trong miệng:

    - Thì Hải nói đi, Hà nghe nè.

    Thu hết can đảm, Thằng Hải nói một mạch:

    - Thật ra thì Hải đau bụng quá, nãy giờ chờ Hà lâu quá cho nên Hải ghé quán chè ngoài kia ăn hết 2, 3 ly rồi. Xin lỗi Hà bây giờ Hải phải về gấp. Chuyện mà Hải muốn nói với Hà thì Hải sẽ đưa thư sau. Hải đi trước nha Hà.

    Chưa nói xong nó đã ôm bụng chạy một mạch bỏ nhỏ Hà ngồi ngẩn ngơ dưới gốc cây với khuôn mặt thẫn thờ. Tôi quay nhìn thằng Sinh thấy nó đang dùng 2 tay bụm miệng, nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Chờ nhỏ Hà đạp xe đi khuất, 2 đứa tôi rũ ra cười như chưa bao giờ được cười. Trời ơi là trời, người hùng Từ Hải của bọn tôi lần đầu hẹn hò bạn gái là vậy đó sao? Lần này chắc nhỏ gấu mẹ vĩ đại xé xác nó thiệt rồi. Hai đứa tôi vừa cười vừa leo xuống. Thằng Sinh phủi tay:


  • #2

    Trời, thà cô giết tôi đi còn sướng hơn là đưa tôi làm... mồi cho sư tử. Tôi thẫn thờ ngồi xuống, đầu óc lùng bùng. Chỉ thấy cái răng nanh của sư tử đang nhe ra trắng nhỡn như đe dọa tôi. A Di Đà Lạt, đời con lại héo hắt rồi Phật ơi.

    .....

    Tan Trường, thằng Sinh viện cớ bận chuyện gấp bỏ chạy trước. Thằng khỉ mà, bận... đồ thì có chứ bận chuyện gấp gì. Nó sợ sư tử thôi. Nó đành lòng bỏ lại tấm thân trai tơ tròn trịa trắng trẻo như Đường Tam Tạng của tôi cho đám ma nữ... xực. Tôi ngậm ngùi đạp xe tới quán Hoa Vàng một mình. Lòng thầm cầu mong nhỏ Thảo Nguyên bị đau răng đột xuất cho nó khỏi đòi ăn chè nữa.

    Quán Mimosa hôm nay vắng, tôi chọn một bàn trống ngồi vào. 20 phút trôi qua không thấy bóng nó. Lòng tôi khấp khởi mừng thầm. Chẳng lẽ lời cầu xin của tôi linh nghiệm vậy, phen này tôi phải cúng Phật một trái chuối mới được (còn nguyên nãi để cúng... bao tử tôi). Nỗi mừng vui của tôi chưa kéo dài được 2 phút thì lố nhố nơi cửa, một đám khoảng 10 đứa ma nữ kéo vào. Tôi chết trân tại chỗ trợn trừng mắt ngó. Tướng tôi lúc đó chắc giống Từ Hải chết đứng giữa trận tiền lắm. Nhỏ Thảo Nguyên cười cười:

    - Hôm nay Khanh đãi bọn mình ăn chè đó, các bạn cứ tự nhiên nha.

    - Hoan hô.

    Bọn con gái náo nức cười nói. Tụi nó gọi nào là chè chuối, chè bắp, chè hột lựu, chè đậu đen. Ăn cho sáng con mắt nó tối con mắt tôi. Tôi ngồi im chẳng dám nói tiếng nào. Kỳ này chắc nguyên tháng tôi nhịn đói đi học rồi. Ước gì tôi được ăn thịt nhỏ Thảo Nguyên trừ. Tôi gầm gừ nhìn nó. Thảo Nguyên thản nhiên cười lại với tôi.

    Sau khi tiêu diệt gần... sạch quán chè. Tụi nó đứng lên bỏ đi hết. Thảo Nguyên lại nhe nanh với tôi tiếp:

    - Cám ơn Khanh đãi Nguyên ăn chè nha. Ngày mai gặp.

    Nó cũng bỏ đi để tôi ở lại giữa chiến trường... chén và dĩa. Tôi ngao ngán đứng lên đi lại quầy tính tiền. Dốc hết tài sản ra cầm trên tay, tôi hỏi bà chủ:

    - Bao nhiêu vậy chị?

    - Ồ, cậu không cần phải trả. Cô tóc ngắn hồi nãy đã trả trước khi vào đây rồi.

    Tôi đứng đó ngỡ ngàng. Thì ra Thảo Nguyên không đến nỗi ác độc như tôi tưởng. Tôi cũng không thèm ăn thịt nó trừ cơm nữa. Vừa huýt sáo vừa đạp xe về, tôi bỗng thấy đời đẹp hơn nhiều. Học nhóm thì học nhóm, dù sao thơ đâu phải là chán lắm. Nhất là khi sư tử... bỗng nhiên trở nên dễ thương quá chừng.


    Em hãy cứ là giọt nắng dễ thương
    Rớt trên tóc tôi
    làm trái tim chợt ấm
    Đừng làm lá thu mùa này rơi buồn lắm
    Tôi sẽ thẫn thờ
    thương nhớ nắng... biết không?

    - Ối giời ơi, làng nước ngó xuống mà coi. Sở Khanh nhà tôi nàm thơ tình kìa.

    Tiếng thằng Sinh eo éo sát bên lỗ tai làm tôi hốt hoảng đóng cuốn tập lại. Muộn rồi. Hai thằng quỷ đang rũ rượi phía sau lưng tôi. Quái lạ, bọn nó đến khi nào mà tôi không hay, chẳng lẽ dạo này hồn tôi gởi sang bên vùng "thảo nguyên" với giàn hoa giấy đỏ rực kia. Tôi nổi sùng:

    - Hai đứa mày làm gì đây, còn cười nữa thì đừng nhận bạn bè với tao nghe mậy.

    Thằng Hải cố sửa tướng nghiêm chỉnh lại, nó nheo mắt:

    - Dạo này thấy Sở Khanh nhà mình hay thẫn thờ, còn làm thơ vu vơ nữa. Chắc mới bị tiếng sét ái tình đánh trúng... hộc máu phải hông mậy?

    Thằng Sinh khoái chí bồi thêm:

    - Nó còn đặc biệt khoái gặm cẳng bò hơn chả giò nữa mày ạ.

    - Hai thằng quỷ chết tiệt.

    Tôi rượt 2 đứa nó chạy lòng vòng đến khi 3 đứa mệt lã nằm sóng soài dưới đất. Thằng Hải khều tôi:

    - Giận làm chi mày ơi, tao yêu ẻm "gấu mẹ vĩ đại" tao còn dám công bố. Huống hồ chi nhỏ Thảo Nguyên đâu có tệ.

    Tôi đỏ mặt:

    - Ai nói tụi mày là tao yêu nhỏ sư tử đó. Chẳng lẽ tao không sợ nó lên cơn cào cấu cắn xé tao sao?

    Thằng Sinh cười hì hì:

    - Mày không yêu sao tự nhiên tập làm thơ từ lúc đi học nhóm với nó? Xưa nay mày ghét thơ lắm kia mà.

    Thằng Hải mơ màng nhìn lên trần nhà:

    - Nhưng mà từ dạo mày đi học chung với Thảo Nguyên. Thơ văn mày tiến bộ hẳn đó Khanh. Đâu như tao, càng ngày càng vũ nữ khi gần em Hà. Hồn thơ sao sắp ngủm củ tỏi rồi nè.

    Tôi bâng khuâng khi nghe 2 đứa nó nhắc tới Thảo Nguyên. Đúng là từ lúc đi học chung với nó, tôi đỡ bị cô Khuê đem ra làm trò cười cho lớp thật. Những bài thơ vu vơ không làm tôi bứt tóc muốn... trọc như ngày xưa. Không biết ở đâu mà hồn thơ tôi lai láng, chẳng lẽ nào tôi đã...

    Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đưa bài thơ "Lần Đầu Gặp Em" của tôi cho nó. Thảo Nguyên đã cười tôi cả buổi làm tôi quê không tả được.

    Lần đầu gặp em nơi quán kem
    Nhìn em sao anh chợt thấy thèm
    Da em nhìn giống ly kem sữa
    Càng nhìn càng muốn xực em thêm

    Thảo Nguyên nói tôi có tâm hồn ăn uống thiệt không sai. Thơ tôi lúc nào cũng làm tôi... chảy nước miếng (không biết Thảo Nguyên có bị giống tôi không). Nhưng có một điều, thơ Thảo Nguyên rất có thể làm người ta chảy... nước mắt. Không phải thế sao nó làm trái tim Sở Khanh của tôi đập loạn nhịp được. Bất chợt một đoạn trong bài thơ "Có những mùa hè" của Thảo Nguyện hiện ra trong đầu tôi, tôi khẽ lẩm bẩm:

    Có những mùa hè
    Đi qua cùng bao tà áo trắng
    Em nhớ gì không?
    Bên kia đường còn vệt nắng
    Khao khát được nhìn chiếc bóng của em

    - Sinh ơi, thằng Khanh bị nặng quá rồi mày ạ.

    Tiếng cười của thằng Hải cắt đứt ngang dòng suy tưởng của tôi. Tôi xoay qua ngượng ngùng khi thấy 2 đứa nó đang chăm chăm nhìn tôi cười đầy ngụ ý. Thằng Sinh dựng tôi dậy:

    - Đi mày.

    Tôi ngớ ngẩn hỏi nó:

    - Đi đâu bây giờ?

    Thằng Sinh tuyên bố xanh rờn:

    - Đem trầu cau tới nhà Thảo Nguyên.

    - Dẹp đi mày.

    Tôi choáng váng khi nghe nó đùa. Cái thằng vô duyên. Không những không giúp tôi giải tỏa bầu tâm sự nặng nề làm tôi mang... muốn xỉu mà còn chơi tôi nữa. Tôi quay qua nhìn thằng Hải cầu cứu, nó ngó tôi:

    - Mày không tranh thủ cơ hội tống tình thì coi chừng ẻm bị người ta cướp mất đó nghe mậy. Lúc đó đừng có rên "mai em theo chồng ru kỷ niệm vào dĩ vãng, hôn lên tóc xù mà lòng anh nát như tương".

    Tôi chột dạ nhớ tới thằng Khương của trường bên kia. Đúng rồi, nó thường hay đợi Thảo Nguyên mỗi khi tan trường. Nghĩ tới khuôn mặt Trư Bát Giới của nó là tôi lên tăng xông. Tôi ỉu xìu chép miệng:

    - Tao biết làm sao giờ, chẳng lẽ chạy đi nói với Thảo Nguyên là tao... khoái gặm cẳng bò?

    Thằng Sinh cười rú lên:

    - Trời ơi sao dạo này mày ngu như... bò vậy Khanh? Chắc tại gặm cẳng bò hoài mà. Em khoái thơ, mà mày thì cũng biết làm thơ con cóc đó. Còn chờ gì không mau ghi một lá thơ tống tình đi.

    Cái thằng mắc dịch mà. Hễ có cơ hội là nó chà đạp tôi không thương tiếc. Nhưng mà nó nói cũng đúng, còn gì lãng mạn hơn tỏ tình bằng thơ. Rồi em sẽ xúc động chảy nước miếng nước mũi. Ngã vào lòng tôi thì thầm "Sở Khanh ơi, anh đúng là nhà thơ lớn. Em thương anh quá". Nghĩ tới đó là tôi thấy tôi đang ở 9 tầng mây, tôi vỗ vai thằng Sinh khen:

    - Công nhận lâu lâu mày thông minh đột xuất mặc dù ngu thường trực, tao sẽ "thức trắng đêm nay" để viết thơ cho nàng. Nhưng mà đứa nào hy sinh đi gởi?

    Thằng Hải khoát tay:

    - Hai đứa mày sao thích đi đường vòng, hay là ghi đại một lá thư tình đi. Ghi vầy nè:
    "Cẳng Bò yêu dấu của lòng anh!
    Qua bao đêm trằn trọc suy tư vì... muỗi cắn anh không ngủ được. Anh mới nằm thẳng cẳng viết lá thư này cho em. Em biết không, anh nhớ em như bò nhớ cỏ, như má nhớ con, như bù lon nhớ con tán. Ngay cả lúc đi cầu anh ngồi nhìn mấy con cá tra bơi lội anh cũng nhớ em luôn".

    Tôi co chân đạp thằng Hải một cái thiệt mạnh trước khi nó đọc tiếp. Đúng là một lá thư tình sặc mùi... cá tra. Nhỏ Thảo Nguyên mà đọc chắc nó cầm dao đi xin tôi tí huyết quá. Mặc kệ thằng Hải nằm lăn lộn dưới sàn nhà mà cười, tôi kéo thằng Sinh:

    - Mày sẽ là người đưa thư cho tao, còn bây giờ thì tao đãi mày ăn chè.

    Thằng Hải vội vàng chồm dậy:

    - Ê, chờ tao với, 2 đứa mày có chè quên bạn hả?

    Ba đứa tôi lại vui vẻ lên đường tới quán chè. Tôi tạm bỏ quên nhỏ Thảo Nguyên qua một bên. Tình yêu đâu thể nào ngọt hơn chè. Thôi xực cái đã rồi tính sau.

    Đêm đó tôi gần thức trắng thật. Nhưng không phải vì muỗi cắn như thằng chết tiệt Hải nói mà là vì muốn nếm thử vị tương tư đầu đời. Tôi ngồi lặng lẽ mường tượng nhỏ Thảo Nguyên vất vã phụ mẹ buôn bán gánh hàng rong. Đôi gánh nặng trĩu trên đôi vai thon gầy của nhỏ. Ánh mắt nụ cười tưởng như vô tư kia có lúc lại quá xa xôi. Cái nhìn ngạo mạn kia không phải chỉ vì bướng bỉnh mà là còn pha chút chán chường trong đó. So với nhỏ, tôi sướng hơn nhiều. Mười tám tuổi đầu, lại là con trai một. Gia đình không gọi là khá giả nhưng có ba mẹ lo. Tôi không thiếu gì cả. Tôi chưa từng phải làm bất cứ một cái gì nặng nề. Thở dài một mình. Tôi chợt thấy thèm... biết hút thuốc. Nếu biết, tôi sẽ nhìn từng vòng khói đêm nay mà nghĩ đến nụ cười răng khểnh bất cần đời của em, nhỏ ạ. Nắn nót từng chữ trên trang giấy, tôi ghi thơ cho em như viết bằng lời nói của trái tim mình:

    Này cô bé mang ánh mắt xa xôi
    Em là ai?
    Sao đi vào đời tôi mà không nói?
    Nụ cười lạnh lùng.. huyền bí như màn đêm tối Cái nheo mắt hững hờ
    xao xuyến trái tim tôi...

    Chiếc giỏ xe em chở gì
    Có phải chở hồn tôi?
    Hay chỉ những cánh phượng rơi giờ ra chơi em nhặt
    Tôi mong cánh hoa
    hóa thành con bướm thật
    Bay đậu tóc mềm... mang tặng khối tình tôi

    Tôi muốn làm ông nha sĩ ( một lần thôi)
    Thèm nhổ cái răng cười trêu tôi mãi
    Em đừng giận hờn không cho tôi gần lại
    Viên kẹo ái tình nè
    sẽ xoa dịu cơn đau!

    Tôi mơ màng ngồi ngó bài thơ. Biết đặt tựa gì đây nhỉ? Đúng rồi, tôi sẽ đem tặng Thảo Nguyên và nhờ nhỏ đặt tên giùm luôn. Ý nghĩ phải đối diện nhỏ làm tôi chột dạ. Không biết tôi có giống thằng Hải lần trước hẹn hò với nhỏ Hà, lắp ba lắp bắp mãi rồi không đi đến đâu. Chỉ đi tới thăm mấy con cá tra. Nhờ thằng Sinh đưa thì tôi nghi quá, không biết nó sẽ vẽ rồng vẽ rắn gì thêm nữa. Thôi đành gồng một lần. Sở Khanh ơi xưa nay mày trăm trận trăm thắng có lý gì hôm nay chưa ra trận đã rút đầu như... rùa. A Di Đà Lạt, nếu lần này toàn mạng trở về nhất định tôi sẽ đi chùa cúng nguyên nãi chuối đàng hoàng chứ không thèm giành ăn với Phật nữa. Trời đã sắp bình minh, giờ hành quyết sao tới lẹ quá. Tôi uể oải đứng lên vươn vai ngáp dài. Phải đi trang điểm lại dung nhan mùa hạ của tôi chứ. Để như vầy ẻm tưởng tôi mới vượt ngục ra thì chết dịch.

    Hôm nay sao tôi thấy thời gian đi nhanh quá. Ngồi trong lớp mà tôi cứ nhấp nhỏm như bị kiến cắn. Đôi lúc lại dòm trừng trừng phía sau ót nhỏ Thảo Nguyên như bị thôi miên. Thằng Hải ngồi bên cạnh cứ rờ trán tôi hoài (chắc nó tưởng tôi mới lên đồng hôm qua, hôm nay còn tưng tửng). Thằng Sinh thì thông cảm cho tâm trạng của kẻ sắp lên đoạn đầu đài như tôi nên lâu lâu nó ném cho tôi một nụ cười đầy ngụ ý rồi thở dài bâng quơ... thò tay móc mũi ngâm nga "đa tình tự cổ leo cây mận, cẩn thận nha Khanh kẻo... tuột quần"!!!. Hôm nay may mắn cho nó là tôi đang lo lắng nên không thèm phang lại nó. Ghi sổ nợ tính sau, mày hên đó nhe thằng quỷ.

    Sau mấy tiếng đồng hồ chờ đợi cuối cùng rồi giờ phút quan trọng cũng đã đến. Hai đứa nó chúc tôi may mắn rồi chuồn mất. Tôi đạp xe tới nhà Thảo Nguyên mà hồn cứ lơ lơ lững lững đâu đâu. Con đường quen thuộc hôm nay sao ngắn quá. Không biết con đường này có dẫn tôi tới khung thành... trái tim nàng hay là dẫn tôi đi ngược về đội nhà sút banh trái tim tôi. Giàn hoa giấy hiện trong ra tầm mắt. Nhỏ Thảo Nguyên mới về trước tôi chút xíu. Nó đang loay hoay với cái xe đạp phía trước, không biết lại bị gì đây.

    - Thảo Nguyên!

    Thảo Nguyên giật mình ngẩng đầu lên ngó tôi, nó cười tươi như hoa:

    - Ủa Khanh, sao hôm nay đến sớm dzậy. Mà càng tốt, xe tui lại sút sên. Có ông ở đây khỏi mắc công tui dơ tay.

    Trời, hễ mỗi lần tôi gặp nhỏ này là xe đạp nó sút sên. Nhưng lần này tôi không tức tối như lần trước mà thầm cám ơn chiếc xe đạp mắc toi của nó. Dù sao có chuyện làm còn đỡ hơn để hai tay thừa thãi tôi không biết làm gì. Cứ gãi tùm lum thì coi kỳ lắm. Tôi nhanh nhảu:

    - Thảo Nguyên để đó tôi sửa cho.

    - Ờ, dzậy tui đi thay đồ nha.

    Nó xong, nó bỏ vô nhà một cách tự nhiên. Còn tôi lại hì hục làm tên... thợ sửa xe bất đắc dĩ lần thứ hai.

    .....

    Buổi trưa hôm nay yên tịnh lạ. Tôi không nghe tiếng bọn con nít nhà bên ồn ào như mấy bữa. Thảo Nguyên và tôi cũng im lặng. Nó lơ đãng ngó những cụm mây trắng trên trời. Còn tôi thì đang moi móc tìm tòi trong cái đầu óc... Sở Khanh của tôi một câu nói có duyên để phá tan sự im lặng đáng sợ này. Chưa kịp mở miệng, nhỏ Thảo Nguyên đã hỏi trước:

    - Tui có cái này tò mò lâu lắm rồi nè ông Khanh. Tại sao ông được gọi là Sở Khanh vậy. Bộ ông hay đi dụ dỗ con người ta rồi... chuồn ngõ sau hả?

    Tôi hốt hoảng xua tay lia lịa:

    - Trời, không phải. Sao Thảo Nguyên nghĩ tui xấu quá dzị?

    Nó nheo mắt:

    - Tui đâu biết, tui đoán đại thôi. Hỏng trúng hả, hỏng trúng thì thôi.

    Tôi gãi đầu ấp úng:

    - Ba đứa Hải, Sinh và Khanh học chung từ lớp 9. Năm đó là bắt đầu học Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong đó có 3 nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh và Từ Hải. Nhằm lúc bọn Khanh lại trùng tên. Cho nên bị đổi tên cúng cơm từ lúc đó tới giờ luôn. (Chứ ba tui còn không dám đi dụ dỗ... má tui thời xưa huống hồ tui chỉ là Sở Khanh... con). Tôi nghĩ thầm nhưng không dám nói.

    Comment


    • #3

      - Hôm nay tao no rồi, đi về mày ơi.

      - Đứng lại.

      Tiếng hét nơi rừng hoang ở đâu vậy trời? Giọng nói quen thuộc quá, tôi quay lại và há hốc mồm khi ngó thấy sư tử "Cẳng Bò" đang đứng đó... nhe nanh cười.

      - Chết bà, chạy Sinh ơi, gặp quỷ rồi, tôi hốt hoảng kéo áo thằng Sinh.

      Thảo Nguyên cười hích hích:

      - Ờ ông giỏi thì chạy đi, mai tui méc Hà là 2 ông theo dõi nó. Coi 2 ông làm sao.

      Đúng là con nhỏ khắc tinh của tôi, nó mà xuất hiện thì không có gì tốt cả. Tôi nhăn nhó nhìn nó:

      - Vậy chứ Cẳng Bò... í lộn... Thảo Nguyên muốn tụi này đứng đây làm gì?

      Thảo Nguyên trợn mắt nhìn tôi:

      - Lại "cẳng bò", ông ngon hén, tui đi méc nhỏ Hà cho coi.

      Không hẹn mà tôi và thằng Sinh cùng rú lên thảm thiết:

      - Đừng!

      Con nhỏ sư tử được dịp càng cười khoái chí:

      - Không nói cũng được, nhưng mà 2 ông phải đãi tui một chầu chè.

      Đúng là đồ dã man. Nhưng mà lỡ leo lưng sư tử rồi làm sao xuống đây. Không đãi nó lỡ nó nói cho gấu mẹ nghe thiệt thì 2 đứa tôi chắc phải bỏ xứ đi nơi khác để bảo vệ trinh tiết... ủa không phải... là bảo vệ tánh mạng. Tôi cười như mếu:

      - Được mà, ngày mai tan trường đi hén Thảo Nguyên.

      Thảo Nguyên nheo mày, lại khoe cái răng... lồi sỉ đáng ghét:

      - Ờ, quân tử nhất ngôn. Hẹn gặp ở quán Hoa Vàng, không gặp không về nha. Mà 2 ông dám không đến thì phải tốn tiền mua quan tài đó hìhì. Thôi 2 ông ở lại dzui dzẻ, tui dzọt.

      Rồi nó lên xe thong thả đạp đi để 2 đứa tôi ở lại nhìn nhau mà... trào máu họng.

      Quân tử nhất ngôn là quân tử dại
      Nói đi nói lại mới là quân tử khôn.

      Sáng hôm sau tôi vừa đạp xe lên trường vừa lẩm bẩm 2 câu châm ngôn quý giá. Nhưng mà làm sao tôi dám áp dụng với con nhỏ đó. Không biết tại sao tôi lại sợ nó còn hơn sợ bà Từ Hy Thái Hậu nữa. Chết rồi, nhắc đến tên bả tôi mới nhớ là tôi chưa làm bài tập. Từ lúc vô lớp 12A tới giờ, cô Khuê lúc nào cũng chiếu cố tôi tận tình (chắc là vì muốn đền đáp sự đón tiếp nồng nàn hôm đầu năm của tôi). Hôm nay tôi không làm bài tập, chắc bả cho tôi nhập cung liền... làm thái giám. Má ơi ở nhà má có biết con má sắp bị gặp nạn, không được bú sữa lần cuối rồi. Tôi mang bộ mặt ủ rũ như gà mắc dây thun bước vào lớp, nhỏ Thảo Nguyên tươi cười:

      - Í, hôm qua ngủ ngon hong ông?

      Tôi nhìn nó nửa mắt rồi đi thẳng tới bàn ngồi phịch xuống. Hmm... h.m... sáng sớm nó cho tôi ăn cẳng bò muốn tức... bao tử, đổ máu mũi rồi mà chiều tôi còn phải đãi nó ăn chè nữa. Đúng là ông trời bất công với người hiền lành như tôi quá. Chuông reo. Cô Khuê bước vào nhìn quanh phòng phán một câu phủ phàng:

      - Sao các em lúc nào cũng ồn ào như cái chợ vậy, các em thử tạo ra một lớp học im lặng đến độ nghe được tiếng ruồi bay một lần xem nào.

      Lớp tôi lấm lét nhìn nhau. Máu tiếu của tôi lại nổi lên khi nhớ đến câu chuyện cười tôi đọc thời... ông Diệm cởi truồng nào đó, tôi buột miệng:

      - Tụi em đã im lặng rồi, sao cô không thả cho ruồi bay đi ạ.

      Những tiếng rúc rích lại vang khắp nơi. Cô Khuê nhìn tôi lạnh lùng:

      - Lại là em hả Khanh. Thôi được rồi, em lên tiếng trước thì em trả bài trước. Bài tập hôm qua đâu Khanh. Em đọc lên cho các bạn nghe đi.

      Lại thơ, cú chưởng của cô nhém chút nữa làm tôi hộc gạch (may quá tôi không phải là cua cho nên chỉ giật mình). Cô Khuê đang nhìn tôi chờ đợi. Tôi quay qua thằng Sinh và thằng Hải cầu cứu. Hai đứa nó lại quay mặt đi chỗ khác giả vờ không thấy. Đúng là mắc dịch mà, bọn mày làm anh em kiểu đó đó hả? Cục đường chia đôi, cục muối thì cho tao lủm hết. Tôi gãi đầu:

      - Dạ thưa cô, em cũng muốn làm bài tập lắm nhưng mà trái tim em xưa nay trong trắng, chưa từng yêu qua làm sao ghi nổi bài thơ "Tình Học Trò" mà cô ra đề ạ.

      Cô Khuê nhìn tôi soi mói:

      - Ồ thì ra là vậy, em chỉ làm được loại thơ "cẳng bò" thôi phải không?

      Nhỏ Thảo Nguyên cười híhí nho nhỏ. Thiệt tôi muốn đục nó ghê. Con gái con đứa chi mà thấy ghét quá. Đang miên mang với viễn tưởng đẹp đẽ được nhổ cái răng lồi sỉ của nhỏ cẳng bò thì giọng cô Khuê lại vang lên:

      - Em Khanh giỏi toán nhưng lại yếu văn. Còn Thảo Nguyên giỏi văn nhưng lại yếu toán. Thôi thì 2 em hãy học nhóm để giúp đỡ lẫn nhau. Bắt đầu từ ngày mai. Được rồi Vũ Khanh, em ngồi xuống đi.


      Nhỏ Thảo Nguyên bật cười:

      - Tui nói chơi thôi, chứ mặt ông nhìn nhát như cáy mà dám đi dụ ai. Có chăng là chờ người ta dụ.

      Nó lại bôi bác tôi. Lần nào nói chuyện với nó tôi cũng dở khóc dở cười. Thấy tôi đứng đực mặt ra, Thảo Nguyên níu tay tôi:

      - Thôi đi mà, chọc chút xíu đừng có nhăn nhó nha Khanh. Mình vào nhà học bài đi.

      Mới đánh đó rồi xoa. Sư tử răng khểnh, em lợi hại thiệt. Nhưng mà lúc này không thừa cơ hội tống tình thì chờ lúc nào nữa. Bây giờ thiên thời địa lợi nhân hòa đều có cả. Hôm nay thời tiết tự nhiên man mát, không có nóng như mấy bữa. Có thể làm con người ta khoan khoái dễ chịu, biết đâu lại vui vẻ nhận tình... yêu của tôi. Hơn nữa không gian lại yên tịnh, phù hợp cho tỏ tình biết bao. Em còn đang định xoa dịu vết thương... lòng heo của tôi vì em mới chê tôi thê thảm. Thu hết can đảm, tôi nắm tay Thảo Nguyên:

      - Tui... uh... Khanh có cái này muốn cho Thảo Nguyên coi.

      Thảo Nguyên ngạc nhiên ngó tôi:

      - Có cái gì, đồ ăn hả? Còn không mau cống nộp lẹ lên?

      Trời, tình yêu của tôi mà nó làm như quà bánh vậy. Chưa đưa đã đòi... xực. Tôi mà trao trái tim bé bỏng trong trắng của tôi cho nó, có khi nào nó xào ăn luôn khi đói không. Mặc kệ, tôi vẫn yêu em, người tình sư tử của tôi ạ. Tôi dúi bài thơ vào tay Thảo Nguyên rồi lùi lại vịn giàn hoa giấy. Tôi sợ tôi có thể xỉu bất cứ lúc nào. Không để ý tới cái tướng khó coi của tôi, Thảo Nguyên giở ra lẩm bẩm đọc:

      "Này cô bé mang cái nhìn xa xôi
      Em là ai?
      Sao đi vào đời tôi mà không nói...
      .....
      ....."

      Sau một thế kỷ trôi qua, Thảo Nguyên ngẩng lên ngó tôi:

      - Khanh làm hả?

      Tôi bối rối gật đầu:

      - Phải, dở lắm hả Thảo Nguyên?

      - Không, hay lắm.

      Nó lại nheo mắt nhìn tôi cười cợt:

      - Mà ghi cho ai đó.

      Tôi đứng tim. Trời, nó còn đùa giỡn với tôi chi giờ này chứ. Lá thơ của tôi chỉ thiếu hàng chữ tổ bố là "tôi thương Thảo Nguyên", chứ nội dung thì diễn tả rõ ràng quá rồi. Trán tôi chỉ không khắc chữ "Khoái Gặm Cẳng Bò" thôi chứ khuôn mặt đờ đẫn của tôi đã nói rõ quá rồi. Tôi méo mặt:

      - Thảo Nguyên còn hỏi? Vậy chứ Nguyên có cảm giác gì khi đọc bài thơ này... và... Nguyên nghĩ là ghi cho ai?

      Thảo Nguyên cười vô tư rồi đâm từng nhát dao vào trái tim... 18 của tôi:

      - Cảm giác huh, tui nghĩ người con gái nào mà nhận được bài thơ này thì xui chết. Vừa bị ông hỏi "em là ai" chứng tỏ ông hỏng biết nhỏ đó là người... hay là con gì rồi. Rồi còn đòi nhổ răng con người ta. Tui mà là nhỏ đó, tui... nhổ răng ông trước.

      Ối giời ơi, bình thường nhỏ này thông minh cực kỳ. Nhất là về thơ văn. Mà bây giờ nó phân tích bài thơ tôi cả đêm thức trắng ghi cho nó vậy đó. Tôi bỗng thấy giận nó và giận cả tôi vô cùng. Sở Khanh ơi mày đã lầm khi lê thân qua đây, để bây giờ nát bét tim rồi. Thở dài não nuột. Tôi quay lưng bỏ đi không nói tiếng nào. Còn gì để mà nói đây. Nhất định đêm nay tôi sẽ làm... Lý Bạch một đêm. Thức trắng nhìn trăng, uống rượu mà thổn thức một mình. Bàn tay mềm mại đặt nhẹ lên vai tôi kéo lại, giọng Thảo Nguyên như gió thoảng:

      - Khanh không phải muốn biết người ta có cảm giác gì khi đọc bài thơ này sao? Thảo Nguyên nghĩ người con gái đó nhất định rất xúc động và sẽ... sẽ...

      Nó quay lưng chạy mất vào nhà. Tiếng cửa đóng lại sao tôi nghe như tiếng pháo giao thừa đêm 30 tết, rộn ràng và hạnh phúc. Tôi muốn hét lên thật lớn vì sung sướng (nhưng tôi sợ bà con chung quanh tưởng tôi bị gì rồi gọi cảnh sát đưa tôi vô Biên Hòa thì tàn đời trai tôi, bỏ lại Thảo Nguyên cho ai). Tôi đứng trước cửa thì thầm:

      - Ngày mai Khanh đến học nhóm, được không Thảo Nguyên.

      Comment


      • #4

        Bên trong chỉ có im lặng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy trân trọng sự im lặng bằng lúc này. Cần chi phải nói, bởi vì trái tim của hai đứa tôi đang nói chuyện đó thôi. Thắm thoát thôi đã gần kết thúc năm học. Bọn tôi bận như điên. Đứa nào cũng sợ thi rớt kỳ này phải về quê cắm câu ca bài "cá gô bỏ trông gỗ kêu gột gột" cho nên không ai dám lơ là. Dĩ nhiên là tôi không có ngoại lệ. Những buổi chiều thong thả đạp xe bên cạnh Thảo Nguyên không còn nữa. Những lần đuổi nhau vòng quanh những gốc cây thông cũng bị lãng quên. Cả hai tuần nay tôi chẳng rảnh để đi gặp Thảo Nguyên. Nhỏ cũng vậy. Hai đứa tôi miệt mài như những đứa học trò ngoan thứ thiệt. Năm nay tôi quyết định đi Văn Khoa. Cô Khuê mừng lắm. Cô thật sự không ngờ cái thằng "văn chương sặc mùi đồ ăn" như tôi cuối cùng lại trở thành thi sĩ... quèn. Cô đâu biết là nhờ gặm Cẳng Bò hồn thơ tôi mới được sáng suốt ra. Chứ không thôi thiên tài nằm trong lá ủ như tôi chỉ chờ mục nát, không có cơ hội được... phát triển. Gạo bài hai tuần. Tôi phát hiện ra mình sắp... mọc râu. Soi gương mém bể kiếng. Không biết nhỏ Thảo Nguyên ra sao rồi. Hình như hai ngày rồi nhỏ không đến lớp. Tôi lơ là quá. Nghĩ tới đó tôi lật đật mặc đồ đàng hoàng vào rồi đạp xe tới nhà Thảo Nguyên.

        Con đường tới nhà nhỏ mùa này thật thơ mộng. Hoa phượng bắt đầu rơi lát đát. Tôi nhớ những lần cùng Thảo Nguyên lang thang chỗ này. Hai đứa đi im lặng bên nhau không nói gì. Nhưng cảm giác thật vui. Bất giác tôi khẽ mỉm cười bâng quơ. Dựng xe trước giàn hoa giấy quen thuộc, tôi rón rén đi vào. Căn nhà trống rỗng. Lạ chưa, Thảo Nguyên đi đâu kìa? Chồng chén chưa rửa nằm chơ vơ ngoài hiên. Tôi bất chợt hốt hoảng. Thảo Nguyên xưa nay rất sạch sẽ, không khi nào để nhà như vầy. Tôi lên xe đạp một mạch tới nhà nhỏ Hà.

        - Hà, Hà ơi!

        Nhìn thấy tôi chạy xồng xộc vô, nhỏ Hà bỏ thùng tưới nước xuống, nhìn tôi ngạc nhiên:

        - Í chà, mấy thưở chuột viếng nhà mèo... tới nộp mạng cho tui hả? Hôm nay chắc trời đổ mưa quá.

        Không để ý đến vẻ mặt châm chọc của nó, tôi vừa thở vừa nói:

        - Hà, sao mấy ngày nay không thấy Thảo Nguyên.

        - Ạ, cuối cùng rồi cũng nói ra ý đồ đen tối, tui biết ông làm gì có lòng tốt tới thăm tui.

        Nghiêm sắc mặt lại, nhỏ Hà thở ra:

        - Má của Thảo Nguyên bệnh cả tuần nay, hôm kia mới trở nặng. Vào bệnh viện rồi.

        Nhỏ Hà tiếp với giọng buồn buồn:

        - Có lẽ Thảo Nguyên không tiếp tục học được...

        Trời, tin động trời vậy mà sao tôi không biết gì cả. Tôi biết là xưa nay mẹ Thảo Nguyên ốm yếu và hay bệnh... nhưng không ngờ. Vò đầu bứt tóc một cách khổ sở tự trách, tôi hỏi Hà:

        - Mẹ của Thảo Nguyên nằm ở bệnh viện nào vậy Hà, cho Khanh biết được không?

        Nhỏ Hà đưa địa chỉ cho tôi. Tôi hối hả đạp xe tới. Đầu óc rối loạn.

        - Thảo Nguyên!

        Thảo Nguyên giật mình ngẩng lên. Tôi xót xa khi nhìn thấy khuôn mặt nhỏ hốc hác và có vẻ gầy hơn trước. Thảo Nguyên bật dậy nhào vào ôm tôi khóc nức nở. Tôi lặng lẽ vuốt tóc nhỏ, không biết phải làm gì. Tôi thì thầm:

        - Bác ra sao rồi Nguyên?

        Tiếng Thảo Nguyên đẫm nước mắt:

        - Mẹ của Nguyên xưa nay sức khỏe kém, lại dãi nắng dầm mưa quá nhiều. Cho nên bây giờ đã trở nặng.

        Tôi thở dài bàng hoàng:

        - Rồi Nguyên định làm sao? Khanh giúp được gì không?

        Tôi hỏi nhỏ mà thừa biết câu trả lời. Tôi giúp được gì đây? Một thằng học sinh chưa ra đời, hai bàn tay trắng. Tôi có cái gì mà giúp em đây chứ. Thảo Nguyên quay nhìn phía khác, ánh mắt nhỏ xa xôi:

        - Một mình Nguyên thì lo cho mẹ không nổi... Nguyên phải...

        Nhỏ bỏ lững câu nói. Nhìn tôi thật buồn:

        - Mà thôi đi, bây giờ Nguyên sợ phải nhắc tới chuyện này. Có gì Nguyên cho Khanh biết sau nha.

        Tôi lặng lẽ nhìn nhỏ. Tiếng đồng hồ tích tắc trên tường và bầu không khí tỉnh mịch trong bệnh viện càng làm tâm thần tôi bất an thêm. Tôi thầm ước mong có một phép lạ xảy ra làm mọi chuyện lại đâu vào đấy. Mẹ Thảo Nguyên sẽ khỏe lại, nhỏ sẽ đi học bình thường và trên môi Thảo Nguyên sẽ không bao giờ có chữ "có lẽ" nữa...

        Nhưng phép lạ không hề tồn tại trong cuộc đời phũ phàng này nên ngoài kia nắng chợt buồn.

        Em Còn Nhớ Mùa Thu?

        Em đi rồi, chắc chẳng nhớ mùa thu
        Đồi thông vi vu
        khóc than giùm tôi đó
        Chiếc lá buồn thương dưới gót hài trăn trở
        Nỗi sầu... lắng đọng cả không gian

        Em đi rồi... thu rơi lang thang
        Tôi với mình tôi đạp xe vòng quanh phố
        Qua một góc quen... tôi thẫn thờ đứng ngó
        Rồi lại đi tìm một thoáng hương xưa

        Em đi rồi
        Tôi từ bỏ cuộc chơi
        Cuộn mình trong góc đời nằm im đó
        Nỗi sầu của tôi hóa thành lớp vỏ
        Cho tôi rút vào ẩn trốn mùa đông

        Em đi rồi
        Em có nhớ gì không?
        Ở tận trái tim tôi vẫn thầm hay gọi
        Mùa thu không tên ơi... xin đừng qua vội
        Chiếc giỏ xe ngày nào... xin còn chở tình tôi

        Ở nơi nào, em có biết rằng tôi
        Khắc khoải từng đêm tập làm thi sĩ
        Dòng thơ cô đơn nặng oằn bao suy nghĩ
        Vẫn cứ thầm thì "em còn nhớ mùa thu"?

        Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh đồi thông hôm nào tôi đã quen Thảo Nguyên. Những chiếc lá vàng tả tơi trong gió cuốn. Những trái thông nằm lăn lóc trên đồi. Cô đơn và buồn như tôi. Thế là nhỏ đã bỏ đi. Không kịp kết thúc năm học, không một lời từ giã với tôi. Nhỏ vứt bỏ thời aó trắng sau lưng để... khoác áo hồng chỉ vì hoàn cảnh. Tôi nghe trái tim tôi thổn thức. Tôi cảm thấy mình thật bất lực, không giữ nổi tình yêu đầu tiên của chính bản thân mình. Không làm sao tranh thủ hạnh phúc của chính mình. Lời nhỏ Hà xa xôi đâu đó:

        - Thảo Nguyên không có từ giã Khanh là vì nó không biết nói làm sao, một mình Nguyên không thể lo nổi cho mẹ. Cho nên nó đã trở về Sài Gòn sống chung với bà con xa. Và rất có thể sẽ... lấy chồng. Vì sao Khanh biết mà, Nguyên đâu còn chọn lựa khác. Anh Tùng là một người có khả năng lo cho Nguyên, anh ấy thương nó từ khi nó 16 kìa. Khi nghe chuyện của má Nguyên, Tùng lập tức chạy lên. Thảo Nguyên còn biết làm gì hơn nữa. Nó cần một chỗ nương tựa, Khanh ạ. Hà biết là Nguyên và Khanh thương nhau. Nhưng cả hai người còn quá nhỏ, không làm được gì cả. Khanh hãy coi Nguyên như là một kỷ niệm đẹp trong đời, để nhớ và để... đau đi. Bài thơ Nguyên gởi lại cho Khanh nè.

        Sẽ không như là tia nắng
        Vì bình minh tắt tự giờ
        Chúng mình sẽ thôi mơ nắng
        Mà mưa ướt đẫm giòng thơ

        Em không còn yêu thu nữa
        (Bởi thu chia cách nhau rồi)
        Em không còn yêu anh nữa
        (Bởi vì đâu thể chung đôi)

        Nụ duyên đầu mong manh quá
        Đời cay đắng đến không ngờ
        Một mai trở thành người lạ
        Anh đừng tìm đến trả thơ

        Tôi cảm thấy vết thương đầu đời của tôi nhức nhối quá. Làm sao có thể chữa lành. Tôi ráng thi vào đại học Văn Khoa không phải vì tôi, mà là vì Thảo Nguyên. Bây giờ có còn gì đâu. Nghe kết quả khả quan đáng lẽ tôi rất mừng, nhưng không còn người để chia xẻ nữa. Có gì đáng vui đâu chứ. Thảo Nguyên đã bỏ đi cả tháng rồi. Thở dài thườn thượt, tôi dẫn xe lang thang như một thằng khùng, nghêu ngao:

        ... Ở nơi nào, em có biết rằng tôi
        Khắc khoải từng đêm tập làm thi sĩ
        Dòng thơ cô đơn nặng oằn bao suy nghĩ
        Vẫn cứ thầm thì "em còn nhớ mùa thu"?...

        - Thôi đừng ở đó nhớ mùa thu, xe tui sút sên nè. Lại sửa giùm đi ông kia.

        Thời gian như ngưng đọng lại, tôi đứng sững ngỡ mình đang nằm mơ. Giọng nói này, không thể nào. Chắc tôi sảng rồi. Tôi từ từ quay lại. Chiếc xe đạp đỏ, mái tóc ngắn, đôi mắt sáng tinh nghịch và chiếc răng khểnh với nụ cười bất cần quen thuộc.

        - Thảo Nguyên!

        Đôi mắt sáng nheo lại, cười cợt:

        - Còn không mau lại sửa xe cho tui, con trai nhà nào mà không ga lăng gì cả.

        Tôi quăng chiếc xe đạp lao tới ôm chầm lấy Thảo Nguyên. Giọng nhỏ theo cơn gió thoảng bên tai tôi:

        - Phép lạ cũng đôi khi xảy ra phải không Khanh.

        Siết chặt Thảo Nguyên như sợ nhỏ chấp cánh bay ra khỏi giấc mơ của tôi, tôi thì thầm:

        - Khanh tưởng là không bao giờ gặp lại Nguyên nữa. Không ngờ...

        Thảo Nguyên đẩy tôi ra, nhìn sâu vào mắt tôi, chiếc răng khểnh dễ thương lại lấp ló bên khóe môi:

        - Anh Tùng đã giúp đỡ Nguyên rất nhiều. Nhờ anh ấy Nguyên đã kiếm được việc làm tạm trong 3 tháng hè này. Rồi Nguyên sẽ đi hoc. lại. Cũng nhờ anh ấy cho mượn tiền Nguyên mới có thể chữa lành bệnh cho mẹ.

        Tôi vừa vui mừng vừa bàng hoàng lo sợ nhìn Thảo Nguyên:

        - Có nghĩa là Nguyên sẽ... kết hôn với anh ấy.

        Thảo Nguyên nắm tay tôi, nói thật chậm:

        - Nếu Nguyên kết hôn với anh ấy, thì đâu còn là phép lạ nữa. Mặc dù Nguyên mang ơn anh Tùng rất nhiều, nhưng anh ấy không bao giờ ép Nguyên phải làm gì Nguyên không thích đâu. Và quan trọng là "em vẫn nhớ mùa thu".

        Câu cuối Thảo Nguyên nói thật nhỏ nhưng tôi lại nghe câu đó rõ ràng nhất. Tôi sung sướng hét lên:

        - AAAAAAAAAA, Khanh thật là vui quá đi. Thì ra Nguyên vẫn còn nhớ mùa thu. Thì ra đời vẫn có lúc thật đẹp.

        Hai đứa tôi lặng lẽ nhìn nhau trong nỗi vui mừng không lời. Trời Đà Lạt buổi chiều mùa thu thật tuyệt vời. Tuyệt vời như giấc mơ tôi đang có trong tay. Và chưa bao giờ, tôi thấy mình yêu mùa thu như lúc đó

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X