Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Người Tù Cuối Cùng

Collapse
X

Những Người Tù Cuối Cùng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Những Người Tù Cuối Cùng


    Hồi Ký: Phạm G. Đại

    (Lời Tác Giả: Để kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" sẽ được khởi đăng từ ngày hôm nay trên những diễn đàn thân hữu và gửi đến gia đình và bạn bè xa gần.)

    Phần XIV
    Một Thoáng Yêu Người


    Thấm thoát mà tôi đã trải qua mười lăm năm trong trại giam nhưng trong hai năm vừa qua tại Hàm Tân thì phải nói một cách trung thực rằng khí hậu trong Nam và ở gần gia đình đã làm cho chúng tôi được thoải mái hơn nhiều và có cảm giác mơ hồ rằng ngày về cũng không còn xa lắm.
    Kể từ ngày mà người vợ lên thăm miễn cưỡng vì áp lực gia đình, bỏ phịch giỏ quà của Mẹ tôi gửi lên xuống đất, nói vài câu rồi lên xe về Sàigòn thì tôi vẫn sống như một cái bóng đi bên cạnh cuộc đời.
    Có điều tôi tự hào với tôi là sau đó tôi không bao giờ đề cập đến người vợ ấy với bạn bè, cũng như không bao giờ nói một câu nào than trách người vợ, hay ông Trời hay số phận mà chỉ giữ kín nó trong lòng mà thôi.
    Tôi chấp nhận một cách nhẫn nhục trong im lặng như tôi đã chấp nhận bao nhiêu tủi nhục đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần như những đòn sấm sét thịnh nộ mà kẻ thù đã giáng xuống chúng tôi trong bao nhiêu năm qua.

    Chỉ có những lúc trong ít phút "giải lao" trong khu rừng lá Buông tôi tìm một chỗ khuất ngồi môt mình nghỉ mệt dưới tàng cây che nắng, bỏ chiếc nón lá xuống để lau những giọt mồ hôi; và khi mà trong lòng buồn quá thì chỉ ngước nhìn lên trời xanh và tự hỏi ông Trời rằng tôi đã làm gì nên tội để phải chịu quá nhiều cay đắng?
    Nhìn những con chim bay nhẩy trên cành hay vụt bay lên hút cuối khu rừng thì đôi lúc cũng không khỏi ước ao gì mình được tự do tung cánh không xiếng xích như mấy con chim ấy.


    Tôi lại nhớ đến anh Đồng Tuy, một người thầy về khoa Tử Vi mà tôi coi kính trọng như một người anh, đã chỉ vẽ cho tôi ít điều về khoa này khi còn trong trại giam ở ngoài Bắc mà một thời gian tôi đã học hỏi một cách say mê.
    Nhờ học khoa Tử Vi này và qua những chứng nghiệm với sự dẫn giải của anh Đồng Tuy mà tôi tin rằng con người ta ai ai cũng đều có một số mệnh riêng kể từ lúc cất tiếng khóc oa oa chào đời.
    Tuy nhiên, anh Đồng Tuy cũng nói Tử Vi không phải là bất biến mà có thể thay đổi ít nhiều tùy theo Phước mà người đó tạo ra trong hiện tại và tương lai, bởi thế nên anh thường kết hợp Tử Vi với khoa Tướng Mạo hay khoa Nhâm Độn, hoặc Chỉ Tay nữa nếu biết coi thì sẽ hoàn toàn chính xác.
    Điều này phù hợp với lời dậy của thầy Tâm rằng theo đạo Phật thì số mệnh con người lúc hên xui, vui buồn cũng tùy vào nghiệp lành hay dữ mà người đó tạo ra trong kiếp này nữa.

    Cho nên khi gập vận không may thì phải bình tĩnh chịu đựng và niệm Phật thì tai ương sẽ như mây mù dần dần tan đi.
    Bởi vậy tôi tin rằng mỗi con người, mỗi gia đình vả cả mỗi dân tộc đều có số mệnh riêng của nó với những hưng vong thăng trầm và buồn vui của nó không thể tránh được.
    Anh Đồng Tuy cũng xem lá số cho tôi và nói rằng cung Thê của tôi xấu lắm. Anh cố không dùng chữ gì khác để tôi khỏi buồn nhưng nhìn anh chỉ sáu ngôi sao gọi là Ám Tinh mà anh gọi là Lục Bại nằm trong cung Thê thì tôi biết rằng ít có cung Thê nào có thể xấu hơn.
    Anh bảo tôi rằng nhờ Bổn Mạng của tôi vững chứ nếu không thì tôi không thể ra khỏi tù được vì hai tuổi xung khắc với nhau; và nếu chia tay thì lại là điều tốt nhưng anh không lý giải cho tôi hiểu được tại sao lại tốt.

    Lúc đó chúng tôi còn đang lưu đầy ở ngoài Bắc và người vợ lúc ấy vẫn còn thương yêu tôi với những bức thư chan chứa tình cảm gửi vào cho tôi.
    Khi vào Nam rồi và khi tan vỡ, tôi mới thấy lời giải đoán của anh gần mười năm trước không ngờ lại chính xác như vậy.
    Nghĩ đến lời của người thầy dậy tôi Tử Vi là anh Đồng Tuy, và nhớ đến lời căn dặn của thầy tôi là thầy Tâm về đạo Phật thì trong lòng tôi như tìm được lời giải đáp và tìm lại được sự thanh thản tâm hồn để lại có thêm nghị lực mà cất bước đi nữa trên con đường hầu như vô định.
    Trong thời gian này tình bạn thật là quí vì các bạn tôi cũng rất là thông cảm và tỏ ra săn sóc hỏi han nhiều hơn đến tôi và thường xuyên kéo tôi vào uống trà cà phê tán dóc với họ, sợ tôi nằm không rồi nghĩ ngợi.

    Tuy nhiên ông Trời không bao giờ đóng cửa với bất cứ ai hay triệt đường sống của ai trừ phi đã đến số trời gọi về, hay nếu ông Trời có đóng cửa này thì sẽ hé mở ra một sinh lộ khác. Tôi thầy điều này đúng với trường hợp cá nhân tôi và một số bạn nữa trong tù.
    Trại Hàm Tân là một trại giam khá đặc biệt vì có chung cả tù nam và nữ. Tù chính trị thì bên một khu và tù hình sự thì có cả nam và nữ thì một bên, và tuy giam riêng nam và nữ nhưng họ được phép làm quen nhau chứ không bị cấm đoán như những trại khác.
    Buổi chiều sau giờ lao động thì bên hình sự cả nam lẫn nữ túa đầy ra sân trong những bộ quần áo thời trang nhiều mầu sắc nên cũng rất là nhộn nhịp và huyên náo.
    Tôi thấy nhiều nữ tù phải công nhận là họ vừa trẻ vừa đẹp không biết mang tội gì mà vào đây, nghe nói đa số là biển thủ tiền bạc, hành nghề mãi dâm hay bị làm con vật tế thần cho cấp trên chạy tội. Hầu như ai cũng đều có đôi có lứa với nhau mỗi chiều ra ghế đá công viên ngồi thủ thỉ, sánh vai nhau ra căng tin mua đồ ăn thức uống cho nhau, nhìn cũng vui mắt.

    Họ cũng rất thích làm quen và nói chuyện với các bác, các chú các anh bên tù chính trị nhưng sao tôi thấy lòng mình hình như đã nguội lạnh từ lúc nào và tưởng rằng mình sẽ chẳng còn bao giờ rung động nữa cho đến ngày mà tôi đi ra thăm nuôi cùng hai chục người trong đó có các anh Đảo, Di, Thân và Giai và ra gập phái đoàn đến thăm trong đó tình cờ có một người con gái Sàigòn tên Phượng.


    Sau khi Phượng đến thăm tôi vài lần thì tôi nghĩ rằng ông Trời đã cho Phượng đến gập tôi như một niềm an ủi để xoa dịu nỗi đau sâu kín trong lòng của mình.
    Hầu như mỗi tháng Phượng đều đến thăm, lúc thì đi theo một hai chị nào đấy cho có bạn, có lúc thì đi một mình vì như nàng nói khi nào rảnh và có dư tiền là nàng lên thăm ngay không để tôi phải chờ mong tội nghiệp.
    Tôi nói nàng chỉ cần lên tay không thôi vì chủ yếu là tôi cần gập nàng, nhưng Phượng không chịu, lúc thì mua bánh cuốn nhân thịt, giò chả, lúc thì các loại xôi bánh giò bánh dầy.

    Được cái là từ khi vào Nam thì việc thăm nuôi không còn khắt khe trong nguyên tắc ba tháng thân nhân đến một lần như ở ngoài Bắc thời gian đầu, mà có thể một tháng ba lần nếu có khả năng.
    Có một điều tôi không ngờ là Phượng đã xua đi được bao nhiêu là bóng tối trong tôi, nàng như một tia nắng ban mai, một nụ cười trong trẻo hồn nhiên, một ánh mắt nhìn nhau đăm đăm không lời; và tôi đã tìm thấy niềm vui trở lại trong hoàn cảnh thật là đặc biệt.
    Có khi tôi hỏi nàng làm gì mà có tiền sinh sống vì như nàng nói người chồng HQ Thiếu Tá bên Mỹ đã lấy vợ khác và đến khi về Việt Nam thăm Phượng cũng không giúp đỡ được gì, thì nàng chỉ cười và nói rằng cuộc sống bên ngoài bây giờ cũng dễ thở hơn trước và giòng người ra đi vượt biên cũng hầu như không còn nữa.

    Thế rồi bỗng nhiên hai tháng tôi không thấy Phượng đến thăm ngoài một hai lá thư nói tôi cứ yên tâm nàng vẫn khỏe làm tôi vô cùng băn khoăn.
    Cho tới một ngày đang nằm ngủ trưa trên cái sạp gỗ ngoài lán chờ giờ lao động buổi chiều thì tôi nghe tiếng lóc cóc xe đạp của anh Lộc phụ trách thăm nuôi báo là có tên tôi, và trên đường đi bộ về trại để thay quần áo thì anh Lộc nói nhỏ với tôi người thăm tôi hôm nay là Phượng. Bởi sau mấy lần Phượng lên thăm tôi thì hai anh phụ trách ngoài đó là Lộc và Trí đều biết mối tình của tôi và Phượng.
    Tôi rất mừng nhưng trong khoảng một tiếng đồng hồ chờ tất cả các bạn và bên hình sự nữa tập trung xong để đi ra tôi thấy thời gian thật dài và không biết làm gì cho hết giờ.

    Lúc gập lại Phượng trong nhà thăm nuôi tôi thấy nàng ốm hơn trước nhưng vừa thấy tôi là nàng nở ngay một nụ cười thật tươi và đưa cho tôi giỏ đựng đồ ăn mà nàng mua cho.
    Tôi đưa Phượng đi dạo dọc theo khu nhà mái tranh bên con suối nơi mà tôi đặt tên cho nó là con đường tình của hai đứa.
    Phượng nắm nhẹ cánh tay tôi:
    -"Em nhớ anh lắm anh biết không?"
    -"Nhớ sao hai tháng nay không thấy em đâu? Làm anh lo quá chừng, em có khỏe không?"
    Nàng lắc đầu nhưng hai mắt nhìn ra dòng suối:
    -"Cảnh ở đây tuy tĩnh mịch nhưng đẹp quá anh nhỉ? Giá mà mình có thể cất một căn nhà nhỏ ở đây?"
    Tôi nắm lấy tay nàng và hai đứa đi chầm chậm, tóc nàng bay lòa xòa qua vai tôi. Con đường thật vắng lặng vì chưa có gia đình nào dọn vô những căn nhà tranh xinh xắn đó hôm nay.

    Các hàng cây to rợp bóng mát ngả những tàng cây như muốn soi bóng mình trên con suối. Lâu lâu một cơn gió thổi qua hàng cây và những chiếc lá khô từ từ bay trong gió là là xuống ngay chân hai đứa chúng tôi:
    -"Mấy hôm ở Sàigòn, em có nhớ con đường này không?"
    Tôi quay qua nhìn Phượng, chợt thấy mắt nàng long lanh hai giọt lệ từ lúc nào. Tôi vội lấy khăm mùi xoa ra thấm và kéo nàng ngồi xuống một ghế đá bên cạnh con suối:
    -"Đừng khóc nữa, anh gập được em như thế này là anh mừng lắm rồi. Các bạn anh cũng gửi lời hỏi thăm em đó. Có chuyện gì nói cho anh nghe?"
    Linh tính báo cho tôi biết một cái gì bất thường nhưng tôi chưa mường tượng ra được.
    Nàng lắc đầu rồi vội mỉm cười nhìn tôi, móng tay bấu vào tay tôi nói lảng qua chuyện khác:
    -"Anh hỏi những câu thừa quá, nếu em không nhớ anh không nhớ con đường kỷ niệm này thì hôm nay em đâu có ngồi với
    anh ở đây? Chắc là em có nợ với anh đó, ở Sàigòn cũng nhiều người theo đuổi em mà không hiểu sao em không thích họ được, trong khi anh ở tuốt trong này mà anh có tán tỉnh gì em đâu mà em lại thương? Hôm nọ đang làm cơm xắt trái chanh nhớ đến lúc lên thăm anh ở đây rồi em cắt trúng ngón tay. Anh à! không hiểu anh có cái gì làm cho em cứ nghĩ về anh hoài, thương anh và cả tội nghiệp cho anh nữa? Mình quen nhau mới chưa đầy nửa năm mà sao em thấy như em đã quen anh từ rất lâu rồi? Ở trong con người anh có cái gì đó, có thể là tâm anh thật tốt, và hoàn cảnh anh bị bỏ rơi nữa, nên đã làm cho em xúc động và rất là tin nơi anh. "

    Tôi đang nhìn ngón tay đã lành của nàng, nghe Phượng nói trong lòng tôi dâng lên một niềm xao xuyến và bồi hồi, bất giác tôi kéo Phượng vào vòng tay. Hai đứa ngồi bên nhau rất lâu trên ghế đá nhìn xuống con suối hôm nay đang chảy thật chậm nên nhìn rõ suốt tới đáy, một vài con cá lượn lờ, không gian và thời gian hình như đứng lại trong phút chốc cho hai tâm hồn vừa tìm đến nhau trong cảnh ngộ đầy éo le.
    Con đường hôm nay không một bóng người, có thể các đội đã vô thung lao động ở xa, chỉ nghe tiếng lá rừng xao xác và con đường chiều rợp bóng mát chạy mãi vòng vèo theo con suối đến nơi nào? Tôi có cảm giác như hai người đang đi lạc vào một khu rừng hoang dã trên một hòn đảo nào đó.
    Thời gian ở ngoài Bắc khi đi theo đội ra bưu điện Ba Sao để lãnh các bưu phẩm của gia đình gửi vào cho các người tù thì tôi cũng bắt gập một tình cảm thật nhẹ nhàng. Chúng tôi thường ghé vào một quán bên đường để uống nước trước khi kéo xe tải hàng về trại.

    Một thời gian sau, không ngờ là cô cháu bà chủ quán lại để ý thương tôi mà tôi không hay cho đến khi sắp rời miền Bắc để theo con tầu xuôi về phương Nam thì tôi mới cảm nhận được mối tình đẹp như trong tranh đó của Thái, cháu bà chủ quán trong lần Thái vào trại tính thăm tôi vào một buổi chiều có gió heo may cuối Thu năm nào.
    Nhưng so ra thì đó chỉ là một mối tình thoảng qua như cơn gió mùa Thu còn Phượng đây đang đến với tôi trong những tháng ngày qua mới là món quà mà ông Trời ban xuống cho người tù đã quá đọa đầy

    Phượng là một người phụ nữ đã từng trải qua nhiều đau khổ và đổ vỡ thì tôi tin chắc chắn rằng nàng sẽ đem lại cho tôi được hạnh phúc sau này vì chính tôi cũng có cảm giác như đã thân thương từ lâu với người con gái có từ tâm này.
    Bóng chiều đã xuống từ lâu và ánh nắng nhạt phai chỉ còn sót lại ở cuối dòng suối lăn tăn như những giải lân tinh vàng vỡ ra từng mảnh.
    Giống như những lần trước, tôi nhìn đồng hồ, đến giờ đưa nàng ra căng tin để lên xe đò trở về rồi. Nàng không nhìn đồng hồ nhưng hỏi tôi:
    -"Mình đi chưa anh?"
    Nhìn quanh vẫn một hoang vắng đến heo hút tôi kéo Phượng lại và trao nàng cái hôn vội vã, nàng ôm lấy tôi trong giây lát như không muốn buông rời.
    -"Mình đi nhe em?"
    Hai đứa tôi sánh bước bên nhau chầm chậm như muốn níu kéo lại thời gian. Con đường tình hôm nay sao thật buồn, tôi dìu nàng bước lên chiếc cầu gỗ bắc ngang con suối để vào căng tin.

    Mọi người đang chuẩn bị chờ xe đò ghé vào để ra về.
    Chiếc xe đò quen thuộc ghé lại ngoài cổng của khu thăm nuôi và mọi người lục tục lên xe.
    Phượng nắm tay tôi ra mấy bực thềm rồi quay lại nhìn tôi rất lâu:
    -"Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhe! Em sẽ viết thư cho anh."
    Tôi nắm lấy tay nàng các cảnh vật chung quanh hình như mờ dần. Chúng tôi chia tay nhau kẻ ở người đi.
    Lúc đó tôi mới thấy thấm thía cái cảnh chia ly mà tôi đã đọc nhiều lần trong tiểu thuyết và trong thơ ca.
    Nàng vẫn thái độ từ tốn thân thương ấy bước lên xe đò.
    Nàng quay lại vẫy tay tôi miệng mỉm cười mà mắt ngấn lệ.
    Lúc đó tôi mới chợt thấy lạ vì mọi khi trước lúc ra về nàng luôn nói là sẽ lên thăm tôi nữa nhưng lần này sao lại khác?
    Tôi đâu ngờ rằng đó là lần chót nàng đến thăm tôi vào một buổi chiều cũng vào cuối Thu nhưng ở miền Nam.

    Riêng tặng người con gái từ tâm tên Phượng ngày ấy
    Viết xong ngày 10 tháng Chín, 2010, Nam Cali
    Phạm G. Đại

    Chú Thích:
    -Căng Tin:
    Nơi ăn uống như cafeteria
    -Thung:
    Thung Lũng hay Trảng lớn nơi trại đang "phát động" trồng một khu rừng toàn cây Điều
    -Chuyện tình người con gái tên Thái:
    Xin vào www.gopnang.ning.com
    Xem "Cơn gió heo may" cùng tác giả.


    - Hết phần XIV -
    Last edited by hung45qs; 12-14-2010, 05:43 AM.
    Hung45HTQS

    Comment


    • #17
      Những Người Tù Cuối Cùng


      Hồi Ký: Phạm G. Đại

      (Lời Tác Giả: Để kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" sẽ được khởi đăng từ ngày hôm nay trên những diễn đàn thân hữu và gửi đến gia đình và bạn bè xa gần.)

      Phần XV
      Đoạn Cuối Một Chuyện Tình



      Khoảng hai tuần lễ sau khi Phượng đến thăm tôi hôm ấy thì tôi nhận được bức thư nàng gửi vào. Đây là bức thư thứ hai mà tôi nhận được qua ngã thăm nuôi nhờ các chị đem dùm.
      Nàng viết cho tôi nhiều thư và thường khi đến thăm thì Phượng đưa luôn cho tôi đọc cho tiện việc sổ sách, chỉ có hai lần đặc biệt này là nàng gửi đi mà thôi.
      Tôi còn nhớ rất rõ bức thứ thứ nhất đã làm cho tôi vừa cảm động vừa biết ơn nàng đã cho tôi hay nhiều tin tức bên ngoài.
      Lá thư đó viết trên hơn hai trang giấy học trò, trong thư có đoạn:

      "Sàigòn ngày...tháng...
      Anh yêu,

      Chữ em không được đẹp anh ráng đọc nghe. Em về đến Sàigòn là lao vào kiếm tiền nhưng vẫn luôn nhớ anh. Tối nay nằm viết thư cho anh bên ngọn đèn dầu vì khu vực Quận Tám của em trong kế hoạch cúp điện.
      Thời gian ở bên anh tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong em một tình cảm khó mà quên được có thể rằng vì anh và em đồng cảnh ngộ là những người đang cô đơn và thiếu tình yêu.
      Khi mới gập anh nghe anh nói người vợ không còn đến thăm anh nữa thì trong lòng em tự dưng bồi hồi thương cảm và bỗng dưng muốn thay thế người ấy để đem lại cho anh niềm vui không biết có được không.
      Những trường hợp như anh nhiều lắm, anh đừng buồn vì không phải chỉ rơi vào mình anh. Em nghĩ rằng những gì thiệt thòi nhất vẫn là những người như anh, sau cuộc chiến còn ở lại và phải vào trong tù chịu bao nhiêu là tủi nhục mà gia đình còn tan vỡ.
      Bên ngoài thiên hạ vẫn sống, có người còn nhớ đến các anh nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là gia đình.
      Vũ trường bây giờ được phép mở cửa và những người có tiền, đa số là của chế độ mới này thì bắt đầu ăn chơi thâu đêm suốt sáng.
      Hôm nọ, các bạn em tình cờ rủ nên em có vào một vũ trường tại đây và em theo họ vào đây cho biết. Có nhiều người mời nhưng em không nhẩy bản nào cả vì em đang nghĩ đến anh, đến hai cảnh đời trái ngược.
      Thật vô lý quá khi em thì ngồi ở đây thảnh thơi ấm cúng trong ánh đèn mầu mờ mờ bên cạnh những người chỉ biết một chữ là ăn chơi nhẩy nhót trong khi anh và các bạn anh, những người tù cuối cùng, thì vẫn còn đang phải lao động khổ sai trong trại giam sau mười lăm năm rồi. Niềm vui cho các anh chỉ là những giờ phút bên nhau đùa vui hút điếu thuốc dưới gốc cây Buông hay chờ gia đình lên thăm? Lúc nghĩ tới điều phi lý này, em không cầm được nước mắt nhưng dấu không cho bạn em thấy.
      .................................................. .........................
      Anh ráng giữ sức khoe nha, em sẽ lên thăm anh ngày gần đây.
      Thôi em đi ngủ

      Hôn anh / Em của anh/ Phượng"


      Tôi tần ngần nhìn lá thư mới nhận. Chắc phải có chuyện gì cần thiết lắm thì nàng mới lại biên thư để gửi các chị cầm tay chuyển cho tôi. Tôi xé góc phong bì ra và những dòng chữ như nhẩy múa trước mắt:
      "Sàigòn ngày...tháng...
      Anh yêu,
      Khi anh nhận lá thư này thì có nghĩa là em sẽ không thể lên thăm anh được nữa. Anh có nhớ lá thư anh giới thiệu em về gia đình để cho em có thể thay cho gia đình lên thăm anh không?
      Em có đến thăm thì Mẹ anh và hai người em út của anh vừa được đi đoàn tụ theo ODP sau 11 năm chờ đợi nhờ người anh HQ Thiếu Tá của anh bảo lãnh. Em có gập người anh thứ hai của anh và các em gái của anh đưa lá thư này thì anh ấy nói để gia đình bàn tính lại và sẽ liên lạc với em sau.
      Một tuần lễ sau thì em được thư của người anh của anh nói là cám ơn em nhưng gia đình vẫn muốn đảm trách công việc thăm nuôi cho anh.
      Em viết vài hàng vì hôm lên thăm anh lần cuối nhìn anh em nghẹn lời không nói được.
      Sàigòn thay đổi nhiều và lòng người cũng nhiều thay đổi nhưng bây giờ người dân mới biết cái giá trị của cuộc sống cũ như thế nào sau bao năm dưới chế độ mới này.
      Anh ráng giữ gìn sức khỏe vì em tin rằng ngày anh về trong niềm vui rộn ràng sẽ không còn xa.

      Em của anh/ Hôn anh/ Phượng"
      .....................................

      Tôi là con người mảnh khảnh sức khỏe không nhiều nhưng sức mạnh về tinh thần rất vững vàng nhất là sau khi sống với thầy Tâm đã dậy dỗ tôi cả năm năm trời bao nhiêu về đạo Phật cho nên tôi ít khi để cho cảnh trí bên ngoài tác động đến mình nhưng khi đọc xong lá thư của Phượng tôi thấy như sự vững vàng ấy đang lung lay và trời đất như thể quay cuồng.
      Một sự thật mà không bao giờ tôi nghĩ đến là gia đình nhất là ông anh thứ hai lại can thiệp vào chuyện tình cảm của tôi. Ông ấy cũng đã từng đi tù ba năm dù không nhiều nhưng cũng phải hiểu là tình cảm trong tù cần thế nào chứ một khi người vợ đã bỏ ra đi?
      Tôi không muốn Phượng vì lòng thương tôi mỗi lần lên lại tốn kém một ít cho nên mới giới thiệu nàng về gia đình.
      Không ngờ! Quả thật trong đời không bao giờ chúng ta học được chữ ngờ. Một sự thật quá phũ phàng đến với tôi và tội nghiệp cho Phượng nữa.
      Trong bao nhiêu năm qua gia đình là nguồn sống chính về thăm nuôi cho tôi nhưng nay nếu có thêm Phượng thì càng đỡ cho gia đình chứ nhất là khi mà đại gia đình tôi đang lần lượt ra đi theo chương trình đoàn tụ ODP.
      Tại sao ông anh tôi lại không tán thành hay nghi ngờ gì thiện chí của Phượng thì tôi không thể hiểu được.
      Mấy người bạn thân của tôi như Thụy, Trân, Nhơn, anh Hầu, bầu Ngọc, anh Hùng, đều đến hỏi thăm tôi nhưng tôi dấu lá thư đi và chỉ thuật lại vắn tắt những gì đã xẩy ra, và các bạn tôi thẩy đều nói là
      không đồng ý và rất bất mãn với sự quyết định can thiệp như vậy của ông anh thứ hai của tôi vào chuyện này.
      Dầu sao tôi vẫn đang ở trong tù và đang phải nhờ vào gia đình nên không làm gì khác hơn là viết thư về lần nữa cho ông anh và các em để giải thích là tôi rất cần Phượng trong lúc này; và viết thư an ủi Phượng ráng chờ tôi giải tỏa vần đề hiểu lầm đó.
      Những buổi chiều đi bộ trong sân trước cửa buồng, tôi thường hay trao đổi với các người bạn tù này để ngõ hầu tìm ra một phương thức nào cho ông anh này hiểu được nhưng vẫn chưa tìm ra được kế sách gì trong khi tôi thường là người sáng suốt và nhanh trí mà cũng chịu thua.
      Một tháng sau, Phượng vẫn không thấy lên thăm tôi như mọi tháng trong khi đó thì vợ chồng em gái kế tôi lên để chào tôi vì đã qua được cuộc phỏng vấn của phái đoàn Mỹ trước khi hai vợ chồng lên máy bay qua Hoa Kỳ.
      Lần nay lên thăm có hai đứa cháu gái con anh Cả tôi từ Bình Dương nữa. Cu Thắng nhỏ nhất thì ở nhà với Mẹ cháu, hai cháu Thoa và Thảo thì đến trại để chào tôi vì rất là may mắn vợ con của anh Cả tôi đã được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn chấp thuận cho đi theo "diện" H.O tỵ nạn dù là anh cả tôi đi tù về và mất tại nhà.
      Ai cũng nói là anh Cả tôi linh thiêng nên phù hộ cho vợ con anh ra đi định cư thật là tốt đẹp.
      Một vài gia đình bạn tôi rơi vào trường hợp tương tự là người cha được tha về một thời gian rồi mất ngoài trại giam cũng hỏi tôi để giúp cho họ, nhưng chính tôi cũng không hiểu sao vợ con anh Cả tôi lại đi theo chương trình H.O được nữa.
      Hôm đó tôi được ở lại ngoài khu nhà tranh với vợ chồng cô em gái và mấy đứa cháu. Cậu em rể có dịp trổ tài nấu nướng một bữa nhưng tôi ăn không ngon miệng chút nào vì hình ảnh của Phượng cứ lởn vởn trong đầu tôi như một bài toán mà tôi chưa tìm ra lời giải đáp.
      Tôi có hỏi tại sao gia đình lại cản trở việc Phượng đến thăm tôi thì hai vợ chồng đều nói tất cả là ý kiến ông anh thứ hai hết. Thế là lại đi vào bế tắc vì chả hiểu sao từ ngày tôi di chuyển vào Nam thì ông anh thứ hai này chưa hề đến trại thăm tôi lần nào.
      Sau bữa ăn chiều thì tôi đi thả bộ với hai đứa cháu gái dọc theo con suối để qua thăm mấy anh bạn có vợ đến và cũng ở lại đêm đó.
      Em tôi có đem theo cây đàn ghi ta nên tôi định rủ mấy vợ chồng bạn qua chơi làm văn nghệ bỏ túi cho đỡ buồn thì tình cờ tôi đi ngang qua chiếc ghế đá mà lần trước tôi và Phượng ngồi với nhau rât lâu lần cuối bên bờ suối này. Tôi bảo hai cháu dừng lại một chút rồi ngồi xuống chiếc ghế đá, hai đứa ngồi hai bên nắm lấy tay chú.


      Tôi mường tượng như tiếng nói của Phượng như còn văng vẳng đâu đây, những sợi tóc lòa xòa bay qua vai tôi hôm nào, bất giác tôi buông tiếng thở dài. Hai đứa cháu nhìn tôi rồi nói:
      -"Chú chắc cũng sắp được tha về rồi chú à! Chú đừng buồn nữa."
      -"Cháu qua đó sẽ gửi nhiều ảnh đẹp về cho chú nha!"
      Tôi nắm lấy hai tay hai đứa cháu đứng dậy cố gượng vui:
      -"Ừ qua đó nhớ gửi hình về cho chú nhưng phải cố học cho thật giỏi nhe!"
      Hai đứa cùng dạ và tung tăng chạy trước, tôi lững thững theo sau những bước chân vô hồn trên con đường tình của tôi và Phượng.
      Phượng ơi! Em có biết giờ này anh đang nghĩ đến em không?
      Bao giờ anh về thì anh sẽ ghé lại nhà thăm em ngay
      Nhưng giờ này thì em đâu rồi? Để lại cho anh nhiều trống vắng và niềm thương nhớ khôn nguôi.
      Các căn nhà tranh có người ở thì giờ đều đã lên đèn, một ánh sáng vàng vọt chiếu hắt ra con đường phía trước.
      Bên kia chiếc cầu là căng tin nơi tôi và Phượng đã nhiều lần ngồi uống nước với nhau để chờ xe đò, xa hơn nữa là con đường lộ liên tỉnh chạy xuôi về Sàigòn nơi có người con gái tên Phượng mà tôi đang thầm thương nhớ.


      - Hết phần XV -
      Last edited by hung45qs; 12-18-2010, 06:14 PM.
      Hung45HTQS

      Comment


      • #18
        Những Người Tù Cuối Cùng


        Hồi Ký: Phạm G. Đại

        (Lời Tác Giả: Để kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" sẽ được khởi đăng từ ngày hôm nay trên những diễn đàn thân hữu và gửi đến gia đình và bạn bè xa gần.)

        Phần XVI
        Về Miền Nắng Ấm


        (Lời Tác Giả: "Về miền nắng ấm" là bài viết bổ túc cho "Chuyến tầu xuôi phương Nam" cùng một tác giả trong hồi ký NNTCC nhằm vinh danh những người tù chính trị chế độ cũ trong tập trung "cải tạo".
        Họ là những người trước kia từng đối mặt với quân thù ngoài trận tuyến và giờ đây vẫn phải chịu sự trừng phạt tàn khốc trong trại giam, đối đầu hàng ngày với kẻ thù, và nhiều người đã gục ngã trong âm thầm và lặng lẽ.")


        Đoàn xe buýt chở tù vào đến ga Nam Định thì trời vừa tối và họ chỉ định cho chúng tôi một góc tường nhà ga làm nơi tạm thời nghỉ ngơi trước khi có lệnh lên tầu hỏa.
        Chúng tôi người đứng dựa vào bức tường hay dựa vào nhau, không ai dám trải tờ báo ngồi xuống đất bởi chung quanh đó không có một chỗ nào tương đố sạch sẽ một chút, toàn những đất đen lẫn những miếng gạch vỡ và ẩm thấp.
        Một vài người dân trong những bộ quần áo nghèo nàn ăn mặc thật giống nhau đi bộ gần đấy hay đạp xe vội qua nhìn chúng tôi có vẻ hơi thắc mắc bởi vì tụi tôi bấy giờ đều ăn mặc các bộ quần áo dân sự do gia đình gửi vào nhưng lại bị còng tay cứ hai người một cái còng số tám.

        Quả thật tôi không thể ngờ rằng cuộc đời nhiều lúc đắng cay và nghịch lý như hoàn cảnh của tôi.
        Năm một chín sáu lăm, tôi là một học sinh Chu Văn An mang trong người mảnh bằng Tú Tài II với nhiều mộng ước vào đời, nhưng đúng mười năm sau đó là Định Mệnh đau thương khi miền Nam sụp đổ và tôi lại quay về đúng ngôi trường thân yêu ấy trong thân phận người tù chờ xe đến để chở vào trại tập trung "cải tạo".

        Không gì đau lòng hơn hôm nay nữa khi tôi ghé lại nhà ga Nam Định, nơi chôn nhau cắt rốn của mình trong tư thế một tù nhân chuyển trại. Cứ ngỡ rằng nếu có một ngày nào về thăm quê hương Nam Định của tôi thì đó phải là một ngày trong vinh quang.
        Khi trời đã về khuya, các gian hàng trong khu nhà ga đã lên từ lâu, thứ đèn bóng tròn hắt ra một thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt không đủ chiếu dù chỉ là một khoảng sân ga thì chúng tôi được lệnh lên tầu.
        Từng hai người một bước lên con tầu cũng cũ kỹ như cái ga Nam Định, có lẽ đã nhiều chục năm vẫn mang một bộ mặt không thay đổi đó.

        Bấy giờ là vào tháng Năm năm một chín tám tám, các tù nhân chính trị chế độ cũ còn bị giam giữ tại miền Bắc chỉ còn lại đúng chín mươi người trong số hàng trăm ngàn tù nhân bị di chuyển vội vã bằng mọi phương tiện từ Nam ra Bắc mười hai năm trước. Cộng với một tù hình sự nghe nói có người chú là Thiếu Tướng VC nên được ưu đãi cho vào Nam tiếp tục thụ án.
        Chúng tôi chiếm hai toa đầu tiên và các cán bộ và cán binh đi áp tải thì một toa nữa thứ ba để ngăn cách chúng tôi với dân chúng hay những người buôn bán bị dồn xuống các toa tầu phía sau.
        Cứ hai người ngồi một ghế băng bằng gỗ thì khá rộng rãi nhưng nếu nhét bốn người thì không lọt nên chúng tôi ngồi thành hai cặp đối điện nhau.
        Tôi và anh hai Hầu may mắn ngồi thuận theo hướng tầu chạy nên nhìn được nhiều cảnh vật bên ngoài. Cổ tay phải tôi khóa với tay trái anh Hầu cho nên tôi ngồi bên cạnh cửa sổ bên trái toa tầu và anh Hầu cạnh lối đi.

        Tôi để cây đàn ghi ta và giỏ mây đựng các thứ cần thiết lên trên giá gỗ cho rộng chỗ và vừa ngồi xuống chưa bao lâu thì con tầu bắt đầu chuyển bánh một cách nặng nhọc rời nhà ga.
        Gió bên ngoài thổi vào trong toa mát rượi như xua đi bao mệt nhọc trong ngày di chuyển từ trại Ba Sao Nam Hà đến đây và bây giờ đang ở trên con tầu xuôi về Nam.
        Quả thật đây là giấc mơ bất ngờ mà bao nhiêu năm nay chúng tôi chờ đợi vì ít ra nếu không được thả ra khỏi trại thì cho về Nam cũng dễ thở hơn, cũng như án tù của mình được giảm đi một phần rồi.
        Chúng tôi đang xa rời dần xứ Bắc theo tiếng máy tầu xình xịch chạy trên đường ray làm tôi chợt nhớ đến anh Hiến, Đại Úy Biệt Động Quân tác giả bài hát "Chuyến Tầu Xuôi Phương Nam" mà tôi rất thích:
        "Chuyến tầu xuôi phương Nam, xin từ giã từng đoạn đường ... Mái trường Phan Chu Trinh em còn nhớ lời hẹn hò, bao giọng nói lời hỏi chào, dòng kỷ niệm quấn quít bên nhau...Mãi mãi vườn xưa xanh tươi, môi hồng thắm lại nụ cười, phố phường sống dậy tình người, Mẹ già ngồi bếp cũ năm xưa, qua một thời dĩ vãng thương đau..."

        Người tù và nhạc sĩ BĐQ tài hoa ấy vẫn mơ về một ngày mà đất Mẹ sẽ có lại được những nụ cười thương yêu, những khuôn mặt rạng rỡ, có lại được tình người nồng thắm trong một không gian đầm ấm của hạnh phúc ngày xưa, và tất cả những đau thương do chiến tranh và tù đầy đổ xuống quê hương tang tóc sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
        Nhưng niềm mơ ước ấy đã không thể trở thành hiện thực vì những người tù vẫn còn bị giam giữ không có ngày tháng, người dân vẫn còn bị đọa đầy; và khi tôi nghe tin anh sau một thời gian thả về đi vượt biên đã bị mất tích.
        Nếu đúng vậy thì anh đã có thể trở về cái ngày xưa ấy khi còn giòng máu nóng trong người và cầm súng trên tay cùng các đồng đội đi săn lùng diệt địch.

        Anh hai Hầu ngồi bên cạnh tôi đã ngủ từ lúc nào, anh thật là hiền hậu vô tư và thật là dễ ngủ dù là trong tư thế ngồi và đôi khi xe chạy qua những quãng đường không được êm lắm. Tôi rất mến anh vì tính tình đôn hậu giản dị của người miền Nam nên coi anh như người anh và ăn chung với nhau kể từ ngày thầy Tâm, thầy tôi và các vị trong Nha Tuyên Úy được thả về.
        Anh thường nhìn tôi cười cười :
        -"Mỗi lần anh nghe Đại thuyết trình về tin tức thời sự, về sự can thiệp của Mỹ và các hội đoàn cho anh em mình sớm được trả tự do thì anh lại lên tinh thần."
        Tôi nhìn lối đi qua toa bên cạnh nơi chứa số còn lại của anh em tù nhân trong đó có các ông Tướng và nhớ đến những lúc tôi đánh liều vượt tường qua khu giam các Tướng để thuyết trình theo sự yêu cầu - vì sống trong đó các anh không có nhiều tin tức như tụi tôi ở ngoài này.
        Hơn nữa, tin tức về các cuộc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Hà Nội để sớm thả các tù nhân này ra khỏi trại giam vẫn là những đề tài nóng bỏng nhất mà mọi người đều muốn biết vì tin tức ấy đã nhen nhóm lên trong chúng tôi một ánh lửa hy vọng.

        Một điểm nữa là các tù nhân còn lại sau mười ba năm trong trại giam thì đa số đều thuộc các thành phần mà họ gọi là có nhiều "nợ máu với nhân dân và nguy hiểm cho chế độ" như tình báo, an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt và những thành phần này sẽ còn bị giữ trong các trại rất lâu, không có thời gian tính, nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài từ phía chính quyền Mỹ và các hội đoàn tại hải ngoại.

        Bởi vậy đó là lý do tại sao chúng tôi phải săn lùng các tin tức liên quan đến các tù nhân chính trị để biết chắc được rằng thế giới bên ngoài vẫn còn nhớ tới mình.
        Anh Hầu đang ngủ gật gù và bỗng dưng chúi xuống đất, may mà tôi dùng tay trái chụp được vai của anh níu lại kịp lúc. Anh tỉnh dậy:
        -"Chuyện gì đó Đại?"
        -"Anh ngủ gục. Không được rồi tôi chẳng có thể ngồi canh anh như thế này suốt đêm được rất nguy hiểm. Bây giờ anh nằm xuống sàn tầu đi rồi gần sáng tôi đổi chỗ cho anh lên ghế nằm chứ ngủ ngồi không xong rồi."


        Bên ngoài trời tối đen không còn nhìn thấy gì nữa vì tầu đang đi qua một vùng hoang vu không có người ở, không một ánh đèn, chỉ thấy những vì sao long lanh xa tít trên trời như cũng lấp lánh chung vui với chúng tôi trên chuyến tầu xuôi về Nam hôm nay.
        Đây là đất nước mình đây ư! quê hương của mình đây ư! nhưng tại sao chúng tôi lại vẫn còn bị giam giữ và đầy đọa ngay trên quê hương mình khi cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài hai thập niên với bao nhiêu triệu người chết, đã tàn rồi từ mười ba năm trước?

        Hầu hết các bạn tôi đều đang say ngủ và toa tầu thật yên lặng, thỉnh thoảng mới có một vài cán binh chạy lên xuống xem chừng chúng tôi mà thôi rồi lại trở về toa của họ.
        Ánh đèn vàng nhỏ trên nóc toa tỏa ra một ánh sáng mờ mờ theo tiếng xình xịch của bánh xe lửa lại càng làm thêm buồn ngủ, nhưng không hiểu sao dù rất mệt mỏi nhưng tôi vẫn chưa ngủ được.
        Có thể vì hôm nay là một cái ngày gì rất đặc biệt trong quãng đời tù tội của chúng tôi, những người tù cuối cùng đang rời xa dần đất Bắc.

        Tất cả là chín mươi người, con số thật là bé nhỏ, những người trước kia từ các trại khác nhau trên miền Bắc về tụ hội tại Nam Hà, và bây giờ đây năm một chín tám tám, chín mười người còn lại ấy vẫn còn sống và đang ngồi trên chuyến tầu này xuôi Nam, sau mười ba năm giam cầm và lưu đầy.
        Nếu nói đây là một sự thành công kỳ diệu của sức người đã vượt qua được những thử thách của thời gian thì phải cảm ơn Ông Trời đã sinh ra con người, tuy bằng xương bằng thịt nhưng trong gian nan nguy khốn, đã có được một sức chịu đựng bền bỉ ngoài sức tưởng tượng.
        Những người tù cuối cùng này còn sống sót và còn minh mẫn, chính là nhờ vào sức chịu đựng phi thường của họ, chính là nhờ Ơn Trên vẫn che chở cho họ, và cũng chính nhờ gia đình trong đó người vợ với tấm lòng son sắt, đã không quản ngại khó nhọc đi thăm chồng suốt bao nhiêu năm trường.
        Viễn ảnh đang trở về miền nắng ấm có lẽ cũng làm cho tôi thao thức không ngủ được chăng. Trên trời ông Trăng vừa ra khỏi được cụm mây để tỏa xuống trần gian một làn ánh sáng yếu ớt cho đêm bớt tăm tối.

        Có thể một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ chúng tôi trong miền Nam nhiều tình người hơn, gần gũi với gia đình hơn, và gần với Sàigòn hơn.
        Hai chữ Sàigòn gây cho tôi một cảm giác xao xuyến mà đã bao nhiêu năm rồi tôi đã cố chôn chặt nó trong lòng để cố quên nó đi, nhất là những đêm Đông giá buốt, bởi vì mỗi khi nghĩ đến Sài gòn thì cả môt vùng trời kỷ niệm sống dậy và nó dằn vặt tôi trong nỗi nhớ khôn nguôi.
        Hai chữ đó như nhắc nhở tôi về một thời gian có vẻ như xa xưa lắm rồi tôi đã có những năm tháng yên vui hạnh phúc bên những người thân yêu, bên Mẹ, anh em, bên vợ bên con, bên bạn bè, rồi bỗng dưng tất cả sụp đổ tan tành và thân tôi bỗng nhiên thành tù tội ngay trên quê hương mình.
        Rồi tôi bắt đầu làm quen với lao động để “cải tạo” tại trại Long Thành và rồi đột ngột chuyển trại ra Miền Bắc trong một đêm không trăng sao và ở lại ngoài đó mười hai năm.

        Cuối cùng thì giờ này tôi đang bỏ lại sau lưng cả một quãng đời tù đầy cơ cực trên xứ Bắc.
        Bỏ lại mười hai mùa Hè nóng như nung người, những đêm trong buồng giam ngộp thở hơi người, chúng tôi ngồi tại chỗ nằm chỉ mặc cái quần đùi mà mồ hôi nhỏ từng giọt cho đến khi mệt lả đi thì mới ngủ thiếp được.
        Hoặc phải tìm ít nước thấm ướt cái mùng rồi chui vào ngay khi còn ít hơi mát để tìm giấc ngủ, khổ nhất lúc đó là phải chui vào trong mùng bởi không thể ngủ bên ngoài vì từng đàn muỗi sẽ đến hỏi thăm sức khỏe ngay. Ban ngày thì lao động khổ sai ban đêm thì chống chỏi từng giờ với cái nóng ghê gớm của mùa Hè.

        Cái nóng ghê gớm đến nỗi mà một anh bạn thân tôi là cò Lạt đã phải than rằng chỉ cầu Trời cho một cơn mưa chứ chẳng còn cầu ngày về nữa.
        Bỏ lại sau lưng mười hai mùa Đông mưa phùn gió Bấc, những làn gió lạnh buốt như quất vào da thịt người tù như thấm vào tận xương tủy, nhiều lúc như không còn cảm giác ở hai bàn tay.
        Những buổi sáng thức dậy khi trời còn đầy sương trắng đục, mây mù giăng mắc khắp núi rừng chung quanh, cảnh vật như mờ mờ ảo ảo có lẽ không phải trên trần thế, mà người tù vẫn phải thức dậy chuẩn bị cho một ngày lao động mới.
        Nói về mùa Đông, tự dưng tôi nhớ đến một người tù trẻ tuổi cũng rất đặc biệt, anh chỉ là Thiếu Úy nhưng không hiểu sao cũng bị đưa ra Bắc trong tình trạng gần như đã mất trí nhớ.

        Anh tự xưng là Nguyễn Huệ, ban đầu tôi tưởng tên anh là Huệ thật nhưng sau đó các bạn cho biết là anh tự nhận như vậy. Anh thường quanh quẩn trong trại, đúng ra loanh quanh trong buồng giam mà thôi, nhiều lúc nói những gì nghe không hiểu và lại mỉm cười một mình. Tôi đoán rằng anh đã trải qua một giai đoạn nào khủng khiếp lắm trong đời, có thể là sau khi bị bắt, bị tra tấn hay ngược đãi, hoặc vì tình cảnh gia đình nên đã mất trí luôn.
        Có điều rất lạ lùng là trong mùa Đông xứ Bắc lạnh căm căm như vậy, ngay cả những ngày buốt giá vì nhiệt độ hạ thấp đột ngột bởi những đợt khí lạnh từ bên đất Tầu thổi xuống thì anh vẫn phong phanh bộ quần áo tù và để đầu trần mà vẫn bình thường. Có anh trong buồng thấy vậy bèn cho anh cái áo len để mặc nhưng cũng chỉ một hai ngày rồi lại thấy anh bỏ cái áo len đâu mất.
        Như thế suốt mùa Đông mà anh không hề bệnh tật gì trong khi tôi mặc mấy lớp áo kể cả áo len và trên đầu còn trùm một cái mũ nỉ nữa mà vẫn thấy khí lạnh nó thấm vào tận da thịt.
        Lúc đó tôi mới thấy cái kỳ diệu của cơ thể con người mà ông Trời đã cho chúng ta, có thể vì hệ thống thần kinh của anh đã bị tổn thương cho nên không còn cảm nhận được cái lạnh khủng khiếp đó của những ngày mùa Đông? Nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên là anh không hề bị bệnh tật gì hay tỏ ra giá lạnh vì ăn mặc như vậy suốt mấy tháng trời mùa Đông.

        Có thời gian khi anh mua được một miếng thịt tươi, như các anh em khác thì nấu nướng lên rồi ăn nhưng anh lại đem chôn nó xuống đất. Tôi có hỏi anh là chôn để làm gì thì anh nói là để dành cho mùa Đông.
        Một bác nữa ở cùng chung buồng giam với tôi, bác Hưởng cũng cùng đợt chuyển ra Bắc với anh Thiếu Úy tự xưng là "Nguyễn Huệ". Bác tuy lớn tuổi nhưng rất là tỉnh táo sáng suốt tuy rằng móm mém vì các răng cỏ đều rụng hết. Bác được anh em đều rất thương mến vì tính tình hòa nhã và hiền hậu, có anh gọi bác rất thân thương là Tía nữa.

        Tôi còn nhớ rất rõ hình dáng còm cõi, da sạm nắng và cái lưng hơi gù cùng tướng đi còn nhanh nhẹn của bác. Bác Hưởng luôn vui cười với mọi người và hay kể những chuyện về miền quê hương của bác ở miệt Tiền Giang với đủ loại trái cây và các món ăn ngon ít nơi nào có được.
        Tôi không có dịp về thăm Tiền Giang và Hậu Giang nên nghe bác kể một cách thích thú say mê, và đôi lúc cảm thấy hối hận vì trước kia chỉ biết lao vào làm việc mà quên cả đi thăm các thắng cảnh của quê hương mình nhưng bây giờ ân hận thì cũng đã muộn.
        Giờ thì đã mất hết rồi và nếu có còn có dịp nào chăng nữa sau này mà đi du lịch thì những danh lam đó cũng không thể nào còn đẹp như xưa và cũng không còn cái không khí của ngày xưa nữa.
        Có hôm nào hứng chí thì bác Hưởng lấy đôi đũa ra gõ nhịp nhịp rồi ngồi ca mấy câu vọng cổ, ca xong thì bác có vẻ hài lòng lắm và quay qua nhìn chúng tôi hỏi là tụi bay thấy tao ca có hay không rồi lại nhịp nhịp chiếc đũa.

        Một buổi chiều Đông nhưng trời đã tối xuống rất nhanh, tôi thấy bác tự dưng chạy ra sân rồi la hét điên cuồng lên và chửi lung tung, than Trời xong lại trách Đất. Anh em vội kéo bác vào trong buồng nhưng bác vẫn nhìn ra ngoài cổng trại mà chửi cho đến khi khan cả tiếng không nói được nữa thì mới thôi.
        Một vài ngày sau, buổi tôi bác đi ngủ như thường lệ nhưng sáng hôm sau thì bác đã không còn tỉnh dậy nữa.
        Người tù đó đã tìm được sự bình yên nơi không còn thù hận, có thể bây giờ thì bác đã được thong dong trở về thăm miệt quê Tiền Giang yêu thương nhiều trái cây và thức ăn ngon của bác.
        Một anh nghĩa quân nữa không hiểu mắc vào tội gì mà cũng bị đưa ra Bắc giam giữ. Anh rất hiền lành ít nói nhưng vài năm sau anh dần dần bị lãng trí và cũng ra đi bất ngờ trong một ngày đầu Đông không biết vì lý do gì.
        Hay như anh Thiếu Tá Cảnh Sát nằm cạnh tôi một sáng ngủ dậy đang nằm nhai miếng bánh bột hấp bằng đầu ngón tay cái, là khẩu phần ăn cho người tù để sửa soạn lao động khổ sai trong bốn tiếng đồng hồ thì tự dưng miếng bánh vuột khỏi tay rơi xuống sàn nằm và anh đã ra đi nhẹ nhàng như một ngọn đèn hết dầu.
        Anh bị bệnh phù thủng nặng hai chân đã sưng vù lên và được ở lại buồng một thời gian để nghỉ ngơi, nhưng vì thiếu dinh dưỡng và thuốc men nên bệnh trở nặng và sức cũng không còn, nên đã chết đi y như ngọn đèn cạn dầu từ từ lụi tàn và tắt đi một cách tự nhiên.
        Mạng người tù trong môi trường ấy không có một chút giá trị nào đối với họ, kẻ đã chiến thắng.
        Xin cầu nguyện cho tất cả các anh em tù nhân đã nằm xuống sớm về được miền Vĩnh Hằng - nơi không còn đói rét và đọa đầy thân xác.
        Tôi đang bỏ lại sau lưng cả một quãng đời cơ cực với bao hiểm nguy, tôi cố quên đi hết và bỏ lại đàng sau lưng những nhục nhằn của một kiếp người lầm than.
        Chúng tôi đã mất mát quá nhiều nhưng cũng học được những bài học đắt giá và nhờ Ơn Trên mà chúng tôi đã xoay chuyển được tình thế trở nên thuận lợi hơn trong những năm gần đây.
        Chúng tôi biết sống hơn để có thể tồn tại, niềm tin rằng mình sẽ có ngày về càng lúc càng được củng cố vững chắc nhất là khi về Nam Hà được một hai năm sau thì anh Toan, nghị sĩ, đã cho tôi biết về những bài thơ Đường thật là tuyệt tác và có ý nghĩa của cụ Phan mà anh em thường gọi cụ là Thánh Tùng La.
        Cụ Phan chính là nhà ái quốc Phan Đình Phùng đã hiển Thánh và Ngài đã giáng cơ xuống, theo lòng thành cầu khẩn của một số anh em muốn biết số phận của mình ra sao, và Ngài dã cho những người tù từng bài thơ một, phác thảo ra một tương lai còn nhiều hứa hẹn.
        Các bài thơ này đã được chuyền tay nhau đọc và chép lại và đã làm cho tinh thần người tù lên cao và niềm hy vọng tưởng như lụi tàn nay bừng cháy lại.
        Xin thành kính đội ơn Thánh Tùng La đã ban những bài thơ như rồng bay phượng múa ấy để nhóm lại ngọn lửa hy vọng trong khi nhiều người tù đã trở nên bi quan và yếm thế tại trại Nam Hà.
        Lúc này, ngồi trên toa xe này xuôi về Nam thì tôi đã trở thành một con người có bản lãnh và nghị lực khác hẳn so với mười hai năm trước lúc còn ngơ ngác trước ngưỡng cửa dẫn vào địa ngục của trại giam trong chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.


        Bởi vì tôi đã học được bao nhiêu là kinh nghiệm sống và tác phong quân tử từ những người bạn thân trong đó có các anh trong tổ Điện, học được từ thái độ bình thản chấp nhận cái chết đến từng ngày của ông Xuân viện trưởng, từ sự hy sinh tận tụy của anh Trung những ngày tháng cuối chăm sóc bên cạnh ông Xuân, từ sự trầm tĩnh của anh Đồng Tuy và nhiều nữa.
        Tôi còn học được những điều quí báu về tôn giáo, về số phận con người, về Định Mệnh, qua Thượng Tọa Thích Thanh Long, qua thầy Tâm người thầy hiền hậu của tôi, thầy Khuê, thầy Thạnh, thầy Tùng,v.v. qua Mục Sư Kỳ, Mục sư Lộc, và quí vị Linh Mục.
        Nhiều lúc so sánh tôi thấy cuộc đời tôi có một nét rất giống như câu chuyện ngày xưa tôi rất thích là "Bá Tước Monte Cristo" khi có cơ duyên trong tù đã gập được vị thầy, một Minh Sư đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của mình sau này.
        Trong truyện thì nhân vật Edmond Dantes đã bị hàm oan khi đang chuẩn bị lễ cưới thì bị bắt và bị lưu đầy đến một trại biệt giam trên đỉnh núi cao -nơi chỉ có đi mà không có về.
        Nhờ cơ duyên Edmond đã gập được vị linh mục và là một nhà thông thái cũng bị biệt giam trong đó và chính nhờ gập được vị thầy này mà Edmond đã tôi luyện trở nên một con người văn võ toàn tài và vị linh mục còn tiết lộ bí mật của kho tàng cho Edmond nữa.
        Lại nhờ vào may mắn lúc vị linh mục này qua đời phù hộ cho mà Edmond đã thoát ra khỏi chốn biệt giam trở về và ân đền oán trả.
        Tôi cũng có cơ duyên sống với Thầy Tâm và được thầy dậy dỗ bảo ban mọi việc, nhất là về căn bản đạo Phật, nhờ đó mà tôi mới có nghị lực chống chỏi với bao phong ba bão táp như muốn nhận chìm mình xuống.
        Nếu không gập được người thầy như thầy Tâm, thầy Thích Thanh Long thì chắc là tôi đã nằm lại trong bốn bức tường nhà tù.
        Tôi có một điểm khác với Edmond là khi ra khỏi tù thì tôi không tìm được kho tàng như Edmond Dantes và tôi cũng chỉ trả ơn chứ không trả oán.
        Nhìn ra vùng tối trước mặt với những hàng cây sậm đen, những con đường đất, những mái nhà tranh mờ mờ đang ngủ yên, những thửa ruộng thấp thoáng ánh nước trong đêm hòa trong tiếng xình xịch của bánh xe lửa, mắt tôi chợt nhòa đi khi nghĩ về những người tù hiền lành đã không còn nữa trong đó có vị viện trưởng viện đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân mà tôi vô cùng kính mến.
        Họ đã phải nằm lại miền Bắc lạnh lẽo ấy chứ không có được cái may mắn như chúng tôi hôm nay đang theo con tầu cũ kỹ này xuôi về phương Nam nhiều nắng ấm.
        Vĩnh biệt xứ Bắc, xin chào mười hai năm lưu đầy, xin chào những con người mà tôi đã gập ngoài đó và xin giữ mãi trong lòng không bao giờ quên các kỷ niệm đau thương xen lẫn những nụ cười của các người bạn tù.
        Những tiếng xình xịch đơn điệu của con tầu trong đêm khuya lặng lẽ như đưa dòng tư tưởng tôi về với những người thân thương.
        Nghĩ đến gia đình tự dưng hình ảnh hai đứa con hiện lên trong trí nhớ, có lẽ giờ này chúng lớn lắm rồi vì ngày tôi ra đi thì con gái chưa đầy năm tuổi và con trai chưa đầy bốn, bây giờ...bây giờ thì chúng đã mười tám và mười bẩy tuổi rồi, chắc khi gập lại tôi không thể nhận ra con tôi nữa.

        Những làn gió mát hiu hiu thổi vào khung cửa ru tôi ngủ lúc nào không biết. Tôi chợt mơ thấy mình trở về mái nhà xưa nơi tôi đã sống hơn mười lăm năm trên con đường Trương Minh Giảng, Sàigòn thân thương, chợt nghe đâu đây tiếng cười rộn rã của hai đứa con nhưng chẳng thấy chúng đâu, rồi lại nghe thấy tiếng cười xen lẫn nước mắt của Mẹ già tóc nay đã phai mầu vì bao nhiêu năm tháng thương nhớ đứa con trong tù.
        Tôi đã đi vào một giấc ngủ thật sâu lắng và êm đềm cho đến khi ánh nắng ban mai rọi chiếu vào toa tầu qua khung cửa sổ làm tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng từ lúc nào và tầu đang đi vào địa phận miền Trung.
        Miền Trung, nhất là các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, miền đất cằn lên sỏi đá và thiên tai bão lụt quanh năm vốn đã nghèo nay lại còn xơ xác hơn với những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo, những con trâu gầy gò, những con bò ốm giơ xương và những con người bừa thay trâu cầy thật là khốn khổ.
        Đâu đâu cũng nhìn thấy những khuôn mặt xanh xao thiếu ăn trong những bộ quần áo lam lũ làm chúng tôi tuy trong thân phận tù đầy không khỏi bồi hồi xúc động và thương thay cho dân mình.
        Mỗi khi tầu ghé tới ga nào thì mấy tay cán binh đi theo canh giữ chúng tôi trên tầu thường hay hỏi anh em chúng tôi cần gì không họ mua dùm cho.
        Mấy tay cán binh này và mấy tay Thiếu Úy nữa đi theo trên tầu, chúng tôi đếu quen mặt vì thường xuyên vào trại uống cà phê, trà lá. Họ biết chúng tôi nên đi theo canh giữ cũng dễ chịu.
        Tôi mấy năm sau thì bao tử và ruột bị yếu nên rất cần nước nóng và một tay cán binh hay cầm cái phích nước của tôi và lại chạy bay xuống mua dùm nước sôi.
        Có lần tầu đã chạy rồi mà chưa thấy anh ta đâu thì bất ngờ y xuất hiện và hớt hơ hớt hãi chạy theo và nhẩy lên được toa tầu thì văng mất cả nắp cái phích nước của tôi.
        Mỗi lần như thế thì tôi lại cho anh ta ít tiền để uống cà phê nhờ vậy mà tôi có nước sôi mà pha trà hay cà phê hay làm gói mì ăn sáng cho tôi và anh Hầu.
        Cho nên chúng tôi suốt ba ngày đêm trên tầu cũng ăn uống tạm đủ.
        Mấy tay cán binh này rất thích thú được anh em chúng tôi nhờ vả vì cả hai bên đều có lợi, nhưng chính họ cũng muốn tỏ sự thiện cảm đối với anh em chúng tôi như thể sự hận thù của họ đối với chúng tôi đã đi vào quá khứ và bây giờ là tình người với nhau.
        Một điểm nữa đã đưa họ lại gần với chúng tôi chính là văn nghệ với các bản nhạc xưa đã làm họ say mê, những buổi văn nghệ các tối thứ Bẩy tại buồng giam mà họ ghé đến bên ngoài để cùng tham dự.
        Đây cũng là một giai đoạn đáng ghi nhớ đánh dấu một thời điểm rất quan trọng là chúng tôi đã xoay chuyển được tình thế, từ lúc mới vào tù họ coi như các cặn bã rác rưởi trong xã hội và chà đạp lên nhân phẩm của người tù chính trị, cho đến ngày nay thì họ nhìn chúng tôi với con mắt nể trọng xen lẫn mến phục.
        Trước ngày rời trại Nam Hà để lên xe lửa vào Nam, tay Thượng Tá trưởng trại trong một buổi nói chuyện cũng nói rằng "Chúng tôi không có khả năng để giáo dục cải tạo các anh và tôi còn bảo các cán bộ của tôi hãy vào trong trại mà thực tế học tập ở các anh nữa."
        Vừa rời khỏi miền Trung chưa bao xa để vượt qua con sông Bến Hải vào địa phận trong Nam thì thấy rõ ràng cảnh vật đổi khác nhanh chóng với nhà cửa ruộng vườn xanh tươi hơn, con người cũng bớt lam lũ hơn và khí hậu như mát dịu hẳn đi.
        Con tầu đi qua ba miền tuy cùng trong một đất nước nhưng tôi cảm nhận ngay được sự khác biệt của cái nghèo, sự chịu đựng và sự khổ cực của con người sống trên xứ Bắc và tại miền Trung so với sự trù phú của miền Nam cho nên dù là phải sống trong chế độ Cộng Sản thì người miền Nam vẫn có thể bươn chải mà tồn tại được dễ dàng hơn người Bắc và người Trung.
        Trời đã xế chiều và con tầu chợt dừng lại để chờ đổi đầu máy mới. Khi xe đang tạm thời dừng lại chờ vào trạm, viên Thượng Úy phụ trách chuyến di chuyển nầy tưởng rằng đã đến sân ga nên ra lệnh cho các người tù xuống xe.
        Sự bất cẩn của tên Thượng Úy nầy suýt nữa đã gây ra thương vong cho anh em tù nhân trong đó có tôi.
        Bởi vì cứ hai người thì còng tay lại với nhau cái còng số 8, và anh Hai Hầu vừa bước chân xuống sân và tôi còn đang trên các bực thang thì bất ngờ tàu chuyển bánh, trong tư thế người trên kẻ dưới và anh Hầu hoàn toàn không biết là tầu đã chuyển bánh nên kéo tôi xuống trong khi tôi đang ghì trở lại.
        Tôi thì tay trái cầm cây đàn guitar, tay phải còng với anh Hầu nhưng vẫn nắm lấy cái giỏ xách đựng thuốc men vật dụng cần thiết và bộ ấm trả bằng sứ và chưa biết phải làm sao thì tên Thiếu Úy đứng dưới sân ga và cạnh cửa toa tàu la lên một tiếng:
        -"Anh Đại đưa cho tôi cây đàn!". Trong một tích tắc động hồ như có ông bà xui khiến, tôi ném cây đàn về phía tên Thiếu Úy, tay phải buông cái giỏ ra và nhảy một cái qua hai bực thang xuống lòng sân ga trong khi toa tàu chạy vụt qua phía sau lưng.
        Tôi cảm thấy hơi lạnh chạy dọc theo xương sống. Chỉ một tích tắc không nhảy xuống kịp thì hoặc anh Hầu hay tôi sẽ bị té xuống và rớt vào đường rầy xe lửa.
        Lúc đó tôi nghĩ là ông bà linh thiêng đã phù hộ cho tôi, nhưng sau này khi vào Hàm Tân gập gia đình thì mới biết ông anh Cả vừa mất vài tháng trước khi tôi lên tầu vào Nam.
        Tôi cứ suy nghĩ mãi về vụ thoát chết trong gang tấc đó và tin là chính anh tôi đã nhập vào tay Thiếu Úy mà cứu tôi kịp thời, bởi tay Thiếu Úy này là một trong những tay cán bộ vẫn thường ra vào trại trà lá với chúng tôi và rất thích nghe chúng tôi hát những bản nhạc của chế độ cũ.
        Chỉ tích tắc đồng hồ thôi nếu tôi không nhẩy kịp ra khỏi toa tầu thì hoặc tôi hay anh Hầu đã nằm dưới bánh xe lửa.
        Tôi lững thững đi theo đoàn người vào sân ga và chưa kịp hoàn hồn thì lại được lệnh leo lên cái tòa tàu mà suýt nữa tôi mất mạng vì nó để xuôi vào Nam.
        Đến chiều tối ngày thứ nhì thì chúng tôi vào tới thành phố Huế nhưng tầm nhìn bị che khuất bởi bóng đêm vừa xuống và vì họ kéo rèm che hết các cửa sổ lại vì sợ dân chúng thấy chúng tôi trên tầu.
        Tôi chỉ nhìn loáng thoáng thấy một cái sân ga vắng lặng như đang yên ngủ và vài hàng quán còn le lói ánh đèn nhưng đều đã đóng cửa.
        Khi tầu đang chạy trên phần đất miền Bắc tôi không có nhiều cảm xúc ngoại trừ sự thương cảm cho cái nghèo cùng cực của người dân với hình ảnh tôi không bao giờ quên được của người đàn bà bụng chửa đã vượt mặt mà vẫn còn ráng chầm chậm gánh gạch vào lò hay những thửa ruộng khô cằn cỗi , nhưng không hiểu sao từ khi tầu bắt đầu chạy vào địa phận miền Nam thì tim tôi như đập nhanh hơn có thể vì như đang trở về quê hương của mình, như đang tới gần hơn gia đình mình.
        Chợt một cậu soát vé còn rất trẻ lững thững đi lại phía tôi và anh Hầu rồi hỏi chuyện làm quen:
        -"Hình như các bác các chú các anh từ miền Bắc chuyển trại vào trong Nam?"
        Tôi nhìn cậu ta gật đầu
        -"Ba của cháu trước kia làm cho Bưu Điện Sàigòn cho nên không phải đi "học tập cải tạo". Các bác đã ở tù mười mấy năm rồi nhưng trông còn rất khí phách."
        Tôi cảm động vì hai chữ khí phách mà cậu ta đã dùng và thấy cậu ta có vẻ như không phải là người của họ nên tôi mời cậu điếu thuốc lá, một cái lắc đầu cám ơn và cậu ta lại lững thững đi xuống các toa dưới sau khi gật đầu chào anh em tôi.
        Đó cũng là những kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên bởi vì điều này chứng tỏ người dân miền Nam vẫn chưa quên những người chế độ cũ và vẫn còn dành phần nào cảm tình cho chúng tôi những người tù.
        Suốt thời gian hai đêm ba ngày trên tầu thì tất cả các hàng quà bánh buôn bán trên xe lửa đều bị ngăn cấm không được vào bên trong hai toa có chở tù chính trị.
        Khi tầu dừng lại ở ga nào thì các cán binh thường được lệnh canh gác tại các cửa lên xuống và nếu có các người dân buôn bán nào không biết ôm rổ bánh hay thúng khoai sắn mà chen lên hai toa này để bán hàng thì đều bị đẩy xuống ngay.
        Ngoài ra sự canh giữ chỉ nghiêm ngặt nhất có lẽ là tại nhà ga Diêu Trì. Tại các ga khác như Nha Trang hay tại Huế thì các cửa sổ được lệnh kéo rèm xuống hết và các cán binh cũng đứng loanh quanh cạnh hai lối đi lên xuống tầu mà thôi.
        Nhưng tại ga Diêu Trì thì sự việc xẩy ra hoàn toàn khác hẳn vì khi dân chúng nghe tin tù chính trị về đến miền Nam thì từ trong cổng làng họ kéo nhau ra đông nghẹt rồi ùa lại vây quanh hai toa này và vẫy tay chào chúng tôi rất là thân thương.
        Tôi nhìn về phía cổng làng thì thấy một đội võ trang đã án ngữ bên ngoài, đóng cổng xong rồi khóa nó lại bên ngoài cho nên một số dân làng ở bên trong cũng muốn ra chỗ xe lửa đang đậu để xem tù chính trị trở về nhưng vẫn không ra được vì cổng đã khóa trái.
        Bất chợt có một em bé gái chỉ khoảng mười hai tuổi dáng gầy gò đã bất chấp lính gác chen vào được toa nơi tôi đang ngồi, bỏ thúng bánh lá xuống chỉ cho chúng tôi thấy rồi thoăn thoắt chạy vụt xuống xe và biến mất vào trong đám đông.
        Ban đầu tôi tưởng là em muốn bán hàng nhưng khi nhìn em vụt chạy xuống tầu thì tôi mới hiểu ra là em muốn tặng thúng bánh đó cho chúng tôi.
        Chúng tôi không kịp cám ơn em và cũng không kịp đứng dậy để trả lại em thúng bánh hay đưa cho em ít tiền nữa vì sự việc xẩy ra quá nhanh không ngờ.
        Lòng tôi chợt dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt khi mắt tôi dõi theo bóng em lẫn vào trong đám đông. Chúng tôi đều nhìn nhau không ai nói được lời gì
        Ngay đám cán binh đứng gần đó cũng trở tay không kịp, cho nên sau khi em bé gái đó chạy xuống sân ga rồi thì có một toán cán bộ xộc vào trong toa tôi đang ngồi và ra lệnh cho các cán binh cầm súng làm thành một hàng rào bên ngoài hai toa này và đẩy dân chúng ra xa con tầu không cho lại gần nữa.
        Những hình ảnh ấy, những khuôn mặt dân chúng xáp lại gần toa tầu để nhìn thấy những người tù cho rõ hơn, hình ảnh của em bé gái đi chân đất mặc chiếc quần đen và cái áo nâu đã bạc mầu với cặp mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi - em là ai mà đã dám lại bỏ cả thúng bánh lá, tiền kiếm được của cả một ngày buôn bán - trên toa tầu cho những người tù là một nghĩa cử thật quí báu và là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được trong đời.
        Hồi nhỏ tôi có đọc một cuốn sách rất nổi tiếng là cuốn "Tấm Lòng Cao Thượng" hình như của Hà Mai Anh và tôi liên tưởng ngay đến bé gái thôn quê mộc mạc và nghèo nàn này với thúng bánh lá cho những người tù mà em chưa hề quen biết, mới chính là tấm lòng cao thượng.
        Tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ mãi không biết tối nay khi em về nhà thì nói với cha mẹ ra sao về thúng bánh lá ấy em đã tặng cho các bác các chú tù chính trị trên đường chuyển trại?
        Thúng bánh ấy dù là của người dân tặng cho tù nhưng dĩ nhiên họ không phát cho chúng tôi, và tay Thượng Úy trưởng toán cán bộ giải giao tù đã ra lệnh tịch thu đem về toa của họ.
        Thời gian những năm sau này tuy họ đã thả lỏng bớt không quá khắt khe trong trại giam nhưng chúng tôi vẫn bị cấm không được liên lạc với dân chúng.
        Lúc ấy dân chúng vẫn còn bao quanh toa tầu và hò reo chỉ chỏ về phía chúng tôi, anh Bửu Uy cũng ngồi gần, bước lại cạnh tôi bên cửa sổ với một anh nữa và giơ chiếc còng lên cho dân chúng thấy.
        Tôi cũng đứng dậy và kéo tay anh hai Hầu với cánh tay đang còng lên vẫy vẫy để chào những người dân của Diêu Trì đã dành cho chúng tôi một tấm lòng thật là hiếm có.
        Trong lòng tôi không khỏi dâng lên một chút ấm áp và một cảm xúc khó tả khi nhìn đồng bào mình bao vây con tầu và đám cán binh đang vất vả để ngăn cản họ lại gần.
        Mười hai năm trước thì tôi bị xích tay bằng sợi lòi tói với anh bạn đồng nghiệp là anh Sửu ra đi vội vã trong đêm tối, còn bây giờ mười hai năm sau thì còng tay với anh Hầu xuôi Nam nhưng trong tư thế đôi chút tự hào.
        Chuyến tầu tôi xuôi phương Nam lần nay thực khác hẳn với các chuyến tầu chở tù từ Nam ra Bắc một năm sau ngày mất miền Nam.
        Khi ấy, các người tù bị nhét vào các toa chở súc vật đến kẹt cứng không còn có chỗ ngồi chứ đừng nói là chỗ nằm và không khí ẩm thấp hôi hám đến ngộp thở đã làm một số tù nhân ngất xỉu và chết vì thiếu dưỡng khí.
        Chưa kể trên đường tầu chạy qua các làng mạc thì dân chúng đã được đạo diễn nên liệng gạch đá lên tầu kèm theo những lời chửi rủa và nhiều người tù đã bị thương hay thiệt mạng vì những cục đá oán thù đó.
        Bây giờ thì tình hình đã hoàn toàn đổi khác dù là chúng tôi vẫn trong thân tù tội nhưng đang trở về miền Nam trong sự đường hoàng của một con người bởi vì lòng dân đã chuyển.
        Qua hai đêm trên tầu và bắt đầu ngày thứ ba khi tầu chạy qua các tỉnh phía nam Trung phần thì tôi thấy quả thật miền Nam được thiên nhiên ưu đãi hơn hẳn miền Bắc chưa kể các bãi biển đẹp như trong tranh với các hàng dừa nghiêng nghiêng trên bãi cát trắng phau dọc theo Cà Ná, Mũi Né của Phan Rang, Phan Thiết.
        Tôi hít vào những hơi thật sâu cho gió biển lùa vào trong lồng ngực vì ít khi có dịp đi qua bãi biển Cà Ná quá đẹp này nhưng tiếc thay là không dừng chân xuống được.
        Có những bãi biển vắng tanh không một bóng người chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào theo những đợt lăn tăn xô nhau vào bờ và chạy dài mãi đến mãi tuốt tận đàng xa xa, và tôi có cảm giác các bãi biển này rất tinh khiết như chưa hề có bước chân người đặt tới bao giờ.
        Chợt có hai tay cán binh bước về phía tôi và nói với anh Bửu Uy:
        -"Mấy anh có đàn đây hát vài bản đi. Chúng tôi rất thích bài Chủ Nhật Tươi Hồng (Beautiful Sunday).
        Tôi mỉm cười giơ cổ tay đang còng lên. Hai tay này sốt sắng:
        -"Để tôi sẽ chạy lại ngay và mở khóa cho hai anh."
        Tôi lại mỉm cười và lắc đầu. Trong hoàn cảnh này đâu có hứng thú gì mà ca hát.
        Tôi có đọc nhiều thư của các bạn được thả về trước viết vào nói là trên chuyến tầu về Nam rất là vui và họ đã hát hò suốt dọc đường và các hành khách trên xe đều tán thưởng và tặng thêm các bánh trái nữa. Nhưng trong hoàn cảnh bây giờ chúng tôi vẫn còn trong tình trạng mất tự do và trong đầu tôi còn bao nhiêu là phân vân cho bước đường sắp đến.
        Sau hai đêm và ba ngày thì cuối cùng thì đoàn tầu cũng đến được nơi dừng chân. Với một đoạn đường hơn ngàn cây số mà phải mất đến ba ngày trời mới bò tới đích thì đủ biết con tầu này thuộc loại già nua như thế nào. Tôi tính vận tốc trung bình của nó không hơn vận tốc của xe đạp là bao nhiêu. Có thể nó đã từ thời Pháp để lại và tu sửa tân trang chút ít rồi đưa vào hoạt động.
        Vừa bước chân xuống sân ga thì tôi thấy một dẫy xe đang chờ và chỉ biết một điều là mình đang ở trong miền Nam.
        Chúng tôi lại lục tục leo lên và các xe này chay bon bon trên đường nhựa mà tôi đoán là Quốc lộ số Một để đến nơi nào chúng tôi cũng không biết.
        Tôi ngồi dựa vào lưng ghế, tay phải vẫn còng vào tay trái anh hai Hầu và nhắm mắt lại tìm giấc ngủ, đến đâu thì tính đến đó, con người ta đều có số mệnh lo nhiều cũng chẳng được.
        Đoàn xe rời quốc lộ và chạy vào con đường đất đá một đoạn khá xa rồi mới rẽ vào môt con đường lát toàn đá vụn, hai bên đường là những hàng cây cao vút như muốn che rợp cả bầu trời, nhưng nhìn xuyên qua những hàng cây ấy thì thấy phía sau là cả một khu rừng toàn lá Buông.
        Khoảng nửa tiếng chạy trên con đường lát đá với hai hàng cây cao vút đó thì chúng tôi đến khu vực trại giam.
        Chúng tôi đã đến trại Hàm Tân trong tỉnh Bình Thuận- là điểm dừng chân cho những người tù cuối cùng sau ba ngày di chuyển từ Bắc vào Nam.

        Viết thêm về có ở vùng giá lạnh thì mới biết quí giá cái nắng ấm miền Nam


        - Hết phần XVI -
        Last edited by hung45qs; 12-24-2010, 06:07 PM.
        Hung45HTQS

        Comment


        • #19
          Những Người Tù Cuối Cùng


          Hồi Ký: Phạm G. Đại

          (Lời Tác Giả: Để kỷ niệm 35 năm ngày 30-4-1975 mất miền Nam vào tay Cộng Sản, hồi ký "Những Người Tù Cuối Cùng" sẽ được khởi đăng từ ngày hôm nay trên những diễn đàn thân hữu và gửi đến gia đình và bạn bè xa gần.)

          Phần XVII
          Sợi Dây Ngũ Sắc


          (LTG: Phần XVII này là bài viết thêm cho bài "Yêu Người Dương Thế" để nói rõ hơn về một câu chuyện tình liêu trai có thật và đầy lãng mạn. Đây là một câu chuyện thật kỳ lạ và bí ẩn mà khoa học ngày nay cũng chưa có thể giải thích được.
          Quí vị nào chưa đọc rất nên xem và suy ngẫm về Cõi Dương và Cõi Âm. Một chi tiết nữa là TG đã đổi tên nhân vật chính.)


          Thật khó mà diễn tả cho hết được cái vẻ đẹp của mùa Thu trên đất Bắc, nó mong manh như sương khói, yểu điệu như nàng thục nữ ngồi ngắm bóng mình bên hồ Sen, nó bàng bạc như quyện vào từng chiếc là vàng rơi rơi bay bay theo từng cơn gió chiều nhè nhẹ đìu hiu trên con đường làng quê nghèo và mộc mạc.

          Bởi thế mà mùa Thu đã tạo nên bao nhiêu nguồn cảm hứng cho bao nhiêu là văn sĩ và thi nhân và bao nhiêu là áng thơ tuyệt tác cùng những truyện tình lãng mạn đã làm cho lòng chúng ta không khỏi thổn thức mỗi độ Thu về.

          Đúng vậy mùa Thu đã về rồi đó, riêng đối với những người tù thì mùa Thu là một mùa không phải là đẹp nhất trong năm nhưng là một khoảng thời gian mà thời tiết mát mẻ dễ chịu nhất sau ba tháng Hè nóng như nung người trong lò lửa.

          Đây cũng là thời gian mà anh em chúng tôi lấy lại được một phần sức khỏe để dự trữ và chuẩn bị chống đỡ lại sự tấn công đáng sợ của cái lạnh kinh người khi mùa Đông lại đến.

          Thời gian này chúng tôi thích nhất vì như được tắm mình trong một vùng không gian bao la mát rượi xen lẫn ít cái se se lạnh báo hiệu của một mùa Đông nữa sắp tới. Ban đêm cũng chỉ cần đắp cái chăn ngang bụng và dễ đi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.

          Mùa Xuân cũng đem đến cho người tù một khoảng thời gian ấm áp sau những đêm Đông lạnh giá, nhưng có lẽ không có mùa nào trong năm lại gây nhiều nhung nhớ sâu đậm như mùa Thu nơi xứ Bắc, nhất là khi khoác trên người bộ áo tù nhưng mắt thì vẫn dõi theo những cụm mây trôi dần trôi dần về phía chân trời vô định.

          Chúng tôi đang chia ra thành từng toán nhỏ năm bẩy người để cùng đạp đất và sau đó khi đất sét đã nhuyễn thì sang mai từng lớp đất sét một cho tới khi nó chồng lên thành từng khối bánh.

          Những tảng đất sét như cứng đầu nên vẫn chưa chịu mềm đi dưới những đôi chân trần của những người tù. Tôi vào cùng nhóm với các anh cấp đại úy như anh Trung pháo binh, anh Thế, Cảnh, Tâm, Châu vừa đạp đất vừa kể lại chuyện ngày xưa để giết thời gian và cũng để quên đi cái hiện tại nhọc nhằn.

          Mỗi người một câu, chuyện trò rôm rả và chúng tôi như tìm được những nụ cười hiếm hoi lẫn trong những giọt mồ hôi vất vả, dù là trời đã sang Thu. Tôi nhìn các anh và chợt có ý kiến là mỗi người sẽ kể về mình một câu chuyện tình.

          Mỗi ngày một người được làm "máy" tức là đóng vai máy quay phim "chiếu" lại một khúc phim tình nào đó mà mình từng đóng vai chính.

          Thế là tôi được nghe những câu chuyện tình thật đẹp hay thật ngộ nghĩnh của các bạn mình và được dịp thả hồn mình đi mơ mộng theo từng tình tiết của câu chuyện hay bật ra những tràng cười thoải mái về những sự ngây ngô của mình khi mới bước chân vào tình yêu của thời sinh viên mới lớn lên tại Sài Gòn hay trong quân ngũ.

          Qua đi gần hết một vòng thì người cuối là anh Trung, dáng anh nhỏ người da ngăm đen, tính tình thật hiền lành và dễ mến của người miền Nam, nhưng cười rất có duyên và cách kể chuyện của anh thì lại hấp dẫn nhất trong nhóm.

          Anh Trung nhìn tụi tôi rồi nói hơi tếu một chút:

          -"Tui chẳng có chuyện gì để kể hết à! Đi lính rôi quen bà xã rồi lấy nhau vậy thôi, hổng có gì nữa để kể, vậy là hết."

          Dĩ nhiên là mọi người đều không chịu một câu chuyện quá ngắn và có vẻ chạy làng như vậy cho nên anh Trung đề nghị là để đền bù, anh sẽ kể một câu chuyện có thật nhưng rất kỳ lạ và đầy bí ẩn của một người bạn của anh vừa mới xẩy ra trước khi anh chuyển trại về đây, mà chính anh cũng không biết đoạn kết của câu chuyện tình này sẽ ra sao nữa.

          Giọng anh trầm trầm hẳn xuống và ngay lập tức tụi tôi bị cuốn hút vào câu truyện đầy tính liêu trai này.


          Buổi sáng hôm ấy sương mù dày đặc trắng xóa cả bầu trời và hình như mây mù từ những nơi khác trong lòng thung lũng đều kéo nhau tụ cả về đây. Những ngọn núi chung quanh trại giam khu vực Hoàng Liên Sơn này cũng chỉ ẩn hiện mờ mờ trong một mầu trắng đục.

          Cách xa chỉ năm thước cũng không nhìn thấy được mặt người. Cảnh vật nhạt nhòa trong sương khói như làm cho bầu không khí thêm phần ảm đạm và làm tăng thêm cái rét căm căm của mùa Đông miền Bắc. Cái lạnh thì xuyên thấu qua từng chiếc áo rằn ri mầu hoa rừng, qua luôn lớp áo lót bên trong và thấm vào từng sớ thịt của những sĩ quan tù binh - người tù chính trị chế độ cũ.
          Vì sương mù và sở dĩ nếu xuất trại ra lao động có thể tù dễ trốn trại chonên tất cả chúng tôi được lệnh ở lại trong trại sáng hôm đó.

          Chẳng ai bảo ai chúng tôi đều vào buồng, leo lên chỗ nằm ngả lưng xuống nghỉ ngơi cho khỏe hoặc nấu ít trà nóng uống cho đỡ lạnh. Mỗi khi mà được nghỉ lao động là đều có lý do nếu không vì sương mù như hôm nay thì hoặc là mưa quá lớn, hay có thể là chuẩn bị di chuyển trại giam, hay là cái gì nữa không đoán trước được.

          Bởi vậy người tù lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần cho những gì xấu nhất có thể xẩy tới cho mình bất kỳ lúc nào, tuy trong lòng luôn cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất sẽ đến.

          Khoảng một tiếng đồng hồ sau bỗng có hàng loạt bộ đội vào sân trại và ra lệnh cho tất cả tù nhân đem hết tư trang ra ngoài sân để khám xét. Cái điều khó chịu ấy cứ sáu tháng lại tái diễn một lần và họ lựa đúng vào những dịp tù được nghỉ lao động để khám xét mục đích là không cho chúng tôi được nhiều thời gian riêng cho mình và đưa chúng tôi vào tình thế luôn bị động.

          Mục đích của khám xét là để xem tù nhân có tàng trữ những gì trái với nội quy của trại không như vật nhọn, muối, tiền mặt, kinh sách tôn giáo, "nhạc vàng", quần áo chưa đóng dấu "cải tạo"?

          Trung và các bạn trong buồng lần lượt khuân hết các ba lô hay túi xách, các thứ linh tinh và chiếc chiếu cá nhân ra ngoài sân.

          Mỗi lần như vậy thì Trung nhận thấy mình lại mất đi một vài thứ, lúc thì cái muỗng bằng bạc dùng để ăn cơm, lúc thì con dao cùn dùng để cạo râu, v.v.. Còn thì những thứ thực sự có giá trị như đồng hồ, nhẫn vàng, tiền mặt thì ngay từ lúc đầu bước chân vào trại giam thì họ đã tịch thu dưới danh nghĩa là trại "quản lý" dùm cho các anh khi nào được tha về sẽ trả lại.

          Và mỗi lần như vậy là đám cán binh và đám bộ đội trực trại lại khám thật kỹ từng người một, từ cái lai quần đến ve áo trên người cho đến chăn mền quần áo, từng chỗ nằm của mỗi người và vết nứt trên tường.

          Trung khoanh tay đứng nhìn một cách hờ hững vì anh chẳng còn gì để chúng nó tịch thu nữa mà phải lo nghĩ, và bên cạnh anh các bạn cũng từ từ cuốn chiếc chiếu lại đem vào buồng giam.

          Chợt anh nhìn thấy Tuấn, người bạn bên cạnh anh đang bị tên trực trại hạch hỏi về chiếc dây chuyền kết bằng những sợi chỉ lấp lánh ngũ sắc bện với nhau rất đẹp mà anh đang đeo trên cổ.

          Tuấn cố giải thích là kỷ vật của gia đình nhưng tên bộ đội còn trẻ măng vẫn không nghe và vẫn tịch thu sợi dây chuyền ngũ sắc ấy của anh. Có thể rằng mỗi đợt kiểm tra như thế này xong thì bọn chúng phải tìm nộp cho cấp trên một số tang vật bất cứ thứ gì của người tù để lập công cho nên chúng cố tịch thu càng nhiều càng tốt.


          Ngày hôm sau trên đường đi lao động vào rừng đốn gỗ cho trại Trung thấy Tuấn lộ vẻ đăm chiêu và lo lắng không yên nên anh hỏi:

          -"Sao thấy cậu có vẻ lo lắng chuyện gì thì phải?"
          -"Ừ! Đêm qua mình lại nằm mơ thấy bà xã của mình, bà ấy khóc quá nói là mấy năm nay đi tìm kiếm mình khắp nơi mà không gặp."
          -"Ủa! mình tưởng là cậu còn độc thân chứ? Nhưng như vậy cũng là vui rồi, không gặp được người thực ở ngoài đời thì gặp người trong mộng cũng là vui và an ủi rồi còn gì?"
          -"Không phải vậy đâu! Mình vẫn còn độc thân nhưng mà bà ấy là bà xã trong mộng của mình mà thôi nhưng mà câu chuyện dài lắm để mình kể cho cậu nghe..."
          Thế rồi Tuấn từ từ kể lại cho Trung nghe về cuộc đời và mối tình kỳ lạ của mình ngày còn trong quân ngũ.

          Thời gian ấy vào khoảng năm 1971 sau cuộc tổng tấn công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua Campuchia phá hủy hầu hết các căn cứ hậu cần của Việt Cộng và quân Bắc Việt tại Kompong Cham, Kompong Sap, Kratie, đơn vị của Tuấn tháp tùng sư đoàn trở về vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam trong chiến thắng oai hùng và Tuấn được thăng cấp Trung Úy.

          Sau đó đơn vị của Tuấn được lệnh đi hành quân tảo thanh diệt địch và tạm thời trú đóng bên cạnh một giòng sông nước trong vắt với hàng dừa xanh thật là thơ mộng.

          Rồi một hôm, một biến cố đã xảy ra trong một ngày định mệnh đã làm đảo lộn hết cả cuộc đời binh nghiệp của anh.

          Hôm đó, Tuấn theo đơn vị dừng lại đóng quân trong một làng nhỏ nằm ven sông thì binh lính dưới quyền báo tin là có một xác thiếu nữ trôi sông vừa dạt vào bờ. Tuấn vội chạy ra xem thì thấy một thiếu nữ tuổi chừng mười tám hai mươi trong chiếc áo dài màu trắng nữ sinh tuyệt đẹp, làn tóc thề lòa xòa che mất một phần của khuôn mặt trái xoan, nằm mấp mé bờ sông, nàng chết mà như đang trong giấc ngủ và có vẻ đẹp quí phái của con người tỉnh thành chứ không phải thôn dã.

          Anh bèn ra lệnh cho binh sỹ khiêng nàng lên bờ và cho lính vào trong làng hỏi thăm xem có ai biết tông tích ra sao để báo tin cho gia đình nạn nhân đem về mai táng. Anh buột miệng khen một câu:

          "Người đẹp như vậy mà chết uổng quá! Giá mà còn sống lấy mình thì thật là đẹp đôi."

          Thế rồi không biết có phải vào giờ linh hay là nàng sống khôn chết thiêng hay sao mà ngay tối hôm đó Tuấn nằm mơ thấy nàng hiện về và hai người bắt đầu quen nhau.
          Kể từ hôm đó, hễ đặt lưng nằm xuống là Tuấn lại thấy nàng hiện ra ngay trong giấc mộng trong suốt chặng đường hành quân của anh hay là khi về phép y như một đôi tình nhân vừa quen nhau trong một khung cảnh hệt như thương xá Tax và hàng quán phố phường trên đường Lê Lợi tại Sàigòn vậy. Giấc mơ này nói tiếp giấc mơ kia y như những chương trong một cuốn tiểu thuyết lồng trong một mối tình lãng mạn.

          Từ đó anh đặt tên cho nàng là Mộng Điệp và anh mơ thấy mình mặc quân phục về phép Sàigòn và tình cờ gặp nàng và làm quen trên đường nàng đi học về trong tà áo nữ sinh tha thướt. Ai đi ngang qua cũng trầm trồ là hai người thật đẹp đôi.

          Những ngày sau đó, anh lái xe gắn máy đến trường đón nàng tan học vềvà hai người chở nhau đi chơi, đi xem xi nê, ăn uống và chở nàng về nhà của mẹ nàng bên cầu Thị Nghè.

          Tình yêu nảy nở lúc nào không hay giữa trai tài gái sắc, hai người trao nhau nụ hôn đầu tiên trong vườn Bách Thảo và bàn tính chuyện hôn nhân. Anh rất mừng là mẹ nàng cũng tán thành và tác hợp cho đôi lứa.

          Anh bèn xin đơn vị nghỉ phép nói là về thăm gia đình nhưng chính là về để tổ chức đám cưới với Mộng Điệp. Đám cưới thật là vui với đầy đủ lễ nghi đón dâu và đãi tiệc tại nhà hàng và có cả xác pháo hồng và áo cưới cho cô dâu e thẹn về nhà chồng.

          Lúc đó tại thị xã nơi đơn vị Tuấn đóng quân, các cô bán hàng mỹ phẩm và quần áo phụ nữ thường rất ngạc nhiên khi thấy Trung Úy Tuấn thường đến cửa hiệu của họ và mua những quần áo kể cả đồ lót cho phụ nữ và đồ trang sức nữa. Ở cái thị xã nhỏ như vậy thì ai cũng biết chàng Trung Úy đẹp trai anh hùng này vẫn còn độc thân nhưng mỗi khi các cô hỏi chàng mua tặng cho ai thì Tuấn chỉ cười lắc đầu chứ không trả lời cô nào cả.

          Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng Tuấn và Mộng Điệp kéo dài thật là êm đêm trong những giấc mộng nối tiếp nhau suốt một năm trời như vậy trong từng giấc ngủ cho đến một hôm

          Một nhân vật huyền bí khác lại xuất hiện và lại làm thay đổi hẳn đời sống của chàng sỹ quan trẻ.

          Thế rồi chiến trận lan tràn khắp nơi trên quê hương miền Nam và Tuấn bị cuốn hút vào cuộc chiến không có thì giờ để nghĩ đến một chuyện gì khác nữa ngoài những cuộc hành quân liên miên diệt trừ Cộng Phỉ. Nhìn những xóm làng nằm trong vùng "xôi đậu" với những xác người dân lành vô tội bị Việt Cộng thiêu rụi vì đã không theo chúng, hay những cây cầu đoạn đường bị VC phá hoại mà Tuấn không khỏi uất hận bọn Cộng Nô và bùi ngùi cho đất nước đau thương của mình.

          Một hôm hành quân qua một vùng "xôi đậu" là những xóm làng mà ban ngày thì do Quốc Gia kiểm soát và ban đêm thì VC mò về và khuấy rối và bắt dân của xóm làng nghèo nàn này phải đóng góp gạo thóc gia súc cho chúng anh mới biết là Cộng Sản tuyên truyền rằng dân chúng đừng có theo Quốc Gia vì xe tăng của họ toàn là giấy các tông và máy bay trực thăng cũng vậy.

          Anh bèn gọi dân làng lại và cho họ đích thân đến cạnh một chiếc xe tăng tháp tùng cuộc hành quân để họ được tự tay mình sờ mó và đập tay vào xe tăng xem có phải bằng các tông hay không thì dân làng mới tin. Từ đó thì dân chúng trong làng ngả hẳn về phe Quốc Gia và mỗi khi có VC mò về là họ thông báo ngay cho các lực lượng đồn trú tại địa phương.

          Một ngày thật đặc biệt trong đời Tuấn, sau một cuộc hành quân lùng và diệt địch thật là vất vả và gian nguy trong vùng sình lầy của đồng bằng Cửu Long, đơn vị của Tuấn di chuyển ngang qua một ngôi làng rất là nhỏ có lẽ chỉ vài chục nóc nhà tranh thì anh thấy một cụ già chống gậy đang đứng trước cái ngõ dẫn vào ngôi làng như đang chờ đợi ai. Khi anh đi tới đâu ngõ thì bất ngờ cụ chống gậy bước ra và nói với các binh sĩ là muốn gặp anh.

          Tuấn bèn cho đại đội dừng quân lại và phát cho dân làng một số thực phẩm khô và đồ hộp Quân Tiếp Vụ mà đơn vị anh mang theo để đi theo bà cụ vào trong làng.

          Vừa bước chân vào ngôi nhà tranh của bà cụ thì Tuấn rất là sửng sốt vì hình như bà cụ đã biết anh từ trước. Cụ bà tuy đã luống tuổi nhưng trông còn tinh anh và nhanh nhẹn, cụ nói rất là từ tốn rằng tối hôm qua cụ nằm mộng thấy một ông già râu tóc bạc phơ báo tin cho cụ ngày hôm nay phải đón anh sẽ hành quân qua làng này để chữa bệnh cho anh.

          Bà cụ nói rằng anh đang bị ám khí rất là nặng và nếu không chữa trị kịp thời thì không thể cứu được tính mạng. Vì anh thường hay làm những điều phước thiện giúp đỡ binh lính và dân chúng cho nên cụ được lệnh là phải cứu giúp anh. Mới đầu thì Tuấn không hiểu nhưng sau thì anh chợt nhớ ra người vợ Mộng Điệp của mình và kể cho bà cụ nghe từ đầu đến cuối câu chuyện.

          Bà cụ trầm ngâm một lúc và nói rằng rất may mà anh gặp được cụ và cụ có thể chữa bệnh ma ám cho anh được vì cụ cao tay hơn con ma đang ám ảnh anh suốt hơn năm qua.

          Lúc này thì Tuấn mới hiểu rằng tại sao sức khỏe của anh bị sa sút và damặt thì xanh hẳn đi như người bị mất máu mà trước kia anh cứ nghĩ là vì các cuộc hành quân gian khổ. Hóa ra là cuộc tình giống như những truyện trong Liêu Trai Chí Dị mà anh đã đọc hồi xưa đã tàn phá sức khỏe của anh trông thấy.

          Bà cụ bèn lấy một chén nước sắc bằng những lá rừng và làm phép trên đó, để lên một cái bàn thờ nhỏ trong nhà thắp một nén nhang xong và bảo anh uống chén nước đó. Xong rồi, cụ cho anh một cái sợi dây chuyền bện bằng những sợi chỉ ngũ sắc rất đẹp và bảo anh là luôn luôn phải đeo trên cổ không được xa rời thì cái người vợ ma kia sẽ không còn hại anh được nữa.

          Và cái điều lạ lùng là kể từ ngày ấy khi anh đeo sợi dây chuyền ngũ sắc trên cổ thì anh không còn gặp lại người vợ trong mộng nữa, không những thế hình như sợi dây chuyền này cũng che chở và đem may mắn cho anh trước lằn tên mũi đạn của quân thù.

          Thời gian thấm thoát trôi qua cho đến một hôm anh chợt nhớ đến vị ân nhân của mình khi hành quân gần ngôi làng cũ và ghé vào thăm bà cụ ngày trước đã cứu mạng cho anh.

          Khi gặp lại thì cụ rất là vui mừng y như người mẹ gặp lại đứa con còn an lành sau những ngày tháng hành quân gian khổ.

          Cụ bèn kể cho anh nghe một câu chuyện và anh cũng không tin vào tai mình nữa. Khi đó khoảng vài tuần trước, cụ có đi qua chợ phiên của làng bên và bất thình lình có một người đàn bà mặt mày đỏ gay lên và xông lại xỉa xói chỉ tay lung tung vào mặt cụ và còn xấn xổ tính hành hung cụ nữa, và bảo rằng cụ đã cướp người chồng của chị ta. Cụ đã biết người phụ nữ bị ma nhập đó là ai rồi nên cụ bèn rút cái cây roi mây trong giỏ ra và bảo chị ta không được hỗn nếu không thì cụ sẽ bắt bỏ vào trong cái giỏ này. Nghe thấy vậy, người đàn bà kia chợt thụt lui lại, không còn la hét và cúi đầu cum cúp rảo bước đi mất ra khỏi chợ.

          Cụ hỏi anh có biết người phụ nữ đó là ai không và nói ngay với anh rằng chính cái người vợ trong mộng của anh đã nhập vào người đàn bà đó để làm dữ với cụ vì cụ đã làm phép cho anh không còn bị ma ám nữa.

          Những năm tháng sau đó, khói lửa bốc lên khắp nơi và người Sàigòn bắt đầu làm quen với những địa danh như Tống Lê Chân, Khe Sanh, Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị, Đông Hà, An Lộc Tử Thủ, Đại Lộ Kinh Hoàng với pháo kích của VC và quân Bắc Việt dọc theo Quốc Lộ 1 đã tàn sát hàng chục ngàn thường dân vô tội và gia đình của họ khi di tản từ miền Trung vào miền Nam lánh nạn.

          Đơn vị của Tuấn đã liên tiếp chiến thắng lẫy lừng đem lại niềm hãnh diện cho Trung Đoàn và được Trung Đoàn khao quân và tưởng thưởng nhiều huy chương cao quí của quân đội.

          Một điều bất hạnh cho người Quốc Gia là đồng minh Hoa Kỳ đã quyết định bỏ rơi họ đơn độc chiến đấu trong tình trạng thiếu súng đạn nhiên liệu trước một kẻ thù hung hãn và khát máu đang được yểm trợ đắc lực bởi Nga Sô, Trung Cộng và khối Đông Âu.

          Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một quân đội anh hùng đã vì thế mà mất đi dần ưu thế trên chiến trường và lui dần vào thế thụ động và phòng thủ. Chiến đấu cơ không còn đủ xăng nhớt để hoàn thành những phi vụ và pháo binh cũng không còn đạn pháo để yểm trợ cho quân bạn như xưa nữa và điều gì phải đến đã đến.

          Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Miền Nam sụp đổ và rơi vào tay Cộng Sản và Tuấn cũng như hàng triệu quân dân cán chính khác của chế độ VNCH sa chân vào chốn lao tù.

          Sau những lần chuyển trại trên đất Bắc, tình cờ Tuấn gặp lại người bạn thân năm xưa cũng sư đoàn là Trung Úy Trung pháo binh. Tuấn ngừng lại một chút rồi tâm sự:" Kể từ ngày họ tịch thu sợi dây chuyền ngũ sắc của mình thì ngay ngày hôm sau lên rừng đốn củi tự dưng mình thấy buồn ngủ ríu cả mắt lại và ngồi tựa gốc cây ngủ lúc nào không hay. Chỉ một lát sau thì thấy ngay người vợ trong mộng hiện ra và nàng khóc lóc ôm lấy mình và nói rằng mấy năm nay nàng đã đi tìm mình khắp nơi mà không gặp và điều bất ngờ nàng nói rằng đã có một đứa con hai tuổi với mình và ôm con sống trong cô đơn suốt mấy năm nay."

          Trung nhìn sững bạn anh, nếu không phải là người bạn thân đích thực kể cho nghe thì chắc anh sẽ không tin là câu chuyện này là có thực của một người cõi âm đã đem lòng yêu thương một người trên dương thế là bạn của anh và đã lặn lội từ Nam ra Bắc để ôm con đi tìm chồng.

          Cuộc đời vẫn luôn xoay vần và Trung những tưởng là mình sẽ chết và chôn vùi trong xó rừng miền Bắc nhưng vì quân Bắc Việt tấn công qua Campuchia và Trung Cộng đánh qua sáu tỉnh miền Bắc nên anh và những bạn tù được di chuyển từ Hoàng Liên Sơn về các trại giam khác ở miền trung du vào năm 1978.

          Nhưng Trung và Tuấn sau lần chuyển trại thì bị tách ra về hai nơi khác nhau và không còn gặp lại nhau nữa.

          Những năm sau nầy Trung không được tin tức gì nữa về Tuấn và không biết bạn mình lưu lạc phương nào và có được trả tự do chưa hay đã vì mất sợi dây chuyền hộ mạng nên cũng đã chết theo người vợ cõi âm nặng lòng với mối tình yêu người dương thế?

          Trung kể chuyện một cách say sưa và tình tiết suốt hai ngày mới xong. Khi anh kết thúc rồi tôi vẫn còn ngẩn ngơ và bàng hoàng vì một mối tình liêu trai đầy lãng mạn xen lẫn nét huyền bí của bà cụ đã cho Tuấn sợi dây ngũ sắc và giải bệnh ma ám cho anh.

          Năm 1983, anh Trung cùng một số lớn tù nhân được di chuyển vào trong Nam và tôi cùng với số tù nhân còn lại trong đó có các thầy và các vị mục sư, linh mục di chuyển về trại Ba Sao Nam Hà.

          Từ đó tôi mất liên lạc với anh Trung pháo binh và không biết khi vào trong Nam anh có gập lại nhân vật chính trong truyện hay không, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được câu chuyện đầy kỳ bí và huyền hoặc của sợi dây ngũ sắc này


          - Hết phần XVII -
          Last edited by hung45qs; 01-03-2011, 07:54 AM.
          Hung45HTQS

          Comment


          • #20
            Last edited by hung45qs; 05-02-2011, 05:23 PM.
            Hung45HTQS

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X