Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tang lễ ai cười

Collapse
X

Tang lễ ai cười

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tang lễ ai cười

    "Tang lễ ai cười"

    Huy Phương


    Hôm nay cáo phó sao nhiều quá!

    Ở tuổi già, bạn bè thường nói với nhau: “Bây giờ chẳng ai mời đám cưới nữa mà toàn đi dự đám tang!” Ðây không hẳn là một câu nói trách móc ai mà chỉ là một lời “tri thiên mệnh.” Một ông bạn già còn phát biểu thêm: “Ði đám ma còn mất thời giờ hơn đi đám cưới!” Tôi đang còn ngạc nhiên vì chậm hiểu thì ông bạn lanh lẹ giải thích: “Lần thứ nhất phải vào bệnh viện thăm, lần thứ hai phúng điếu tại nhà quàn, lần thứ ba đưa đám và lần thứ tư dự lễ thất tuần hay bách nhật!” Ðúng là một thằng cha chi ly, tính toán, nhưng chưa chừng thực tế, nếu chúng ta thân với hắn, chắc cũng phải đến với hắn đủ bốn lần, cho đúng với câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.

    Nhiều người sợ khi phải nói đến cái chết, tệ hơn là nói đến những dự định hay sửa soạn cho đám tang của mình, vì sợ xui xẻo, nhưng lại thích tưởng tượng chuyện trúng số độc đắc, bằng chứng là có nhiều người mua vé số hàng tuần vì hy vọng. Người mua vé số “có thể” trúng độc đắc, ta là người mua vé số, ta cũng có thể trúng độc đắc, đó là tam đoạn luận. Tuy vậy, mỗi năm nước Mỹ này chỉ có thêm được vài chục người may mắn trúng số độc đắc, nhưng cũng mỗi năm xứ này có 20,000 người chết vì bệnh cúm thường (common flue), 42,000 người chết vì tai nạn trên xa lộ, 15,000 người chết vì súng ống, đâm chém. Nội số người bị điện giật không thôi cũng gấp bốn lần số người trúng số. Vậy thì chúng ta nói chuyện đám ma coi bộ còn có lý và hiểu biết chuyện đời hơn là bàn chuyện trúng số.

    Nếu bàn chuyện: “Chết rồi đi về đâu?” là nói chuyện triết lý và đụng đến niềm tin tôn giáo. Bọn phàm phu tục tử chúng tôi thường có câu hỏi thực tế gần hơn, là chết rồi, nên chôn hay nên thiêu? Thiêu thì hẳn rẻ hơn chôn. Thiêu rồi đem rải tro ở đâu đó để “cát bụi trở về cát bụi” cho xong một kiếp người. Nhưng khổ nỗi, nhiều người ngỏ ý không chịu cho con cháu thiêu vì sợ nóng, người chết còn biết nóng thì chắc khi chôn bị ngộp thở, rồi côn trùng sâu bọ rúc rỉa trong xương thịt dài dài, còn khổ sở biết bao nhiêu! Chôn xuống đất, phải tốn tiền cho một phần mộ. Một phần đất chôn, cộng với nhà quàn, quan tài, bia mộ không dưới $15,000 cho một người, đâu phải là số tiền ai cũng có được! Mộ thì phải có bia, mặc dù bia đá trăm năm cũng phải mòn. Chôn xuống đất rồi, nằm đó, ngày tháng trôi qua mà không có “con ma” nào lui tới thăm viếng còn rầu hơn nữa, nhất là những ngày Hiền Mẫu, Nghiêm Phụ, những ngày Lễ Tết, “nằm trong huyệt lạnh chắc em sầu...”( Ðinh Hùng), vì mộ người bên cạnh nhang khói, hoa tươi phủ đầy mà phần ta tiêu điều vắng lạnh, sao cho khỏi chạnh lòng dưới mộ sâu.

    Chết rồi đem vào nhà quàn, lại có người muốn đến đọc bản tuyên dương công trạng và phủ cờ. Bản thân chưa làm được điều gì ích quốc lợi dân, lại chưa hết lòng vì tổ quốc, nay nước mất nhà tan, chịu cảnh đầu hàng, hoặc là bỏ đơn vị, chiến hữu ra đi, cao bay xa chạy, hoặc xếp hàng “đăng ký” xin ghi tên vào tù, còn vinh dự gì để được lá cờ tổ quốc phủ lên quan tài. Những người xứng đáng được phủ lá cờ tổ quốc hiện nay đang nằm trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa hoang lạnh hay bỏ xác trên rừng dưới biển. Ngoài những trang liệt sĩ, anh hùng đã chết vì tổ quốc như thế, ở đây còn ai xứng đáng để phủ lá cờ thiêng liêng ấy cho người lính già chết tha phương trên đất khách hôm nay?

    Cũng xin đừng quá lo lắng, phiền lòng đến chuyện cầu nguyện cho người đã chết để linh hồn được sớm siêu thoát bay lên Niết Bàn hay Thiên Ðàng an vui. Nghiệp chướng, nếu sống một cuộc đời tốt lành, không có năng lực nào làm cho dầu chìm được xuống đáy hồ, nếu sống một cuộc đời xấu xa, là đá thì là nghìn câu kinh cầu nguyện cũng không làm cho đá nổi lên được mặt nước. Không có giáo sĩ quyền năng trên thế giới này có thể cầu nguyện để làm ngược lại được định luật đó.

    Nếu chúng ta vẫn thường tự hào về bản sắc văn hóa, nghìn năm nô lệ cũng không bị đồng hóa, sao mới sống với Mỹ ba mươi lăm năm, đã vội quên đậy nắp quan tài cho người thân. Người Việt trong nước sau năm 1975, bắt chước Liên Xô, người chết nằm trong quan tài có nắp kính để người viếng có thể trong thấy mặt, vợ con anh em thay nhau phát biểu tình cảm với người chết, rồi quan khách “diễu hành” quanh quan tài nhiều vòng, trước khi di quan, nhưng ngày nay loại văn hóa này đã không còn tồn tại. Theo tục lệ Việt Nam , người chết rồi thì phải đắp mặt, tẩm liệm thì phải đậy nắp hòm. Người bệnh đau ốm lâu ngày, nhan sắc tàn phai, nhiều khi không muốn gặp mặt bạn bè, thân quyến, huống gì lúc đã nhắm mắt xuôi tay. Gia đình con cái thì xúc động khi còn nhìn thấy mặt người thân, tạo nên sự lưu luyến tình cảm, bịn rịn không muốn chia rời.

    Hầu như tất cả đám tang cử hành tại Mỹ, trong cáo phó đều có ghi hàng chữ “Xin miễn phúng điếu” vì dần dần người ta hiểu nghĩa “xin miễn phúng điếu”, có nghĩa là tang gia không nhận tiền, trong khi đó vẫn nhận hoa. Thật ra “Phúng: là lễ vật để điếu người chết,” “Phúng Ðiếu: là đem lễ vật đến hỏi thăm người chết” (*) vậy thì không những tiền, mà hoa hay bánh trái, nhang đèn (như ở Việt Nam ) đều là vật phúng điếu. Người ta cũng thường căn cứ vào số lượng vòng hoa phúng để lượng giá một đám tang lớn hay nhỏ, sang hay hèn, mặc dầu những tràng hoa này chỉ tồn tại trong vòng một ngày rồi đem vứt bỏ, đã tốn kém khoảng $200 cho một tràng hoa, một số tiền không nhỏ. Nhiều tang gia đã loan báo không nhận vòng hoa và xin dành số tiền đó cho những việc từ thiện, nhưng không được đáp ứng từ bạn bè thân thích, lý do là người ta thích bề ngoài, làm sao cho đẹp mắt mà mọi người đều thấy được. Một đám tang, khoảng từ 5 đến $8,000 tiền hoa được đem đi vứt bỏ phí phạm. Một đám tang của người Mỹ, dù là danh giá hay triệu phú, không có nhiều vòng hoa tang như người Việt, có dịp, các bạn thử đếm xem, chúng ta “chơi bảnh” hơn họ nhiều.

    Vui hay buồn thì cũng hiểu cho thuận lẽ trời. Mái tóc điểm sương và xác thân “tứ đại”(**) bắt đầu rệu rã. Châm ngôn của ngành Thiếu Hướng Ðạo là “Sắp Sẵn”, còn chúng ta thuộc loại “cổ lai hy” rồi, đã có ai sắp sẵn chưa?

    Phần các con, xin hãy cho mẹ một bát canh nóng lúc về già hơn là nghìn nghi thức đưa tiễn lúc nằm xuống, lúc bấy giờ mẹ đâu còn biết gì nữa!




    (*) Hán-Việt. Ðào Duy Anh

    (**) Gió, Lửa, Nước, Ðất


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X