Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Hùng và Bội Phản trong QL.VNCH - Sách Mới

Collapse
X

Anh Hùng và Bội Phản trong QL.VNCH - Sách Mới

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Hùng và Bội Phản trong QL.VNCH - Sách Mới

    Vietnam’s Forgotten Army
    Heroism and Betrayal in the ARVN

    Một Quân Đội Bị Lãng Quên :
    Anh Hùng và Bội Phản trong QL.VNCH

    của Tiến sĩ Andrew Wiest

    với lời giới-thiệu của TNS Jim Webb
    Được sự yểm-trợ của :
    Cộng đồng Việt Nam vùng Hoa-Thịnh-Đốn, Maryland và Virginia
    Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cân
    Hội Cựu SV SQ Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt Nam vùng HTĐ.
    Địa-điểm:
    Best Western Falls Church Inn
    6633 Arlington Blvd.
    Falls Church, VA 22042
    703-532-9000
    Ngày Chủ nhật, 17-02-2008 vào lúc 10 giờ sáng .

    Quan khách sẽ có mặt trong Buổi Ra Mắt Sách : Tướng Creighton Abrams (Con trai của cố Đại tướng Creighton Abrams, Tư lệnh Lực-Lượng Hoa-Kỳ tại VN từ 68-72); Cựu Trung Tướng William Joe Bolt, Doctor Travis Kirkland ( hai cựu Cố-vấn của Đại đội Hắc Báo / SĐ 1 BB), Thiếu tướng Trần Đình Thọ , Khoa-Học Gia Dương Nguyệt Ánh ...

    Và đặc-biệt một nhân-vật chánh được đề-cập trong quyển sách là Cựu Trung Tá Hắc Báo Trần Ngọc Huế (K. 18 Võ-Bị Quốc-Gia VN), cũng sẽ có mặt trong buổi Ra Mắt Sách để chuyện trò và ký lưu-bút cho quý độc-giả hâm-mộ.

    Cũng nhân dịp này những cựu Tướng lãnh Hoa-Kỳ, rất muốn được gặp-gỡ những Cựu Chiến Sĩ VNCH, những người mà họ đã từng sát cánh chiến-đấu năm xưa.
    Trân-trọng kính mời.


    Liên lạc: Trần Ngọc Huế (



    Nguyễn Kỳ Phong

    Ðiểm Sách

    Chuyện Hai Người Lính
    Ðọc Vietnam’s Forgotten Army:
    Heroism and Betrayal in the ARVN

    Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN
    By Andrew Wiest.
    New York University Press, 2007.
    368 pages; $35.

    Một Quân-Ðội Bị Bỏ Quên: Anh-Hùng và Bội-Phản Trong Quân-Ðội VNCH, là một cuốn sách viết về hai người lính và binh-nghiệp của họ trong cuộc chiến Việt Nam. Hai người lính — trong trường-hợp này là hai sĩ quan — Trung tá Phạm Văn Ðính và Thiếu tá Trần Ngọc Huế. Trung tá Ðính và Thiếu tá Huế, hai ngôi sao sáng đang lên của quân-lực VNCH. Hai người đang xả-thân chiến-đấu chống lại một chủ-nghĩa mà họ thù ghét từ lúc mới lớn. Nhưng vào những giờ cuối cùng trong đời binh-nghiệp, hai người chọn hai lối đi khác nhau: Thiếu tá Huế chiến-đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt làm tù binh ; Trung tá Ðính, dưới áp-lực của địch, đầu hàng để khỏi bị bắt làm tù binh .
    Tình-tiết trong Một Quân Ðội Bị Quên giống như một cuốn tiểu-thuyết, nhưng tất cả đều sự thật; đều có thể kiểm-chứng được. Ðường binh nghiệp của Tr/T Ðính và Th/T Huệ gần như đi song song với nhau: cả hai là sĩ quan tác chiến; đều là chỉ huy trưởng những đơn vị vang tiếng của quân lực VNCH. Và đoạn cuối binh nghiệp của cả hai cũng giống nhau, khi bị chấm dứt trong hai trận đánh khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam : Th/T Huế trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971 ; Tr/T Ðính vào Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972.
    Tr/T Phạm Văn Ðính tốt nghiệp khóa 9, Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức; T/T Trần Ngọc Huế, khóa 18, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Ðà Lạt. Ra trường hai người về phục-vụ ở miền Trung — nơi sanh ra và lớn lên của Huế và Ðính. Ðính phục-vụ ở tiểu đoàn 3/trung đoàn 3/ sư đoàn 1 Bộ Binh; Huế, TÐ1/ Tr.Ð1/ SÐ1BB. Sau vài năm nếm mùi binh lửa ở vị trí thấp nhất của một sĩ quan mới ra trường, cả hai được hoán chuyển về đơn vị mới, với nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Ðầu năm 1965, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuân, tư lệnh sư đoàn 1BB, quyết định thành lập một đại đội xung kích, có khả năng phản ứng nhanh để đáp ứng những trường hợp khẩn cấp ở Vùng I. Ðại đội này còn phải có khả năng trinh sát như một đại đội thám báo/ viễn thám của sư đoàn. Ðại đội tân lập đó được đặt tên Hắc Báo, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tư lệnh sư đoàn. Và Trung úy (lên Đại úy vài tháng sau đó) Ðính được danh dự chọn làm Đại đội trưởng đầu tiên.
    Ðại đội Hắc Báo của sư đoàn 1BB có lẽ là một trong những đơn vị cấp đại đội được nhắc đến tên nhiều nhất trong quân lực VNCH. Thành hình vào tháng 2-1965, đại đội có năm trung đội tác chiến (năm 1968 có sáu trung đội) ; có một đơn vị không vận cơ hữu ứng trực 24 tiếng đồng hồ một ngày, gồm năm trực thăng chuyên chở và hai trực thăng võ trang yểm trợ. Ðại đội có một toán cố vấn Mỹ và Úc Ðại Lợi đi kèm. Sự có mặt của các cố vấn ở cấp đại đội cho thấy sự quan trọng của đơn vị này: thông thường cố vấn chỉ có mặt ở cấp tiểu đoàn trở lên. Từ lúc thành hình cho đến ngày VNCH thất thủ, đại đội Hắc Báo chưa bao giờ thất bại với những công tác giao phó. Từ những công tác giải cứu phi công bị rớt trong lòng đất địch, cho đến những cuộc đột kích vào những binh trạm của CSBV ở thung lũng A Shau, ở Co Roc, hay xa hơn bên kia biên giới Lào. Ðại tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV, nhiều lần nhắc đến tên đại đội Hắc Báo trong những buổi họp tham mưu cuối tuần (ghi lại trong The Abrams Tapes, của Lewis Sorley). Ít có một đại đội nào của quân lực VNCH có danh tiếng vang tận đến Bộ Quốc Phòng Mỹ ở Hoa Thịnh Ðốn như đại đội Hắc Báo. Cuối năm 1971, trong cao điểm của chương trình Việt Nam Hóa, phó giám đốc Nha Nghiên Cứu và Biến Chế của Bộ Quốc Phòng, Leonard Sullivan — đang làm việc trực tiếp cho Bộ trưởng quốc phòng Melvin Lair — sang Việt Nam nghiên cứu một kế hoạch ít tốn kém để ngăn chận đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Trong lần viếng thăm Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Thiếu tướng Phạm Văn Phú vào trung tuần tháng 10-1971, Sullivan cho biết Bộ trưởng đã Laird thông báo là Không Quân Hoa Kỳ sẽ không còn tài chánh để tiếp tục dội bom ngăn chận bằng B-52 vào năm tới. Thay vào đó, bộ quốc phòng Mỹ đề nghị một phương cách ngăn chận khác là dùng những đại đội như đại đội … Hắc Báo để đột kích những binh trạm của CSBV trên đuờng mòn Hồ Chí Minh! Tiếp theo, Sullivan đề nghị quân đoàn I nên lập thêm vài đại đội Hắc Báo nữa và đưa vào Vùng II để đột kích những binh trạm ở vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào. Nhưng hai vị tư lệnh quân đoàn và sư đoàn cho biết họ chỉ có thể thực hiện lời yêu cầu nếu có lệnh từ Bộ Tổng Tham-Mưu QLVNCH. Hơn nữa, nhân sự của đại đội Hắc Báo không phải dễ có. Trung tá Nguyễn Xuân Lộc, trưởng Phòng 2 Sư Ðoàn 1BB, cho biết nhân sự của Hắc Báo đến từ hai đại đội thám báo của trung đoàn 3 và 54. Nghĩa là hai trung đoàn này không có đại đội thám báo như hai trung đoàn 1 và 2 của SÐ 1BB, để có chỗ cho nhân sự của đại đội Hắc Báo. Tóm lại, lập ra một đại đội như đại đội Hắc báo không phải là chuyện đơn-giản (Ðọc thêm: Ðiện tín của Trung tướng Welborn G. Dolvin, tư lệnh Quân Ðoàn XXIV, gởi Đại tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV. Secret DNG 2997 Eyes Only, 20 October 1971. Subject: Visit to MR 1 of Mr. Leonard Sullivan; về vai trò của Phó giám đốc Leonard Sullivan, đọc Bernard C. Nalty, The War Agaisnt Truck.). Liên hệ và thành tích của Ðính với đại đội thiện chiến và lừng danh như Hắc Báo, làm độc giả khó giải thích được hành động đầu hàng CSBV sau này của ông.

    Trong thời gian Ðính chỉ huy đại đội Hắc Báo, Trung úy Huế, sau khi tốt nghiệp khoá sình lầy ở Mã Lai Á, được về làm sĩ quan tùy viên cho Tướng Chuân ở Sư Ðoàn 1BB. Cùng phục vụ cho một vị tư lệnh, Ðính và Huế thường gặp nhau, tìm hiểu về nhau. Sau những biến động liên tục ở miền Trung năm 1966; sau nhiều lần tư lệnh của Quân Ðoàn I và Sư Ðoàn 1 BB bị thay đổi, nhiệm sở của Ðính và Huế cũng bị thay đổi theo, nhưng thay đổi theo chiều hướng khả quan. Khi Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng về coi SÐ 1 BB, ông đề bạt Ðính về làm tiểu đoàn trưởng TÐ 2/ Tr.Ð 3, kiêm luôn quận trưởng Quảng Ðiền. Nhiệm vụ của Th/T Ðính lúc đó là vừa đáng giặc, vừa bình định. Về phần Huế, dù có chọn lựa để được thuyên chuyển một đơn vị không tác chiến, để hưởng thụ một đời sống gia đình (vừa mới lấy vợ), anh xin đổi về một đơn tác chiến: đại đội Hắc Báo. Về làm Đại đội phó Hắc Báo được chừng hai tháng thì Tướng Trưởng bổ nhiệm Huế làm Đại đội trưởng, thay vào chổ của Ðính. Một lần nữa, Huế và Ðính lại làm việc chung cho một ông thầy, cùng ở chung một sư đoàn. Sự liên hệ, quen biết liên tục đó làm tăng thêm ngỡ ngàng về sau, sau khi hai người trở thành kẻ thù — dù kẻ thù trong yên lặng.

    Trong hai năm 1968 và 1969, phục vụ ở Sư Ðoàn 1BB, đường binh nghiệp của Tr/T Ðính và Th/T Huế được thăng hoa. Hai đơn vị của Huế và Ðính có công tiếp cứu bộ tư lệnh sư đoàn 1 BB của Tướng Trưởng, và một phần nào đó, có công giải tỏa thành nội và dựng lại lá cờ VNCH ở kỳ đài Ðại Nội vào trận Mậu Thân 1968. Dựa vào những gì hai nhân vật chánh trong tác phẩm kể lại, TÐ2/ 3 của Ðính là đơn vị triệt tiêu những điểm kháng cự cuối cùng của cộng sản ở kỳ đài; và đại đội Hắc Báo là đơn vị bảo vệ bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1 BB trong giờ phút kịch liệt nhất của trận Mậu Thân. Cũng trong trận này, liên hệ của hai người gắn chặc nhau hơn khi tiểu đoàn 2/3 và đại đội Hắc Báo cùng được giao nhiệm vụ chung là giải tỏa một góc chiến trường của thành nội Huế.

    Năm 1969. Trần Ngọc Huế bây giờ mang Thiếu tá, rời đại đội Hắc Báo về coi tiểu đoàn 2/2; trong khi đó Ðính đã là Trung tá, vẫn còn coi tiểu đoàn 2/3. Năm 1969 tiểu đoàn của Tr/T Ðính liên quan đến một trận đánh mãnh liệt, nhưng không được bao nhiêu báo chí nhắc đến: Trận Ðộng Ấp Bia — mà báo chí và các quân nhân tham dự đặt cho một tên rất biểu tượng là Ðồi Hamburger Hill (Thịt Bằm). Theo báo chí và phần lớn sách sử về chiến tranh Việt Nam, trận Hamburger Hill kết thúc khi lính của một trong ba tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ — sau hơn 10 ngày giao chiến ác liệt — triệt tiêu những lô cốt cuối cùng của trung đoàn 29 CSBV trên đỉnh đồi cao 937 thước và làm làm chủ ngọn đồi. Nhưng theo tác giả Wiest, và theo một số sử liệu chúng ta có thể tìm được, thì tiểu đoàn 2/ trung đoàn 3 của Trung tá Ðính là đơn vị lên được đỉnh đồi trước nhất. Trận đánh này, lúc khởi đầu, chỉ có một tiểu đoàn Nhảy Dù Mỹ phục trách, nhưng sau hơn một tuần quần thảo, bộ tư lệnh Sư Ðoàn 101 Nhảy Dù quyết định lấy ngọn đồi bằng mọi giá.
    Tướng Trưởng, trong tinh thần hợp tác Việt-Mỹ, gởi tiểu đoàn 2/3 của Trung tá Ðính để phụ lực vào cuộc tấn công cuối cùng. Bốn tiểu đoàn đánh bốn hướng từ chân đồi lên, và lính của tiểu đoàn 2/3 có mặt trên cao điểm của đỉnh đồi trước nhất. Trong tác phẩm, tác giả Wiest trích lời của Đại tướng Abrams trong buổi họp tham mưu ở MACV ngày 24 tháng 5-1969. Tướng Abrams nói tuy các cơ quan truyền thông nói là lính Nhảy Dù Mỹ chiếm được ngọn đồi, nhưng ông có tin riêng nói lính VNCH là đơn vị được vinh dự đó (Tác giả Wiest trích lời của Abrams trong The Abrams Tapes của tác giả Lewis Sorley. Cũng trong buổi họp đó, Tướng Abrams có nhắc lại chuyện đại đội Hắc Báo và trận đánh chung quanh kỳ đài thành nội Huế năm 1968). Ðiều đáng tiếc, tác giả Wiest kết luận, là đơn vị VNCH không được tuyên dương như sự thật đã xảy ra.

    Sau trận Hamburger Hill Tr/T Ðính về làm sĩ quan hành quân cho bộ tư lệnh Sư Ðoàn 1BB Tiền Phương (Ðây là một đơn vị gồm trung đoàn 2/ SÐ1BB và một lữ đoàn TQLC VNCH, được lập ra để trám vào chổ của những đơn vị TQLC Mỹ rút đi trong chương trình Việt Nam Hóa. Ðơn vị này nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tá Vũ Văn Giai, Tư lệnh phó sư đoàn). Thiếu tá Huế thì vẫn coi tiểu đoàn 2, trung đoàn 2, đóng quân sát vùng giới tuyến. Là một đơn vị nằm dưới quyền điều khiển của SÐ 1 BB Tiền Phương, con đường binh nghiệp của Huế và Ðính lại gặp nhau. Tháng 5-1970, Tướng Trưởng yêu cầu Đại tá Giai đưa Trung tá Ðính về trung đoàn 54/ SÐ1BB với chức vụ trung đoàn phó. Trong khi đó Huế và tiểu đoàn 2/2 vẫn hoạt động ở hướng bắc Ðông Hà.


    (còn tiếp)

  • #2
    Tiếp tuc...

    Ở chương 4 của tác phẩm, chương nói về thành tích của Huế và Ðính trong năm 1968, tác giả Andrew Wiest đặt tên là, “Thời của Những Người Hùng.”
    Chương 4 ghi lại một số dữ kiện để đưa độc giả đến hai chương nồng cốt 8 và 9, làm tiền đề cho quyển sách: anh hùng và bội phản. Chương 8 “Shattered Lives and Broken Dreams: Operation Lam Son 719,” nói về giấc mơ chiến thắng của Huế bị tan vỡ— và những mảnh vụn của cuộc đời theo sau đó. Và chương 9, “The Making of a Traitor,” nói về sự phản bội của Trung tá Ðính khi ông đầu hàng cộng sản vào năm 1972 trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa. Ở chương này, tác giả Wiest đã cố gắng giải thích những sự kiện và hoàn cảnh chung quanh quyết định đầu hàng của Tr/T Ðính.
    Giấc mơ chiến thắng của Thiếu tá Trần Ngọc Huế tan vỡ vào mùa Xuân năm 1971 ở Hạ Lào. Ðầu tháng 2-1971, khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua những căn cứ hậu cần của CSBV trên đường xâm nhập Hồ Chí Minh xảy ra, đơn vị của Th/T Huế vẫn còn hoạt động ở vùng phi quân sự, và trung đoàn 54 của Tr/T Ðính vẫn lo an ninh ở phía nam cố đô Huế. Mặc dù Sư Ðoàn 1BB là một trong ba lực lượng chính của cuộc hành quân, trong thời gian đầu BTL Sư Ðoàn 1BB chỉ xử dụng hai trung đoàn. Nhưng đến cuối tháng 2, tình hình thay đổi bất lợi ở mặt trận Hạ Lào. Sau cuộc hội thảo với Tổng thống Thiệu ở Sài Gòn ngày 28 tháng 2, Tướng Hoàng Xuân Lãm quyết định thay Sư Ðoàn Nhảy Dù bằng Sư Ðoàn 1BB, làm đơn vị chính đánh vào Tchepone. Ngày 2 tháng 3 đơn vị của Huế, TÐ 2/2; TÐ 3/2; và một ban tiền trạm của trung đoàn 4 được trục thăng vận đến Khe Sanh để chuẩn bị nhảy vào Tchepone. Sau khi các tiểu đoàn của trung đoàn 1 liên tiếp thiết lập các cứ điểm dây chuyền Lolo, Liz và Sophia ở hướng nam dẫn về Tchepone để chuẩn bị cho mục tiêu chánh. Ngày 6 tháng 3, TÐ 2 và 3 của trung đoàn 2 nhảy vào Tchepone theo đúng lịch trình của kế hoạch. Hơn 120 trực thăng đưa hai tiểu đoàn 2/2 và 3/2 vào cứ điểm — một bãi đáp trực thăng — có tên là Hope ở hướng bắc của Tchepone. Chỉ gặp một vài kháng cự nhỏ sau khi đổ quân, tiểu đoàn của 2/2 của Th/T Huế bung ra lục soát và tiến vào Tchepone. Ðến ngày 8, tiểu đoàn 2/2 báo cáo họ đã nằm bên trong thị trấn. Sau hai ngày lục soát, thay vì hai tiểu đoàn sẽ được trực thăng vận ra khỏi Tchepone như kế hoạch nguyên thủy, Tướng Lãm ra lệnh cho tiểu đoàn của Huế tiến sâu về phía nam, vượt qua sông Xe Pone, rồi hành quân lục soát về hướng các cứ điểm Sophia, Liz, và LoLo. Tại đây họ sẽ nhập chung với quân của trung đoàn 1, rồi cả hai trung đoàn sẽ được trực thăng vận về khu vục đường 914 ở để phá hủy binh trạm 33. Sau khi hành quân ở đó từ bảy đến mười ngày, Sư Ðoàn 1 BB sẽ theo thứ tự rút về biên giới Việt Nam. Tại sao lại có sự thay đổi trái ngược như vậy? Tại sao không “nhảy vào Tchepone ... đái một cái rồi nhảy ra …” như những gì báo chí đã viết về mục đích của cuộc đột kích vào Tchepone như chúng ta thường đọc qua? Theo tác giả Wiest, phấn khởi vì những chống trả yếu ớt của địch ở chung quanh Tchepone, Tướng Lãm quyết định kéo dài nhiệm vụ của trung đoàn 1 và 2 thêm 10 ngày nữa. Ðây không phải là ý kiến riêng của Tướng Lãm. Những tài liệu giải mật sau này cho thấy, ba ngày sau khi quân VNCH đặt chân xuống Tchepone, Tướng lãm bay về Sài Gòn họp với tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên. Trong buổi họp ngày 9 tháng 3, Tổng thống Thiệu muốn TQLC và Sư Ðoàn 1BB bỏ ra bảy đến 10 ngày hành quân ở khu vực đường 914/ binh trạm 33, một vị trí khoảng chín cây số tây nam căn cứ Bản Ðông/ A Loui trên đường 9 (Ðiện văn, Top Secret MAC 02455 Eyes Only, Đại tướng Abarms gởi Trung tướng Sutherland, 9 March 1971; điện văn, Top Secret QTR 0306 Eyes Only, Trung tướng Sutherland gởi Đại tướng Abarms, 10 March 1971).
    Ngày 11, từ bải đáp Liz, tiểu đoàn 2/2 của Huế được trực thăng vận đến bải đáp Brown ở khu vực đường 914. Tại đây tiểu đoàn lục soát về phía nam cho đến ngày 14. Nhưng ngày 14 tháng 3 cũng là ngày địch quân đồng loạt phản công trên mọi hướng. Ðến hôm đó, CSBV đã tụ đủ quân để tấn công liên tục vào tất cả căn cứ hỏa lực hay bãi đáp ở phía nam đường 9. Ở phía nam đường 9 — mặt trận của Sư Ðoàn 1 BB và Lữ Ðoàn 147 TQLC — cộng quân có Sư Ðoàn 2 và 324B, cộng với hai binh trạm (một binh trạm tương đương một trung đoàn), một số quân hơn là đủ để ngăn chận mọi kế hoạch rút quân của VNCH. Từ sáu giờ sáng ngày 14, cứ điểm LoLo và chung quanh phía nam Tchepone, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 1 bị CSBV tấn công liên tục. Ðến ngày 17 trung đoàn quyết định phải di tản. Tiểu đoàn 4/1 ở lại chận hậu cho ba tiểu đoàn kia được trực thăng vận khỏi mặt trận. Khi đến lượt TÐ 4/1 di tản, trung đoàn phải yêu cầu B-52 đánh bom cách vị trí tiểu đoàn chừng 500 mét (so với khoảng an toàn thông thường là 1.000-1.500 mét) để ngăn chận những đợt tấn công của cộng quân, hầu có thì giờ lên trực thăng. Nhưng tiểu đoàn chỉ có 83 quân nhân thoát khỏi LoLo; tiểu đoàn phó và tiễu đoàn trưởng thì ở lại LoLo vĩnh viễn. Cùng ngày, ở khu vực đường 914, bốn tiểu đoàn của trung đoàn 2 cũng chuẩn bị rời mặt trận. Ngày 18, TÐ 5/2 được bốc về Khe Sanh trước, trong khi ba tiểu đoàn 2, 3, và 4 được lệnh di chuyển theo hướng đông về cứ điểm Delta I để tiếp tục được di tản. Trên đường về Delta I, ba tiểu đoàn chạm địch liên tục. Khi biết không thể tiến về điểm hẹn ở Delta I, Huế cho tiểu đoàn nằm lại tại một cao điểm và dàn quân ra chuẩn bị tử thủ. Tối đêm 19, cộng quân tấn công bằng pháo và hỏa tiễn trước, tiếp theo đó là quân bộ binh có trang bị súng phun lữa ồ ạt xung phong. Trưa ngày 20, trung đoàn xin bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh, bằng mọi cách phải cho trực thăng phải hạ cánh di tản ba tiểu đoàn còn lại trước khi họ bị tiêu diệt. Nhưng với gần 1,400 phi vụ trực thăng võ trang; 11 phi vụ B-52; và 270 phi vụ oanh tạc chiến thuật trong ngày, hỏa lực đó chỉ đủ giảm áp lực của địch đủ để trực thăng đáp xuống bốc được tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn 2 và 4 phải chờ những phi vụ di tản ngày hôm sau. Nhưng ngày ngày hôm sau là một ngày quá trễ cho Huế và những quân nhân còn lại. Trong cao điểm của những cuộc tấn công đêm đó, Huế bị trúng đạn súng cối và ngất lịm. Trong lúc loa phóng thanh của địch vang dội những lời kêu gọi đầu hàng, bộ chỉ huy sư đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 2/2 phải đánh mở đường máu để di tản. Khi lính của Huế chuẩn bị đến khiêng ông đi, T/T Huế từ chối, biết rằng mình sẽ là một gánh nặng cho toán quân rút đi. Huế ra lệnh cho họ đánh mở đường máu rời mặt trận. Tiểu đoàn phó Nguyễn Hữu Cước chào vĩnh biệt Huế trước khi dẩn toán quân 60 người còn lại đánh mở đường máu rút quân. Vài phút sau, Huế trở thành một trong những tù binh cao cấp bị bắt tại mặt trận Hạ Lào. (Theo lời Th/T Huế kể lại, sau khi thành công nhảy vào Tchepone, ông được đặc cách vinh thăng Trung tá. Chuẩn tướng Phạm Văn Phú trực tiếp chuyển tin đó dến ông. Sau khi bi bắt làm tù binh, Th/T Huế khai chức vụ ông là Thiếu tá. Nhưng sĩ quan thẩm vấn của CSBV nói ông đã là Trung tá, theo những gì họ nghe được trên hệ thống truyền tin của loan truyền ngoài mặt trận của VNCH)
    Ở bên kia biên giới, Tr/T Ðính theo dõi tất cả diễn biến. Trong những ngày cuối cùng của hành quân Lam Sơn 719, Ðính đưa tiểu đoàn 2 của trung đoàn 54 đến Khe Sanh để yểm trợ và đóng cửa căn cứ Khe Sanh. Nhìn những chiến tích — và chiến bại — của Lam Sơn 719, Ðính suy nghĩ nhiều về một cuộc chiến không tương lai, và thân phận của những quân nhân trong cuộc chiến. Cảm nghĩ đó, tác giả Wiest thuật lại theo những gì Tr./T Ðính kể.



    Trong chương 9, “The Making of A Traitor,” tác giả Wiest viết sơ qua về cuộc tổng tấn công của CSBV vào mùa Hè năm 1972, nhưng tác giả viết sâu hơn khi nói về hoàn cảnh chung quanh việc Tr./T Ðính đầu hàng. Dựa vào những cuộc phỏng vấn với các cố vấn của trung đoàn và sư đoàn có mặt tại chiến trường; dựa vào các nhân vật — những sĩ quan trong ban tham mưu của trung đoàn 56/SÐ 3BB — còn sống, như Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Trung tá Trung đoàn phó Vĩnh Phong; Đại úy Nguyễn đình Nhu, trung đoàn 56; Trung úy Mai Xuân Tiểm, ban 3 trung đoàn; Thiếu tá Tôn Thất Mãn, tiểu đoàn trưởng TÐ 1/56. ... Với những lời kể của nhân chứng, Andrew Wiest viết lại hoàn cảnh đưa đến quyết định đầu hàng tập thể của trung đoàn 56 tại căn cứ Carroll. Nhưng những gì Tr./T Ðính thuật lại sau cuộc chiến có phải là những lý do để chạy tội? Ðính và hơn 600 quân nhân của trung đoàn 56/ SÐ3BB phải đầu hàng vì không còn lối thoát, vì bị bỏ rơi, hay chính Tr./T Ðính là người đã vẽ cho họ một bức tranh bi đát, rồi thuyết phục họ đầu hàng? Mỗi độïc giả sẽ là một chánh án đối với Tr./T Ðính, sau khi thẩm định sự kiện và hoàn cảnh được trình bày trong sách. Người điểm sách này xin nói trước: trước khi đọc tác phẩm Vietnam’s Forgotten Army, người viết đã có một định-kiến về hành-động đầu hàng của Tr./T Ðính: đó là hành-động của một sĩ quan chủ bại, chưa đánh đã chạy. Và sau khi đọc tác-phẩm, người viết vẫn không hoàn toàn đồng-ý với lý-do đầu hàng của ông Trung tá: Thông cảm? Có. Chấp nhận? Không!

    Gần nửa năm sau cuộc hành-quân Lam Sơn 719, để gia tăng quân số thay vào khoảng trống của các đơn vị Mỹ rút quân, tháng 10-1971 bộ tổng tham mưu thành lập Sư Ðoàn 3 Bộ Binh. Sư đoàn tân lập này chỉ có một trung đoàn làm rường cột chánh, hai trung đoàn còn lại là lính thuyên chuyển từ các đơn vị khác, tân binh tuyển mộ từ các lực lượng Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ, hay một đôi khi là những quân nhân tòng phạm được ân xá để trở lại quân ngũ. Trong ba trung đoàn 2, 56 và 57 của Sư Ðoàn 3BB, chỉ có trung đoàn 2 lấy ra từ Sư Ðoàn 1BB, là đơn vị có kinh nghiệm chiến trường lâu nhất. Với một sư đoàn như vậy, không vị sĩ quan nào muốn nhận chức sư đoàn trưởng. Sau cùng, chuẩn tướng Vũ Văn Giai nhận chức tư lệnh sư đoàn. Theo lời ông kể, ông là một “tư lệnh kém may mắn của một sư đoàn không không ai muốn nhận.” Và khi tìm sĩ quan về chỉ huy trung đoàn, tướng Giai tìm những thuộc viên cũ đã làm việc chung với ông: Tr/T Ðính được mời về làm chỉ huy trưởng trung đoàn 56.

    Cuối năm 1971 đầu năm 1972, quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Vùng I. Còn lại chỉ là những đơn vị tiếp vận và cố vấn. Hơn 80 ngàn lính TQLC Hoa Kỳ có mặt ở Vùng I vào giữa năm 1969, bây giờ chỉ còn khoảng 500. Ðể phòng thủ năm tỉnh của Vùng I, tướng Hoàng Xuân Lãm cho SÐ 1BB giữ phía tây thành phố Huế; SÐ 2BB giữ ba tỉnh ở phía nam; và sư đoàn yếu nhất, SÐ 3 BB, được giao nhiệm vụ trấn giữ hai hướng bắc và tây Quảng Trị. Trung đoàn 57 phụ trách bên phải quốc lộ 1, hướng bắc Cửa Việt; trung đoàn 2, bên trái quốc lộ 1, bắc Cam Lộ; và, trung đoàn 56, phía nam đường 9, gần những căn cứ Khe Gió, Carrol, Mai Lộc.
    Ðể yểm trợ và phụ giúp thêm cho SÐ 3BB, Vùng I cho hai lữ đoàn TQLC đóng ở những tiền đồn dọc theo vòng cung tây nam đường 9, gần biên giới Lào, như là vòng đai phòng thủ đầu tiên cho trung đoàn 56. Vì trung đoàn 56 còn mới, để tiếp tục huấn luyện các tiểu đoàn tân lập của Tr./Ð 56, và tránh tình trạng đóng quân ù lì một chổ, tướng Giai cho thay đổi vị trí của hai trung đoàn 2 và 56 theo chu kỳ: trung đoàn này đến vùng trách nhiệm của trung đoàn kia, và ngược lại. Ðó là lối bày binh và trận liệt ở Vùng I khi CSBV đồng loạt tấn công — và CSBV tấn công vào ngay thời điểm bất ngờ và nguy hiểm nhất.

    Comment


    • #3
      Chín giờ sáng ngày 30 tháng 3-1972 Tr./Ð 2 và 56 hoán chuyển trại và vùng trách nhiệm. Tr./Ð 56 của Ðính từ căn cứ C2 ở bắc Cam Lộ di chuyển về hướng nam, thay thế Tr/Ð 2 ở căn cứ Carroll, căn cứ hỏa lực Fuller và Khe Gió. Mười một giờ ba mươi, khi đoàn quân còn đang di chuyển, một số chưa kịp qua sông (sông Cam Lộ, trên đầu đường 9), chỉ có một đại đội tác chiến và đại đội chỉ huy vừa vào trong căn cứ Carroll thì địch quân tấn công. Pháo 130 ly của địch bắn tràn ngập các mục tiêu. Không phải chỉ có Tr./Ð 2 và 56 bị tấn công, tất cả các căn cứ trên toàn Quảng Trị bị tấn công. Ở hướng bắc SÐ 308 CSBV chia làm bốn mũi vược qua vĩ tuyến 17 đánh thẳng vào Tr./Ð 57; ở hướng tây từ biên giời Lào, SÐ 304 và một trung đoàn thiết giáp đánh vào các tiền đồn của lữ đoàn 147 TQLC ở Núi Ba Hô và Sarge. Ngày hôm đó, mặt trận bắc và tây bắc Quảng Trị hoàn toàn trong biển lửa: CSBV bắn 2.000 quả đạn chung quanh căn cứ Fuller, Khe Gió, Carroll trong tổng số 11.000 trái trong 24 tiếng đầu của chiến dịch.

      Với cuộc hoán chuyển vị trí đang diễn ra khi cộng sản tấn công, ba tiểu đoàn của Tr./Ð 56 chỉ có một phần bên trong những căn cứ đã được chỉ định. Hai tiểu đoàn 1/56 và 2/56 vẫn còn kẹt giữa đường và đang bị pháo của địch quân kèm lại một chổ; tiểu đoàn 3/56 ở Khe Gió và 1/2 (tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2, chưa rời trại khi cộng quân tấn công) ở Fuller cũng không di chuyển được vì bị pháo. Bộ binh CSBV tấn công hai căn cứ suốt ngày 30. Trưa 31, Khe Gió và Fuller thất thủ. Lực lượng ở hai căn cứ này mở đường máu rút về hướng đông nam, về căn cứ Carroll. Với hệ thống truyền tin bị phá hủy, Ðính gần như hoàn toàn bất lực trong việc điều động các cánh quân đang phân tán. Không phải chỉ có trung đoàn 56 của Ðính là nằm trong hoàn cảnh ngặc nghèo: bên trái của căn cứ Carroll, ở hướng tây và tây nam, hai căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô và Sarge — vòng đai bảo vệ của Carroll — sắp bị tràn ngập. Mười giờ rưởi đêm 31, tiểu đoàn 4 TQLC ở căn cứ hỏa lực Núi Ba Hô di tản. Khi Núi Ba Hồ di tản thì căn cứ Sarge ở phía nam cũng không thể giữ được. Bốn giờ sáng đêm đó, sau khi khẳng định được tình hình ở hướng bắc, bộ chỉ huy TÐ 4 TQLC ở Sarge cũng rút đi. Hai toán quân TQLC đều di tản về căn cứ Mai Lộc, ba cây số hướng nam căn cứ Carroll, nơi có bản doanh của lữ đoàn 147 TQLC. Bây giờ chỉ còn Carroll và Mai Lộc nằm trên hướng tiến quân của SÐ 304 về Quảng Trị.

      Ngày 31 tháng 3-1972 Tr./T Ðính liên lạc với Chuẩn tướng Vũ Văn Giai để xin tiếp viện. “Nếu không được tiếp viện, căn cứ chỉ có thể giữ được vài ngày nữa thôi.” Ðính báo cáo với Tướng Giai. “Ráng chờ, sẽ có tiếp viện,” Tướng Giai trả lời. Hôm sau, 1 tháng 4, Tướng Lãm đích thân gọi Ðính. Lạc quan vì nghĩ rằng mình sẽ có tin vui, nhưng Tướng Lãm chi ra lệnh vắn tắt, là Sư Ðoàn 3BB và Quân Ðoàn I không còn gì để tiếp viện. Trung đoàn 56 phải giữ căn cứ Carroll bằng mọi giá! Chỉ có vậy, chỉ có vậy từ người tư lệnh quân đoàn. Cùng ngày, những cánh quân di tản hay những cánh quân bị kẹt vì pháo kích lần lượt về được bên trong căn cứ Carroll, trong đó có cánh quân dưới quyền chỉ huy của Trung đoàn phó Vĩnh Phong. Tường trình của Trung tá Phong làm cho Ðính bi quan thêm: Sư Ðoàn 308 CSBV đang truy kích họ. Sự bi quan trở thành thất vọng khi tin tức qua hệ thống truyền tin cho biết hai trung đoàn 2 và 57 trên đường di tản về Ðông Hà; và bộ chỉ huy Sư Ðoàn 3 BB sẽ rời căn cứ Ái Tử về Quảng Trị để tránh tầm đại bác 130 ly của cộng quân từ bên kia sông Bến Hải bắn qua. Tối ngày 1 tháng 4, với tất cả quân di tản tụ về, căn cứ Carroll bay giờ có khoảng 1,500 tay súng trong vòng đai phòng thủ (có tường trình nói quân số bên trong căn cứ trước giờ đầu hàng là 1,800 quân).



      Ðọc đến đoạn này trong Vietnam’s Forgotten Army, không ít đọc giả sẽ có chút thông cảm cho hoàn cảnh Trung tá Ðính, như tác giả Wiest ít nhiều đã có — theo sự nhận xét của người điểm sách. Chúng ta có thể thấy được sự lo sợ và hoang mang của Tr/T Ðính: Ðường tiếp viện toàn bị cắt đứt; đối diện với một lực lượng của địch lớn hơn ba đến bốn lần về nhân lực cũng như hỏa lực; và bộ chỉ huy hình như đã bỏ trung đoàn, hay sẽ dùng trung đoàn như một lực lượng tế thần để đình trệ đường tiến quân của đối phương. Trong ý nghĩ của Ðính, quân lệnh cuối cùng của Trung tướng Lãm có hàm ý như vậy.

      Nhưng nhìn lại địa hình và tình hình của mặt trận ở hướng tây và tây bắc Quảng Trị, quân lệnh của Tướng Giai và Tướng Lãm không phải không có ý nghĩa. Những căn cứ nhỏ như Núi Ba Hô, Sarge, C2, C3, hay Mai Lộc có thể di tản được vì đó là những căn cứ nhỏ, không có địa hình thuận lợi để phòng thủ. Nhưng căn cứ Carroll thì hoàn toàn khác. Ðây là một căn cứ có thể cầm cự một hay là hai trung đoàn địch dể dàng.

      Tên chánh thức của căn cứ là Camp James J. Carroll. Tên căn cứ đến từ tên một đại úy TQLC Hoa Kỳ tử trận trong cuộc hành quân Prarie ở khu vực đó vào năm 1966. Trong cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, căn cứ Carroll là căn cứ pháo binh quan trọng của TQLC Hoa Kỳ ở bắc đường 9. Từ căn cứ Carroll, đại bác 175 ly của Lục Quân và đại bác nòng 8 inches của TQLC bắn yểm trợ cho căn cứ Khe Sanh (cách đó 20 cây số về hướng tây nam) và thường xuyên đấu súng với những pháo đội 130 ly của CSBV ở bên kia sông bến Hải (20-22 cây số hướng bắc). Trước khi trao lại cho quân lực VNCH, căn cứ là nơi đóng quân của bốn tiểu đoàn pháo binh Hoa Kỳ (hai tiểu đoàn của trung đoàn 12 pháo binh TQLC; hai tiểu đoàn của liên đoàn 94 pháo binh Lục Quân). Căn cứ rộng đủ để chứa hơn 2,000 quân và một vòng đai phòng thủ qui mô. Ðịa hình của căn cứ rất lý tưởng để phòng thủ: Xây theo hình ngũ giác trên một ngọn đồi trống, quân phòng thủ bên trong Carroll có thể quan sát bốn hướng: địch quân không thể tấn công bằng bộ binh mà không bị phác giác từ xa 500-1,000 mét. Ðịch quân có thể pháo kích — như họ đang làm — nhưng tấn công bằng quân bộ bịnh thì lại là một chuyện khó khăn nếu quân trú phòng quyết định tử thủ.

      Ngày 1 tháng 4, như đã nói ở trên, căn cứ Carroll có 1,500-1,800 tay súng bên trong và một lực lượng pháo binh gồm 26 khẩu đại bác từ 105 cho đến 175 ly, với vài chiến xa hạng nhẹ có trang bị đại bác 40 ly (loại thiết giáp tương tự như M.41, gọi là “Duster,” trang bị hai khẩu 40mm và một đại liên 30 trên pháo tháp). Nhìn từ quan điểm phòng ngự, lực lượng này có thể gây thiệt hại đáng kể cho mọi cuộc tấn công — hay ít nhất có thể cầm chân một lực không nhỏ của CSBV.

      Sáng Chủ Nhật ngày 2 tháng 4, vùng I được một phi tuần B-52 yểm trợ. Bom bỏ hướng tây bắc vòng đai bên ngoài của căn cứ. Liền sau cuộc dội bom, CSBV tấn công căn cứ từ ba hướng. Nhưng với địa hình kiên cố của căn cứ, CSBV bỏ cuộc sau vài tiếng tấn công biển người. Tác giả Wiest viết, cuộc tấn công biển người bị đẩy ngoài công sự một cách dể dàng bằng mìn và súng cá nhân. Cuộc tấn công bị coi thường đến độ vị trung tá cố vấn Mỹ đang có mặt bên trong căn cứ, trả lời với tiền sát viên không quân là ông chưa cần yểm trợ không lực trong lúc đó vì không có mục tiêu nào thích đáng (đọc, Trial By Fire: the 1972 Easter Offensive, Americas Last Vietnam Battle, của Dale Andradé). Sau cuộc tấn công vào buổi sáng, Ðính gọi về bộ tư lệnh sư đoàn xin yểm trợ. ) Trung tá Cương trả lời là ông không thể trả lời cho Ðính được; và Chuẩn tướng Giai thì đang ở Ðông Hà thị sát tình hình. (Người viết bài muốn chú một chi tiết về cuộc đối thoại giữa hai Trung tá Cương và Ðính: Một độc giả đã liên lạc với Trung tá Cương (sau khi đọc bài viết này lần đầu tiên). Trung tá Nguyễn Hữu Cương, nói ông không có nhận điện thoại, và cũng không có mặt ở bộ tư lệnh sư đoàn lúc đó. Ðó là lời xác nhận của Trung tá Cương. Trong sách, tác giả Wiest trích theo sách cuả Dale Andradé. Người viết ghi chú ở đây để cảm ơn sự bổ túc của độc giả).

      Chuẩn tướng Giai thì đang ở Ðông Hà thị sát tình hình. Cũng như lần nói chuyện trước, không ai có một câu trả lời rõ ràng về số phận của Trung Ðoàn 56. Hai giờ trưa, cộng quân tấn công lần thứ nhì: lần này địch tiến gần được hàng rào phòng thủ hơn lần trước, nhưng vẫn không làm được gì. Trong khi cuộc tấn công đang diễn ra, Ðính nghe trên hệ thống truyền tin một sĩ quan CSBV muốn nói chuyện với ông. Người trên hệ thống truyền tin nói ông ta đang quan sát mặt trận. Ông nói số phận của Ðính và quân lính dưới quyền đang nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nếu Ðính và quân của trung đoàn đầu hàng thì họ sẽ được đón tiếp và bảo vệ an toàn. Nếu không tất cả sẽ bị tiêu diệt. Chưa đầy một tiếng sau, một tư lệnh mặt trận lên máy truyền tin nói chuyện với Ðính một lần nữa. Người tự nhận là tư lệnh mặt trận cho biết đây là lần đề nghị cuối cùng trước khi họ tấn công. Ðính yêu cầu CSBV ngưng bắn và cho thêm giờ để quyết định. Ba giờ trưa, Ðính tập hợp 13 sĩ quan chỉ huy của trung đoàn trong hầm chỉ huy để quyết định.

      Comment


      • #4
        Ðính mở lời trước, cho biết tình thế rất tuyệt vọng. Căn cứ không thể cầm cự trước sự tấn công liên tục của địch quân. Sau đó Ðính nói ra ý nghĩ thật của mình, là “Nếu tiếp tục chiến đấu, nhiều người sẽ chết. Và nếu chúng ta có bị thương, có chết, để có được một chiến thắng, thì cũng không ai lo cho chúng ta sau đó. Chúng ta bây giờ phải tự lo lấy thân.” Tiếp theo Ðính nói về đề nghị của địch. Sau đó ông hỏi tất cả muốn tử thủ, đánh mở đường máu, hay đầu hàng? Nếu tất cả các sĩ quan có mặt đồng ý tiếp tục đánh thì ông sẽ nghe chiều theo ý họ. Trong số sĩ quan hiện diện, chĩ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn (khóa 12 Thủ Ðức, TÐT 1/56) lên tiến đòi đánh đến cùng. Số sĩ quan còn lại yên lặng không ý kiến. Trước sự yên lặng của các sĩ quan, Ðính nói về gia đình của họ … về viễn ảnh những vui mừng khi họ được sống sót trở về. Sau đó — theo tác giả Wiest viết — họ bỏ phiếu để quyết định: tất cả đều đồng ý đầu hàng, chỉ có Thiếu tá Tôn Thất Mãn không bỏ phiếu.

        Với quyết định đã được đồng thuận, Ðính đi qua lô cốt của hai sĩ quan cố vấn Mỹ để thông báo. Nhưng Thiếu tá Joseph Brown và Trung tá William Camper không đồng ý. Camper đề nghị trung đoàn dùng những chiếc thiết giáp có trong căn cứ đánh bung ra vòng đai mở đường máu. Ðính không chịu, nói vô ích. “Tôi muốn giết ông Trung tá [Ðính] ngay tại chổ”, Trung tá Camper kể lại sự tức giận của ông khi Ðính nằng nặc đòi đầu hàng. Sau khi nói với Trung tá Ðính là nếu ông ta đầu hàng thì trách nhiệm của hai người cố vấn đã hết. Camper gọi về trung tâm hành quân của Sư Ðoàn 3BB cho biết “nhiệm vụ của ông ta không còn cần ở căn cứ Carroll nữa, và xin được di tản.” May mắn, một trực thăng C-47 trên đường tiếp tế đạn cho căn cứ Mai Lộc bay ngang qua đó, ghé lại bốc hai sĩ quan Hoa Kỳ và 30 người lính không chịu đầu hàng và muốn đi theo hai sĩ quan Mỹ. Khi chiếc trực thăng cất cánh thì cờ đầu hàng đã bay trên căn cứ Carroll. Trung tá Ðính dẫn toán quân 600 người ra khỏi trại đi đến điểm hẹn với địch. Bên trong, số quân không chịu đầu hàng còn lại rút đi về hướng đông. Trong nhóm quân không chịu theo Tr./T Ðính là Pháo Ðội B của TÐ 1 Pháo Binh TQLC. Ðây là pháo binh đi kèm TÐ 4 TQLC, họ đóng nhờ trong căn cứ Carroll.

        Theo tường trình của cố vấn Mỹ sau này, Pháo Ðội B hạ nòng đại bác xuống bắn thẳng cho đến khi bị tràn ngập. Tất cả toán quân rút đi, về đến phòng tuyến VNCH được khoảng 1,000 người, trong đó có một tiểu đoàn còn nguyên vẹn. Tối đêm đó Ðính và 600 quân đến một địa điểm gần căn cứ Khe Gió. Ở đây một sĩ quan CSBV ra đón họ. Ngày hôm sau, 3 tháng 4, Ðính lên lên đài phát thanh CSBV đọc lời kêu gọi quân nhân VNCH đầu hàng như ông đã làm.

        Thiếu tá Huế bị đưa về bắc được hơn một năm thì Trung tá Ðính cũng được CSBV đem ra bắc để tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền của họ. CSBV đề nghị Ðính gia nhập quân đội CSBV thì sẽ được phục hồi chức vụ Trung tá trong quân đội của họ. Ðính đồng ý. Ðính làm như vậy chỉ để — theo lời Ðính kể — giúp đỡ 600 quân nhân đầu hàng bị đưa về miền bắc. Những quân nhân này đang phục vụ công tác lao động ở các đơn vị hậu cần CSBV. Trở thành một sĩ quan cộng sản, Ðính có lương và nhà ở, và làm việc như một sĩ quan văn phòng ở Hà Nội. Sau này, sau khi VNCH thất thủ, Ðính đã phục vụ trong công tác tuyên truyền cho CSBV. Một trong những công tác là làm giảng viên ở những trại tập trung quân đội VNCH.

        Về phần Huế, sau sáu tháng bị nhốt ở Hỏa Lò, ông bị đưa về trại tù Sơn Tây. Trong thời gian ở Sơn Tây, CSBV đưa Ðính và Trung tá Vĩnh Phong vào nói chuyện với một số tù binh. Trong buổi gặp mặt đó, bên phía tù binh VNCH ngoài Huế còn có Đại tá Nguyễn Văn Thọ và Thiếu tá Trần Văn Ðức của lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Trong lần nói chuyện đĩ phía bên kia không thẳng lời chiêu dụ Huế và hai sĩ quan Nhảy Dù. Nhưng họ có hàm ý là nếu ba người sĩ quan đầu hàng thì sẽ có được một đời sống thoãi mái hơn là đời sống của tù binh. Sau đó, Huế và một số sĩ quan được đưa về Hà Nội để chiêu dụ thêm một lần nữa. Nhưng một lần nữa Huế từ chối không theo về bên kia.

        Hai năm sau, cuộc đời của Thiếu tá Huế bị thêm một “tai nạn” nữa. Sau khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết: Là một tù binh, tên của ông được nằm trong bản trao trả tù binh chính thức. Nhưng chỉ vài giờ trước khi được giao trả về miền nam, CSBV giữ ông lại. Vì ông bị bắt ở Hạ Lào, nên nói “một cách kỹ thuật,” ông là tù binh của Pathet Lào! Huế bị giam đến năm 1983 mới được trả tự do. Theo lời kể của Huế, trước khi gia đình ông được phép rời Việt Nam sang Mỹ, Tr./T Ðính có tìm vào Sài Gòn gặp Huế. Ðính muốn khi Huế đến Mỹ và khi gặp lại những sĩ quan cố vấn, nên giải thích hoàn cảnh đã làm cho ông phải đầu hàng —Những hoàn cảnh mà Th/T Huế cho là không chính đáng để đầu hàng.

        Tài liệu căn bản của Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN đến từ phỏng vấn những nhân vật có liên quan đến sự kiện. Sử liệu trong tác phẩm không quan trọng hay mới lạ trên quan điểm sử học. Nhưng đó là sự lôi kéo của tác phẩm: tác giả tạo được một tác phẩm lý thú dựa trên những gì rất ít ông đã tìm được. Andrew Wiest là giáo sư sử học tại đại học Southern Mississippi. Ông đã có một thời gian giảng dạy tại trường Cao Ðẳng Không Quân (Air War College), nơi đào tạo sĩ quan cấp tướng tương lai cho Không Quân Hoa Kỳ. Vietnam’s Forgotten Army là tác phẩm thứ ba về chiến tranh Việt Nam của tác giả.

        không ảnh của căn-cứ Caroll bãi đáp LoLo, 5-3-1971 . Một ngày trước khi TĐ
        2/2 của Th/T Trần Ngọc Huế nhảy vào Tchepone





        Đại bác 175 ly ở căn-cứ Caroll khi còn là căn-cứ của bốn tiểu đoàn pháo binh TQLC và Lục quân Hoa-Kỳ.


        Bìa tác-phẩm Vietnam’s Forgotten Army. Đại úy Trần Ngọc Huế đang được Đại tướng Abrams gắn huy-chương. Bên phải là Thiếu tá Phạm Văn Đính. Người sĩ-quan Hoa-Kỳ đứng phía sau là Đại úy cố-vấn cho đại đội Hắc Báo William Joe Bolt. Bolt hồi hưu với cấp bậc Trung tướng .



        Wiest's Vietnam Book Focuses on U.S.-Backed ARVN
        Monday, January 14, 2008
        Contact David Tisdale - 601.266.4499

        HATTIESBURG, Miss. – A University of Southern Mississippi history professor’s latest book takes a closer look at the Army of the Republic of Vietnam (ARVN), often neglected or marginalized in accounts of the controversial Southeast Asia War, through the eyes of two of its soldiers.
        “Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN,” published by New York University Press, tells the stories of two ARVN heroes and friends -- one who remained committed to South Vietnam and the other who switched sides. It includes a forward from U.S. Sen. Jim Webb of Virginia, a Vietnam veteran and former U.S. Navy Secretary.
        The book examines the ARVN’s role in the war as well as the U.S. and Australian soldiers who served with them as advisors. Wiest and other scholars believe that their part in the war has been largely forgotten or ignored.
        “A great many veterans entrusted their stories to me, and I hope that those stories are able to reach the wide audience that they deserve,” he said.

        “Vietnam’s Forgotten Army: Heroism and Betrayal in the ARVN” chronicles the lives of Pham Van Dinh and Tran Ngoc Hue, considered two of the ARVN’s best and brightest. Against long odds in what seemed an endless war, both are recognized for having fought with considerable bravery and determination.

        But their respective paths would diverge dramatically. Hue was captured by the North Vietnamese Army and then endured 13 years of captivity, while Dinh later surrendered and defected, serving as a teacher in the reeducation of captured ARVN soldiers.

        The story of how Hue and Dinh parted dramatically in their experience and outlook on the conflict reflects the complexity of the war and the involvement by the U.S. government and military, Wiest said.

        “I utilized the investigation of their lives to tell the story of the ARVN and cast a new light on the Vietnam War,” he said.

        Wiest also explains how the ARVN was undermined by divisive politics both at home and abroad, suffered from tactical miscues and was heavily dependent on American support.

        “This is a most important addition to the literature that addresses a long-past-due acknowledgement and accounting of an important element of the Vietnam War,” said Dr. Ray Scurfield, a Southern Miss professor of social work and a Vietnam veteran.

        Wiest is also co-editor of “War in the Age of Technology: Myriad Faces of Modern Armed Combat” (NYU Press, 2001) and author or co-author of numerous other books, including “Rolling Thunder in a Gentle Land: The Vietnam War Revisited,” “Atlas of World War II” and “The Vietnam War, 1959-1975.” He helped develop and has led the university’s award-winning international study abroad program in Vietnam.


        http://www.usm.edu/pr/cms/index.php?...k=view&id=1303
        Last edited by taubay; 02-28-2008, 03:30 AM.

        Comment


        • #5
          Hàng giặc

          Cám ơn bạn Taubay.

          Trong lich sử không thiếu những trường hợp người chỉ huy, lãnh đạo phải đầu hàng giặc. Đầu hàng có điêu kiện hoặc vô điều kiện tùy theo tình huống, hoàn cảnh. Chúng ta đã chứng kiến vụ đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh tại Saigon và tình trang của chúng ta sau 30 tháng Tư năm 1975 là gì vậy? Tù binh? Hàng Binh? Bỏ ngũ? Đào Ngũ? Đến nay tôi vẫn chưa tìm ra một danh từ chính xác, vc gọi là tàn binh. Xin các bạn giúp trả lời hộ.
          Đặc tính của sự hàng giặc phát xuất từ cách tự nguyện ngừng chiến đấu để nhận được ân huệ của kẻ thù hoặc hợp tác, tiếp tay với giặc, nghĩa là có sự chọn lựa. Trích:
          "...CSBV đề nghị Ðính gia nhập quân đội CSBV thì sẽ được phục hồi chức vụ Trung tá trong quân đội của họ. Ðính đồng ý. Ðính làm như vậy chỉ để — theo lời Ðính kể — giúp đỡ 600 quân nhân đầu hàng bị đưa về miền bắc. Những quân nhân này đang phục vụ công tác lao động ở các đơn vị hậu cần CSBV. Trở thành một sĩ quan cộng sản, Ðính có lương và nhà ở, và làm việc như một sĩ quan văn phòng ở Hà Nội. Sau này, sau khi VNCH thất thủ, Ðính đã phục vụ trong công tác tuyên truyền cho CSBV. Một trong những công tác là làm giảng viên ở những trại tập trung quân đội VNCH..."

          Trong trường hợp Tr/t Đính có hai giả thuyết:

          - Trong một hoàn cảnh tuyệt vọng tứ bề bị địch bao vây, nguồn tiếp viện không có thì một cứ điểm như thế có thể kéo dài được bao lâu trước một đối phương đông gấp nhiều lần và quyết tâm san bằng với mọi giá? Tuy nhiên với số quân 1800 người, ông có thể tổ chức rút lui được hay không? Nếu vẫn chưa phải là tuyệt vọng và có thể tổ chức rút lui thì sự đầu hàng giặc tập thể trong lúc nầy là khiếp nhược, là một trọng tội.

          - Nếu do sự đầu hàng của ông mà vc để yên cho hơn 1000 người không chịu quy hàng được rời căn cứ an toàn thì đó là một sự đầu hàng có điều kiện. Tuy nhiên hình như điều này đã không thấy xảy ra. Trích :"..Bên trong, số quân không chịu đầu hàng còn lại rút đi về hướng đông. Trong nhóm quân không chịu theo Tr./T Ðính là Pháo Ðội B của TÐ 1 Pháo Binh TQLC. Ðây là pháo binh đi kèm TÐ 4 TQLC, họ đóng nhờ trong căn cứ Carroll. Theo tường trình của cố vấn Mỹ sau này, Pháo Ðội B hạ nòng đại bác xuống bắn thẳng cho đến khi bị tràn ngập. Tất cả toán quân rút đi, về đến phòng tuyến VNCH được khoảng 1,000 người, trong đó có một tiểu đoàn còn nguyên vẹn...." .
          Sự chọn lựa nầy của ông Đính có lẽ đã cứu được một số nhân mạng về cả hai phía (mà về phía công đồn chắc đã tiết kiệm được gấp 10 lần con số tử vong), suy rộng ra thì cũng như nói rằng nếu trước đây khi cs đánh vào miền Nam, TT Ngô Đình Diệm hay TT Nguyễn Văn Thiệu sớm đầu hàng giặc thì có thể đã tiết kiệm được hàng mấy triệu sanh linh của cả hai phía.
          Sự phê phán xin dành cho người đọc.
          Last edited by SCut; 02-29-2008, 03:20 PM.

          Comment


          • #6
            Taubay đống ý 100% với SCut về lời bình luận của SCut...

            Comment


            • #7
              Tôi xin kể một chuyện về Tr/tá Đính để các NT và bạn bè có thể đánh giá sự việc được khách quan hơn :" Ðính đã phục vụ trong công tác tuyên truyền cho CSBV. Một trong những công tác là làm giảng viên ở những trại tập trung quân đội VNCH..."!!!! năm 1976 ông Đính có đến Trại cải tạo Cồn Tiên thuộc đoàn 76 giam giữ tù binh ở Đông hà, Quảng trị. Ông Đính thuật lại một câu chuyện khi ông còn là Tr/tá QLVNCH ,trên đường về Huế khi xe jeep đến trạm kiểm soát hổn hợp Việt Mỹ thì ngừng lại ,có một Tr/sỉ MP của Mỹ đứng trước xe jeep mà không nghiêm chỉnh mặc dù thấy có Tr/tá trên xe..ông bước xuống gọi anh Tr/sỉ MP Mỹ đến để nhắc nhở tác phong ,nhưng bất ngờ Tr/sỉ MP lớn tiếng hỏi:
              -Thế Tr/tá có biết chiếc xe jeep này ,bộ đồ trận cũng như khẩu súng và tiền lương của Tr/tá do ai đài thọ không??
              Rồi ông Đính kết luận : Các anh thấy không ,QLVNCH là tay sai của đế quốc Mỹ ...Ngay lúc đó một anh tù cải tạo ngồi dưới( Th/tá Hà thúc Mẫn TĐT Tiểu đoàn 3/3 SĐ 1BB )đứng lên xin có ý kiến :
              - Cán bộ Đính nói như vậy thì bây giờ cho tôi hỏi ,cái bộ đồ 4 túi cán bộ đang mặc ,súng K 54 mang bên mình ,cái cặp da đang mang xe molotova...và súng đạn cho đến muối ăn đều do Trung quốc đưa qua ,vậy quân đội miền Bắc là thứ gì vậy cán bộ ???
              Ông Đính bỏ ra ngoài chấm dứt buổi học và anh Mẫn bị lôi đi cùm liền lập tức.
              Ducquany tôi đã ở Tiểu đoàn 2/3 từ 72 cho đến lúc sập tiệm cho nên biết một ít về ông Đính ,sau này VC cũng không trọng dụng và cho về làm : Trưỡng ban vệ sinh sân vận động Huế.!!!

              Comment


              • #8
                Ducquany:
                .....................

                -Thế Tr/tá có biết chiếc xe jeep này ,bộ đồ trận cũng như khẩu súng và tiền lương của Tr/tá do ai đài thọ không??
                Rồi ông Đính kết luận : Các anh thấy không ,QLVNCH là tay sai của đế quốc Mỹ ...Ngay lúc đó một anh tù cải tạo ngồi dưới( Th/tá Hà thúc Mẫn TĐT Tiểu đoàn 3/3 SĐ 1BB )đứng lên xin có ý kiến :
                - Cán bộ Đính nói như vậy thì bây giờ cho tôi hỏi ,cái bộ đồ 4 túi cán bộ đang mặc ,súng K 54 mang bên mình ,cái cặp da đang mang xe molotova...và súng đạn cho đến muối ăn đều do Trung quốc đưa qua ,vậy quân đội miền Bắc là thứ gì vậy cán bộ ???
                ...................



                bebau........Cuối cùng rồi thì anh Ducquany, tôi và mọi nguời đều biết viên đạn nào đã ghim vào ngực và giết chết hàng triệu chàng trai khôi ngô tuấn tú nước Việt của hai miền Nam Bắc , đó là viên đạn bắn từ những cây súng AK 47 do Nga và Trung cộng viện trợ , hoặc từ cây súng M16 do Mỹ viện trợ .

                Chiến tranh huynh đệ tương tàn , Mẹ Việt Nam đã mất đi những đứa con thân yêu , những chàng trai trẻ thanh niên mà Tổ quốc mong cho mai sau, là rường cột của nước nhà... đã bị chết một cách oan uổng cho những chủ thuyết ngoại lai và những danh từ hoa mỹ : đem thế giới đến đại đồng ..tiến lên xã hội chủ nghĩa , hoặc ...ngăn chặn làn sóng đỏ , quốc gia dân chủ , tự do tư bản chủ nghĩa v..v.., ,

                ....Mao trong thâm tâm biết rằng tà thuyết chủ nghĩa cộng sản ...đưa thế giới đến đai đồng là chuyện không tưởng và chỉ là một cái bánh vẽ, Mao đang tâm lừa dối đàn em cộng sản Bắc Việt và đưa hàng triệu thanh niên miền bắc " sanh bắc tử nam " vào chỗ chết .....và từ đó mở màn thôn tính Hoàng sa, Trường sa và trọn gói nam Việt Nam . Châu về hiệp phố.....như ngàn năm trước... nước Nam là một quận của tàu .





                50 năm, thời gian như bóng câu qua cửa sổ, bao nhiêu nước chảy qua cầu....cây kim ở trong bọc từ từ lú ra, tấm màn bí mật chiến tranh Việt Nam " Top secrete " đã được vén lên, những tia ánh sáng sự thật đã rọi vào nơi tăm tối và cho ta biết những chi tiết sau đây :




                Mùa hè tháng 8 năm 1964 , vì muốn bành trướng leo thang chiến tranh tai Việt Nam , Tổng thống Johnson cần tìm một lý do chánh đáng để đem quân đổ bộ sang Việt Nam . Muốn thực hiện ý đồ đen tối này , và có lý do tuyên chiến với Hà Nội , nên ông dựng chuyện là 3 tàu chiến của Bắc Việt đã tấn công vào hai chiếc tàu chiến của Mỹ là USS Maddox và Turner Joy đang tuần tiểu tại vịnh Bắc Việt ( Gulf of Tonkin ) .

                Sau này khi phỏng vấn về vấn đề Gulf of Tonkin attack , cựu Bộ Trưởng Bộ quốc phòng Mỹ McNamara đã xác nhận rằng việc tấn công 2 tàu Destroyers là không có thật và không bao giờ xảy ra .









                Tổng Thống Johnson tuyên bố trả đũa cho hành động khiêu chiến và bắt đầu dội bom vào những vi tri quan trọng ở Hải Phòng và Hà Nội .









                Chiến tranh bắt đầu leo thang , Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Qui Nhơn






                Leo thang chiến tranh Trung cộng nhảy vào vòng chiến , Mao trạch Đông tuyên bố năm 1964 :

                “Best turn it into a bigger war…I’m afraid you really ought to send more troops to the South…Don’t be afraid of U.S. intervention, at most it’s no worse than having another Korean War. The Chinese army is prepared, and if America takes the risk of attacking North Vietnam, the Chinese army will march in at once. Our troops want a war now.” [1]
                -- Mao speaking to the North Vietnamese in 1964


                Ông Qin Uỷ viên trung ương đảng cộng sản Trung quốc xác nhận : Trung quốc đã gởi quân đội vào chiến trường Việt Nam :

                Please click here : http://www.youtube.com/watch?v=vWfJI...feature=relmfu








                Lời tuyên bố của Mao trạch Đông trước lãnh đạo của cộng sản Bắc việt :

                Hãy làm cho chiến tranh bùng nổ thật lớn hơn, trước tình hình tụi Mỹ tấn công, các bạn phải gởi thêm quân Bắc việt vào miền nam ...đừng lo sợ vì tụi Mỹ tham chiến và tăng thêm quân lính , nó không đến nổi tàn khốc kinh hoàng như chiến tranh Triều Tiên đâu . Quân đội Trung Hoa đã chuẫn bị sẳn sàng rồi . Quân đội chung tôi sẽ tiến vào Việt Nam ngay lập tức . Quân đội chúng tôi muốn chiến tranh ngay bây giờ.


                Trung cộng đã giử lời hứa với cộng sản Bắc việt : .... có 17 tiểu đoàn cao xạ phòng không với 150 ngàn lính Trung cộng vào năm 1967, những người lính này đã bắn hạ 1 ngàn 7 trăm máy bay Mỹ .


                ...Additionally the Chinese anti-aircraft artillery troops, peaking at a total of 17 divisions and 150,000 men in 1967, would claim credit for downing 1,707 U.S. aircraft over North Vietnam.

                Please click here : http://www.militaryhistoryonline.com...sesupport.aspx






                Nixon và Mao trạch Đông : bành trướng chiến tranh Việt Nam...cả hai nước chúng ta đều có lợi


                Quá lo sợ trước cảnh tượng dân chúng hơn một tỉ người thiếu ăn và nổi loạn chắc chắn sẽ xảy ra, và khi Tổng Thống Mỹ Nixon hứa hẹn cho Mao Trạch Đông : tìm công ăn việc làm cho một tỉ người , và hứa giúp cho nền kinh tế Trung hoa phát triễn trong tương lai (và bù lại bọn tài phiệt Mỹ có một nguồn nhân công lao động rẻ mạt ), ..làm sao đưa nước Trung hoa ra khỏi cảnh nghèo , đây là cơ hội bằng vàng ....Mao trong thâm tâm biết rằng tà thuyết chủ nghĩa cộng sản ...đưa thế giới đến đai đồng là chuyện không tưởng và chỉ là một cái bánh vẽ, Mao đang tâm lừa dối đàn em cộng sản Bắc Việt và đưa hàng triệu thanh niên miền bắc " sanh bắc tử nam " vào chỗ chết .....và từ đó mở màn thôn tính Hoàng sa, Trường sa và trọn gói nam Việt Nam . Châu về hiệp phố.....như ngàn năm trước... nước Nam là một quận của tàu .




                Xe vận tải đang chuyên chở quân lính Bắc việt, nhiên liệu và vũ khí dọc đường mòn trường sơn để vào nam .

                Giáo sư Sutton cho biết : những chiếc xe vận tải GAZ này được lắp ráp tại xưởng xe hơi thành phố Gorky bên Nga, hãng xe hơi này do công ty Ford xây dựng và chuyển vận những bô phận phụ tùng xe từ Mỹ ..như vậy là tài phiệt Mỹ đã cung cấp nhiên liệu và súng đạn cho cả hai bên theo lời giáo sư Sutton .

                Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Bộ quốc phòng Mỹ , ông McNamara là giám đốc điều hành công ty xe hơi Ford của Mỹ .

                Please click here : http://www.youtube.com/watch?v=J3nDb...ayer_embedded#!


                Cuối cùng rồi thì ai cũng biết viên đạn nào đã ghim vào ngực và giết chết hàng triệu chàng trai khôi ngô tuấn tú nước Việt của hai miền Nam Bắc , đó là viên đạn bắn từ những cây súng AK 47 do Nga và Trung cộng viện trợ , hoặc từ cây súng M16 do Mỹ viện trợ .



                .................................................. .................................................. ...................Gà nhà bôi mặt đá nhau , một mất một còn ! .

                Chiến tranh huynh đệ tương tàn , Mẹ Việt Nam đã mất đi những đứa con thân yêu , những chàng trai trẻ thanh niên mà Tổ quốc mong cho mai sau, là rường cột của nước nhà... đã bị chết một cách oan uổng cho những chủ thuyết ngoại lai và những danh từ hoa mỹ : đem thế giới đến đại đồng ..tiến lên xã hội chủ nghĩa , hoặc ...ngăn chặn làn sóng đỏ , quốc gia dân chủ , tự do tư bản chủ nghĩa v..v.., ,

                Như lời đã hứa với Trung cộng, Mỹ rút Hạm đội 7 ra khỏi Biển đông và quân đội ra khỏi vùng Đông nam Á . Mỹ cắt viện trợ súng đạn, xăng nhớt và nhiên liệu cho miền Nam .

                30 tháng tư năm 1975 , cộng sản Bắc việt nhuộm đỏ miền Nam và đưa Việt Nam theo con đường mà Nga và cả khối Đông âu đã sụp đổ : tiên lên , tiến mạnh , tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa .... hằng triệu người bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản, hằng trăm ngàn quân cán chính bị nhốt vào ngục tù cải tạo và hằng trăm ngàn người làm mồi cho cá trên biễn Đông .


                ....Trung cộng ngụy biện đường lưỡi bò và xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam .



                Nhạc sỉ Việt Khang đã mạnh dạn đứng lên hỏi : Dân tộc anh ở đâu ?... sao anh đan tâm làm tay sai cho tàu :

                Please click here : anh là ai ? http:// www.youtube.com/watch?v=OAZIcJxWCTw



                Ai đã gây ra thảm cảnh này để nhạc sỉ Việt Khang đau đớn hát lên lời thảm sầu ai oán .

                ............Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất....mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta.....

                Please click here : http://www.youtube.com/watch?v=_KEPmduvlAg


                bebau
                Last edited by bebau; 09-03-2012, 12:56 AM.

                Comment


                • #9


                  Mig 21 phi trường Nội Bài Hà Nội do Nga viện trợ .






                  Averell Harrinan và Stalin....... ............ ....... ................. .................. ........................... .. Averell Harriman và Tổng Thống Ngô Đình Diệm


                  Averell Harriman tài phiệt buôn bán vũ khí là đại diện quyền lực cho Shadow Government , người đã ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và Kennedy .

                  Please click here : Averell Harriman là ai ? http://titanians.org/2011/03/07/the-...an-connection/ .

                  Please click here : Mỹ cung cấp vũ khí cho hai bên : cộng sản Bắc việt ( qua trung gian Nga ), và Nam Việt Nam Cộng Hoà http://www.youtube.com/watch?v=J3nDb...ayer_embedded# )

                  Theo ông Brzezinski National Security Advisor thời Tổng Thống Carter ....số phận Việt Nam đã được quyết định trên một ván cờ của Mỹ, Trung cộng và Nga . Bàn cờ Eurasia đã được sắp đặt từ lâu và số phận Việt Nam đã được an bài trong chiến lược làm bá chủ toàn cầu của Mỹ . (1997 The Grand Chessboard ) .


                  Trên mảnh đất nghèo nàn quê hương của chúng ta , chiến tranh ngày đêm ..máu đổ thịt rơi đang tiếp diễn , miền nam là con chốt thí (The Grand Chessboard by Zbigniew Brzezinski 1997) trong ván cờ mà người đánh cờ là bọn cường quốc tài phiệt Hoa kỳ , Nga và Trung cộng .







                  5 ngàn chiếc trực thăng , hằng trăm chiếc phản lực F-5 và A-37 do Mỹ viện trợ .




                  Bell- Textron, Inc., which sold over 5,000 copters for the war......Biết bao nhiêu việc làm cho nhân công, tiền lời cho hảng Bell-Textron khi bán vũ khí cho Bộ quốc phòng Mỹ để dùng vào chiến tranh Việt Nam .

                  Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết chết thảm thương vì không cho người Mỹ đổ bộ vào Đà nẵng , Tổng Thống Johnson thú nhận : we killed him Chính chúng tôi đã giết chết ông Diệm .

                  Please click here :

                  http://video.search.yahoo.com/video/...Murder+of+Diem




                  Mạng người Tổng Thống chỉ đổi lấy 40 ngàn đô la . ....Conein provided a group of South Vietnamese generals with $40,000 to carry out the coup...

                  Please click here : http://www.spartacus.schoolnet.co.uk/JFKconein.htm










                  Tổng Thống Mỹ Nixon và Zhou En-Lai Trung Cộng


                  Bàn tay lông lá Mỹ và Trung cộng .

                  Please click here : http://www.flickr.com/photos/1347648...7621997665628/





                  Món mồi ngon cho con bạch tuộc

                  Con bạch tuộc xiết cổ Việt Nam như thế nào ?

                  Please click here : http://hoiquanphidung.com/entry.php?...ổ-Việt-Nam)




                  Tình hữu nghị anh em ? .....nó bắn giết dân mình không chút nương tay . Please click here : http://www.youtube.com/watch?v=AXTTJAL52Pw





                  Vì chống lại sự bành trướng chiến tranh, và việc buôn bán 5 ngàn chiếc máy bay trực thăng cho Bộ quốc phòng Mỹ để cung cấp cho chiến trường Viêt Nam của hảng Bell - Textron , đây là một trong 4 lý do đã đem lại cái chết oan uổng cho Tổng Thống Kennedy .




                  Averell Harriman và President Kennedy


                  Averell Harriman ra lệnh giết Tổng Thống Kennedy , quyền lực của tên tài phiệt này như thế nào mà dám giết người lãnh đạo của Mỹ như đồ chơi , và coi thường nội các của Tổng Thống Kennedy như những đứa con nít? Nhà viết Sử Steven Alvis . Please click here : http://titanians.org/2011/03/07/the-...an-connection/

                  Averell Harriman , Nixon và CIA : 200 nhân chứng bị giết chết vì thấy tận mắt ám sát và cái chết của Tổng Thống Kennedy, More from Historian Steven Alvis : http://www.youtube.com/watch?feature...&v=QCuJzC77_sA



                  Bebau
                  Last edited by bebau; 09-02-2012, 03:39 PM.

                  Comment


                  • #10
                    Đọc đoan Văn trên thì Đã quá rõ Đính đã có được bông lộc , còn lam. Giảng viên nữa thì còn gì mà. không khẩng Đinh lập Trường ,
                    Là một tên. Hèn
                    Một tài Liệu vô cùng quý giá V. N tôi xin nói : Một đất nước Khốn. Nạn nhất của nhân loại Chung ta. : Đừng bao giờ tự hào La con rồng cháu tiên Tất cả đều đo sắp đặt của Ngoại bang Một Lich sử đáng nguyền rủa

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X