Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ Người Yêu

Collapse
X

Nhớ Người Yêu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ Người Yêu

    Bốn mươi ba năm, vẫn nhớ đến người



    Tác Giả : Nguyễn Thị Hoài Trang




    Lời giới thiệu:
    Nhân dịp các cựu SVSQ Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức sắp tổ chức cuộc họp mặt tại quận Cam, California vào ngày thứ bảy 28 tháng 11-2009 (1), chúng tôi nhận được bài viết sau đây của bà Nguyễn Thị Hoài Trang, quả phụ cố Trung Úy Nguyễn Tấn Kế, nguyên SVSQ K.16.
    Trung Úy Nguyễn Tấn Kế đã hy sinh tại Kiến Hòa cùng với người anh ruột của Bà Hoài Trang, cũng tốt nghiệp K.16 Thủ Ðức. Cùng một lúc, bà Hoài Trang đã mất một người anh và chồng, trở thành góa phụ khi tuổi đời chỉ mới hai mươi.




    Anh thương!
    Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyển thành màu vàng rực, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đổ dài trên những tàng cây tạo thành bức thanh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.
    Và anh, cũng không có đây để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình của Mùa Thu Ðông Bắc Hoa Kỳ.
    Còn gì nữa đâu, đã hơn bốn mươi ba năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi nợ duyên đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền mãi mãi đến khi răng long đầu bạc, mà anh nỡ bỏ em để ra đi biền biệt không về khi chúng mình còn quá trẻ?!
    Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone, người bạn cho biết khóa 16 sĩ quan Trừ Bị Thủ Ðức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này. Em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh, bây giờ đã bạc. Và tên anh cùng một số anh em đồng ngũ khác vẫn còn được nhắc nhở với những “nén hương tưởng niệm”! Em nghĩ mình không còn nước mắt để khóc nữa vì đã trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ! Tuy không rũ rượi, thất thần như ngày nào em nhận được tin anh và anh ruột của em đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền Nam.
    Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em đi trình diện nhập ngũ cùng ngày với anh, để rồi anh Xuyên của em và anh vào cùng khóa 16 SQTB Thủ Ðức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã sẻ chia từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buổi thăm nuôi của gia đình. Ðến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại theo anh của em chọn về đơn vị Ðịa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Ðại Ngãi-Sóc Trăng.
    Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ những ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khóa, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết giữa hai người bạn đã đưa đường dẫn lối cho anh dành nhiều cảm tình cho cô em gái nhỏ của bạn. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường trung học công lập Kiến Hòa đã có người lính lẽo đẽo theo sau làm... bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng vì biết anh đã để ý thương em, cô em út dễ thương của người bạn đồng ngũ của mình, ngay cả ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một thiếu úy tốt nghiệp từ quân trường Thủ Ðức, đâu phải là chuyện dễ!


    Thật tình ba má em không muốn em lấy chồng là lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian 64-65, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và cả gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rể.

    Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rể dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ can trường mà em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghĩa quân Hưng Ðiền. Lần nầy hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau cùng làm huấn luyện viên cho lính.

    Nhưng anh đã bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng và em đã ngất xỉu khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ sức bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Còn anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Ðêm ấy, đêm 23 tháng 3 năm 1966, với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện nghĩa quân với 13 vị Sĩ quan huấn luyện viên, chỉ còn sống sót một Ðại úy vì... vắng mặt có phép (?)Năm ấy, anh và anh trai của em cũng vừa tròn hai mươi ba tuổi.

    Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa nhà, những tiếng khóc than não nuột của gia đình đã không đem hai người con yêu trở về với đời sống được. Má em đã chết ngất mấy lần, và em, bước đi sau hai cỗ áo quan như kẻ không hồn. Em đã thành góa phụ khi vừa tròn hai mươi tuổi. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã mang đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống những con người “tự vệ” một cách tàn nhẫn và vô lý.
    Ðể hôm nay, bốn mươi ba năm có lẽ, em ngồi đây viết những hàng chữ này trong ngấn lệ để nhớ về anh: Cố Trung úy Nguyễn Tấn Kế! Người yêu tuổi nhỏ và người chồng chưa trọn hai năm. Anh đã yên phần anh trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, hình bóng với tên anh thôi lởn vởn trong đầu em? Có chăng là ngày em xuôi tay nhắm mắt! Nếu có kiếp sau, không biết mình có còn cơ duyên gặp lại?

    Maryland, tháng 10, 2009
    (1) Họp Mặt Cựu Svsq Khóa 16 Sqtb Thủ Ðức
    Thời gian: 10:30AM-4:30PM, Thứ Bảy 28 tháng 11-2009




    __._,_.___


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X