Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI

Collapse
X

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (1)

    KHỔ CÁI THÂN GIÀ!

    tặng Lữ Quỳnh

    Bà chủ tịch nhà tui, vừa mới đây, xem cái cờ líp ông bạn già THT bên Mỹ tập đi sau khi đột quỵ, đã xúc động cảm thán thành thơ:“Mẹ ơi, giờ không còn mẹ/ rẩy run con tập một mình”!

    Tui thì may nhờ một ông bạn bác sĩ đang ở tuổi chớm già, cho toa thuốc “uống tới khi nào anh chết mới thôi” nên chưa đột quỵ, nhưng cũng đã già quá rồi, già khú đế, già cúp bình thiết, già hết thuốc chữa!

    Sáng nay, bà ấy phán, “anh cần một cây gậy!”, khi thấy tui liu xiu muốn ngã! Gậy thì đã có một ông bạn già ở Bến Tre cho (một cây gậy trúc nhặt mắt, vàng óng rất đẹp), nhưng khổ nỗi, bên cạnh một nương tử mà ai cũng hỏi “sao không chịu già”, mình lại đi bằng ba chân, dẫu cái chân thứ 3 có bịt vàng chăng nữa cũng thấy nó sao sao, nếu không muốn nói là rất mắc cỡ.

    Thôi thì bắt chước thi sĩ họ Bùi, gọi nàng là mẫu thân, để cầu tre lắc lẻo khó đi, khó đi mẹ dắt con đi. (Chớ bắt chước Lục Vân Tiên, cái lưng đã còng thì làm sao cõng mẹ hết chạy ra đến chạy vô cho đặng!)

    Già khổ thế đấy! Đâu có sướng như bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc! Sáng chiều ông cứ loay hoay “già sao cho sướng” (nói nhỏ, không biết muốn sướng cái gì!)

    Nhưng, cái khổ của tui cũng chưa đến nỗi nào, vì dẫu sao cũng còn có đôi, đi đâu đứng đâu ngồi đâu (không có nằm) cũng có bên nhau, chứ già mà một mình ên thì đúng là buồn, rất buồn!

    Mới đây, trên Phố Văn, Nguyễn Xuân Thiệp viết một bài rất hay về tiếng nước reo gợi nhớ một thời rất dễ thương ở Bảo Lộc và một thời dễ ghét ở các trại tù, nhưng dù thương hay ghét, cái tiếng nước sôi trong ấm nghe cũng rất vui vì còn có tiếng cười, tiếng nói, đôi khi là tiếng khóc của bạn bè. Cho đến giờ trong ngôi nhà không còn vợ, con thì ở xa, tiếng nước reo trong ấm mỗi buổi sáng khi thức dậy pha trà, nghe chỉ một mình, đúng là buồn muốn khóc!

    Chắc vì sợ nghe tiếng nước reo một mình, nên nhiều cụ Việt kiều dù không còn yêu nước nữa, cũng đã bỏ nước Mỹ mà về Việt Nam, ráng kiếm một “mợ”, để vui tuổi già. Chiều chiều dắt nhau đi ăn kem (không ra bờ sông vì sợ rơi xuống sông ướt cái quần nilon), uống trà sữa cũng tình tứ lắm. Tối đến nằm bên nhau“thì thầm bên gối” còn mê ly (mà không rùng rợn) hơn nữa.

    Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, vì cái vui của những đôi đũa lệch đủ kiểu này, khó mà lâu bền được.

    Vẫn biết cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Nhưng mà, tiền “hiu” của anh đâu có nhiều, trong khi cái tình em lại tỉ lệ thuận với đô la. Còn cái thú đánh cờ người kiểu Hồ Xuân Hương, hay đánh bài cát tê thì anh thua toàn tập là cái chắc!

    Thế thì ngồi nghe tiếng nước reo gây mùi nhớ như trang chủ Phố Văn, buồn thì có buồn nhưng khỏi phải bực!

    Thực ra, một người đã trải qua tám mươi năm cuộc đời, giờ này mà còn ngồi gõ máy tán chuyện bao đồng, sau khi đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, thì ba cái chuyện đau cái lưng mỏi cái gối, ăn không biết ngon (vì răng giả), ngủ không đủ giấc (vì tiền hậu gì đó bị liệt), ngẫm ra cũng đâu có nhằm nhò gì.

    Đã mang tiếng làm người thì ai mà không khổ. Nhưng tui cũng chỉ khổ khơi khơi chứ không khổ đến nỗi phải đau, khổ đến tận cùng bằng số như nhiều bậc làm người vĩ đại khác.

    Như Bác, người đã đạt đến đỉnh cao muôn trượng của trí tuệ, từng làm bồi bếp, từng bị tù, bôn ba khắp thế giới, cứu được cả nước nhưng không cứu được mình.

    Từ hang Pác pó tối tăm lạnh lẽo đến ngôi nhà sàn kỷ vật hoang vu, Bác sống chỉ mỗi mình ên, từ phục vụ đến thư ký cũng đều không có chút gì gọi là mùi đờn bà. Nhìn cái giường gỗ cứng, đôi dép cao su để lại cho hậu thế, nó thô sơ lẻ loi thấy thương làm sao!


    Nghe đâu Bác cũng có ít nhất đến 3 người đờn bà đã từng chia xương xẻ thịt với Bác, nhưng đảng nhứt định không cho gặp mặt, chứ nói gì cho ngồi vào ngôi đệ nhất phu nhân. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bên Bác cũng chỉ có Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn, những lão già chính trị khô khan khó chịu, rồi ngày chết cũng không được cúng giỗ đúng ngày, xác cũng để đó canh giữ cẩn mật trong trong lăng, mãi mãi không cho chôn!

    Thế thì linh hồn Bác biết đi về đâu, cứ vất vưởng trên bờ cây ngọn cỏ, còn thảm hơn cả những kẻ chết bờ chết bụi mà thi hào Nguyễn Du đã kể trong văn tế Thập loại chúng sinh!

    Hỡi ôi, Bác đã khai sinh ra đảng, nhưng giờ đảng lại cầm tù Bác. Thật tội nghiệp!

    Khuất Đẩu
    Viết giữa mùa ôn dịch


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  • #2
    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (2)

    HÃY CỐ LIÊU XIÊU MÀ SỐNG



    Bắt chước Vũ Thành An, tôi nhắc nhở tôi mỗi sáng rằng, hãy ráng sống cho qua cơn đại dịch cúm Tàu này. Không phải vì cuộc đời “vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” mà vì cái con virus này nó tàn nhẫn quá, làm ngỏm cù đeo tất tần tật bất cứ ai nhơn nhơn giỡn mặt với nó. Nhất là những ai tự coi mình là kẻ hùng mạnh nhất trên trái đất này. Như Tập Cận Bình, như Donald Trump, như Kim Jong Un…

    Sống để thấy rằng cũng có lúc bom nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân… chẳng là cái thá gì so với một con virus bé tí ti. Và lúc này không phải là được ngồi bảnh chọe ở Trung Nam Hải, ở tòa Bạch Ốc, ở Bình Nhưỡng mới thực sự đáng sống, mà là được thong dong đi lại trên đường, được nhìn ngắm “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, được “nghe trong gió bay lời em nói”, buổi tối về nhà, dù “dù đèn thắp lên thì mờ” vẫn có thể ngồi bình yên mà uống một ly rượu…

    Để rồi, nhận ra rằng mình đã hạnh phúc xiết bao, giàu có tốt tươi xiết bao và nhất là mình đã sống “dễ thở” như thế nào trong suốt hàng vạn ngày đã qua. Có một cụ ông 90 tuổi, đã khóc sau khi khỏi bệnh covi, không phải vì món tiền phải trả cho máy trợ thở khá lớn mà vì suốt 90 năm qua cụ đã thở một cách tự nhiên dễ dàng mà không phải tốn một đồng xu nào. Nếu phải trả tiền để “thở” thì chắc chỉ có Bill Gates và vài tỉ phú sống được mà thôi. Nhưng sống như thế để làm gì khi mà trái đất này trở nên quạnh hiu!

    Thế mới biết cái bầu khí ôm trọn trái đất này nó huyền nhiệm làm sao, nó đã từng cho không biếu không cái thứ trong suốt gọi là khí trời, là suối nguồn vô biên đáng giá hàng tỉ tỉ đô la mà ta cứ tưởng đó là tự nhiên. Nó chính là cái bọc nước ối cho một sinh linh bé nhỏ thở được như cá trong bụng của người mẹ. Mất nguồn nước ấy, không một thai nhi nào sống được.

    Cơn đại dịch này chính là lời cảnh báo của Mẹ Thiên Nhiên. Rằng, thế giới sẽ diệt vong, không phải vì trái đất nổ tung bởi một tinh cầu nào đi lạc, mà vì chính con người đã tự “rút ống thở” của chính mình!

    Hàng triệu nhà máy, hàng triệu xe hơi, xe gắn máy suốt ngày đêm thải vào khí quyển hàng triệu tấn CO 2. Rồi những cuộc thử vũ khí hạt nhân bí mật và không bí mật, rồi sông suối ao hồ thải ra biển bao nhiêu hóa chất độc hại, như Formosa đã từng làm… thì cái ống thở của cả nhân loại, dù chưa bị rút cũng đã tắt nghẽn. Sẽ có covid- 20 rồi covid-2100, và nhiều nữa… chứ không chỉ covid-19 không thôi!

    Đó là cái dại, còn cái ác của con người mới kinh hãi làm sao!

    Con virus này dường như phát sinh từ một loài dơi, được các nhà khoa học ở viện vi trùng P4 Vũ Hán nghiên cứu, thấy cái mức độ lây lan khủng khiếp của nó, có thể giúp cho Tập hoàng đế lên ngôi bá chủ thế giới, bèn dùng dân Vũ Hán để phát tán ra các nước giàu mạnh như Anh, Pháp, Đức… nhất là Mỹ, hòng rút ống thở của tụi “tư bản giẫy chết”.

    Mà đúng là đang “giẫy chết “ thật: ngay lúc này trên thế giới đã có đến 4 triệu ca dương tính với corona và trên 3 trăm ngàn người đã chết vì phổi không còn chức năng để thở. Mỹ với tham vọng của Donald Trump, muốn trở lại ngôi vị số Một thế giới, thực oái ăm, lại là nước bị nhiễm bệnh nhiều nhất và chết nhiều nhất.

    Trong bộ phim nhiều tập Tam Quốc Chí, có cảnh lính của nước mình bị dịch chết trên thuyền, thay vì chôn thì Tào Tháo ra lệnh đẩy xuống sông Trường Giang để đưa bệnh dịch tới nước Đông Ngô, nằm ở cuối sông!

    Thế mới biết, cái âm mưu “rút ống thở” của cháu con Tào Tháo, tức là bè lũ Tập Cận Bình hiện nay là có thật.


    Trong lúc Mỹ và các nước tư bản Âu châu khốn đốn vì con covid, thì Tàu cộng hí hửng reo mừng. Nhiều cổng chào được dựng lên hoành (bánh) tráng, và pháo bông được đốt sáng một góc trời khi thông tin cho biết Mỹ đã lên đến con số trăm ngàn dương tính! Và rồi khẩu trang, máy trợ thở, bộ xét nghiệm… ào ạt tung ra tràn ngập thế giới, vừa bán (cắt cổ) vừa cho (đồ dỏm) để lấy le. Hàng tỉ đô la chảy vào cái túi tham không đáy, đúng là thần sầu hơn cả mưu lược của Khổng Minh.

    Nhưng (giờ mới thấy cái chữ nhưng rất nghiệt ngã mà cũng rất hiệu nghiệm), con covid “tái nạm gầu” lại trở về “quê mẹ” và đang bắt đầu quậy tới bến. Trước thì còn cố dấu, giờ phải xét nghiệm cấp tốc 10 triệu dân Vũ Hán. Và còn cả 1 tỷ rưỡi dân Tàu nữa thì biết xét nghiệm ra “nàm thao”!

    Cuộc chiến với covid xem ra từ Trump đến Duterte, từ Tập đến Pu đều sứt đầu mẻ trán, và dĩ nhiên các cụ liêu xiêu từ 65 tuổi trở lên, đều mệt ngất ngư con tàu đi với nó.

    Theo thống kê thì cái con virus này xem ra cũng hãy còn có chút độ lượng. Nó chỉ nhăm nhăm các liền cụ già si cốc đế, còn các liền chị và trẻ con, thì ít động tới. Mà như thế, cũng có cái hay là thế giới sẽ trẻ trung hơn, xinh đẹp hơn, hóa ra trong cái rủi cũng có cái may.

    Thế thì, nếu viết xong bài này theo lời yêu cầu của bạn Trần Hoài Thư, mà con covid có tới gõ cửa, thì tôi cũng rất vui lòng mà từ biệt vợ con, và trước khi vẫy tay chào cuộc đời, tôi cũng xin gửi vào thinh không lời cảm ơn Mẹ Thiên Nhiên đã cho tôi được thở suốt 80 năm chẵn mà không lấy một đồng xu cắc bạc nào!

    Cầu mong Mẹ luôn luôn mạnh khỏe, luôn luôn hào sảng như đã từng hào sảng!

    Khuất Đẩu

    Ninh Hòa, lúc 16 giờ ngày 13/5/20


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

    Comment


    • #3
      Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (3)

      GIÀ, RỒI SAO NỮA?





      Già, rồi sao nữa?

      Già rồi chết, chứ trăng với sao gì nữa!

      Ừ, thì chết, nhưng chết ra làm sao, chết rồi đi về đâu?

      Cái chuyện này chưa biết à nghen, chưa chết sao biết được, với lại ai mà không sợ chết, nói tới cái bộ xương có cánh tay cầm lưỡi hái, sợ lắm!

      Sáng trưa chiều tối, lúc này thấy nó cứ lẽo đẽo đi theo như hình với bóng, cái hơi lạnh của nó tỏa ra mù mịt còn hơn cảnh sát dã chiến thả hơi cay nữa kìa, nhưng mà trước sau gì chẳng chết, thôi thì thử nói một lần này rồi sẽ tịt luôn.

      Chết là hết thở, không học trường y ai cũng biết. Chết dễ ợt, nhắm mắt xuôi tay thế là xong.

      Nhưng cũng chưa xong, còn phải dọn dẹp cái thân tứ đại kia nữa chứ.

      Nghe nói, ở vùng núi Hy mã lạp sơn, có một sắc dân, chết không chịu chôn mà lại khiêng lên núi để nuôi lũ chim kền kền. Cả ngàn con chim trời sinh ra chỉ để ăn xác thối làm sạch môi trường cứ bay lượn trên cao hóng mỏ ra chờ, đợi lũ người sống kia gào khóc chán chê, bỏ ra về, chỉ loáng một cái, chúng phủ thành một đống đen kịt, rồi chỉ trong chớp mắt là lóc sạch cả thịt da phèo phổi, chỉ để lại bộ xương trắng hếu, thêm lưỡi hái và đôi cánh nữa là thành thần…chết.

      Một bước thành thần, cũng hay!

      Nhưng một vài bộ lạc ở châu Phi còn hay hơn. Những lão già cúp bình thiếc như tui, con cháu không nuôi nổi nữa, thế là cụ được mời leo lên cây, rồi cả bọn cùng nhảy múa loạn xạ, chọc quê hả mồm nhíu mũi, làm đủ cách kể cả cầm gậy thọc đít, miễn sao cho cụ rơi xuống, thì lạy chúa tôi, coi cụ như con nai con hoẵng vừa săn được, cả nhà hay cả xóm được no nê (và ngon miệng) một bữa!

      Trường hợp nhảy múa hoài mà cụ không rớt xuống thì lại được đem về nuôi, nhưng hiếm khi lắm, gần như không có bao giờ.

      Thực là nhanh gọn và tiện lợi. Người chết không để đức mà để thịt cho con cháu, phụ tử tình thâm của xứ đói là như vậy. Đừng chê cười họ man di mọi rợ. Cái nước Tàu có đến những 5000 năm văn minh kia, trong thời kỳ đại nhảy vọt, nhà này đổi con cho nhà kia, để ăn cho đỡ chết đói. Văn minh ở chỗ họ không nỡ hay không dám ăn thịt con mình mà thôi. Còn ăn kiểu gì thì khỏi phải nói, không ai chế biến thức ăn ngon bằng người Tàu, nhất là món thịt người rất quý hiếm.

      Ở nước Nhựt, xứ sở ưa harakiri, trong những làng quê nghèo, người già phải biết chọn cách chết sớm nhất để bớt một miệng ăn cho con cháu. Truyện được một nhà văn Nhựt kể lại cảnh anh con trai cõng mẹ lên núi để mẹ nằm chờ chết. Bà cụ rất can đảm, bảo anh con trai đừng quay đầu nhìn lại để mẹ được chết trong lúc tuyết đang rơi là hạnh phúc. Trong khi một lão cùng làng sợ quá tìm cách xuống núi trong sự khinh ghét của mọi người.

      Ở nước ta, chỉ có Lục Vân Tiên cõng mẹ, hết chạy ra đến chạy vô, chạy hoài hụt hơi cũng dám chết lắm đó, nhưng nếu thế thì cũng đáng mặt là trai thời trung hiếu làm đầu! Ở Tàu (lại Tàu!), Quách Cự chôn con để cha mẹ sống cũng được vinh danh trong nhị thập tứ hiếu (tội giết người mà được khen, đúng là luật của Tàu)!

      Còn nhiều cách chết lắm! Chết trong đồn công an bằng sợi dây thun nè, (sợi dây thun mà sao siết được cổ tới chết nhỉ, chắc là chết vì nuốt dây thun kiểu như gà)/ Rồi chết có thưởng của Hồi giáo cực đoan nữa nè! Quấn thuốc nổ quanh người, rồi đến chỗ có đông bọn tư bản rẫy chết kích nổ, sau khi tan xác pháo chẳng những được lên thiên đàng mà còn được thưởng đến những bốn mươi cô con gái Ả rập mắt đen và to, đẹp không chịu được lại còn trinh, thế thì ai mà không ham chết kể cả Tây mũi lõ!


      Nhiều tác giả tây phương viết là “72 trinh nữ” chứ không chỉ có 40 mà thôi
      (chú thích của người đăng bài)

      Còn chết rồi đi về đâu, thì mấy ai mà biết được. Sống gửi thác về, ông bà tôi thường nói chết là về quê kiểng, kiểu như đi xa về thăm nhà, hay Việt kiều yêu nước về thăm quê hương. Cái khúc ruột ngàn dặm đó (dài đến nỗi có thể quấn quanh trái đất mấy chục vòng), giờ không nên hát bài nối vòng tay lớn nữa mà là hát bài “nối khúc ruột dài”,mới hợp lòng dân ý đảng, lâu nay nó đóng cục đóng hòn (như táo bón) vì nhớ nhung, giờ nở bung ra sướng khỏi chê.

      Các nhà văn và thơ hậu hiện đại thì bảo là đi về thế giới người hiền, ý chê cái thế giới này ô trọc và hung dữ quá.

      Thực ra, nói thế cũng chỉ là cách nói để bớt sợ khi nghĩ tới cái chết mà thôi. Phật và Chúa còn khôn hơn nữa, các ngài vừa dụ khị vừa đe nẹt. Đứa nào nghe theo lời ta làm điều thiện thì được lên Thiên đàng, đứa nào không chịu nghe, làm điều ác thì phải xuống địa ngục. Thiên đàng, hay cõi trời Đâu Suất, không làm cũng có ăn, còn địa ngục chẳng những phải ăn dòi mà còn bị cưa xẻ, bị lửa thiêu cháy nhưng không chết (sao lọa vậy cà?).

      Nói là vậy chứ có ai ở thiên đàng hay địa ngục trở về đâu mà biết rằng láo hay thiệt. Thôi thì nói như Bùi Giáng. Rằng “ngày sẽ hết, tôi sẽ đi dù chưa biết đi đâu”.


      Ở cõi trần, ông đã Sài Gòn Chợ Lớn đôi nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn*. Thì chết rồi ông vẫn tiếp tục đi, dù hình hài không nhứt thiết phải là một ông già khùng vác cây đu đủ đeo đủ thứ lon múa nhảy ở cầu chữ Y hay cầu NhịThiên đường. Có thể là một hạt bụi âm thầm nhớ đất quê, cũng có thể là chút ánh sáng lập lòe trên lưng con đom đóm. Đi đâu thì cũng chỉ trên trái đất này mà thôi, nơi có gái mọi, có chuồn chuồn bươm bướm và những em dê trắng dê vàng.

      Bởi sao? Bởi vì ông không thành thần, không thèm gặp cụ Mác cụ Lê, không thèm 40 cô gái trinh, mà chỉ thèm đã đời du côn thôi. Ông chắc chắn sẽ đi vào văn học và ở mãi trong đó chứ không chịu ra. Có điều, ông luôn mang theo cây gậy (du côn mà), các “nhà phê bình” mác xít đứng trên lạp xường giai cấp hay phê bình dóc tổ và láo xược, coi chừng ông phang cho một gậy u đầu!

      Khuất Đẩu

      Viết trong mùa ôn dịch


      * chớ nhầm chữ đi này với chữ đi khách của các em mà mang họa vào thân!

      (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-19-2020, 01:38 AM.

      Comment


      • #4
        Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (4)

        CHẾT LÀ HẾT, THIỆT HÔN?


        Nói vậy chớ không phải vậy!

        Đúng là chết vẫn chưa hết chuyện. Nóng hôi hổi lúc này là con virus của Vũ Hán. Nó gây ra biết bao nhiêu cái chết, khiến cho bánh xe tiến hóa của thế giới trật đường ray, nằm chình ình một chỗ.

        Người đầu tiên nhìn thấy mặt con quỷ bảy màu đó, là bác sĩ Lý Văn Lượng. Lúc đầu nhà nước Tàu lôi ông ra tòa đòi kêu án vì tội phản bội tổ quốc (rất đúng người đúng tội vì tổ quốc Tàu nói láo còn ông nói thiệt), sau đó rủa sả ông không tiếc lời. Khi ông chiến đấu một mình với nó đến mệt phờ rồi cuối cùng thua cuộc phải vào nhà thiêu xác, thì nhà nước liền quay ngoắt 180 độ, ca ngợi không hết lời là đại anh hùng! (tiếc gì hai tiếng anh hùng mà không ban khen, ông mà còn sống, dám “chốn” được sang các nước tư boản, là Tập Cận Bình và bè lũ tiêu tán đường ngay)!

        Một ngàn năm sau, cái chết của ông cũng chưa hết chuyện để nói! Riêng tôi, cái chết của ông, một lần nữa nhắc nhở cho nhân loại tiến bộ hiểu rằng, chế độ cộng sản, là tổng hợp của đế quốc La mã, của phong kiến Tàu, của Đức quốc xã, quân phiệt Nhật, độc tài Liên xô, tàn bạo và ngu dốt của Mao Trạch Đông, tức là tất cả những cái ngu cái ác nhất của nhân loại không chịu tiến bộ.

        Chưa hết chuyện vì cuộc chiến giữa cái ác, cái xấu với cái tốt cái thiện vẫn còn tiếp diễn muôn đời.

        Ở nước ta, nhiều cái chết lãng xẹt nhưng rúng động dư luận, tức là ầm ĩ, có thể kể Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang. Một người vừa được trao phương bảo kiếm để trừ gian diệt ác, chỉ mới dọa chém tuốt nhưng chưa kip chém đã ngỏm cù đeo!


        Một người ngồi ghế chủ tịch nước đang béo tốt phương phi bỗng tái xanh tái mét, yếu đến nỗi cầm dùi đánh trống khai giảng cho học trò mà run lên run xuống, chết trong sự nghi hoặc và tức tối đến nghẹn ngào.

        Ngược lại có những cái chết không một tiếng vang, như chết trong đồn công an bằng sợi dây thun, chết khô chết héo bên cạnh đống đơn cao như núi của những người bị cướp mất đất mất nhà, hay chết trên tàu cá vì bị tàu của “nước lạ” đâm chìm!

        Có những cái chết cay đắng mà cũng có những cái chết thật buồn cười. Như chết vì già mà ham, ham đây là ham gái chứ không phải ham ăn. Còn chết như thế nào, bộ dạng ra sao, ăn mặc chỉnh tề hay trần truồng vì bị lột sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thì xin miễn bàn vì đó cũng là bí mật quốc gia.

        Có những cái chết để lại hậu quả nghiêm trọng. Chị bạn tôi kể rằng, một sáng đến thăm mộ chồng vừa mới mất, thấy có bó hoa đặt bên mộ, hỏi mấy đứa con, có đứa nào đến thăm mộ ba hay không, chúng bảo không, thế là lòi ra ngay cái con bồ lâu nay thò thụt dấu diếm. Thôi, từ nay đã có người thăm viếng rồi, tôi tới làm chi nữa cho nó tủi cái thân già!

        Tai hại chưa, chết rồi mà vẫn chưa hết chuyện!

        Một ông bạn khác, lúc sắp chết kêu vợ lại gần để thành thật khai báo, rằng, anh lỡ dại đã có một đứa con riêng, khi anh chết, em làm ơn làm phước chăm sóc giùm, thương yêu nó vì dẫu sao đó cũng là giọt máu của anh…chị vợ tức nghẹn họng nhưng cố bấm bụng nhận lời. Thế mà trời xui đất khiến sao đó, anh lại sống nhăn răng. Thế là mời anh go out ra khỏi nhà tôi ngay, đi theo con đĩ nào thì đi cho khuất mắt!

        Gần chết mà khủng khiếp như thế huống gì chết thiệt.

        Nhưng nói gì thì nói, chết đau đớn nhất và buồn nhất vẫn là con chết trước mẹ (không ai cõng) và mẹ chết trước con (không ai cho bú).

        Sau cái chết, chuyện đáng nói, đáng buồn và đáng sợ nhất, theo tôi là những cái mộ, những cái lăng. Có những ngôi mộ tốn hàng chục tỷ đồng, lộng lẫy như một biệt điện, có cả tivi, tủ lạnh xalon cho người chết sử dụng như lúc còn sống. Đến ngày giỗ, ngoài việc đốt cả tỷ đô la âm phủ, còn đốt cả xe hơi, tài xế, con hầu bằng giấy.

        Lăng, thì ông vua nào chẳng có lăng. Nhưng qua bao dâu bể hưng phế, chỉ còn lại ở nước ta các lăng của triều Nguyễn. Lăng của Tự Đức nổi tiếng không phải vì đẹp, mà vì những khổ cực dân và lính phải chịu, đến nỗi làm loạn, còn để lại trên bia miệng với hai câu ca dao. Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân!


        Lăng Hồ Chí Minh vừa hiện đại vừa hùng vĩ, bao quanh bằng đá quý chọn từ mọi miền của đất nước, đẹp đến nỗi được gọi là bài thơ bằng đá!

        Với tôi, chết chắc cũng chưa hết chuyện, dù chỉ là một công dân hạng hai chẳng đóng góp chút gì cho quôc gia dân tộc, thì xin đừng xây mộ hoành (bánh) tráng, (nói chơi chứ tiền đâu xây), mà hãy đốt như đốt rác cho khỏi mất vệ sinh, chút tro còn lại thì xin rải trên mồ mẹ, coi như con của mẹ lại nằm trong lòng mẹ, là đủ rồi. Mong lắm thay!

        Khuất Đẩu
        Viết trong mùa ôn dịch


        (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-27-2020, 09:51 PM.

        Comment


        • #5
          Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (8)

          NHỮNG THÁNG NGÀY BUỒN



          Ngày buồn đầu tiên trong đời tôi, là ngày cha chết, cách nay đã 75 năm. Ngày đó, tôi 5 tuổi, học vỡ lòng chỉ mới đọc được vần xuôi chứ chưa đọc được vần ngược, chẳng nhớ gì nhiều về hình ảnh người đã sinh ra mình, nhớ chăng là 3 ngọn roi mót đầu tiên (và cũng là cuối cùng) mà ông đã quất lên mông tôi vì cái tội nói ngọng.Nhưng tôi lại nhớ nhiều đến tiếng gào của mẹ giữa đêm khuya, tiếng gào tưởng chừng có dính theo máu, nghe rất thống thiết và khiếp hãi. Sau này, lớn lên, tôi hiểu được nỗi uất ức và tuyệt vọng của mẹ, từ nay một thân một mình phải nuôi đến những 3 con, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.

          Ngày đó chính là ngày buồn nhất trong cuộc đời của mẹ!

          Những ngày buồn tiếp theo, có thêm nỗi lo và sợ, là những ngày trước tháng 5 năm 1955, ngày quân đội Pháp tiếp thu tỉnh Bình Định. Lo là lo mình bị tây đen hãm hiếp, sợ là sợ con bị tây bắt xỏ xâu ném xuống biển!

          Trước khi tập kết ra bắc, các ông bà cán bộ, họp cả làng ở gò đình, già trẻ lớn bé gì cũng bắt ngồi thành hàng, rồi hù dọa rằng, thằng giặc Pháp sắp đến kia, nó dã man tàn bạo là như thế, phải đấu tranh chống lại nó bằng cách không đi học, không đi chợ, cất dấu hay đốt hết lương thực không để chúng cướp giật…

          Nhồi và nhét xong, các ông bà liền lên tàu Ba Lan dông tuốt ra bắc, bỏ mặc dân làng bơ vơ như gà con lạc mẹ!

          Tôi còn nhỏ, nỗi lo và sợ ấy cũng chỉ lướt qua như bóng mây trên bầu trời. Sợ thì có sợ đấy, nhưng chẳng biết mặt mũi thằng tây nó xanh đỏ thế nào, nên cũng hồi hộp trông chờ ngày nó đến. Nhưng mẹ tôi, người cũng chưa biết mặt mũi thằng tây đen nó ra làm sao, nhưng đã biết tỏ tường mồm ngang mũi dọc của …cộng sản rồi, nhất là đã biết đòn và thấm đòn của nó, thì người như rũ ra, chẳng biết làm cách nào để bảo vệ chính mình và bảo vệ đàn con. Nhớ lại, thấy mẹ tội nghiệp lắm.

          Đòn của nó là thế này, trước lúc đi, cộng sản đổi tiền. Không biết họ định giá thế nào mà 5000 tiền tín phiếu chỉ đổi được 1 đồng bạc Đông Dương, và ai, dù tiền nhiều đến đâu cũng chỉ được đổi 10 đồng xài đỡ mà thôi, còn bao nhiêu họ giữ giùm, hai năm sau tổng tuyển cử, sẽ đổi trả lại. Chẳng những nghe bùi tai mà còn ngọt như mía lùi, Mía đã ngọt sẵn mà còn lùi nữa, thì đúng là bác và đảng thương dân miền nam không để đâu cho hết.

          Thế là mồ hôi và nước mắt của mẹ tần tảo trong bao nhiêu năm, xếp đầy trên hai thúng đựng gạo, giờ chỉ còn đúng 10 tờ giấy mỏng manh. Không nhớ mấy mẹ con tôi sống ra làm sao, chỉ nhớ hai năm sau vào Nha Trang học, lần đầu tiên ăn được cây cà rem ngon vì ngoài nước đá còn có thêm chút sữa và mấy hột đậu đen mà phải tốn đến 1 đồng! (Trong khi ở miền bắc những thành phố họ đến tiếp thu, dường như 1 đồng Đông Dương chỉ đổi được 10 đồng tiền tín phiếu, lời quá xá!)

          Đó là không nói tới nỗi đau của mẹ trong suốt 9 năm vì tuần lễ vàng, tuần lễ bạc (vét hết vàng tới vét bạc), thuế nông nghiệp, thuế công thương cao lút đầu lút cổ và những ngày đi dân công tải đạn, đói khát bệnh tật giữa rừng sâu núi thẳm!

          Hai mươi năm sau, ngày buồn nhất là 30 tháng tư, ai cũng buồn không riêng gì mẹ con tôi. Lại một trận đổi tiền và mẹ cũng mất sạch số tiền suốt hai mươi năm dành dụm.

          Lần này, rút kinh nghiệm, mẹ gửi cho những người thân đi tập kết vừa trở về, mỗi người đổi giúp một ít. Ai cũng vui vẻ nhận, sau đó mặt lạnh như tiền bảo đổi không được, nhưng tiền thì không đưa lại vì đó là tiền của Mỹ ngụy!

          Cái buồn này cứ âm ỉ đau cho đến tận cuối đời, rồi cùng với bệnh ung thư đã đưa mẹ qua khỏi bên kia cuộc đời, coi như giải thoát khỏi cái kiếp người hèn mọn dưới thời cộng sản.

          Qua cuộc đời của mẹ, tôi đau xót nhận ra rằng, đàn ông sống dưới thời cộng sản, ngoài việc cho sống là được sống, bảo chết là phải chết, hy sinh cả máu xương để bảo vệ đảng, thực ra là bảo vệ những tên quan lại kiểu mới, khốn nạn thật đấy, chó má thực đấy, nhưng chính những người đàn bà, mới thực sự phải chịu nhiều đau khổ hơn, bị bóc lột nhiều hơn, ngoài mồ hôi nước mắt, còn bị cướp cả những đứa con của họ. Mai đây, các nghệ sĩ thực tài và chân chính sẽ dựng tượng Mẹ Việt Nam Đau Khổ, chứ không phải mẹ anh hùng!

          Đời của mẹ tôi buồn như thế, đời của tôi cũng chẳng vui gì hơn. Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn vì sống trong một đất nước không chịu tiến bộ, không chút xấu hổ vì đứng cuối bảng xếp hạng trên toàn thế giới, thì ngòi bút nào mà viết cho hết được. Thôi thì đành vui với lão giả an chi, tức là bằng lòng với cái mình đang có dù rất ít, như đã sống được đến 80 tuổi này, chẳng vui sao? Hạnh phúc nhất là mẹ chết trước rồi mới đến lượt con! Còn được thuận theo mệnh trời như thế, xem ra cũng chưa đến nỗi buồn lắm.

          Thế rồi từ ngày được giải phóng (nói lái bị cắt lưỡi đó), đang tuổi con dê (35) cường tráng vậy mà sáng bo bo, trưa bo bo, chiều bo bo, người quân tử ăn chẳng cần no, nên ốm lòi xương, loét bao tử phải cắt bỏ hai phần ba, chưa chi mà đã già háp, già và hư hao đến nỗi ai trông thấy cũng tưởng chết chưa chôn!

          Nhưng rồi nhờ ơn đảng và bác, tôi cũng sống lây sống lất đến tận ngày hôm nay, tính ra cũng đã bốn mươi nhăm năm, gần nửa thế kỷ.

          Tôi sinh tháng 3, nhưng ông già lười làm giấy khai sinh, mãi đến tháng 8 ngày 16 mới làm, thành ra tôi phải sống thêm hơn tháng nữa mới được phép (và được quyền) nhận lãnh ân huệ đầu tiên của nhà nước, là được “bồi dưỡng” 300 nghìn đồng một tháng, tức là hơn 10 đô. (nếu ăn kem ngon cũng đặng hai chục cây, quý hóa quá) Buồn thì không còn buồn nữa rồi, vì sắp hưởng lợi tức tuổi già, nên “sức mấy mà buồn”, nhưng lo, (đúng chính tả đàng hoàng, lạng quạng viết thành no là đói bỏ mẹ!).

          Lo, bởi vì con covid bảy màu từ Vũ Hán (không g) tràn sang đợt thứ hai này, được hỗ trợ bởi hỏa tiễn tầm xa của ông anh bốn Tốt và thằng em sáu Ngu, từ Đà Nẵng đã theo một em thực tập y tá nào đó về tận quê hương của người đẹp Hờ Nê, thế là từ Đắc Lắc xuống quê ngoại của các con tôi, chỉ hơn 100 cây số, nó tới lúc nào mà chẳng đươc!

          Thế nên lạy giời có mắt, hãy thương giùm cái thân già của tôi mà bảo nó chầm chậm ít bữa để lần đầu tiên tôi được mút hai mươi cây kem ngọt ngào mà nhà nước sắp ban cho (người răng rụng ăn kem là nhất)!

          Chỉ có vậy, nguyện ước cuối cùng của tôi là được ngồi mút kem với tiện nội trước hiên nhà, vừa thưởng thức vừa nói chuyện ngày xưa chúng mình có yêu nhau nhiều không nhỉ… Dù rằng cảnh ấy không đẹp và nên thơ bằng Kiệt Tấn ngồi mút kem (mà quên mút để chảy ướt áo) với em điên Evelyne xỏa tóc dài trên ghế đá công viên ở kinh thành Paris hoa lệ.


          Khuất Đẩu

          Viết giữa mùa ôn dịch


          (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
          Last edited by Nguyen Huu Thien; 09-05-2020, 03:20 PM.

          Comment


          • #6
            Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (9)

            NGÀY BUỒN NHẤT CỦA THẾ GIỚI



            Đó là ngày, một con (hay một bầy) quỷ bảy màu, không biết từ cái lỗ nẻ nào ở Vũ Hán chui ra, mà có lẽ vì mắc cỡ sao đó nên các chú con giời cứ dấu biến! Hay là biết rồi nhưng lại muốn dùng nó thay cho bom vi trùng, bom sinh học để thống trị thế giới. Nó biến hóa còn hơn 72 phép thần thông của con khỉ Tề Thiên, từ một con biến thành trăm con, như mẹ Âu Cơ của ta sinh trăm trứng, rồi từ đó với cấp số nhân, nó biến thành hàng tỉ và bắt đầu thử ngọn đao sắc lẹm với 10 triệu dân Vũ Hán đang bị cách ly để thử nghiệm như những con chuột bạch.

            Hảo lớ! hảo lớ! từ trước đã có 18 loại covid, nhưng chưa có loại nào tàn độc quỷ quái như con thứ 19 này. Nó hủy diệt nhanh đến nỗi những lò thiêu xác ở Vũ Hán, phải hoạt động liền tù tì suốt 24 giờ vẫn không kịp đốt hết xác, phải huy động đến cả những xe đốt rác lưu động các nơi đến trợ giúp, khói đốt xác đen kịt tuôn lên trời, còn hơn cả khói của những nhà máy nhiệt điện khổng lồ.

            Nhờ WHO bao che, các chú con giời cứ chối đây đẩy, “cái lày không có à, chẳng ai chét cả à”, nhưng từ ngày nọ sang ngày kia, những người còn sống sót cứ phải rồng rắn sắp hàng dài đến cả cây số để nhận lãnh tro cốt của người thân.

            Giống như điệp viên “không không thấy”, những con quỷ bảy màu đó âm thầm ẩn nấp trong cơ thể của một số dân Vũ Hán có nhà máy, công ty ở Ý, Tây Ban Nha, được WHO dán tem là không có virus và nếu có cũng không lây từ người sang người, nên được phép nhập cảnh, rồi từ đó, như những hỏa tiễn tầm xa mang đầu đạn virus nổ tung tràn lan ra khắp thế giới!

            Nó lây nhanh còn hơn tốc độ của âm thanh, nên chỉ trong vòng 2 tuần lễ, trên 200 nước và vùng lãnh thổ, đều có sự xuất hiện của nó và đã được tổng thống Mỹ cay đắng chỉ mặt gọi là Chinavirus, nôm na là cúm Tàu.





            Ngay khi tôi gõ những dòng này, gần 20 triệu người dương tính với nó và trên nửa triệu người đã vì nó mà chết trong tức tối ngậm ngùi vì không được một lần từ biệt người thân, cũng không một ai dám đến vuốt mắt, không cha cố nào đọc kinh cầu hồn hay nhà sư nào tụng kinh siêu độ.

            Những xác chết được bỏ trong bao, chất đống trong các hành lang bệnh viện, được ném vội vã vào lò thiêu hay chôn lấp trên hoang đảo.


            Thế giới rối tung! Trường học, nhà máy đóng cửa, các nơi vui chơi tụ tập đông người như ca nhạc, đua xe, bóng đá đương nhiên đóng sập, con số người thất nghiệp xin cứu trợ tăng đến chóng mặt, tổng thống các nước hùng mạnh như Pháp, Mỹ lúng túng như gà mắc tóc, rồi những cuộc biểu tình đủ kiểu nổ ra…chưa bao giờ thế giới đảo điên như lúc này.



            Có thể coi đây là chiến tranh thế giới lần thứ III, so với hai cuộc thế chiến trước, mức tàn phá của nó khủng khiếp hơn nhiều. Trước, nước nào hăng máu thì cứ việc đánh nhau u đầu mẻ trán mặc kệ, các nước khác cứ tỉnh bơ đứng coi bên ngoài, khôn ngoan thì làm ngư ông đắc lợi. Giờ, những nước ở tận nam bán cầu xa lắc xa lơ như New Zealand hay Na uy gần Bắc cực cũng không tránh khỏi. Đây là cuộc chiến tuy không có xe tăng đại bác, nhưng lại nổ đinh tai nhức óc suốt ngày đêm trên các trang mạng, chửi nhau ỏm tỏi, quy chụp lẫn nhau đủ các thứ tội ác, lớn nhất là tội diệt chủng.

            Nó là cuộc chiến toàn diện giữa cái thiện và cái ác, giữa sự thật và sự lươn lẹo dối trá, giữa Đông và Tây, giữa Mỹ và Trung Quốc… Sự bỉ ổi, sự đê tiện được dịp lộ mặt khi các thế lực đen tối tung tin tặc vào các phòng thí nghiệm để ăn cắp, nếu không ăn cắp được thì phá hủy các dữ liệu, các nghiên cứu sáng chế văcxin để chủng ngừa virus của các nước Mỹ, Nhật, Anh, Đức… Cũng vì thế mà đến nay vẫn chưa có một vacxin nào được công bố cho cả thế giới vui mừng.

            Cuộc chiến còn kéo dài, hết đợt này đến đợt khác, con virus chẳng những không bị làm cho yếu đi mà càng trở nên mạnh mẽ hơn, quỷ quyệt hơn, giết người mau chóng hơn.

            Bánh xe tiến hóa của nhân loại đã ngừng và chưa biết bao giờ mới khởi động lại. Nếu tình trạng này kéo dài đến hết năm 2020, nghĩa là chừng 6 tháng nữa thôi, thì con số dương tính có thể lên đến cả 100 triệu, số chết đến vài triệu và nguy hiểm hơn là sẽ có thêm hàng triệu người chết vì đói, hàng trăm cuộc xuống đường cướp, đốt, phá, hàng ngàn những kẻ bị xì trét phát điên lảm nhảm đi đầy đường, hàng chục ngàn những đứa trẻ bị bỏ rơi, và trong những thùng rác, hàng trăm, hàng trăm thai nhi tội nghiệp bị vứt bỏ!

            Nước Mỹ sẽ toang, Trump sẽ thất cử, fan cuồng đánh nhau với phe không cuồng như thời nội chiến bắc nam. Và, Trung Quốc, nếu đập Tam Hiệp không vỡ thì cả nền móng độc tài cộng sản cũng sẽ vỡ, dân Tàu sẽ lại như thời Hồng vệ binh, hay thời đại nhảy vọt, lại đổi con cho nhau ăn đỡ đói, nhưng với chính sách một con thì cũng chẳng sống thêm được mấy ngày, sẽ trở lại thời Đông Chu liệt quốc chia năm xẻ bảy, đánh nhau mù mịt.

            Cũng có thể nhờ thế mà những thằng to đầu bớt ra oai đe nẹt các thằng thấp bé lùn tịt. Biết đâu, lại sản sinh ra một học thuyết mới, nhân cách mới, chính trị mới nhân bản hơn…không còn là thế giới phẳng để ai cũng có thể lướt trên đó như trượt patin, mà là một thế giới mấp mô, quanh co, khiến người ta sống chậm hơn, bình dị hơn.

            Đúng vậy, nếu không bị tận diệt thì sau trận chiến với virus này, con người sẽ phải tỉnh táo hơn, khôn ngoan hơn, nhân ái hơn mới có thể tồn tại dưới bóng mặt trời. Một thế giới hậu covid 19 thanh bình sẽ sớm xuất hiện sau đêm dài hỗn loạn, tôi tin như thế.

            Khuất Đẩu
            Viết trong mùa ôn dịch

            (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-06-2020, 09:07 PM.

            Comment


            • #7
              Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (10)

              GỌI TÊN BẰNG HỮU



              (Friendship, Picasso, 1908)


              Trong bài hát Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn, có một hình ảnh thật dễ thương, đó là “em đứng lên gọi tên mùa hạ”.Tôi thì không dễ thương, nếu không muốn nói là dễ ghét, lại già lụ khụ, nhưng cũng ráng chống gậy đứng lên để gọi tên bè bạn.

              Người bạn tôi muốn gọi tên đầu tiên, là anh bạn hàng xóm. Anh họ Hồ tên Vĩ, cùng tuổi rồng với tôi nhưng không học cùng lớp, vì cha anh không háo thắng như cha tôi, nên không cho anh đi học sớm. Nhà anh làm nghề bán cốm bắp, do vậy anh có vẻ vất vả vì suốt ngày phải phơi bắp, lảy bắp, chứ không cà nhỗng rong chơi như tôi.

              Tôi gọi tên anh vì trong khi tôi đi học, thì anh bị gọi đi quân dịch (là thương nòi giống!). Xe từ Qui Nhơn đưa anh vào Dục Mỹ, vừa xuống xe sắp hàng đi vào trại Lam Sơn, bước thường-bước chứ không bước đều-bước vì chưa tập ắc- ê, đã bị VC pháo kích toi mạng.

              Đời lính đã quá ngắn mà đời anh cũng chẳng dài chi hơn. Trai nhà quê mới 18 tuổi, chưa có vợ nên cũng chưa biết giữa hai chân của “phía bên kia” nó có gì. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ anh lại sang ôm tôi mà khóc suốt.

              Cái chết của anh khiến ông bà và mẹ tôi cùng đi tới “thống nhất” rằng, tôi thà làm một kẻ bị nguyền rủa vì không thương nòi giống còn hơn là bỏ xác một cách lãng xẹt như thế. Nay tôi cũng xin thành thật khai báo, hồi đó tôi đã “chốn”đến những 15 năm!

              Người thứ hai, là một anh Bắc kỳ thòng lòng cộng rau muống, cùng học hai năm ngũ và tứ ở Cường Đễ, Qui Nhơn. Anh họ Trần tên Tường, giữa lót chữ văn, thường bị gọi đùa là Trần vanh Vách. Anh hơn tôi 3 tuổi, chững chạc, đạo mạo chứ không lí lắc như tôi. Vì đến tuổi, nên sau khi đậu trung học, anh đi quân dịch. Xong 18 tháng, trở về thấy bạn bè đã thi Tú tài, nghĩ rằng có học nữa cũng không theo kịp bè bạn, thôi thì đi Thủ Đức. Tại đây, anh đậu á khoa, mang lon chuẩn úy cũng le lói lắm. Lúc về, ghé thăm tôi có đem cho một trái mít tố nữ (mà con gái tôi sau này gọi nhầm là mít tố hữu, nghe cũng hay hay). Trong khi ngồi chờ xe lửa ở ga Nha Trang, anh bóc một trái khác, cả hai cùng ăn, lần đầu tôi thấy mít tố nữ đúng là thơm và ngon thiệt.

              Đó là lần gặp cuối cùng, vì sau đó, do chuyên về chất nổ, anh được đổi ra coi một kho đạn ở Quảng Ngãi. Vừa mới mon men muốn tìm người để yêu, thì bị VC pháo kích. Kho đạn nổ tung trời, anh cũng tan xác pháo luôn, gia đình không nhặt được chút gì gọi là của anh, đành lập mộ gió!

              Người thứ ba là một chàng thi sĩ thứ thiệt, rất nho nhã hiền lành, giỏi chữ Hán và thư pháp, họ Phạm, cùng họ với bà cố tôi, tên là Ngọc Lư.

              Tôi nói thi sĩ thứ thiệt vì chưa có thời nào, chưa có nước nào lại nhiều thi sĩ giả như ở nước ta bây giờ. Trước đây, miền bắc ra ngõ gặp anh hùng (giả), giờ, cả hai miền nam bắc ra ngõ đều gặp thi sĩ (giả)!

              Giả, trông tướng mạo là biết liền: có kẻ mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao như Mã Giám Sinh, ăn nói đểu cáng như Sở Khanh, cũng có kẻ quan chức đề huề như Kim Trọng, hay ngổ ngáo ngang tàng như Từ Hải, lại có kẻ nham hiểm như Hồ Tôn Hiến hay yếu hèn như Thúc Sinh…, coi lại truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới thấy cụ chẳng những tài giỏi mà còn rất thâm, vì tất cả những nhân vật đàn ông trong truyện, đều rất giống với thi sĩ giả!

              Còn thiệt, thì như Bùi Giáng, như Nguyễn Nhược Pháp, như Quang Dũng, như Hàn Mặc Tử, như Bích Khê, như Hoàng Trúc Ly…và như Phạm Ngọc Lư.

              Trước hết, họ không giống các nhân vật nam trong truyện Kiều, mỗi người tuy có những nét riêng, nhưng dù rách hay lành, dù điên hay tỉnh, họ đều có một nét chung là rất nhân bản. Thơ của họ không nhiều nhưng cùng đồng hành với thời gian, nên vang vọng tới hậu thế.

              Như Quang Dũng chỉ cần một bài Tây Tiến, với câu thơ: áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành, đã là thi sĩ “định mệnh tại thiên thư” rồi. Và, Phạm Ngọc Lư với bài hành Biên cương, mở đầu với lời chào thống thiết: Biên cương, biên cương, chào biên cương/ Chào núi non rừng thẳm nhiễu nhương! Đây biên cương, ghê thay biên cương/ Tử khí bốc lên dày như sương, …nghe như những hồi chuông báo tử.

              Được nghe anh đọc thơ trong một đêm gió cuồng ở Tuy Hòa, gần Củng Sơn nơi anh từng dạy học và thai nghén bài thơ, với những âm uông, ương tưởng chừng như đang nghe tiếng hú của những oan hồn!

              Sau 75, anh bỏ dạy đi Bến Tre bán dừa, đi đất đỏ Long Khánh cạo mủ cao su, cuối cùng về quê vợ ở Đà Nẵng, nhà gần viện bảo tàng Chăm, bị đuổi để xây cầu mới…nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

              Anh sống mực thước giản dị, dù làm gì vẫn ra vẻ một nhà nho lỡ vận. Anh chết vì ung thư phổi, cũng được an ủi đôi chút khi những phút cuối cùng có nhiều người ái mộ đến thăm và có một giọng hát tên Thu vàng đến tận bên giường hát cho anh nghe.

              Người thứ tư tôi muốn gọi tên với tất cả mến thương, là họa sĩ Đinh Cường. Tranh của anh được các nhà sưu tập và bạn bè lưu giữ nâng niu. Anh ưa vẽ chân dung các thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều nhất và có hồn nhất là chân dung của Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn. Còn dị hợm và rừng rú là chân dung của Sơn núi, tức Nguyễn Đức Sơn.

              Anh sinh ra không phải thi sĩ, nhưng trong cả ngàn bài ký theo dạng thơ tự do, lác đác một đôi câu xuất thần khiến Bùi Giáng cũng phải kinh ngạc.

              Trong số những họa sĩ mà tôi nghe tên, biết mặt, chưa có ai hiền và nhân hậu như anh. Dường như, chưa có ai phàn nàn về anh điều gì. Những năm cuối đời bị ung thư, anh vẫn âm thầm chiến đấu, vẫn vẽ cho đến khi không cầm được cọ nữa, mới nhắm mắt xuôi tay.

              Tôi quen anh qua chủ điền trang Thân Trọng ở Đà Lạt. Anh thường ít nói, ngồi một góc nhà, nhìn ai đó rồi lặng lẽ lấy giấy bút ra ký họa. Nhà tôi được anh vẽ tặng một bức “par ma mémoire” tưởng như anh mới gặp trong mơ, là một thiếu nữ 15, nhỏ nhắn đáng yêu, khiến bà nội của các cháu tôi rất thích.

              Người thứ năm, là Dương Nghiễm Mậu, nhà văn miền nam nổi tiếng. Anh là bạn cọc chèo với Đinh Cường. Đọc và thích anh từ thời anh viết Gia tài của mẹ, nhưng mãi sang đầu thế kỷ này mới quen anh, cũng qua bác sĩ Thân Trọng Minh.

              Như một số nhà văn miền nam, anh cũng bị cầm tù. Khi được thả, trước nhà anh lúc nào cũng có công an canh chừng. Anh có một truyện mà tôi rất thích, truyện Tiếng sáo của người em út. Người em nói với người anh ở xa về, “một đời, cha không làm điều gì xấu, khi chết con nên thổi sáo cho cha nghe”.Anh ta thổi sáo thay cho kèn đám ma, rồi cắm cây sáo lên mộ.

              Cuối đời mà nói được một câu an lành như thế, cũng có thể là của anh. Dù phải bỏ bút, học làm tranh sơn mài để sống, dù bị công an canh chừng, bị Vũ Hạnh ganh ghét, anh vẫn thản nhiên, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười.

              Tuy nhiên, anh cũng có cách riêng để thầm chứng tỏ phẩm cách của mình. Như chiếc tủ đựng đầy sách do anh viết, sau khi bị tịch thu đem đi đốt, giờ vẫn để trống không giữa phòng khách trông như một quan tài dựng đứng! và những mặt ghế phủ sơn mài bóng loáng, nổi lên những mặt của tuồng chèo đang quắc mắt, vểnh râu để khách kê…đít lên ngồi, càng nhiều đít kê lên, những khuôn mặt kia càng bóng như được thoa bằng mỡ lợn!

              Anh mất rất bất ngờ, nằm bệnh viện chưa được 30 tiếng, các bác sĩ đang loay hoay cố tìm ra bệnh, thì anh đi. Tôi ở xa quá, không kịp đến tiễn đưa anh, cũng thật buồn.

              Hãy còn nhiều người bạn khác, tuy già, nhưng vẫn đang khỏe mạnh. Họ là những người dù ở xa vẫn nghĩ đến tôi, là đóm sáng trong những đêm bão giông của thời cuộc, là cuộc gọi tâm tình kín đáo giữa đêm khuya, là đội mưa đến thăm nhau trong một chiều đông lạnh, là một bức tranh vẽ tặng trong lúc cố quên cơn đau ruột thừa, là gói quà từ tầng thứ 16 một cao ốc ở ngoại ô Paris, là tiếng nước sôi trong ấm vọng lại từ bên kia bờ đại dương…tôi gọi thầm họ trong từng trang viết vì tôi biết rằng họ sẽ đọc tôi, sẽ khóc cười chửi rủa cùng tôi…

              Xin được cảm ơn tất cả!

              Khuất Đẩu
              Viết giữa mùa ôn dịch


              (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
              Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-06-2020, 09:06 PM.

              Comment


              • #8
                Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (11)

                CÓ NHỮNG CHIỀU…


                Những chiều chưa tắt nắng, không dưng bỗng thấy buồn, một nỗi buồn nhè nhẹ như khói như sương, mà sao lòng vẫn cứ thấy nao nao.

                Đó là chiều “trên đường về nhớ đầy” “ngỡ lòng mình là rừng/ ngỡ hồn mình là mây” của Hồ Dzếnh.

                Là, “chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” của Quang Dũng.

                Là, chiều tím, “tím cả chiều hoang biền biệt” của Hữu Loan.

                Hóa ra, chiều vàng, chiều xanh, chiều tím, chiều nào cũng đều “nhớ đầy” cả! Kẻ nhớ nhà châm điếu thuốc, người nhớ đôi mắt người Sơn Tây, người nữa nhớ người vợ “ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới”.

                Tôi không là thi sĩ, nhưng cũng có một buổi chiều không màu, “chiều nhớ thương ai, người em tóc dài”.

                Gọi “người em” bởi vì nàng có lẽ nhỏ tuổi hơn tôi. Lại kêu “ai” trổng không vì chẳng biết tên họ nàng là gì. Chỉ biết mẹ nàng có quen biết mẹ tôi. Mẹ nàng giàu, (mẹ tôi thì nghèo) vợ một ông hào lý, nên thường được gọi là bà xã T… Một hôm tình cờ, cùng đi chung với nàng và mẹ nàng một đoạn đường khoảng sáu bảy cây số gì đó. Tôi từ Quy Nhơn đi học về, nàng theo mẹ đi chợ Bình Định, còn gọi là chợ Gò Chàm. Khi lội qua một con mương nhỏ, cả hai mẹ con nàng đều phải xắn quần lên quá gối.

                Chỉ có vậy thôi mà nhớ đến tận hôm nay, tức là hơn 60 năm. Nhớ, không phải vì đôi chân trắng của nàng mà vì mái tóc, một mái tóc dài kiểu Evelyne của Kiệt Tấn, nhưng đen chứ không vàng.

                Khác hẳn với con gái thời ấy, không hiểu sao nàng không kẹp tóc mà lại xỏa ngang lưng bồng bềnh, nên khi qua cánh đồng rộng, nàng đi trước tôi theo sau, gió thổi tóc nàng bay bay, khiến tôi nhiều lúc cầu trời cho tóc nàng chạm vào mặt mình, nhưng trời không chịu nghe!

                Suốt một đoạn đường quanh co khá dài, khi men theo những hàng tre kẽo kẹt, khi ngang qua cánh đồng vừa mới gặt, tôi và nàng chưa hề nói với nhau một lời. Dù tôi vẫn cầu trời cho bà cụ vấp ngã (xin lỗi cụ), hay kêu mỏi chân để tôi có cơ hội (ngàn vàng) dắt cụ đi, nếu cần thì làm Lục Vân Tiên cõng cụ, nhưng trời vẫn hại tôi, nên cụ cứ thong dong rảo bước, đường xa thì mặc đường xa!

                Sau đó, tôi có tương tư chút đỉnh, còn nàng thì tỉnh bơ đi lấy chồng, tôi cũng chẳng có cơn cớ gì để mà “đưa em sang sông”. Nhưng từ ấy, tôi bắt đầu yêu những mái tóc dài, rất không yêu tóc demi garcon như Nguyễn Tất Nhiên.

                “Những chiều không có em, hay chiều một mình qua phố”,(thời chưa bị người em tại gia quản lý), cứ đi tới đi lui đi qua đi lại, mòn vẹt cả đôi giày, buồn thì có buồn nhưng không “rầu”. Vả chăng, nhờ có những buổi chiều dài “cà nhỗng chống xâm lăng” như thế, nếu không thì cuộc đời chắc buồn đến “bã” xác ra rồi!

                Những buổi chiều trên bến Phú Văn Lâu, con sông Hương đã đẹp lại càng đẹp hơn bởi những mái tóc thề của nữ sinh Đồng Khánh. Đó là nét đẹp của tóc vừa chấm ngang vai, của áo trắng, quần trắng và nón lá trắng, lá mỏng đến nỗi soi thấy những câu thơ lót trong đó, nên còn gọi là nón bài thơ. Hoàng Trúc Ly trong một lần nằm mơ đã thấy “con gái bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim”.

                Đúng là giấc mơ của thi sĩ, còn đẹp hơn cả người thực, cảnh thực.

                Chiều trên Cửu Long giang với “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, mà trời thì “bảng lảng bóng hoàng hôn”, cho ta một nỗi buồn vô tận, dù không biết buồn gì. Thế rồi, trên chiếc thuyền mỏng mảnh như lá tre, dáng một cô gái ngã rạp mình lên mái chèo, giống như một con cá từ dưới sông phóng mình lên, phải nói là không hình tượng nào mềm mại hơn, xinh đẹp hơn. Và cho dù không ưa ca cải lương, tôi vẫn muốn rụng tim khi nghe cô cất lên câu hò lục tỉnh, thật dài, thật lênh đênh cùng sông nước mênh mông.

                Cũng có những chiều vui vui. Như chiều trên những thửa ruộng vừa bừa xong còn nghe mùi bùn. Những thợ cấy toàn là nữ, ai cũng tóc đen, mắt đen, quần áo đen, chỉ có nón trắng, và vì cùng cúi xuống nên nhìn từ xa chỉ thấy những chiếc nón sắp nghiêng nghiêng thành một hàng dài trên mặt ruộng phẳng như gương. Trong gió chiều hây hây, tiếng đệm hế hò hê bay cao vút, nghe thanh thoát làm sao, trẻ trung làm sao dù người thợ cả có khi già đến 60 tuổi!

                Những chiều “gánh/ gánh gánh/ gánh thóc về” của Phạm Duy, nghe rộn rã tươi vui như những tiếng cười dòn tan của nông phu lúc được mùa.

                Còn “chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu, …trời mưa trời mưa không dứt…” của Trịnh Công Sơn, thì đúng là quá buồn.

                Nhưng giả như có một chiều buồn nẫu ruột như thế mà không một lời hẹn trước, em bỗng đến thăm anh, thì ơn phước làm sao, kỳ diệu làm sao! Em không sợ lấm gót chân, không sợ ướt trái tim, đội cả mưa và gió đến thăm anh… yêu như thế là đã hết mình rồi, cần gì phải “đêm khuya thân gái dặm trường” như nàng Kiều.

                Nhưng nếu bảo rằng, chỉ đến thăm không thôi là chưa “đủ”, chưa “tới bến”, thì coi chừng, em có thể “trao duyên nhầm tướng cướp”!
                Lại có những chiều cứ như trong xi nê, đó lúc chiều về “bà già lí le ông già” dắt ông ra bờ sông (mà không sợ rớt xuống sông ướt cái quần nilon), nói với con cháu: tụi bay cứ việc vui chơi thoải mái, khỏi lo chi ba má, và tụi nhỏ thì reo lên: thiệt hả ba, thiệt hả má? thế là cả nhà cùng vui!

                Xem ra những cặp đôi bè bạn mà tôi có hân hạnh quen biết, các bà đều “lí le” cả. Bà thì giữa rừng xe cộ đầy khói bụi vẫn lái xe chở ông đi thăm bạn già (không bạn gái đâu nhé) vì mắt ông yếu; bà thì từ bên Mỹ vẫn bay qua nửa vòng trái đất, theo canh chừng vì sợ về Việt Nam ông có thể bị (sa) ngã!

                Lí le, là làm ra vẻ khỏe hơn, mạnh hơn, nhưng thực ra các bà cũng đã xìu xìu (chưa đến nỗi ễnh ễnh), chẳng qua là cố lên vậy thôi. Thương là thương ở chỗ đó, tình nghĩa phu thê cũng là ở chỗ đó, chỗ “lí le” ấy mà.

                Bồ Tùng Linh có kể (phịa) một chuyện rất ngộ. Có một cụ ông vừa chết còn để nằm đó chưa tẩm liệm, bỗng cụ ngồi dậy. Hỏi sao, cụ bảo chết để vợ sống một mình tội quá, con cháu nó thế này thế khác, nên quay về rủ vợ cùng chết. Cả nhà vừa sợ vừa buồn cười, nhưng cụ ông gắt, bảo vợ phải nằm bên cạnh. Cực chẳng đã bà cụ phải làm theo, thế là cả hai ông bà cùng “đi” một lượt!

                Hay đấy chứ, nhưng tôi chẳng dám đâu, bà nhà tôi hãy còn ham vui lắm.

                Thôi, buồn ơi, chào mi!

                Khuất Đẩu
                Viết giữa mùa ôn dịch

                (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
                Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-06-2020, 09:06 PM.

                Comment


                • #9
                  Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (12)

                  CÓ NHỮNG ĐÊM VỀ SÁNG…



                  Đây là những đêm cuối đời, dài tưởng chừng như vô tận, chờ mãi mà trời vẫn chưa chịu sáng. Ngoài phố đêm, tiếng nổ cành cạch của xe chở hàng về khuya, rồi tiếng còi toe-toe cố kéo dài ra để đánh thức những người dậy sớm đi tắm biển, mãi mới nghe được bước chân rời rạc của những người sáng sớm tập thể dục, đi bộ.

                  Cái thân tứ đại suốt một đêm dài cũng đã mỏi quá rồi, nghiêng bên nào cũng đau cũng nhức, cứ muốn nằm dài mãi ra rồi chảy tan thành nước.

                  Ừ nhỉ, chết mà được như cục nước đá để ngoài trời, cứ mỏng dần, mỏng dần rồi tan biến lúc nào không hay, thì hay biết mấy. Chỉ cần đặt một cái thau hay cái chậu dưới gầm giường, rồi nằm im mà nghe xương thịt của mình nó tan chảy ra, nhỏ xuống từng giọt không hơn là nằm khò khè giữa tường trắng lạnh căm? Ít giờ sau, người nhà cứ việc bưng đi đổ, thế là xong một đời!

                  Cả triệu người chết vì con covid 19 cũng khỏi phải thiêu, khỏi phải chôn, cứ việc đặt những cái ống dẫn vào một cái hầm có khử trùng, xem ra rất tiện lợi và cũng rất kinh tế (đừng nhầm kinh thế).

                  Nhưng nói như Nguyễn Gia Thiều, trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán/ chết đuối người trên cạn mà chơi, nghĩa là ông trời bé cũng nghịch ngợm lắm, mà lại nghịch ác nữa nên mới bắt phải chết khô như cá chết trên cạn, chứ đâu chịu để cho chết ngon lành như thế. Kể ra, nghĩ cũng buồn cho cái giống người!

                  Nhưng mà thôi, trời chưa cho chết thì hãy cứ sống, còn một phút một giờ cũng rán mà sống.

                  Gabriel Marquez, tác giả Trăm Năm Cô Đơn lừng lẫy, chẳng những muốn sống mà còn muốn yêu và được yêu nữa kìa. Một nhân vật của ông, dù đã từng ngủ với hơn 500 người đờn bà, vẫn chưa biết thế nào là tình yêu, nên trong đêm sinh nhật thứ 90, ông ta muốn ăn mừng với một em bé hãy còn trinh!

                  Thế rồi mụ chủ chứa cũng kiếm được cho ông một em mà theo lời bà nói là hãy còn mặc tã lót, nên phải cho uống hợp chất đồng với lá cây gì đó để em khỏi hoảng sợ.

                  Khuya, ông đến thì thấy em nằm cong cong như đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Ông có thử lay em dậy nhưng em vẫn ngủ mịt mù. Không biết làm gì hơn, ông nằm ru em ngủ, với tên em do ông phịa ra. Những đêm sau cũng vậy, rồi ông bỗng nhận ra rằng nằm bên em mà không làm gì hết, nhưng vẫn cứ muốn gần em, đấy chính là tình yêu. Thế là ông khởi sự yêu em như trai 17, cũng ghen tuông cũng lo sợ, sau cùng ông trao tặng hết tài sản cho em và cùng em bước sang tuổi 90 với tiếng chuông nhà thờ đang đổ hồi ngân nga như chúc mừng!

                  Ôi chao, quá tuyệt vời là trí tưởng tượng của nhà văn xứ Nam Mỹ, thảo nào người ta gọi ông là nhà văn huyền ảo. Nhưng ở cái xứ Macondo thì được chứ ở xứ này, vào đồn công an là cái chắc!

                  Thế thì hãy đến Bhutan, một xứ sở nằm dưới chân Hy mã lạp sơn, được coi là nơi đáng sống nhất trên trái đất này, chứ không phải Tàu hay Mỹ. Một nơi mà mọi người đều sống chan hòa cùng với thiên nhiên, chỉ nghe tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, ngoài ra không có tiếng còi xe nhức óc, không tiếng nhạc xập xình của ba bảy, ngay cả rạp xi nê dường như cũng không có.

                  Nhưng mới đây, công viên quốc gia của họ được liên hiệp quốc cho tiền để bảo tồn, thì xì thẩu bên kia núi chìa cái túi tham không đáy ra bảo lày là đất của ngộ á, hãy đưa tiền cho ngộ á!

                  Thế thì biết sống nơi nao, hỡi trời!

                  Những đêm về sáng, trời không mưa mà vẫn nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn, nghe đi rời rạc trong hồn… là vì vậy. Mà hồn của người già thì từ lâu đã không có tấm liếp nào nữa che gió về, nên nó cũng đã xơ xác tả tơi lắm rồi.

                  Thử nghĩ đến bạn bè, lại giật mình thấy mình quạnh hiu hơn nữa. Không kể những bạn đã ra “đi” lúc tuổi còn xanh, chỉ kể những bạn sắp già hay cùng già, những năm gần đây thôi, thì mười người đã “đi” hết bảy còn có ba! Rồi lại sẽ “đi” thêm hai nữa chỉ còn một, mà người sau cùng chưa “đi” lại chính là mình, thì thật kinh khủng quá!

                  Cứ tưởng tượng, sáng ra mở mạng chẳng thấy ai nhắn nhe gì mình, rồi suốt một ngày dài cũng không một tiếng điện thoại nào reo, trong khi cuộc sống vẫn ầm ầm lướt qua bỏ lại mình đứng trơ trọi như một trụ cây số bên đường thiên lý cũ, ngay cả chút nắng chiều cũng không thèm dừng lại, thế thì thật tội nghiệp cho những ai phải sống dai!

                  Có nhiều người bảo không cần đi đâu xa, chỉ cần làm theo lời Phật dạy là đã sống an nhiên tự tại được rồi. Tiếc rằng tôi không được cái duyên làm đệ tử của Ngài và vì tôi trộm nghĩ, con đường giải thoát mà Ngài khó nhọc mới tìm ra được cũng chỉ đủ cho riêng Ngài thôi. Mỗi người đều có một con đường của số phận mình, không thể thấy con đường kia to rộng hơn mà bỏ đường này để sang đường đó được.

                  Đó là chưa nói tới con đường đến Niết Bàn xa thăm thẳm và cao chót vót, với hàng tỷ tín đồ từ nhiều ngàn năm qua, chen chúc nhau đến nghẹt cứng như thành phố giờ cao điểm kẹt xe, thì cái gọi là an nhiên tự tại cũng chỉ là một phép “tự sướng” mà thôi.




                  Vậy thì pha thêm một tách cà phê, đốt thêm một điếu thuốc, mở một đĩa nhạc mà lớp trẻ gọi là nhạc sến già, một mình chờ sáng cũng có thể tự bằng lòng mà rằng, mình cũng đang được an nhiên tự tại đây!

                  Thôi nhé, chào ngày mới! Mừng vì được sống thêm một ngày!

                  Khuất Đẩu
                  Viết giữa mùa ôn dịch

                  (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)
                  Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-06-2020, 10:10 PM.

                  Comment


                  • #10
                    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (13)

                    TRỞ VỀ VỚI SỐ KHÔNG!




                    Ai sinh ra ta?
                    Mẹ!
                    Ai sinh ra mẹ?
                    Mẹ của mẹ!
                    Ai sinh ra mẹ-của-mẹ?
                    Mẹ-của-mẹ-của-mẹ!
                    Hỏi tới chiều thì đến Mẹ Âu Cơ!
                    Hỏi tới sáng thì Mẹ Trái đất!
                    Hỏi nữa, thì Tạo hóa!
                    Rồi ai sinh ra Tạo hóa?
                    Tự nhiên!

                    Tự nhiên là cái gì?

                    Là nơi “không có đâu” (chữ Nhượng Tống dịch Nam Hoa kinh của Trang tử), tức là một nơi không có trên thế gian này, nên ngay như Trang tử mà cũng không biết hình thù mặt mũi của nó ra sao.

                    Không là đất, không là nước, cũng không là khí, tất cả chỉ là một cõi không vô tận, nhưng dưới tầm nhìn hữu hạn, ta thấy đó là một nửa vòng tròn vĩ đại, thường gọi là bầu trời. Phía trên một nửa bầu, phía dưới cũng một nửa bầu, ráp lại thành một con số không bát ngát.

                    Cái màu xanh mà ta trông thấy đó thực ra không màu, nó xanh chỉ vì nó quá cao và quá xa, cũng như nước biển xanh thẳm vì biển quá rộng và quá sâu.

                    Cái bầu đựng ta cao rộng là vậy, nhưng trước đó nó bé nhỏ lắm chỉ vừa đủ một vòng ôm thôi, đó chính là cái bụng bầu ấm áp của mẹ ta.

                    Bụng mẹ tròn như con số O, và từ con số không ấy, bỗng dưng một hôm ta có mắt có mũi, có da có thịt, có cái mà nhà Phật gọi là thân tứ đại.

                    Rồi ta chui ra khỏi con số không, cái miệng bé xíu biết khóc oa oa, biết tìm đến hai bầu sữa, biết cười ngỏn nghẻn, biết nói bi bô, biết dạ biết thưa, biết đánh vần tôi yêu tiếng nước tôi, rồi biết nói ngọt ngào tôi yêu em và biết hôn môi…(ai ở Pháp thì hôn theo kiểu Pháp, rất ngọt ngào và lãng mạn như Kiệt Tấn hôn Diane bên bờ sông Seine).

                    Để phân biệt giữa con người và con vật, người ta bảo khác nhau và hơn nhau ở chỗ con người biết cười, còn con vật thì chỉ biết nhăn răng. Khi hai bờ môi khép mở nhưng không để ăn để nói, để hôn thì đúng là để cười rồi.

                    Chỉ nhếch mép một chút là cười mím chi, thêm một chút nữa là nhoẻn miệng cười, rồi cười nụ, cười như thể hoa ngâu, cười hở mười cái răng …có rất nhiều cách cười, nhưng cười đẹp nhất dù không hề nhéch mép động môi, mà cả thế giới đều phải ngước nhìn là nụ cười của La Gioconda.

                    Rồi cũng từ cái miệng đủ vành đủ kiểu ấy, mà lời nói không mất tiền mua cứ việc tuôn ra, có lúc khiến người khác sướng ngất ngây vì những lời có cánh, nhưng cũng có lúc dại mồm dại miệng làm chết đuối người trên cạn như chơi.

                    Ôi cái miệng của riêng mình đã lắm chuyện, mà miệng của người tức là miệng đời còn lắm chuyện hơn nữa. Nào khen nào chê, gọi chung một tiếng là đàm tiếu. Những trăm năm bia đá thì mòn/ ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Hay trâu chết để da/người ta chết để tiếng. Tố Hữu chết danh thi sĩ nịnh bợ vĩ đại với câu thơ có một không hai: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin!”.

                    Lúc này, vì sợ con covid chui ra hay chui vào miệng mà lây bệnh tràn lan, nhà nước buộc ai ra đường cũng phải đeo khẩu trang, ai không đeo bị phạt đến cả tiền triệu…Xem ra cũng có cái hay là bớt nói những lời bậy bạ, lại giãn cách đến những 2 mét, thì chỉ có ngồi một chỗ mà quẹt smart phone đến mòn tay thôi (Nguyễn Tất Nhiên cũng ngoắc đến mòn tay người bên kia sông rộng).

                    Nói đến tay thì còn lắm chuyện để nói hơn nữa. Có bàn tay năm ngón kiêu sa dường như suốt ngày chỉ để vén tóc làm điệu không thôi!

                    Có bàn tay bán cốm làng Vòng gợi nhớ đến hương sen thơm ngát.

                    Có bàn tay ve vuốt đê mê, cũng có bàn tay lạnh lùng siết cổ.

                    Có bàn tay dựng nước, cũng có bàn tay hại nhà.

                    Và giờ đây trong thời ôn dịch, cầu thủ hai đội banh không được bắt tay chào nhau, mà chỉ có thể bắt chưn bằng cách đá nhẹ vào chân đối thủ!

                    Trước đây có bàn tay lông lá của giặc Mỹ, giờ có bàn tay tuy không lông nhưng rất nham hiểm của giặc Tàu. Cục tình báo Hoa nam đã cài cắm vào cái xứ cựu thuộc địa này biết bao nhiêu là gián điệp, không chỉ một trăm mà nhiều trăm, rồi không chỉ một ngàn mà nhiều ngàn như tướng Trương Giang Long đã nói (nhưng ngay sau đó ông bị bịt miệng).

                    Thế đấy, chỉ miệng và tay là đã thấy mệt ngất ngư con tàu đi rồi, thêm đến chân, rồi óc-não- tim-gan-phèo-phổi nữa thì biết đến bao giờ cho hết chuyện.

                    Xem ra, khoảng trống giữa con số O, tưởng rằng “không” mà lại “có” rất nhiều. Phật nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là vì vậy.

                    Vòng đời của một người cũng lại là một vòng tròn khép kín như con số O, tức là từ lúc sinh tới lúc chết, có thể rất bé vì chết sớm, có thể rất to vì sống dai. Nghe đâu vòng của ông Bành tổ to như cái nong vì sống đến 700 năm, còn vạn vạn tuế như Tập Cận Bình mong muốn thì chắc chắn sẽ sớm vỡ thôi vì chỉ như con nhái mà lại muốn to bằng con bò.

                    Như vậy, thì ta khởi sự từ một chấm rất nhỏ nào đó ở một nơi “không có đâu”, tưởng sống là cứ việc phom phom đi tới trên một đại lộ thẳng băng, hưởng đủ lạc thú trên đời, không ngờ “đi lanh quanh cho đời mỏi mệt”, cuối cùng lại gặp chỗ khởi đầu.

                    Đơn giản vậy thôi, chẳng có triết lý triết luận gì cao siêu mà phải ầm ĩ. Giờ tôi chỉ muốn nhớ đến bàn tay đưa nôi và những lời ru êm ái của mẹ. Tôi, lúc này không răng, tay chân quờ quạng vụng về, khác gì một đứa trẻ chưa đầy tuổi.
                    Chỉ khác là đã nói quá nhiều trong suốt 80 năm qua, có lúc nói nhỏ nhẹ dễ nghe, nhưng cũng có lúc ồn ào vì hét thật to.


                    Đã đến lúc im lặng để trở về với con số O. Chỉ xin được nói một lời cuối, rằng dẫu sao tôi cũng đã sống một cuộc đời không đến nỗi tệ và tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả, những kẻ yêu tôi, đương nhiên, và những kẻ ghét tôi, đều được tôi trân trọng như nhau.

                    Xin chào con số O, giờ không còn cộng lại để bằng một, mà là nhân để bằng O. Chấm hết!

                    Khuất Đẩu.
                    Giữa mùa thu chết, 2020


                    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-08-2020, 09:57 PM.

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X