Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện Những người muôn năm cũ

Collapse
X

Truyện Những người muôn năm cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện Những người muôn năm cũ

    Những người muôn năm cũ
    (Hai Hùng SG)

    ***
    Dịch bịnh đang trở lại sau vài tháng tưởng chừng như mọi chuyện đã an bài, không ngờ lần này nghe nói nó dữ tợn hơn, nó đã khiến cho một số công việc kiếm cơm hàng ngày của một số người bị ảnh hưởng không nhỏ...

    Sáng nay cuối tuần, tui không phải vất vả "Chạy xe ôm" nên tui thả bộ trên con đường trong xóm, trước là hít thở không khí trong lành, hai là vận động cho tay chân xương khớp đỡ nhức mỏi, máu huyết tuần hoàn khắp châu thân để khỏi bị "Ngầu Lôi tăng kể"..

    Đang tà tà nhìn trời trong veo, xa xa vài cách chim bay đi tìm mồi gọi nhau ríu rit, bổng đâu sau lưng tui nghe tiếng mời mọc:

    - Chú Hùng đi chợ hả, leo lên xe con cho quá giang.

    Tui ngó lại thì thấy thằng Đen chạy xe ôm trong xóm, tui trả lời cho nó:

    -Đâu có bây, tao thể dục buổi sáng lòng vòng trong xóm thôi, chợ búa gì giờ này.

    Thằng Đen cố cãi lại:

    - Chèn ơn, tại chú Hùng quên đó thôi, tháng trước con chở chú đi chợ còn sớm hơn giờ này nữa.

    Biết mình hơi hố, tui nói với thằng Đen:

    - À tại bữa đó tao mua thịt quay về cúng ông Thần Tài bây ơi, người ta nói mình mần ăn phải cúng kiếng thì mấy ngài mới phù hộ cho mua may bán đắt.

    Chợt nhớ lời chào của nó lúc nãy tui thắc mắc:

    - Mà sao hôm nay bây cho tao quá giang, chạy xe ôm mà cho quá giang rồi tiền đâu bây ăn cơm gà xối mỡ. Nếu có đi tao cũng trả tiền bây đàng hoàng chứ ai đi không coi sao được, mà làm vậy tội nghiệp bây lắm.

    Thằng Đen tủm tỉm cười rồi nó nói:

    - Ờ thì con nói vậy với chú, chứ chú Hùng hào sảng thấy mồ, có khi nào chú đi không phải không chú.

    Thì ra tui hiểu lầm, nó mời mình đi xe ôm của nó, nhưng lịch sự nó nói cho quá giang làm tui tưởng bở, nhưng suy cho cùng nhà thằng Đen cũng nghèo nên nó phải vậy thôi, đâu đáng trách phải không các bạn.

    Thấy tui không đi xe, thằng Đen vẫy tay chào tui rồi rồ ga phóng thẳng ra đầu ngã ba đường cái để đón khách, tui nghĩ thầm trong bụng:

    "Sáng sớm huốt cú này không biết chút nữa ra ngoải nó có đốt phong long mình không đây".

    Tiếp tục bước đi và tận hưởng cái không khí yên tĩnh của buổi sáng, khi tới trước của nhà bác Tư Chuông thì tui giáp mặt với thằng Lạc Lớn, thằng bạn rất thân thiết với tui từ lúc còn ở truồng tắm mưa trong xóm cho đến tận bây giờ, cũng nói thêm thằng Lạc nó học giỏi lắm, cứ tới hồi làm tổng kết trong lớp thì tên nó lúc nào cũng chễm chệ nằm trên "Bảng Danh Dự" trong lớp, đã vậy nó có cái tài nhớ dai dữ vô cùng, đám bạn trong xóm đặt cho nó là "pho sử sống" vì việc gì xảy ra trong xóm nó đầu nhớ vanh vách.

    Thấy tui trờ tới ngang cửa nhà bác Tư Chuông tía của nó, thằng Lạc la lớn lên:

    - Ê mầy Phương (Tui phải mở ngoặc để nói rõ chỗ này, vì các bạn sẽ thắc mắc sao thằng Đen lêu tui là chú Hùng, còn thằng Lạc Lớn kêu tui bằng Phương. Tên Hùng là tên theo giấy khai sanh của tui, mấy đứa nhỏ mới sinh sau bảy lăm chỉ biết tui tên Hùng, có ít đứa biết tui tên Phương, có những người dân cố cựu nơi này mới kêu tui là Phương, và ngược lại họ chẳng biết tui có thêm cái tên cúng cơm là Lâm Quốc Hùng) mầy đi đâu sớm bửng vậy?

    Tui mùng rỡ hét lên:

    - Thằng quỷ mầy về hồi nào vậy, ở La Ngà lóng rày sao rồi, mầy mần ăn khá không, rồi có bà nào ráp vô góp gạo nấu ăn chung chưa?

    Thằng Lạc lôi tui vô ngồi trên cái ghế ở hàng ba, nó chậm rãi kể:

    -Thôi mầy ơi! Nói La Ngà vậy chứ tao nằm tuốt trong rẫy, mùa này hạn hán nặng quá, vườn tược héo úa hết ráo, ao cá nhà má tao cũng khô queo không còn một hột nước nào hết.

    Tui hỏi tiếp:

    - Rồi Sao mà sống? Mầy có mần gì thêm hông?

    Nó nói :

    - Ờ thì tao cũng làm thêm nghề sửa đồ điện, quạt máy, radio, bàn ủi V.v... Nhưng cũng thất thường lắm mầy ơi, còn cái vụ bà này bà nọ tao chưa dám mơ, nghèo sặc gạch có ma nào nó thèm.

    Tui gặng lại nó:

    - Thiệt luôn hả mậy, nồi nào úp vung nấy mầy ơi! Nhiều khi duyên số chưa tới, mà hổng chừng có bà nào mơ ước về nhà chung với mầy mà họ ngại ngùng không?

    Thằng Lạc thú thiệt:

    - Nói nào ngay, mấy năm về trước cũng có một cô khách tới sửa cái bàn ủi, chèn ơi bàn ủi cũ mèm, đã vậy nó cháy cái ruột đen sì khét lèn lẹt thì sửa cái giống gì, tao thấy hoàn cảnh cũng giống mình, thôi tao tặng cổ cái bàn ủi điện của bác Tư để lại cho tao, tao xài cái bàn ủi than con gà cũng được, mà ở quê thì "năm thuở mười thì" mới ủi đồ để đi đám cưới, ngày thường giặt đồ xong giũ phành phạch rồi phơi lên hàng rào, khô rồi xếp cất, tới hồi bận thì lấy ra tròng vô cài nút là xong.

    Nghe nó diễn tả dông dài, tui hối thúc:

    - Rồi sao nữa, bà đó cảm động ôm mầy hun thắm thiết, cảm ơn thiệt nhiều, rồi hai đứa hẹn hò phải không?

    Thằng Lạc nghe tui nhảy vô họng nó kiểu đó, nó cười khằng khặc rồi nó nói:

    - Mầy coi tiểu thuyết dữ quá nên mầy thấy dễ yêu vậy đó, mầy làm như cô ta bị "Sét" đánh không bằng.

    - Chứ sao nữa, mầy vô đề cho rồi, mầy cứ lòng vòng tao nóng ruột thấy tía luôn nè.

    Bằng đôi mắt buồn buồn, thằng Lạc kể:

    -Nghe tao tặng cái bàn ủi, cô ta xúc động thật sự, mầy biết mà ở vùng sơn lâm chướng khí cho dù được ai tặng cho món quà nhỏ họ cũng vui lắm, không phải vì vật chất đâu, họ vui vì cái tình người đối xử với nhau đó mầy.

    Thằng Lạc kể tiếp, sau vài lần ra nhờ sửa các loại đồ điện thằng Lạc không lấy tiền công, vì lúc này nó cũng bắt đầu có cảm tình với cô nọ, còn về phần cô ta tuy biết bạn tui không lấy tiền vì cô cũng nhận thấy tín hiệu con tim mình đang thổn thức, cô hái trái cây vườn nhà trồng đem ra tặng lại cho Lạc, từ đó hai người thỉnh thoảng chở nhau bằng xe đạp đến các quán cà phê trong vùng để cùng tâm sự.

    Một hôm cô nàng lấy hết can đảm nói với thằng bạn tui, cổ muốn hai đứa mình góp gạo nấu cơm chung, thằng Lạc cũng vui mừng vì tưởng đâu đời mình từ đây có một mái ấm thật sự cho những ngày tháng còn lại trên trần gian này.

    Lạc ra sức làm việc để dành được chút ít nhằm làm của cho hai vợ chồng sinh sống.

    Chờ hoài, chờ hoài đến ngày hai đứa ra mắt lối xóm bằng mâm cơm đạm bạc, bóng dáng cô nàng vẫn mất hút biền biệt nơi nào, cơm lạnh canh nguội mà chưa ai được đụng đũa tới, bà con ngồi ngó nhau lắc đầu ngao ngán, chừng hết kiên nhẫn thằng Lạc mời bà con chung vui với mình khi không có "cô dâu" ra mắt, dĩ nhiên bữa cơm đó coi như đãi thông thường vì không có cô dâu nên họ không đưa cái bao thơ mừng như những đám ra mắt khác.

    Tui nghe đến đây lòng đầy bất nhẫn, bao nhiêu tâm trạng ghét bỏ tui dành hết cho cô này, nhưng khi thằng lạc kể tiếp tui mới thấy mình hồ đồ vì "Chưa qua giao thừa là chưa phải tết".

    Thằng Lạc kể tiếp:

    - Tao suy sụp tinh thần kể từ hôm đó, cô ta như tan biến khỏi nơi này như một làn khói mong manh của những mái nhà tranh nấu cơm chiều, rồi hai ngày sau cô ta đến nhà tao, cô quỳ xuống xin tao tha thứ vì chuyện hôm rồi, cô đưa ra tấm giấy chứng nhận cô đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cô không muốn tao phải đau khổ về sau nên cô đành phải làm vậy.

    - Rồi mày tính sao?

    - Tính con khỉ gì nữa Phương, duyên đến đó tận thì thôi đành chịu, níu kéo cũng không khá hơn nên tao cũng không trách cứ mần chi, vậy đó mầy thấy buồn không.

    Tui chẳng thể nói thêm lời nào, thương cho thằng bạn mình tình duyên trắc trở, một phần tại thằng Lạc quá hiền, tánh tình chân chất thật thà, sống một thời gian dài sau này, vậy mà nó không hề bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu như nhiều thành phần trong xã hội hiên nay.

    Dường như để cho cảm xúc buồn lây với nó qua chuyện này, nó lái qua câu chuyện khác, những câu chuyện nếu nó không kể lại tui cũng quên lâu rồi.

    ***
    - Ê Phương mầy còn nhớ Thằng Thành Ba Lọn không? Con ông Năm bà Năm ở kế bên nhà chú thím Ba Thợ mộc đó.

    -Nhớ chứ sao không, nhắc tới thằng Thành cũng vui quá chừng, giờ không biết nó trôi dạt về đâu?

    Thằng Lạc bắt đầu đưa tui về những ngày hoa mộng ngày xưa.

    Thuở đó những năm cuối thập niên sáu mươi, đám con nít tụi tui được mệnh danh "Đám quỷ phá nhà chay", vì ngoài giờ học ở trường khi về nhà cả đám hay tụ tập vui chơi với nhau, nhà chú Ba thợ Mộc trong xóm là nơi tụ tập của đám "Xây lố cố", những trò chơi theo kiểu "Troll" trên Youtube hàng ngày là tụi tui chơi hồi thế kỷ trước lận, mà nạn nhân thì phần lớn là bà Năm và thằng Thành, một phần vì thằng Thành có tật hay ngủ nướng , ngày nào tụi tui cũng nghe bà Năm má nó càm ràm hoài:

    - Thành đâu? Cái thằng ôn hoàng này trưa trờ trưa trật rồi mà ngủ (quài), tao lấy cây tao (khệnh) cho một trận mới được.

    Bà Năm nói thì dữ vậy nhưng bà thương Thành lắm, la hét năm lần bảy lượt nó mới ngồi dậy vươn vai ngáp dài, có bữa nó chưa xúc miệng mà bà Năm đưa cho nó cái bánh tiêu chấm với ly cà phê sữa coi như ăn sáng..

    Một hôm bà Năm đi chợ về, thấy trên giường còn người nằm đắp mền kín mít từ đầu tới chưn, biết thằng con mình cái tật không bỏ, lúc tối qua chú Ba thợ Mộc nhờ sáng mai sớm đi xuống cuối đường ghé nhà thầy Bảy Thoạt để chở mớ cây, ván về để đóng mấy bộ sa lông cho thầy bỏ mối, Thành nhà ta ừ hử ngon lành với sự có mặt của bà Năm, vậy mà ngó lên giường tưởng thằng Thành còn ôm gối nằm nướng, bà Năm buông cái giỏ xuống đất rồi lấy cây ba phân vuông của chú ba đang phơi ngoài sân, bà Năm (dện) mấy cây cô chỗ cái đít của nó, kỳ lạ thay hôm nay thằng Thành nằm chịu trận không rên la khi bị ăn đòn, bà Năm tức khí giở cái mền ra định lôi đầu thằng Thành quánh thêm trận nữa cho đã nư, chừng cái mền tốc ra chỉ thấy bộ quần áo của nó được độn mớ giấy nhật trình cho bự lên giống như Thành đang nằm ngủ, biết mình bị hớ bà Năm chửi đổng lên:

    - Mồ tổ cha đứa nào chơi (dầy) nè, thứ gì bất nhơn quá.

    Nghe bà Năm chửi dữ thần nên chú ba thợ Mộc chạy qua, cô Sáu Láng, thím Năm Hải gần đó cũng chạy tới coi hữu sự gì đã xảy ra .

    Thấy đông người chứng kiến bà Năm bèn phân bua:

    - Mấy người coi đó, ai đời tụi nó làm như hình nhân thế mạng, trùm mền ngó thấy ớn ghê luôn, tui tưởng thằng quỷ Thành còn ở nhà tui đập cho mấy cây, ai dè đám quỷ xóm này nó phá chứ ai (dô) đây, tui nghi thằng Lạc Lớn (dới) thằng Phương chứ ai.

    Tui với thằng Lạc làm mặt tỉnh bơ rồi nói với bà Năm:

    -Sáng giờ tụi con đi học mới (dìa) bà Năm ơi. Chắc thằng Thành thấy bà hay la nó ghẹo bà chứ ai.

    Lúc này Thành cũng vừa chở mấy cây ván về tới, nó biết chuyện nó nhảy tới cốc tui với thằng Lạc hai cái đau điếng khiến hai thằng tui co giò dông mất.

    ***
    Nhà ông Năm cắt cỏ trong xóm có nuôi chuồng bồ câu phía sau nhà, ngày xưa nhà làm vách và mái lá là chuyện bình thường, ông bà Năm già cả lắm, ông Năm chuyên đi cắt cỏ mướn về bán cho nhà ông Hai Biểu nuôi bò ở cuối xóm, đôi khi ông bán cho nhà thằng Nên dưới khu chuồng trâu.

    Bồ câu nhà ông Năm ban đầu chỉ có vài con, nhờ ông sơn phết lại cái chuồng thật đẹp, lúa thóc ông rải nhiều, và nhờ đám bồ câu này bay đi chiêu dụ bồ câu nơi khác về, dần dà bồ câu về khá đông, lúc này đám xây lố cố tụi tui cũng ghé lên chợ mua những bịch thóc vàng ươm đem về cho bồ câu của ông Năm ăn.

    Tui còn nhớ một buổi trưa nọ, trời thì nóng gay gắt, cả đám tụ tập dưới bóng cây Lê Kiu ma sau nhà cô Sáu Láng, thấy phía chuồng bồ câu tụi nó cắn nhau giành giật nơi ở, phải công nhận câu ca dao "Lúa thóc đến đâu bồ câu đến đó", thật không sai chút nào, thằng Cảnh cháu cậu Hai tắc xi nó gợi ý:

    - Ê tụi bây, có đứa nào ăn thịt bồ câu chưa? Ngon lắm đó.

    Thằng Mẫm cự liền:

    - Chèn ơi! Bồ câu ăn không được đâu, tao nghe mấy cô bác lớn tuổi nói ai có Phong ăn vô sẽ bị cùi đó.

    Nghe vậy cả đám le lưỡi ra vẻ sợ sệt, thằng Lạc lên tiếng:

    - Mà Cảnh hỏi chi vậy, bộ tính bắt bồ câu nhà ông Năm hả, coi chừng đó nghe , ông Năm cộc lắm đó, tui sợ cây đòn gánh với cặp mắt ông Năm lắm, có bề gì là mệt với ổng đó nghe.

    Thằng Cảnh bày đầu :

    - Bồ câu này là bồ câu hoang, nó được mấy con kia dụ về, coi như mình bắt mấy con đó, chứ có phải ăn cắp của ông Năm đâu mà sợ.

    Lúc này thì cả đám đồng thanh hưởng ứng.

    Thằng Cảnh về nhà lôi cái thang tre ra kê sát cái chuồng bồ câu, công nhận đám bồ câu này thật dạn dĩ vì nó đã quen với tụi tui rồi, hàng ngày chơi đùa dưới chuồng bồ câu nên bồ câu không sợ người nữa, có hôm nó đang mỗ mấy hột lúa, tụi tui lấy tay bưng nó lên dễ như trở bàn tay, nên khi thằng Thành leo lên bợ mấy con xuống mà cả đám bồ câu im re coi như không có chuyện gì xảy ra.

    Dưới sự đạo diễn của chú Ba , tụi tui bầm nhuyễn thịt bồ câu, ướp gia vị rồi xào lên thơm phức, chờ cháo đậu xanh sôi tim thả thịt bồ câu vô, nêm nếm vừa ăn vậy là trưa đó có nồ cháo đậu xanh ngon lành, đứa nào cũng khen ngon, thằng quỷ Mẫm nói sợ phong, sợ cùi vậy mà nó (dợt) cả bốn chén cháo bồ câu.

    Ăn quen nhịn không quen, bồ câu lần hồi chỉ còn vài con vì vậy ông Năm khi nhìn thấy ông không khỏi buồn lòng, lúc này cả đám tụi tui hối hận vô cùng, sau khi đồng lòng thì mọi người nếu ai có ăn cháo bồ câu thì phải đậu tiền vô để coi như trả tiền mua của ông Năm, vừa đỡ ray rức trong lòng, vừa giúp ông Năm có thêm số tiền sanh sống.

    Khi gom được số tiền đóng góp theo khả năng từng người , thằng Cảnh lấy tờ nhật trình gói và cọng dây thun cẩn thận, chờ cho ông Năm đi cắt cỏ, bà Năm xách giỏ đi chợ thì lẽn vô nhà.

    Nhà ông Năm cách cửa cái là hai líp lá được gá vô cái khung bằng tầm vông, chỉ cần nhấc tay khiêng xề qua một bên là được, thằng Cảnh vô tới cái bàn uống nước giữa nhà, nó để gói tiền lên cái cơi đựng trầu của bà Năm, nó còn lấy hai trái cau tươi dằn lên như cố ý cho bà Năm thấy...

    Về sau tụi tui nghe Thím Hai xe Lô phía trước nhà ông Năm kể lại, bà Năm không biết tiền của ai tự dưng nằm ở cơi trầu, ban đầu ông Năm không cho xài nên bà Năm giữ tạm, về sau khi đau bịnh rề rà ông Năm đành xài những đồng tiền lạ lẫm kia nhưng trong bụng ông thắc mắc hoài, ông nói giống như Tiên trên trời giúp đỡ cho ông bà vậy đó, nghe vậy tụi tui cũng ứa nước mắt vì câu nói này của ông.

    ***
    Thằng Thành lớn hơn tụi tui gần ba tuổi, nó đành phải khoác áo chinh y trước tụi tui, ngày nó nhập ngũ cả đám tụi tui thờ thẩn cả ngày vì trong đám bạn thiếu đi một đứa thì giống như "Hủ tíu mà thiếu nước Lèo".

    Vậy là Thành vô quân Trường Vạn Kiếp ở Bà Rịa để thụ huấn, bà Năm ở nhà buồn hiu hắt ngày đêm ra vô trông thơ thằng Thành, vậy mà mắc chứng gì cả mấy tuần nó không có cái thơ nào cho bà, thấy vậy tụi tui muốn cho bà vui bèn .....

    Một buổi trưa nọ, khi bà Năm vừa uống xong hớp nước ở cái gáo dừa có tra cái cán dài, thằng Lạc Lớn từ ngoài hớt hải chạy vô la lên:

    -Bà Năm ơi! Ông phát thơ mới đưa cái thơ thằng Thành nè, bà đọc đi.

    Một chút bối rối, bà thú thiệt:

    - Tao có biết chữ đâu mà đọc con ơi, bây đọc cho tao nghe đi, nóng ruột quá chừng.

    Thằng Lạc nháy mắt ra hiệu với cả đám không được cười trong khi nghe đọc thơ, nếu cười thì bà Năm sẽ nghi ngờ.

    Lạc lớn xe lá thơ ra, bên trong một lá thơ màu xanh nét chữ hơi cua bò một chút, nhưng dẫu sao với thằng học giỏi như Lạc thì coi như chữ kiểu này đối với nó là đồ bỏ, nó đọc trơn tru như ăn cơm sườn .

    Nó đọc lớn hầu như cho cả làng nghe:

    Vạn Kiếp... Ngày ....
    Má kính mến.
    Con là Thành con của má nè.
    Con đang thụ huấn ở Vạn kiếp. Sức khỏe cũng bình thường, ăn uống thì bữa được bữa không, vì cứ cá hường chưn tương riết, canh cải chua nấu hoài đâm ra con ngán, con ước gì má làm cho con lon guigoz mắm ruốc là ngon lắm..
    Cái gì con cũng chịu cực khổ được hết, chỉ có vụ nước tắm rửa là ít ỏi lắm khiến mình mẩy con hôi rình khó chịu lắm má ơi, nhớ lại ở nhà tắm nước "phông tênh" mát rười rượi, hay vầy nè má, phía sau nhà mình còn dư cái thùng phuy hai trăm lít chưa đục cái nắp, má gởi ra cho con con đựng nước tắm được hông má.
    Vài hàng thăm má tới giờ ra tập rồi, ra trễ ông thượng sĩ già phạt hít đất mấy chục cái mệt lắm.
    Ký tên
    Thành Ba lọn.

    Thím Năm Hải nghe đọc thơ như vậy thím biết thơ này là đồ giả mạo rồi, thím cười muốn lộn ruột, đám tụi tui cũng không dằn được nên cũng cười muốn banh nóc nhà, bà Năm chợt hiểu đám quỷ nhỏ phá mình bà bèn quơ cây chổi lông gà quất lia lịa vô đám quỷ phá nhà chay, bà vừa đánh vừa nói:

    - Mắm ruốc nè, thùng phuy nè ...

    Cả đám trốn bà Năm hết mấy bữa mới ráp lại xin lỗi, và nói mục đích ghẹo cho bà vui chứ không có ác ý gì.

    Ba Năm tha thứ nhưng cũng ráng vớt một câu:

    - Tao sợ tụi bây quá chừng, nhứt là thằng Phương với thằng Lạc.

    ***
    Những nhân vật trong câu chuyện trên lần lượt từ giã cõi đời để đi vào thiên thu, nhiều lúc tui nhớ câu thơ của ông Vũ Đình Liên viết, "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ" buồn quá phải không các bạn.

    Viết xong 1.8.2020 -17h23''


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X