Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ôi Phi Công… danh tiếng muôn đời

Collapse
X

Ôi Phi Công… danh tiếng muôn đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ôi Phi Công… danh tiếng muôn đời

    Ôi Phi Công… danh tiếng muôn đời
    Yên Sơn



    Câu chuyện phiếm
    Mào đầu: chuyện phiếm là chuyện đọc cho vui, xem rồi bỏ mong đừng ai phiền lòng.
    Khi nắng chiều sắp tắt ngoài hiên, có một chàng trai trẻ vừa qua tuổi dậy thì (*),
    nhìn vào bóng đêm rồi tủm tỉm cười một mình khi ôn lại chuyện năm xưa…



    Ngồi lẩm bẩm hát bài Không Quân Hành Khúc của nhạc sĩ Văn Cao, đến câu “ôi phi công danh tiếng muôn đời”, tôi chợt mỉm cười tự hỏi “vì sao phi công lại được danh tiếng muôn đời?” Có quả thật phi công danh tiếng hay chỉ là câu hát của ông nhạc sĩ ưu ái tặng anh em? Hơn bảy năm vui buồn đời phi công tôi chưa từng nghe bất cứ một ai trang trọng nói như vậy; có chăng cũng chỉ là câu lặp đi lặp lại vô số lần “đừng làm mất mặt không quân” hoặc “đừng làm mất mặt phi công”.

    Đừng làm mất mặt Không Quân. Đừng làm mất mặt Phi Công. Đừng làm mất mặt Hải Quân. Đừng làm mất mặt Nhảy Dù. Đừng làm mất mặt Mũ Xanh. Đừng làm mất mặt Mũ Nâu. Đừng làm mất mặt Thiết Giáp. Đừng làm mất mặt lính Sư Đoàn. Đừng làm mất mặt Trinh Sát. Đừng làm mất mặt binh chủng. Đừng làm mất mặt KBC. Đừng làm mất mặt Địa Phương Quân. Đừng làm mất mặt Nghĩa Quân. Đừng làm mất mặt Quân Cảnh. Đừng làm mất mặt Cảnh Sát quốc Gia … thậm chí còn có “đừng làm mất mặt Nhân Dân Tự Vệ hoặc Xây Dựng Nông Thôn”… Nói tóm lại, quân binh chủng nào cũng có niềm tự hào, cũng có cái hãnh diện rất riêng của họ. Tập thể Quân Đội Miền Nam Việt Nam luôn luôn căn dặn nhau giữ gìn lễ nghi quân cách thật đáng trân trọng.

    Tôi không dám lạm bàn về danh tiếng của những anh em các quân binh chủng khác; càng không dám lạm bàn về những phi công tiền bối của mình! Chắc chắn các tiền bối phải toàn vẹn về mọi mặt mới lọt chân vào thế giới của lớp người đi mây về gió.

    Kể từ ngày thành lập Không Quân VNCH (xem Phần Phụ Lục ở cuối bài), ngày 1/7/1955, cho tới lúc tôi được lọt vào trong cổng Phi Long, tháng 12/1968, chỉ có 13 năm thôi nhưng đó là một khoảng cách thênh thang, cách biệt trùng trùng. Bởi lẽ tháng 8/1965, thay vì chuẩn bị thi vào đại học, tôi lại nghe theo lời ong tiếng ve, hăm hở nộp đơn xin làm phi công, rồi ê chề lọt sổ phải trở lại học đường với ve sầu, với phượng vĩ. Cho đến 3 năm sau, khi Không Quân có nhu cầu bành trướng nhanh chóng, tôi mới có cơ hội hát bài ca hạnh ngộ. Mà thật tình tôi đâu có yếu đuối, vàng vọt gì cho cam; ngược lại, ngoại hình tôi rất cân đối trên trung bình, thể lực của một võ sĩ thường xuyên đấu võ đài, sức lực của một gã con trai bẽ gãy ngà voi… thế mà bị rớt đài vì lý do sức khỏe! Lý do sức khỏe chỉ là ba chiếc răng trám! “Mấy ổng” giải thích, răng trám khi lên cao độ sẽ bị hành hạ đau nhức!!! Tôi cố gắng giải thích rằng chỉ bị mẻ trên mặt chứ không phải bị đau răng nhưng ông nha sĩ lạnh lùng nói “no sir, rớt!” Khó khăn là thế!

    Số là trước khi nộp đơn đi Không Quân, tôi nghe nói là phải có sức khỏe hoàn hảo mới có hy vọng. Tôi biết là tôi rất mạnh khỏe nhưng tôi cũng đi nhà thương khám sức khỏe tổng hợp trước cho chắc ăn. Tất cả đều vượt tiêu chuẩn, tim gan phèo phổi ngon lành, chỉ có ba chiếc răng hàm bị mẻ trên mặt răng. Tôi xin ông nha sĩ trám lại cho bằng phẳng dù nha sĩ nói không cần thiết nhưng tôi muốn “toàn vẹn” nên quả quyết phải làm. Lý do răng hàm mẻ không phải bị đau răng, bị sâu răng mà vì tôi hay biểu diễn nhai ly thủy tinh! Đâu ngờ trò chơi ngu xuẩn của thanh niên mới lớn làm tôi phải lao đao hết mấy năm dài! Như vậy, điều kiện tiên quyết để trở thành phi công KLVNCH là sức khỏe phải hoàn hảo ngoài học lực tối thiểu phải có Tú Tài I trở lên, hồ sơ an ninh phải trong sạch, có nghĩa là gia cảnh không liên hệ tới Cộng sản, không có tư tưởng nửa chừng xuân.

    Phi công cũng phải trải qua các thời kỳ huấn luyện quân sự gắt gao; phải qua khóa huấn nhục kinh hoàng. Khóa này cũng nhằm huấn luyện cho một người biết kính trên nhường dưới, biết tình nghĩa bạn bè, biết thương yêu đồng đội; rèn luyện một ý chí sắt thép, thể chất kiên cường để đáp ứng mọi hiểm nguy, gian khó. Mục tiêu của khóa cũng huấn luyện sự khiêm cung, hòa nhã với mọi người mọi giới và trang bị một mẫu người xứng đáng cho một binh chủng hào hùng, để có đủ điều kiện thực hiện câu châm ngôn của binh chủng, “Không bỏ anh em, không quên bè bạn”.

    Sau khi “sống sót” qua các khóa huấn luyện này, phi công tương lai được đưa về các trường sinh ngữ quân đội và phải học thông suốt khóa huấn luyện sinh ngữ cấp tốc khoảng nửa năm dài. Trong tất cả sách giáo khoa đều nói về một đời sống văn minh tây phương; dạy cho khóa sinh những kiến thức phổ thông nơi xứ người; dạy cách giao tiếp, cách đối xử với người bản xứ, dạy ăn cho thanh cảnh, dạy chơi cho thanh lịch. Muốn ra trường, khóa sinh phải có một trình độ hiểu biết thực tiễn bằng sự thi cử khó khăn.

    Thi đậu khả năng sinh ngữ xứ mình, phi công tương lai được cho may trang phục đại lễ, tiểu lễ và sắm sửa đồ tuế nhuyễn cho phù hợp với nơi đến để lên đường xuất ngoại và học sinh ngữ tiếp về ngành nghề cho thành thạo. Xong giai đoạn này mới bắt đầu học bay. Học bay từ phi cơ sơ đẳng nhất đến phi cơ tối tân nhất mà Không Quân Việt Nam có được, tùy theo tài khóa và theo từng khả năng của mỗi người. Trong suốt thời gian học tập nơi xứ người, việc học hỏi những điều mới lạ và thi cử dường như vô tận. Có nghĩa là không ai biết chắc được mình sẽ trở thành phi công cho tới khi được ông thầy trang trọng gắn cánh bay trên ngực áo trong một buổi đại lễ mãn khóa.

    Sau gần một năm rưởi học hỏi, luyện tập gian khổ nơi xứ người, chàng về nước ngẩng cao đầu trình diện đơn vị, chào kính cấp trên đúng lễ nghi quân cách và tiếp tục được huấn luyện thêm mấy tháng nữa mới có thể theo các đàn anh “vượt trên lưng gió quyết chiến thắng”.

    Phi công ngày ngày làm “đàn chim bay trên cao xanh”, hòa mình trong một không gian vô tận, mắt nhìn xa, lòng rộng mở. Vì luôn sống với khung cảnh đó nên một phi công biết làm thơ, biết viết văn cũng là một chuyện bình thường. Bình thường như biết ca hát, biết nhảy đầm. Phi công sống trong thời chinh chiến không cần lo nghĩ đến tương lai vì có thể sáng cất cánh đi chiều thôi không về nữa cũng là chuyện bình thường. Cái may mắn của phi công là dù có gian lao, có hiểm nguy đến đâu cũng là “lính thành phố”. Lính thành phố nên làm mòn nhẵn từng con đường, từng cổng trường, từng khuôn viên đại học cho đến một ngày “đi không ai tìm xác rơi”, quên mất đường về!

    Phi công sống một cuộc sống hào hùng, “lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi, nuối tiếc tấm thân làm chi”. Vâng, hoàn toàn không nuối tiếc, chơi xả láng sáng không cần về, phi vụ phải hoàn tất tốt đẹp. Phi công được rèn luyện phải hào hoa, được dạy ăn phải thanh cảnh, dạy chơi phải thanh lịch cho nên bị người đời hay nói rằng “phi công hào hoa bay bướm”. Đâu phải phi công “bay bướm” mà phi công bị các phe kẹp tóc chọn lựa làm mục tiêu. Không phải “mèo khen mèo dài đuôi” chứ nếu tôi đứng ở chỗ của phe kẹp tóc, tôi sẽ không ngại nói to lên rằng “tại sao không chứ. Họ là con cưng của đất nước; họ thuộc lớp người nhìn xa hiểu rộng, họ là lính thành phố, họ biết ăn nói nhã nhặn, xả giao thanh lịch, sức khỏe hoàn hảo, thành thạo nếp sống văn minh, và họ rất tếu…” (không tếu sao được, ngay cả khi thần chết đứng trước mắt chàng vẫn còn có thể ba hoa “để ông cho chúng mầy sinh Bắc tử Nam”) ! Vì thế, phi công bị ganh ghét cũng là chuyện bình thường. Thậm chí có người hát nhại lời “ôi phi công… mang tiếng muôn đời”, hoặc bôi bác “hào hoa anh lính Không Quân, chỉ còn cái quần cũng bán để chơi”… cũng là điều dễ hiểu. Vâng, dù đói nghèo cỡ nào cũng rán “thanh lịch”, dù có lén mua xôi nắm, bánh mì sữa để kẹp đi bay nhưng lúc nào mặt mũi cũng tươi tỉnh, áo quần cũng bảnh bao vì chúng tôi được dạy dỗ rất kỹ rằng “chơi cho thanh lịch mới là chơi, chơi cho đài các xứng đời phi công”… nhưng đâu đến nỗi phải “bán quần” để chơi! Đểu thật!

    Dù sao đi nữa, những nét uy dũng trên đây xin trang trọng dành riêng cho các bậc phi công tiền bối trước năm 1968. Từ đó trở về sau, Không Quân tuyển mộ ào ạt dù tiêu chuẩn tối thiểu vẫn còn nhưng được các ông cân đo đôi khi cố tình không thấy những cái nhón chân vô tình, vài tô phở lẻ tẻ, vài ly trà đá cối cho đỡ khát… có sá gì. Các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam như Saigon, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng… đi đâu cũng nhan nhãn Không Quân. Nếu không quen biết thì Không Quân nào cũng vẫn là Không Quân. Nhưng dường như lũ Phi công nhí chúng em bị tụt giá rẻ rề dù vẫn phải phấn đấu kịch liệt để sinh tồn qua những đoạn đường chiến binh gian khó như các anh. Nhưng dù sao, con nhà tông không có lông cũng có cánh; chúng em vẫn bay bổng như mơ, vẫn hiên ngang đi vào lửa đạn dù biết “đi không ai tìm xác rơi, dù thân mồ quên lấp chìm”, và vẫn hãnh diện ké với cụm chữ dễ thương “ôi phi công danh tiếng muôn đời”. Cám ơn ông nhạc sĩ Văn Cao. Cám ơn Không Quân VNCH. Cám ơn người dân hiền hòa miền Nam nước Việt đã dành nhiều hảo cảm đối với Phi Công.

    Phần Phụ Lục:

    Để giúp mọi người tỉm hiểu thêm về Không Lực VNCH, tác giả xin trích dẫn trong cuốn số 4 thuộc Bộ Quân Sử VNCH do Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu (Khối Quân Sử) thực hiện do Cơ Sở Đại Nam xuất bản năm 1972.


    LỊCH SỬ KHÔNG LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA


    Ngành KQVNCH được thành lập bởi dụ số 9, ngày 25-6-1951. Tuy nhiên, mãi đến ngày thành lập Bộ Tổng Tham Mưu, một cơ quan phụ trách về Không Quân (KQ) gọi là Ban KQ mới được tổ chức trong thành phần của bộ tham mưu này.

    Tháng 4-1952, Trung tâm huấn luyện KQ thành lập tại Nha Trang, ngành KQ mới được kể là thành hình qua việc tổ chức hai khóa huấn luyện hoa tiêu và cơ khí viên đầu tiên. Khóa hoa tiêu mở ngày 1-10-1952 với 9 khóa sinh sĩ quan và 6 khóa sinh hạ sĩ quan. Khóa cơ khí viên mở tháng 11 với 26 hạ sĩ quan học viên.

    Trong giai đoạn đầu, ngành KQ chỉ được quy định ở một mức quân số gồm 40 sĩ quan, 120 hạ sĩ quan và 500 binh sĩ. Quân số này vừa đủ để tổ chức một cơ cấu KQ gồm có:
    – Một cơ quan chỉ huy là Ban KQ, sau đổi thành Phòng KQ thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, dưới quyền một sĩ quan Pháp.
    – Một trung tâm huấn luyện đào tạo phi công, quan sát và cơ phí viên.
    – Một phi đội liên lạc có nhiệm vụ liên lạc và chuyên chỡ hàng không.

    Trung tâm huấn luyện KQ năm 1952 đào tạo được 40 vừa hoa tiêu vừa cơ khí viên; năm 1953 số lượng tăng gấp đôi. Cũng trong thời gian này, một số sĩ quan và hạ sĩ quan được gửi qua Pháp du học.

    Trong năm 1953, ngoài phi đội liên lạc tại Tân Sơn Nhất (TSN), phi đội trợ chiến và quan sát số 1 thành lập tại TSN và phi đội trợ chiến và quan sát số 2 tại Nha Trang (1-3-1953).

    Những loại phi cơ thông thường mà sĩ quan KQVN đầu tiên được sử dụng là các loại phi cơ quan sát MS.500, Cessna L19A, Morane Saulnier, Marcel Dassault 315.

    Đầu năm 1954, Ban KQ đổi thành Phòng KQ, nhưng cơ quan này vẫn giữ nhiệm vụ quản trị nhân viên chứ chưa có quyền hành gì cả.

    Tháng 7-1955, ngành KQVN mới được giao cho sĩ quan VN điều khiển. Chức Phụ tá KQ được đề ra thay cho trưởng phòng KQ và chức vụ này tạm kiêm Tư lệnh KQ để lo phát triển cho ngành này trong lúc Pháp đang rút khỏi VN. Bộ Tư lệnh KQ coi như đã thành hình và hoạt động từ lúc này.

    Trước khi ngành KQ được chuyển giao, đệ nhất phi đoàn vận tải được thành lập tại TSN (1-6-1955) được gọi là Căn Cứ Trợ Lực KQ số 1. Khi tiếp nhận phi trường Đà Nẵng, Đệ nhất Phi đội trợ chiến và quan sát ở TSN được chuyển ra đây; trước đó Bộ Tư Lệnh KQ bối rối không ít vì không có phương tiện tiếp thu, đã định giao phi trường này cho hàng không dân sự đảm trách. Cuối năm 1955, KQVN thành lập Đệ Nhất phi đoàn tác chiến và liên lạc nhưng phi đoàn này chỉ thực hiện trên giấy tờ, sau phải giải tán vì thiếu phương tiện.

    Năm 1956, các căn cứ trợ lực KQ số 2 và số 3 được thành lập liên tiếp tại TSN và Biên Hòa. Mỗi căn cứ lúc ấy được tổ chức: một bộ chỉ huy, các cơ cấu hành quân, một ban công vụ và một ban quân y. Ngoài ra, để điều hành hệ thống không lưu, các phòng không lưu và các đài kiểm soát được thiết lập tại khắp các phi trường. Ngành KQ đã có những hoạt động riêng biệt trên không kể từ chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, là chiến dịch tiểu trừ phiến loạn tại Miền nam.

    Tính tới cuối năm 1956,ngành không lực của quân đội Quốc gia đã có các căn cứ, đơn vị máy bay thuộc đủ mọi loại như sau:

    Căn cứ trợ lực KQ số 1 Nha Trang:

    Trung tâm huấn luyện KQ:

    21 máy bay Morane Saulnier
    13 máy bay Cessna L19A

    Phi đội liên lạc và trợ chiến số 2

    5 máy bay quan sát MS.500
    16 Cessna L19A

    Căn cứ trợ lực KQ số 2 TSN:

    Phi đội liên lạc:

    3 máy bay Dakota DC3
    3 máy bay Beechcraft
    2 Cessna L19A
    1 máy bay MS.500
    6 máy bay Marcel Dassault 315

    Phi đoàn vận tải:

    21 máy bay Dakota DC3

    Căn cứ trợ lực số 3 Biên Hòa:

    Căn cứ Biên Hòa

    13 Cessna L19A
    2 Máy bay MS.500
    3 máy bay Dakota DC3

    Phi đoàn chiến đấu:

    Hình thức

    Căn cứ Đà Nẵng:

    Phi đội quan sát và trợ chiến:

    12 máy bay MS.500
    16 Cessna L19A

    Tổng cộng: 69 chiếc Cessna L19A, 26 chiếc Dakota DC3, 21 chiếc Morane Saulnier, 20 chiếc quan sát MS.500, 6 chiếc Marcel Dassault và 3 chiếc Beechcraft.

    Mời quý vị cùng nghe bản Không Quân Hành Khúc:



    (*) 60 chưa phải là già,
    65 chỉ mới vừa qua dậy thì


    Source:http://thovanyenson.com/?p=6349


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X