Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chở Chó

Collapse
X

Chở Chó

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chở Chó

    Có kinh nghiệm vài lần với vài thằng Kinh handyman, landscaping mà "ngấy" đến cổ... Nói dóc nói xạo, tính giá, làm việc gian dối, rồi chạy làng... Chán mấy thằng Kinh này quá rồi!

    Chở Chó


    Xe vừa qua khỏi Tùng Nghĩa, bà cụ ngồi bên trái tôi nói chuyện với bà bên cạnh:
    – Chỉ có bốn thằng nó về xóm hồi hôm thôi đó, thế mà đến sáng nay máy bay còn quần thả bom lu bù. Đó bà thấy chỗ kia không? – Bà cụ chỉ tay về phía đồi bên kia – Khói bốc lên ùn ùn trời, phát khiếp!

    Gió lạnh hun hút thổi vào xe, gần hai mươi người khách rúm người ngồi thẫn thờ nhìn phía trước. Mùi mắm, mùi trà, mùi rau bốc lên lẫn với mùi xăng nồng nồng buồn ói. Xe vừa qua hãng cưa Thành Hiệp thì người lơ đưa tay đập vào thùng xe thình thịch, la lên:
    – Ê, tốp, tốp. Có người. Cậu đi đâu cậu Hai?
    – Dốc Mơ.

    – Cho bảy chục nghe cậu hai.

    Từ căn nhà bên vệ đường, chàng trai tóc chải gợn sóng, mang kính cận, ung dung bước ra xe. Đôi môi mọng đỏ, chiếc áo sơ mi màu xám đậm, tạo cho anh một vẻ cao sang.
    – Có gì bỏ lên không cậu hai?
    – Chẳng có gì.

    – Ê, chạy.

    Hắn đến ngồi bên cạnh tôi, cuốn sách dầy cộm trên tay. Mọi người thoáng nhìn hắn, rồi lại nhìn thẫn thờ về phía trước. Anh thanh niên về Dốc Mơ rút một điếu Salem ra rít từng hơi dài.

    Từ phía trước, mấy người Thượng đưa tay vẫy, xe dừng lại.
    – Ê, đi đâu đó?
    – Xuống khu định cư Darleu.

    – Mỗi người ba chục đồng.

    Người đàn ông Thượng, tay vịn thành xe, đầu tóc rối bù, mặt khô quắt nhăn nheo, đôi mắt mất thần. Sau lưng hắn là mụ đàn bà bế đứa con nhỏ lòng thòng trước bụng, quấn xà rông màu đen xậm, đôi môi đen xì, ngậm điếu thuốc vấn ướt nhẹp. Tay mụ dắt hai đứa con nhỏ bụng trần õng ra, nổi lên từng mảnh đất mốc. Hai đứa bé nắm chặt tay nhau, tay kia mỗi đứa ôm một bó ngo nhóm lửa. Thằng con lớn độ mười hai tuổi vẫn đứng bên lề đường với đống đồ ngổn ngang. Người đàn ông ngước mắt nhìn tên lơ xe:
    – Tội nghiệp mà. Ít ít tiền cho.
    – Ba chục một người không đi thì thôi.

    – Ba chục đồng là người lớn chớ, con nhỏ khỏi phải trả tiền nghe ông. Người đàn ông Thượng đưa tay chỉ mấy đứa bé, miệng lầm bầm. Con nhỏ nhỏ quá mà, con nhỏ nhỏ quá mà.
    – Khỏi đi cái thằng chết dịch này. Anh lơ xe nhìn vào trong xe cười hô hố:

    – Con nít cũng là người chớ bộ là khỉ à. Mày có sáu người, tất cả là một trăm tám, không chịu thì thôi. Người đàn ông quay sang mụ đàn bà nói bằng tiếng Thượng. Mụ cúi đầu xuống hai cánh mi chớp nặng nề.
    – Ông ơi tội quá, tui nghèo lắm, nghèo lắm. Thằng nhỏ kia không phải là khỉ. Nó nhỏ quá mà. Nó nhỏ quá mà. Hắn đưa tay chỉ cái bọc trước bụng vợ hằn, lộ ra cái đầu bé xíu lơ thơ chùm tóc xoắn.

    – Không được một trăm tám thôi. Nó nhỏ nhưng cũng“lọt tầm-hiu” mày ơi. Anh lơ cười ngặt nghẽo chỉ vào thằng bé.
    – Tội nghiệp mà, nhà cháy hết, cách mạng về, máy bay thả ùm ùm đốt nhà, đốt Việt Cộng, nhà cháy hết, tội nghiệp mà. Người ta bảo đi trốn mà, có ít tiền này, có hai trăm rưởi thôi. Tính rẻ cho.

    – Cái thằng này có đến hai trăm rưởi mà còn kỳ kèo. Đi không, chất đồ lên?
    - Trời ơi! thôi đi.

    – Đưa tiền đây tao mới chất đồ lên.

    Người đàn ông Thượng lận trong túi ra hai tờ hai trăm, mắt chớp chớp mong ở người lơ xe xét lại lần cuối. Người lơ xe thối tiền rồi nhảy tót lên mui vừa chửi thề vừa la:
    – Sư mày, đưa đồ lên mau. Trời ơi đồ đạc gì mà lễnh nghễnh nhiều thế này.
    – Có gì đâu ông ơi, hai cái gùi bắp khô này, cái bó chiếu này, cái nồi này, cái lúa để gieo mạ này, cái cây khoai để trồng này…

    – Sư mày, dưới đó định cư dồn đống, chỗ đâu mà gieo trồng.
    – Phải trồng cái cây để có cái ăn chớ.

    – Mấy cái nồi đất này, mày ôm lấy, chất trên này bể hết. Thôi cái bó cây gỗ cháy không có chỗ, xe đầy rồi.
    – Tội nghiệp ông ơi, tôi với thằng Kà Nuk vác từ chân núi kia kia ra đây đó. Tội nghiệp mà, cái nhà cháy còn có mấy cái cây làm lại mà.

    Hắn chỉ tay về phía từng dãy núi khuất mờ sau đám sương trằng đục, mắt hắn khô như hột đào.
    – Sư mày, tao đã bảo không chở là không chở. Có trăm tám bạc mà muốn rinh cả buôn nhà mày lên xe ông.

    Hắn ôm bó cây cháy xém, miệng lẩm bẩm van lơn:
    – Tội nghiệp mà, vác từ trong xa kia kìa ra đây, tội nghiệp mà.

    Anh lơ xe lom khom leo xuống, tay kéo mụ đàn bà Thượng lên xe. Chỉ tay xuống sàn:
    – Ngồi đó, ráng ép sát vô, chật cứng rồi.

    Mụ ta líu ríu dắt hai đứa con nỏ ngồi bệt dưới sàn, bên mấy thùng mắm, bao gạo của khách hàng. Thằng bé tay nắm cái bao nặng trĩu xuống bên lề chờ đợi. Người đàn ông thở dài dúi bó cây gỗ vào bụi, tay kéo thằng con, tay sách bao bố lên xe. Anh lơ quát tháo:
    – Thằng lỏi tì, vào ngồi trên bao gạo đó. Ê cái bao gì đó mày?

    Người đàn ông Thượng tay sách bao bột mì, lắc đầu quầy quậy.
    – Còn gì đâu. Có gì đâu.

    Nhìn thấy cái bao nhúc nhích, anh lơ xe đá mạnh vào đó, một tiếng ư ư nho nhỏ rít lên.
    – Con gì vậy mày?
    – Có gì đâu, chó mà. Người đàn ông kéo mạnh cái bao về đằng sau, mắt thất thần, đôi môi run lên từng hồi. Tội nghiệp mà, chó mà ông. Có gì đâu.

    – Sư mày, xe tao không chở chó. Chở chó xui lắm.
    – Ấy, đấy cái thứ chó mèo mà chở trên xe nó xui tợn. Người đàn bà ngồi bên thêm vào. Xe anh Bảy Sách chở con mèo mà đâm sầm vào cột mốc cây số 9. Cái thứ thế mà xui.

    Người đàn ông Thượng nhăn mặt lại, mũi hỉnh hích, tay vịn vào cửa xe.
    – Không có gì đâu, nó ở trong bao đâu có sao. Nó không cắn người, nó không kêu nhiều đâu tui cột miệng nó rồi. Nó sống với tui lâu rồi, nó giữ nhà mà. Nó sợ đạn lắm, tui bỏ nó lại làng, chết tội nghiệp mà, cho nó xuống định cư với tui. Không sao đâu.
    – Tao nói không chở chó, xui lắm.

    – Tôi trả đồng tiền cho ông. Tội nghiệp con chó mà.
    – Sư mày, thôi cho lên, năm chục đồng con chó nghe.

    Anh lơ xe kéo xệch tay hắn. Người đàn ông rụt tay lại, mắt trố nhìn ngơ ngác.
    – Chó đến năm chục đồng sao, trời ơi tiền nhiều quá.
    – Tao bảo xui lắm, sư mày không chịu thì bỏ chó lại.

    – Ông lấy ít tiền cho. Tiền chó mà hơn tiền người sao? Lạ quá.
    – Chó xui lắm, không chịu thì bỏ xuống.

    Anh lơ đứng lên cửa xe như ra hiệu cho xe chạy “Anh Sáu ơi chạy đi”.

    – Ông ơi tội nghiệp, cho con chó bằng người đi. Chó như người ông chịu không? Người đàn ông kỳ kèo, miệng lầm bẩm: “Lạ quá, chó bằng người?”
    – Năm chục đồng thì lên, không chịu thì thôi cứ lằng nhằng trưa rồi. Đưa tiền rồi xách chó lên xe.

    – Thôi ba chục đi ông, chó bằng người mà. Này này tôi đâu có nhiều tiền, phải lo cho mấy đứa nhỏ ăn trưa, ăn tối nữa mà. Tội nghiệp ông, cho chó bằng người đi ông.
    – Sư mày, không chở giá đó. Mày bỏ nó lại đi.

    Người đàn ông Thượng cầm ba chục bạc trong tay, mấy nét nhăn trên mặt giật giật, hắn nói với mụ đàn bà, mụ đang thẫn thờ bập bập từng hồi điếu thuốc lá ướt nhẹp. Mụ vẫn cúi đầu môi mấp máy.
    – Hừm chó mà hơn người, đồng tiền nhiều quá, nhiều quá rồi.
    – Kà Nuk này, ở chỗ đường này, năm chục đồng này. Có xe sau đi. Không nhiều tiền cho chó thôi. Người đàn ông kéo tay thằng bé xuống, dúi vào nó năm chục đồng rồi leo lên xe đứng.

    Anh lơ kéo người đàn ông Thượng đến góc xe, bên bao gạo, nói gần như quát:
    – Ngồi đó đi mày, có mấy chục bạc mà kỳ kèo, sư mày!

    Hắn co ro ngồi bệt xuống sàn xe bên hai đứa nhỏ, đôi mắt đăm đăm nhìn về góc rừng. Chốc chốc mũi hắn khìn khịt, một chút nước rẻo xuống, hắn quẹt ngang rồi lẩm bẩm:
    – Người Kinh lạ thiệt, gíá chó hơn giá người. Chó nó hiền mà.

    Mụ đàn bàn ngồi bên cạnh tôi khoa tay nói với bà kia:
    – Ấy đừng có nói “nói như Mọi thắt nút” bọn nó bây giờ khôn đáo để, khôn ngoan như người mình vậy. Buôn bán nó cũng biết thêm, biết bớt, biết kỳ kèo, nói thách lắm ạ.
    – Ối giời ơi, bây giờ buôn bán làm ăn với tụi nó khó mà bán được món hời. Chúng nó đâu còn khờ như trước.

    o0o

    Gia đình người Thượng vẫn ngồi co ro dưới sàn xe. Bàn tay người đàn ông bám chặt vào gọng sắt dãy ghế. Mỗi lần xe xóc mạnh khi qua một lỗ trũng, mụ đàn bà và hai đứa con bị hất tung lên. Hai đứa bé ôm chặt nhau mặt nhăn nhó, cái bọc nhỏ trước bụng người đàn bà ngọ nguậy, hai ống chân thò ra giật giật từng cơn. Người đàn ông mắt vẫn đăm đăm, miệng lầm bầm như đang nói chuyện với mấy gốc cây sần sùi bên lề đường.

    – Lạ quá, người Kinh lạ quá, chó mà hơn người.
    – Sư mày, dai như đỉa đói tao nói chở chó xui lắm, nghe chưa cái con khỉ. Anh lơ hét lên cố át tiếng xe rồ máy, nặng nề bương lên dốc.

    Anh thanh niên ngồi bên tôi gấp cuốn sách lại, mắt láo liêng nhìn chung quanh một lượt. Hắn nâng đôi kính cận xuống lau, rút một điếu thuốc ra hút rồi quay sang người bên cạnh bắt chuyện.
    – Đường yên ổn chứ ông?
    – Biết thế nào là yên. Gặp đâu hay đấy. Mình đi buôn bán gặp ông nào hậm hực cũng thế thôi .

    Xe xốc mạnh và chạy từ từ qua mấy lỗ trũng lớn. Mụ đàn bà ngồi bên cạnh tôi ra điều sành sõi.
    – Ấy chỗ này đây, đường mới bị mìn được công chánh đổ cho mấy xe đá, chạy xóc mà ê người.

    Xe cứ thốc lên từng hồi, gia đình người Thượng dồn đống dưới sàn xe. Mấy đứa bé rên ư ử khi xe nhồi bắn lên, mông va xuống xe thành tiếng. Người đàn ông Thượng vẫn đăm đăm, hai tay khuỳnh ra sau vươn lên vịn vào gọng sắt như một bức tượng đồng đen, miệng lẩm bẩm:
    – Tội nghiệp thằng Kà Nuk. Nó có đón xe sau được chở chó không. Trời ơi, người Kinh lạ quá, chó hơn người.

    Anh thanh niên quay lại quắc mắt nhìn lườm lườm người Thượng.
    – A cái thằng này hỗn chứ. Tao nghe hồi nãy giờ đã đầy tai, mày nói gì người Kinh như chó mày.

    Anh thanh niên quay đầu lại, vẫn ngồi yên bên hàng ghế bên trên hàng ghế trước, cạnh tôi, nhìn trừng trừng vào người đàn bà Thượng đang nhăn nhó ôm bọc con trước bụng, ngồi dí dưới sàn. Lão đàn ông Thượng thở dài, đầu lắc lư theo nhịp xe xóc, mũi khìn khịt:
    - Trời ơi, tôi có nói gì đâu, tôi nói giá chó hơn giá người mà, ông thấy đó, người Kinh lạ thật.

    Xe trườn qua một khúc quẹo có lỗ trũng, xóc mạnh, người đàn bà ngồi bên tôi thở phào, nói như reo:
    – Ối giời, ơi thế là khỏe, qua khỏi quãng đường xấu rối, còn tí nữa là đến trạm kiểm soát Cầu Kè rồi. Còn khoảng năm cây số nữa là tới khu định cư Darleu của mấy người Dân Tộc. Thế là khỏe.

    Anh thanh niên nắm tay tôi lay thật mạnh, mắt long lên, cơn giận đến với hắn thật đột ngột:
    – Anh thấy không, thật khốn nạn hết chỗ nói. Nó chỉ có con chó mà nó khinh dân tộc Việt Nam mình, nó nói chó hơn người Kinh mình. Trời ơi, tôi không thể hiểu được bọn hôi thối này. Anh thấy không, thực quá sức tưởng tượng! Quá sức tưởng tượng!

    Hắn ấn mạnh cuốn sách xuống ghế xe, đưa tay phân bua với những người chung quanh:
    – Bà con thấy chứ, giá trị người Kinh mình thua con chó ghẻ.

    Càng hung hồn càng khoa tay lý luận, cơn giận càng ồ ạt đến với hắn. Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn con người tuổi trẻ hăng say nọ. Hắn đứng dạy quàng tay lại nắm chạt cổ áo cáu bẩn của người đàn ông Thượng đang ngồi dưới sàn xe:
    – Mày muốn gì? Chết thì chết chứ tao không chịu được sự sỉ nhục dân tộc tao. Mày nói người Kinh thua chó phải không? Khốn nạn, đồ hôi thối, đồ chó ghẻ, bọn mày là cái giống gì mà dám khinh bỉ người Kinh chúng tao!

    Nguời Thượng co rúm như muốn lủi xuống góc xe. Đôi tay đen đúa ghì lấy cổ áo mình, đôi mắt van lơn, miệng mấp máy, mấy thớ thịt trên mặt giật giật:
    – Trời ơi tội nghiệp tôi mà. Tôi đi xe có trả tiền. Con chó, con chó của tôi ông ấy nói giá hơn người, tôi không có tiền, tôi đâu có chở được. Trời ơi, tôi có nói gì đâu. Tôi xin chó bằng người mà ông không chịu, lạy ông, tôi có nói gì đâu!
    – Thôi bỏ qua đi bà con ơi, sắp đến trạm kiểm soát rồi mà. Anh tài xế quay lại cười hềnh hệch, lộ ra mấy chiếc răng vàng.

    – Ôi giời ôi, hơi đâu mà trách bọn nó anh, bọn nó không nói rành tiếng mình, bọn nó có biết gì. Mụ đàn bà kéo tay anh thanh niên ngồi xuống.

    Anh thanh niên vẫn ghì chặt cổ áo người đàn ông Thượng. Miệng hắn mím chặt lại, mắt hắn gờm gờm nói như thét:
    – Mày muốn ăn thua hả! Mày nói lại coi, cái gì chó bằng người Kinh, cái gì chó hơn người. Bọn mày ỷ vào cái thế gì mà hỗn láo vậy hả. Đồ chó ghẻ.

    Hắn vừa nói vừa lay mạnh người Thượng. Cổ áo người Thương cơ hồ muốn rách toạc ra. Người đàn bà Thượng vất thuốc lá tự bao giờ, đôi môi thâm xì trệ xuống, mếu máo tay ôm chặt con trước bụng, mũi phập phồng hít từng hồi. Mụ nhìn anh thanh niên xin xỏ:
    – Lạy ông mà, nhà tui cháy hết rồi khổ quá, bọn tui đi định cư mà. Khổ quá ông ơi. Mụ khịt khịt từng hơi, hai dòng nước mắt trào ra, chảy rỉ theo mấy đường nhăn bờn bợn trên má hóp. Hai đứa con khóc rưng rức như gà con.
    – Từ cuối đường lộ về hướng cây cầu, in một vệt trắng trên nền trời xanh. Một cơn gió đẫm hơi mưa bay lướt qua cửa xe. Anh thanh niên đứng hẳn lên ghế xe, nhảy phóc ra sàn, túm lấy cổ áo người Thượng, ghì dí xuống sàn xe, miệng hét lớn:

    – Tao đập chết mày như đập một con chó ghẻ nghe chưa, mày khinh bỉ dân tộc tao, mày coi bọn tao như chó. Mày là cái giống gì. Tao sẵn sàng ăn thua đủ với mày để coi ai giống như chó nghe chưa?

    Hắn vừa hét lớn vừa kéo cổ áo người Thượng lên. Khuôn mặt người thượng già co lại, mấy thớ thịt giật giật từng hồi; đầu tóc rối xù lên, đôi mắt mở choàng thất thần. một chút nước rẻo từ mũi, tay lão giữ cổ áo không quệt được nên nó thập thò gần xuống miệng. Lão run lên bần bật, mấy đường gân cổ như dây leo nổi gồ lên, lão thều thào như khóc.
    – Lạy ông, ông tha cho. Tui đi định cư, tôi thương con chó quá, tui đem nó theo, ông ấy không cho chở thì thôi. Tui đâu có nói gì. Giá chó hơn giá người cũng được. lạy ông tôi nghèo, nhà tôi cháy hết rồi mà.

    Lão ừng ực từng hơi mòn trong cổ vì bị tay anh thanh niên siết chặt, mấy đứa con và mụ vợ lão khóc lên rưng rức.

    o0o

    Xe dừng lại trước trạm kiểm soát bên cầu. Anh thanh niên lăn xả lại đấm túi bụi vào lão người Thượng. Mấy người khách đằng sau nhào tới kéo hắn ra. Hắn la lớn:
    – Bà con đừng can, để tôi đập chết quân chó đẻ này. Nó khinh bỉ người mình như vầy đó. Nó coi dân tộc Kinh như chó. Tôi không chịu được, tôi giết nó, phải giết nó, phải giết nó. Quân khốn nạn.

    Người ta lôi anh thanh niên ra, tóc hắn rủ xuống trước đôi kính trắng. Người đàn ông Thượng ngồi rũ dưới góc xe đầu gục xuống, đôi vai giật theo tiếng nấc. Mấy người cành sát và lính chạy ùa ra lại bên xe, một người cảnh sát leo lên la lớn:
    – Cái gì đó? Đánh lộn hả bà con?

    Anh thanh niên thoát khỏi tay anh lơ xe nhào đến tát vào mặt người Thượng.
    – Tiên sư nó, ông Cảnh Sát coi đây, sao nó dám chửi người Việt Nam chúng ta mới được chú? – Anh khuỳnh tay ra chống nạnh và nói hăng hái như diễn thuyết. – Hỏi hắn đi định cư là nhờ ai, nhờ quân đôi, nhờ chính phủ. Chết thì chết, tôi không chịu được cái nhục nhã chửi dân tộc Việt Nam mình. Bà con phải biết sở di chúng ta chiến đấu, chúng ta hy sinh là để bảo vể cái tinh thần dân tộc. Việt Nam ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến vậy mà mày khinh bỉ hả con chó ghẻ kia.

    Anh thanh niên lăn xả vào, người Cảnh Sát phải ghì hắn lại. Người Cảnh Sát từ tốn:
    – Chuyên đâu còn đó, anh đừng đánh đấm nữa.

    Anh thanh niên dậm chân xuống sàn la lớn:
    – Tôi không nhịn được cái nhục khi nó nói người Việt Nam như chó. Dân tộc này đâu có hèn, mấy ông thử coi, nó khinh người mình như vậy đó. Tôi phải đập chết thằng này cho hả giận.

    Gia đình người Thượng ngồi co rúm dưới xe. Mụ vợ và hai đứa con khóc rấm rứt. Còn người chồng gục đầu vào giữa hai đầu gối, hai tay ôm chặt lấy cổ như một người phạm tội. Khi anh thanh niên dậm chân thình thịch như muốn sấn tới, lão ngước mắt nhìn người cảnh sát, hai tay lão dang rộng lên trời như một tín đồ Hồi Giáo nhìn về Đấng Cao Cả. Môi mấp máy, hai mắt ráo khoảnh lờ dờ:
    – Xin ông, tôi có làm gì đâu, đừng bắt tôi tội nghiệp. Tôi đi định cư mà, nhà tôi cháy hết rồi mà. Tui có nói gì đâu, tui thương con chó mà, mấy ông không cho chở, tui có nói gì đâu.

    Mỗi lời hắn nói như lời gào tê lạnh. Anh thanh niên lại xấn tới:
    – Quân chó đẻ, tao không thể bỏ qua mày được. Mày khinh bỉ dân tộc tao, mày coi bọn tao như chó, mày xúc phạm, mày hỗn láo…

    Người Cảnh Sát phải la lớn như quát:
    – Tôi cũng là người Việt Nam tôi hiểu nỗi uất hận của ông. Thôi xin ông im cho, đừng đánh đấm tại đây phiền lắm. Tôi mời gia đình ông này xuống xe, chờ chúng tôi giải quyết. Mau xuống mau.

    Người Cảnh Sát kéo tay người chồng xuống, mụ vợ líu ríu dẫn hai con xuống theo. Mụ bệu bạo khóc, hai đứa con cũng tấm tức khóc, người chồng lom khom nắm tay người thanh niên như van xin.
    – Trời ơi tội nghiệp tui, còn xa mới tới chỗ định cư mà, cho tui đến nơi. Tui có nói gì đâu. Tội nghiệp con tôi còn nhỏ quá mà, đi bộ xa quá mà.

    Anh thanh niên được thể hét lớn:
    – Mày hỗn láo, mày khinh bỉ người Việt tao. Mày hiểu chưa, quân chó ghẻ. Dù tao chết, tao cũng đánh mày tan xương.

    Hắn hùng hùng hổ hổ, như muốn lao tới ăn thua.

    - Thôi thôi, anh tài xế đâu, cho đồ đạc gia đình này xuống. Đừng gây gổ phiền lắm. Người cảnh sát ra lệnh.

    Anh lơ xe liền leo lên mui ném mấy bao bắp, mấy gùi gỗ ngo. Tiếng mấy dụng cụ làm nông bị ném xuống, lẫn với tiếng khóc hưng hức của trẻ nhỏ nghe tê buốt. Người đàn ông Thượng chỉ mấy gùi đồ đạc rải rác trên đường nói như nghẹn:
    – Trời ơi tui có làm gì lỗi đâu mà.

    Người Cảnh Sát kéo tay anh thanh niên về chỗ ngồi, mắt liếc nhanh về mấy người lính đang đứng trên đường, nói nho nhỏ cho riêng trong xe nghe:
    – Thôi anh ngồi yên đi đừng có gây với người Thượng ở đây phiền lắm. Tôi thông cảm anh mà, người mình là người Việt ai không giận khi bị xúc phạm dân tộc mình. Thôi anh tha cho nó đi. Ở đây mà gây gổ với mấy người Thượng phiền lắm.

    Anh thanh niên vênh mặt lên, như muốn nhào tới, cằm hắn bạnh ra có vẻ cương quyết.
    – Ông tính coi tức không chịu được, một quốc gia thế này mà bị bọn hôi thối sỉ nhục. Ông phải biết tôi là thanh niên tôi phải bảo vệ danh dự tổ quốc.
    – Tôi hiểu, tôi hiểu các anh nhiều lắm. Các anh là người trí thức nên dễ phẫn nộ trước cảnh người ta sỉ nhục dân tộc mình. Nhưng thôi đừng gây gổ ở đây phiền phức lắm. Người cảnh sát cố gắng giảng hòa

    – Anh tài ơi, bỏ hết đồ đạc xuống chưa? Thôi cho xe chạy đi. Còn anh, anh thông cảm bỏ qua, phiền lắm.

    Anh thanh niên ngồi phịch xuống cạnh tôi, có vẻ bất mãn. Người Cảnh Sát bước xuống xe. Mụ đàn bà người Thượng, tay dắt hai con, tay nâng bọc vải trước bụng, tóc rối xòa trên khuôn mặt tối. Mụ khóc nấc từng hồi, người chồng mụ hai tay đưa cao, mặt ngước lên xe, miệng méo xệch:
    – Tui có tội gì đâu. Cho tui tới chỗ định cư mà. Tội nghiệp tui quá, Trời ơi, mấy ông tha cho tui, tui trả tiền rồi mà.

    Mưa thực mỏng lướt qua. Tên lơ đập mạnh vào thành cửa xe, la lớn:
    – Ê, Chạy đi anh Sáu ơi.
    – Thôi chạy đi, đứng lại phiền lắm, Người cảnh sát nói với theo.

    Xe từ từ chuyển bánh. Tôi thấy trên khuôn mặt mụ vợ người Thượng hai dòng nước mắt ngập ngừng, còn người chồng, tay lão vẫn dang rộng nói như gào:
    – Tôi xin tha, tôi có lỗi. Chó thua người. Người hơn chó. Cho tôi đến chỗ định cư mà ông ơi...

    Đôi vai lão rúm lại và rung lên. Mụ vợ và hai đứa bé khóc tấm tức bên mấy gùi bắp, cuốc, xẻng ngả nghiêng bên lề đường.

    Xe từ từ qua cầu. Mụ đàn bà ngổi bên tôi ra điều biết chuyện:
    – Người cảnh sát hối xe đi mau là phải. Đứng lại cãi cọ dằng dai, phiền phức lắm vì trong bót gác lính Thượng cũng nhiều. Nếu cãi cọ này nọ mà chúng nó bênh nhau thì biết làm sao. Ông ấy hối chạy cho rồi cũng phải.
    – Bọn nó có súng, ít học, gây gổ chỉ chuốc lấy phần lỗ mà thôi. Bà lão tiếp lời.

    Anh thanh niên lặng lẽ ngồi sau không nói bàn thêm một lời. Hắn rút thuốc ra rít mội hơi dài, mỉm cười. Tôi nhìn hắn ngạc nhiên vì thấy thái độ của anh ta trở lại dáng thư sinh và nhu mì như ban đầu. Mụ đàn bà quay đầu bắt chuyện với anh thanh niên.
    – Xuống Darleu phải không cậu? Sắp tới rồi đó. Kể ra cũng tội nghiệp cho gia đình thằng Thượng bây giờ phải lết bộ gần mười mấy cây số nữa. Kể cũng tội nghiệp chớ cậu.

    Xe trườn qua một khoảng rừng thưa, cuối đường đã lấp ló mấy căn nhà, Tôi tò mò hỏi anh thanh niên.
    – Này thực ra tôi thấy lão Thượng kia có sỉ nhục gì chúng ta đâu? Hắn chỉ muốn chở chó thôi mà!

    Hắn cười gục gặc nắm tay tôi.
    – Kệ nó, tôi cũng đâu thấy lão có tội gì.
    – Sao anh hăng hái dữ vậy...?

    Xe chạy qua một xóm nhà sầm uất, hắn đứng dạy móc ví trả tiền.
    – Cho tôi xuống bác tài ơi. Bao nhiêu hả. À bảy chục. Tôi cho luôn một tờ đây. Cám ơn.

    Trả tiền xe xong, hắn mới trả lời tôi:
    – Thế là tôi thoát nạn, mình trốn lính chui nhũi trên hãng cưa Hiệp Thành gần ba tháng nay, mấy bữa nay Quân Cảnh về soát dữ quá, ngó bộ không ổn thì trốn về đây với cha sở, có Nhà Thờ bao bọc thì núp yên tâm. Hắn quay qua tôi bắt tay cười vồn vã:
    – Lúc nãy trên cầu sở dĩ tôi làm dữ với thằng Thượng già đó là để Cảnh Sát thấy lộn xộn cho đi khỏi soát giấy tờ. Nếu soát giấy hoãn dịch thì tôi tiêu rồi. Thế là hết thắc mắc rồi chứ, mình mượn đỡ tinh thần dân tộc một chút mà ông bạn!

    Hắn bước xuống xe, rít dài một hơi thuốc lá thơm rồi quay lại nói với:
    – Về đây có Cha Sở, không còn sợ bố ráp nữa.

    Xe từ từ chạy. Anh thanh niên đi khuất vào con đường hẻm.

    Nắng chiều vàng úa hắt lên, chóp nhà thờ sáng loang loáng như ngọn nến giữa vòm lá xanh thẫm, qua mấy mái nhà khuất trong vườn cây, tôi thấy cây Thánh Giá trên cao, cao thật là cao.

    GS Nguyễn Quang Tuyến


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X