Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trận Đánh Khánh Dương, cầm chân quân Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột

Collapse
X

Trận Đánh Khánh Dương, cầm chân quân Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trận Đánh Khánh Dương, cầm chân quân Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột

    Trận Đánh Khánh Dương, cầm chân quân Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột
    Bùi Anh Trinh

    (Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh)


    Theo sách “Đại thắng Mùa Xuân” của Tướng CSVN Văn Tiến Dũng thì đêm 11-3-1975 quân CSVN bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh VNCH tại Ban Mê Thuột. Ông này khuyên Văn Tiến Dũng nên đánh thẳng xuống Nha Trang và Cam Ranh bởi vì giữa Ba Mê Thuột và Nha Trang chỉ còn 1 trung đội Địa phương quân đóng tại đèo M’Drak. (Một trung đội khoảng 30 người).

    Thực ra lúc đó giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang có 1 Tiểu đoàn ĐPQ chứ không phải 1 trung đội (Một tiểu đoàn khoảng 500 người). Đó là Tiểu đoàn 321/ĐPQ của Tiểu khu Ninh Thuận tăng phái cho Tiểu khu Khánh Hòa. Tiểu đoàn đến trận địa Khánh Dương vào sáng sớm ngày 15-3-1975. Lúc đó quân CSVN đang từ BMT tràn xuống Khánh Hòa.

    Chiều ngày 15-3 tại Chi khu Phước An của Tiểu khu Đắc Lắc, Trưởng phòng tình báo Quân Đoàn 2 là Đại Tá Trịnh Tiếu nhờ Thiếu Tá Phạm Huấn, đặc phái viên của Tướng Phạm Văn Phú, báo lại cho Tướng Phú, đang ở BTL/Quân Khu 2 tại Nha Trang, rằng quân CSVN tại Ban Mê Thuột là 4 sư đoàn, đang tràn về Nha Trang (Một sư đoàn khoảng 10.000 người).

    Để đối phó với quân CSVN từ Ban Mê Thuột, Tướng Phú đã cầu cứu với Bộ TTM và Bộ TTM cho biết 3 hôm nữa Lữ đoàn 3 Dù đang trên đường từ Đà Nẵng về SG sẽ đổ bộ tại Nha Trang để lên chặn địch tại Khánh Dương.

    Tướng Phú không thể ngồi yên chờ quân Dù, rõ ràng 3 hôm nữa thì quá muộn; cho nên một mặt ông điều xe của BCH Quân Vận 5 chở hằng trăm tấn đạn đại bác lên Khánh Dương để đánh theo chiến thuật “Pháo Binh + Trinh Sát Bộ Binh” ( Trinh Sát Bộ Binh là 5 đại đội của Tiểu đoàn 231/ĐPQ, 4 đại đội tác chiến chia ra làm 4 cánh Trinh Sát, cánh thứ 5 là đại đội chỉ huy).

    Đồng thời ông cũng điều Trung đoàn 40 thuộc Sư đoàn 22 BB bỏ ngỏ vùng hoạt động tại Bắc Bình Định lên Khánh Dương. Trong khi người Phó của ông là Tướng Trần Văn Cẩm và Bộ Tham Mưu Quân đoàn II đang chuẩn bị cho một cuộc hành quân triệt thoái trên Liên tỉnh lộ 7. Tướng Phú hy vọng số quân triệt thoái (5 liên đoàn BĐQ, 2 tiểu đoàn Pháo hạng nặng, 1 trung đoàn tăng) sẽ là lực lượng chặn 4 sư đoàn địch trên Quốc lộ 21.

    Trong khi tình hình Quân khu 2 lâm vào cảnh hiểm nghèo như thế thì hồi ký của Tướng Cao Văn Viên không hề có lấy một dòng đả động tới việc ông đã ra lệnh như thế nào hoặc làm gì để giúp Tướng Phú trong suốt khoảng thời gian từ khi trận Ban Mê Thuột bắt đầu nổ ra cho tới ngày quân CSVN thanh toán xong BMT và bắt đầu tràn xuống Nha Trang.

    Năm 1975, ngày 15/ 3, lúc 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 231 ĐPQ từ Ninh Thuận lên đến Chi Khu Khánh Dương. Đây là Tiểu đoàn thứ 5 được thảy vào trận địa Khánh Dương, và chỉ đơn độc một tiểu đoàn. Bốn tiểu đoàn ĐPQ trước đó đã bị đánh tan.

    Lúc này Tướng Phú vẫn còn hy vọng giải tỏa Quốc lộ 21 tại Đồi 519 để thông đường tiếp vận cho Sư đoàn 23 BB/VNCH và lực lượng tái chiếm Bam Mê Thuột đang tập trung tại Chi khu Phước An, là quận giáp giới với Chi khu Khánh Dương của tỉnh Khánh Hòa.


    Chú giải: Trích lời kể của Trưởng ban Hành quân Tiểu đoàn 231/ĐPQ:
    “Đoàn xe chúng tôi lên đến Khánh Dương khoảng 3 giờ sáng. Còn cách trận địa 10 cây số thì đoàn xe phải tắt đèn pha và đi bằng đèn mắt cáo trong đêm. Từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đại bác nổ ran như cả một thành phố đốt pháo tết, trong đời tôi chưa bao giờ nghe đạn đại bác nổ với nhịp độ như vậy.

    Khi xe của tôi và Tiểu đoàn Trưởng vừa ngừng tại bãi đậu xe thì Đại úy Tiểu đoàn Phó từ xe khác bước tới: “Thiếu Tá ơi! Không tư cách gì sống nổi Thiếu Tá ơi!”… Chúng tôi vừa bước xuống xe thì có 2 sĩ quan hành quân thuộc Tiểu khu Khánh Hòa đến trao “lệnh hành quân” và thuyết trình hành quân ngay tại bãi đậu xe, dưới ánh đèn pin.

    Theo như mục tình hình của “lệnh hành quân” thì quân số địch là 1 tiểu đoàn “Cơ động tỉnh” (Tiểu đoàn địa phương) nhưng họ có ưu thế là chiếm trước trận địa và đã bố trí trận địa quanh khu vực Đồi 519. Do đó nhiệm vụ của Tiểu đoàn chúng tôi là áp sát khu vực xung quanh đồi 519 để thám sát, điều nghiên vị trí bố phòng của địch.

    Tuy nhiên với kinh nghiệm của một người sĩ quan tham mưu tôi biết trong lệnh hành quân này có điều gì lắt léo, bởi vì một tiểu đoàn không thể hành quân dàn hàng ngang 18 cây số (suốt bề ngang của thung lũng Khánh Dương). Do đó sau khi Thiếu Tá Tiểu đoàn Trưởng và Đại úy Tiểu đoàn Phó không có thắc mắc gì thêm, tôi kéo hai sĩ quan của Khánh Hòa là Trung úy Minh và Trung úy Hạnh ra ngoài xa để hỏi cho biết sự thật.

    Nguyên trước đây 4 tháng tôi là Trưởng ban Điều hợp lực lượng diện địa của Phòng 3 Tiểu khu Khánh Hòa (Phòng 3 là phòng hành quân). Trung úy Minh và Trung úy Hạnh là sĩ quan thuộc cấp của tôi. Còn người hiện đang làm Trưởng ban Hành quân của Bộ chỉ huy hành quân Tiền phương tại Khánh Dương là Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hớn, Trưởng phòng 3 của Tiểu khu Khánh Hòa, tức là ông xếp cũ của tôi. Giao tình của tôi và 17 sĩ quan trong Phòng Hành quân Tiểu khu Khánh Hòa như anh em một nhà.

    Khi đã cùng nhau đứng cách xa bãi đậu xe, hai người anh em của tôi cho biết họ không được phép nói sự thật nhưng họ bảo tôi có thể vào hỏi sự thật nơi Thiếu Tá Hớn, Trưởng ban Hành quân của Bộ chỉ huy hành quân. Họ cũng cho tôi biết là chiến trận tại Đồi 519 không phải xảy ra vào ngày 10-3, tức là ngày đánh Ban Mê Thuột, mà đã xẩy ra trước đó 7 ngày; và đã có 2 tiểu đoàn của Khánh Hòa và 1 tiểu đoàn của Ninh Thuận đã tiêu tan trong cố gắng nhổ chốt Đồi 519, giải tỏa Quốc lộ 21 để thông đường tiếp tế cho Ban Mê Thuột.

    Tôi bước vào lều của Bộ Chỉ huy Hành quân. Thiếu Tá Hớn đứng chết sửng khi biết tôi là Trưởng ban Hành quân của Tiểu đoàn sắp được đem ra thí. Ông cho tôi biết tất cả sự thật mà chỉ có vài người cao cấp nhất trong Tiểu khu Khánh Hòa mới được biết: Lực lượng địch chốt tại Đồi 519 không phải là 1 tiểu đoàn địa phương mà là Trung đoàn chủ lực Miền, Trung đoàn 25 CSVN.

    Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 2 dự đoán lực lượng đang tấn công Ban Mê Thuột phải trên 1 sư đoàn cho nên không còn hy vọng tái chiếm Ban Mê Thuột. BTL Quân đoàn đã tính tới kế hoạch lập tuyến phòng thủ tại Chi khu Phước An để ngăn chận quân CSVN từ Ban Mê Thuột tràn xuống. Nhưng chi khu Phước An sẽ không thể lập thành tuyến phòng thủ bởi vì sau lưng Phước An, trên đường xuống Đồng Bằng, là Đồi 519 đang do quân CSVN chiếm giữ.

    Do đó chỉ còn có cách là lực lượng của Sư đoàn 23 tại Phước An đánh xuống và quân Khánh Hòa, Ninh Thuận từ Khánh Dương đánh lên, nếu thành công thì lấy đồn Chu Cúc làm địa đầu giới tuyến để ngăn chặn quân CSVN từ BMT, còn đồn 519 là đồn hỗ trợ cho đồn Chu Cúc. Tuy nhiên phía Khánh Hòa đã tiêu tan hết 4 tiểu đoàn tại khu vực Đồi 519, giờ đây chỉ còn duy nhất Tiểu đoàn 231/ĐPQ.

    Trong khi đó lực lượng Sư đoàn 23 BB tại Phước An hình như đang trong tình trạng không ổn định (Đã bị tan hàng). Vì vậy giờ đây nhiệm vụ của 231/ĐPQ là xé lẻ Tiểu đoàn thành 5 đại đội trinh sát dàn hàng ngang suốt thung lũng Khánh Dương để phát hiện quân địch tràn xuống. Khi phát hiện địch từ xa thì chỉ gọi Pháo Binh rồi để cho Phi cơ và Pháo Binh đánh trận chứ quân Bộ Binh không đánh. Đặc biệt không có máy bay tản thương, phương tiện tản thương chỉ là khiêng về phía sau bằng cách đi bộ. Nhưng có lẽ phải bỏ thương binh lại bởi vì sẽ rút không kịp nếu bị tấn công.

    Nhiệm vụ của 231/ĐPQ là làm sao cầm chân quân CSVN trong 3 ngày; sau 3 ngày sẽ có 1 lữ đoàn Dù lên Khánh Dương khóa đèo M’Drak, lập phòng tuyến vững chắc ngay tại đầu đèo, nhường BMT và Khánh Dương cho CSVN. Trong khi đó sẽ có 1 Lữ đoàn TQLC sẽ được đưa tới phía Tây Chi khu Diên Khánh để khóa hệ thống đường mòn từ Biên giới Lào Việt xuống Khánh Hòa. Con đường này đã được CSVN thiết lập kể từ ngày có lệnh ngưng bắn năm 1973.

    Như vậy yêu cầu chiến thuật của TĐ 231/ĐPQ là vừa đánh vừa rút trong 3 ngày (trì hoãn chiến) chứ không được chạy dài một mạch. Nếu biết sự thật này thì không một vị chỉ huy tiểu đoàn ĐPQ nào dám đi bởi vì ĐPQ chỉ chuyên canh gác đồn bót, cầu cống, làng xã chứ không có khả năng ứng dụng chiến thuật lui binh. Họ chỉ chịu đi nếu như họ bị đánh lừa như đã ghi trong lệnh hành quân. Nhưng hễ bị đánh lừa thì một khi đụng trận họ sẽ chạy dài như 4 Tiểu đoàn ĐPQ trong vòng 10 ngày trước đó. Do đó chiến thuật trì hoãn chiến, đánh cầm chừng trong 3 ngày sẽ khó có thể thực hiện được nếu người điều quân không phải là một sĩ quan xuất sắc về tham mưu cũng như về chỉ huy.

    Sau khi cho biết rõ tình hình, Thiếu tá Hớn kết luận Tiểu đoàn của tôi là một Tiểu đoàn bị đem ra thí trước khi quân Dù khóa được đèo M’Drak. Hy vọng sống sót trở về rất mong manh. Giờ đây tôi có hai lựa chọn: một là điều động Tiểu đoàn sao cho có vẻ là một cuộc hành quân thám sát trong khi cố gắng tránh chạm địch nhưng vẫn bám địa bàn để gọi Pháo Binh và Phi cơ. Hai là đi tạt về một phía an toàn chứ không bắt buộc phải dàn đội hình trước khu vực đồi 519, và sẽ chạy dài về phía sau một khi bị pháo hay bị tấn công.

    “Mày có quyền làm theo lương tâm của chính mày; một bên là trách nhiệm đối với đất nước, một bên là mạng sống của mày và của anh em binh sĩ trong tiểu đoàn”. Thiếu tá Hớn đã nói câu kết thúc với tôi như vậy.

    Tôi hỏi lại Thiếu tá Hớn là ở trên không còn cách nào khác nữa sao? Thiếu tá Hớn cho biết là đã hết cách vì hiện thời không còn quân (BCH/Tiểu khu Khánh Hòa và BTL/ Quân đoàn 2). Sau hai phút cân nhắc, tôi trả lời Thiếu Tá Hớn là tôi sẽ làm theo những gì mà bộ chỉ huy chiến trường mong muốn, mặc dầu như vậy là tôi phải lừa dối binh sĩ trong tiểu đoàn và phải chịu trách nhiệm với gia đình của họ nếu chẳng may họ không trở về.

    Thiếu Tá Hớn cảm động bắt tay tôi thật chặt, có lẽ là để cám ơn tôi nhưng cũng có thể là để vĩnh biệt bởi vì ông biết chúng tôi khó trở về; sau đó ông cho tôi những đặc lệnh Truyền Tin đặc biệt để liên lạc riêng với ông cũng như với sĩ quan “quan sát viên điều không tiền tuyến” của Tiểu khu Khánh Hòa. Ông cũng chỉ cho tôi các hướng có thể chạy về vùng an toàn nếu may mắn còn sống sót.

    Việc tôi trở lại Khánh Hòa để đánh trận Khánh Dương như là đã có duyên tiền định: Gặp lại và làm việc với những sĩ quan bạn bè cũ tại Khánh Hòa không phải là duyên kỳ lạ duy nhất, Đại úy Tiểu đoàn Phó Nguyễn Văn Thắng mới đổi về Tiểu đoàn 2 tháng nay nguyên là ông Liên đội Phó Địa Phương Quân của tôi khi tôi mới từ LLĐB chuyển qua ĐPQ cách đây 4 năm.

    Còn Đại đội Trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn là Đại úy Ngô Đình Lý, nguyên Đại đội Trưởng Đại đội Biệt kích 554 thuộc Trại Trung Dũng, Thành, Nha Trang. Lúc tôi mới ra trường về làm “Sĩ quan cố vấn” cho Đại đội 554 thì Lý là một đại đội trưởng dân sự chiến đấu, không có cấp bậc. Trong Tiểu đoàn còn có Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Hòa, đại đội phó Đại đội chỉ huy, nguyên cũng là Trung đội Trưởng Trung đội Thám Sát 72 của Trại Biệt kích Trung Dũng, thuở đó Hòa cũng không có cấp bậc.

    Đại đội Trưởng Đại đội 1 của Tiểu đoàn là Đại úy Nguyễn Văn Mới cũng là sĩ quan LLĐB cùng chuyển qua Địa Phương Quân cùng một lượt với tôi vào năm 1971. Còn Đại đội Trưởng Đại đội 2 của Tiểu đoàn là Trung úy Lê Bá Luyện, trước đó 2 tháng là Trưởng ban Hành quân của Chi khu Khánh Dương, quen biết với tôi khi tôi còn làm việc tại Phòng hành quân Tiểu khu Khánh Hòa. Do đó Trung úy Luyện rất rành địa thế Khánh Dương và quen với cách làm việc của từng người trong BCH Chi Khu.

    Chính vì quen biết thân tình với hầu hết các vị sĩ quan chỉ huy trong Tiểu đoàn cho nên tôi biết tính ý từng người và ngược lại họ cũng tin tưởng nơi khả năng của tôi mà họ đã biết từ trước. Riêng ông Tiểu đoàn trưởng Thiếu Tá Nguyễn Duy Hoàng thì yên tâm giao khoán mọi việc cho tôi với ông Tiểu đoàn Phó.

    Có lẽ đây là lần đầu tiên ông ra trận, trước đó ông chỉ phục vụ trong các Trung tâm Huấn luyện. Ông cũng mới đổi về Tiểu đoàn cách đây 2 tháng để thay thế Đại úy Bùi Hữu Kiệt (Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt) đã tử trận tại Bình Định trong thời gian chúng tôi tăng phái cho Chi Khu Tam Quan 4 tháng trước đó. Nhờ vậy mà tôi mới có thể thi hành chính xác yêu cầu thực sự của Bộ chỉ huy hành quân mà ngay cả các vị sĩ quan chỉ huy trong tiểu đoàn cũng không hay biết”.

    Các sĩ quan trong Tiểu đoàn đặt hết tin tưởng nơi tôi qua thời gian 2 tháng tôi giữ chức vụ Trưởng ban Hành quân Tiểu đoàn tại chiến trường Bình Định, nhất là trong khoảng thời gian Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Kiệt tử trận mà không có Tiểu đoàn phó. Riêng đối với trận địa Khánh Dương thì tôi là người rành địa hình nhất và quen với lối làm việc của những người trong Bộ chỉ huy Hành quân Tiếu khu Khánh Hòa.

    Trong khi đó người Chỉ huy trực tiếp tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương là Đại Tá Tiểu khu Trưởng Lý Bá Phẩm và Trung Tá Tham mưu Trưởng Ngô Quý Hùng cũng ra lệnh cho tôi trên máy như là với một người đàn em thân thiết, không phải như một đơn vị tăng phái.

    Cũng vì sự tin tưởng chân thành của những sĩ quan bạn bè trong tiểu đoàn mà lương tâm tôi bị đè nặng bởi mặc cảm tội lỗi là mình đang lừa dối họ.

    Sau 1 ngày nghỉ ngơi lấy sức, 8 giờ sáng ngày 16-3 chúng tôi xuất phát từ Buôn M’Dung tiến về phía đồi 519. Khoảng một tiếng sau tôi nhận được lời nhắn của Thiếu Tá Hớn hãy sang tần số đặc biệt giữa hai chúng tôi. Sau khi sang tần số đặc biệt ông chuyển cho tôi một câu nhắn tin được ngụy hóa bằng “khóa đối chứng” (Bảng mã của ngành Truyền Tin).

    Sau khi người lính mang máy cho tôi biết nguyên văn lời nhắn là “ Quân số địch là 3X”, người lính đó hỏi tôi 3X là bao nhiêu? Tôi trả lời ngay là 1 Trung đoàn (do tôi bị ám ảnh bởi lời của Thiếu Tá Hớn trước đó quân số địch là 1 trung đoàn). Tuy nhiên đi thêm được vài bước thì người tôi chợt lạnh toát, mồ hôi vả ra; bởi vì tôi sực nhớ lại 3X là một quân đoàn (3 sư đoàn Bộ binh, 1 sư đoàn pháo, 1 sư đoàn tăng).

    Tôi mất hồn, không phải vì tính mạng mỏng manh của chúng tôi, mà vì tương lai hiểm nghèo của đất nước. Địch đã tập trung tại BMT một quân đoàn thì dĩ nhiên địch quân sẽ không dừng tại đây, chắc chắn họ sẽ tràn xuống Khánh Hòa! Làm sao mà Tiểu đoàn của tôi có thề cản nổi bước tiến của họ trước khi quân Dù khóa đèo M’Drak?
    (Chúng tôi chỉ có 377 người, trong khi địch quân có khoảng 40.000 người).

    Lúc đó là 9 giờ sáng nhưng tôi có cảm tưởng như là trời đang hoàng hôn, cảnh vật mờ ảo như trong một giấc mơ. Nhìn loáng thoáng bóng những người lính lặng lẽ tiến bên cạnh lòng tôi tê điếng vì thương xót, chỉ một mình tôi biết chắc là họ sẽ không thể trở về”.


    28/3/2016
    Bùi Anh Trinh


    Chú thích của người viết
    Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 231 ĐPQ chính là tôi, Trung Úy Bùi Anh Trinh. Diễn tiến của trận đánh sẽ được kể trong các bài kế tiếp. Lúc ra đi chúng tôi có 377 người. Và khi về còn có 72 người.

    Thiếu Tá Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Duy Hoàng, Đại úy Đại đội Trưởng ĐĐ chỉ huy Lương Văn Thông và tôi hiện đang sinh sống tại Little Saigon, Cali. Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hớn đang sinh sống tại Boston USA. Trung Tá Ngô Quý Hùng hiện đang sinh sống tại VN, ông từ chối đi Mỹ mặc dầu ông trải qua 13 năm trong trại tù.

    Riêng đối với Châu Xuân Nguyễn,

    Có lẽ tôi sẽ không đưa bài viết này lên Net nếu không có những lời chia sẻ chân tình của Châu. Nhìn lại suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi tự thấy mình đủ tư cách đại diện cho những người lính VNCH để nói chuyện với những người như Châu mà không hề hổ thẹn: Tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã làm xong bổn phận, chẳng qua là chúng tôi không chết.

    Khi quyết định khoác vào người chiếc áo lính thì chúng tôi đã chấp nhận điều tệ hại nhất, đó là cái chết. Khi mà Châu và các bạn đang đùa chơi trên sân trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức thì có biết ở dưới bãi tập nhìn lên chúng tôi đã nghĩ gì hay không? Chúng tôi nghĩ: “Ngày này sang năm không biết mình có còn sống để nhìn những hình ảnh đẹp như thế này hay không?”.

    Bất hạnh là chúng tôi không chết, nhưng những hình ảnh đẹp cũng không còn. Cho nên chỉ có chúng tôi mới có quyền đại diện cho VNCH, có quyền phê phán những người lính VNCH. Chúng tôi đi giết người là vì cái gì; chúng tôi đã làm đúng hay sai thì tự chúng tôi biết; chúng tôi đã làm tròn bổn phận đối với đất nước hay chưa thì tự chúng tôi biết.

    Năm 1975 tôi bước chân vào trại tù để trả giá cho việc làm của mình ngày trước nhưng tôi không hề ân hận hay hối tiếc. Rất nhiều người trong bọn họ đã ngã chết dưới tay tôi cho nên tôi tự nghĩ nếu như giờ đây họ bắt mình phải chết thì cũng còn lời chán. Trong bản kê khai với họ tôi tự nhận mình đã “giết hại” 35 người của họ. Cho nên giờ đây nếu tôi có chết 35 lần thì chỉ mới “huề”; còn như chết 1 lần thì chính bản thân người làm lính đã cam nhận kể từ khi quyết định cầm lấy khẩu súng.

    Sau khi ra khỏi trại tù chúng tôi tự nghĩ là đã trả xong ân oán đối với bọn họ. Nhưng những gì mà chúng tôi chứng kiến ở ngoài khiến chúng tôi biết rằng ân oán giữa bọn họ với dân tộc Việt Nam chỉ là mới bắt đầu. Đến lúc này chúng tôi mới thực sự ân hận; trước kia chúng tôi đã đối xử với họ quá nhân đạo, và cái nhân đạo đó đã trở thành quá tai hại!

    Lâu nay chúng tôi im lặng bởi vì không còn gì để nói, chúng tôi không muốn thanh minh hay bào chữa. Chúng tôi tự thấy hổ thẹn đối với cái chết của 250 ngàn người anh em của chúng tôi và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ; chúng tôi đành để cho hình ảnh người lính VNCH và người lính Hoa Kỳ mờ dần theo thời gian.

    Nhưng vì thấy chúng tôi im lặng cho nên hiện nay người ta đang muốn bôi xấu chúng tôi để âm mưu biến “bên thắng cuộc” trở thành “bên chính nghĩa”. Do đó chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng, không phải để "khơi lại hận thù", nhưng mà để bảo vệ thanh danh của 250 ngàn chiến hữu VNCH và 58 ngàn chiến hữu Hoa Kỳ đã nằm lại tại chiến trường Việt Nam.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X