Thông báo

Collapse
No announcement yet.

“Phi Hổ” CLAIRE CHENNAULT - Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
X

“Phi Hổ” CLAIRE CHENNAULT - Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • “Phi Hổ” CLAIRE CHENNAULT - Nguyễn Hữu Thiện

    Tài liệu lịch sử:

    “Phi Hổ” CLAIRE CHENNAULT

    Nguyễn Hữu Thiện



    Claire Chennault (1893 – 1958)


    Lời nói đầu:

    Những ai nghiên cứu về Đệ Nhị Thế Chiến ở mặt trận Đông Á, đặc biệt những người tìm hiểu về hoạt động của Không Lực Hoa Kỳ tại khu vực này trong giai đoạn nói trên, hẳn phải biết tới tên tuổi của “người hùng không quân Mỹ” Thiếu tướng Claire Chennault (1890 – 1958) - nguyên Tư lệnh Thập Tứ Không Lực Hoa Kỳ (14th Air Force) ở Côn Minh, và cũng là người thành lập các phi đội cảm tử Phi Hổ (Flying Tigers) lừng danh, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc thành lập Không Lực Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) - một nhân vật nổi tiếng mà ngày ấy Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để được “ra mắt”! (Chúng tôi sẽ viết một bài riêng về sự việc này)

    Về phần những người quan tâm theo dõi, tìm hiểu tình hình chính trị tại Hoa Kỳ và miền Nam VN trong giai đoạn hòa đàm Ba-lê, hẳn phải biết tới tên tuổi Anna Chennault, tức Chennault phu nhân, nhũ danh Chen Xiangmei (Trần Hương Mai), người phụ nữ ba đầu sáu tay được đài BBC tặng biệt hiệu “Steel Butterfly” (Thiết Hồ Điệp), và TT Mỹ Richard Nixon gọi là “Dragon Lady” (Bà Rồng).

    Trước đây đã có khá nhiều tác giả viết về cặp vợ chồng đầy thế lực và huyền thoại này, công việc của chúng tôi chỉ là tổng hợp, tóm lược thành hai bài tương đối ngắn gọn. Riêng trong bài thứ nhất, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới tổ chức, hoạt động của các lực lượng không quân dưới quyền Tướng Claire Chennault.
    * * *

    BÀI 1 - “Phi Hổ” Claire Chennault



    Claire Lee Chennault sinh năm 1893 tại Commerce, tiểu bang Texas, lớn lên ở hai thị trấn Gilbert và Waterproof, tiểu bang Louisiana. Họ “Chennault” cho biết tổ tiên của ông gốc Pháp. Sau này trên giấy tờ, năm sinh của ông được điều chỉnh lại là 1890; nguyên nhân vì ngày ấy ông tốt nghiệp trung học quá sớm, chưa đủ tuổi lên đại học nên cha ông phải khai tăng thêm 3 tuổi.

    Năm 1910, trong thời gian theo học tại Đại học Louisiana State University, Claire Chennault tham gia chương trình huấn luyện sĩ quan trừ bị (ROTC: Reserve Officers’ Training Corps).

    Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1913, Claire Chennault, lúc đó đã lập gia đình, giữ chức hiệu trưởng một trường học. Năm 1915, sau khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, ông vào trường Sĩ quan Fort Benjamin Harrison ở Indiana; sau khi mãn khóa được thuyên chuyển về ngành phi hành của Quân Đoàn Truyền Tin Hoa Kỳ (USASC: United States Army Signal Corps).

    VIẾT THÊM:

    Ngày ấy, khi ngành hàng không còn đang chập chững những bước đầu, USASC “ôm” rất nhiều thứ, mà ngoài quân báo, dự báo thời tiết, v.v... còn có cả ngành phi hành quân sự.

    Ngành phi hành trực thuộc USASC có tên gọi chính thức là “Aeronautical Division”, nhưng thường được gọi là “Avitation Section”, thành lập năm 1907 với mấy cái khinh khí cầu; tới năm 1909 được trang bị chiếc phi cơ đầu tiên để mở trường bay.

    Từ đó cho tới năm 1913 - năm Đệ Nhất Phi Đoàn (1st Aero Squadron), đơn vị phi hành đầu tiên của quân lực Hoa Kỳ được chính thức thành lập - Avitation Section đã đào tạo được 53 phi công, gồm 51 sĩ quan và 2 tân binh, trong số đó, 13 người sau này tử nạn vì rớt máy bay.

    Về số lượng phi cơ, trong khoảng thời gian 4 năm nói trên, cơ xưởng của Avitation Section đã ráp được 30 chiếc.

    Cuối Đệ Nhất Thế Chiến, Avitation Section trở thành một ngành riêng biệt trong Quân Đội Hoa Kỳ với danh xưng Army Air Service, tới năm 1926 đổi thành United States Army Air Corps (USAAC), năm 1941 thành United States Army Air Forces (USAAF), và sau cùng vào năm 1947, cùng với việc Bộ Không Quân (Department of Air Force) được thành lập, United States Army Air Forces trở thành United States Air Force (USAF) và giữ danh xưng ấy cho tới nay.
    * * *



    Sau khi tốt nghiệp phi công vào cuối Đệ Nhất Thế Chiến, Trung úy Claire Chennault theo học khóa phi công truy kích (pursuit pilot) tại Ellington Field, Texas, và tốt nghiệp vào tháng 4/1922.

    Thăng cấp Đại úy năm 1929, tới năm 1931, ông trở thành huấn luyện viên truy kích tại Trường Bay Chiến Thuật (Air Corps Tactical School), đồng thời cầm đầu 1st Pursuit Group, trong đó có đội bay biểu diễn Three Musketeers (Ba chàng ngự lâm pháo thủ), sau này được ông đổi tên thành “Three Men on the Flying Trapeze” (Ba chàng đu bay), sử dụng kiểu phi cơ truy kích (pursuit aircraft) Boeing P-12.


    The Three Musketeers (Claire Chennault đứng giữa)



    Một chiếc Boeing P-12 "di sản"

    Trong thời gian ở Trường Bay Chiến Thuật, Claire Chennault đã viết cuốn sách The Role of Defensive Pursuit (Vai trò của truy kích tự vệ, 1935), về sau được đánh giá là một tài liệu huấn luyện chiến thuật “đi trước thời gian” của ngành khu trục.

    Ông được thăng cấp Thiếu tá năm 1935.

    Năm 1937, khi đang giữ chức huấn luyện viên truy kích tại trường bay Maxwell Field, Alabama, Claire Chennault xin giải ngũ vì nguyên nhân “bị lãng tai”; nhưng thực ra đó chỉ là nguyên nhân phụ, nguyên nhân chính là những bất đồng với thượng cấp đưa tới việc ông bị “đì”!

    Ngày 30/4/1937, Claire Chennault được giải ngũ với cấp bậc Trung tá. (Chú thích 1)

    Bất đồng lớn nhất của Claire Chennault với các giới chức cao cấp trong Không Lực Hoa Kỳ là ông ra sức quảng bá việc sử dụng và đề cao tầm quan trọng của các phi cơ truy kích (pursuit aircraft), mà ngày nay chúng ta gọi là khu trục - nghênh cản cơ (fighter-interceptor), trong khi các sếp lớn của USAAF chỉ chú trọng tới việc sử dụng các oanh tạc cơ để thả bom từ trời cao (vào thời gian này, các oanh tạc cơ thường bay nhanh và bay cao hơn khu trục cơ, và được trang bị các ổ súng máy để tự vệ).

    Thực tế trên chiến trường Âu Châu và Bắc Phi sau đó đã chứng minh sự tiên liệu của Claire Chennault là chính xác. Trong suốt hai năm đầu của Đệ Nhị Thế Chiến ở Âu Châu và Bắc Phi, các khu trục cơ Messerschmitt Bf 109 của không lực Đức Quốc Xã (Lufwafe) đã làm bá chủ bầu trời, bắn hạ vô số oanh tạc cơ của Đồng Minh, và tình hình chỉ thay đổi khi Anh Quốc và Hoa Kỳ sản xuất đủ các khu trục cơ Supermarine Spitfire, P-47 Thunderbolt, P-51 Mustang để đối phó.



    “Hung thần” Messerschmitt Bf 109 của Đức Quốc Xã

    [Cho tới nay, Messerschmitt Bf 109 vẫn được ghi nhận là khu trục cơ được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không quân sự thế giới, với 33,984 chiếc xuất xưởng từ năm 1936 tới tháng 4/1945]

    * Cha đẻ của “Phi Hổ”


    Sau khi giải ngũ, ngay trong năm 1937, Claire Chennault sang Trung Hoa, gia nhập một toán phi công dân sự đang giúp Thống chế Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Cộng Hòa Trung Hoa, trong việc huấn luyện phi công bản xứ. (Chú thích 2)

    Tháng 6 năm đó, Claire Chennault ký một hợp đồng ba tháng với chính phủ Trung Hoa với nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch thành lập một không lực cho Trung Hoa, với số lương 1000 Mỹ kim một tháng (tương đương 17,600 Mỹ kim hiện nay).

    Thượng cấp trực tiếp của Claire Chennault là bà Tống Mỹ Linh, tức Tưởng Giới Thạch phu nhân, người cầm đầu Ủy Ban Hàng Không (Aeronautical Commission) trong chính phủ.

    Chỉ một tháng sau đó (tháng 7/1937), cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai nổ ra, và qua tháng 8, Claire Chennault được Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm vào chức vụ Cố vấn trưởng về Không Quân, với nhiệm vụ huấn luyện các phi công Trung Hoa. Trong chức vụ này, Claire Chennault đã được cấp riêng một chiếc khu trục cơ Curtiss P-36 Hawk, và ông đã nhiều lần sử dụng để thực hiện các phi vụ tuần thám.

    Mùa hè năm 1938, Claire Chennault tới Côn Minh (Kunming), thủ phủ tỉnh Vân Nam (Yunnan) để mở một trung tâm huấn luyện phi công bản xứ, tiến tới việc thành lập một không lực cho Trung Hoa rập khuôn theo Không Lực Hoa Kỳ. Công việc chưa đi tới đâu thì qua đầu năm 1939, Không Quân Thiên Hoàng (Nhật Bản) bắt đầu oanh tạc các thành phố của Trung Hoa.

    Trước tình hình cấp bách, Claire Chennault đã đưa ra sáng kiến thành lập một lực lượng tình nguyện gồm các phi công Mỹ đã được cho “giải ngũ” để đối phó với quân Nhật trong thời gian trước mắt.

    Vào thời gian này, Hoa Kỳ chưa tuyên chiến với Nhật Bản cho nên việc người Mỹ thành lập một lực lượng quân sự chống Nhật, cho dù không chính thức, cũng sẽ gây rắc rối ngoại giao, tuy nhiên chính Tổng thống Franklin Roosevelt đã ngầm chấp thuận và trao cho một viên chức thân tín trong tòa Bạch Ốc đặc trách!

    Lực lượng tình nguyện này mang danh xưng Liên Đoàn Tình Nguyện Hoa Kỳ (American Volunteer Group, viết tắt là AVG).

    Về nhân lực, ông Claire Chennault chiêu mộ được khoảng 300 người Mỹ, gồm 100 phi công và 200 chuyên viên bảo trì, hành chánh.

    Trong số 100 phi công nói trên, có 40 người từ Không Quân, 60 người từ Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến. Số (300) người tình nguyện này được cho giải ngũ và được hãng thầu quân sự Central Aircraft Manufacturing Company (viết tắt là CAMCO) thuê mướn để làm nhiệm vụ “huấn luyện và hướng dẫn”; với số lương $600/tháng cho phi công ($675 cho phi đội trưởng), $250 cho nhân viên bảo trì, tiếp liệu, hành chánh. (600 Mỹ kim vào năm 1941 tương đương 10.500 Mỹ kim năm 2020)

    Về phi cơ trang bị, Claire Chennault đã đích thân cùng với anh vợ của Tưởng Giới Thạch là nhà tài tài phiệt kiêm chính khách Tống Tử Văn ra sức vận động tại hậu trường chính trị Mỹ quốc.

    [Tống Tử Văn (Song Tzu-wen) là con trai lớn trong gia đình họ Tống nổi tiếng; ông là em trai của Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh, anh trai của Tống Mỹ Linh, tức Tưởng Giới Thạch phu nhân]

    Kết quả, với sự hậu thuẫn của giới tài phiệt Trung - Mỹ, được sự chấp thuận của Tổng thống Franklin Roosevelt, liên Bộ Ngoại Giao & Bộ Chiến Tranh (ngày nay là Bộ Quốc Phòng), đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Tưởng Giới Thạch 100 khu trục cơ P-40B Tomahawk. (Chú thích 3)

    Số phi cơ này được các tàu của một đệ tam quốc gia chở tới Miến Điện (Burma) vào mùa xuân năm 1941. Sau khi được nhân viên của Central Aircraft Manufacturing Company (CAMCO) lắp ráp và bay thử tại Ngưỡng Quang (Rangoon) đã được đưa tới trung tâm huấn luyện của AVG ở cố đô Tougoo gần biên giới Miến Điện - Trung Hoa.

    Lực lượng phi hành của AVG được chia ra ba phi đoàn, với các danh hiệu “Adam & Eve”, “Panda Bears”, và “Hell’s Angels”.

    Trên trên giấy tờ, AVG là một đơn vị trong Không Lực Trung Hoa Quốc Gia, do Tống Mỹ Linh làm “Tư lệnh Danh dự”, đặt dưới quyền chỉ huy của Claire Chennault, người được phong cấp bậc Đại tá Trung Hoa Quốc Gia.

    Những khu trục cơ P-40B Tomahawk của AVG được sơn hai hàm răng cá mập ở mũi, rập khuôn “shark mouth” logo trên mũi những chiếc P-40B/C của “Shark Squadron”, tức Phi Đoàn 112 lừng danh của Không Lực Hoàng Gia Anh đồn trú tại Bắc Phi.



    Khu trục cơ P-40 thuộc “Shark Squadron” của Không Lực Hoàng Gia Anh tại Bắc Phi

    Tuy nhiên về sau, khi những thành tích của AVG, cùng với hình ảnh được gửi về Hoa Kỳ, truyền thông Mỹ đã đặt cho đơn vị phi hành đặc biệt này biệt hiệu “Phi Hổ” (Flying Tigers), và hãng phim hoạt họa Walt Disney đã thực hiệu phù hiệu một con hổ có cánh để vẽ lên thân phi cơ.



    Phù hiệu “Flying Tiger”: sáng tạo của Walt Disney



    * Ra quân

    Ngày 20/12/1941, hai tuần lễ sau khi phi cơ Nhật tấn công Trân Châu Cảng, đưa tới việc Hoa Kỳ quyết định tham chiến tại Thái Bình Dương, các Phi Hổ đã xuất trận lần đầu tiên.

    Sáng Thứ Bảy hôm ấy, 10 chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi Ki21 (người Mỹ đặt nickname là “Sally”) của Không Quân Nhật chất đầy bom 500 cân Anh và bom xăng đặc, cất cánh từ Phi trường Gia Lâm, Hà Nội, trực chỉ Côn Minh, 300 dặm về hướng bắc tây bắc, nơi đặt tổng hành dinh của quân đội Trung Hoa ở Hoa Nam.



    Mitsubishi Ki21 “Sally”

    Đây là một trong những phi vụ quen thuộc mà các phi công Nhật đã thi hành từ một năm qua mỗi khi điều kiện thời tiết cho phép. Các oanh tạc cơ không có chiến đấu cơ đi theo hộ tống bởi việc này không cần thiết, vì người Tàu không hề có chiến đấu cơ mà cũng chẳng có súng cao xạ.

    Theo dự trù, 10 chiếc oanh tạc cơ sẽ bay thẳng tới Côn Minh, thả hết bom từ trên cao độ 6,000 bộ rồi bay về. Nhưng lần này, có hai điều mà người Nhật không hề biết.

    Thứ nhất, đối phương vừa ứng dụng một phương pháp báo động bằng... thính giác: bố trí các quan sát viên trên những vách núi cao chung quanh Côn Minh, khi nghe tiếng phi cơ thì gọi về cấp báo.

    Thứ hai, quan trọng hơn, người Tàu đã có chiến đấu cơ!

    Vì thế, khi những chiếc oanh tạc cơ Mitsubishi chỉ còn cách Côn Minh khoảng 30 dặm thì các phi công Nhật đã thấy những gì mà trước đây họ chưa hề thấy: bốn chiếc chiến đấu cơ từ trên cao phía trước mặt đâm bổ xuống tác xạ như mưa vào đoàn oanh tạc cơ!

    Bốn oanh tạc cơ Mitsubishi bị bắn rớt, sáu chiếc còn lại vội vã trút hết bom rồi chạy thoát thân! Bốn “Phi Hổ” của phi đoàn “Panda Bears” thuộc AVG bay về Côn Minh, nhào lộn phía trên phi đạo để báo tin chiến thắng trước khi đáp.

    Đích thân Claire Chennault ra đón mừng các phi công, nhưng sau khi khen ngợi họ về thành tích đạt được, ông đã phán một câu khiến họ phải tiu nghỉu: “Lần tới phải dớt hết!” (Next time, get them all)

    Lập tức, tin này đã được phát ngôn viên chính phủ Trung Hoa ở Trùng Khánh (Chungkinh) loan báo đi khắp nơi. Đây cũng lần đầu tiên chính phủ Tưởng Giới Thạch chính thức xác nhận sự hiện hữu và hoạt động của AVG. Claire Chennault, mặc dù lúc đó là một quân nhân đã giải ngũ và mang cấp bậc Đại tá trong Không Lực Trung Hoa, cũng được sử sách ghi nhận là vị chỉ huy quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ tham chiến chống lại quân Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến.

    Bốn ngày sau, 24/12/1941, một lực lượng hùng hậu của Nhật gồm 63 oanh tạc cơ với 25 chiến đấu cơ hộ tống, mở cuộc không tập quy mô vào Côn Minh để trả đũa.

    Lực lượng AVG “dàn chào” chỉ có 14 chiếc P-40, nhưng kết quả họ cũng đã bắn hạ tổng cộng 35 phi cơ Nhật, gồm oanh tạc cơ và chiến đấu cơ, trong khi chỉ mất năm chiếc P-40!

    Kết quả khó tin ấy có được là nhờ chiến thuật “hit-and-run” và kỹ thuật “dive-and-zoom” của Claire Chennault sau khi ông nghiên cứu các đặc tính, khả năng của các chiến đấu cơ Zero và Kate của Nhật, cùng ưu khuyết điểm của P-40 của Mỹ.

    Theo đó, các chiến đấu cơ của Nhật bay nhanh hơn, có vòng quẹo nhỏ hơn, nghĩa là lanh lẹ uyển chuyển hơn (far more maneuverable) những chiếc P-40 chậm chạp, nặng nề (vì buồng lái được bọc thép dày để bảo vệ phi công), xoay chuyển khó khăn hơn. Như vậy nếu đôi bên quần thảo nhau (dogfight), chắc chắn phi cơ Nhật sẽ chiếm thế thượng phong, nhưng nếu những chiếc P-40 từ trên cao nhào xuống, sức nặng của chúng sẽ trở thành lợi thế (gia tăng vận tốc tối đa), cùng với ưu thế vũ khí trang bị hùng hậu, sẽ có nhiều hy vọng bắn hạ phi cơ địch ngay trong “pass” đầu.

    Claire Chennault luôn luôn căn dặn các Phi Hổ:

    “Khi lái một chiếc P-40, tuyệt đối không bao giờ quần thảo với những chiếc Zero hay Kate của Nhật. Hãy tận dụng tư thế nhào xuống và vận tốc của mình để tiếp cận chúng, bắn rồi dọt lẹ!”



    "Hit-and-run"

    Bước qua năm 1942, các Phi Hổ của AVG đã đạt thêm nhiều thành tích đáng nể, sau đây là trận điển hình:

    Ngày 25/2/1942: khi quân Nhật cho 166 phi cơ oanh tạc thủ đô Ngưỡng Quang (Rangoon) của Miến Điện do quân đội Anh trấn đóng, chín chiếc P-40 đã bắn hạ 24 phi cơ địch, và chỉ bị mất ba chiếc.

    Ngày hôm sau, 200 phi cơ Nhật lại tấn công thành phố, sáu chiếc P-40 đã bắn hạ 18 phi cơ địch mà không bị một tổn thất nào.

    Sau khi Ngưỡng Quang bị lọt vào tay quân Nhật vào tháng 3/1943, các phi cơ của AVG rút hết khỏi Miến Điện, dành mọi nỗ lực trong việc bảo vệ con đường tiếp tế Burma Road (dẫn tới Côn Minh) và yểm trợ lục quân Trung Hoa trong các cuộc giao tranh với quân đội Nhật trên lãnh thổ Trung Hoa.

    Cũng cần nhấn mạnh, các “Phi Hổ” nếu bị bắn hạ và lọt vào tay quân Nhật, họ sẽ không được xem là tù binh chiến tranh, và sẽ bị xử tử tại chỗ. Điều này đã được Nhật Bản khẳng định trên đài phát thanh Đông Kinh:

    “Các phi công Mỹ bay trên phi cơ của Trung Hoa chỉ là bọn thảo khấu không hơn không kém. Nếu chúng không ngưng những hành động bất hợp pháp ấy, một khi bị bắt, chúng sẽ bị đối xử như du kích (nghĩa là sẽ bị xử tử)”.





    Cho tới khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, đã có 26 Phi Hổ được mang danh hiệu “ace”, bắn hạ từ 5 cho tới trên 10 phi cơ của Nhật. Trong số này có hai người về sau được ân thưởng huy chương Medal of Honor.

    Trước đó, vào tháng 8/1943, Anh quốc đã trao tặng huy chương Distinguished Flying Cross cho ba phi công của AVG về công trạng trong cuộc phòng thủ Miến Điện.

    * Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa

    Trở lại với những ngày đầu của AVG. Trong suốt bảy tháng tiếp theo trận Trân Châu Cảng, lực lượng Phi Hổ dưới quyền Claire Chennault đã bắn hạ nhiều oanh tạc cơ Nhật dọc theo trục lộ Burma Road, đường bộ tiếp tế chính yếu cho lực lượng Trung Hoa, thường xuyên bị phi cơ Nhật oanh kích.

    Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 12/1941, Bộ Chiến Tranh Hoa Kỳ (về sau là Bộ Quốc Phòng) đã có ý định sát nhập lực lượng Phi Hổ vào Không Lực Hoa Kỳ, đặt dưới quyền vị Tư lệnh Khu vực Trung Hoa - Miến Điện - Ấn-độ (tiếng Anh gọi là China-Burma-India Theater) là Trung tướng Joseph Stilwell để thống nhất sự chỉ huy.

    Ngày 29/3/1942, Claire Chennault được gọi tới Trùng Khánh, thủ đô lâm thời của Chính phủ Tưởng Giới Thạch, tham dự một hội nghị song phương Trung - Mỹ để quyết định tương lai của lực lượng AVG (Phi Hổ).

    Tham dự hội nghị này có Thống chế Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh (Tưởng Giới Thạch phu nhân). Trước việc Tưởng Giới Thạch và Claire Chennault kịch liệt chống đối việc sát nhập AVG vào Không Lực Hoa Kỳ, Tướng Joseph Stilwell “hăm dọa” nếu không chịu sát nhập, mọi nguồn tiếp liệu cho lực lượng này sẽ bị cắt đứt.



    Claire Chennault với Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh

    Cuối cùng, hai bên đã đi tới một thỏa thuận: sau khi AVG mãn hợp đồng với chính phủ Trung Hoa vào ngày 4/7/1942, đơn vị này sẽ sát nhập vào Không Lực Hoa Kỳ với danh xưng Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa (China Air Task Force), trực thuộc Đệ Thập Không Lực (10th Air Force), và vẫn đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Claire Chennault.

    [Để yểm trợ Mặt trận Trung Hoa - Miến Điện - Ấn-độ, vào đầu tháng 2/1942, Đệ Thập Không Lực (10th Air Force) của Hoa Kỳ được thành lập, gồm các lực lượng vận tải, oanh tạc và khu trục tới từ đảo Java và Phi-luật-tân, đặt bản doanh tại Tân Đề-li, thủ đô Ấn-độ, do Thiếu tướng Lewis Brereton làm tư lệnh, đặt dưới sự điều động của vị Tư lệnh Khu vực Trung Hoa - Miến Điện - Ấn-độ, tức Trung tướng Joseph Stilwell]

    Hai tuần sau hội nghị Trùng Khánh, vào ngày 15/4/1942, “cựu Trung tá Không Quân” Claire Chennault, người đang mang cấp bậc Đại tá trong quân đội Trung Hoa, được Không Lực Hoa Kỳ gọi tái ngũ với cấp bậc cũ, và sau đó ít lâu thăng cấp Đại tá, rồi Chuẩn tướng.

    Ngày 4/7/1942, AVG giải thể, Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa chính thức ra đời. Các phi công của AVG được tùy ý lựa chọn, hoặc gia nhập, hay tái gia nhập Không Quân, Hải Quân Hoa Kỳ hoặc quân binh chủng của họ trước kia, hoặc ra đi để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới. Riêng những người trở lại với Hải Quân, đa số được trao nhiệm vụ huấn luyện phi công khu trục (Top Gun) vì khả năng và kinh nghiệm của họ.

    Khi thành lập, lực lượng nòng cốt của Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa là Liên Đoàn 23 Khu Trục (23nd Fighter Group) gồm ba Phi Đoàn 74, 75 và 76 Khu Trục.

    Lực lượng phi cơ của LĐ-23 gồm 51 chiếc khu trục Curtis P-40 (31 chiếc P-40B Tomahawk, 20 chiếc P-40E Warhawk); trong số này chỉ có 29 chiếc khả dụng.

    Sau đó, LĐ-23 có thêm một phi đoàn khu trục thứ tư là Phi Đoàn 16 Khu Trục, nguyên là của LĐ-51 thuộc Đệ Thập Không Lực, từ Ấn-độ được gửi tới Côn Minh hoạt động chung với LĐ-23 để lấy kinh nghiệm rồi... tình nguyện ở lại luôn!

    Ngoài LĐ-23 Khu Trục, Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa còn có một phi đoàn oanh tạc hạng trung là Phi Đoàn 11 Oanh Tạc (11th Bombardment Squadron, Medium), gồm 12 oanh tạc cơ North American B-25C Mitchell tới từ Ấn-độ.

    Với lực lượng khiêm nhượng nói trên, trong thời gian chưa đầy chín tháng hiện hữu (4/7/1942 – 19/3/1943), Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa đã tạo thành tích đáng kể với 149 phi cơ Nhật bị bắn hạ, và rất có thể 85 chiếc khác (không có phương tiện kiểm chứng), trong khi chỉ mất 16 khu trục cơ P-40.

    Về phần Phi Đoàn 11 Oanh Tạc, qua 65 phi vụ oanh kích các cơ sở của quân Nhật trên lãnh thổ Trung Hoa, Miến Điện, và Đông Dương, đã chỉ mất một chiếc B-25!

    * Thập Tứ Không Lực


    Những thành tích, kèm theo hình ảnh, của Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa – mà truyền thông Mỹ vẫn tiếp tục gọi là những “Phi Hổ” – đã gây tiếng vang lớn tại hậu phương.

    Tạp chí Life, tạp chí uy tín và có đông độc giả nhất vào thời bấy giờ, đã nhiều lần đưa hình tướng Claire Chennault lên bìa, và viết bài, phổ biến hình ảnh của Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa.



    Một trong những người đánh giá cao thành tích của Không Lực Đặc Nhiệm này chính là Tổng thống Franklin Roosevelt, người trước đây đã ngấm ngầm chấp thuận việc cung cấp 100 khu trục cơ P-40B cho AVG (tiền thân của Không Lực Đặc Nhiệm Trung Hoa).

    Vì thế sau khi quân đội Anh phải triệt thoái khỏi Miến Điện trước sức tấn công của Quân đội Thiên Hoàng, tới ngày 10/3/1943, Tổng thống Roosevelt đã đích thân ký quyết định thành lập Thập Tứ Không Lực (14th Air Force) do Chuẩn tướng Claire Chennault làm tư lệnh, đặt tổng hành dinh tại Côn Minh. Cùng ngày, ông Claire Chennault được vinh thăng Thiếu tướng.



    Sau khi được thành lập, lực lượng của Thập Tứ Không Lực được tăng cường, tổ chức thành ba không đoàn (wing):

    - Không Đoàn 68 Hỗn Hợp (68th Composite Wing), gồm Liên Đoàn 23 Khu Trục + 1 Liên Đoàn Oanh Tạc hạng nặng (B-24).

    - Không Đoàn 69 Hỗn Hợp (69th Composite Wing), gồm 1 Liên Đoàn Khu Trục + 1 Liên Đoàn Oanh Tạc hạng trung (B-25).

    - Không Đoàn 312 Khu Trục (312th Fighter Wing), gồm 3 Liên Đoàn Khu Trục.

    Ngoài ra còn có các lực lượng tăng phái của Đệ Thập Không Lực (10th Air Force) tới từ Ấn-độ, gồm: 1 Liên Đoàn Oanh Tạc (B-25), 1 Liên Đoàn Quân Vận (Troop Carrier) và 2 Phi Đoàn Khu Trục.

    Huy hiệu của Thập Tứ Không Lực là hình con cọp bay (flying tiger) có từ thời AVG.

    Tới cuối năm 1943, Thiếu tướng Claire Chennault đã được tạp chí TIME đưa lên hình bìa trong số báo tháng 12/1943.


    * * *

    Bên cạnh những lực lượng nói trên, trong Thập Tứ Không Lực còn có một đơn vị đặc biệt là Không Đoàn Hỗn Hợp Trung - Mỹ (Chinese-American Composite Wing), gồm Liên Đoàn 3 Khu Trục, Liên Đoàn 5 Khu Trục, và Liên Đoàn 1 Oanh Tạc (B-25).


    Như danh xưng đã cho biết, thành phần nhân sự của Không Đoàn Hỗn Hợp Trung - Mỹ gồm nhân viên phi hành của hai quốc gia, hoạt động chung để phía Cộng Hòa Trung Hoa rút tỉa kinh nghiệm trong việc thành lập, phát triển Không Lực của riêng họ.

    Tất cả các phi cơ của Không Đoàn Hỗn Hợp Trung - Mỹ đều mang phù hiệu của Không Lực Cộng Hòa Trung Hoa: mặt trời màu trắng có 12 cánh trên vòng tròn màu xanh (blue).




    Liên Đoàn 3 Khu Trục và Liên Đoàn 5 Khu Trục của Không Đoàn Hỗn Hợp Trung - Mỹ là những đơn vị đầu tiên ở Á châu được trang bị chiến đấu cơ North American P-51 Mustang vào năm 1944, trong lúc loại chiến đấu cơ tầm xa này còn đang được ưu tiên cho chiến trường Âu châu.


    Mùa hè năm 1944, Liên Đoàn 3 Khu Trục trở thành đơn vị đầu tiên của Thập Tứ Không Lực được ân thưởng huy chương cao quý nhất dành cho cấp đơn vị Distinguished Unit Citation của Hoa Kỳ (về sau gọi là Presidential Unit Citation; vào năm 1965, Phi Đoàn 514 “Phượng Hoàng” của KLVNCH cũng được ân thưởng huân chương này).

    Sau này, ba Liên Đoàn 1, 3, và 5 của Không Đoàn Hỗn Hợp Trung - Mỹ đã trờ thành những đơn vị đầu tiên của Không Lực Trung Hoa Dân Quốc, với danh xưng Không Đoàn Khu Trục Chiến Thuật (Tactical Fighter Wing) 443, 427, và 401.


    * * *

    Từ khi được thành lập, Thập Tứ Không Lực đã thi hành vô số phi vụ chiến đấu và oanh tạc trên một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Hoa, trải dài từ phòng tuyến sông Hoàng Hà và Tế Nam (thủ phủ tỉnh Sơn Đông) ở phía bắc xuống Đông Dương ở phía nam, từ Thành Đô và Nộ Giang (Salween River) ở phía tây tới Đông Hải, Nam Hải và đảo Đài Loan ở phía đông; đồng thời đảm trách việc chuyển vận tiếp tế trong khu chiến Ấn-độ - Miến Điện - Trung Hoa.

    Tới khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, các phi công của Thập Tứ Không Lực đã đạt được một tỷ lệ siêu đẳng giữa số phi cơ bị mất và phi cơ địch bị bắn hạ trên chiến trường là 7.7. Nghĩa là 1 đổi 7.7!

    Theo theo con số của Không Lực Hoa Kỳ, trong Đệ Nhị Thế Chiến, Thập Tứ Không Lực đã bắn hạ, hoặc gây hư hại 2,315 phi cơ Nhật, phá hủy 1.225 đoàn xe lửa, 712 thiết giáp đường sắt (railroad armoured cars), và 356 cây cầu.

    * CAT - Air America

    Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Thập Tứ Không Lực giải thể, các đơn vị trực thuộc được phân bổ về Bộ Tư Lệnh Không Phòng (Air Defense Command, ADC) và Không Quân Trừ Bị (Air Force Reserve, AFR); Thiếu tướng Claire Chennault được cho về hưu ngày 30/10/1945.

    Nhưng vị tướng 52 tuổi chỉ về hưu chứ không... về vườn! Là một người yêu bầu trời, chống cộng triệt để và hết lòng hỗ trợ Thống chế Tưởng Giới Thạch, đầu năm 1946, Claire Chennault trở lại Trung Hoa, cùng ông Whiting Willauer – nguyên Giám đốc Viễn Đông Sự Vụ của Cơ Quan Quản Trị Kinh Tế Quốc Ngoại (Foreign Economic Administration) của Tòa Bạch Ốc từ năm 1944 tới 1945 – xúc tiến việc thành lập Civil Air Transport (CAT).

    CAT là hãng hàng không dân sự đầu tiên của Trung Hoa, có danh xưng chính thức là Chinese National Relief and Rehabilitation Administration Air Transport (Hàng Không Vận Tải của Cơ Quan Quốc Gia Quản Trị Cứu Trợ và Phục Hồi Trung Hoa).

    CAT được thành lập vào năm 1946 với những vận tải cơ C-47 Dakota và C-46 Commando thặng dư sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, được chính phủ Hoa Kỳ bán với giá rẻ mạt. Đại đa số phi công của CAT trong thời gian đầu đều là các cựu “Phi Hổ”.



    CAT C-46 Commando

    Mục đích ban đầu của CAT là để làm phương tiện vận chuyển tiếp liệu và lương thực tới những vùng bị chiến tranh tàn phá, do Cơ Quan Quốc Gia Quản Trị Cứu Trợ và Phục Hồi Trung Hoa thực hiện. Tuy nhiên, sau khi nổ ra cuộc nội chiến giữa hai phe quốc – cộng, CAT đã dồn nỗ lực chính vào việc yểm trợ quốc quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch chống lại giải phóng quân nhân dân của Mao Trạch Đông.

    Năm 1950, sau khi quân cộng sản đánh bại quốc quân, Mao Trạch Đông thâu tóm Hoa Lục, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bành trướng thế lực và ra sức yểm trợ các hoạt động của du kích quân cộng sản ở bán đảo Đông Dương và miền bắc Thái-lan, Cục Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA) đã mua lại CAT, vẫn tiếp tục mang cờ hiệu Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và hoạt động như một hãng hàng không dân sự, nhưng bên cạnh đó còn thi hành các công tác bí mật của cơ quan tình báo này. Tới năm 1959, CAT được cải danh thành Air America.(Chú thích 4)



    Air America C-123 tại Lào trong thập niên 1960

    Sau khi bán CAT cho CIA, Claire Chennault và người vợ gốc Hoa Anna Chennault (nhũ danh Chen Xiangmei – Trần Hương Mai) khi thì sống ở Monroe, tiểu bang Louisiana, khi thì sống ở Đài Loan, nơi ông tiếp tục vai trò cố vấn về hàng không cho chính phủ Tưởng Giới Thạch.

    Cũng vào khoảng thời gian này, tướng Claire Chennault cho xuất bản cuốn hồi ký có tựa đề Way of a Fighter, trong đó ông kể lại toàn bộ cuộc đời của mình, đặc biệt chú trọng tới thời gian tham chiến ở Trung Hoa và những bất đồng của ông với thượng cấp trực tiếp là Trung tướng Joseph Stilwell, Tư lệnh Khu vực Trung Hoa - Miến Điện - Ấn-độ (China-Burma-India Theater), người mà ông phê bình là xuất thân từ trường huấn luyện bộ binh, không có một chút hiểu biết gì về khả năng và sức mạnh của không lực (airpower)!

    Năm 1951, cùng với Đại tướng Albert C. Wedemeyer (người thay thế Trung tướng Joseph Stilwell trong chức vụ Tư lệnh Khu vực Trung Hoa - Miến Điện - Ấn-độ) và Phó Đô đốc Oscar C. Badger II, Tư lệnh Lực lượng Thiết giáp hạm 7 (Battleship Division 7), tướng Claire Chennault và nhiều nhân chứng khác đã ra điều trần trước Liên Ủy ban Quốc phòng & Bang giao Quốc tế của Thượng viện Hoa Kỳ có nhiệm vụ điều tra về nguyên nhân mất Hoa Lục vào tay quân cộng sản năm 1949.

    Tất cả các nhân chứng đều cho rằng nguyên nhân chính là thái độ “khoanh tay” của Tổng thống Harry Truman (người kế vị TT Franklin Roosevelt). Riêng ông Claire Chennault đã gọi lệnh cấm vận vũ khí, tiếp liệu cho quốc quân Trung Hoa của TT Truman là hành động “bỏ rơi một đồng minh của Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến”, đưa tới hậu quả quốc quân Trung Hoa mất tinh thần chiến đấu!

    * * *



    Cuối năm 1957, các bác sĩ phát giác tướng Claire Chennault bị ung thư lá phổi bên trái tới thời kỳ cuối, hậu quả của việc hút thuốc lá liên tục trong suốt mấy chục năm; họ cho biết ông chỉ còn sống được sáu tháng nữa.

    Claire Chennault liền cùng bà vợ Anna du lịch Âu châu lần cuối, rồi tới Đài Loan dự lễ kỷ niệm Đệ thập chu niên ngày (chính thức) thành lập CAT vào tháng 1/1958.

    Khi ấy Claire Chennault đã quá yếu, không thể cắt chiếc bánh kỷ niệm.

    Trở về Hoa Kỳ, ngày 18/7/1958, Thiếu tướng Claire Chennault được vinh thăng Trung tướng, chín ngày trước khi vị tướng Không Quân đầy huyền thoại này qua đời vào tuổi 67. Ông được an táng trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington.



    Mộ phần cố Trung tướng Claire Chennault tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington

    Lưu danh hậu thế

    Tháng 12/1972, tên tuổi Tướng Claire Chennault được đưa vào Danh dự sảnh Hàng Không Quốc Gia (National Aviation Hall of Fame) Hoa Kỳ.

    Ông cũng được Sở Bưu Chính Hoa Kỳ vinh danh trên loạt tem 40 cent “Vĩ nhân nước Mỹ”, phát hành từ năm 1980 tới năm 2000.


    Tượng Trung tướng Claire Chennault tại Đài Bắc

    Các pho tượng của ông được dựng lên tại thủ đô Đài Bắc của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), tại sân cỏ trước Quốc Hội tiểu bang Louisiana ở Baton Rouge, tại căn cứ không quân Chennault Air Force Base, nay là phi trường dân sự Chennault International Airport ở Lake Charles, tại viện bảo tàng hàng không Chennault Aviation and Military Museum gần lối vào phi trường Monroe Regional Airport, và tại công viên Chennault Park, cũng ở Monroe.

    Một chiến đấu cơ Curtiss P-40 mà ngày xưa ông đặt nickname là “Joy”, sơn màu cờ và huy hiệu “Phi Hổ”, được trưng bày tại đài chiến sĩ trận vong bên bờ sông ở thủ phủ Baton Rouge.

    Sau cùng, không thể không nói tới việc Claire Chennault được... Trung Cộng vinh danh!

    Trước kia, tướng Claire Chennault bị chế độ cộng sản Trung Hoa xem là một đồng minh của Tưởng Giới Thạch trong cuộc quốc cộng phân tranh (1945-1949), tuy nhiên sau khi Hoa Kỳ và Trung Cộng nối lại bang giao, công sức của Claire Chennault tại Trung Hoa trong Đệ Nhị Thế Chiến (chống Nhật) đã được Bắc Kinh nhìn nhận, và vinh danh!

    Năm 2005, Đài kỷ niệm Phi Hổ (Flying Tigers Memorial) đã được dựng lên tại tỉnh Hồ Nam trên một sân bay cũ mà trước kia các Phi Hổ của Claire Chennault đặt căn cứ.



    Tượng Trung tướng Claire Chennault tại tỉnh Hồ Nam, Trung Cộng

    Năm 2010, đánh dấu 65 năm ngày quân Nhật đầu hàng, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và các quan chức Trung Cộng đã khánh thành pho tượng Claire Chennault tại một địa điểm khác ở tỉnh Hồ Nam.

    Tại Côn Minh, nơi Claire Chennault đặt bản doanh trong Đệ Nhị Thế Chiến, vào ngày 20/12/2012, kỷ niệm 71 năm chuyến ra quân đầu tiên của các Phi Hổ (tấn công các oanh tạc cơ của Không Quân Nhật xuất phát từ Phi trường Gia Lâm, Hà Nội), Viện bảo tàng Phi Hổ Côn Minh (Kunming Flying Tigers Museum) đã được khánh thành.

    Tại Trùng Khánh (thủ đô dưới thời Tưởng Giới Thạch), một Đền kỷ niệm và triển lãm về Phi Hổ (Flying Tigers Memorial and Exhibition) cũng được thiết lập, nằm “chiếu tướng” dinh thự trước kia là tư thất của Trung tướng Joseph Stilwell, “oan gia” của Claire Chennault!


    CHÚ THÍCH:

    (1) Cấp bậc của ông Claire Chennault khi giải ngũ được ghi lại khác nhau tùy theo nguồn tài liệu: Đại úy, Thiếu tá, và Trung tá. Chúng tôi cho rằng Trung tá là hợp lý nhất, bởi đó cũng là cấp bậc mà sau này ông được mang khi tái ngũ vào năm 1942.

    (2) Trên bình diện quốc gia, từ năm 1928, chức vụ chính thức của Thống chế Tưởng Giới Thạch là Chủ Tịch Chính Phủ Quốc Gia (Chairman of the National Goverment) của Cộng Hòa Trung Hoa (ROC: Republic of China). Tài liệu tiếng Anh thường viết ngắn gọn là “Chủ Tịch Cộng Hòa Trung Hoa” (Chairman of the Republic of China). Một số tài liệu tiếng Việt gọi chức vụ của Tưởng Giới Thạch lúc này là “Tổng Thống” (President) là sai. Trên thực tế, mãi tới năm 1950, sau khi Mao Trạch Đông chiếm toàn bộ Hoa Lục, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch mới trở thành vị “Tổng Thống” đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và giữ chức vụ này cho tới khi qua đời vào năm 1975.

    (3) P-40 là chiếc P-36 Hawk của hãng Curtiss được cải tiến. Tất cả mọi kiểu P-40 đều được Hoa Kỳ đặt tên là Warhawk, trong khi các nước trong Liên Hiệp Anh và Liên Xô thì gọi kiểu P-40B, P-40C là Tomahawk, và từ đời P-40D trở đi là Kittyhawk. Những chiếc P-40B cung cấp cho AVG có tên là “Tomahaw” bởi đây nguyên là những chiếc P-40B sản xuất theo đơn đặt hàng của Không Lực Hoàng Gia Anh, nay được dành ưu tiên cho AVG.

    P-40 là kiểu khu trục cơ phổ biến đứng hàng thứ ba của phe Đồng Minh trong Đệ Nhị Thế Chiến, chỉ sau hai chiếc Repubic P-47 Thunderbolt và North American P-51 Mustang được chế tạo sau đó.

    (4) Một trong những hoạt động bí mật của CAT là yểm trợ lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương chống lại quân cộng sản, bắt đầu vào tháng 11/1953 qua chiến dịch Castor (Operation Castor).

    Hoạt động chính của các phi cơ C-46, C-47 của CAT là vận chuyển tiếp liệu và trang bị quân sự tới phi trường Gia Lâm, Hà Nội, và một số phi trường khác.

    Đăc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các phi công của CAT bay trên những chiếc C-119 “Boxing Car” của Hoa Kỳ sơn huy hiệu Không Quân Pháp, đã thả dù binh sĩ, vũ khí đạn dược và tiếp liệu cho căn cứ này. Hơn 50 năm sau (2005), bảy người còn sống trong tổng số 37 phi công tham gia những phi vụ cảm tử này đã được chính phủ Pháp ân thưởng huân chương cao quý nhất Legion of Honor trong một buổi lễ đặc biệt tổ chức tại Tòa Đại sứ Pháp ở thủ đô Hoa-thịnh-đốn.

    Tới năm 1959, CAT đổi tên thành Air America, và bị giải thể vào năm 1976, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Tới thập niên 1980, một hãng hàng không dân sự của Mỹ được thành lập, đặt cơ sở tại Los Angeles, đã lấy tên “Air America” tuy nhiên không có gì dính dáng tới “Air Ameria” của CIA trước đây.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-17-2020, 09:03 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X