Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về Một Dòng Sông

Collapse
X

Về Một Dòng Sông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Một Dòng Sông

    Nguyên Lạc – VỀ MỘT DÒNG SÔNG

    Cần Thơ gạo trắng nước trong
    Ai đi đến đó lòng không muốn về
    (ca dao)


    BÀI THƠ NHỚ BẾN NINH KIỀU

    Tình cờ gặp bài thơ và hình chụp của ông bạn thi sĩ Quảng Nam thăm bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, khiến tôi nhớ nó quá, vội họa những lời thơ nầy:

    TỚI BẾN NINH KIỀU
    (Nguyễn Hàn Chung)

    Anh hăm hở tới Ninh Kiều
    xung quanh vắng ngắt mĩ miều cù cưa
    cái thời nắng khổ tìm mưa
    nói chung chấm hết nên chừa vậy thôi

    Thơ họa:

    NHỚ BẾN NINH KIỀU
    .
    Bao năm quên bến Ninh Kiều
    Chợt nay thấy ảnh buồn nhiều oán sâu!
    Cái thời mắt liếc môi trao
    Cái thời mưa đượm tình nhau… Xóm Chài!
    .
    Vẫn còn hoài mãi một đời
    Dù bao thống hận lũ người ác nhân
    Gây chi bao chuyện tang thương?
    Để cho oan nghiệt sâm thương đôi bờ!
    .
    Còn đâu đại học Cần Thơ!
    Còn đâu đường phượng thắm hoa đỏ trời!
    Tiếc thương chi? Cũng rồi thôi!
    Nhớ thương chi? Để lệ rơi kiếp người?
    (Nguyên Lạc)
    .
    Bài thơ trên cũng khiến tôi chạnh long nhớ đến hai câu ca dao nhân dân của “một thời tôi cố quên”, thời 75 như sau:


    Chiều chiều trên bến Ninh Kiều
    Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân!
    (Ca Dao Nhân Gian Thời XHCN Việt Nam)
    .
    Trong bài thơ họa có hai cụm từ: XÓM CHÀI và ĐẠI HỌC CẦN THƠ các bạn miền ngoài không rõ, nên đã hỏi. Tôi xin được giải thích rõ về hai cụm từ này, cùng những gì liên quan đến nó để các bạn tường.
    .


    VỀ ĐỊA DANH XÓM CHÀI

    1. Xóm Chài


    Xóm Chài là một xã đối diện với bến Ninh Kiều nhìn qua sông nhỏ Cần Thơ. Xã này nằm trên doi đất nhô ra, kẹp giữa bởi sông Hậu và sông nhánh Cần Thơ .
    Bến Ninh Kiều tọa lạc tại ngã ba sông Hậu và sông nhánh Cần Thơ, trước 1975 là Căn Cứ Hải Quân vùng 4 VNCH. Về phải, con sông nhỏ Cần Thơ nầy chạy qua Công viên Ninh Kiều, chợ Cần Thơ rồi đến huyện Cái Răng – có chợ nổi nổi tiếng và cầu lớn bằng xi măng bắt ngang qua, nối liền quốc lộ 4, chạy xuống Sóc Trăng và Cà Mau. Cầu này, năm 1968 bị mìn CS nổ xập, ban ngày, làm một số xe đò chở đầy người và một số bộ hành (dân đi bộ buôn bán) rơi xuống sông chết. Sau đó cầu được xây lại.
    Từ Cái Răng, dòng sông chạy đến Phong Điền, Cầu Nhiếm vang tiếng về những vườn cam bạt ngàn. Cam xanh (Cam sành) rất ngọt, được thương lái chuyện vận lên tận Sài gòn. Đây là quê của “nàng” hiện tại.
    Nửa đoạn đường Cái Răng đến Phong Điền, khoảng xà Nhơn Ái nếu rẽ trái là kênh/ kinh đào thẳng tấp: Kênh/ Kinh Xáng Xà-No rồi đến huyện Phụng Hiệp – Ngã Bảy , nơi 7 con sông nhỏ gặp nhau.
    .
    “Hò ơ …. Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No.
    Anh có thương em thì mua một con đò
    Để em qua lại. Hò ơ… để em qua lại thăm dò ý anh.”
    .
    Cá trê trắng nấu với rau cần
    Muốn về Kinh Xáng cho gần với em
    (ca dao)
    .
    a. Kênh Xáng Xà-No

    Kênh Xáng Xà No – Gọi tắt là kinh (kênh) Xáng, một dòng kênh do thực dân Pháp đào – Năm 1901 kênh Xà No được khởi công, đến tháng 7/1903 hoàn thành – nhằm khai thác vùng đất hoang miền Hậu Giang. Bề ngang trên mặt kênh rộng 60 mét, đáy 40 mét, độ sâu từ 2,5-9 m, dài 39 km nối liền sông Cần Thơ (ngã ba Vàm Xáng, làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ) đến sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư, nay thuộc thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Sông Cái Lớn chảy ra biển, vùng vịnh Thái Lan.
    Có người cho rằng, gọi tên kênh là Xà No vì được đọc trại từ Saint-Tanoir, tên của người Pháp chỉ huy xáng đào con kênh này. Theo nhà văn Sơn Nam thì cái tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer: “Srok Snor – xóm có cây điên điển”.

    b. Huyện Phung Hiệp – Ngã Bảy

    Được gọi là Ngã Bảy vì sông chia 7 ngả sông toả đi các hướng khác nhau.
    .
    Dòng sông chia nhánh làm bảy ngả
    Biết ngả nào tôi dõi em đây?
    Xuôi dòng con nước ngày xưa ấy
    Bỏ lại mình tôi khóc ròng đầy
    Bỏ lại mình tôi bên bãi vắng
    Cây bần buồn rụng trái nào hay!
    Bìm bịp kêu giọng khàn đôi tiếng
    Nước lớn đầy bảy ngả mù mây!
    (Dò Tìm Trên Sông Ngã Bảy – Nguyên Lạc)
    .
    Huyện Phung Hiệp thuộc tỉnh vừa thành lập (khoảng 1961 – 1962 thời ông TT Ngô Đình Diệm): Tỉnh Chương Thiện. Khoảng năm 1972 (?) TT Nguyễn văn Thiệu bổ nhiệm một vị đại tá rất trẻ, tốt nghiệp từ trường Thiếu Sinh Quân làm Tỉnh trưởng : Đại tá HỒ NGỌC CẨN, tính tới 1975 (năm ông chết) mới vừa 33 tuổi. Vị đại tá Tỉnh trưởng này không chịu đầu hàng ngày 30/4 nên bị Uỷ Ban Quân Quản CS kết án tử hình và định ngày xử bắn tại sân vận động (sân bóng đá) Cần Thơ khoảng cuối tháng 5/1975 (?). Chính quyền CS bắt tất cả mọi gia đình ở thành phố Cần Thơ phải có người đến xem xử, trong đó có gia đình tôi, nếu không sẽ bị kết án chống “Cách Mạng”!
    Mặc bộ bà ba đen, mắt bị bịt kín, bị trói thút vào cột bắn, ông được CS “ân huệ” cho nói lời cuối, với ý mớm ăn năn hối lỗi đã chống lại Cách Mạng.
    Đây là câu nói cuối cùng của ông Cẩn: “Việt Nam Cộng Hòa muôn n…ă..m…!”
    Tên lính CS vội vã bụm miệng ông và nhét giẻ vào.
    Sau đó một loạt súng nổ, một phát súng ân huệ, ông Cẩn qua đời, xác được vùi trong bãi tha ma bên đường, ngang Trại Nhập Ngũ vùng 4 thời VNCH.
    .
    2. Trở lại bến Ninh Kiều


    Từ bến Ninh Kiều nhìn về sông Hậu rộng lớn, hướng sang trái là bến bắc/ bến phà Cần Thơ chảy đến Long Xuyên. Hướng sang phải chảy ra biển Đông, ngang qua Đại Ngãi (Vàm Tấn) quê tôi, cách cửa biển khoảng 20 km (khoảng 17 miles).
    .
    – Hò ơ ớ ơ ơ …
    Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
    Anh ra Vàm Tấn chở nước về xài
    Về nhà sau trước không ai (ơ ờ)
    Hò ơ ớ ơ ơ …
    Hỏi ra em đã … theo trai mất rồi (ơ ơ)
    (Hò ca dao)

    — bậu về Đại Ngãi mình ên
    bỏ quên kẹp tóc bắt đền tội ta
    bậu quên là tại bậu mà
    tại sao bậu bắt đền ta một đời
    tội này không chịu bậu ơi !
    (Bậu về – Trần Phù Thế)

    — Tha phương cơm áo tháng ngày
    Hồn quê xưa cũ vẫn hoài trong tôi
    Cái tên Vàm Tấn tôi ơi!
    Trăm năm vẫn nhớ những lời ca dao
    “Ra sông, đổi nước ngọt nào
    Về nhà, trông trước trông sau vắng nàng
    Hỏi ra đã bỏ mất đàng
    Theo trai bậu nỡ phụ phàng tình tôi”
    Cái tên. Đại Ngãi tôi ơi!
    Làm sao quên được. một thời thiết tha?
    (Nhớ Về Vàm Tấn/ Đại Ngãi – Nguyên Lạc)
    .
    Trước khi đến xã Đại Ngãi khoảng 3 km (2 miles) là xã Nhơn Mỹ, thuộc huyện Kệ Sách, quê hương của vợ sau Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH)
    Chợ xã Nhơn Mỹ tọa lạc trên bờ đất tại ngã ba bờ phải sông Hậu (hướng chạy ra biển) và rạch Nhơn Mỹ. Phía đối diện chợ Nhơn Mỹ, giữa sông Hậu là cồn Quốc Gia (quê của cô bạn gái đầu đời). Đây là nơi ông TT Nguyễn Văn Thiệu có lần ghé thăm, vì nó nổi tiếng trù phú với vườn sầu riêng và chôm chôm.
    Ngày 1/5/1975, chú của người bạn gái, xã trưởng Nhơn Mỹ đã bị xử tử tại chợ. Cổ bị xiết bởi một khăn rằn choàng (chàng) tắm, hai đầu khăn kéo bởi 2 tên du kích. Vì ông ta to con, khỏe mạnh giãy giụa, không ngộp thở, nên hai tên du kích, mỗi đầu khăn một tên, lôi ông ta xuống mé bãi rạch Nhơn Mỹ để trấn nước. Ông vùng vẫy nên chúng không đè đầu ông xuống nước được. Một tên khác bèn lấy dao đâm vào bụng ông để làm yếu sức. Ông bị xiết cổ và dìm chết ngộp. (Kể đúng theo lời của cô bạn gái, cháu ông xã trưởng)
    .
    3. Gia đình tôi


    Riêng về phần gia đình tôi ở Đại Ngãi:
    – Anh Nguyễn Văn Yên tr/uy HQ (VNCH) vượt trại”cải tạo” Chi Lăng (Châu Đốc) chạy vào rừng (1976). Giữa đêm vang dội tiếng súng săn đuổi, mất tích: “40 năm con thơ vẫn đợi” đến nay!
    – Cha Nguyễn Văn Hỷ bị bắt, hành hạ trong ngục tú CS và chết trong vụ đàn áp tôn giáo.
    .
    Đêm tháng tư tha hương. thấy dòng lệ khổ
    Tiễn người anh cơ khổ ngục tù
    Khóc người anh đêm vượt trại hận thù
    Tan biến vào rừng thẳm
    40 năm con thơ vẫn đợi!
    Đêm tháng tư tha hương. thấy gì tôi hỡi?
    Thấy con đường khập khiễng cha đi
    Mắt lệ nhòa trên đôi nạng sầu bi
    Vào tử ngục. rồi mạng vong. vì hận thù tôn giáo!
    (Đêm Tháng Tư Tha Hương Thấy Gi? – Nguyên Lạc)
    .
    – Gia đình tôi liều chết vượt thoát năm 1986 sau hơn 10 năm sống trong “thiên đường CS” trên một ghe con đi sông dài 10 mét, không hầm trú. Sau 7 ngày te tua mới tới đuợc đảo Bi- Đong (Malaysia), may mắn không ăn thịt người (vừa chết).
    .
    Đêm tháng tư tha hương. thấy gì tôi hỡi?
    Thấy sự thét gầm khủng khiếp của trùng dương
    Thấy sự nhỏ bé của con người trước sóng nộ cuồng
    cùng nỗi vô vọng. hãi hùng … trước vô cùng biển cả
    Thấy đói khát, chết chóc, đau thương …
    Thấy những dòng lệ ứa
    Mẹ ngất con. chồng khóc vợ…
    Thấy uất hận lũ hải tặc hung tàn
    (Đêm Tháng Tư Tha Hương Thấy Gi? – Nguyên Lạc)
    .
    4. Trở lại dòng sông Hậu


    Vừa qua Đại Ngãi, trên đường ra biển, giữa sông nổi lên một dãi đất lớn gọi là Cù lao Dung (Gọi là Cồn nếu dãi đất nổi lên nhỏ). Cù lao Dung nổi lên giửa sông Hậu, khoảng vàm Đại Ngãi chạy dài độ 20 km (khoảng 17 miles) ra đến gần cửa biển. Trên Cù lao này CS có thiết lập Trại “cải tạo” Cồn Cát, để giam giữ các sĩ quan “Ngụy” và các người vượt biển đi tìm tự do bị bắt. Đây cũng là nơi gia đình tôi “chém vè”, chờ đến giữa đêm tối không trăng, lên ghe con thả theo nước ròng trôi ra cửa biển để không gây tiếng động, kẻo Công An biên phòng phát hiện và bắn chẳng nương.
    Bãi bùn của cù lao này cũng là nơi vùi bao nhiêu xác người, bị đập đầu chặt cổ giữa đêm, trong cuộc tổ chức vượt biển giả để cướp vàng, có liên hệ đến”Công An kiến cường” huyện Long Phú.
    .
    Bao năm đời này vẫn nhớ
    Đêm thâu xuôi mái theo dòng
    Người đi không lời từ biệt
    Buồn ơi. tím biếc dòng sông!
    .
    Quê hương ta ơi. thôi nhé!
    Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
    Rặng cây quê hương mờ bóng
    Có còn gặp lại được không?
    (Trích đoạn bài thơ Quê Hương – Nguyên Lạc )

    ***

    Tất cả các câu chuyện đều liên quan đến dòng sông Hậu (sông lớn hoặc sông con). Dòng sông đã in đậm trong tâm khảm!
    Mọi người đều có một dòng sông riêng mình. Hãy trân trọng nó!
    Từ dòng sông Hậu thân yêu và buồn thảm này tôi mới có những bài viết: CÂU CHUYỆN HAI DÒNG SÔNG (1), CHUYỆN DÒNG SÔNG QUÊ TÔI (2) và CHUYỂN TÌNH VÙNG U MINH (3) vân vân …

    Ta sẽ không về thăm lại dòng sông
    Của thời hung bạo cũ
    .
    Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ
    Được tin người
    tim nhé … cố yên!
    Và đêm dài
    đêm nhé … hãy ngoan!
    Ai rồi cũng
    đến miền miên viễn!
    .
    Ta sẽ không về thăm lại dòng sông
    Của thời quá vãng
    Quên đi nhé … quên đi … quên đi nhé!
    Đã xa rồi … quên nhé … xa lắm xa!
    (Nguyên Lạc)
    .
    Quên được không?!
    .
    VỀ ĐẠI HỌC CẦN THƠ
    .
    1. Đại học Cần Thơ


    Đại học Cần Thơ nằm phía trái, gần Phòng Phát thanh (phát sóng) Cần Thơ trên đường từ Cần Thơ về Cái Răng, Vị Thanh, Sóc Trăng rồi Cà Mau.
    Năm 1968 sau trận Mậu Thân, tôi bước vào ngưỡng cũa đại học này với niềm háo hức cùng với giấc mộng “lấp bể vá trời” của tuổi trẻ. Thời trẻ này, sách Phạm Công Thiện luôn giữ trên tay và là sách “gối đầu giường”. Phạm Công Thiện là “thần tượng” của những người trẻ như tôi giai đoạn này. Mỗi lời của ông đều là “chân lý”. Tôi hít hà , uống những lời văn, thơ của ông. Cho những điều ông “ngôn” đều đúng, không chút nghi ngờ. Bắt chước ông, chê Sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê (Thời gian là câu trả lời đúng đắn nhất!)
    Phạm Công Thiện đã mở ra cho chúng tôi một “Khung Trời Cao Rộng” và cũng đưa đến chúng tôi một niềm nghi ngờ (HỐ THẲM). Hệ lụy: “…đã ít nhiều làm cho thanh niên tỏ vẻ hoài nghi về những hoài bão, lựa chọn của mình. Tâm trạng não nề, chán ngán của tầng lớp thanh niên, trí thức thời kỳ ấy như một đám mây u ám, cứ vần vũ mãi trên bầu trời, che lấp khoảng không gian không xanh, không hồng. Ngày xưa một mình chàng Kinh Kha qua sông Dịch với con chủy thủ trên tay và vĩnh viễn không quay lại điểm xuất phát! Ngày nay, hàng ngàn Kinh Kha qua hàng trăm sông Dịch như thế với nỗi băn khoăn ồn ào, hy vọng và thất vọng trộn lẫn.(Đọc lại “Kỷ Vật Cho Em” của Lính Phuơng – Nguyễn Lệ Uyên)
    Qua sông Dịch là gia nhập vào quân đội, thành người chiến sĩ quân lực VNCH, thành người chỉ uy mà tâm trạng như vậy thì than ôi!
    Lịch sử ngàn năm cho thấy: Chống kẻ HUNG BẠO (kẻ dồn ép, đốc thúc hết mọi xương máu của người dân, dùng bất kể mọi thủ đoạn để nhất quyết thắng cuộc chiến một mất một còn) mà lòng hoang mang như thế thì cầm chắc sự thất bại! Kết quả thì các bạn đã biết rồi đó!
    Nhắc ra đây để rút ra một bài học mà tự hối tiếc và tự trách mình, chứ không có ý chê trách hay kết tội. Các người trẻ hãy lấy làm kinh nghiệm để tránh những vết đổ sau này. Và cũng xin đừng lấy nó – những việc tiêu cực đã kể – mà tự hãnh diện hoặc ngược lại, tự mình hành hạ mình, tự liếm vết thương lòng mà thất chí. Còn lại chút hơi sức hãy đóng góp vào việc đấu tranh cho sự tồn vong của dân tộc.
    .
    2. Tổng Hội Sinh Viên Đaị Học Cần Thơ


    Trở lại trường Đaị Học Cần Thơ, tôi có chân trong Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên. Tôi đã ngây thơ, bầy đàn, không suy nghĩ, cổ động và dẫn đầu những cuộc xuống đường gây hỗn loạn trật tự xã hội. Trong BCH nầy, Phạm Văn Sinh (sư phạm khoa học), sau 1975 lộ rõ là một đảng viên CS. Tên thứ hai là Ngô Phúc Hiện (luật khoa), anh cô bạn gái tôi, là Đoàn viên Thanh niên CS. Tên này, sau 30/4//1975 là phó phòng Thương Mại thành phố Cần Thơ . Trong lúc mọi người dân đói, phải ăn độn bo bo, ăn cơm với muối, thì hắn cùng tên trưởng phòng (cán bộ từ bưng biền ra) nhân viên phòng và công an (Bắc chi viện) rượu bia tràn ly, thuốc cán (đầu lọc) khói mờ mắt mỗi ngày. Cách Mạng đấy!
    .
    Quê tôi buồn lắm ai ơi !
    Từ ngày bão nổi đổi dời bể dâu
    Một thời cùng ước mộng đầu
    “Vá trời lấp bể” hẹn câu tình người
    .
    Những “đêm không ngủ” lửa ngời *
    Câu ca lời hát dựng đời mai sau
    Khung trời đại học thuở nào
    Tay ôm. mắt ngỏ. môi trao nụ cười
    .
    Oan khiên đâu phải do trời
    Quê hương tan rã bởi lời dối gian
    Điêu tàn cùng với ly tan
    Mộng mơ tuổi trẻ lụi tàn từ đây
    .
    Từ ngày ngụy ngữ lên ngôi
    Từ ngày giai cấp phân đôi ta thù
    ……….[*] Sinh viên trước 1975 thường tổ chức những đêm không ngủ để hát tình ca và nhạc “đấu tranh”
    (Trích đoạn: Một Thời – thơ Nguyên Lạc)


    ,
    LỜI KẾT


    Qua trên là những chuyện lên quan đến dòng sông trong tâm thức cùng “Một Thời Ta Cố Quên” của tôi. Quên được không?!
    Tất cả điều trên là sử liệu từ nhân dân. Chắc nó sẽ không có trong Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại vì theo CS: Lịch sử phải phục vụ cho chế độ!
    Đấy, các văn thi nhạc sĩ! Nỗi trầm luân nhân thế. Đừng “cỡi ngựa xem hoa” nỗi đau của người dân thấp bé mà mãi chỉ biết lo phục vụ cho một thiếu số đặc quyền. Hãy viết bằng cảm xúc, bằng con tim của mình. Đừng cố tạo ra cái ly, cái chai hào nhoáng, màu rượu đẹp đẽ, nhưng không có một chút mùi vị nào để lại trên đầu lưỡi của người thưởng thức. Hãy tạo ra cái hương vị ngọt ngào của viên muối nhỏ trên đầu lưỡi của các “chàng Kiều” hiện đại (người sĩ quan trẻ VNCH đi cải tạo) đang đói meo trong các “Thanh Lâu” (trại cải tạo) [Từ Nguyên Lạc dùng trong bài viết về thi sĩ Phạm Hồng Ân)(3)

    Xin được kết thúc bài bằng hai câu thơ Khuyết Danh:


    Ai muốn chép công ta chép oán
    Công riêng ai đó oán ta chung!
    (Mã Viện – Khuyết Danh)
    .
    Nguyên Lạc


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X