Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mãi mãi không quên

Collapse
X

Mãi mãi không quên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mãi mãi không quên

    Mãi mãi không quên


    Cao Sơn


    Sài Gòn 1981...

    Ra khỏi trại tù Xuân Lộc Z30D, tôi về đến Sài Gòn ngày 31 tháng 12 năm 1980. Đến nhà Bác Hàn Dung Siêu ở Chợ Lớn, thành phố đã lên đèn. Tay cầm một cái túi, đựng mấy món lặt vặt. Thực ra, nó là cái bao cát bằng Vải của thời chiến tranh. Khi vào rừng nhặt được, mang về giặt để làm túi đựng. Chứ bao năm không có thân nhân thăm nuôi. Tôi chuyên lấy mấy cái bao cát này may làm quần đùi. Nó không mục và rất mát. Vì gió có thể thổi mát phía bên trong. Nhìn kỹ "thấy hết". Rất mất "thuần phong, mỹ tục". Nhưng trong Tù, thời ấy là chuyện bình thường.

    Từ Long Khánh về Sài Gòn. Trên một chiếc xe khách. Bấy giờ còn chạy bằng than. Chúng tôi chen chúc ngồi chật cứng. Anh Lơ xe nhìn chúng tôi biết ngay là dân mới ra Tù. Xa Lộ không bận rộn lắm xe. Những chiếc "cổ lỗ sĩ" vẫn ì ạch chạy kiếm cơm. Tiếng hò hét um sùm của Bác Tài và Lơ xe vẫn như ngày nào. Tôi nhìn trời, nhìn thiên hạ. Tận hưởng cái hơi thở tự do sau hơn 5 năm "bóc lịch". Những bạn Tù khác cười vui, hớn hở trò chuyện. Tôi thì im lặng...Không biết đêm nay, nơi ngủ, nơi nương nhờ sẽ như thế nào. Tôi không có nhà, không có hộ khẩu. Những ngày sắp tới sẽ ra sao.

    3 hôm trước. Ngày 28 tháng 12 -1980. Hơn 1000 tù nhân được gọi lên Hội Trường. Nghe đọc tên trả Tự Do. Tên của tôi được đọc gần cuối. Tất cả có 365 người được về. 364 người vui mừng hò hét vang cả Hội Trường. Tôi đi lên sân khấu gặp người Cán Bộ Công An.

    - Tôi không có nhà để về, như vậy có được xuất trại không?

    - Anh không có địa chỉ, ai dám thả anh. Anh bị 3 năm quản chế ở địa phương. Phải có địa chỉ mới được thả.

    Tôi về phòng nằm dài, nhìn lên trần nhà. "biết tính sao đây". Một người Hoa cùng phòng cũng có tên được Thả. Thấy vậy lại hỏi cớ sự. Anh vỗ vai tôi.

    - Đừng lo, tai cho mày địa chỉ, để về.

    Đứng trước căn nhà lầu 3 từng ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi mặc cái quần đùi bao cát "trong suốt". Cái áo Lính rách vá đi vá lại cả mấy chục miếng vải đắp chồng lên nhau. Tôi thật vô cùng ái ngại. Đưa tay đập mạnh vào song cửa sắt nhà Bác Hàn Dung Siêu. Người bạn tù Trần Tỷ chung phòng cho tôi địa chỉ Bác, nói tôi hãy về đây sống tạm. Tôi và Bác Siêu không quen biết, chung tù. Chưa bao giờ nói chuyện. Bác ra tù trước tôi 2 ngày.

    Vài phút sau. Bác Siêu ra mở cửa. Bác vui vẻ cho tôi vào nhà. Dắt tôi lên lầu 3. Phòng ngủ của Bác. Bác dục tôi đi tắm "cho tẩy sạch cái xui xẻo của nhà Tù". Hơn 5 năm, lần đầu tiên được tắm rửa, gội đầu bằng xà bông . Nó sung sướng làm sao. Những ngày trong Tù, chỉ được tắm nước Ao, nước Bùn. Da tôi nó nổi mốc. Hôm đó tắm nước sạch, vòi nước trong veo. Cái cảm giác tê từng thớ thịt, nổi Óc. Nó ghi mãi mãi cho đến những tháng năm sau của đời người. Bước ra khỏi phòng tắm. Bác Siêu đã đứng chờ ở cửa.

    - Mặc tạm bộ quần áo của tôi đi. Quần áo của "nị". Ngộ mang vứt đi rồi. Đồ trong Tù xui lắm.

    Tôi mặc bộ quần áo của Bác quá rộng. Người tôi chỉ còn xương với Da. Tôi không khác gì với những người thiếu ăn bên Châu Phi là mấy. Bác dắt tôi xuống khu Đồng khánh, đến một tiệm ăn. Mà người chủ tiệm ngày xưa là đầu bếp cho nhà hàng của Bác. Tôi được bữa ăn ngon nhất trong đời của mình. Nhiều món lắm. Thích nhất là món Gà hấp muối. Bác chỉ gắp vài miếng, rồi luôn miệng hối tôi ăn.

    - Nị ráng ăn cho có sức.

    Bác Siêu đến Việt Nam sau khi Tưởng Giới Thạch chạy bại trận đến Đài Loan. Bác bấy giờ là Đại Tá của quân Tưởng Giới Thạch. Bác quyết định đến VN và mở nhà hàng buôn bán cho đến 1975. Làm một thương gia. Vợ con Bác đều đi Đài Loan trước ngày 30-4. Bác chậm chân kẹt lại. Người chiến thắng bắt Bác đi Tù vì tội danh "đại Tá của Tưởng Giới Thạch". Họ có danh sách hết. Dù đã mấy chục năm. Giờ Bác ra tù, chờ con Gái bảo lãnh đi Mỹ.

    Tôi may mắn được một người tốt bụng giúp đỡ khi không còn "biết sẽ đi về đâu". Chỉ một câu gởi gấm ở nhờ nhà Bác Siêu của anh Trần Tỷ. Loại người như tôi, sao lại may mắn như vậy. Tối về, bác cho tôi ngủ trên một chiếc giường thật to, thật êm, chung với Bác. Tôi cũng chưa bao giờ thấy có một chiếc giường ngủ nào đẹp hơn cái giường ngủ của Bác trong đời. Cả đêm, tôi trằn trọc, suy nghĩ. Cái thay đổi đột ngột ngủ trên miếng ván gổ đầy rệp, hút máu tôi hàng đêm trong Tù. Cái mát mẻ, rộng rãi, êm ấm trên cái giường ngủ của Bác. Rồi, tôi mong trời sáng để nhìn thấy Sài Gòn ngày hôm sau. Sài Gòn ban ngày mà đã hơn 5 năm rồi, tôi không thấy.

    Sáng hôm sau, Bác đưa tôi xuống khu chợ Kim Biên ăn Tỉm xắm. Ngồi trên chiếc xích lô đạp, nhìn Sài Gòn, nhìn Chợ Lớn. Cái thành phố gia đình tôi sống từ khi Di Cư. Nó thân thuộc, nó khơi lại cho tôi từng kỷ niệm của cái thời "cũ trước 1975". Xe cộ cũng không nhiều. Chính là xe gắn máy. 70% vẫn còn đạp xe đạp. Xe hơi thì hoàn toàn của "nhà nước". Năm 1981, làm gì dân có xe hơi mà lái. 99% vẫn còn "đói mốc, đói meo". Người miền Nam chủ yếu sống nhờ vào những thùng quà từ thân nhân ở ngoại quốc gởi về. Ai không có thân nhân. Ăn một bữa con ngon, có thịt, có cá là chuyện khó khăn. Lương công nhân năm 1980 khoảng 30 đồng. Thực phẩm, cafe, gạo bị kiểm soát gắt gao. Hàng ở Tỉnh nào thì ở Tỉnh đó. Thế nên, rất đông dân miền Nam sống nghề buôn lậu. Tháng này sung túc kiếm tiền. Tháng sau, bị bắt, mất sạch là chuyện bình thường.

    Lúc ra khỏi nhà, người Cháu của Bác muốn đi theo. Mục đích muốn đãi Bác ăn sáng và chăm sóc cho Bác. Bác đã lớn tuổi, ở Tù nhiều năm. Vợ và con không còn ai ở VN. Gia đình người Cháu ở lầu 2. Rất cung kính, lễ độ. Lúc nào cũng cúi đầu , khom lưng mỗi khi Bác nói chuyện hay dặn dò điều gì. Với tôi, trông "như thằng ăn mày". Cháu Bác vẫn không lộ một chút nào khinh thường. Nhưng Bác muốn ra đường với tôi, không muốn ai đi theo.Những năm Bác trong Tù. Người Cháu này đi thăm nuôi Bác. Khi Bác ở trên lầu 3. Người Cháu cần nói gì. Chỉ bước đến chân cầu thang nói lên. Khi nào Bác cần gì, thì người Cháu mới lên . Họ tôn trọng sự riêng tư của Bác tuyệt đối.

    Bữa ăn sáng Tỉm Xắm thật ngon và vui. Cả nhóm đã từng làm nhân viên của Bác một thời đến chào hỏi. Ai trả tiền tôi không biết. Thức ăn đủ loại đầy một bàn. Bác chỉ cười, rất ít nói. Tôi thì ăn đầy một bụng. Đứng muốn không nổi. Trên đường về lại nhà. Bác nhét vào tay tôi $50.

    - Về rồi, tốt rồi. Cầm tiền mà đi thăm ai đó thì đi. Chiều nhớ về. Ngọ chờ Nị đi ăn cơm tối.

    Tôi ở nhà Bác 1 tuần. Khi anh Bẩy Tỷ ra Tù sau tôi mấy ngày thì đưa chuyển tôi đến ở nhà người Cháu của anh ở Bến Lê Quang Liêm gần nhà anh. Mỗi ngày ở nhà Bác Siêu , tôi được chăm sóc như một "ông Hoàng". Bác Siêu đi Đài Loan, rồi sau đó đến Mỹ lúc nào tôi không biết. 20 năm sau. Tôi tìm gặp anh Bẩy Tỷ ở Mỹ, thì mới biết Bác Siêu sống ở San Diego với người con Gái. Vợ Bác mất ở Đài Loan. Dù rằng tôi luôn cố gắng tìm Bác để nói lời cảm tạ. Nhưng đã muộn, Bác Hàn Dung Siêu không còn nữa. Một người, không quen tôi, chưa từng nói chuyện với tôi trong Tù. Sao lại tốt với tôi như vậy. Hôm nay, nhắc thương nhớ đến Bác.

    " Ơn ngày ấy, mãi mãi không quên".


    Cao Sơn ( CVA 66 - 73 )


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X