Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đầu Hàng Cộng Sản Bắc Việt

Collapse
X

Đầu Hàng Cộng Sản Bắc Việt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đầu Hàng Cộng Sản Bắc Việt

    Đầu Hàng Cộng Sản Bắc Việt


    Phạm Thắng Vũ


    Chuyện kể về Trung đoàn 56/ SĐ 3 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và Trung tá Phạm Văn Đính.

    Khi sự việc này xẩy ra thì quân đội Hoa Kỳ vẫn còn có mặt tại miền Nam Việt Nam Cộng Hòa.

    Trung Đoàn 56 Bộ Binh (TrĐ56BB) là 1 trong 3 trung đoàn của Sư đoàn 3 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), 2 trung đoàn kia là trung đoàn 2 và 57. Trung đoàn nầy đóng quân tại căn cứ Carroll (Cộng Sản Bắc Việt gọi là căn cứ Tân Lâm), một căn cứ quân sự lớn nhất trong tỉnh Quảng Trị do quân đội Hoa Kỳ bàn giao lại cho QLVNCH và do trung tá Phạm Văn Đính (PVĐ) chỉ huy. Carroll là tên của 1 đại úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tử trận trong cuộc hành quân Prarie ở khu vực nầy vào năm 1966 (do đó đã được người Mỹ lấy tên để gọi cho căn cứ). Ðịa hình của căn cứ rất lý tưởng cho việc phòng thủ vì vòng đai phòng thủ xây theo hình ngũ giác trên một ngọn đồi trống, quân trú phòng có thể quan sát bốn hướng từ xa. Tháng 3 năm 1972, trong căn cứ có khoảng 2000 quân nhân của Trung Đoàn 56BB với 22 súng đại bác bao gồm 105 ly, 155 ly và 175 ly cùng vài chiến xa Duster hạng nhẹ (trang bị đại bác 40 ly). Nhìn từ góc độ phòng ngự, TrĐ56BB trong căn cứ Carroll có thể cầm chân cả một sư đoàn địch (tức Cộng Sản Bắc Việt) dễ dàng.

    Vậy mà TrĐ56BB lại đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt trong ngày 3 tháng 4 năm 1972, điều mà không ai (kể cả tướng Vũ Văn Giai khi đó là tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh) có thể tin nó xẩy ra được. Trước khi đầu hàng thì trong căn cứ có sự tăng phái của một pháo đội 105 ly của Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH (pháo đội B1-tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến) và đơn vị nầy cùng các quân nhân khác trong TrĐ56BB đã không chấp nhận ý định đầu hàng của trung tá PVĐ nên họ đã rút bỏ khỏi căn cứ (theo hướng Đông) và về được các phòng tuyến của QLVNCH. Họ, kể lại việc đầu hàng như sau: Khi liên lạc với tướng Vũ Văn Giai xin được yếm trợ (tăng viện và yểm trợ pháo binh cùng không quân cho căn cứ) trước tình trạng bị quân Cộng Sản Bắc Việt bao vây mà không nhận được sự đáp ứng đầy đủ. Trung tá PVĐ đã cho họp các sĩ quan trong đơn vị để lấy quyết định sau cùng (tử thủ hoặc ra hàng). Sau khi có quyết định đầu hàng, trung tá PVĐ đã tìm cách liên lạc (bắt tần số vô tuyến truyền tin) với đại diện của quân Cộng Sản Bắc Việt trong vùng. Ông đã được hướng dẫn mang cờ trắng cùng số quân nhân (trên 600 người) đồng ý đầu hàng. Tất cả phải trút bỏ giầy trận, súng-đạn và xếp hàng 6 đi ra khỏi căn cứ và đến điểm hẹn với phía Cộng Sản Bắc Việt (do đại úy Bùi Văn Khuyên thuộc Trung đoàn 38 Bông Lau chờ sẵn). Trước lúc đó thì trung tá William Camper, cố vấn Mỹ của TrĐ56BB đã gọi về Trung tâm Hành quân của Sư đoàn 3 BB cho biết nhiệm vụ của ông ta ở căn cứ Carroll chấm dứt và xin được di tản bằng trực thăng.

    Cá nhân trung tá PVĐ không phải là một sĩ quan thường. Ông có nhiều chiến công trong các trận đụng độ với Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên từ năm 1964 đến 1971, qua các chức vụ trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn trưởng TrĐ56 BB (khi mới 30 tuổi). Đặc biệt là ông là người thượng kỳ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên kỳ đài Thành Nội Huế trong trận Mậu Thân-1968 (chỉ huy đại đội Hắc Báo-Sư đoàn 1 Bộ Binh).

    Nhận định về trường hợp của trung tá PVĐ, cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng đã viết trong hồi ký như sau: " Sư đoàn 3 BB đã không yểm trợ cho trung tá PVĐ đầy đủ và quân đoàn 3 cũng đã quên ông, ông muốn được triệt thoái khỏi căn cứ bị bao vây nhưng Tướng Giai lại không chấp thuận (gần như buộc phải tử thủ). Nhận thấy không còn hy vọng và muốn bảo vệ tính mạng của binh sĩ của mình càng nhiều càng tốt nên Trung tá PVĐ (cùng số đông các sĩ quan khác) đã chọn con đường đầu hàng ".

    Thiếu tá Tôn Thất Mãn, Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/56 kể lại thì các Sĩ quan dự cuộc họp quyết định trong ngày 2 tháng 4 năm 1972 đó gồm:

    - Trung tá Phạm văn Đính - Trung đoàn trưởng.
    - Trung tá Vĩnh Phong - Trung đoàn phó.
    - Thiếu tá Thuế - Pháo Binh, phụ tá hỏa lực.
    - Thiếu tá Tôn Thất Mãn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56.
    - Đại úy Hoàng Quốc Thoại - Trưởng ban 3.
    - Đại úy Nhơn - Trưởng ban 2.
    - Đại úy Hoàng Trọng Bôi - Pháo đội trưởng 175.
    - Đại úy Nguyễn Văn Tâm - Pháo đội trưởng TĐ1/PB/TQLC.
    - Trung úy Lê Văn Kiểu - Pháo đội 105.
    - Thiếu úy Thái Thanh Bình - Chi đội trưởng Thiết Giáp.
    - ... một số sĩ quan khác không rõ tên.

    Trung tá PVĐ nói về tình hình nguy ngập của căn cứ Carroll sau 3 ngày bị phía Cộng Sản Bắc Việt pháo kích dữ dội, mặc dầu chưa có bộ binh địch tấn công, nhưng khả năng của đơn vị trú phòng không thể cầm cự lâu dài vì không có viện binh, không có không quân yểm trợ... Phía Cộng Sản Bắc Việt thường tập trung hàng chục khẩu pháo 130 ly cùng khai hoả liền vào một vị trí cố định như căn cứ của VNCH cùng các tiền sát viên đến gần sát bên điều chỉnh vị trí xạ kích (sau khi quân đội Hoa Kỳ không còn yểm trợ các phi vụ oanh tạc bằng pháo đài bay chiến lược B52 ở vùng phi quân sự, biên giới Việt-Miên-Lào như trước nữa). Trung tá PVĐ đã trình với tướng Vũ Văn Giai và được trả lời toàn quyền quyết định, tiếp đó ông đưa ra 3 hướng giải quyết để các Sĩ quan có mặt trong buổi họp lựa chọn:

    1. Tử thủ, chiến đấu đến giây phút cuối cùng.
    2. Mở đường máu để rời khỏi căn cứ.
    3. Đầu hàng.

    Thiếu tá Tôn Thất Mãn đã chọn 1 trong 2 điều trên (tử thủ hoặc mở đường máu để rút khỏi căn cứ) và kết quả là ông đã bị phiá Cộng Sản Bắc Việt bỏ tù 12 năm (sau khi đã phải buộc đầu hàng). Ông kể tiếp: " Sáng ngày 2 tháng 4 năm 1972, sau khi trung tá Đính thông báo lệnh đầu hàng, ngoài ông thì còn 2 Sĩ quan khác chống lại (sau khi trở về đơn vị của mình), đó là Đại úy Nguyễn Văn Tâm và Thiếu úy Thái Thanh Bình. Ngay giờ phút ấy, hai cố vấn Mỹ trong trung đoàn liên lạc được với trực thăng UH đang tiếp tế cho căn cứ Mai Lộc gần đó đã đáp xuống để bốc các vị này đi, một số quân nhân VNCH lên theo, trong đó có thiếu úy Bình. Lúc này trung tá PVĐ ra lệnh đại úy Nhơn, trưởng ban 2, cởi chiếc áo lót màu trắng ra treo trước cổng để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng ". Chuyện cờ trắng như vừa trình bày là do Thiếu tá Tôn Thất Mãn kể, nhưng theo Thiếu tá Hà Thúc Mẫn được Đại úy Hoàng Quốc Thoại, trưởng Ban 3 thuật lại lúc cùng nhau ở trong trại tù Cộng Sản Bắc Việt thì trung tá PVĐ lệnh cho trung sĩ Sừng xé tấm drap trải giường làm đôi. Trong một bài tùy bút của Nguyễn Thắng, phóng viên chiến trường của Cộng Sản Bắc Việt cũng viết: Sau khi sai lính lấy tấm vải trắng trải giường nằm, kéo lên cột cờ, anh Đính đã gọi cho chúng tôi " Alô, Bông Lau đâu, đã trông thấy cờ trắng chưa? ". Làm đúng theo điều kiện của cấp chỉ huy Trung đoàn 38, Pháo Bông Lau (kéo cờ trắng, bắt 2 cố vấn Mỹ cùng ra hàng, để nguyên vũ khí cùng phương tiện chiến đấu tại chỗ và chỉ huy cùng binh sĩ đi thành hàng đôi theo con đường duy nhất đi đến căn cứ Đầu Mầu sẽ có cán bộ ra đón), các quân nhân của TrĐ56BB trong căn cứ Carroll ra hướng quốc lộ 9 theo thứ tự cấp bậc Tá, Úy, Hạ Sĩ Quan, binh sĩ. Cộng Sản Bắc Việt tách riêng bốn sĩ quan cấp Tá khỏi số tập thể quân nhân TrĐ56BB. Sáng ngày hôm sau (3 tháng 4), tất cả quân nhân bị áp tải ra Bắc, chiều tối, lúc đến Bến Than, Bến Tắt chuẩn bị vượt sông Bến Hải thì thiếu tá Tôn Thất Mãn cùng một số khác đã tìm cách bỏ trốn, tuy nhiên lúc này địch quân đã được báo động để lùng sục, nên sau 5 ngày đào thoát, họ bị bắt lại. Riêng đại úy Nhơn, trưởng ban 2 trốn được, lần tìm về khu vực Ái Tử, và vì ông này có hành động gì đó làm cho các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến nghi ngờ, tạm giữ rồi chuyển giao cho an ninh quân đội (Đà Nẵng) điều tra. Có lẽ Đại úy Nhơn là người cầm cờ trắng ra trước cổng căn cứ Carroll để làm tín hiệu chấp nhận đầu hàng?

    Thiếu tá Tôn Thất Mãn kể thêm: " Đoàn hàng binh đi bộ 10 ngày đến Quảng Bình, tại đây có xe đưa ra Thanh Hóa và lên tàu hỏa đến trại giam Bất Bạt ở Sơn Tây. Thời gian này liên tục bị hỏi cung, viết bản tự khai, kiểm điểm. Đặc biệt là Công an bắt tất cả những Sĩ quan có đi du học bên Mỹ phải tường trình đầy đủ những gì đã lãnh hội được và giao cho ông Phạm Văn Đính tổng hợp trình lên chúng. Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo trại giam mở đợt vận động tuyên truyền, kêu gọi tất cả sĩ quan đứng lên tự giác từ bỏ lý lịch căn cước quân nhân QLVNCH để trở về với cái gọi là Quân Đội Nhân Dân. Tôi phản đối chiêu bài này. Khi được trực tiếp đặt vấn đề, tôi nói với tên thiếu tá Cộng Sản Bắc Việt Nguyễn Phương: Ngay từ lúc còn ở căn cứ Carroll, tôi đã chống lại việc đầu hàng của trung đoàn trưởng, mặc dầu mọi người đều im lặng, nhưng lúc đó tôi không nghĩ đến sự an nguy của tính mạng mình và đã chống đối đến cùng. Đời lính thắng bại là chuyện thường tình, bây giờ tôi sa cơ thất thế bị phía các ông bắt, hãy xem tôi như là một tù binh chiến tranh, tôi hoàn toàn chấp nhận vị trí ấy, tôi luôn luôn trung thành với lý tưởng mà tôi đã phụng thờ: TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM, đồng thời tôi không phản bội những chiến hữu dưới quyền đã hy sinh ".

    Những ngày tháng nằm trong xà lim Cộng Sản Bắc Việt, ông kể thêm: Không đau đớn cho thân xác bởi cực hình và thiếu đói, mà xót xa nhiều điều. Mười năm lính, lúc ở Sư đoàn 25 Bộ Binh, tình hình tương đối yên tĩnh, chủ yếu là lo công tác an ninh, bảo vệ dân chúng an tâm làm ăn trong những vùng xa thường bị Việt Cộng về quấy rối... Nhưng khi được trở về chiến đấu trên quê hương Trị Thiên là thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất. Có những thời khắc, mạng sống như nghìn cân treo sợi tóc, phải chiến đấu để chiếm từng thước đất, ngọn đồi, từng bờ tường, con phố... tôi đã dẫn đơn vị đi qua và chiến thắng. Thế mà đến đầu tháng 4 năm1972, đó chưa phải là giờ thứ 25 của cuộc chiến, tại một căn cứ hỏa lực hùng hậu (Carroll), có ưu thế phòng thủ với trên 1000 tay súng và một bộ chỉ huy dày dạn chiến trường. Tất cả chưa bắn một phát súng nào, chưa có đơn vị bộ binh nào của địch xuất hiện, cũng không có lời kêu gọi áp đảo tinh thần, mà chỉ mới là những quả đạn pháo binh của địch bắn vào căn cứ liên tục, đồng ý là địch có ưu thế hỏa lực, áp dụng chiến thuật phong lôi (cả một trung đoàn pháo cùng lúc bắn vào mục tiêu) nhưng như thế chưa phải là hoàn toàn bế tắc, để không thể tổ chức chiến đấu, thế mà chúng tôi đã phải buộc lòng quy giáp đầu hàng . Đầu hàng! Tại sao lại như thế? Động cơ nào? Đó là câu hỏi nhức nhối dày xéo tâm can. Tôi cũng đã thẳng thắn nói ra những ý nghĩ ấy cho đối phương là Nguyễn Quý Hải (tác giả của hồi ký Mùa Hè Cháy), nguyên tiểu đoàn trưởng pháo binh thuộc Trung đoàn 38 Bông Lau, đơn vị trực tiếp gây áp lực buộc Trung đoàn 56 Bộ Binh đầu hàng (trong quyển sách này, tác giả Nguyễn Quý Hải kể lại cảm nghĩ của thiếu tá Tôn Thất Mãn về sự thất bại của Trung đoàn 56 Bộ Binh trước sức tấn công như vũ bão của Trung đoàn 38 Pháo Bông Lau. Thiếu tá Tôn Thất Mãn đã trả lời: " Tôi hết sức ngạc nhiên, không thể tin nổi là số phận của một căn cứ hỏa lực mạnh nhất Quân Đoàn đã được quyết định chỉ trong vòng năm phút ". Hôm nay anh vẫn xác nhận như thế và trình bày thêm: " Sau khi tuyên bố 3 hướng giải quyết, ông Đính đã không có sự thảo luận với tất cả Sĩ quan có mặt và sau lời phản đối của anh Mãn, ông Đính liền ra lệnh Đại úy Nhơn cởi áo lót làm tín hiệu... ").

    Trung tá PVĐ (cùng số quân nhân) khi về hàng thì phía Cộng Sản Bắc Việt đã cho làm riêng một bộ phim về việc nầy (họ gọi là quân nhân Ngụy làm binh biến chống lại chính phủ Sài Gòn) nhưng trong phim thì không nói lý do ra hàng là vì bị bức bách (thiếu thốn vũ khí, bị địch quân đông hơn bao vây và bị cấp trên buộc phải tử thủ) mà là do một ý định chống lại cuộc chiến nên TrĐ56BB đã chọn: Quay về với chính nghĩa, với nhân dân. Trung tá PVĐ sau đó được Cộng Sản Bắc Việt thăng thêm 1 cấp (thành thượng tá) và dùng ông trong việc nghiên cứu về QLVNCH cùng quân đội Hoa Kỳ cũng như lung lạc ý chí các sĩ quan thuộc QLVNCH khác đang bị cầm giữ làm tù binh tại miền Bắc. Cựu đại tá Nguyễn Văn Thọ, nguyên tư lệnh lữ đoàn 3 Dù QLVNCH, ông bị bắt sống ngày 25 tháng 2 năm 1971 tại căn cứ 31 (địa điểm 456) trên đất Hạ Lào (trong trận Lam Sơn 719 trước đó) cho biết, ông đã từng gặp mặt trung tá PVĐ (trong quân phục sĩ quan quân đội Cộng Sản Bắc Việt tại một trại tù). Cuộc gặp mặt đó, trung tá PVĐ thuyết phục ông ra cộng tác với phía quân đội Cộng Sản Bắc Việt.

    Về binh sĩ của Trung Đoàn 56 BB không chịu tử thủ, sống mái chết bỏ với Việt Cộng thì ta biết là không phải từ khởi đầu các sĩ quan trong đơn vị đã mang tinh thần chủ bại (bằng chứng là các sĩ quan đã phải ngồi lại, họp bàn để chọn quyết định sau cùng). Ở đây ta đặt câu hỏi là tại sao Trung đoàn 56 BB có các sĩ quan chỉ huy xuất sắc như vậy (như bản thân trung tá PVĐ) mà lại chọn quyết định đầu hàng. Có người nói là khi đó do Trung đoàn 56 BB (là 1 trong 3 trung đoàn của sư đoàn 3 Bộ Binh gồm TĐ 2, TĐ 56 và TĐ 57) vì phần lớn binh sĩ đã được bổ sung bằng các thành phần địa phương quân-nghĩa quân, lao công đào binh... nên họ rất yếu kém tinh thần, về huấn luyện cũng như thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Chính cố chuẩn tướng Vũ Văn Giai (cựu tư lệnh sư đoàn 3 Bộ Binh) kể lại lai lịch của sư đoàn như sau: Do nhu cầu chiến trường, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH (BTTMQLVNCH) quyết định thành lập một sư đoàn mới để trấn giữ vùng giới tuyến phía Bắc vì sư đoàn 1 Bộ Binh không đủ lực lượng. Tuy nhiên, có thể vì dự tính rút quân theo kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh nên phía Hoa Kỳ không chịu yểm trợ cho việc thành lập sư đoàn mới nầy (nếu đồng ý thì phía đồng minh Hoa Kỳ phải cung cấp thêm vũ khí, quân trang-quân dụng... để trang bị cho một sư đoàn mới). Hoa Kỳ đề nghị đưa một sư đoàn cơ hữu từ trong Nam (VNCH) ra vùng địa đầu giới tuyến (Quân khu 1 của VNCH), hoặc điều động lực lượng Biệt Động Quân.

    Ngay từ đầu thập niên 1970, khi quân đội Hoa Kỳ đang rút dần khỏi chiến trường Việt Nam, các đơn vị chủ lực hiện có của QLVNCH đều bị dàn mỏng lực lượng để giữ đất, để trám vào chỗ trống của quân đội Hoa Kỳ khi họ rút về nước (như trường hợp TrĐ 56 BB đóng trong căn cứ Carroll của quân đội Hoa Kỳ). Sau khi bàn bạc, BTTMQLVNCH quyết định lấy trung đoàn 2 của sư đoàn 1 Bô Binh làm nòng cốt và tăng cường thêm địa phương quân-nghĩa quân và lao công đào binh từ trong miền Nam ra. Thông thường, một sư đoàn có 3 trung đoàn. Riêng sư đoàn 1 Bộ Binh khi đó lại có 4 trung đoàn. Vì vậy, cắt bớt trung đoàn 2 của sư đoàn 1 BB, thì sư đoàn 1 BB vẫn còn 3 trung đoàn. Đặc biệt nữa, trung đoàn 2 của sư đoàn 1 BB lại có 5 tiểu đoàn, mà mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội, nên trung đoàn 2 của sư đoàn 1 BB có 20 đại đội. Nếu theo cách thức cũ, mỗi sư đoàn có 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội, thì sư đoàn tân lập cần có số đại đội là: 3 X 3 X 3 = 27 đại đội. Trong khi đó trung đoàn 2 của sư đoàn 1 BB có 20 đại đội, nên chỉ cần bổ sung thêm 7 đại đội để thành lập sư đoàn mới. Và sư đoàn mới nầy là sư đoàn 3 Bộ Binh (thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1971). Là sư đoàn mới nhưng sư đoàn 3 Bộ Binh lấy tiếp liệu sẵn có chứ Hoa Kỳ không cung cấp tiếp liệu mới nữa (Chỉ có Trung đoàn 2 là được trang bị vũ khí cá nhân như M16, trung liên M60, phóng lựu M79 và tên lửa chống tăng vác vai M72. Và 2 trung đoàn còn lại được trang bị hỗn độn (các báo cáo cho biết có đại đội chỉ được vài khẩu M16, M79, M72 hoặc sử dụng súng trường M14 và thậm chí cả trung liên BAR, Cabin M1, M2 (các vũ khí dành cho lực lượng Nhân Dân Tự Vệ tại hậu phương). Quân trang, quân dụng khác của sư đoàn thì phần lớn phải đi vay mượn từ những đơn vị bạn hoặc từ nguồn bổ sung còn ít ỏi trong Tổng kho Long Bình-Biên Hòa. Đó là vũ khí và các trang bị, còn quân nhân thì sư đoàn 3 Bộ Binh không được tập trung huấn luyện mà chỉ tiếp nhận những đơn vị sẵn có và bổ sung thêm quân số (địa phương quân-nghĩa quân và lao công đào binh từ trong miền Nam ra). Bộ tư lệnh sư đoàn 3 Bộ Binh và hậu cứ chính đóng ở căn cứ Ái Tử, Quảng Trị (do quân đội Hoa Kỳ rút về nước để lại). Đó là thực trạng sư đoàn 3 Bộ Binh trước khi đụng trận vào năm 1972.

    Trong cuộc tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, lực lượng bên phía Cộng Sản Bắc Việt gồm có: 2 sư đoàn Bộ Binh 304 và 308, 5 trung đoàn Bộ Binh biệt lập mang phiên hiệu số 27, 31, 126, 220 và 246, 01 sư đoàn pháo binh, 2 trung đoàn Tăng 203, 204 và 1 trung đoàn thiết giáp PT 76. Lực lượng của QLVNCH gồm có: Giai đoạn đầu sư đoàn 3 Bộ Binh, lữ đoàn 147 TQLC, thiết đoàn 18 Kỵ binh, lực lượng diện địa tỉnh Quảng Trị gồm địa phương quân-nghĩa quân. Giai đoạn sau tăng phái thêm lữ đoàn 258 TQLC, 2 liên đoàn Biệt động quân, lữ đoàn 1 thiết giáp.

    Ta thấy là tương quan lực lượng giữa hai bên thì rõ ràng lực lượng bên phía Cộng Sản Bắc Việt vượt trội hơn nhiều. Thiết giáp Cộng Sản Bắc Việt trang bị T54, T59 tối tân của Liên Xô, cán binh gần 4 sư đoàn và phía Cộng Sản Bắc Việt chủ động tấn công (khai mở các trận chiến) trong khi bên phía QLVNCH quân số ít hơn, lại bị thụ động chống trả (như trường hợp của căn cứ Carroll, Cộng Sản Bắc Việt tập trung hỏa lực pháo binh (130 ly, hỏa tiễn 122 ly) nã liên tục hàng trăm quả pháo vào căn cứ này (một vị trí cố định) và đây cũng là yếu tố làm cho binh sĩ trong TrĐ56BB giao động). Từ sau trận Lam Sơn 719 (khởi sự từ tháng 1-1971) thì phía Hoa Kỳ đã giảm thiểu các phi vụ không kích (quan trọng nhất là các phi vụ B52) yểm trợ cho QLVNCH) cũng như từ chối lời đề nghị của Đại tướng Cao Văn Viên (với Bộ Tư lệnh Viện Trợ Quân Sự Mỹ tại VN-MACV) là: Thay thế tất cả chiến xa M41 bằng chiến xa M48, thay các đại bác không giật bằng hỏa tiễn chống chiến xa, thêm các tiểu đoàn pháo binh với đại bác tự hành 175... nhưng không được phía Hoa Kỳ đồng ý. Nguyên nhân khiến phía Hoa Kỳ từ chối (các đề nghị tăng cường vũ khí) là vì họ lo ngại QLVNCH, một khi được trang bị các vũ khí tối tân thì sẽ... mở rộng chiến tranh vượt khỏi tầm kiểm soát của Hoa Kỳ (theo Nguyễn Đức Phương).

    Trở lại chuyện Trung đoàn 56 Bộ Binh đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt thì ta thấy theo lời kể của Thiếu tá Tôn Thất Mãn chính là vì sự chủ bại của viên Sĩ quan chỉ huy đơn vị, trung tá PVĐ. Đành rằng quân nhân trong trung đoàn có những người lấy từ số lính nghĩa quân-địa phương quân và lao công đào binh bổ sung vào mà thành. Số sĩ quan và quân nhân trong trung đoàn có người đã chống lại ý định đầu hàng của trung tá PVĐ (Như trường hợp của thiếu tá Tôn Thất Mãn, đại úy Nguyễn Văn Tâm và thiếu úy Thái Thanh Bình cùng 2 cố vấn Mỹ kể trên đây). Khi đầu hàng Cộng Sản Bắc Việt rồi, vào trại giam thì chúng mới lựa lọc lại. Có người được chúng tin tưởng, thăng cấp ngay (như trung tá PVĐ và trung tá Vĩnh Phong) hoặc bị chúng bỏ tù dù kể cả khi có Hiệp Định Ba Lê 1973 buộc phải trao trả tù binh đã bắt giữ (chương III, điều 8) tại các mặt trận, chúng cũng lờ đi. Thiếu tá Tôn Thất Mãn có những bộc bạch về cá nhân của trung tá PVĐ: " ... trong bao năm cận kề chiến đấu, vào sinh ra tử bên nhau với trung đoàn trưởng, tôi đã có sự liên hệ thân tình, kính mến. Phút cuối ở Carroll, có thể có những lý do thầm kín nào đó để ông Đính đưa đến quyết định tai hại ấy! Lòng tôi có đôi chút thông cảm, tuy nhiên, qua những việc ông cư xử với anh em trong trại tù, cũng như sự hăng say hợp tác với đối phương sau này làm tôi thất vọng, bao nhiêu niềm tin và sự kính phục đã không còn nữa ".

    Cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc tại Việt Nam (từ 1954-1975) có nhiều người ngộ nhận phía miền Bắc (Cộng Sản Bắc Việt) và Việt Cộng miền Nam có chính nghĩa và phía miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) là tay sai của chính quyền Hoa Kỳ. Cảnh nhà cháy, cầu sập, dân lành thương vong do bom rơi-đạn nổ của bất cứ nơi nào đó ở 2 miền Nam-Bắc thì có người đổ cho do bọn Mỹ xâm lược mà ra cả. Họ không chịu truy tìm nguồn gốc của các nguyên do, tại sao có cuộc chiến tranh? Nhìn vào cảnh tang thương của đất nước trong cảnh chiến tranh khi đó, tại lãnh thổ VNCH có người chủ hòa cho là phải có lòng thương với những người phía bên kia (Cộng Sản Bắc Việt-Việt Cộng miền Nam) vì chúng ta cùng dòng máu người Việt, là anh em với nhau, con một nhà. Có người chủ bại cho rằng nếu còn tiếp tục chiến tranh thì còn thêm người chết, quê hương sẽ thêm cảnh hoang tàn. Những người này kêu gọi hòa bình, buông súng đừng bắn nhau nữa (chỉ kêu gọi một chiều với phía VNCH thôi còn phía Cộng Sản Bắc Việt-Việt Cộng miền Nam thì cứ tiếp tục) rồi hòa bình sẽ tới. Phải biết thương đến đời sống của người dân lành.

    Trung tá PVĐ là một trong số những người này khi chúng ta biết về một hồi ký của ông được trích đăng trên tờ báo Đối Diện (số 45 ra tháng 4 năm 1973). Trong quyển hồi ký này (có tựa là Trong Niềm Hòa Hợp), tác giả PVĐ kể lại việc khi mang lon đại úy với chức vụ quận trưởng Quảng Điền vào năm 1967, ông đã tích cực giúp đỡ cho một cán bộ Việt Cộng (tên là Kỳ) khi y ta bị bắt giam. Tác giả đã dựa vào chức vụ quận trưởng để che dấu lý lịch thật của gã cán bộ Việt Cộng đó cũng như viết thư riêng cho trưởng ty cảnh sát địa phương để không tra tấn, hành hạ thân xác và phải đối xử tử tế với gã cán bộ Việt Cộng. Trung tá PVĐ cũng giống như những người sống trong xã hội miền Nam VNCH, dù có các thành đạt trong xã hội miền Nam VNCH nhưng trong đầu óc họ: Luôn thấy hình ảnh cán bộ Cộng Sản Bắc Việt-Việt Cộng miền Nam tương tự như những anh hùng chống Pháp, chống Tàu trong sử Việt ngày trước. Gã cán bộ Việt Cộng đó nhờ các giúp đỡ của trung tá PVĐ mà sau đó đã thoát được trại giam Thừa Phủ và cả hai gặp lại nhau sau này.

    Chỉ đến khi cả lãnh thổ VNCH sa vào tay bọn Cộng Sản Bắc Việt-Việt Cộng miền Nam hoàn toàn (sau ngày 30-4-1975) thì nhiều người có đầu óc chủ hòa, chủ bại mới sáng mắt. Mới thấy rõ phía bên nào (Cộng Sản Bắc Việt-Việt Cộng miền Nam hay Việt Nam Cộng Hòa) có chính nghĩa. Phía bên nào là kẻ xâm lăng-gây ra cuộc chiến tranh trước tiên. Phía bên nào tự vệ và phía bên nào mới thực sự là người biết thương dân lành.



    Phạm Thắng Vũ
    Post lại từ trang wordpress

  • #2
    “Anh hùng và Kẻ bội phản trong Quân lực VNCH,”
    Một tiếng nói mới về chiến tranh VN, Tác phẩm được xây dựng trên 2 nhân vật chính, có thật, hoàn toàn có thể kiểm chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hai nhân vật có tên Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế.

    Cả hai gặp nhau trong một sự sắp xếp trớ trêu của định mệnh. Trước hết, họ là đồng hương, là người Huế, và cùng yêu cố đô với tình cảm mãnh liệt. Cả hai đều chọn binh nghiệp. Sĩ quan Phạm Văn Ðính, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Ðức, sĩ quan Trần Ngọc Huế, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt.

    Con đường binh nghiệp của cả hai sĩ quan trẻ gặp nhau tất cả 5 lần.

    Không như những gì thế giới Phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. Anh dũng hơn cả những gì mà thế giới Tây Phương, cho đến thời điểm này, vẫn viết, vẫn tin và vẫn hình dung. Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, họ đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả.

    Bốn lần đầu, trong vinh quang, khi cả hai cùng liên tiếp được thăng cấp rất nhanh trong vai trò sĩ quan tác chiến. Sự gan dạ và các chiến tích của họ được tác giả cuốn sách gọi là “Thời Đại Của Những Anh Hùng.”

    Lần gặp thứ năm, cũng là lần cuối cùng, cả hai không thể lường trước, về hoàn cảnh, về địa điểm, và cả tư thế. Lần gặp này, một trong hai người sẽ phải ân hận cho đến cuối đời.

    Đó là một ít sơ lược về ông P.v.Đính và để các HT cùng bạn bè biết thêm về ông này, DQY xin góp thêm vài điều để thấy mặc trái tệ hại của kẻ phản bội:
    -Sau khi đầu hàng ở căn cứ CAROL, ông Đính trở thành công cụ cho bọn VC khi trong những năm 73 trở đi, ông luôn miệng kêu gọi binh sỉ QLVNCH bỏ ngủ , đào ngủ đầu hàng VC như ông đã làm. Sau 30/04/75 ông Đính trong bộ kaki Nam định đội nón cối đến các trại tù cải tạo để tuyên truyền cũng như mạt sát QLVNCH, trong một buổi học chính trị trong trại tù,ông Đính kể lại một câu chuyện :
    -Trong thời gian khi tôi ( lời ông Đính ) còn là Trung tá QLVNCH ,có một lần trên đường từ Quảng Trị về Huế thì gặp một tóan tuần tiểu hổn hợp Quân cảnh chặn xe để kiểm tra giấy tờ ,tên Tr/sỉ MP của Mỹ đứng bên xe jeep mà không giơ tay chào mặc dầu hắn thấy tôi đang mang cấp bậc Trung tá.Tôi bước xuống hỏi hắn là : Anh có thấy tôi mang cấp bậc gì không ?, tại sao anh không chào kính tôi?
    -Tên MP Mỹ hỏi lại là thế Tr/tá có biết cái xe Tr/tá đi, tiền lương và cả nhiều thứ viện trợ khác là do Hoa kỳ cho phải không ?
    Sau đó ông Đính kết luận :
    -Các anh thấy không? Điều đó chứng tỏ QLVNCH là tay sai của Đế quốc Mỹ.
    Nói đến đây thì phía dưới đám anh em tù có một cánh tay đứa lên xin phát biểu ,đó là anh Thiếu tá .T.t.Mãn :
    -Thế thì Tr/tá Đính có biết cái sắc cốt, khẩu K 54, bộ đồ và ngay cả đôi sandal ông đang mang là của Trung cộng, ngay cả muối ăn cũng của Trung cộng viện trợ thế thì quân đội miền Bắc là cái gì của Trung cộng?
    Đến đây thì ông Đính câm họng bước ra ngoài bỏ dỡ bài học chính trị đang giảng.
    Còn anh tù cải tạo ngoan cố bị lôi đi nhốt nhà ri và bị đánh thê thảm.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X