Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày tháng đầu tiên sau 30-4 tại Sài Gòn

Collapse
X

Những ngày tháng đầu tiên sau 30-4 tại Sài Gòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày tháng đầu tiên sau 30-4 tại Sài Gòn

    Những ngày tháng đầu tiên sau 30-4 tại Sài Gòn


    Nam Tran


    Sáng ngày một tháng năm năm một chín bảy lăm, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Cái thông báo đầu tiên mà cho tới nay ít người để ý và thậm chí quên luôn, đó là : điều chỉnh lại cái đồng hồ. Giờ miền Bắc chậm hơn giờ miền Nam một tiếng, chính vì thế mà trong các phim tài liệu hoặc hồi ký người ta thường thấy giờ giấc không giống nhau dù nó xảy ra cùng 1 thời thời điểm. Ví dụ: khi chiếc xe tăng chạy vào dinh Độc Lập rồi kéo cờ trên sân thượng, bên thắng cuộc nói đúng 11 giờ 30 phút, còn trong hồi ký của các ông tướng bên thua cuộc lại nói tôi nhìn đồng hồ đeo tay thì thấy lúc đó là 10 giờ 30... thế là đồng hồ của bên thua cuộc phải chỉnh lại chậm 60 phút cho bằng bên thắng cuộc! Một thông báo nữa quan trọng không kém, đó là: đem nộp tất cả quân trang, quân dụng của QLVNCH, nếu ai còn giữ chúng sẽ bị nghiêm trị! thế là bà con ta lôi tất cả các thứ ấy đem chúng ra khỏi nhà, tập trung lại tại địa điểm chính quyền quy định. Từ nay không ai gọi bên thắng cuộc là VC nữa, quân đội miền bắc được gọi là bộ đội hay là QĐNDVN, chính quyền mới tại Sài Gòn gọi là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn Gia Định, ở xã ấp gọi là ủy ban nhân dân Cách mạng...

    Biết cha Việt Châu không trở về, các cha dòng Thánh Thể mở phòng cha Việt Châu để vào, trong phòng có vài chục triệu đồng tiền VNCH, nhà dòng bèn ra một thông báo cho trại tạm cư Tam Bình được hay: mỗi gia đình được hỗ trợ năm mươi ngàn đồng để thuê xe trở về quê quán. Sáng đó cũng có cãi cọ giành giựt chiếc xe Honda dame của cha Việt Châu mượn nhà ông bà Dung. Người ta bắt đầu rời nhà ở Khiết Tâm mà chả thèm chào từ giã! Ba tôi đem mấy cái ba lô bỏ xuống hố cá nhân chôn hết. Ba tôi nhờ bác Bân thuê cái xe lam của ông Nhượng sui gia với bác để chở toàn bộ tài sản ít ỏi của nhà về giáo xứ Châu Nam, Hóc Môn. Tôi vẫn quen chân đi ra xa lộ coi bộ đội, lần này tôi thấy họ thật nhiều, họ mặc quần áo mới ngồi trên các xe Motorola chạy vào Sài Gòn nhưng tôi vẫn chưa thấy xe tăng T.54, có vài chiếc xe bánh xích chạy trên đường nó không giống xe tăng vì không có pháo tháp. Thiên hạ vào hôi của trong căn cứ đem đủ thứ đồ ra, chủ yếu là đồ quân tiếp vụ, có cả những chiếc xe mini vỏ xẹp lép vẫn được lái đi. Mọi người tiếp tục tan hàng! Không còn ai quan tâm đến nhau, các gia đình tự quản lý con cái. Ở sân nhà thờ quân trang, quân dụng người ta đem vứt bỏ thành một đống to, không ai dám giữ chúng trong nhà ! Vài ngày sau chúng tôi rời Khiết Tâm bằng xe lam của ông Nhượng để về giáo xứ Châu Nam, Hóc Môn. Tới ngã tư cầu Bình Phước có một chốt chặn do du kích đeo băng tay đỏ chặn xe lại, mấy tên cách mạng ba mươi tới xe nhìn soi mói, chả có cái gì để tịch thu, tôi nhìn thấy chiến lợi phẩm của họ là một bãi xe máy các loại, họ cho chúng tôi đi tiếp. Càng gần trung tâm huấn luyện Quang Trung thì dấu tích chiến tranh càng rõ, xe quân sự vứt bỏ hai bên đường, xe tàu bò, xe thiết giáp M.113 đạn còn mới tinh đeo quanh thành xe. Cổng chính trung tâm huấn luyện còn xác hai chiếc T.54 bị bắn cháy đỏ nằm giữa cổng. Khi đi vào quốc lộ một về hướng Tây Ninh có nhiều xác xe bị bắn hỏng, nhà cửa bị bắn sập, chỉ thiếu xác người mà thôi. Đây là một mũi tấn công từ Tây Ninh, Củ Chi sang, Sư đoàn 25 Bộ binh tại căn cứ Đồng Dù bị xoá sổ. Toàn bộ Ban tham mưu Sư đoàn 25 bị bắt khi chạy tới quãng Hóc Môn, rất nhiều người bị chết trên đoạn đường này. Nơi đây thật sự có giao tranh giữa hai bên. Nếu tôi không ở Thủ Đức thì sẽ được nếm mùi chiến tranh ở Hóc Môn ! Về xứ Châu Nam chúng tôi ở tạm nhà bác Bân, gia đình tôi thân với nhà bác nhất nên không còn cái cảm giác nhạt nhẽo và hụt hẫng như ở Khiết Tâm. Bà con ở Châu Nam cũng nhiều nên tôi tha hồ đi từ nhà này sang nhà khác, tôi thích qua nhà bác Thưởng chơi với anh Thức, nhà bác còn nhiều hộp phấn không bụi của Mỹ nhưng lúc đó tôi cũng chẳng biết giá trị của nó. Gần nhà thờ Châu Nam còn xác một chiếc M.113, nó bị dính B.40 lết vào con được đất và bị bỏ ở đó nhiều tháng, chiếc này dùng chạy trong thành phố nên giữa lớp xích có miếng đệm bằng cao su, nghe mọi người kể là xe đó có người bị chết và bị thương khi trúng đạn. Mấy ngày đầu ba tôi lên khu Quang Trung lượm một lúc cả chục cái ca inox của quân đội đem về chia mỗi nhà mấy cái để xài. Chúng tôi còn ra các ụ chống xe tăng ở gần chợ Nam Hưng cưa lấy những thanh sắt trong đống bê tông đem về làm thanh ngang của bếp củi, rơm. Hệ thống ụ chống tăng gồm 3 cái ụ lớn bằng xi măng cốt thép xây án ngữ đường quốc lộ tạo thành chữ Z, buộc xe phải di chuyển xuyên qua nó để M72 bắn, chả có chiếc T54 nào bị bắn cháy vì người ta đã bỏ chạy trước khi chúng xuất hiện! Bác Bân lấy lại hai cái nhà sát vách lại cho ba tôi và chúng tôi dọn qua đó ở. Nhà do ba tôi mua từ trước đó mấy năm nhưng tôi thấy nó chả gần gũi chút nào, lúc nào tôi cũng nghĩ về căn nhà trong Khu Tạo Tác nơi gia đình đã sống 10 năm trong đó với bao nhiêu là kỷ niệm vui nhiều hơn buồn ! Nhà bằng ván lợp tôn, giếng nước bằng đất, nhà vệ sinh cũng là một hố đất sâu mái lợp tôn, bề ngang của hai nhà khoảng 6m, dài hơn 30m. Phía bên phải là nhà ông Quảng, tới nhà ông Năm cà ri, cách con hẻm tới nhà bác Bân. Phía trái là nhà bà Hùng, tụi tôi hay gọi là mợ Hùng, chồng mợ chết mất xác tại căn cứ Đồng Dù khi bộ đội đánh vào đây. Cậu chết để lại một bầy con nhỏ cho mợ, đứa út chỉ một hai tuổi tên là Hiển. Thời gian đầu tôi cứ nghe mợ nhớ chồng gào khóc kêu anh ơi anh hỡi thậm thảm thiết. Tôi vẫn chơi thân với anh Thức con bác Thưởng. Một buổi chiều anh chạy qua nhà báo là tối đó bộ đội sẽ chiếu phim tại sân nhà thờ Nam Hưng cách nhà tôi vài trăm mét. Tối đó hai thằng háo hức kéo nhau đi xem xi nê phim của miền bắc XHCN, bộ phim có tựa là “Người chiến sĩ trẻ” do miền bắc đóng, họ đóng phim này từ năm 1964, bọn nhóc cũng vỗ tay la hò khi chiếu cảnh bộ đội Việt Minh đánh xe tăng Pháp… y như hồi ở Khu Tạo Tác tụi tôi xem cảnh bộ đội Việt Minh đánh đồn Pháp hay lúc họ phục kích đoàn xe Pháp trong phim “ Chúng tôi muốn sống” do VNCH đóng, thật lạ ! Đó là bộ phim XHCN đầu tiên tôi xem.

    Giáo xứ Châu Nam nơi nhà tôi sống do cha Tạ Hoà Ước có công gầy dựng từ những năm sau 1954, nó nằm ven quốc lộ một cách ngã tư Hóc Môn gần một km. Bên kia đường là khu Quân sự do Liên đoàn 5 Công Binh VNCH đóng quân. Ngã ba Lam Sơn nẳm cách đó khoảng vài trăm mét, người ta gọi khu này là thành ông Năm. Khi nhà tôi về thì cha già Ước đã xin hưu trí, cha Phaolô Phạm Hùng Tịnh đang làm chánh xứ. Cha rất thích bé An em tôi, lúc đó mới 4 tuổi. Cách Châu Nam vài trăm mét phía bên trong là một làng người nông dân nam bộ sống mà người ta hay gọi là làng nam, người làng nam hay gọi dân xứ Châu Nam là làng di cư, có vẻ hai bên không thích nhau lắm. Có lần tôi mò vô làng nam một mình để bắt mấy con dế, bị bọn trẻ chăn bò tóm được và tụi nó xé toạc cái áo tôi mặc mà không làm gì được chúng. Nhà tôi nằm bên hông nhà thờ, cùng bên với nhà bác Bân, cuối con đường là nghĩa địa của giáo xứ. Điều này có nghĩa là mọi đám ma đều đi ngang nhà tôi, ở xứ nóng đám ma họ đưa sớm lắm, nhiều khi đang say ngủ đã nghe tiếng gào khóc, tiếng chiêng, trống đánh thùng thùng đi ngang nhà thật là ớn lạnh! Mười năm sống ở Đà Lạt trong khu gia binh cuộc sống thanh bình lắm. Nay mọi thứ đảo lộn tùng phèo! Nhà bác Bân chỉ cách nhà tôi khoảng mười mấy mét nên suốt ngày tôi đóng đô bên nhà bác, lúc thì leo trèo hái trái cây, khi thì lục tủ sách đọc truyện. Thích nhất là theo bác gái qua chợ Nam Hưng mua đồ hay đi xe thổ mộ tới chợ Hóc Môn mua hàng về bán. Chợ Nam Hưng những ngày đầu tháng năm đầy nhóc bộ đội đi sắm hàng đem về bắc, thứ họ mua nhiều nhất là vải vóc các loại, đồ lót của phụ nữ, họ dùng tiền miền bắc và tự ý đặt ra tỷ giá quy đổi với tiền VNCH. Tiền họ xài là một loại tiền giấy to bản hơn tiền trong nam, đa số là tờ mười đồng màu nâu đỏ, tiền có hình cụ Hồ và không hề có một chữ ký nào trên đó. Những chiếc molotova thời kỳ mày cũng là mối kinh hoàng cho người dân chung quanh, quen chạy trong rừng nay ra thành phố đông đúc, bọn lái xe thường xuyên gây tại nạn giao thông ở khu vực thành ông Năm! Cuộc sống ngày một khó khăn do rất nhiều binh lính, nhân viên chế độ cũ lâm vào cảnh thất nghiệp. Ba tôi cũng nằm trong số đó, không lương, không tài sản thật là nan giải! Chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập, chỗ tôi ở được gọi là ấp Thống Nhất 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Nhà Tôi mang số 78/10, nhà bác Bân là 78/3. Cô Liên gần nhà bác được bầu làm trưởng ấp. Một tuần sau, ngày 5-5-1975, Ủy Ban Quân quản Sài Gòn ban bố :

    " Mệnh lệnh số 1 về việc ra trình diện, đăng ký và nộp vũ khí của Sĩ quan, binh lính, cảnh sát, và nhân viên ngụy quyền: Điều I: Tất cả các Sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo mật vụ, nhân viên ngụy quyền trong thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định đều phải ra trình diện và đăng ký. Thời hạn bắt đầu từ ngày 8-5-1975 cho đến ngày 31-5-1975 là ngày cuối cùng".

    Vài tuần sau, ngày 22 tháng 5 ba tôi bèn tìm cách về Đà Lạt để đem xe đạp mini và cái may hiệu Singer đang gởi ở dòng Tên đem về Sài Gòn. Khi chính quyền mới đã ổn định được tình hình họ bắt đầu mở những đợt càn quét văn hóa phẩm mà họ cho là đồi truỵ. Gần một tháng sau sau Lệnh Trình diện, ngày 10-6-1975, Uỷ Ban Quân quản ra thông cáo “Về việc Học tập Cải tạo Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh lính và Nhân viên Quân đội Ngụy, Tình báo, Cảnh sát và Ngụy quyền đã trình diện đăng ký”. Theo đó: Tất cả Hạ sĩ quan binh lính và nhân viên Quân đội Nguỵ thuộc các Quân binh chủng tại Sài Gòn-Gia Định, tình báo Cảnh sát và nhân viên Nguỵ quyền quận, phường, khóm, xã, ấp đã trình diện đăng ký phải đi học tập cải tạo trong ba ngày kể từ ngày 11-6-1975 đến ngày 13-6-1975. Ba tôi, bác Phú, anh Bôn, những người họ gọi là nguỵ quân… bị cải tạo tập trung tại sân đình Hóc Môn gần chợ Hóc Môn. Đợt học tập cải tạo tư tưởng kéo dài 3 ngày, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng sáu năm 1975, ba tôi và các anh hay rủ tôi đi theo cho vui. Ở trên bàn cán bộ cứ nói thao thao, dưới sân lính VNCH ngồi xếp bằng, có người còn đem theo cả cuốn Z.28 của Tống Lê Bình đọc để giết thời gian… lần đầu tiên tôi nghe nói về chủ nghĩa thực dân, đế quốc Mỹ, nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai bán nước, chiến tranh đặc biệt… mà chẳng hiểu gì cả! Rất nhiều người thuộc đủ mọi Binh chủng từ hạ sĩ quan trở xuống phải đi học để được cấp giấy chứng nhận đã học tập cải tạo. Giấy chúng nhận đã học tập cải tạo của ba tôi số 929 cấp ngày 23 tháng 6 năm 1975 tại Sài Gòn. Có xe mini ba tôi đạp xe chở tôi đi khắp nơi, lên Sài Gòn ghé nhà ông bà Dung ở 417 Lý Thái Tổ cạnh nhà thờ Bắc Hà, ghé nhà ông bà Giá… Ra Bưu điện Sài Gòn mua tem Cộng hoà miền Nam Việt Nam mang hình bác Hồ tưới cây vú sữa giá mặt 30 đồng để gởi thư về miền Bắc. Ba tôi gởi xe đạp ở nhà ông bà Dung rồi dẫn tôi đi Lam Sơn thăm bà con, chỗ này cách Sài Gòn Gần 100 km trên đường đi Vũng Tàu. Dấu vết chiến tranh lúc này vẫn chưa xoá hết, còn rất nhiều xe nhà binh nằm hai bên đường đa số đã hỏng, bức tượng Thương Tiếc ở nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà bị kéo ngã, đầu bức tượng cắm xuống đất! Lam Sơn không có điện, ban đêm lập loè đom đóm bay nhờ đó tôi mới biết con đom đóm hình dạng như thế nào. Chúng tôi phải ổn định cuộc sống, người thất nghiệp đông vô kể, nhất là những nhân viên, binh lính chế độ cũ không có việc để làm nhưng vẫn cứ phải ăn, phải sống. Những gia đình có nhiều lao động bèn tìm cách đi về các vùng có ruộng vườn để trồng cây lương thực. Ba tôi đi mua lồ ô về để đóng gường, tôi dắt đằng lái ba tôi đỡ đàng sau, có lần xe ngã muốn gãy cả xe ! Chị Tịnh phải trở lên Đà Lạt để học nốt chương trình lớp 12 thi Tú tài, nhờ vậy tôi đươc biết tin những bạn bè còn hay không trở lại Đà Lạt, gia đình của Trọng không đi được xuống Sài Gòn nên quay về Đà Lạt, nhà bác Trụ đã đi Mỹ, con chó Mi Nô của chúng tôi vẫn còn sống lang thang ở các bụi rậm khu ngã tư và không ai bắt được nó…Bà con ngoài bắc liên lạc được với trong Nam nên đã tìm mọi cách vào Nam, nhà bác Bân rộng rãi nên đón tiếp nhiều lượt bà con vào. Mục tiêu của các chuyến vào nam là quà biếu đem về, không có ai ra ngoài Bắc (nếu có thì chắc chỉ có mấy ông Sĩ quan bị đêm ra ngoài đó thôi) mà chỉ có người vào trong Nam thăm họ hàng! Ngày 15 tháng 7 mẹ tôi sinh em út cách ngày sinh của An đúng 4 năm, ba tôi đặt tên là Trần Thiên Xuân Anh Đào để nhớ về Đà Lạt xứ hoa đào, lúc rửa tội cha Tịnh thấy tên dài quá nên gạch bớt một chữ cuối thành Xuân Anh! Ba tôi nhờ chị Ca vợ anh Bin đỡ đầu. Mọi người ở Châu Nam ghé lại thăm mỗi người giúp một ít vì gia đình tôi được chính quyền ấp xếp vào diện khó khăn, được trợ cấp mỗi tháng mấy ký gạo đỏ! Chiếc xe đạp mini được gắn thùng cà rem vào và tôi bắt đầu trở thành dân bán cà rem, chiếc xe lúc đó còn mới và đẹp lắm mọi người ưa gọi là cà rem mini, khách hàng đắt nhất là cánh bộ đội đóng ở hãng thuốc lá bên hông nhà thờ Châu Nam, vừa ăn vừa nói phét: cà rem ngoài bắc đầy dẫy, ăn không hết phơi khô để dành!. Số người bỏ xứ đi ngày càng nhiều, ông Năm cà ri leo lên gỡ tôn, đà gỗ té xuống gãy cả tay. Ba tôi đi với bác Bân, về Phương Lâm ở Đồng Nai, bác Thưởng về Phú Giáo để tìm một vùng đất có thể canh tác lâu dài, chuyện học hành coi như xếp xó, giải quyết cái ăn trước đã. Ba tôi cũng tính cả chuyện trở về canh tác ở Phú Hiệp nhưng lực lượng lao động nhà tôi quá bèo: chỉ có mình ba tôi là có sức! Mẹ đang nuôi con nhỏ, bảy con gái một con trai mới 14 tuổi thì tất nhiên chả làm ăn gì được cả! Trong vùng lại xảy ra dịch ghẻ chốc mà người ta hay nói là ghẻ bộ đội (do Bộ đội mang từ rừng vào), từ hông tôi trở xuống chân mọc lên cơ man nào là mụt ghẻ, thứ ghẻ tàu nó to bằng bụng con ruồi bên trong toàn mủ xanh tanh rình! Mụn này khỏi thì mụt khác lại mọc lên, khổ ơi là khổ. Mấy đứa em tôi mọc mụt cả trên đầu, phải cạo trọc bôi thuốc xanh lè ! Ngoài ra con có thứ ghẻ ruồi nữa, ghẻ ruồi mọc ở kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, ngứa lắm! Quá sợ tụi tôi nhao nhao đòi về Đà Lạt, đâu biết là quay về đó lại càng khổ gấp mấy lần so với ở Sài Gòn ! ...



    Nam Tran


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X