Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một chút gì để nhớ: Cựu Trung-tá Không-quân Vận-tải Phạm-Ngọc-Tụng.

Collapse
X

Một chút gì để nhớ: Cựu Trung-tá Không-quân Vận-tải Phạm-Ngọc-Tụng.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một chút gì để nhớ: Cựu Trung-tá Không-quân Vận-tải Phạm-Ngọc-Tụng.

    Một chút gì để nhớ: Cựu Trung-tá Không-quân Vận-tải Phạm-Ngọc-Tụng.
    (1934-2020)

    Herky 460/Cánh Thép

    Là một chú đàn em xa lơ xa lắt trong ngành vận-tải, hồi còn bên Việt-Nam tôi hoàn toàn không biết gì về vị niên trưởng kỳ cựu Phạm-Ngọc-Tụng, các bạn bè cùng thời cũng hay thường gọi ông là : “Ông Đồ Tụng”.

    Mà chắc thế hệ cùng thời với tôi cũng không hề biết niên trưởng Tụng như tôi vậy.(Thế hệ Việt-Nam hóa trở về sau này !)

    Sau năm 1975 khi qua Mỹ trú ngụ tại tiểu bang Ohio được 1 vài năm thì tôi quen với Trung-tá Tụng và sau này mới biết là niên trưởng Phạm-ngoc-Tụng cũng là một cây cỗ thụ trong ngành vận-tải tại Việt Nam, niên trưởng cùng khóa sĩ-quan Nam-Định với Tướng Nguyễn-Cao-kỳ. Từng sĩ -quan huấn luyện tại Không-đoàn 33 căn cứ KQ Tân-sơn-Nhứt. Cuối năm 1963 được biệt phái sang bay cho Air Việt Nam cho đến ngày mất nước, thảo nào thế hệ sinh sau đẻ muộn của tôi chả bao giờ nghe đến Tên của vị niên trưởng này cả. ( Cuối năm 1968 thì tôi mới nhập ngũ ! )

    Sau này khi biết tôi cũng cùng nghề bay Boeing bên Mỹ nên đại niên-trưởng Tụng rất thân với tôi, lúc nào cũng xem tôi như một đứa em trong gia đình, có chuyện gì cũng đều liên lạc với tôi, nhất là chị Loan vợ anh Tụng, ăn nói lúc nào cũng nhẹ nhàng thanh-nhã đúng giọng, cư xữ với mọi người đúng kiễu phụ-nữ Hà-nội chính gốc.

    Trong nhiều năm gần đây khi phong trào Cờ Vàng bộc phát, tiểu bang Ohio là tiểu bang đầu tiên trên đất Mỹ được lưỡng viện quốc hội của tiểu bang công nhận cờ Vàng Ba sọc đỏ là lá cờ duy nhất, tiêu biểu cho những người Việt-nam tỵ nạn tại Ohio. Mà niên trưởng Phạm-Ngọc-Tụng là người rất có công đã tranh đấu tận lực cho đến khi đạt được nghị định công nhận cờ Vàng của lưỡng viện quốc hội Ohio.

    Vì thế cứ hằng năm, tiểu bang Ohio cho phép những người Việt tại tiểu bang này tề tựu lại trước tiền-đình của thủ phủ Ohio là Columbus, tại đây vào thời khoảng của những ngày 30 tháng tư, sau nghi lễ chào cờ theo quân cách, cờ Vàng Ba sọc đỏ được kéo lên trước tiền đình, và treo ở đó trong 24 giờ. Năm nào cũng vậy, chỉ trừ năm nay vì cái con Covic quái ác nên không có nghi lễ thượng kỳ như hằng năm, nhưng cũng có hội-viên của cộng đồng Việt tại Columbus mang cờ đến kéo lên cột cờ.

    Tôi vẫn còn lưu giữ những hình ảnh các buỗi lễ chào cờ, lúc nào niên trưởng Phạm-Ngoc-Tụng cũng năng nỗ đốc thúc các hội đoàn từ các thành phố trong tiểu ban đến để tham dự, chị Loan vợ anh Tụng thì cũng rất hăng say không kém gì đấng phu-quân của chị.

    Tôi thật bàn hoàn như mọi người đã từng quen biết anh Tụng, khi nghe tin anh mất vào ngày Chúa Nhật 26/4/2020 hưởng thọ 86 tuổi. Đối với tôi ngần ấy tuổi cũng đã là thọ lắm rồi, trong cuộc đời bay bổng hồi còn trong Không-Quân bao nhiêu năm lăn lộn trên bầu trời Việt Nam trên C-47, niên-trưởng Tụng cũng là một trong 5 vị Huấn luyện viên C- 47 đầu tiên của liên-phi-đoàn 1 vận tải thuở Không-Quân Việt Nam mới được loại này, năm 1963 sau vụ đảo chánh 11/11/1963 niên trưởng Tụng cũng là người duy nhất trong Không-Quân được thăng cấp bởi Đại-tá Đỗ-khắc-Mai tư-lệnh Không-quân lúc bấy giờ, rồi sau đó không lâu được biệt biệt phái qua Air Việt-Nam bay Boeing 727 rồi Boeing 707 với kinh nghiệm bay bổng đầy mình.. anh đã từng bay nhiều chuyến bay hải ngoại từ Việt-Nam, thời đó ai nghe nói đến Pilot bay đường hải ngoại là được trọng nể lắm, ngày 29/4/1975 niên-Trưởng Tụng khi bay về Tân-sơn-Nhứt trên chiếc Boeing 707 bị trúng đạn súng nhỏ không hề hấn gì, nên không đáp Tân-sơn-Nhứt nhưng đổi hướng sang Bangkok Thái Lan và ngày hôm sau bay thẳng sang Hồng-Kông, sau 6 tháng tỵ nạn tại đây, anh Tụng được đoàn tụ với gia đình tại Ohio từ ngày đó đến bây giờ, gia đình anh chị Tụng có 1 trai và 3 gái, tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Khi sang Mỹ anh chị Tụng tá túc tại Ohio, anh cũng là Instructor pilot cho trường Đại-học Ohio State trong một thời giang dài.

    Vào cuối thập niên 70 khoàng 1979-80 lúc đó tôi chưa vào Airlines, còn bay máy bay hai động cơ, tôi có ghé Columbus đón anh Tụng đi bay những chuyến bay ngắn, tôi nhớ có 1 lần về Columbus đáp bỏ ông Thầy xuống để tôi tiếp tục bay về Dayton, căn cứ chính của tôi, tôi nói ông Thầy chiếc này đáp dễ lắm, ông Thầy đáp thử 1cái đi, tôi giao máy bay cho ông Thầy nói đài kiểm soát Columbus cho mình đáp thẳng vô phi-đạo 28L ( Left ) rồi đó, ông Thầy thấy phi-trường chưa ? Ông nói thấy rồi nên tôi giao máy bay cho ông Thầy cầm lái, đến gần phi-trường rồi mà sao tôi chưa thấy ổng line-up với phi-đạo 28L.

    Tôi nói ông Thầy run way 28L hướng 2 giờ ! Thật ra nảy giờ ông đang line up với Freeway 70 Eas-west phía trái của phi-trường khi ông Thầy, vì trời hơi nhá nhem tối nên đã vô tình line-up với hàng đèn ngoài xa lộ I-70 thay vì hàng đèn của phi-đạo 28L! Chuyện này cũng từng xảy ra hà rầm cho các Pilot Mỹ. Rồi ông Thầy Tụng cũng vào đáp đêm, êm ả ngon lành như hồi xưa .

    *****
    Trong buổi chào cờ vào ngày cuối tháng 4/2019, cũng là lần cuối tôi gặp niên-trưởng Tụng. Lúc này đã ngồi xe lăn tay và không còn lanh lẹ như xưa. Những năm trước bất cứ từ sinh-nhật 80 trở về sau, mỗi năm các con anh Tụng thường tổ chức sinh nhật cho anh, chị Loan vợ anh Tụng đều gọi hay gởi thiệp mời vợ chồng cô chú Khiêm, và chị Loan cứ gọi phone nhắc cô chú nhớ đi nhé, dĩ nhiên là vợ chồng chú em chưa vắn mặt lần nào.

    Kỹ niệm đáng nhớ nhất của tôi đối với gia đình anh chị Loan-Tụng là khoảng tháng 5, năm 1992 khi đám cưới con trai đầu của anh chị Tụng là cháu Linh, thành hôn cùng cô con gái út của Tướng Nguyễn-Ngoc-Loan tại Washington D.C. Một tháng trước đó chị Loan đã gọi phone thông báo: nè khi nào đám cưới của cháu Linh nhà anh chị thì cô chú nhớ đi nhé ! Dĩ nhiên là tụi em sẽ tham dự tôi trả lời, anh chị gởi thiệp thì tụi em chắc chắn đi mà !

    Không lâu sau khi nhận được thiệp báo hỹ của anh chị Tụng, tôi ghi ngày tháng vào lịch, lấy cái bao thư nhỏ hồi báo có dán tem sẵn, chả cần đọc địa chỉ hồi báo, lấy cái ruột ghi: Thủ-tướng Khiêm 2 người. Rồi mang ra bỏ ngoài thùng thơ . ( trước khi ghi tiếp phần kế tôi xin minh định chút xíu về danh từ “Thủ tướng Khiêm” ở đây. Anh chị Tụng ở thành phố Gahana gần Columbus Ohio, nên tôi hay hay gọi anh Tụng là Tổng-thống xứ Gahana, còn tôi thì anh em xấp nhỏ hay gọi chơi tôi là Thủ-tướng Khiêm lâu nay rồi ! Vì đầu năm 1992 trong trang đầu của Đặc-san San Jose lúc đó Th/t Nguyễn-quý-Chấn đang làm hội-trưởng, tôi có gởi 1 thư thông báo về một người bạn cùng Phi-đoàn vừa mới mất và ký tên Thủ-tướng Khiêm, anh Hộ-trưởng Chấn để nguyên bức thơ ngay trang đầu, ai đọc cũng thấy ký tên Thủ-tướng Khiêm cả, mãi đến bây giờ sau 29 năm kể từ năm 1991, mỗi lần anh Chấn gọi phone hay e-mail cũng bắt đầu 1 câu: Hello thủ-tướng…) Từ khi nhận được thư báo hỹ, tôi cứ đinh ninh là anh chị Tụng gởi thiệp mời thì thiệp hồi báo sẽ trở về nhà anh chị Tụng, tôi đâu biết rằng vì không đọc cái bao thư nho nhỏ có dán tem sẵn, thư hồi báo nay lại về nhà Tướng Loan bên D.C . ?

    Độ tuần sau tôi nhận được phone của chị Loan kễ lễ, chú Khiêm ơi, anh chị mới bị ông Tướng Loan rầy rà quá cỡ ! Lúc ông Tướng Loan gọi, anh Tụng không có ở nhà nên chị trả lời phone, ông Loan nói tại sao anh chị lại qua mặt ổng gởi thư mời ông bà Thủ-tướng Khiêm, đã bảo rồi những người lớn ở D.C thì để bên đàng gái chúng tôi lo. Nay ông bà thủ-tướng Khiêm đã trả lời là 2 ông bà cùng dự, thế là sao ?! Chị Loan thì chả biết ất giáp gì, nên chỉ biết mếu máo ráo riết xin lỗi chắc là anh Tụng vô tình, thôi để khi anh Tụng về tôi sẽ hỏi lại xem sao. Vài giờ sau anh Tụng về đến nhà, chị Loan bèn kể lại sự tình thế nào mới bị ông Tướng Loan xài xể về vụ gởi thiệp cho Thủ-tướng Khiêm bên D.C! Anh Tụng nói tôi đâu có địa chỉ của Thủ-tướng Khiêm bên D.C đâu mà gởi…ngẩm nghĩ một hồi, anh Tụng nói: thôi đúng rồi chú Khiêm nhà mình bên Dayton chớ không ai vào đây. Vì Linh nó đã nói với mình là tất cả thư hồi báo đều gởi về bên nhà gái kia mà !

    Tiệc đám cưới được tổ chức tại nhà hàng “Harvest Moon” tại Washington D.C, nếu tôi không nhớ lầm!

    Các Ngài cựu quan lớn ngồi bên bàn cách bàn của các cù lũ nhí của tụi tôi ngồi không xa lắm, bên kia gồm các ông Bà Thủ-Tướng Trần-thiện-Khiêm thứ thiệt, ông bà Tướng Ngô-quang-Trưởng cùng nhiều vị thượng khách bạn anh Tụng bên Air Việt-nam nửa mà tôi không nhớ cũng như không biết.

    Anh Tụng đến bàn của tôi nói nhỏ, anh chị hôm nay rất hãnh diện vì có đến 2 ông bà “Thủ-tướng” đến dự đám cưới của cháu Linh !

    ***
    Bây giờ đại niên trưởng Phạm-Ngọc-Tụng đã bay xa vào miền miên viễn, tôi viết vài dòng để tưởng nhớ đến một người anh trong suốt 40+ năm đã xem tôi như một người em, một người bạn cùng nghề. Cầu mong linh hồn anh Phạm-Ngọc-Tụng được bay đi bình-an nơi cõi vĩnh-hằng !

    Ohio những ngày cuối tháng 4, 2020
    Pilot Lăng cha cả.
    Herky 460.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X