Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bản Chất Cộng sản Việt Nam

Collapse
X

Bản Chất Cộng sản Việt Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bản Chất Cộng sản Việt Nam

    Bản Chất Cộng sản Việt Nam
    Nguyễn Văn Minh



    Câu chuyện kể lại dưới đây đã xẩy ra từ hơn ba mươi năm nay rồi. Nhưng với tình hình nhiều sinh hoạt mang tính cách cá nhân, hội đoàn, cơ quan v.v… trong cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi hiện nay, như mọi người đều đã biết, chúng tôi thấy câu chuyện vẫn còn có ít nhiều giá trị. Vì thế xin mạnh dạn cống hiến quý vị, nhằm cung cấp thêm chút ít chứng liệu cụ thể về “Bản Chất Cộng Sản.”

    Sau khi “được” đưa ra “học tập” cải tạo tại Yên Bái gần hai năm,, vừa ăn cái Tết 1978 xong, thì một buổi sáng, khi tập họp đi lao động, viên Trại Trưởng xuất hiện, ra lệnh cho chúng tôi ngồi xuống. Ông ta mở một cuốn tập gọi một hơi khoảng hơn 400 anh em cải tạo chúng tôi bảo ngồi qua một góc sân, dõng dạc tuyên bố:

    Đây là những anh em thời gian qua đã học tập cải tạo tốt, đạt tiêu chuẩn. Nay được đưa đến một nơi có điều kiện học tập tốt hơn, tiếp tục học tập trong thời gian ngắn nữa, trước khi được về với gia đình.

    Tôi may mắn lọt được vào trong số hơn 400 anh em học tập cải tạo “giỏi” này! Tội nghiệp cho một số bạn đồng cảnh đã tỏ ra thất vọng vì chưa được chấm điểm “đạt tiêu chuẩn.” Có anh đã hăng hái tình nguyện xin đi, nhưng đựơc trả lời: Anh chưa đủ tiêu chuẩn!

    Sáng hôm sau, 6 giờ, chúng tôi khăn gói quả mướp lền đường, qua bờ tả ngạn sông Hồng, lên tàu lửa. Đoàn xe nặng nề chuyển mình đi về hướng Bắc. Xế trưa, xuống tàu, qua bên bờ hữu ngạn, đi sâu vào khoảng hơn cây số, chúng tôi dừng lại “đóng quân” tai trụ sở một hợp tác xã. Ngày hôm sau đi lao động ngay. Cũng lại vào rừng chặt tre, chặt nứa. Không cần nghỉ ngơi gì hết! Lao động đạt tiêu chuẩn rồi mà!

    Chừng mười lăm ngày sau, nhổ “trại”. Điểm“đóng quân” địa danh là gì tôi không biết, vi chưa kịp tiếp xúc dò hỏi dân địa phương. Nhưng có điều chúng tôi biết được là phía sông đối diện ( phía bờ Tả Ngạn) bến đò khu chúng tôi “đóng trại”, nước sông chảy thành hai dòng, một trong, một đục; một dòng chảy xuôi, một dòng chảy ngược.

    Anh em chúng tôi lại vượt sông qua bờ Tả Ngạn. Cũng lại lên tàu lửa, tiếp tục đi lên hướng Bắc. Cũng khoảng xế trưa, tàu lửa dừng, xuống tàu, lại vuợt sông qua bờ hữu ngạn! Một đoàn xe Molotova chờ sẵn, đưa anh em chúng tôi đi sâu vào phía núi, qua hai ngọn đèo, một cao và dài cỡ đèo Hải Vân, một thấp và ngắn hơn. Trời chạng vạng tối thì chúng tôi được “đổ” xuống tại cũng một trụ sở Hợp tác xã. Anh em chúng tôi từng đội, mỗi đội một góc sân, nằm ngả nằm nghiêng qua đêm. Bên trong trụ sở dành cho Ban Chỉ huy và bộ đội áp giải. Nhìn qua ngó lại, thấy chỉ còn chừng 300, khoảng hơn 100 không biết đã “rớt” ở đoạn đường nào?

    Sáng hôm sau, chúng tôi được chia thành hai toán, mỗi toán hơn một trăm, đi sâu vào thêm 7 cây số nữa, một toán dừng lại, trong đó có tôi; toán kia tiếp tục vào sâu hơn nữa; sau đuợc biết toán này vào đóng trại cách chúng tôi chừng 4 cây số. Và nơi chúng tôi “đóng quân” cách bờ Hữu Ngạn sông Hồng không dưới 40 cây số.

    Chúng tôi đóng trại trên khu đồi trọc trong một thung lũng, xung quanh núi cao bao bọc. Không một bóng người Kinh. Xa xa về phía Tây, cách nơi chúng tối đóng trại, theo tầm nhìn, ước chừng 6, 7 cây số, trên sườn một ngọn núi cao có một làng dân tộc Tầy. Gần chúng tôi hơn, về phía Đông, một làng dân tộc Mường, dân số không đông, nhiều người nói tiếng Việt rành rõi. Người Tầy chúng tôi không được gặp bao giờ, nhưng người Mường, hàng ngày đi lao động, nhiều khi chúng tôi di qua làng của họ, họ tỏ ra khá có cảm tình với đám “tù cải tạo.”

    Sau hai ngày dựng những dãy lán lợp bằng ni-lông thấp lè tè, cao vừa tầm người ngồi, giường nằm là “thảm” cỏ và mặt đất “phằng phiu” tự nhiên của núi rừng. Chúng tôi bắt đầu, đội bạt đồi san đất, đắp nền; đội vào rừng đốn cây, chặt tre, nứa, cắt tranh về làm nhà. Công việc (theo lời đám sĩ quan cán bộ) rất khẩn trương, nên phải lao động theo đúng tinh thần XHCN: “Thi đua làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Cảm thấy chưa vừa, làm thêm Chủ nhật!” Nhưng làm đêm sợ tù bỏ trốn, nên chúng tôi chỉ “được nêu cao tinh thần thi đua” vào các ngày Chủ nhật thôi! Không những chúng tôi chỉ thấm thía đến tận xương tủy sự “vinh quang” của lao động trong cái xã hội XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, mà anh em tù cải tạo chúng tôi còn hăng hái “chia sẻ” nỗi “khó khăn chung” của đất nước, nên tất cả đều “hạ quyết tâm” mỗi ngày chỉ ăn ba bữa, sáng một chén khoai mì lát phơi khô, thường là được ướp mùi ẩm mốc cho thêm hương vị! Ngày lễ, bửa ăn sáng thịnh soạn hơn, một chén bắp hầm, có anh cắc cớ đổ ra đếm được 350 hạt. Còn hai bữa ăn chính, mỗi ngày như mọi ngày, hai chén bo bo chưa xay vỏ lụa và một chén canh “đại dương” (nước muối). Nhờ tinh thần lao động và hy sinh của chúng tôi “cao cả” như thế, nên chỉ hai tháng sau khi chúng tôi được đến chốn “địa đàng” này, thì những người to con, vạm vỡ như anh Trần Mộng Di, nguyên Quận Trưởng các quận Bình Chánh và Đức Tu cũng đã được mang một hình hài giống hệt như các “vị thủy tổ” của các cu Mác, cu Lê, cu Hồ…

    Công việc kiến thiết “doanh trại” để tự nhốt mình của đám tù cải tạo chúng tôi, tiến triển đều đặn, tốt đẹp. Không mấy ngày, mỗi buổi sáng khi tập họp đi lao động, chúng tôi không được viên Trại Trưởng ca ngợi khích lệ. Hơn một tháng sau, cuối tháng Ba, đột nhiên thấy vắng bóng ông ta. Có “tù” thắc mắc, nhưng được “tù” khác giải thích: thân phận cải tạo thì cứ lo mà lao động tốt, hy sinh đi. Ai chỉ huy, ai là trại trưởng cũng không bo bo với canh đại dương thì cũng đại dương canh với bo bo thôi. Thắc mắc làm chi cho mệt!

    Đầu tháng 5, một buổi sáng chúng tôi tập họp đi lao động, viên Trại Trưởng tái xuất hiện, ông ta lớn giọng:
    - Tôi công tác ở Trung Ương vừa về, thấy chế độ ăn uống của anh em hiện nay là không được. Ăn uống như thế làm sao mà lao động! Tôi đã phê bình các cán bộ và khiển trách bộ phận hậu cần. Tôi đã lệnh cho cán bộ hậu cần vào hai làng bên cạnh, dân bán thứ gì, lợn gà, chó mèo, trâu bò, mua tất, về thịt cho anh em ăn để có sức mà lao động. Chúng ta phải sớm hoàn tất nơi ăn chốn ở để còn thi hành kế hoạch “trên” giao phó.

    Mấy tuần lễ sau, khi một tuần, khi hai tuần, tù cải tạo lại được thưởng thức món thịt trâu nấu muối, mỗi phần được hai miếng thịt bằng hai ngón tay. Màn kết thúc đời một con trâu với tù cải tạo là bộ da của nó. Bộ da trâu đem thui cho cháy hết lông, cạo qua mấy chỗ bị cháy, sắt từng miếng cũng bằng ngón tay và cũng “hầm” với muối, mỗi phần được một miếng, ăn dẻo dẻo, dai dai, nhai muốn sái quai hàm, nhưng cũng ngon đáo để!

    Giữa tháng 6, trong bữa cơm trưa, anh Thiếu tá Chính ở đội bên cạnh đến nói nhỏ:
    - Sáng nay đi lao động tụi tôi gặp anh Xã Trưởng Mường, anh ta nói: “Mừng cho các anh nhá! Chúng tôi mới được học tập, Tết Độc lập năm nay Đảng và Nhà nước sẽ thi hành Chính sách với các anh. Các anh sẽ được về xum họp với gia đình.”


    Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói lý do anh Chính ưu tiên cho tôi biết tin này. Số là hồi cuối tháng 5, một hôm tôi may mắn thực hiện sớm được chỉ tiêu chặt 6 cây vàu lớn. Vỉ đem về nộp tất cả cho trại trong buổi sáng, thì buổi chiều cũng không được nghỉ mà còn nguy hiểm cho anh em, là từ lần sau, chỉ tiêu có thể bị tăng lên. Tôi tập trung cây trên giữa đoạn đường về trại, ngồi nghỉ. Trong khi nghỉ ngơi, theo niềm tin của mình, tôi thầm thỉ cầu xin Ơn Trên cứu giúp anh em chúng tôi. Vì nếu chúng tôi phải sống trong tình trạng cùng cực này một thời gian ngắn nữa thôi, chắc chúng tôi sẽ không chịu đựng nổi. Dứt lời xin, tôi nghe nói trong đầu: “Cuối tháng 7, các con sẽ được ra khỏi nơi này.” Mừng quá, về trại, cũng trong bữa cơm trưa, tôi cho một vài anh em, trong đó có anh Chính, biết.

    Sang đầu tháng 7, một tù cải tạo dân “tạch tạch tè” (Truyền Tin), được từ quan đến lính của bộ đội “cu Hồ” nhờ sửa hết “đài” (radio) đến đồng hồ toàn là thứ “mác” Liên Sô hoặc Trung Quốc “vĩ đại”, được anh bộ đội cùng nghề và là nhà cung cấp hàng cho “cửa tiệm” của anh, bật mí: “Tối hôm qua, Trại vừa nhận được điện Trung Ương lệnh chuẩn bị cho các anh ra khỏi đây, giao doanh trại cho địa phương.” Tin tức được tù cải tạo truyền tai nhau rất nhanh!

    Khoảng giữa tháng 7, tin “tối mật” cũng từ “cửa tiệm” chuyên sửa “đài & đồng hổ” tiết lộ: “Chúng mình sẽ được trao trả cho một nước thứ 3. Quân nhân, cán bộ Hành chánh, đang học tập cải tạo ở tất cả các trại, sẽ được tập trung về Trung Tâm Huấn Luyện Quuốc Gia Vũng Tàu cũ, và được đưa ra tàu của nước thứ 3 đậu ngoài hải phận quốc tế. Dân chúng được học tập là chúng mình được về với gia đình, để họ khỏi hoang mang khi biết chúng mình được đi ra nước ngoài.” Từ hôm tin “tối mật” này được thẩm thấu đến tai tù cải tạo, mặt mũi anh nào anh nấy có phần “sáng sủa” hẳn ra.

    Sáng 19 tháng 7, như thường ngày, tù cải tạo tập họp trước sân trại nhận dụng cụ (dao, cuốc) đi lao động, viên Trại Trưởng xuất hiện, ông ta cho chúng tôi ngồi xuống, và với giáng điệu nghiêm trọng, ông ta nói:
    - Hôm nay tôi báo một tin rất vui mừng cho anh em: Như Trại đã nói vói các anh, khi dời Yên Bái lên đây, là chỉ để thử thách các anh thêm một thời gian ngắn, trước khi cho các anh về đoàn tụ với gia đinh. (Viên Trại Trưởng này tên Nguyễn Lại, thượng úy, nguyên là Trại Phó trại Một, Yên Bái. Trong khu vực Yên Bái có 10 trại cải tạo). Qua thời gian mấy tháng thử thách, việc học tập của các anh đã đạt tiêu chuẩn. Tết Độc Lập này Đảng và Nhà nước sẽ thi hành chính sách, cho các anh về đoàn tụ với gia đình. Vì tình hình khó khăn chung, chúng ta không có đủ cơ giới để tất cả cùng hành quân một lần (không có đủ xe để di chuyển một lần), nên chi có số anh em có chuyên môn, cần phải về Sài gòn kịp trước ngày 2 tháng 9 để nhận công việc, và những anh em đau ốm, sẽ hành quân bằng cơ giới, còn tất cả chúng ta sẽ hành quân bộ. Những anh em tôi gọi tên sau đây, hôm nay ở nhà, không phải lao động, còn các anh em khác đi lao động bình thường”. Mở cuốn số cầm trong tay, ông gọi hơn ba chục anh, trong đó có mười mấy anh gốc Công Binh và Quân Cụ, số còn lại là thành phần đau ốm.

    Buổi trưa tôi đi lao động về, vừa vào đến chỗ nằm, thấy anh Giậu, Thiếu Tá Công Binh, người nằm cạnh tôi, đang xếp dọn áo quần vào ba-lô. Anh Giậu chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi: “Sao? Bao giờ các cậu đi?”, thì viên cán bộ quản giáo đi tới, thấy anh Giậu đang gấp cái áo choàng (over coat) rất đẹp, anh mua khi đi học công binh ở Mỹ, gia đình gửi ra, anh mới nhận được chừng mươi ngày trước, y nói: “Vào trong ấy đâu có lạnh mà đem theo đồ này đi làm gì cho nặng?” Hai đứa tôi cùng hiểu ý anh chàng muốn gì, anh Giậu nhìn tôi như có vẻ cầu cứu, tôi nói: “Thưa cán bộ, trong Nam tuy không lạnh đến mức cắt da cắt thịt như ngoài này, nhưng mùa lạnh cũng có nhiều ngày lạnh không kém ngoài này bao nhiêu.” Có lẽ anh chàng hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng đem những thứ nặng như cái áo này đi theo, không “quẳng lại cho ai đó lượm” nên lặng lẽ bỏ đi.

    Buổi tối, sau khi cơm nước xong, số anh em ngày hôm nay được ở nhà thu dọn đồ đoàn, được gọi tập họp, được phát cho mỗi người 2 gói lương khô của quân đội Trung cộng “anh em”, một đồng tiền Hồ, và được tiểu di: Thời gian hành quân (di chuyển) phải giữ kỷ luật thật nghiêm chỉnh, phải tuyệt đối tuân lệnh cán bộ hướng dẫn. Những người vi phạm kỷ luật trong thời gian này, sẽ không được cấp giấy ra trại.

    Sáng hôm sau, 20 tháng 7, ngày Thương binh của bộ đội “cu Hồ”, số anh em này được 2 chiếc xe Molotova chở ra ga xe lửa để “xuôi Nam!” (danh từ cán bộ CS dùng).

    Từ hôm ấy, không khí trong trại cải tạo Văn Bàn thay đổi hẳn. Mặc dù dang là giữa thời điểm “cái nóng nung người, nóng nóng ghê”, nhưng hình như các “sinh viên” của trường “đại học cải tạo” Văn Bàn không ai cảm thấy “bị nung” trong cái nóng của miền rừng núi Thượng du Bắc Việt! Ngược lại, có vẻ họ lại thấy mát mẻ, thoải mái trong bầu không khí sắp đến ngày “RA TRƯỜNG”. Mặt mũi người nào người nấy tươi tắn hẳn lên, khi lao động cũng như lúc ở nhà, họ chuyện trò cười đùa như ngày hội!

    Sáng ngày 14 tháng 8 khi tập họp nhận dụng cụ đi lao động, viên Trại Trưởng xuất hiện:
    - Hôm nay nghỉ lao động. Tất cả trở về lán, thu dọn tất cả áo quần, đồ đạc cá nhân cho thật gọn nhẹ, ngày mai chúng ta bắt đầu hành quân xuôi Nam. Vì tình hình khó khăn chung, chúng ta phải hành quân bộ. Chúng ta phải đến trại Một trong vòng 2 ngày, để kịp lên chuyến tàu hỏa 10 giờ sáng ngày hôm thứ ba. Chúng ta trở về trại chính Yên Bái, ở lại đó năm bảy ngày, lãnh giấy tờ rồi tiếp tục xuôi Nam.

    Người ta thường nói: Vui như Tết. Nhưng tại trại cải tạo Văn Bàn hôm nay vui hơn Tết nhiều! Suốt cuộc đời cho đến ngày hôm nay, tôi chưa hề được dự một lễ, hội, nào mà trong lòng cảm thấy vui như hôm nay!

    Trở về chỗ nằm, anh em chúng tôi người nào người nấy mặt mày hớn hở, cười nói huyên thuyên, quần lành áo rách trong va li, ba lô, túi xách…lôi ra gói ghém, sắp xếp, loại bỏ, cho hành trang gọn nhẹ đến mức tối đa. Vì tất cả đều đã biết đoạn đường rừng phải vượt qua trong vòng 2 ngày, dài hơn 40 cây số với 2 cái đèo, hai bên là rừng già âm u, cây rừng cao vút, không làng không xóm, không một bóng người qua lại. Nhưng thú giữ và rắn rết hẳn là không hiếm!

    Buổi tối cơm nước xong, toàn trại được lệnh tập họp. Sau khi anh em chúng tôi đã “chỉnh tể” ngồi cả trước sân, viên Trại Trưởng lại xuất hiện, với nét mặt trông có vẻ hiền lành và thân thiện khác hẳn mọi lần đứng trước mặt đám tù cải tạo chúng tôi, ông ta nói:
    - Hôm nay tôi thành thật chúc mừng các anh sắp được về đoàn tụ với gia đình. Các anh hôm nay như người trèo cây hái quả, các anh đã trèo được đến ngọn cây, chỉ còn giơ tay ra là hái được quả. Tôi muốn nhắc nhớ các anh trong những ngày hành quân tới đây, các anh phải giữ gìn kỷ luật hết sức nghiêm chỉnh, phải tuyệt đối tuân lệnh của các cán bộ hướng dẫn. Vì là những ngày giờ học tập cuối cùng, trước khi được trả tự do, được nhận quyền công dân, nên sự thử thách sẽ hết sức là gay gắt, chỉ một sai sót nhỏ các anh vi phạm trong cuộc hành quân này, thì bao nhiêu cực nhọc các anh đã chịu đựng trong suốt quá trình học tập kinh qua các trại suốt từ trong Nam ra đến đây hôm nay, sẽ coi như đổ xuống sông xuống biển hết!

    Trước kia các anh thường nói “Nói dối như Vẹm” (Vẹm, tiếng lóng gọi lực lượng Việt Minh, tức Cộng sản). Hôm nay đứng trước các anh đây, tôi, Thượng úy Nguyễn Lại, đảng viên đảng Cộng Sản, 30 năm tuổi đảng, cam kết với các anh những điều tôi nói ở trên. Các anh hãy tin người đảng viên Cộng sản này một lần thử xem.

    Sau khi đem Đảng ra thề thốt để chứng minh cho sự thành thật của mình, ông ta ra lệnh cho cán bộ hậu cần phát cho chúng tôi mỗi người 6 gói lương khô của quân đội Tàu và một đồng bạc Hồ để ăn tiêu, trong những ngày đi đường.

    Sau khi nhận lương khô và tiền, quả thật, tôi không biết diễn tả thế nào để quý độc giả thấy được hết sự vui sướng của anh em chúng tôi từ giờ phút ấy!

    Ngày hôm sau, 4 giờ sáng, tất cả trại thức dậy, dọn dẹp, chuẩn bị đồ đạc lần chót, 5giờ 30, tất cả ra tập họp ngoài sân trại, tù cũng như bộ đội, đến khoảng hơn 6 giờ, tù cải tạo từ trại trong ra tới, chúng tôi nhập đoàn, bắt đầu “cuộc hành quân” trở về “quê cũ”. Suốt những đoạn đường gồ ghề, quanh co theo triền đồi, dốc núi, đoàn người kẻ gùi, người khiêng, kẻ gánh, bước đi với tiếng cười nói tràn đầy hân hoan. Trí tưởng tượng được dịp hoạt động tối đa với hình ảnh người thân: nào vợ, nào con, nào bà con họ hàng, làng xóm, xúm xít mừng mừng tủi tủi từ ga xe lửa Sài gòn về đến gia đình. Tiếp theo, từ ngày này qua ngày khác là những bữa cơm thịnh soạn với bao nhiêu là chuyện vui, buồn trong thời gian chúng tôi xa nhà, được ôn lại!!

    Xế chiều thì chúng tôi đã vượt qua được 2 ngọn đèo và vừa xẩm tối thì đoàn “lữ hành” cũng vừa đến trụ sở một Hợp tác Xã. Từng đội, từng người tự kiếm chỗ đầu bờ góc bụi nghỉ qua đêm tại đây. Sáng hôm sau, 6 giờ tiếp tục cuộc hành quân. Tuy đoàn bộ hành đã có vẽ thấm mệt, nhưng niềm vui “đoàn tụ” đã làm tan biến tất cả những khó khăn “vụn vặt” ấy, chân bước đi có vẻ vẫn còn nhẹ nhàng và nhanh nhẹn.

    Khoàng 4 giờ chiều chúng tôi đến trại Một. Vì đều là thành phần “sắp ra trường”, nên luật lệ “ngăn sân cách vách” không còn được áp dụng. Tại đây tôi được gặp một vài bạn cũ: các cựu Trung tá Nguyễn Kinh Lược, Tô Công Biên, Vũ Đức Nghiêm (nhạc sĩ)… Riêng anh Nghiêm có “nhã ý” mời tôi “dùng” bữa tối với anh. Anh chia cho tôi nửa phần ăn buổi tối: một tô nhỏ bột mì nấu chín như hồ dán giấy. Tôi mời anh nửa gói lương khô. Rất ít khi tôi được thưởng thức một bữa “tiệc” ngon như bữa ăn này! Ở đây, ngoài những tin tức hồ hởi như chúng tôi đã được nghe, anh em còn được chứng kiến một việc “rất” cụ thể: Trước khi chúng tôi ra đến đây một tuần lễ, Trung tá Nguyễn Văn Tú, nguyên Tỉnh Trưởng Bà Rịa, được hai cán bộ Cục Dầu Khí từ Hà Nội lên tìm gặp. Anh em trong trại Một kể lại: Cách nay đúng một tuần, có hai cán bộ từ Hà Nội lên yêu cầu trại cho gặp anh Tú. Hai cán bộ này nói với anh: “Chúng tôi coi hồ sơ của anh, được biết anh đã có học một lớp hàm thụ về dầu khí. Hiện nay nhu cầu chuyên viên về dầu khí rất khẩn thiết, vì mỏ dầu của ta quá lớn. So với những nước đã khai thác được dầu khí trên thế giới, mỏ dầu của họ sánh với của ta, không khác gì “cái tem” dán trên mông con voi (!?). Như ở tỉnh Thái Bình, chỉ cần thọc cây nứa xuống đất, sâu chừng một thước là dầu vọt lên rồi! Vì thế, Nhà Nước đang cần rất nhiều chuyên viên dầu khí như anh để thỏa mãn nhu cầu khai thác, nếu anh đồng ý hợp tác, chúng tôi sẽ đưa anh về Cục nhận việc ngay. Dĩ nhiên là người “tù cải tạo”, chuyên viên “hàm thụ” về dầu khí Nguyễn Văn Tú không những đồng ý hợp tác mà còn sẵn sàng “ký hợp đồng bằng cả hai chân hai tay!” Thế là ngay buồi chiều, anh ôm khăn gói theo hai cán bộ về Hà Nội.

    Sau 2 ngày leo đèo trèo núi, chúng tôi quả đã thấm mệt! Nhưng khi được nghe câu chuyện “cụ thể” trên đây, anh em tỉnh hẳn lại, anh nào anh nấy mặt tươi như hoa, lại cười lại nói, như chưa bao giờ được nói được cười!

    Sáng hôm sau, cũng 6 giờ, chúng tôi lại gùi, lại gánh, lại khiêng, lục tục hành quân tiếp. Khoảng hơn 7 giờ đến bờ sông Hồng, cả chục con đò đợi sẵn đưa chúng tôi qua bờ sông phía đối diện. Qua sông, đi chừng 200 thước đến ga tàu lửa. Sau khi đã đến sân ga đầy đủ, chúng tôi được lệnh ngồi theo từng đội trước sân ga đợi tàu. Chừng nửa giờ sau tàu đến, lên tàu, chúng tôi được thoải mái đi qua đi lại trong những toa dành cho tù cải tạo. Bà con bán hàng rong trên tàu dành nhau đến mời chào những món quà: bánh trái đủ loại, bánh nếp, bánh chưng, bánh gai…mít, chuối, ổi, nhót v.v…đặc biệt có món hồng ngâm (loại hồng khi bắt đầu chín, phải hái đem vùi dưới bùn một thời gian cho hết nhựa chát. Ăn giòn và ngọt như loại hồng giòn ở Mỹ). Món quà này đắt hàng nhất vì mấy anh bạn người Nam lần đầu được thưởng thức món trái cây này.

    Khoảng 4 giờ chiều tàu về đến ga Yên Bái. Xuống tàu, chúng tôi lại gồng gánh lần lượt xuống đò qua sông về lại trại cũ. Viên trại Trưởng từng lấy danh nghĩa một đảng viên cộng sản có 30 năm tuổi đảng thề thốt nói sự thật, lại một lần nữa nói “thật” với chúng tôi: “Thời gian chờ đợi ở đây, chúng ta lao động bình thường, chừng mười ngày nữa tiếp tục xuôi Nam”.

    Chúng tôi nhận chỗ nằm, vừa cất đồ đạc xong thì anh em ở trại này đi lao động về, xúm xít hỏi thăm nhau vui như một ngày đại hội. Bữa ăn tối, anh Nguyễn Viết Mùi, bạn học cùng khóa Văn Thánh ở Huế với tôi, trong đội nhà bếp trại Một, đem cho tôi một tô cơm trắng, rưới nước thịt kho với 4, 5, miếng thịt bằng hai đốt ngón tay. Nhìn tô cơm, mắt tôi sáng lên, tay đỡ tô cơm, tôi đùa trong vẻ tự đắc với anh Mùi: “Ở đây sướng thế này, cậu về sau tớ là phải!”

    Ngày hôm sau, những tù cải tạo “sắp được tự do, đoàn tụ với gia đình” đi lao động trong tinh thần “hồ hởi phấn khởi” khác hẳn những tù cải tạo học tập “chưa đạt tiêu chuẩn”.

    Đúng mười ngày sau khi ăn cái “Tết Độc Lập” (2 tháng 9), buổi chiều đi lao động về, các tù “cải tạo đạt tiêu chuẩn”, miệng há hốc, mắt trợn tròn, khi vừa trông thấy một đoàn tất cả các tù cải tạo thuộc thành phần chuyên môn, đau ốm, đã được “hành quân” bằng cơ giới, để “về Sài gòn kịp trước ngày 2-9 để nhận công việc”; cả chuyên viên dầu khí hàm thụ Nguyễn Văn Tú, đã được cán bộ Cục Dầu Khí từ Hà nội lên “mời” về hợp tác, đều xuất hiện tại trại Một, không thiếu mặt nào!

    Màn đầu của tấn tuồng “LỪA” đã hạ, nhưng người xem vẫn chưa đoán biết được phần kết thúc. Bao nhiêu hình ảnh mộng mơ của ngày đoàn tụ tuy chưa tan biến, nhưng đã quá mờ nhạt. Đêm hôm ấy nhiều người, trong đó có tôi, đã mất ngủ!

    Sáng hôm sau, khi tập họp đi lao động như thường ngày, tù cải tạo được lệnh trở về nhà ngủ, thu dọn hết mọi thứ đồ dùng cá nhân trong vòng 1 giờ, không để lại bất cứ thứ gì, “chúng ta sẽ hành quân xuôi Nam”. Lại “xuôi Nam!” Nhưng sao lại “tất cả”, mà không phải chỉ thành phần đã học tập “đạt tiêu chuẩn?” Thắc mắc thỉ cứ thắc mắc, tiếng cười tiếng nói ồn ào, cả trại như ong vỡ tổ. Hàng trăm câu hỏi đặt ra, không cần có câu trả lời, cứ “xuôi Nam” là được rồi!

    Tập họp lại, tù cải tạo được phát mỗi người hai nắm (vắt) cơm với hai miếng thịt heo kho muối vùi trong giữa nắm cơm, gói trong lá chuối, phần ăn cho một ngày đi đường. Nước uống mỗi người tự đem theo như mọi ngày đi lao động. Ra khỏi trại, từng đội lần lượt lên xe Molotova chờ sẵn ngoài đường.

    Đoàn xe lăn bánh dời khu trại, chậm chạp bò trên cây cầu treo, qua bên bờ tả ngạn sông Hồng, theo quốc lộ I trực chỉ hướng Nam. Đoàn tù cải tạo, trong niềm vui “xuôi Nam” được cái nắng hanh hanh của tiết trời tháng 9 miền Bắc sưởi ấm, mặt mũi người nào người nấy hồng hào, sáng rỡ! Mặt trời gần đứng bóng, “hành khách” trên xe không ai bảo ai, bắt đầu bữa ăn trưa, anh Nguyễn Long (Trung tá Hải quân) Tổ Trưởng của tôi, tay mở gói cơm, miệng nở nụ cười thật tươi: “kiểu này có lẽ chúng mình được về Nam thật!”

    Khoảng 2 giờ chiều, đoàn xe dời Quốc lộ, quẹo vào con đường trải đá phía tay phải, mọi người ngạc nhiên nhìn nhau không nói một lời, nhưng ai cũng hiểu cái nhìn ngơ ngác ấy muốn nói:”Đi đâu đây?” Chừng nửa giờ sau, hai bên đường bắt đầu cứ cách vài ba trăm thước lại có một tên mặc đồ kaki, đầu đội nón cối, chân mang dép râu, mắt đeo cặp kính đen che gần kín hết phần trên những khuôn mặt mới nhìn qua đã thấy rất khó có cảm tình.

    Chúng tôi được “đổ” xuống một trại giam có tường xây bao kín chung quanh vào khoảng lúc 4 giờ chiều. Trại này là một trong 5 trại thuộc hệ thống trại giam Tân Lập, do bộ Nội Vụ quản lý, nằm trong tỉnh Vĩnh Phú. Chúng tôi được lệnh tập họp lại theo từng đội,viên trại trưởng Nguyễn Lại, từng lấy danh nghĩa một đảng viên cộng sản thề thốt nói thật với chúng tôi “Các anh học tập đã đạt tiêu chuẩn, nay Đảng và Nhà nước thi hành chính sách với các anh, cho các anh về đoàn tụ với gia đình”, nét mặt tỉnh bơ, bàn giao chúng tôi cho viên trại trưởng mới, còn lên mặt tử tế khuyên bảo chúng tôi: “Ở đây các anh có nhiều điều kiện tốt hơn để học tập cải tạo, chúc các anh mạnh khỏe và cố gắng học tập tốt để sớm được về với gia đình”.

    Mặc dù, đối với chúng tôi, cũng như hầu hết những người Quốc Gia, thành ngữ: “Nói dối như Vẹm” được coi như là một “chân lý”. Nhưng chúng tôi cũng không làm sao hiểu được một sĩ quan, cho dù là bộ đội “cu Hổ”, một đảng viên cộng sản từng hãnh diện tự giới thiệu có đến 30 năm tuổi đảng để nói sự thật, lại có thể tôn thờ cái “chân lý” ấy đến độ trơ trẽn như thế được!!

    Mãi đến bây giờ, được đọc bài “ Đi tìm cái tôi đã mất,” tùy bút chính trị cuối cùng trước khi lìa đời, của phó tổng thư ký Hội nhà văn quân đội “cu Hồ”, cấp bậc Đại tá, đại biểu Quốc hội, giải thưởng quốc gia về Văn học nghệ thuật: ông Nguyễn Khải (1930-2008), một đàng viên cộng sản tuổi đảng nhiều hơn Nguyễn Lại nhiều, trong đó có đoạn ông viết:
    - Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ…

    À thì ra, những kẻ tôn thờ chủ nghĩa Cộng sản, bất kể tuổi tác già hay trẻ, chức vụ lớn hay nhỏ, học hành chữ nghĩa có hay không, địa vị cao hay thấp, đều tôn thờ cái “chân lý” “nói dối như Vẹm” một cách còn trơ trẽn hơn Nguyễn Lại nữa! Nói dối hiển nhiên, không cần che đậy, nói dối một cách lem lém, một cách lì lợm, không biết xấu hổ, không biết run sợ.” Vì cái “chân lý” ấy nó đã bắt rễ vào tâm não, thấm sâu vào xương tủy, đã hòa tan trong máu, biến thành da thành thịt họ rồi.

    Và đó chính là những con người đang nắm trong tay sinh mệnh của hơn 80 triệu đồng bào và sự tồn vong của Tổ Quốc Việt Nam!

    Chỉ một công tác nhỏ: “Giải” hơn bốn trăm tù cải tạo qua đoạn đường rừng dài hơn bốn chục cây số, trong tinh hình “khó khăn chung” (của cộng sản), mà người cộng sản đã thiết lập cả một kế hoạch, dựng lên một kịch bản nhiều màn tỷ mỷ, tinh vi; trình diễn một cách thận trọng, khéo léo, đạt tới “đỉnh cao” ngón nghề lừa bịp” như thế; thì thử hỏi: Với những việc mang tính Quốc Gia đại sự, thu được lợi lộc nhiều mặt, người cộng sản còn tính toán, mưu kế, dựng lên những kịch bản tinh vi, mầu sắc rực rỡ, cảnh trí lôi cuốn, trình diễn cẩn trọng, khôn khéo, đào kép hấp dẫn đến mức nào?

    Đó là “BẢN CHẤT CỘNG SẢN”.

    Quận Cam - California
    Nguyễn Văn Minh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X