Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xứ Khỉ Khọn

Collapse
X

Xứ Khỉ Khọn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xứ Khỉ Khọn

    Y chang!

    Xứ Khỉ Khọn
    Tràm Cà Mau

    Dẫn Nhập: Thời cuộc đổi thay, nhiều chục năm nữa, không ai còn tin những chuyện vô lý đã xẩy ra trên trái đất nầy. Đây là một câu chuyện truyền khẩu bí mật thích thú và đau khổ trong một thời gian dài.

    Kể chuyện cho đời sau


    Khỉ trên cây

    Vào một đêm đã khuya, trăng sao lờ mờ, giữa mùa Xuân năm 1975, đoàn thám hiểm Phi Châu gồm bảy nhà sinh vật học người Na Uy đang bị bộ lạc khỉ vây hãm tấn công mà không biết. Người canh gác uể oải ngồi cầm súng ngáp dài nhìn ra xa, ông cũng không ngờ hiểm nguy đang gần kề. Sáu người khác đang ngủ yên giấc trong lều sau nhiều ngày theo dõi sinh hoạt của bộ tộc khỉ đặc biệt nầy. Đây là một giống khỉ đã biết tổ chức thành một xã hội có sinh hoạt cộng đồng, phân công, thứ bực và có tiếng nói riêng của chúng. Khi đoàn thám hiểm đến cắm trại quay phim để quan sát sinh hoạt của giống khỉ, thì chính họ cũng bị quan sát, bị dòm ngó bởi nhiều con khỉ núp kín trong các tàn cây rậm rạp. Không có một hành động, một cử chỉ nào của đoàn thám hiểm mà không được đám khỉ ghi nhận và đem về báo cáo lại cho chúa khỉ ngồi trên ngai vàng, là một cây cổ thụ xum xuê. Chúa khỉ ngồi trên chạc ba của cây cổ thụ, lưng dựa vào cành lớn, chân co chân duỗi, tay gải háng, miệng chu dài ra, nghe báo cáo và nhận xét về bảy nhà sinh vật học. Chung quanh chúa khỉ, trên các nhánh cây chung quanh, có mười hai con khỉ cao cấp nhất trong triều đình cũng đang nằm dã dượi, lắng tai theo dõi.

    Một con khỉ cầm đầu toán trinh sát, ho khạch khạch rồi trình tấu:
    – Thưa “đồng khỉ chủ tể” đây là một giống khỉ lạ lắm, còn thấp kém, man rợ. Trí óc còn thô sơ ngu muội, chưa được khôn ngoan. Bọn chúng chưa biết kỹ thuật leo trèo. Chưa biết phải ngủ trên cành cây để tránh muông thú rắn rết. Chúng ngủ ngay trên mặt đất, rất nguy hiểm. Chúng chưa biết chống tay xuống đất mà đi bằng bốn chân cho thăng bằng, vững chắc. Đi thì loạng choạng trên đôi chân, trông tức cười và xấu xí vô cùng.

    – Thưa chúng nó dùng da thú bó bàn chân lại nên ngón chân nhỏ tí xíu, ngắn ngủn, mất hết khả năng cầm đồ vật bằng chân. Không leo trèo được là phải.

    Một giọng nữ the thé báo cáo tiếp:
    - Bọn nầy mặt bẹt, miệng ngắn, môi mỏng, mũi nhô ra, trông vô cùng xấu xí dị hợm. Mới nhìn thấy là đã ghê tởm khiếp đảm. Răng chúng nhỏ tí xíu, xem bộ không cắn xé được ai.

    – Chúng còn dùng vỏ cây, hay một thứ lá gì đó rất lớn, bao lấy thân mình, có lẽ vì vậy nên rụng hết lông, có nhiều nơi trên thân mình, da thịt trắng hếu đưa ra, trông thật ghê tởm như khi bị ghẻ lác nặng nề rụng hết lông lá. Nhìn vào ớn lạnh cả mình.

    – Bọn nầy vô cùng dơ bẩn, hình như bọn chúng ăn thịt thú vật. Dã man như loài chó rừng, như loài beo, cọp. Khi ăn thì dùng nhánh cây và miểng đá mà khều thức ăn vào miệng.


    Chúa khỉ chớp chớp mắt, rối lầm bầm trong miệng: “Lạ nhỉ, lạ nhỉ. Nhưng ta hiểu hết cả rồi.” Tiếng báo cáo tiếp theo:
    – Một điều ngu dại nhất của chúng, và nguy hiểm cho cả sinh mạng, là dám chơi với lửa. Bọn nầy không những đốt lửa nhiều lần mỗi ngày, mà còn ngu xuẩn bỏ thức ăn trên lửa trước khi ăn. Làm mùi thối tha khét lẹt bay ra dơ bẩn cả bầu không khí trong lành. Ban đêm, bọn nầy còn nuôi một ngọn lửa nhỏ treo trên cây khô của chúng. Nếu cháy, thì chết cả bọn, và cháy cả khu rừng, rất nguy hiểm cho tất cả chúng ta nữa.

    – Mỗi buổi sáng, bọn nầy đứng cong lưng, dùng que khoắng liên tục trong miệng, cho đến khi phèo bọt mép ra, rồi nhổ phù bọt trắng xóa xuống đất. Không biết để làm gì.


    Chúa khỉ bóp trán suy nghĩ, tìm lời giải thích, nhưng chưa tìm được, thì có lời báo cáo khác.
    – Bọn nầy có đứa còn ăn khói, không biết làm sao mà có khi khói bay ra mù mịt trong miệng chúng. Bọn nầy đúng là còn man dã lắm. Một số trong bọn chúng, còn lấy dây và que, quàng buộc quanh mắt, không biết để làm gì, và khi nắng lớn, thì còn che mắt bằng hai miếng đá màu đen.


    Ban Tham Mưu

    Trong lúc nghe báo cáo, mặt chúa khỉ nhăn lại như mặt khỉ. Nghe xong, thì ông động lòng trắc ẩn thương xót cho một giống khỉ tương cận ngu dại, dã man. Hắt hơi một tiếng, rồi chúa khỉ khóc ròng. Thấy chúa khỉ khóc, thì cả mười hai con khỉ trong bộ tham mưu cũng khóc theo, kêu gào thảm thiết. Sau đó, thì như một bệnh truyền nhiễm, tất cả đàn khỉ trên các cành cây quanh vùng đều khóc, tiếng khóc chuyền đi từ cây nầy qua cây khác, và cả bộ tộc khóc theo chúa khỉ, dù chúng không biết nguyên nhân nào đã gây nên tiếng khóc. Khóc xong, miệng chúa khỉ còn nhễ nhại nước bọt, nói giọng run run, xót xa:
    – Tội nghiệp thay cho chúng. Chúng ta phải tận tình giúp đỡ, tận tình giáo hóa cải tạo cho chúng.

    Mười hai con khỉ trong ban tham mưu triều đình đồng lặp lại lời chúa khỉ như hát điệp khúc: “Tận tình giáo hóa cải tạo cho chúng.” Tiếp theo đó, vang lên trong các cành cây xa gần “… giáo hóa cải tạo cho chúng, giáo hóa cải tạo cho chúng…”.

    Những con khỉ khác gào theo, có lẽ chúng không hiểu đầu đuôi câu chuyện, nhưng cũng lặp lại y lời chúa khỉ nói.

    Chúa khỉ họp ban tham mưu bàn luận, để lấy quyết định tập thể về kế sách giúp đở bảy con khỉ man dã tội nghiệp kia. Có khỉ bàn rằng, chúng nó còn dã man quá, khó mà cải tạo được. Tốt nhất là đuổi chúng ra khỏi khu rừng, để cái hình dáng xấu xí của chúng khỏi làm bẩn mắt bà con, và cái sinh hoạt dơ dáy nguy hiểm kia khỏi ảnh hưởng đến con dân của xã hội nầy. Có ý kiến là nên tiêu diệt chúng đi cho khỏe. Chúa khỉ bóp trán rồi một tay để lên ngực bên trái, chỗ trái tim mà nói:
    – Thấy đồng loại khốn khổ ta không đành lòng. Ta muốn giúp chúng, học tập cải tạo theo nếp sống văn minh tiên tiến, thoát ra khỏi màn ngu tối dốt nát. Các ‘đồng khỉ’ nghĩ sao?

    – Nhất trí. Nhất trí. Ý kiến của chủ tể là vô địch, là sáng suốt, là ánh sáng chân lý muôn đời.


    Cả mười hai con khỉ trong ban tham mưu đồng thanh nói một lời trên như đã thuộc lòng từ trước. Và tiếp theo đó, những con khỉ đang đánh đu từ những cành cây xa, cũng đồng lặp lại “ánh sáng chân lý muôn đời, ánh sáng chân lý muôn đời”.

    Cuộc bao vây tấn công đoàn thám hiểm, được chúa khỉ đặt cho là chiến dịch tình thương. Vì tình thương mà hành động. Để cứu giúp bảy con khỉ còn man dã kia được ân sủng của chúa khỉ, ra khỏi đời sống hôn mê bất hạnh. Đám khỉ tấn công bò dần đến trại của các nhà thám hiểm, với những bước đi vô cùng nhẹ nhàng, không gây một tiếng động trên đất cỏ, lá mục, rồi bất thần xông lên, đè sập lều trại, đè cứng bảy con người yếu đuối, bắt họ dễ dàng. Người canh gác cũng chưa kịp nhìn ra kẽ tấn công, thì đã bị bắt ngay. Bọn khỉ cũng không ngờ thành công dễ như vậy. Mà đám khoa học gia cũng không ngờ họ bị tấn công bất thần. Bọn khỉ la mừng vang dậy khu rừng già: “Hoan hô chủ tể. Muôn đời bách chiến bách thắng. Liệu việc như thần. Quyết định không bao giờ sai lầm.”

    Câu hoan hô được lặp đi lặp lại nhiều lần vang dội trong đêm trăng mờ. Những con khỉ đang ngủ trên cây chợt tỉnh giấc cũng lơ mơ lặp lại: “không bao giờ sai lầm.”

    Nhóm khoa học gia khiếp đảm, và nghĩ rằng, họ không có một cơ may nào sống sót. Họ bị nhốt vào một hang đá đậy kín. Bên ngoài có nhiều khỉ canh gác kỹ càng. Tất cả lều trại bị phá tan, chúng đập bể những dụng cụ, máy móc, và thức ăn quăng bừa bải trên mặt đất.

    Sáng hôm sau chúa khỉ họp cùng quần thần dưới gốc cây lớn, trên một vùng đất khô ráo bằng phẳng, có nhiều bô lão khỉ, có nhiều vị khỉ được liệt vào hàng thông thái trong xã hội đó tham dự. Hàng ngàn dân khỉ quây quanh trên mặt đất, trên cành cây, trên tảng đá, để xem loài khỉ lạ. Lũ khỉ trẻ nít, không được bố mẹ bồng ra xem, vì ngại chúng sợ cái xấu xí dữ dằn khủng khiếp của cái loài khỉ lạ nầy mà chết giấc. Bảy nhà sinh vật học được giải từ trong hang ra. Tóc tai họ bù xù, mặt mày hốc hác, áo quần xốc xếch. Ba phụ nữ trong số bảy nhà khoa học nầy mặt xám ngoét, run sợ và ôm mặt khóc. Vợ của chúa khỉ ngồi bên cạnh chồng đưa hai tay bịt mắt, vì không muốn nhìn thấy bảy con sinh vật quá xấu xí, dị hợm. Bà lẩm bẩm cùng chồng:
    – Không thể gọi giống nầy là khỉ được. Xấu xí như thế mà liệt vào giống khỉ, thì có tổn thương đến danh dự chung của loài khỉ chúng ta không? Thần thiếp nhất thiết không xem chúng là đồng loại được. Ai cho rằng giống hạ tiện đó cùng loại với chúng ta? Nói cho thần thiếp biết!

    Chúa khỉ lườm mắt nhìn phu nhơn và nói nhỏ: “Bà câm cái mồm thối của bà lại không? Ai cho bà được bàn vào việc quốc gia đại sự.”

    Nữ hoàng khỉ nhìn xuống không dám cải, nhưng miệng còn lầu bầu những lời không rõ.

    Một con khỉ lớn kềnh càng, mặt mày tay chân lông lá, khệnh khạng đi đến trước mặt một nữ khoa học gia, đưa tay chụp áo cô và xé một cái toạc, lột cô trần truồng trước đám đông triều đình. Cô thét lên một tiếng thất thanh, và nghĩ rằng không khỏi bị làm nhục. Khi thấy cô trần truồng, da thịt trắng toát, không lông lá gì cả, thì vua khỉ, hoàng hậu, quần thần cùng dân khỉ cười vang sằng sặc vì thấy cái xấu xí lạ lùng của loài người. Sau một hồi lâu tiếng cười hạ dần. Một vị thông thái khỉ phán lớn:
    – Đúng là những thứ lá cây bao bọc thân thể đã cọ xát, làm lông rụng hết. Chỉ ba nơi còn lông là trên đỉnh đầu, dưới nách và dưới háng lưa thưa mà thôi. Bọn nầy ngu xuẩn, không biết lông trên da để bảo vệ muỗi mòng, che mưa nắng, thời tiết nóng lạnh. Thế mà làm rụng hết, ngu như vậy thì cũng hết nước nói. Xem đấy, da thịt trên thân thể trơn lu, ghê tởm, nhìn phát khiếp, còn hơn là bị bịnh ghẻ lác nặng nề. Tội nghiệp thay, tội nghiệp thay.

    Vị thông thái nói đến đây, thì vua khỉ mũi lòng rơm rớm nước mắt xót thương. Sáu nhà sinh vật học còn lại, cũng bị giựt phăng áo quần, để giải phóng cho họ khỏi bị áo quần cọ xát làm rụng lông. Họ co ro vì lạnh, cánh tay xuôi xuống kẹp vào hai chân. Một chị khỉ đến vạch háng nữ khoa học gia ra mà nhìn, rồi lắc dầu, nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, như ghê tởm lắm, bỏ đi. Chị khỉ nói: “Trông xấu xí, không giống cái gì cả.” Một nhà khoa học, bị gỡ cái kiếng đeo mắt. Chúa khỉ cầm cái kiếng áp lên mắt, rồi nhăn miệng dưới trề ra dài thòng, nói lẩm bẩm:


    Ngu xuẩn thật, dùng cái nầy che mắt cho mờ đi, không thấy gì rõ cả

    – Ngu xuẩn thật, dùng cái nầy che mắt cho mờ đi, không thấy gì rõ cả. Tại sao lại ngu như thế được? Nếu ta không có lòng thương bao la, mà giải phóng cho, thì bọn mầy còn sống trong u mê ám chướng mãi.

    Nói xong, chúa khỉ để cái kiếng đeo mắt trên thân cây, rồi đập mạnh tay xuống, cái kiếng bể vụn, tan tành. Nhà khoa học bị gỡ kiếng kêu ứ một tiếng vì tiếc của. Một con khỉ đến cầm bàn chân của nhà khoa học đưa lên cao cho đám khỉ xem, rồi cầm từng ngón chân lắc lắc, nói lớn:
    – Đây là kết quả tai hại của việc dùng da thú bó chân lại. Những bàn chân nầy vô dụng, vụng về, làm sao mà nắm vào cành cây, cầm nắm vật gì được? Loài khỉ nầy tiến hóa còn chậm lắm, có lẽ cả hàng chục triệu năm nữa, mới theo kịp chúng ta bây giờ.

    Ông khỉ nầy, cầm mấy chiếc giày nằm ngổn ngang trên đất, mà xé toang tan tành thành từng miểng nhỏ. Ông bảo rằng phá bỏ, đào tận gốc, trốc tận rể cái cội nguồn của thoái hóa ngu dốt may ra mới cứu được bảy con khỉ dã man nầy. Một con khỉ khác, lôi những thức ăn của các nhà khoa học ra trình với chúa khỉ. Nó lôi ra một hộp bơ, lấy cây mà khoắng, rồi chu mũi lại như ghê tởm lắm. Đưa cành cây còn dính bơ vàng khè lên cao, và nói:
    – Bọn nầy phóng uế ra rồi ăn lại. Rõ ràng, phân lỏng vàng khè, hôi ớn óc. Quý ‘đồng khỉ’ xem đây! Thật bẩn thỉu.

    Tất cả bộ lạc khỉ đều rùn vai, ghê tởm, kêu lên nhiều tiếng khẹc khẹc. Con khỉ lôi ra một tấm kẹo sô-cô-la lớn, rồi dong lên cao, nói:
    – Chúng còn ăn cả từng tảng đất bùn khô. Không những thế, chúng còn dự trữ rất nhiều thịt thú vật chết để ăn. Thật là dã man, ghê khiếp. Đây nầy, nhìn tận mắt, chứ nghe nói thì không ai tin đâu.

    Chúng lôi ra một bao kẹo lớn, đủ màu xanh đỏ vàng tím, và cho rằng đó là một loại đá vụn, và nói rằng lũ dã man nầy ăn cả đá. Chúng dâng lên để chúa khỉ xem xét. Chúa khỉ cầm mấy viên kẹo lật qua lật lại để xem là thứ gì, có vài viên ướt, làm nước đường chảy ra tay. Chúa khỉ lau vào mình cũng không sạch, bèn đưa tay lên miệng mà mút. Ông cảm thấy vừa ngọt, vừa chua, ngon miệng quá, ông lấy một viện kẹo, bỏ vào mồm. Ngon đến nhức răng. Trong đời ông chưa bao giờ được nếm mùi vị ngon ngọt như thế nầy. Chúa khỉ giả vờ nhè viên kẹo ra, nhăn mặt, phán xuống phía dưới:
    – Đây là một loại đá có chứa rất nhiều chất độc, rất nguy hiểm. Không ai được cất giữ tàng trữ các thứ nầy. Hãy gom lại và đưa cho ta.

    Bọn khỉ gom các loại kẹo của các nhà khoa học dâng lên chúa khỉ. Ông cất vào hốc cây nơi ông ngự, rồi tính chuyện chờ đêm xuống, không ai thấy, móc ra ăn dần. Còn những thỏi sô-cô-la mà chúng gọi là đất bùn, thì sau nầy bọn kiểm soát đem cất riêng rồi chia nhau ăn, không ai biết. Chúng còn ăn thử cả những viên thuốc mà các nhà khoa học đem theo để chữa bệnh, nên có một số khỉ bị phản ứng thuốc. Chúng quăng bừa bãi đồ đạc dụng cụ của các nhà khoa học bên góc rừng.

    Đang giữa buổi chầu, chúa khỉ chợt nhói dạ, làm một tiếng xì hơi từ mông rất lớn. Mùi thối tha xông lên nồng nặc qua cả mấy nhánh cây gần đó. Ba con khỉ tham mưu ngồi gần nhất, nghe tiếng trung tiện rõ nhất, và ngữi được múi hôi nhiều nhất, đều dồng thanh hô to và sửa lại nét mặt vô cùng nghiêm trang:
    – Thơm tho như hoa Lan hoa Quỳnh. Tiếng du dương như chim sơn ca hót.

    Bên dưới và chung quanh đều lặp lại vang dội núi rừng: “Hoa Lan hoa Quỳnh, chim sơn ca hót.”

    Mặt chúa khỉ lộ nét hớn hở. Chỉ riêng bà vợ chúa khỉ ngồi bên cạnh ông thì đưa tay quạt quạt ngang mũi.

    Buổi hội họp bế mạc khi xế trưa, với nghị quyết chung là đem tình thương cải tạo bảy con khỉ lạ cho theo kịp đời sống văn minh tiên tiến trong đất nước khỉ nầy. Một ủy ban cải tạo hùng hậu, với chỉ tiêu trong một thời gian ngắn, phải dạy dỗ cho bảy con khỉ dã man nầy biết thông tin với nhau bằng lời nói, biết đi bằng bốn chân cho vững vàng, biết ngủ trên cây cho an toàn tính mạng và tương lai dài sẽ được hòa nhập với xã hội khỉ hiện tại.

    Mỗi ngày bảy nhà sinh vật học được phát cho hai lần hoa quả, sâu bọ để ăn. Họ được dạy tiếng nói của loài khỉ. Khỉ thầy, chỉ từng đồ vật một, rồi nói tên, sau đó bắt bảy người lặp lại hàng trăm lần đến khàn cả cổ. Tiếng khỉ trong cổ họng, khó nói, nhưng họ tập mãi cũng thành quen. Mỗi khi nói sai, thì một con khỉ cầm viên đá gõ lên đầu học viên cốp cốp. Học theo lối nhồi sọ. Mỗi ngày từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn, chỉ học chừng hai mươi chữ. Lặp đi lặp lại suốt ngày. Mấy ông thầy khỉ cho rằng bọn nầy ngu tối, là một loại khỉ đẳng cấp thấp, nên không thể dạy nhiều được.

    Một người sợ quên thì bị phạt, bị gõ đá lên đầu, bèn dùng gai nhọn viết lên lá tươi, ghi lại các danh từ đã học. Khỉ thầy bắt được, vò nát lá, bảo là không lo học mà lo chơi. Học chăm và chậm, nên chỉ một thời gian ngắn, bảy nhà sinh vật học có thể hiểu chút chút và nói được một ít tiếng loài khỉ nầy. Họ bị bắt buộc đi bằng bốn chân, chổng mông lên mà bò, không được đi thẳng người, vì đó là lối đi dã man, suy đồi, thiếu văn minh, thiếu vững vàng. Ban đầu bảy người cảm thấy rất khó khăn để đi đứng theo lối nầy. Những khi mỏi lưng quá, họ đứng thẳng dậy vươn vai, thì bị thầy khỉ phạt bằng cách đánh bốp vào mông đau điếng. Tay khỉ to, sức khỉ mạnh, mổi cú đánh là đau thấu trời.

    Mãi rồi cũng quen, bảy nhà sinh vật học bò, nhảy, lanh lẹ trên đất bằng. Không nhanh như loài khỉ, nhưng cũng khá lẹ làng. Mỗi ngày phải học cách leo cây, phải tập ngủ trên cành cao. Việc nầy là khó khăn lớn nhất đối với bảy người. Vì sợ khi ngủ quên trở mình, hoặc quên nắm cành mà rớt xuống là chết hoặc gãy tay, gãy chân. Chúng không cho ngủ trên các cành cây thấp, vì sợ không an toàn. Vài người phải kiếm dây nhợ, ban đêm bí mật buộc mình vào cành cây, như một loại dây an toàn. Phải làm lén, chúng nó thấy được thì cho là hủ hóa, thiếu năng lực, thiếu ý chí học tập, và bị trừng phạt. Một thời gian, bảy con người cũng tìm cách thích nghi với cuộc sống, không đau khổ như lúc ban đầu. Họ bàn nhau tìm cách trốn ra khỏi khu rừng, ra khỏi sự kiểm soát của loài khỉ.

    Tổ chức xã hội của loài khỉ nầy rất lạ lùng. Trên hết là chúa khỉ, rồi đến một hội đồng quan lại gồm có mười hai con khỉ già khôn ngoan, lo điều khiển một hệ thống kiểm soát, gồm nhiều con khỉ trung thành được kết nạp chọn lựa. Nhóm kiểm soát nầy, không phải đi kiếm thức ăn hàng ngày. Chúng chuyên lo theo dõi hoạt động của toàn dân khỉ, và thúc dục dân khỉ đi kiếm thức ăn trong rừng núi. Mỗi dân khỉ hàng ngày phải đi kiếm thức ăn từ sáng sớm cho đến xế chiều. Đem thức ăn về gom chung lại. Chúa khỉ và gia đình chọn những thứ ngon nhất, ăn trước thật no nê, kế đến là mười hai gia đình của bộ tham mưu triều đình. Còn lại thì chia các phần đặc biệt cho loại khỉ thuộc thành phần kiểm soát trước. Rồi chia đều cho toàn dân khỉ phần còn lại, già trẻ lớn bé, to gầy đều có phần bằng nhau. Không cần biết ai đói ai no. Tất cả đều tuân phục răm rắp, không ai kêu ca, không ai có ý kiến.

    Những dân khỉ đi kiếm thức ăn, được học tập cẩn thận về thành tâm thiện chí trong công việc, lấy niềm tin vào chúa khỉ làm tiêu chuẩn, tinh thần tự trọng cao, để không ăn trước khi đưa về gom chung lại. Mỗi buổi, khi đem thức ăn về, đám khỉ kiểm soát banh miệng những con khỉ bị nghi ngờ ra xem, moi và cạy ở các kẻ răng xem có dính thức ăn không, ngữi miệng thử có mùi hoa quả không. Nếu nghi ngờ hơn nữa, thì dùng cây thọc sâu từ miệng xuống bao tử, xem ói ra thứ gì. Nếu bị phát giác là đã ăn trước một phần thức ăn kiếm được, thì sẽ bị hình phạt nang nề, bị đem ra xỉ vả trước tập thể từ đêm nầy qua đêm khác, và bị xã hội khinh rẻ, mỉa mai, không ai dám tiếp xúc, mọi khỉ khác đều xa lánh. Hình phạt là cắt bớt phần ăn xuống tối thiểu, chỉ phát cho những thứ trái cây hư thối, hoặc bị bỏ đói nhiều ngày. Hình phạt bỏ đói rất hiệu quả trong xã hội nầy. Dân chúng khỉ đều sợ sệt và răm rắp tuân thủ.

    Hầu như đa số dân khỉ trong xã hội đều đói, thiếu ăn, vì họ không tận lực tìm thức ăn, và có tìm được, thì những khỉ chúa khỉ quan hưởng trước, và bọn kiểm soát đông đảo, không làm gì cả, mà có nhiều thức ăn. Nhưng sau mỗi bữa ăn, thì toàn dân khỉ đều hô vang dậy cả núi rừng: “Chưa bao giờ no nê sung sướng hạnh phúc như đời sống hôm nay. Cả nhiều ngàn năm trước, và nhiều ngàn năm sau, sẽ không bao giờ có được đời sống đẹp như thế nầy.”

    Bảy nhà khoa học cũng gân cổ mà gào theo cái khẩu hiệu đó. Những con khỉ bị tội nhiều lần, thì không những bị bỏ đói nhiều ngày, mà có khi ngủ qua đêm thì biến mất trong xã hội. Không ai biết chúng đi đâu, và những con khỉ trong họ hàng, chỉ cúi dầu nhìn nhau len lét mà im lặng. Có khi chúng thì thầm là tìm thấy được xác con khỉ mất tích ở cuối dòng suối bìa rừng. Mọi khỉ đều cố giữ im lặng, cố gắng không bàn tán, và chỉ truyền khẩu nhau hạn chế. Cũng có khi một vài vị khỉ trong ban tham mưu bỗng nhiên biến mất, và các vị khỉ mới được chúa khỉ cắt cử vào thay thế. Cũng không ai biết lý do, và không ai dám hỏi han gì. Cũng có lúc khỉ chúa giải thích là các vị chức sắc kia được cắt cử đi công tác quan trọng đặc biệt theo tình hình mới và nhiệm vụ mới. Những nhà khoa học sống trong xã hội khỉ nầy cũng phải bắt chước y hệt lối sống của loài khỉ để sống còn. Mỗi lần chúa khỉ nói ra điều gì, là cả nước khỉ lặp lại lời nói với thái độ thành khẩn tin tưởng. Tin tưởng tuyệt đối. Lời chúa khỉ là mặt trời chân lý, là không bao giờ sai lầm. Dù hiểu hay không hiểu, cũng phải đồng thanh ca lại điệp khúc những lời phán của chúa khỉ. Lâu dần thành quen, các nhà khoa học không thấy tức cười, không thấy ngượng miệng bi bô theo đàn khỉ. Đôi khi họ nói theo, mà cũng không cần nghĩ đến ý nghĩa của lời nói.

    Vì không có áo quần che thân, nhiều nhà khoa học bị muổi mòng tấn công làm thành những mụn ghẻ nổi đầy người. Bọn khỉ càng thấy chân lý của chúng được chứng nghiệm, là bao vỏ cây, lá cây quanh mình làm lông rụng hết là điều ngu xuẩn. Một trong bảy nhà khoa học kiệt sức, và lìa đời. Một người khác, bảo rằng không tội chi mà kéo dài cái kiếp cầm thú nầy, tự treo cổ chết. Những người còn lại, cố sống để tìm cơ hội và nuôi hy vọng. Các nhà khoa học cũng được sung vào lực lượng sản xuất, mỗi ngày đi kiếm thức ăn mang về. Ban đầu thì sợ nên không dám ăn bớt những thức ăn kiếm được, vì sợ bị thọc cây vào bao tử mà khám. Nhưng về sau đói quá, họ cũng ăn liều. Ăn xong thì ra suối súc miệng, lấy dây rừng móc từng kẻ răng, và ngậm chút nước bùn khử mùi thức ăn trong miệng. Trong lúc đi tìm thức ăn, họ cố gắng nghiên cứu tìm đường đào thoát, nhưng lũ khỉ canh phòng quá nghiêm ngặt. Họ vẫn kiên nhẫn, thận trọng và hy vọng có ngày thoát ra.

    Ba năm sống với loài khỉ, những nhà khoa học nầy đã nói và hiểu khá thông thạo ngôn ngữ của loài khỉ. Họ làm quen được nhiều con khỉ hiền lành, nhiều con khỉ khá hiểu biết. Họ kể cho chúng nghe về xã hội văn minh của con người, nhưng chúng chỉ cười mà không tin. Vì chúng cho xã hội chúng đang sống là đỉnh cao trí tuệ của loài khỉ. Là tuyệt đối văn minh, không thể có một xã hội nào siêu việt hơn nữa. Có một con khỉ già bị cô lập, những đàn khỉ thường không con nào dám giao tiếp vì sợ liên lụy. Nhưng các nhà khoa học không biết điều nầy, cứ lui tới hỏi han. Cụ khỉ già ban đầu cũng nghi ngại, thận trọng, không dám nói nhiều, và trong khi nói chuyện thì luôn luôn ca tụng tài đức thông minh của khỉ chúa. Cho khỉ chúa là bậc tài đức xưa nay chưa từng ai sánh bằng, khỉ chúa là vô địch, là bách chiến bách thắng. Nhưng trong giọng nói của ông, có vẻ sợ hơn là thành thực. Một hôm, các nhà sinh vật học đem rượu trái cây đến cho ông uống. Rượu được bí mật chế biến trong hốc đá. Ông già ngà ngà say, và cho biết rằng, trước đây mấy mươi năm, dân khỉ vùng nầy sống trong an nhàn, no ấm, thong dong, không sợ sệt ai cả. Mỗi con khỉ tự làm lấy mà ăn, và không ai phải tâng bốc ngợi khen ai lố lăng như bây giờ. Nhưng từ ngày nhóm khỉ hiện tại cai trị, bày ra những luật lệ lạ lùng, nói là để đem hạnh phúc, bảo vệ no ấm cho toàn dân, thì ai cũng đói, ai cũng sống trong lo âu sợ sệt, và nhiều kẽ đã chết, đã mất tích bí mật, cho nên ai cũng sợ. Toàn dân khỉ đều biết chủ trương láo khoét bịp bợm của tập đoàn cai trị, nhưng họ không làm chi được, vì chúng đàn áp dã man và không nương tay. Sau khi tỉnh rượu, ông cụ sợ bị tố cáo, sợ bị hành tội. Ông cụ khỉ đã dẫn năm nhà khoa học trốn đi theo con đường tắt bí mật ra khỏi khu rừng, vùng đất của bọn khỉ tự xưng là văn minh tiên tiến.

    Phần kể thêm thay kết luận


    Quán bên đường. Hà Nội, 1990

    Người ta kể thêm rằng, vào đầu thập niên 1990, đoàn thám hiểm đã trở lại khu rừng già với một nhóm người võ trang, bắt được chúa khỉ cùng mười hai con khỉ tham mưu, đem máy bay chở gia đình chúng đến tái định cư chúng ở một vùng rừng già xa xôi, mà chúng không thể trở về chốn cũ. Đời sống và sinh hoạt của quốc gia khỉ dần dần trở lại bình thường. Ai làm nấy ăn, không còn bị bóc lột, bị bỏ đói, bị khủng bố dã man. Nhiều năm về sau, các thế hệ khỉ con cháu lớn lên, nghe bố mẹ kể chuyện xưa, chúng không tin đã có một thời đại lạ lùng như vậy, và cho rằng, các bậc cha ông bày ra chuyện vui kể cho con cháu nghe mà thôi.

    Tràm Cà Mau


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X