Thông báo

Collapse
No announcement yet.

30 tháng Tư ngày ấy...

Collapse
X

30 tháng Tư ngày ấy...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 30 tháng Tư ngày ấy...

    30 tháng Tư ngày ấy…


    Bảo Định Nguyễn Hữu Chế


    Tháng Tư lại về !

    Người Việt tự do trên toàn thế giới ai không khỏi ngậm ngùi và uất hận mỗi lần tháng Tư về. Chúng ta ngậm ngùi vì phải sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn. Chúng ta uất hận vì phải thua một kẻ thù hèn hạ, độc ác, và ngu dốt.

    Cuộc chiến tranh Quốc - Cộng khởi đi từ ngay sau khi Hiệp định Đình chiến Genève 1954 được ký kết có hiệu lực. Theo qui định của bản Hiệp định, Miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở trở lên, do chính phủ VNDCCH của Hồ Chí Minh quản trị; Miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống, do chính phủ Quốc Gia của Quốc Trưởng Bảo Đại, mà người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Ngô Đình Diệm quản trị. Chính phủ VNCH của Miền Nam đã được hơn 50 quốc gia công nhận, trong lúc đó, chính phủ VNDCCH của Miền Bắc chỉ có 13 quốc gia trong khối cộng sản công nhận.

    Trên thực tế đó là hai Quốc gia riêng biệt, dù có cùng chung một ngôn ngữ, và cùng một mẹ Âu Cơ sinh ra!

    Nhưng với tham vọng bành trướng chủ nghĩa Cộng sản, nhuộm đỏ thế giới, CSBV là tên lính tiên phong, đã tiến hành ngay cuộc chiến tranh xâm lược Miền Nam Việt Nam của VNCH.

    Cuộc chiến tranh từ 19 tháng 12 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954, hay còn gọi là “Trường kỳ kháng chiến”, kéo dài 9 năm, chỉ là cuộc chiến giữa lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh và lực lượng Liên Hiệp Pháp. Người Việt quốc gia tạm thời đứng chung trong lực lượng Liên Hiệp Pháp để chống lại một kẻ thù chung là Cộng sản.

    Trong lúc Miền Nam, dù không ký vào bản hiệp định chia đôi đất nước, vẫn tôn trọng những điều khoản không gây bất lợi cho chính quyền VNCH non trẻ. Trái lại CSBV của Hồ Chí Minh, dù đã long trọng ký vào bản hiệp định, đã tiến hành ngay cuộc chiến tranh xâm lược một đất nước có chủ quyền, và được cộng đồng quốc tế công nhận là VNCH. Chúng cài người và chôn dấu vũ khí. Chúng tổ chức những cuộc hôn nhân vội vàng giữa bộ đội sẽ tập kết ra Bắc và các thôn nữ ngây thơ. Lê Duẩn, sau này là Bí thư thứ nhất của Đảng CSBV, đã được cài ở lại, và chỉ bí mật ra Bắc sau năm 1957. Ngoài ra còn có Phạm Hùng, sau này là Thủ tướng, và Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí Thư,…

    Cuộc chiến tranh Quốc - Cộng, rõ ràng CSBV là kẻ xâm lược, và VNCH là đất nước bị xâm lược, phải tiến hành cuộc chiến tự vệ. Nhưng dư luận quốc tế, và ngay những kẻ “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” lại lập lừa đánh lận con đen, đã phớt lờ tình trạng thực tế này.

    Việt Nam Cộng Hòa phải đương đầu với quân xâm lăng CSBV, được Nga, Tàu và toàn khối cộng sản Đông Âu trợ lực. Để sống còn, VNCH buộc phải yêu cầu thế giới Tự do, đứng đầu là chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ giúp đở.

    Nhưng với luận điệu tuyên truyền xảo trá, đổi trắng thay đen, VNCH trở thành kẻ hiếu chiến, Hoa Kỳ trở thành kẻ xâm luợc!

    Cuối cùng vì mệt mỏi, vì đã dính líu đến một cuộc chiến tranh kéo dài không thấy ánh sáng cuối đường hầm, người bạn đồng minh Hoa Kỳ đành bỏ cuộc! Giờ đây, VNCH phải một mình đương đầu với bầy quỷ đỏ!

    Với sự trợ giúp toàn lực của Tàu cộng, Nga cộng, và khối cộng sản Đông Âu, bọn CSBV đã tiến hành ngay kế hoạch xâm lược VNCH.

    Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, cuộc tổng tấn công mùa hè đỏ lửa 1972 đều thất bại, chúng liền phát động cuộc tổng tấn công Đông – Xuân 1974 – 1975, sau khi quân đội Mỹ chính thức rút khỏi VNCH, khi hiệp định đình chiến Paris 1973 có hiệu lực.

    Khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở giai đoạn chót, 1975 này, bọn đầu sỏ Hà Nội dự trù sẽ kết thúc vào năm 1976.

    Nhưng với trận đánh thăm dò vào tỉnh lỵ Phước Long đầu năm 1975, thấy Mỹ không có phản ứng. Sau đó trận đánh vào Ban Mê Thuột vào đầu tháng 3 năm 1975, thấy giới lãnh đạo cao cấp của Sài Gòn lúng túng. Rồi “lệnh lạc” giữ Huế, bỏ Huế, và các đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH bị chôn chặt ở bãi biển Thuận An, bãi biển Sơn Trà, rồi cuộc lui quân hỗn loạn và thất bại của Quân đoàn II đã khuyến khích bọn Lê Duẫn và Lê Đức Thọ quyết định tiến hành gấp cuộc chiến tranh xâm lược “giải phóng Miền Nam”, mà không cần phải đợi đến 1976 mới hoàn thành, vì chúng đã biết chắc chắn Mỹ sẽ không can thiệp, “cho kẹo Mỹ cũng không vào” như lời nhận định của tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

    Có lẽ cái ngày định mệnh đó là ngày 30 tháng Tư!

    Đêm ngày 11 tháng 4, 1975, một toán phục kích Tiểu đoàn 3/52 của Thiếu tá Phan Tấn Mỹ, tại Đồi Móng Ngựa, gần ngã ba Dầu Giây, bên cạnh QL20, đường đi Đà Lạt, tiêu diệt gọn 17 tên giặc, trong đó có 4 cán bộ cao cấp, thu 4 địa bàn Trung cộng, 4 bản đồ nổi pictomaps, và một công vụ lệnh ghi: “Đoàn nghiên cứu quân sự đặc biệt 301- Nay đề cử 4 đồng chí …lên đường nghiên cứu thực địa chiến trường Thủ Biên - Xuân Lộc. Ngày lên đường: 2 tháng 4 năm 1975. Ngày chấm dứt nhiệm vụ: 30-4-1975”.

    Ngày 14 tháng 4, 1975, Tướng Đảo chuyển xuống các đơn vị trực thuộc một công điện của Cộng quân, viết: “Tụi Ngụy và Sư đoàn 18 ra sức chống giữ Xuân Lộc, ngăn cản quân ta thi hành phương án đúng kỳ hạn”.

    Phương án đúng kỳ hạn ! Phải chăng đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975 ?

    Khi cứ điểm ngã ba Dầu Giây, cách Xuân Lộc lối 12 cây số về hướng Tây, do Trung đoàn 52 của Đại tá Ngô Kỳ Dũng trấn thủ thất thủ vào lúc chiều tối ngày 15-4, thì vào lúc 1 giờ sáng ngày 16-4, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cho lệnh đánh hai trái bom BLU-82 xuống vùng tập trung quân của bộ đội CSBV. Đó là chỉ huy sở của Sư 341, và điểm “tập kết” của các đơn vị bộ đội thuộc Quân đoàn 4/CSBV chuẩn bị tiến về Sài Gòn !

    Theo Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng BTTM/QLVNCH, cuối tháng 2-1975, BTTM xin Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những loại bom chiến lược mà Không quân VNCH có thể xử dụng được. Hoa kỳ hứa gửi cho 27 quả bom. Giữa tháng 4, bảy trái được chở đến trong hai đợt, nhưng chỉ đưa theo hai đầu nổ! (Những Ngày Cuối của VNCH).

    Khi chuyển những trái bom BLU-82 đến Việt Nam, người Mỹ hứa gửi chuyên viên huấn luyện gắn ngòi nổ, cách vận chuyển bom trên phi cơ,… nhưng họ đã không đến. Trong tình trạng khẩn trương của chiến trường, BTTM và Bộ TL/KQ quyết định chọn một phi công giàu kinh nghiệm cho nhiệm vụ thả bom. Được biết đó là một phi công cấp bậc Thiếu tá, thuộc PĐ435, và máy bay xử dụng cho phi vụ ném bom là là chiếc C-130, đã cất cánh lúc quá nửa đêm ngày 16-4-1975. Có nhiều nguồn tin về mục tiêu ném bom, nhưng ngày nay tại Xuân Lộc, người dân địa phương vẫn gọi một cây cầu nhỏ bắc qua một con suối cạn, trước đây không có tên, là cây cầu 6 ngàn, nằm trong vùng đồn điền cao su Bình Lộc, cách Xuân Lộc lối 6 cây số về hướng Bắc. Phải chăng 6 ngàn là 6 ngàn bộ đội CSBV đền tội ?

    Bom BLU-82 cân nặng 15 ngàn pounds. Đó là chữ viết tắt của Bom Live Unit – 82, xử dụng loại máy bay MC-130E. Tùy theo tính chất của mục tiêu, bom có loại văng miểng, có loại gây hơi ép. Bom nổ tạo ra áp lực 1.000 pounds/square inch. Bom sẽ đốt hết dưỡng khí trong một khu vực rộng 2 mẫu Anh. Những sinh vật chết trong tư thế tự nhiên.

    Hai trái bom đã loại khỏi vòng chiến hơn 10 ngàn bộ đội CSBV, làm chậm bước tiến quân về Sài Gòn của chúng trong một thời gian. Một thời gian vừa đủ cho Tòa Đại sứ Mỹ cuốn cờ, bay ra Hạm đội 7 đang thả neo ngoài khơi Vũng Tàu.

    Quân đội CSBV có 21 Sư đoàn quân chính qui. Chúng đã cho xâm nhập vào Nam 16 sư đoàn, chỉ để lại 5 sư đoàn giữ nhà! Hai trái BLU-82 thả xuống vùng đồn điền cao su Bình Lộc đã tiêu diệt hơn 10 ngàn bộ đội/CSBV. Mặc dù bị thiệt hại nặng do sự tàn phá của của hai trái bom, làm chậm bước tiến quân về Sài Gòn, nhưng quân CSBV đang trên đà thắng lợi. Phòng tuyến Phan Rang, tuyến phòng ngự xa nhất của VNCH đã bị vỡ, Tướng Nghi, Tư lệnh mặt trận đã bị bắt. Giờ đây chỉ còn Xuân Lộc, Xuân Lộc chỉ cách Thủ đô Sài Gòn lối 80 cây số, nhưng đang bị cầm chân. Với thời cơ thuận lợi như vậy, bọn đầu sỏ Bắc Bộ phủ quyết định mở chiến dịch tấn công Sài Gòn, và được đặt tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chúng bao vây Thủ đô Sài Gòn với 5 hướng tiến quân. mỗi hướng có số lượng quân ít nhất là 1 quân đoàn. Hướng Đông do 2 quân đoàn là 4 và 2. Nếu người bạn đồng minh Hoa Kỳ gửi cho chúng ta đủ 27 trái với đầy đủ ngòi nổ theo lời yêu cầu, và chúng ta đánh ngăn chặn mỗi hướng tiến quân 2 hoặc 3 trái bom BLU-82 thì nhất định ngày 30 tháng Tư oan nghiệt đã không xảy ra! Không biết chừng, những trái còn lại sẽ tặng luôn cho những sư đoàn giữ nhà ở ngoài Bắc, thì phe thua cuộc không phải là chúng ta! Nhưng đã không có chữ “nếu”!

    Cuộc chiến Việt Nam, phía VNCH phải tiến hành cuộc chiến với tính cách tự vệ. Chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh cũng chỉ giúp chúng ta để tự vệ. Chúng ta bị trói buộc trong cuộc chiến. Chúng ta phải tiến hành cuộc chiến với quan niệm chiến lược là không được thắng!

    Khi Đà Nẵng thất thủ, Kissinger than:”Sao chúng (VNCH) không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài.”

    Vì vậy ngày 30 tháng Tư nhất định phải đến. hai trái BLU-82 thả xuống đầu giặc cộng lúc 1 giờ sáng ngày 16-4-1975 đã tạo nên khoảng cách vừa đủ theo ý định của người Mỹ.

    Đã 45 năm qua, kể từ ngày 30 tháng Tư oan nghiệt đó, gần 3 triệu người dân Việt, từ Nam chí Bắc đã phải bỏ nước ra đi tìm tư do. Người dân trong nước thì phải sống những ngày đen tối, nhục nhã và lầm than! Chế độ bạo tàn vẫn ngự trị trên cuộc sống của người dân.

    Một điều khá phi lý là chúng ta có chính nghĩa, có binh hùng, tướng giỏi. Nhưng chúng ta đã thua, thua một kẻ ngu dốt, độc tài và gian ác. Nói như lời nhận xét của cố Thượng nghị sĩ Jonh McCain: “Kẻ công chính đã thua, và kẻ ác đã thắng!”

    Trong hơn 20 năm chiến tranh, Miền Bắc đã có hơn 2 triệu “sinh Bắc, tử Nam”; Miền Nam có lối 282 ngàn thanh niên hy sinh trên chiến trường. Nhiều triệu người dân Việt bị chết trong lửa đạn chiến tranh. Sau chiến tranh, đã có hơn 1 triệu lính bên phe thua cuộc bị cầm tù trong các trại tù cải tạo, hay trong các vùng “kinh tế mới”, và đã có hơn 165 ngàn tù nhân bị chết trong các trại tù khổ sai từ Nam chí Bắc. Đất nước hết chiến tranh, nhưng đã có gần 3 triệu người dân Việt phải bỏ nước ra đi tìm tư do. Nói như Quái kiệt trần văn Trạch; “Ở Việt Nam nếu cột đèn biết đi, thì cũng ra đi tìm Tự do!”, nhưng không phải ai cũng đến được miền đất hứa, mà đã có hơn 200 ngàn đồng bào kém may mắn bỏ xác nơi rừng sâu, hóc núi, hay vùi thây dưới lòng đại dương.

    Cứ mỗi độ tháng Tư về, chúng ta lại ngậm ngùi nhớ đến tháng Tư đen. Lòng kẻ tha hương lại nhớ về Quê Mẹ. Quê Mẹ Việt Nam đang rên xiết, đọa đày dưới sự cai trị của chế độ CS bạo tàn.

    Đã 45 tháng Tư qua, chúng ta ngậm ngùi thương xót cho thân phận của kẻ thua trận phải sống cuộc đời lưu vong tha hương.



    Mùa đại dịch Corona Virus Wuhan 2020
    Bảo Định Nguyễn Hữu Chế


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X