Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam

Collapse
X

Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam

    Biệt Đội Thiên Nga và những chiến công thầm lặng trong cuộc chiến Việt Nam


    Bà Nguyễn Thanh Thủy (trái) cùng các nữ học viên Sĩ Quan Cảnh Sát thực tập tại bến cảng Sài Gòn năm 1966
    (Hình chụp lại: Văn Lan/Người Việt)

    ANAHEIM, California (NV) – Biệt Đội Thiên Nga gồm khoảng 30 người thuộc “phái yếu” rất trẻ đẹp, ai cũng học giỏi và thông minh, tất cả mọi người đều có một tên chung là Thiên Nga, với công tác đặc biệt là bí mật xâm nhập vào hàng ngũ hạ tầng cơ sở Cộng Sản để thu thập tin tức.

    Năm 1964, bà Nguyễn Thanh Thủy đang theo học Khoa Dược tại Đại Học Sài Gòn phải bỏ ngang vì sức khỏe, sau đó theo học phân khoa Chánh Trị Kinh Doanh và Sư Phạm, Viện Đại Học Đà Lạt. Tuy rất tiếc không khí và môn học đã chọn tại đây, bà phải bỏ học lần nữa vì bị bệnh gout chịu không nổi xứ lạnh, phải trở về Sài Gòn.

    Sau khi thi đậu vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, phải qua cuộc tuyển lựa về nhân dạng, chiều cao, gương mặt, phải đúng tiêu chuẩn. Trong những người thi đậu, cả 18 cô biên tập viên đều về Khối Đặc Biệt, với điều kiện bắt buộc là phải độc thân ít nhất hai năm từ khi vào làm việc.

    “Có một số các Thiên Nga được đi ra ngoài xã hội làm việc, với danh nghĩa như vậy dễ tiếp cận các đối tượng hơn, riêng tôi về Phòng Nghiên Cứu thuộc Khối Đặc Biệt, lý do vì chân tôi yếu, đi đứng dễ bị nhận diện. Trong Phòng Nghiên Cứu, tôi có bổn phận mỗi tháng phải nhận những chứng minh thư của tình báo viên để xác nhận lại, nhìn coi thật hay giả hoặc đọc lại những hồ sơ cũ không còn sử dụng nữa, nhận xét có đúng hay không. Đó là cách tập cho người biên tập viên có cái nhìn bao quát và nhận định chính xác từng chi tiết, không bỏ sót”, bà Thủy nói.

    Bà Thủy kể, từ trận Mậu Thân 1968 cho đến những năm về sau, chiến tranh trở nên khốc liệt. Trong khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận, thì bên trong nội thành Sài Gòn Gia Định nổi lên những phong trào xã hội như Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Quả Phụ Tử Sĩ Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nữ Phật Tử Long Hoa, Nghiệp Đoàn Bạn Hàng Các Chợ, Đoàn Thanh Sinh Công, Nhóm Công Giáo Thân Cộng của Linh Mục Chân Tính và Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan, Nhóm Phật tử Ần Quang, Hội Ni Giới Khất Sĩ, phong trào sinh viên học sinh tại các trường đại học và trung học Sài Gòn.

    Những phong trào xã hội lúc bấy giờ đều do Việt Cộng giật dây, biểu tình chống đối chính phủ, gây rối đời sống người dân, gây bất an cho xã hội khiến một số người bất mãn, gia nhập thêm vào các lực lượng chống đối này.


    Sinh viên Nguyễn Thanh Thủy, khoa Chánh Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt,
    được giải “Hoa Hậu Cô Dâu” năm 1967 (Hình chụp lại: Văn Lan/Người Việt)

    Thiên Nga Nguyễn Thị Bê trong vai ký giả Bạch Tuyết
    Người Sài Gòn Gia Định lúc bấy giờ ai cũng biết phong trào “Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” nổi lên gây xáo trộn rất nhiều trong xã hội do bà Ngô Bá Thành nhũ danh Phạm Thị Thanh Vân chủ trương. Bà Ngô Bá Thành từng tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa tại Pháp, trở về nước bắt đầu có những hoạt động gây rối chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1970 đến 1975.

    Tháng Tám, 1970, trong lễ ra mắt tại chùa Ấn Quang, bà Ngô Bá Thành với danh xưng “chủ tịch Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” đã kêu gọi phụ nữ Việt đòi quyền sống cho chồng, con em và của chính họ. Sau đó phong trào này mở rộng thành phong trào “Bảo Vệ Nhân Phẩm và Quyền Lợi Phụ Nữ,” lôi kéo rất nhiều sinh viên và chị em phụ nữ xuống đường biểu tình chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

    Những người hưởng ứng phong trào của bà Ngô Bá Thành luôn tự xưng thuộc “Thành Phần Thứ Ba” nghĩa là không theo Cộng Sản, cũng không theo chính quyền quốc gia tại miền Nam Việt Nam. Họ luôn hướng các cuộc biểu tình tranh đấu tới việc đòi xóa bỏ chính thể Việt Nam Cộng Hòa để lập một chính phủ khác có tự do, dân chủ và nhân quyền hơn. Tuyệt đối các phong trào này không bao giờ tố cáo tội ác của Việt Cộng.

    Người của bà Ngô Bá Thành đi vào các xóm lao động, khu dân cư nghèo để phát truyền đơn, phổ biến tài liệu, sách báo do bà Thành soạn thảo in ra với nội dung lên án chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có những ngược đãi can phạm trong nhà tù, chế độ giam giữ người tàn nhẫn, vi phạm nhân quyền…

    Vào thời điểm đó, những cuộc biểu tình công khai trên đường phố, đô thành Sài Gòn Gia Định như một bãi chiến trường, thường xuyên có những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh phản chiến chống chiến tranh, kêu gọi không đi Quân Sự Học Đường, rồi nào là giới báo chí đi “ăn mày,” rồi phong trào Phật Giáo xuống đường do Ni Sư Huỳnh Liên tổ chức.

    Những cuộc biểu tình tổ chức công khai ở nhiều địa điểm khắp nơi trong thành phố, nhiều nhất là tập trung trên đường Cường Để, quận Nhất, Sài Gòn, nơi tập trung nhiều trường đại học như Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc và tại Đại Học Luật Khoa, Đại Học Khoa Học Sài Gòn, cùng những cơ sở tôn giáo khác.

    Để tiếp cận và theo dõi phong trào do bà Ngô Bá Thành chủ trương, thực chất là do Cộng Sản núp bên trong giật dây điều khiển, Biệt Đội Thiên Nga đã cài rất nhiều nhân viên của mình xâm nhập vào các phong trào này, và người của Thiên Nga đã từng được các phong trào này chọn để giữ nhiều nhiệm vụ then chốt.


    Đám cưới ông Lê Thành Long và bà Nguyễn Thanh Thủy tại Sài Gòn năm 1967
    (Hình chụp lại: Văn Lan/Người Việt)

    Riêng nữ ký giả Bạch Tuyết, thường có nhiều cuộc phỏng vấn bà Ngô Bá Thành (lúc đó là “chủ tịch Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống”), luôn bên cạnh bà Thành để phổ biến tin tức hoạt động của phong trào cho báo giới, nên tin tức lúc nào cũng chính xác.

    Với sự tin tưởng tuyệt đối, nữ ký giả Bạch Tuyết luôn đồng hành và là cái loa phát thanh về mọi hoạt động của bà Thành, thậm chí bà được giao đánh máy những tài liệu quan trọng của các phong trào xã hội.

    Sau thời gian thử thách, Thiên Nga Nguyễn Thị Bê được tin tưởng vì làm việc cẩn mật nên được cấp thẻ ký giả chính thức, từ đó nữ ký giả Bạch Tuyết có thể xâm nhập bất cứ nơi nào có phong trào tranh đấu chống chính phủ, có thể kết nối nhiều móc xích khác, thực hiện nhiều công tác nữa cho Biệt Đội.

    Một số phong trào của Việt Cộng mà ký giả Bạch Tuyết đã xâm nhập vào được như Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn do sinh viên y khoa Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch; Hội Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh do sinh viên Võ Như Lanh thân Cộng làm chủ tịch; Tổng Hội Trung Học Sài Gòn do Lê Văn Nuôi làm chủ tịch; Tịnh Xá Ngọc Phương ở Gò Vấp của Ni Sư Huỳnh Liên; chùa Ấn Quang ở đường Sư Vạn Hạnh, nhờ đó mà chính quyền Sài Gòn đã bẻ gãy nhiều âm mưu phá hoại của Việt Cộng dưới chiêu bài các phong trào dân chúng chống chính phủ.

    Thiên Nga “Tư Hương” với chức vụ của Việt Cộng
    Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngay tại thủ đô Sài Gòn, do Ni Sư Huỳnh Liên xách động và nhóm Phật Giáo Ấn Quang cầm đầu. Biệt Đội Thiên Nga đã gài được người nằm trong hai tổ chức tôn giáo này.

    Bà Tư Hương, một nữ can phạm chính trị bị Cảnh Sát bắt giam, là cán bộ đặc công Việt Cộng nhưng không đủ gan dạ đặt chất nổ một cao ốc có người Mỹ cư ngụ trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn nên bà bị hạ tầng công tác xuống làm “binh vận.”

    Sau này khi bà Tư Hương đồng ý hợp tác với phía Việt Nam Cộng Hòa với một điều kiện là chỉ làm việc với nữ nhân viên, chứ không làm việc với nam giới. Theo yêu cầu này, bà được điều động về Biệt Đội Thiên Nga, và đã báo cáo nhiều tin tức giá trị giúp Việt Nam Cộng Hòa phá vỡ nhiều hoạt động của Việt Cộng.

    Với chức vụ huyện đội trưởng huyện Gò Môn của Việt Cộng, Thiên Nga Tư Hương được triệu tập về họp tại mật khu Hố Bò, Củ Chi. Lần họp đó có rất nhiều huyện ủy ở nơi khác cùng về dự để nhận chỉ thị công tác cấp trên giao, Biệt Đội Thiên Nga được đề nghị gắn một máy phát tuyến trong đôi guốc gỗ của bà Tư Hương, để máy bay của Việt Nam Cộng Hòa có thể nhận được tín hiệu phát ra trong từng bước đi của bà, biết chính xác vị trí nơi họp mật mà thả bom tiêu diệt tất cả những người dự họp. Nhưng kế hoạch ấy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến người của Việt Nam Cộng Hòa nên không được thực hiện và bà đã báo cáo đầy đủ về nghị quyết ban hành cho các huyện ủy kỳ họp đó, gởi về Biệt Đội.

    Thiên Nga Hà Thị Nhã với công tác Hải Âu
    Thiên Nga Hà Thị Nhã sau khi đã xâm nhập được vào Hội Phụ Nữ Việt Nam và khối Phật Giáo Ấn Quang, Tịnh Xá Ngọc Phương của Ni Sư Huỳnh Liên, sau những ngày cùng tham gia biểu tình tuyệt thực trên đường phố, nếm mùi lựu đạn cay, dùi cui, cùng bị bắt bớ nên bà Nhã được tin cậy.

    Bà được giao cho việc chở người già đi biểu tình, nhờ vậy bà đã bí mật chụp hình các nhân vật chủ chốt xách động, biết được địa điểm giờ giấc hoạt động của các nhóm này, giúp phá tan những âm mưu do Việt Cộng núp đằng sau giật dây.

    Thiên Nga Hà Thị Nhã được móc nối vào Mật Khu Hố Bò, sau khi cân nhắc và đánh giá khả năng của bà, Biệt Đội quyết định thêm một bước công tác cho bà, tiếp tục đi sâu vào mật khu.

    “Lúc vô mật khu học khóa hoạt động giao liên nội thành do Việt Cộng huấn luyện, chị Nhã cho biết Việt Cộng có đề cập đến và cảnh giác các khóa sinh về một tổ chức tình báo Sài Gòn đang hoạt động toàn nữ giới, đứng đầu là một phụ nữ trẻ đẹp có tài, có học và thông minh. Việt Cộng vẫn chưa biết rõ được danh tánh tổ chức tình báo ấy cũng như các nhân viên đang hoạt động. Tuy nhiên chúng xác định đây là một tổ chức tình báo rất nguy hiểm mà mọi người phải đề cao cảnh giác về mọi hoạt động của đội tình báo này để tránh lộ công tác và bị họ theo dõi,” bà Nguyễn Thanh Thủy kể.


    Bà Nguyễn Thanh Thủy tại Đại Hội Kỳ 3 Hội Cựu Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
    tại Washington năm 2004
    Bên phải là Thiếu Tá Liêm hát bài “Vinh Danh Biệt Đội Thiên Nga” do ông sáng tác.
    (Hình chụp lại: Văn Lan/Người Việt)

    Sau khóa học tình báo ở mật khu, Thiên Nga Hồ Thị Nhã được tin cậy giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ Việt Cộng từ mật khu về hoạt động nội thành, được tiếp cận với nhóm thân cộng của hai Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan và Linh Mục Chân Tín, chuyên in ấn các sách báo chống đối dựa theo bài viết do Việt Cộng cung cấp, chống sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, đòi trả tự do tù chính trị, đặc biệt là tù Côn Đảo. Ngoài ra bà còn cung cấp nhiều tin tức về cách thức hoạt động nội tuyến của phe phá hoại do nhóm Linh Mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan cầm đầu trong các hoạt động phản chiến của sinh viên, cung cấp thuốc men quần áo cho can phạm chính trị.

    Thiên Nga Diệu Ngôn với công tác Hoàng Yến
    Khi đã xâm nhập được vào hoạt động xã hội của bà Ngô Bá Thành, Thiên Nga Diệu Ngôn được làm việc với bà Nguyễn Thị Mạnh Quỳnh (Bôn Quỳnh), là vợ của một đại úy quân y Việt Nam Cộng Hòa, bà Quỳnh mượn uy tín của chồng chuyên đi phát thuốc trong những xóm lao động nghèo, nên ghi nhận được hết những cơ sở bà Quỳnh đã tiếp xúc, thực chất đó là những cơ sở Việt Cộng trong nội thành.

    Sau đó bà Quỳnh thấy bị động nên giao cho Thiên Nga Diệu Ngôn thay mình trong những công tác xã hội nên chị Diệu Ngôn biết sâu thêm nhiều cơ sở của Việt Cộng, giúp phá vỡ nhiều ổ hoạt động nội thành.

    Văn Lan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X