Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Qua Đồi Trinh Nữ

Collapse
X

Qua Đồi Trinh Nữ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Qua Đồi Trinh Nữ

    Tác giả: Thảo Nguyên
    Tên thật Nguyễn Bá Thuận, sinh năm 1947 tại Hà Đông. di cư vào Nam năm 1954.
    Cựu học sinh các trường Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) và Sao Mai (Đà Nẵng).
    Tốt nghiệp Khóa 2 Trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (1971).
    Phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân Biên Phòng.
    Đi tù cải tạo 6 năm, sau đó vượt biên năm 1982 và hiện định cư tại Dallas, Texas.
    (Theo http://www.vietnamdaily.com)












    Giọng đọc: Hùng Phan



















    nhân đọc một người lính
    viết về chiến tranh


    . . . Truyện dài QUA ĐỒI TRINH NỮ của Thảo Nguyên là tác phẩm viết về chiến tranh của một người trong cuộc, theo cái nghĩa trung thực nhất và giản dị nhất của người trong cuộc. Cuộc chiến 30 năm đã chấm dứt cách đây 30 năm. Khoảng thời gian 60 năm một đời người ngắn ngủi chưa đủ dài hay sao để ngày hôm nay, cách xa bãi chiến trường cũ hàng nửa vòng quay quả đất, những người sống sót sau một cuộc chiến vẫn còn tiếp tục nói và viết về nó. Tôi gọi đây là thảm kịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng ngàn năm chiến tranh của đất nước chúng ta. Tiếng súng đã im từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng cái ngày quê hương thanh bình mà những nhân vật nửa thực nửa hư trong Qua Đồi Trinh Nữ – còn sống hay đã chết – mong đợi ấy, mà tất cả chúng ta mong đợi ấy, chưa hẳn đã đến. Chính vì thế, mà chúng ta – những kẻ sống sót – phải lưu vong quê người, sau nhiều năm tháng bị lưu đầy ngay trên chính quê hương của mình. Cơn lốc chiến tranh, tàn bạo như chính tên gọi của nó, đã không chừa một ai trên đường đi hủy diệt con người, từ thể xác – những người đã nằm xuống -, đến tâm linh – tức chúng ta, những người còn sống sót. Chính vì thế, viết về cuộc chiến tranh ấy, không phải là nhắc đến những ngày vinh quang cũ – làm sao gọi là vinh quang cho được khi đồng bào máu mủ của mình ở cả hai miền đã chịu bao tang tóc điêu linh chỉ vì sự ngông cuồng của một thứ chủ nghĩa vay mượn từ bên ngoài nay đã hoàn toàn dãy chết vì chính sự ngông cuồng của nó. Viêt về cuộc chiến tranh ấy, không phải chỉ nhắc đến cái hào hùng của một thời vó câu yên ngựa. Đã đành là hào hùng, nhưng cái hào hùng trọn vẹn thuộc về những người đã nằm xuống. Những người còn sống, đã từng mặc chiếc áo trận của chính mình, nhưng không phù hiệu đơn vị, không cầu vai, không cấp bậc, lê bước chân trần lưu đầy trên khắp nẻo quê hương từ Nam Quan cho đến Cà Mau qua các nhà tù tiền sử dựng lên vội vàng sau ngày miền Nam thua trận, thì cái hào hùng ấy, dù chúng ta thú nhận hay không thú nhận, cũng phần nào không được gọi là trọn vẹn. Và chắc chắn đó chẳng phải là trọng tâm khi người lính cầm bút viết về những ngày tháng ấy. Càng không phải sự nuối tiếc một thứ quá khứ mà có người đã khuyên chúng ta hãy quên nó đi. Có ai lại đi nuối tiếc một quá khứ gian khổ nhọc nhằn, ranh giới giữa sống và chết chỉ cách nhau có một hàng rào kẽm gai, và bao khổ đau mất mát không một thứ bút mực ngôn ngữ nào có thể diễn đạt đầy đủ.

    . . . Giá trị nhân bản của một tác phẩm viết về chiến tranh như Qua Đồi Trinh Nữ nằm ở chỗ nó chuyển tải được nỗi đau của nhân vật, lính cũng như dân, sự khủng khiếp của chiến tranh, đến người đọc. Người đọc Qua Đồi Trinh Nữ, khi gấp trang cuối cùng lại, không thể không ngậm ngùi tưởng tượng hình ảnh nhân vật chính quỳ xuống hôn từng ngôi mộ đắp sơ sài bên đồi Trinh Nữ. Trong những ngôi mộ ấy là hình hài đẫm máu của người con gái rất mực yêu thương, là thi thể không toàn thây của những người lính thuộc quyền, thà chết, không chịu lùi bước trước bạo lực, không chịu bỏ rơi bạn đồng ngũ. Hình ảnh ấy, qua sự khắc họa của Thảo Nguyên, đã trở thành Sử Thi và mang một giá trị vượt thời gian và không gian, vì qua đó, người ta sẽ làm hết sức để tránh cho những nỗi đau ấy, sự khủng khiếp ấy, tái diễn.

    Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh, và hai cuộc lột xác đổi đời: một lần là lưu đày quê nhà và một lần là lưu vong quê người. Ngần ấy tuổi đời và thương đau, chúng ta hiểu hơn ai hết rằng, chúng ta có thể chôn cất hận thù, chúng ta có thể chôn cất quá khứ, như chúng ta đã chôn cất người chết, nhưng chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau. Đã bao nhiêu năm rồi, đâu phải mới hôm qua, đâu phải mới tháng trước, vậy mà, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi nghe tiếng khóc quen thuộc, những nỗi đau từ dưới đáy mồ đã chôn cất từ lâu, lại thức dậy nhắc nhở, tra tấn, hành hạ, đay nghiến và than van. Người lính già chấp nhận nỗi đau ấy cho riêng mình. Ông sẽ mang theo nó xuống mồ một ngày không xa. Nhưng ông không muốn thế hệ con cháu ông phải đau nỗi đau của ông, và ông tin rằng, không quản ngại những nhọc nhằn cuối đời lưu lạc, một chút đóng góp nhỏ nhoi của mình, biết đâu, có thể góp phần cứu chuộc được cả một nhân loại đang bước dần đến ngày Phán Xử Cuối Cùng. Theo tôi, đấy là giá trị và chỗ đứng của Qua Đồi Trinh Nữ. Tác phẩm, viết cho hương hồn những người đã nằm xuống, cảnh tỉnh người còn sống, để cho sự nằm xuống ấy, không trở thành vô nghĩa. . .

    T.Vấn

    (Trích đoạn bài nói chuyện trong buổi ra mắt truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ của nhà văn Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận ngày 20 tháng mười một năm 2004 tại thành phố Dallas – Texas và 6 tháng ba năm 2005 tại thành phố San Jose- CA.)
    Last edited by chimtroi; 09-23-2021, 07:03 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X