Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hoàn cảnh sáng tác “Người Ở Lại Charlie” (Trần Thiện Thanh)

Collapse
X

Hoàn cảnh sáng tác “Người Ở Lại Charlie” (Trần Thiện Thanh)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoàn cảnh sáng tác “Người Ở Lại Charlie” (Trần Thiện Thanh)

    Hoàn cảnh sáng tác “Người Ở Lại Charlie” (Trần Thiện Thanh)


    Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo nguyên là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (được mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải). Ông đã nằm yên trên đỉnh đồi Charlie thuộc tỉnh Kontum vùng II chiến thuật trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa vào ngày 12 tháng 4 năm 1972, khi vừa đúng 35 tuổi. Trung tá Nguyễn Đình Bảo được vinh thăng cấp cố Đại tá sau khi hy sinh và vĩnh viễn nằm lại đồi Charlie.


    Sau khi nghe tin Trung tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết ca khúc Người Ở Lại Charlie này để tiếc thương.
    Ngay trên đầu bản nhạc “Người Ở Lại Charlie” Trần Thiện Thanh đã viết trang trọng như sau: “Tiếc thương ca cho Nguyễn Đình Bảo, người ở lại Charlie”.


    Sau đây, xin nhắc lại 1 số lời hát trong bài nhạc lính nổi tiếng này:


    Bài hát viết theo điệu Slow Rock (tiếc nhớ) mở đầu bằng một khúc dạo nhạc không lời, như tiếng kêu thương ray rức:

    Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
    Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
    Vâng, chính anh là ngôi sao mới
    Một lần này chợt sáng trưng,
    Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng

    Trần Thiện Thanh đã ví Trung Tá Nguyễn Đình Bảo là một ngôi sao sáng trên trời chợt bừng lên rồi vụt tắt, ví như là một cánh dù được đan bằng nỗi tiếc thương…

    Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo

    Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
    Anh! Vâng, chính anh là loài chim quí
    Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý…

    Tác giả Trần Thiện Thanh ví Nguyễn Đình Bảo như là một cánh chim quý, được ví với loài Đại bàng sải cánh bay vút trùng khơi, và Đại Bàng cũng chính là là bí danh của vị chỉ huy trưởng Nguyễn Đình Bảo khi ông dùng để nói chuyện qua hệ thống đìện đài truyền tin.

    Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo rời Hà Nội vào Nam năm 18 tuổi. Ba năm sau, ông thi đậu Tú tài và tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trong 14 năm ở lính, ông đã từng tham gia rất nhiều trận lớn nhỏ từ khắp “4 vùng chiến thuật” từ trận Ấp Bắc, giải vây đồn Bổ Túc ở những năm 1960.
    Từ trung đội trưởng Tiểu đoàn 8, ông qua tiểu đoàn 3, rồi làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 1, rồi tiểu đoàn 9. Tên tuổi ông đã gắn liền với nhiều trận khốc liệt như: năm 1965 giải vây Đức Cơ, năm 1966 ở Cheo reo, Bồng Sơn. Năm 1967 hành quân khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị, từ sông Hương ra tới Phá Tam Giang, đèo Ba Giốc. Sau Tết mậu Thân 1968 thì về vùng đồng Ông Cộ, Hóc Môn, Bà Điểm. Sau đó là Tống Lê Chân, Kà Tum, sông Vàm Cỏ, Khe Sanh, Hạ Lào. Từ tháng 5 năm 1971 ông về nắm chức Tiểu Đoàn trưởng 11 của binh chủng Dù cho đến lúc cuối ở Charlie.

    Là một người dày dạn trận mạc như vậy, nên bài hát có câu: “địa danh nào thiếu dấu chân anh”:

    Ngày anh đi, anh đi, anh đi từ tổ ấm
    Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh?
    Đợi anh về chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ tấm khăn sô
    Bơ vơ người goá phụ cầu được sống trong mơ.

    Tuy nhiên khi người hùng sa cơ, để lại người thân, chính là người vợ góa phụ cùng 3 người con, và đứa bé thơ với tấm khăn sô là người con út của ông là Nguyễn Bảo Tuấn chỉ mới được vài tháng tuổi.

    Bức chân dung Nguyễn Đình Bảo trên công viên và vợ, 3 người con

    Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
    Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
    Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình
    Vừa ở lại một mình
    Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

    Thời điểm đó, địa danh Charlie chỉ là một cái tên xa lạ, một địa danh nhỏ xíu ở vùng 2 chiến thuật vẫn chưa quen trong ký ức người dân thị thành…

    “Anh! nhớ anh trời làm cơn “bão”
    Anh, tiếc anh chiều rừng thay áo”…

    Tên ông là Bảo, nhớ thương người nên trời cũng làm “cơn bão”, đó là cách chơi chữ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

    Ôi, vết đau nào đưa anh đến,
    ngàn đời của nhớ thương
    Hỡi “Bức chân dung trên công viên buồn”?


    Những người sinh từ thập niên 1960 trở về trước tại Sài Gòn có lẽ không lạ gì “bức chân dung trên công viên buồn” của cố đại tá Nguyễn Đình Bảo, được dựng trong công viên Đống Đa trước tòa đô chánh từ năm 1972. Để vinh danh những người hùng, những công viên, quảng trường ở thành đô thường để hình những vị anh hùng đã hy sinh. Ngoài Nguyễn Đình Bảo, còn có Trần Thế Vinh, Phạm Phú Quốc, Trương Hữu Đức…

    “Bức chân dung trên công viên buồn” nằm ở bên trái tấm hình này


  • #2

    MẸ



    Cách đây 48 năm, ngày 11-04-1972 Mẹ bước qua sinh nhật tuổi 32 một cách lặng lẽ, trong lòng đầy hồi hộp, lo âu khi tin tức về từ vùng 2 chiến thuật chuyển về cho biết tình hình chiến sự đang ngày càng ác liệt. Rồi ngay hôm sau tin dữ đã bay về khi chú An điện thoại báo “Anh Bảo bị rồi chị ạ”, trời đất như sụp đổ dưới chân, Mẹ chỉ còn biết ôm mặt khóc…
    Cho đến bây giờ, nhìn lại một chặng đường rất dài đã qua, tụi con cám ơn và cảm phục Mẹ vô cùng, chính nhờ có Mẹ mà tụi con mới có được ngày hôm nay. Khi Bố ra đi, Mẹ mới 32 tuổi và vẫn đang tuổi sắc nước hương trời, vẫn đang là một trong những người đẹp của hàng không Việt Nam, có rất nhiều người đã tìm đến ngỏ lời nhưng Mẹ đều từ chối, Mẹ luôn dành một tình yêu bất tận cho Bố. Rồi biến cố 75 ập đến, gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó, một mình Mẹ vất vả làm đủ nghề để nuôi 6 miệng ăn, ban ngày thì làm bánh làm trái để bán, tối thì lo đan áo cho người đi xuất cảnh, nhiều đêm Mẹ thức đan áo đến ba bốn giờ sáng dưới ánh đèn dầu, bao nhiêu cơ cực không thể nào kể xiết. Có lẽ những vất vả mà Mẹ phải gánh chịu được vơi đi phần nào khi anh Tường và chị Tú luôn đạt được những thành tích xuất sắc trên con đường học vấn, anh Tường đậu vào trường Y với thứ hạng rất cao khi mới 17 tuổi và tốt nghiệp ra trường với vị trí thủ khoa, dù là trong suốt 6 năm học Y, ngày nào 5 giờ sáng anh Tường cũng phải dậy sớm lên Gò Vấp lấy bánh đậu xanh về đi bỏ mối để kiếm tiền phụ Mẹ. Ngày anh Tường được học bổng đi Pháp để học tiếp, Mẹ mừng không nói nên lời. Ngày chị Tú được tuyển vào làm ở lãnh sự quán Anh quốc sau khi vượt qua mấy trăm hồ sơ dự tuyển, Mẹ cũng mừng không nói nên lời, và dường như đó là phần quà ông Trời muốn bù đắp lại cho những hy sinh không mệt mỏi của Mẹ. Trong cuộc sống Mẹ luôn dạy tụi con phải sống sao cho xứng đáng. Con còn nhớ ngày anh Tường ở Pháp về và mở phòng mạch riêng, Mẹ qua dự khai trương xong về không nói lời nào, ngày hôm sau anh Tường về thăm, Mẹ bắt anh Tường ra trước bàn thờ Bố và nói rằng: “Tường à, Mẹ thấy con mở được phòng mạch riêng Mẹ rất mừng, nhưng Mẹ không hài lòng khi thấy con đặt bàn thờ Thần tài ngay trước phòng mạch như vậy, Mẹ muốn cho con học Y là để con làm việc cứu người chứ không phải với mục đích kiếm tiền”, và ba anh em tụi con đã được trưởng thành từ những điều giáo dưỡng như vậy. Từ đó đến nay anh Tường năm nào cũng tham gia chương trình mổ từ thiện “Vì nụ cười” cho các trẻ em không may mắn trên khắp cả nước, còn chị Tú thì cho tới bây giờ vẫn duy trì các lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại nhà. Đó là những gì Mẹ đã dạy và muốn tụi con hướng tới.
    Đã rất nhiều người nói với con rằng người ta ca ngợi Ông Bảo một thì Bà Bảo phải xứng đáng hơn thế gấp nhiều lần, chính nhờ công lao của Bà đã thủ tiết thờ chồng và nuôi dạy các con nên người đã giữ cho cho danh tiếng của Ông luôn sáng mãi, so với những quả phụ ngày xưa được vua ban “Tiết hạnh khả phong” thì nào có kém gì. Mỗi lần con nghe người ta nói như vậy thì con đều khóc và thầm cám ơn ông Trời vì đã cho con là con của Mẹ. Hôm nay mừng sinh nhật thứ 80 của Mẹ, tự nhiên trong con vang vọng lên câu hát : “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ….”

    Sài Gòn 11-04-2020

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X