Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người đi không về

Collapse
X

Người đi không về

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người đi không về

    Người đi không về
    Chu Kim Long


    Tháng 5 năm 1968, theo lệnh Tổng động viên, tôi và các bạn cùng trang lứa được gọi nhập ngũ khóa 3/68. Từ Tiểu khu Gia Định chuyển lên Quân vụ Thị trấn, đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, chúng tôi được chiếc GMC chở lên Trung Tâm 3 Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau những thủ tục khám sức khỏe... chích ngừa tại Trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương vài ba tuần, chúng tôi được lệnh di hành qua trại Võ Tánh – tại đây, chúng tôi được gọi tên về các trung đội, đại đội và tiểu đoàn khác nhau để thụ huấn giai đoạn một: Dự bị Sinh Viên Sĩ quan, trước khi trở thành Tân Khóa Sinh và Sinh Viên Sĩ Quan của trường Bộ Binh Thủ Đức. Và tại quân trường Thủ Đức, sau 8 tuần huấn nhục, lễ gắn Alpha được tổ chức long trọng tại Vũ đình trường, đánh dấu giai đoạn huấn luyện sĩ quan của khóa được diễn tiến cho đến ngày tốt nghiệp.

    Giai đoạn một tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung là thời gian để làm quen và sống như một người lính, với chương trình huấn luyện cũng như quyền lợi dành cho một tân binh. Từ đời sống dân sự, đang sống phóng khoáng, đôi khi buông thả, đi vào một sinh hoạt có kỷ cương, với “kỷ luật là sức mạnh của quân đội“ đã khiến chúng tôi phải đổi thay cách sống cho thích hợp với nhiều khó khăn và cực khổ lúc ban đầu. Nhưng, ngày qua ngày, chúng tôi đã dày dạn sức chịu đựng và kiên nhẫn trong gian khổ khi đã quen món “Cá mối làm chuẩn” mỗi ngày tại Nhà bàn, nhất là sau những tuần đã qúa quen với sinh hoạt quân trường. Từ trại Nguyễn Tri Phương chuyển về trại Võ Tánh, tôi được gọi tên về đại đội 36 của Đại úy Nguyễn Hổ, tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng. Với vẻ mặt khắc khổ, da xạm nắng, và giọng nói mạnh nhưng ngắn gọn, khiến cả đội e ngại khi thấy ông trong những lần đại đội tập họp của tuần lễ đầu tiên. Nhưng hai ba tuần sau, cả đại đội đều mến ông khi thấy ông tận tình săn sóc và trao đổi kinh nghiệm tác chiến cho các Dự bị sinh viên sĩ quan như người anh đối với các em trong nhà. Tuy nhiên, nhiều anh em trong đó có tôi, cảm thấy xao xuyến, lo nghĩ vu vơ, khi đại đội tập hát bài Đường ra biên ải, một bài ca chính thức của đội, trong đó có câu: Người đi không về, chắc rằng có người nhớ, hương khói chiêu hồn, hiu hắt những chiều trận vong... Dù khi tập hát tại đại đội hay ca vang trong lúc di hành, lời của ca khúc vẫn làm chúng tôi đôi khi có những cảm nhận mơ hồ về những mất mát vô định. Nhưng, đó là một trong các bài đã được tiểu đoàn chỉ định đại đội tập cho các khóa sinh hát bao nhiêu năm qua. Nên đại đội vẫn hát thật lớn như một trong các ca khúc quân hành trên đường đi tới các địa điểm huấn luyện, hoặc bãi tập. Từ giã quân trường Quang Trung về trường Bộ Binh, đồi Tăng Nhơn Phú KBC 4100, rồi ra đơn vị hòa đồng vào đời sống quân ngũ, tôi không có dịp nào trở về thăm trường xưa chốn cũ, để nghe các ca khúc quân hành quen thuộc trước đây.

    Đã gần ba năm, sau ngày chuyển trại - từ Kà Tum Đồng Pan về trại tù Cây Cày A. Tôi đã sống cùng một tổ với anh Hồ Thanh Long - người tổ phó vẫn chơi bóng chuyền và chuyện trò với tôi mỗi chiều trong trại tù Cây Cày A miền biên giới Việt Miên, tỉnh Tây Ninh. Nhưng anh đã ra đi không hẹn ngày về trong lúc anh dẫn bán tổ đi phát quang dọn rẫy, trong khi tôi theo tổ trưởng Trần Văn Lợi đi trồng mì. Viên quản giáo bảo anh em khiêng xác anh Long về tổ y tế để “Ban chỉ huy trại gọi điện về địa phương thông bạo cho gia đình lên nhận xác”. Nhưng, giữa đêm khuya, đội trưởng VHH đi qua tổ bảo tổ trưởng Trần Văn Lợi dẫn sáu anh em lên gặp quản gíáo. Đến qúa khuya, tổ trưởng Lợi cũng như mấy anh em về lại tổ thì cả tổ mới biết là các anh đi đào huyệt cũng như lo việc “chung sự” cho anh Long. Và hơn một tháng sau ngày anh Hồ Thanh Long qua đời thì gia đình anh từ thành phố sương mù Đà Lạt lại lặn lội đến trại tù miền biên giới để thăm nuôi anh. Nghe tin anh em trong tổ trực thăm nuôi bàn tán về gia đình chị em anh Long đang khóc ngất ở khu thăm nuôi. Tôi cảm thấy ngậm ngùi xót xa, thương nhớ Long Đỏ và tội nghiệp cho gia đình anh – kìm nén xúc động, bất gíác, tôi nhớ đến ca khúc Đường ra biên ải năm xưa trong quân trường rồi hát thì thầm một mình trong góc bếp dưới giàn mướp, cách cái lán ngủ của tổ một cái sân rộng. Bài hát này tôi đã thuộc nằm lòng khi còn là khóa sinh Dự bị Sinh viên Sĩ quan khóa 3/68, đại đội 36 tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng. Sau tháng tư năm 1975, trong đời tù, tôi thường hát nho nhỏ như ru đời mình bên nồi khoai mì và những búp măng rừng trên các trại tù miền biên giới:

    Ra biên cương ra biên cương
    Thiết tha lòng gái
    Hôm nay nâng khăn hồng
    Đưa chân anh hùng ngàn phương
    Ra biên cương ! Ra biên cương !
    Khói hôn hoàng xuống men rừng
    Qua con sông khuất nẻo ngàn thương
    Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước
    Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương
    Sao băng trên vòm, mong qua đêm buồn
    Là ánh nắng đến, sáng soi tâm hồn
    Người ngàn trùng
    Quên niềm son phấn
    Biên ải như đuốc thiêng
    Ôi non nước tinh tuyền
    Ôi tiếng hát câu nguyền
    Đời gai chông
    Xin thề lưu luyến
    Biên ải xin hiến thân
    Thấm thoắt đã bao lần
    Bao người đi đền nợ máu xương....
    Người đi không về
    Chắc rằng có người nhớ
    Hương khói chiêu hồn
    Hiu hắt những chiều trận vong
    Đời vui thái bình
    Cũng vì bao đời lính
    Tiếng hát công thành
    Thương nhớ những người tòng chinh...
    .................................................. ......
    Người đi không về
    Chắc rằng có người nhớ
    Hương khói chiêu hồn
    Hiu hắt những chiều trận vong...
    Người đi không về
    Chắc rằng có người nhớ
    Hương khói chiêu hồn
    Chắc rằng có người nhớ...


    Từ ngày bộ đội chính qui Bắc Việt – đơn vị quản lý trại tù Kà Tum chuyển giao chúng tôi cho trại tù Cây Cày A trực thuộc Tỉnh đội Tây Ninh thì mức độ bóc lột sức lao động tàn tệ những người tù đã gia tăng theo cấp số nhân. Nên sau khi đi lao động về, để thư giãn tâm trí, quên thời gian và quên những điều không đáng nhớ, mỗi buổi chiều tôi thường ra sân bóng chuyền trước cửa nhà ăn C5D3 (đội 5 tiểu đoàn 3) đánh bóng chuyền với Trần Văn Lợi, Hồ Thanh Long cho tới lúc mặt trời lặn hoặc tới giờ họp tổ, họp đội. Và đôi khi cũng có nhiều người ra sân chơi với chúng tôi như Quách Long tổ 3, Trân, Điệu, Vũ Trọng Ấn tổ 2, hoặc các quản gíáo Tư Nhạc, Út Trọn và tay đập cừ khôi Đoàn Thăng Long tổ 3 thuộc binh chủng nhảy dù.

    Hồ Thanh Long người Đà Lạt, da trắng, nên khi cởi trần lao động hay ra sân chơi bóng một lát, mặt và ngực Long đỏ rần lên, khiến mọi người gọi anh là Long Đỏ. Một lý do khác mà anh em gọi Hồ Thanh Long là Long Đỏ cũng là để phân biệt với anh Long già cùng tổ và Quách Long cũng như Đoàn Thăng Long ở tổ 3. Với bản tính hiền hòa, anh chỉ nhoẻn cười mỗi khi anh em gọi tên anh là Long Đỏ.

    Sau tuần lễ vác gỗ mà tổ cưa đã xẻ xong trong rừng về tổ mộc. Tất cả tổ 4 chúng tôi được đội phân công đi làm cỏ, bón phân Urê cho các khu khoai mì phía ngoài cổng chính của trại. Ngày đầu tuần, quản giáo Út Chót không đi theo tổ, có lẽ những dãy mì bên kia đường, trước cổng chính, gần trại, nên chỉ có một anh vệ binh đi theo canh gác. Tổ trưởng Lợi và tổ phó Long Đỏ yêu cầu anh em làm chỉ tiêu, xong sớm về sớm. Long Đỏ có lẽ nhỏ hay lớn hơn tôi một hai tuổi, nên thường gọi đùa tôi là chú – với nghĩa chú em. Vừa làm được khoảng ba mươi phút, Long Đỏ tới chỗ tôi làm, nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe.

    - Ráng cho xong chỉ tiêu, về sớm chơi volley nghe chú. Chú dám chấp tôi với Lợi không?

    - Chơi liền, chỉ sợ hai người lấy rổ đựng không hết – tôi đáp.

    - Chưa chắc nghe chú – Long Đỏ cười nheo mắt, rồi hỏi nhỏ tôi: “Đố chú, từ cổng chính vào đến hội trường lớn có bao nhiêu cổng và có những khẩu hiệu gì?”. Nói xong, Long Đỏ đi phụ làm cỏ và rải phân tiếp tay với mấy anh đang bị cảm nhẹ, mệt mỏi trong người, bỏ lại tôi với những suy nghĩ vu vơ trong lúc cào các cọng cỏ, và bỏ phân Urê vào gốc cây khoai mì.

    Sau khi tổ trưởng Lợi báo cáo đã đạt chỉ tiêu, người vệ binh kêu tập họp điểm danh, sửa sọan về. Nhớ đến lời đố của Long Đỏ, nên trên đường vào trại tôi ngẩng đầu lên đọc hàng chữ viết ngang trên cổng chính: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam Muôn Năm”. Đi được khoảng 300 thước nữa thì tới một cái cổng chào với hàng chữ “Đời Đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch”, rồi tổ chúng tôi tiếp tục đi vào trại, tới đoạn đường bên phải có Nhà Trực Ban với một cây tre ngáng ngang đường, và trên cái cổng được dựng bởi bốn thân tre lớn – mỗi bên hai cây và hai cây tre vắt ngang treo tấm bảng với hàng chữ to, đậm nét đỏ chóii: “Chủ Nghiã Mác Lê Bách chiến Bách Thắng Muôn Năm”, và trước khi tới hội trường lớn, tôi lại thấy một khẩu hiệu trên một cái cổng tre được dựng sơ sài, một bên đã siêu vẹo, cái gốc đã bị mục ruỗng, gần đổ: “Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm“. Tổng cộng, tôi đã đếm được bốn cái khẩu hiệu.

    Từ khu trồng khoai mì, chúng tôi đã đi về tới trước mặt hội trường lớn, nằm cách Ban Chỉ Huy và khu nhà quản giáo khỏang hai trăm thước, và từ đây vào trong là ranh giới của tù nhân. Dọc hai bên đường là các nhà ở của các tổ thuộc các đội tù với những căn nhà biệt lập cho từng tổ, mái tranh, không có cánh cửa trước cũng như cánh cửa sau để quản giáo có thể đi vào đi ra kiểm soát dễ dàng trong đêm khuya cũng như ban ngày. Anh vệ binh gác tù đã về nhà, tổ tù chúng tôi tiếp tục đi về tổ 4, Long Đỏ bước tới đi song song bên tôi.

    - Chú đếm được bao nhiêu cổng và khẩu hiệu ? – Long Đỏ hỏi.

    - Bốn cổng, bốn khẩu hiệu – tôi đáp. Khẩu hiệu gì? – Long Đỏ hỏi tiếp.

    - Muôn Năm – Đời Đời – Muôn Năm – Muôn Năm. Bốn tầng địa ngục, muôn năm và đời đời, ngày về còn dài lắm nghe Long - tôi trả lời.

    - Chú giỏi, nếu không tính các cổng, thì tấm ảnh “bác Hồ“ ở cuối hội trường lớn có gì lạ? – Long Đỏ hỏi.

    - Dễ ợt, có gì lạ đâu, “bác” khoác áo măngtô dài, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ lên trời như ông thánh. Nếu “bác“ buông sách nằm xuống như ở Ba Đình thì gia tài của “bác“ để lại là hai mươi mốt ngón ngắn dài. Vậy nếu không muôn năm, đời đời, thì tối đa là hai mươi, hai mốt – tôi nói, và cả hai cùng nhếch mép cười khi vừa rẽ chân bước vào nhà tổ 4, nơi ăn ngủ của hai thằng tù chúng tôi, những người nằm trong số tù nhân được Thủ trưởng Năm Quân gọi là: “500 thằng tù lười, ca cóng linh tinh hay phát ngôn bừa bãi, lúc nào cũng đối phó”.

    Năm tháng dài vẫn tiếp tục đi trong đời người tù. Chúng tôi vẫn âm thầm chịu đựng, không chống đối công khai để không bị chết bởi những loạt đạn oan khiên. Nhưng để sống còn, anh em tù luôn luôn ở trong trạng thái đối phó tiêu cực - tiêu cực trong lao động và tiêu cực về nhận thức cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa. Những biểu hiện tiêu cực không rõ nét, âm thầm từng cá nhân, bất bạo động để không bị đàn áp, bắn bỏ. Đối phó tiêu cực là một hiện tượng không rõ nét trong đời sống người tù. Cán bộ trại tù và các viên cán bộ trung ương đến trại cũng nhận thấy và đã lớn tiếng phê phán và đe dọa anh em tù mỗi ngày hay trong các giờ được gọi là “ lên lớp”.

    Chiều mùa Hè, nắng Tây Ninh đốt cháy da người, tôi cùng mấy anh em theo tổ trưởng Trần Văn Lợi đi trồng mì ở các rẫy ven rừng, gần đường lộ đi lên hướng Kà Tum. Chúng tôi vừa về đến tổ thì Bùi Quang Hùng và các anh em cùng nhóm đi với tổ phó Long Đỏ để phát quang, dọn rẫy cũng vừa về tới – người tù Bùi Quang Hùng là cháu gọi tôi bằng cậu, tôi và mẹ Hùng là chị em con bá con dì, Hùng là Trung Úy ngành Quân Nhu, nhỏ hơn tôi ba tuổi, nên chúng tôi rất bình đẳng trong sinh hoạt, thân tình và tương kính. Không thẳng tính và năng động như tôi, Hùng hiền hòa và nhẫn nại trước mọi khó khăn trong cuộc đời tù đày. Để tìm quên những phiền muộn đem đến từ những ngày tháng tù đày, thời giờ còn lại sau những ngày giờ lao động ngoài rừng, Hùng thường tìm hiểu và nghiên cứu về thuốc Nam, học chấm tử vi và xoa mạt chược. Theo phân công của đội, Hùng và mấy anh em đi theo Tổ phó Long Đỏ phát quang, dọn rẫy một khu vực mới, ven cánh rừng già tiếp giáp cuối trại tù, về hướng con suối nước trong. Vừa thấy tôi về đến sân, Hùng đi tới, nói nhỏ đủ cho tôi nghe: “Long Đỏ chết rồi, cậu ơi”.

    - Ủa, sao vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi.

    - Long Đỏ đi giật lùi cắm tiêu cho anh em đi tới, bị té xuống cái giếng hoang, còn cây cuốc của Long Đỏ gác trên miệng giếng, cây cỏ rậm rạp, cao chừng bốn tấc, phủ lấp miệng giếng. Sau khi vạch cỏ, đốt lửa hơ miệng giếng cho bớt thán khí và quản giáo Út Chót kiếm được cây tre, anh em xuống kéo được Long chìm dưới nước lên thì Long đã chết. Có lẽ khi té xuống, đầu đập vào đá của thành giếng, bất tỉnh, rồi chết ngộp, chết đuối dưới nước, tội nghiệp qúa - Hùng trả lời, cả hai cậu cháu im lặng, ngậm ngùi trong tiếng thở dài.

    Cái chết đến với Long Đỏ thật bất ngờ, cả tổ, cả đội ngẩn ngơ, tiếc thương. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi và Hùng sống bên nhau trong hầu hết các trại tù, hai cậu cháu đồng cam cộng khổ bên nhau, đói no có nhau, cùng sống và sinh hoạt trong một đội, ngọai trừ năm 1978, cả hai chúng tôi bị chuyển từ trại tù Cây Cày A về trại tù Bàu Cỏ do Công an tỉnh Tây Ninh trông coi thì có những tháng, tôi phải theo đội cơ động di chuyển sang trại tù Cây Cày B để tăng cường nhân số lao động cho kịp thời vụ cũng như kế hoạch của trại tù. Từ cuối năm 1978, tôi thường bị đưa đi chuyển lại giữa hai trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày B, còn Bùi Quang Hùng vẫn ở lại trại tù Bàu Cỏ cho đến ngày được thả về.

    Bảy giờ chiều, Tổ trưởng Lợi họp tổ nói: Anh quản giáo nói, trại đã báo về cho gia đình anh Long lên nhận xác về mai táng... anh em yên tâm, mai chúng ta tiếp tục đi trồng mì....

    Hơn mười một giờ đêm, Đội trưởng VHH sang bảo Tổ trưởng Lợi dẫn sáu anh em lên gặp quản giáo Út Chót.

    Trời đã qúa khuya, chập chờn trong giấc ngủ khi tỉnh khi mê. Tôi chợt tỉnh khi mấy anh em trở về lại tổ, tôi hỏi Tổ trưởng Lợi: Có chuyện gì vậy?

    - Đi đào huyệt, chôn Hồ Thanh Long – Lợi đáp.

    - Sao chiều nói gia đình Long sẽ lên nhận xác về? – tôi hỏi Lợi.

    - Nói dzậy nhưng không phải dzậy - Lợi nói giọng miền Nam và thở dài.

    Tôi nói qua lại với Lợi như vậy thôi. Thực tế, suốt mấy năm đi tù và cho đến hôm nay, tôi không thấy những người Cộng Sản nói thật bao giờ. Trong gần sáu năm tù, tôi đã thấy những người tù chết trong bàn tay những người Cộng Sản: Anh Ngô Nghĩa – trốn trại, bị xử bắn tại Trảng Lớn, anh Hiểu – người tù vén hàng rào chui qua thăm bạn mới có gia đình thăm nuôi, bị bắn chết khi giơ tay đầu hàng ở Kà Tum. Và cũng ở trại tù Kà Tum, cùng tổ cùng đội với tôi – anh Trần Duy Hóa đi lợp nhà cho Trung đoàn, nhà bị sập, đè chết. Còn ở trại tù Cây Cày A, anh Mai Duy Hạnh thuộc đội 1, bị Hai Tý - đội trưởng đội cán bộ khung bắn chết khi làm rẫy cho đại đội Khung của trại Cây Cày A. Và chỉ cách nhau vài tuần, anh Hồ Thanh Long cùng tổ với tôi té xuống giếng hoang trong bìa rừng khi đi phát quang, dọn rẫy. Khi cái chết đến với các người tù, các cán bộ Việt Cộng đều nói như con vẹt: “đã thông báo cho gia đình lên nhận xác...”. Nhưng rồi, trong đêm khuya, quản giáo đã ra lệnh cho các người tù trong tổ đi đào huyệt, chôn người tù đã chết oan khiên một cách vội vã, sơ sài, trong các nấm mộ hoang vu ven rừng. Rồi những tháng sau đó: Gia đình người tù, vai mang nặng trĩu thuốc men, đồ ăn, lên thăm nuôi con, thăm nuôi chồng, thăm nuôi anh, thăm nuôi em – khi đó mới biết người thân mình đã chết từ lâu rồi mà không hề được báo tin. Người Cộng Sản nói dối không ngượng miệng bao giờ. Hình như người Cộng Sản Việt Nam không có sợi dây thần kinh liêm sỉ!

    Tổ phó Long Đỏ ra đi khiến tôi cảm thấy vừa mất một người đồng hành dễ mến trên con đường lữ thứ đầy chông gai. Mới ngày nào đây, anh hỏi tôi về mấy cái cổng, cái biểu ngữ với những câu và chữ vọng ngôn, tuyên truyền một cách khoa trương: đời đời, muôn năm… muôn năm... Anh ra đi đột ngột qúa, làm cả tổ, cả đội ngẩn ngơ khi phải chứng kiến những mất mát xảy ra thật bất thường trong đời người tù. Như để an ủi chính mình, tôi thầm nghĩ: Thôi cũng xong một đời người khi lực bất tòng tâm – đành phó thác. Nghĩ vậy, nhưng từ đó đến nay, khi nhớ tới, tôi vẫn cảm thấy xót xa trước cảnh người cùng một giòng máu, cùng một tổ tiên lại đang tâm hành hạ, giết hại người anh em khác chính kiến với mình, khiến tôi nhớ đến bài học thuộc lòng từ thời tôi còn học lớp nhất (lớp 5) nói về thời Trịnh Nguyễn phân tranh không khác gì với thời Cộng sản hiện nay.

    Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ
    Đây sa trường đây nấm mộ trời Nam
    Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang
    Đây cố đô xương tàn xưa chất đống
    Sông còn đây hận phân ly nòi giống
    Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn
    Và còn đây hồn dân Việt thác oan
    Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận
    Ôi! Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn
    Muôn nghìn sau để hận cho dòng sông
    Mộng bá vương Trịnh Nguyễn có còn không
    Nhục nội chiến non sông còn in vết
    Đây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt
    Nơi gươm Hồng tàn giết giống Lạc Hồng
    Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng dòng sông
    Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch


    Phân tranh đớn đau từ thời phong kiếnTrịnh Nguyễn đã đi vào lịch sử. Nhưng người Cộng sản Việt Nam đã không học được bài học lịch sử. Nên lại nhẫn tâm cùng với thực dân Pháp chia cắt đất mẹ Việt Nam một lần nữa bằng giòng sông Bến Hải, nuôi mộng và chủ trương thống trị qua chủ nghĩa ngoại lai bằng cách phát động chiến tranh qua chính xương máu anh em một nhà, một mẹ Việt Nam, đẩy đưa người dân vào thế phải tự vệ để sống còn trước một chủ nghĩa duy vật, không tưởng, đầy máu và nước mắt của người dân vô tội. Và cho đến hôm nay, mộng bá vương đã đưa biển đảo và đất liền của dân tộc vào tay tên bá quyền Đại Hán cùng biết bao xương máu đồng bào trên khắp ba miền Trung Nam Bắc với một nền độc lập trá hình. Có nỗi nhục nào lớn hơn nỗi nhục quốc phá gia vong!!!

    Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe được lời ca của bản nhạc Ra biên cương từ một chương trình nhạc trên hệ thống truyền thanh, hay truyền hình, tôi lại nhớ tới anh em và các sĩ quan cán bộ đại đội 36 khoá 3/68, tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng, Trại Võ Tánh thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ngày xa xưa, nhớ đến những cái chết tức tưởi, oan khiên của đồng bào trong suốt chiều dài của cuộc chiến do Cộng sản phát động và nuôi dưỡng, cũng như nhớ tới anh Ngô Nghĩa, anh Trần Duy Hóa, anh Hiểu, anh Mai Duy Hạnh, anh Hồ Thanh Long và những người bạn đã và đang sống cùng khổ trong các trại tù trên khắp ba miền đất nước hiện nay. Dù nhạc và lời bản nhạc đã chấm dứt, mà trong tâm tưởng người nghe vẫn cảm thấy xót sa và trong ký ức lại phảng phất hình ảnh biết bao nhiêu người đã ra đi không trở về, trong đó có anh Long Đỏ của tổ 4 chúng tôi – những người đã ra đi không về, ngay cả khi cuộc chiến đã tàn.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X