Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và di nguyện ‘không phủ cờ vàng’

Collapse
X

Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và di nguyện ‘không phủ cờ vàng’

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và di nguyện ‘không phủ cờ vàng’

    Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và di nguyện ‘không phủ cờ vàng’




    Thiếu Tướng Lê Minh Đảo trong buổi hội ngộ Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Little Saigon năm 2015.
    (Hình: Văn Lan/Người Việt)

    WESTMINSTER, California (NV) – Rất đông cựu quân nhân QLVNCH tại Little Saigon đều tán thành di nguyện của cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, là không có nghi thức phủ quốc kỳ trong tang lễ.

    Trong cáo phó do gia đình đưa ra, sau khi ông Đảo qua đời, có đoạn di nguyện của người quá vãng như sau:
    “Trong tang lễ xin miễn lễ nghi quân đội, không có lễ phủ quốc kỳ trên linh cữu vì người quá cố không được vinh dự hy sinh cho tổ quốc trên bãi chiến trường. Các bằng hữu đã tuẫn tiết, các chiến sĩ anh hùng, quý vị quân dân cán chính VNCH đã hy sinh vào những giờ phút cuối trong Tháng Tư, 1975, đều không có dịp, mà cũng chẳng còn ai phủ quốc kỳ trong tang lễ.”

    “Tôi không nghĩ ông Lê Minh Đảo có ý coi thường lá cờ VNCH đâu. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý nguyện của ông, và chính tôi, khi tôi chết, tôi cũng không muốn được phủ cờ,” ông Hồ Đắc Huân, cựu Thiếu tá Bộ Binh, đồng tác giả cuốn Lược Sử QLVNCH, nói. “Chuyện được phủ cờ nên do chính quyền thực hiện.”

    Theo ông Huân, đây không phải là lần đầu tiên một vị tướng QLVNCH không muốn được làm lễ phủ cờ.

    “Hồi năm 2005, cố Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, cũng để lại di nguyện là không làm lễ phủ cờ,” ông nhắc.

    Trước năm 1975, theo ông Huân, “bất luận là quân nhân hay dân sự, nếu hy sinh đang lúc thừa hành công vụ là được chính phủ cho làm lễ phủ cờ.”

    Ông tiếp: “Chúng ta đã không còn quốc gia, không còn chính phủ nữa thì những chuyện này tùy theo ý muốn của từng cá nhân, từng gia đình thôi.”

    Cách đây không lâu, ông từng làm lễ phủ cờ cho cố Đại Tá Trần Ngọc Thống, đồng tác giả cuốn Lược Sử QLVNCH với ông.


    Thiếu Tướng Lê Minh Đảo tại buổi lễ truy điệu anh linh chiến sĩ đã nằm xuống để bảo vệ miền Nam
    trong buổi hội ngộ Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Little Saigon năm 2015. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

    “Vì tôi thấy rằng ông là người có công lớn với quân đội VNCH và cả nước. Ông là người thiết kế bao nhiêu bội tinh cũng như huân chương cho cả quân đội (khoảng 29) lẫn dân sự (khoảng 22), tính tới năm 1972,” ông Huân giải thích. “Nhưng đó là vì chúng tôi muốn tỏ lòng tôn trọng một chiến hữu thôi chứ anh ấy đâu đòi hỏi gì.”

    Với giọng trầm trầm, đầy hào khí, ông nói: “Là một quân nhân thực sự thì khi chết không cần phủ cờ vì người lính nào cũng đã có lá cờ tổ quốc trong tim rồi.”

    Ông Phan Kỳ Nhơn, chủ tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản Và Tay Sai, lại có suy nghĩ hơi khác.

    Ông chậm rãi chia sẻ: “Tôi rất buồn. Tôi rất buồn vì chúng ta đang ở giữa nạn dịch COVID-19 này nên không thể làm gì hơn được cho Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Ông là một người có công với đất nước và xứng đáng được phủ cờ.”

    “Nếu không có nạn dịch này thì cho dù không làm lễ phủ cờ được, các hội đoàn cũng phải tổ chức một nghi lễ gì đó thật long trọng để tỏ lòng tưởng nhớ một vị anh hùng,” ông thêm.

    Ông Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng và Bảo Tồn Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, chia sẻ quan điểm: “Theo quân luật thì một người có công với tổ quốc phải được làm lễ phủ cờ trong tang lễ, nhưng hiện nay vì nạn dịch COVID-19 và cũng do ý muốn của ông (Lê Minh Đảo) nên không phủ cờ cũng không sao.”

    Ông Tô Phạm Thái, chủ nhiệm nguyệt san KBC, cho biết rằng đây không phải là quyết định mới mẻ của vị cố thiếu tướng.

    Ông hồi tưởng: “Là một cựu quân nhân trong Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, sau khi trận Xuân Lộc kết thúc ngày 20 Tháng Tư, 1975, tôi từng nghe lời ông Đảo chia sẻ với chiến hữu. Ông nói, ‘Nếu tôi không chết ngoài trận mạc thì khi chết không nên phủ cờ.’”

    Ông Richard Bùi, trung tâm trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ, nói: “Đây là ý riêng của ông (Lê Minh Đảo) và tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng. Riêng tôi, tôi tôn trọng ý muốn này của ông.”

    Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, cựu thiếu tá Không Quân VNCH, cũng đồng ý với quyết định của vị cố thiếu tướng.


    Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và phu nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
    trong buổi hội ngộ Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Little Saigon năm 2015. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

    Ông nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ước muốn của Tướng Lê Minh Đảo. Nếu mai này tôi chết, tôi sẽ ra đi trong lặng lẽ đúng với cung cách của một chiến sĩ vô danh, không có nghi thức phủ cờ gì hết.”

    Ông giải thích: “Bởi vì nghi thức phủ cờ chỉ dành cho người chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận. Là một người lính bại trận, chết già mà phủ cờ thì hơi lạm dụng nghi thức. Là người lính tận tụy với tổ quốc, trong tim họ đã có sẵn lá quốc kỳ, đâu cần được ai tuyên dương.”

    “Nếu thương chiến hữu, chúng ta có thể bỏ vào quan tài một lá cờ vàng ba sọc đỏ là đủ nói lên tất cả điều mà chúng ta muốn bày tỏ,” ông ôn tồn chia sẻ.

    Đại Úy Lê Nghiêm Kính, được nhiều người biết là nhà báo kiêm nhà thơ Huy Phương, trả lời bằng những câu thơ viết năm 2012: “…Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc/Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi/Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ/Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi/Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu/Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng…” (Trích trong “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của Huy Phương.)

    Thiếu Tướng Lê Minh Đảo qua đời tại bệnh viện Hartford, Connecticut, lúc 1 giờ 45 chiều (giờ địa phương) ngày 19 Tháng Ba, hưởng thọ 87 tuổi.

    Ông để lại chín người con, hai trai và bảy gái.

    Một ngày trước khi từ trần, ông nói câu cuối cùng với các con: “Ba chuẩn bị đi hành quân.’”

    Với các chiến hữu, ông mãi mãi là “Người Hùng Xuân Lộc.”

    Ông có biệt danh này vì chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh với chiến tích là chặn đứng đà tấn công của Cộng Quân vào Xuân Lộc năm 1975.

    Theo ý chung của các cựu quân nhân, cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo từng chứng kiến bao cái chết oan nghiệt nhưng đầy hào hùng ngoài trận địa của đồng đội mà không có một lá cờ phủ thây thì ông cũng muốn được như những người ấy.

    Phải chăng, cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cũng có tâm tư như của cố Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng qua những câu thơ bi tráng của Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Trân, “Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ/Xác thân này đâu chết cho quê hương/Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường/Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!” (Đằng-Giao)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X