Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con của Rồng

Collapse
X

Con của Rồng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con của Rồng

    Con của Rồng

    Người trong nước ai cũng nhớ và hãi hùng về trận đói năm Ất Dậu 1945. Năm đó cũng là năm ra đời của cuộc cách mạng mùa Thu ở miền Bắc, còn hãi hùng và dai dẳng hơn cả nạn đói 45.
    Người ta đồn rằng, trước nạn đói có những điềm không lành xuất hiện. Ở quê Tân Trào (1) bão dữ nổi lên liên hồi, sét đánh cụt ngọn cây đa đại thụ sống hàng trăm năm ở bờ sông. Tại bến đò Giao Thủy, nước trên nguồn ầm ầm đổ về, dâng cao. Từ lòng sông bỗng xuất hiện một đôi thuồng luồng quấn chặt lấy nhau, quẫy lộn vùng vẫy làm ngầu đục cả một khúc sông cái. Lẫn trong gió mưa sấm sét có tiếng ré khóc của trẻ thơ sơ sinh. Sáng ra, người ta thấy dưới gốc đa một đứa bé trai trần truồng đang nằm, có điều ngạc nhiên là đứa bé vẫn khoẻ mạnh. Người ta cho rằng đó là con của đôi giao long vừa mới hạ sanh. Có kẻ thương tình mang nó cho viện mồ côi nuôi. Từ đó dân trong vùng đặt tên nó là thằng Rồng.
    Lớn lên Rồng lêu lổng biếng học. Bị phạt, nó tức giận đốt hết sách rồi trốn ra khỏi viện theo đám bụi đời, năm đó nó vừa lên chín. Có sẵn giòng máu con hoang giang hồ, nó nhảy tàu đi Hải Phòng làm móc túi, cướp giật kiếm ăn. Năm 54, trong đợt người di cư, nó may mắn len lỏi xuống được tàu xuôi vào Nam. Ở Sài Gòn nó đổi tên thành Minh cho có vẻ người. Sau mấy năm lăn lộn kiếm sống, đời tặng nó thêm một từ “sẹo” bên cạnh tên Minh. Ðó là cái giá phải trả trong một lần đọ sức tranh quyền làm đàn anh ở Bến Nhà Rồng (2) gần cầu Khánh Hội. Chẳng bao lâu sau nó trở thành một tay anh chị có số má trong làng dao búa.
    Minh sẹo lấy vợ. Vợ nó là đứa con gái rượu của bà chủ vựa cá miền Tây. Cô gái lấy nó không biết vì yêu hay chỉ để được miễn trừ những khoản tiền “hụi chết” phải đóng hàng tuần, hàng tháng cho đám du đãng. Chỉ biết rằng từ đó đời nó phất lên nhanh chóng. Có tiền Minh sẹo bắt đầu ăn chơi trác táng. Ngày thì ghé sòng bạc, nhà thổ, đêm thì đê mê bên bàn đèn thuốc phiện. Nó bảo phải tranh thủ hưởng thụ để bù lại những ngày khốn khổ, đói rét ở ngoài Bắc. Một lần Minh sẹo bị cảnh sát bắt quả tang ngay tại ổ hút. Thấy nó trẻ tuổi, tương lai còn dài, thương tình người ta đưa nó vào trung tâm cai nghiện. Ðến cữ không có thuốc nó lên cơn đau đớn vật vã, kêu cả thiên hạ ra chửi. Minh sẹo bảo nó là con của Rồng, sẽ có ngày trả thù kẻ nào đã bắt giam và làm khổ thân nó. Mấy tháng sau hết nghiện, trung tâm trả nó về trại giam. Ở đây, thừa cơ nó đánh nhân viên canh gác rồi cướp đi khẩu súng Rouleau tẩu thoát. Bị chính quyền truy nã gắt gao, nó mang súng trốn về quê vợ tận miệt Sóc Trăng. Vợ nó bàn, lấy khai sinh người khác đăng vào lính, nhưng Minh sẹo lại sợ chết. Chiến tranh ngày nào lại chẳng có súng nổ người chết, càng lúc càng nhiều, mà nó thì còn ham sống lắm. Trốn chui trốn nhủi mãi đâm chán, nó quyết định mang súng và giấy cáo thị tầm nã của cảnh sát ra vùng Việt cộng đầu quân.
    Ðêm đầu tiên sống ở núi rừng, gã không làm sao ngũ được. Nhớ Sài Gòn, nhớ gái, nhớ đám em út quay quắt. Ở bưng được vài ngày gã đâm hối hận. Thiếu thốn, lo sợ, khổ cực quá không làm sao chịu nỗi. Ðau buồn gã tự hỏi, mình là con của Rồng sao lại ra nông nỗi nầy? Phần thì dạo nầy lính Cộng hòa hành quân liên miên, lùng sục vào tận hang ổ mật khu, súng lớn súng nhỏ thi nhau nổ ầm ĩ ngày đêm, gã lại càng sợ hãi cuống cuồng hơn. Cảnh trốn chui trốn nhủi diễn ra liên tục, có phần thê thảm hơn trước. Hết trốn trên bờ lại trốn dưới nước. Kinh rạch ở đây chằng chịt. Ðĩa vắt rắn rít muỗi mòng thì vô số kể. Gã kêu trời than đất, tê tái cả cõi lòng. Cố được vài tháng, dần dần gã chịu hết nổi. Cuối cùng, gã âm thầm quyết định trốn ra vùng quốc gia đầu thú.
    Nhưng số gã còn may mắn, chưa kịp trốn thì chiến tranh kết thúc. Năm 75 gã theo đoàn quân nhếch nhác bệnh tật, lếch thếch trở về quê vợ. Minh sẹo trở thành anh hùng trong hình ảnh nón cối, dép râu, xắc cốt lủng lẳng đeo vai. Tư thế kệch cỡm của kẻ may mắn có được chiến thắng trời cho. Gã vênh váo tự đắc.
    -----
    Gã làm công an, nhưng người ta không biết bố trí công việc gì cho thích hợp. Văn hóa không có, khả năng chuyên môn không biết. Thấy gã mồm mép, người ta cho vào ban tuyên truyền văn hóa, đi đến các xã biên giới thuyết trình về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó có câu chuyện đời gã, tay không cướp được súng. Gã thường chỉ vết sẹo trên trán bảo đó là kết quả của lần choảng nhau với cảnh sát... Gã lờ đi câu chuyện nhân đạo, được chính quyền cộng hòa giúp cai nghiện. Gã ra sức lập công, hô hào tiêu diệt văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Ði đến đâu gã cũng lùng sục, bắt đốt hàng núi sách, không kể là sách gì, dạy làm người, giáo dục, nghệ thuật hay khoa học, văn chương... Người dân lương thiện bó tay kêu trời, chỉ biết nhìn nhau kêu lên tuyệt vọng: “Vận nước đã đến hồi suy vi”.
    Công tác nhiều nơi, đến đâu cũng được chào đón vì là công an tuyên huấn, tự do đi lại không ai dòm ngó, ngăn trở nên máu mánh mung giang hồ nổi lên, gã bắt đầu tìm mối buôn bán lậu thuốc lá ngoại, thuốc tây, hàng cấm... Trót lọt vài chuyến, vợ chồng gã lên hương vù vù. Kịp lúc ở trên điều gã về thành Hồ học lớp tu nghiệp thì gã đã khá lắm rồi. Về thành, ngày khai giảng khóa học gã gặp ngay tay trùm sò ổ chứa thuốc phiện ngày xưa, bây giờ đang chễm chệ ngồi trên hàng ghế giảng viên. Gã lấy làm lạ tự hỏi, tay nầy đầu trộm đuôi cướp, học hành lúc nào mà biết chữ nghĩa. Gã nghĩ không ra. Nhưng thôi, cứ như gã, cần gì phải học mà cũng đi rao giảng chủ nghĩa anh hùng cách mạng khắp thiên hạ. Lựa dịp tốt, gã mời tay trùm đi du hí, hết Sài Gòn đến Chợ Lớn, hết nhà hàng Tây đến nhà hàng Tàu, chổ nào cũng có gái đẹp phục vụ tới bến, được hưởng thụ đủ món ăn chơi, còn xịn hơn cả trước 75. Cuối cùng gã năn nỉ tay trùm giúp gã chạy chọt ở lại Sài Gòn, tốn kém bao nhiêu cũng chịu. Tay trùm ra giá và bắt gã hứa phải giữ bí mật quá khứ. Gã lè nhè bảo: “Hai ta đều là con của Rồng cả, nói ra làm gì”.
    Ðược làm sĩ quan Sở công an thành Hồ, việc đầu tiên là đi tìm trả thù người cảnh sát bắt gã năm xưa. Nhưng vị ân nhân không được gã nhớ ơn, đã được nhà nước cho xuất cảnh sang Mỹ. Tức giận gã chửi thề trong bụng, đảng ngu bỏ mẹ, thả cọp về rừng.
    Nhờ giỏi nịnh nọt nên gã được điều về giữ phần hành kiếm ăn ra tiền. Hàng tháng chu chi lo cho cấp trên xong, gã cũng còn khá bộn. Vợ chồng béo tốt, phát tướng. Năm sau gã mua nhà tậu xe. Bạn đồng nghiệp tò mò hỏi, gã cười hóm hỉnh bảo đó là nhờ tài vợ giỏi nuôi heo, khéo chi tiêu tằn tiện; Nhưng lúc chỉ có một mình, gã vỗ ngực cười nói đắc chí: “Ta phải sung sướng chứ vì ta là con của Rồng. Ta là Rồng sống trong loài người”.
    -----
    Gã nhập tâm điều hoang tưởng đó nên ngày càng ngạo mạn, phách lối. Người thương thì hiếm, kẻ ghét thì nhiều lắm. Cho đến một ngày có ai đó moi móc, biết được lý lịch gã là đứa con hoang ở xứ Tân Trào, trốn vào Nam làm du đãng, cướp giật. Gã tức lồng lộng, càng ăn chơi cho bỏ ghét. Lại có lời đồn đải gã không phải là giống người nên có vợ mà không có con. Gã điên tiết quyết chứng minh cho thấy. Gã bắt đầu có bồ nhí. Sẵn tiền, gái đến với gã hàng lô hàng tá, cô nào cũng trẻ đẹp mơn mởn. Sự việc đến tai vợ gã. Ả nỗi cơn tam bành, hành hạ gã điêu đứng. Ngày nào cũng đánh chưởi nhau rồi đến tai cơ quan, bị kiểm điểm kỷ luật mất chức. Tức giận gã ly dị vợ, bán nhà bán của chia đôi. Kể từ đó đời gã tụt dốc thê thảm.
    Chưa hết. Ít lâu sau Ban Thanh tra công an gọi gã đến bảo có đơn kiện gã tội tham nhũng. Họ bắt gã phải đến điều đình với các khổ chủ, xin trả lại tiền và làm đơn ra khỏi ngành công an, nếu không sẽ bị tù mục xương. Hoảng quá, gã lập tức làm ngay. Số tiền tham ô lớn quá, đem hối lộ, chia năm xẻ bảy hết cả chứ nào phải một mình gã hưởng trọn đâu, thế mà nay gã phải gánh chịu một mình, bán hết mọi thứ có được mới đủ tiền thanh toán nợ. Ðêm về phòng trọ nằm một mình, gã đâm hận mấy thằng công an gộc cấp trên. Chúng sợ bể chuyện bị liên can nên ép gã phải nghỉ công an. Gã thù chế độ đã dung dưỡng bọn to đầu, cạn tàu ráo máng với gã. Mấy con bồ nhí thề sống chết thủy chung với gã, nay đã bỏ đi cặp kè với thằng khác rồi. Cả đám đàn em cũng quay lưng. Gã chưởi đời đen bạc. Gã đau đớn đến tím ruột bầm gan rồi tự hỏi: “Mình có thật là con của Rồng không?” Gã quyết đi tìm ra câu trả lời.
    Thế rồi một ngày gã lên đường, lẽo đẽo quay trở về đất Bắc, nơi đã từ bỏ ra đi hăm mấy năm về trước để truy nguyên cội nguồn.
    Gã đi qua rất nhiều thành thị làng mạc, vừa đi vừa giở ngón nghề cũ móc túi, xin ăn để sống. Những nơi đó tiêu điều thê lương quá. Gã lấy làm lạ, hòa bình bao nhiêu năm rồi mà sao người dân vẫn còn đói khổ, bần cùng như xưa. Cũng lúa, ngô, khoai, sắn xơ xác trên nương vườn bạc màu. Cũng những con người lam lũ trên đồng dưới ruộng, vất vả mưa nắng, vẫn chẳng khác gì xưa. Mặc. Ý nghĩ tìm hiểu nguồn gốc thân thế mình khiến gã bỏ ra ngoài tai mắt tất cả. Rồi không biết đã bao nhiêu ngày lang thang đói khổ, cuối cùng gã cũng đã tìm về đến nơi chốn ngày xưa.
    Gã hỏi thăm những người dân nghèo. Họ nhìn gã dửng dưng xa lạ, nhưng khi nói về trận bão năm xưa thì họ thảng thốt nhớ ra ngay. Họ chỉ cho gã lối mòn dẫn đến cây đa cụt ngọn trên bờ sông Giao Thủy. Bến đò hoang vắng xơ xác. Gã rẻ vào túp lều độc nhất nằm chơ vơ trên bãi cát trống hiu quạnh cạnh gốc đa, tự hỏi: “Ai sống ở đây mà không sợ gió bão?” Gã cúi chào ông lão gày còm đang ngồi đan lại tay lưới rách. Thấy gã, lão trừng mắt gay gắt: “Nhà ngươi là ai? Từ đâu đến? Làm gì ở đây?” Gã rùng mình kinh hãi. Lão già chẳng khác gì ma quỷ hiện hình. Thân hình khẳng khiu, da mốc meo teo tóp, râu tóc lỡm chởm, đôi mắt trắng dã, miệng lưa thưa mấy cái răng vẩu, nhớt dãi chảy lòng thòng gớm ghiếc. Lão nhìn gã, ánh mắt hồ nghi thiếu thân thiện. Khi nghe hỏi về trận cuồng dữ dội năm xưa, lão có vẻ ray rức rồi cật vấn: “Ngươi còn trẻ làm sao biết chuyện xưa?” Gã thật thà thố lộ sự tình về cuộc đời lên voi xuống chó của gã nhưng dấu béng cái tên Rồng ngày xưa. Không ngờ lão già còn minh mẫn. Sau một lúc đăm chiêu nghĩ ngợi, lão bỗng ngừng tay đan lưới, ngước nhìn gã nói gằn: “Mầy là thằng Rồng đó ư? Sao lại về đây? Tao nghe làng nước đồn mầy bây giờ giàu có lắm, làm lớn đến hàng lãnh đạo, lãnh tụ gì đó cơ mà.” Chạm điểm yếu, gã tủi lòng bật khóc kể lể dài dòng rồi hỏi: “Tôi có đúng là con của Rồng không?” Lão già không trả lời, qườ tay sau lưng lấy ra một cái bình toong nhôm móp méo, bẩn thỉu đưa cho gã: “Cái gì cũng có giá cả. Mầy chạy đong đầy rượu rồi tao kể cho nghe chuyện của Rồng.”
    Trời ngã về Tây, mặt sông thẫm màu nhấp nhô những lượn sóng gợn lăn tăn. Trên bãi cát vắng đìu hiu, một già một trẻ ngồi bệt dưới đất, nhóm lửa nướng khô cá uống rượu. Vào được vài ly, lão nhìn ra sông vắng mắt nhuốm buồn, bắt đầu kể:
    “Năm đó cách mạng vừa thành công nhưng đời sống dân chúng thì quá cơ cực đói khổ. Trên ngàn dưới đồng, lềnh khênh toàn là người đói. Họ tranh nhau vào rừng đào củ mài môn ngứa, xuống sông suối tìm bắt con còng con cua, đỡ dạ qua ngày. Nghe đồn miền Nam đời sống sung túc, từng đoàn người bỏ làng lũ lượt dắt díu xuôi Nam. Người chết đầy đất chật đường, không sao kể xiết. Ðó là trận đói lịch sử năm Ất Dậu. Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa là nơi tang tóc nhất. Có người bảo đó là dấu hiệu tai kiếp khởi đầu của dân tộc Việt.
    Ngày đó ta có vợ một con, còn trẻ như ngươi, sống an phận trên sông nước. Ðêm đêm thả câu giăng lưới, ngày ngày chở thuê làm mướn. Vào một đêm trăng hạ tuần tháng Tám, vừa thả xong mấy tay lưới ruồng, định vào khoang ngả lưng một tí, khuya dậy kéo xâu. Nửa đêm bỗng mây đen rùng rùng kéo tới, gió thổi mạnh, mưa đổ như thác. Sợ mất mấy tay lưới ta hô vợ con ráng chèo, còn ta chân kềm lái tay xâu lưới lia lịa. Bỗng có tiếng sấm nổ rền trời, tia chớp loé sáng cả một khúc sông cái. Dưới ánh sáng của giông tố, ta thấy một đôi thủy quái, da đen bóng láng như da lươn, đầu nhọn, mình dài hơn sải tay, hai cặp mắt đỏ ngầu như bốn cây đèn ló, đang vùng vẫy nhào lộn theo từng đợt sóng. Bão ập tới, cả trên trời lẫn dưới đất. Cả một đời sống trên sông nước, chưa bao giờ ta kinh hãi như vậy. Tứ chi bủn rủn, hai mắt như bị thôi miên, đăm đăm nhìn theo những chiếc đèn ló tử thần chập chờn ẩn hiện, lúc gần lúc xa, đang đùa giỡn quật tung những chiếc ghe vô phúc lẩn quẩn gần nó. Ta cố gắng chèo tránh ra xa, nhưng cuối cùng chiếc ghe mỏng manh của ta cũng chịu chung số phận. Trước khi bị cái đuôi quái vật đập mạnh vào lưng ngất đi, ta còn kịp nhìn thấy trên bờ những ngọn đuốc của dân làng đi cứu người lâm nạn sáng rực cả một khúc sông. Trời hừng sáng, mây quang gió tạnh. Người chết, kẻ đuối nước tấp vô bờ nằm đầy bãi sông, nhưng ta không làm sao tìm thấy được vợ con. Dân làng bảo họ đã bị thủy quái xơi mất xác rồi. Ta vẫn không tin, cứ mải miết đi tìm, hết ngày nầy qua ngày khác, kéo dài hàng tháng trời. Từ đó dân làng cho ta là thằng cuồng trí.”

    Lão ngừng kể, tu một hớp rượu rồi chỉ tay vào cây đa cụt ngọn nói tiếp: “Mầy ra đời đúng vào đêm tang thương đó, sóng gió đưa mầy tấp vào gốc cây đa. Nhiều kẻ mê tín bảo mầy là con của loài nghiệt súc, muốn dìm chết để trả thù cho người dân xấu số. Nhưng số mầy còn may mắn, nhờ có viện mồ côi chịu nhận về nuôi.” Rồi lão ôm bụng cười như điên như dại, mũi dãi chảy lòng thòng gớm ghiếc. Trong đời gã chưa từng thấy ai khủng khiếp như vậy. Ðột ngột lão ngưng cười, ngửa cố nốc rượu ừng ực rồi trố đôi mắt lạc thần nhìn gã, nói: “Mầy hỏi mầy có phải là con của Rồng không ư? Làm sao tin được điều đó. Rồng là hình ảnh của linh vật cao quý trong truyền thuyết, chỉ riêng dành cho giống Lạc Việt con Rồng cháu Tiên. Còn mầy, một kẻ bá vơ bá vất, không rõ lai lịch, sống đầu đường xó chợ, nếu không là con hoang thì cũng là sản phẩm của quái vật, của giống thuồng luồng ghê tởm, chuyên gieo rắc kinh hoàng đau thương cho muôn họ mà thôi. Cũng như cuộc cách mạng mùa Thu ra đời, đã đem thảm họa đến với dân tộc, đất nước. Ðã có biết bao kẻ đau khổ, chết đói, chết oan, tranh dành quyền lực giết nhau... Mầy cũng chẳng khác gì hơn. Mầy ra đời thì bão tố nổi lên, dìm chết cả người lẫn ghe, gây tang tóc ly tán đến bao gia đình, có cả vợ con tao nữa, thì làm sao bảo mầy là con của giống tốt được.” Nói dứt lời, lão nổi điên phun nước dãi rồi bốc cát ném vào mặt gã. Gã bàng hoàng run sợ, xây xẩm mặt mày, quỳ xuống van xin lão già dừng tay, ngưng nói. Hồi xưa có lần gã bị mấy tay anh chị bắt quỳ như thế, nhưng đó là bắt buộc. Lần nầy thì tự nguyện. Bên tai gã léo nhéo tiếng kêu la, tru tréo như cuồng dại của lão già: “Dô đi, dô trăm phần trăm.”
    -----
    Ðêm đó gã nằm mơ thấy cái sẹo trên trán biến thành đôi thuồng luồng nhảy ùm xuống sông. Bốn con mắt thú không ngừng bắn ra những tia hung quang sáng rực như lằn đạn, miệng thú phun ra đầy nhớt dãi hôi thối loang chảy trên mặt sông, thân hình quẫy lộn, đập đuôi chan chát vào những thây người chết đuối trôi lềnh khênh trên sông. Nước cuộn sóng, đỏ ngầu một màu máu như màu cờ. Tiếng gầm thét của sóng gió như tiếng than van ai oán của những oan hồn uổng tử chết đói, chết bệnh, chết oan, chết trận… đang lẩn khuất đâu đây.
    Trên bờ, lão già trợn trừng đôi mắt vô cảm trắng dã, vung rộng đôi tay tung tấm lưới bều nhều, đan thành cái hình tựa như có những góc cạnh ngôi sao, phản chiếu ánh sáng sấm sét trở nên màu ố vàng, chỉa thẳng vào dòng nước đỏ có đôi thủy quái đang tung hoành, lão quát to: “Ðồ nghiệt súc gớm ghiếc, ác độc đã giết người cướp của, làm bẩn “nước”. Chúng mầy không có cách nào khác để sinh tồn hơn là phải giết người hay sao?” Rồi lão trợn trừng đôi mắt thịnh nộ, tung tay lưới bẩn thỉu hình sao vàng, chụp gọn đôi thuồng luồng và luôn cả thân xác gã. Lão gầm lên: “Con người ta không thể nhờ vào xương máu kẻ khác để vinh thân phì gia, tôn xưng lãnh tụ. Tim óc mầy để đâu mà đi giết người, cướp của, đốt sách Thánh hiền? Linh hồn mầy vấy đầy những thủ đoạn hèn hạ bán nước, những bợn nhơ danh lợi tanh hôi, bất nghĩa. Mầy đã làm thối nát xã hội, nay còn muốn lường gạt cả lịch sử nữa hay sao?” Khuôn mặt lão già thường ngày rất quái dị bỗng hôm nay trông thật hiền từ, buồn bã. Một giọt nước mắt lăn xuống trên gò má nhăn nheo. Ngang trời chợt có tiếng sấm sét ầm vang như tiếng nổ đại pháo, nhưng vẫn không át nỗi tiếng gào cuồng nộ, phẫn uất của lão già say cô độc: “Sẽ có một ngày không xa chúng mầy phải đền tội. Dân tộc và lịch sử luôn luôn công bằng”. Mắt lão già trợn trừng bắn ra những tia sáng hung hãn, lão rướn người vung mạnh hai tay. Dòng nước đỏ ngầu mầu máu và tay lưới hình ngôi sao, vỉnh viển biến mất dưới giông tố lạnh lùng.
    -----
    Gã giật mình tỉnh giấc. Ðầu óc váng vất men rượu, mơ hồ tiếng nói lão già vẫn còn văng vẳng bên tai. Gã quay nhìn dòng sông và dãy núi quê hương, tất cả vẫn còn đó, đang lẳng lặng tồn tại như dòng lịch sử dân tộc bao đời luân lưu. Chốc lát, gã bổng hiểu ra hết những lời lão già nói. Thế mà bấy lâu nay gã cứ mãi sống trong hoang tưởng, cũng hoang tưởng như cái chủ nghĩa đã có hàng đống, hàng khối con người u mê, lầm lạc từng tận tụy tôn vinh.
    Sự thật gã được sinh ra từ chính con người, cũng tầm thường như bao kẻ khác chứ đâu phải là giống Rồng cao quý thần bí gì đâu, thậm chí còn tệ hại hơn nữa là đằng khác. Gã đau đớn thất vọng, bật khóc nức nở rồi cuồng điên mất trí nhảy ùm xuống dòng sông lạnh vắng.
    Ba hôm sau người dân thấy xác gã nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Họ vớt lên đem vùi thây dưới gốc cây đa. Gã đã vĩnh viễn trở về với huyền thoại Rồng hoang đường lừa bịp, với dòng sông cội nguồn nơi gã sinh ra ở bến đò Giao Thủy, dưới gốc cây đa Tân Trào, với xã hội rác rưởi thối nát cách mạng đỏ mùa Thu, với thân thế điêu trá của những tên côn đồ đại bịp, với kiếp người ô nhục lầm than trong triền miên tăm tối XHCN./-

    South Carolina, 1994
    TiênSha-LêLuyến

    (1) Cây đa Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi ra đời của bộ đội cộng sản VN vào ngày 16 tháng 8 năm 1945.
    (2) Bến Nhà Rồng: nơi Hồ chí Minh trốn xuống tàu Amiral Latouche sang Pháp.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X