Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đường quyền tuyệt mệnh

Collapse
X

Đường quyền tuyệt mệnh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường quyền tuyệt mệnh

    Ðường quyền tuyệt mệnh
    TiênSha-LêLuyến

    Về Thủy Thạch uống ly nước đá.
    Ghé Sa Huỳnh hốt nắm cát vàng.

    (Câu đối)

    Lời phi lộ: Tâm tình với Quảng Ngãi.

    Từ thị xã Quảng Ngãi đi về hướng Nam khoảng 60 km là đến thị trấn Ðức Phổ và cách Ðức Phổ khoảng 24 km, cũng về hướng Nam là đến Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Thạch. Ðường đi trên Quốc lộ I phải ngang qua hai đèo ngắn thoai thoải đó là đèo Phổ Trang và Phổ Hiệp. Ấp Thủy Thạch thuộc xã Phổ Hiệp có hòn Núi Dâu nằm cạnh Quốc lộ. Ðó chính là nơi đã xuất phát ra vế đầu của câu đối rất hoàn chỉnh mang tính địa phương núi Ấn sông Trà:

    Về Thủy Thạch uống ly nước đá.

    Sa Huỳnh trước đây có tên là Sa Hoàng, nhưng đến đời vua Nguyễn Hoàng, vì bị phạm húy nên đổi thành Sa Huỳnh. Dân số khoảng 3000 người (1), là một địa danh nổi tiếng khắp cả nước vì tính chất quân sự. Vào tháng 1-1973, Sa Huỳnh là nơi đã diển ra trận thư hùng đẩm máu với cuộc hành quân Quyết Thắng 36 của Quân Lực VNCH, nhằm đập tan âm mưu của Bắc Việt có ý đồ cắm cờ và mở một cửa khẩu ngay trên phần lảnh thổ miền Nam, để tuyên bố chủ quyền trước Ủy ban Quốc tế. Sư đoàn 2 Thép BV là nạn nhân của kế hoạch điên cuồng nầy, đã bị Sư đoàn 2 Bộ Binh và Liên đoàn 1 Biệt động Quân đánh tan tác thảm bại, phải rút chạy về Trường Sơn.

    Đoạn quốc lộ I ngang qua Sa Huỳnh, một bên là biển, một bên là vách núi cheo leo tiếp nối với dãy Trường Sơn. Sa Huỳnh giống như cái cuống họng của phần đầu là vùng một chiến thuật và thân hình là vùng hai chiến thuật, bắt đầu từ đèo Bình Đê. Hiện nay Sa Huỳnh là một địa điểm du lịch rất nhiều lợi thế, có núi rừng và có cả biển xanh cát trắng với nhiều đặc sản ưu đãi của núi và biển.

    Sa Huỳnh tuy chỉ là một cái vịnh nhỏ với một cửa khẩu thông ra biển, nhưng trong chiến tranh nó là một vị trí chiến lược quan trọng. Ngoài lượng hải sản nhiều và đa dạng, trong đó phải kể đến loài cua Huỳnh Ðế to lớn, vỏ màu cam đỏ, thịt chắc, trắng và thơm là đặc biệt, Sa Huỳnh còn là một địa điểm nghỉ mát lý tưởng. Ở dải đất miền Trung thì Sa Huỳnh là một trong những nơi có ruộng muối nhiều và trắng tinh khiết. Ðó cũng là nơi có tầng địa chất đá ong đất màu hoàng-thổ, nên gọi là cát vàng. Thời phong kiến và thuộc địa Pháp, muối là hàng quốc cấm quý hiếm, không biết vì bởi lý do đó mà người dân Quảng Ngãi giàu óc thi phú tưởng tượng đã ví muối là cát quý như vàng hay không? Trong tiểu đoạn nầy, người viết xin dành phần nghiên cứu cho độc giả đồng hương, nhất là những vị sinh trưởng hoặc am tường về đặc điểm phong thổ Sa Huỳnh. Riêng ở đây, tác giả chỉ muốn đề cập đến vế rất chuẩn của câu đối:

    Ghé Sa Huỳnh hốt nắm Cát vàng.

    Cũng giống như vế đầu, Thủy Thạch là địa danh, có nghĩa bóng là nước đá. Vế đối Sa Huỳnh cũng là một địa danh, có nghĩa bóng là cát vàng. Câu đối rất chuẩn trong cụm từ Hán- Việt và cả nghĩa đen, nghĩa bóng lẫn ngữ vựng, không chê vào đâu được.

    Từ hai câu đối tuyệt vời ở trên, chạnh lòng thương nhớ về quê hương, người viết muốn tái hiện lại một số thắng cảnh, địa danh, lịch sử, phong tục tập quán, ngôn ngữ, giai thoại văn chương và đặc điểm thời gian ... như là điều tri ngộ về những nơi chốn đã đi qua của một thời điêu linh chinh chiến, có nhiều kỷ niệm vui buồn, thương đau, tang tóc, chia ly. “Ôn cố tri tân” là việc chúng ta thường làm, nhất là trong bước đường lưu lạc tha phương ở xứ người. Ðó cũng là cách bộc bạch nỗi niềm hoài cố của người viết qua cái nhìn riêng tư, để trình bày về một giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước mà mình đã trải qua.

    Bài viết mặc dầu căn cứ vào các chi tiết có thật của lịch sử, của địa danh, của anh hùng dân tộc, cũng như những nét đặc thù đậm đà tính dân tộc của quê hương và con người miền Núi Ấn Sông Trà, song dẫu sao cũng vẫn là sản phẩm của một phần trí tưởng tượng.

    Người viết chỉ muốn thố lộ nỗi lòng trước một hoàn cảnh bi thương trong chu trình tiến hóa của giòng sinh mệnh dân tộc với biết bao vật đổi sao dời của hàng hàng lớp lớp sóng trước tàn, lớp sau kéo lên thay thế. Những lớp sóng tiếp nối liên tục trải qua nhiều thế hệ từ lòng đất mẹ Việt Nam, chính là những yếu tố phục sinh giúp nuôi dưỡng dòng giống trăm con thành Phù Đổng, viết nên lịch sử bốn ngàn năm văn hóa da vàng máu đỏ.

    Quả không đúng thế sao. Ðã có một thời trong hồng hoang sương khói thưở xưa, con người ta có thể tìm thấy lẻ sống trong ánh tinh cầu chiếu rạng từ lịch sử, từ hiện thực đấu tranh sinh tồn mà sống lại; Đã có một thời phù sa vỗ về bồi đắp chín khúc Cửu Long nuôi dưỡng lớn mạnh một quốc gia bên bờ biển cả, với tiếng nói và lịch sử bất khuất; Đã có một thời người dân Việt đứng ở cuối mũi Cà Mau, tóc gió tung bay, mắt nhìn ra cửa vịnh, hậm hực dậm chân hờn biển cả sao bủa sóng ầm ỉ, cản bước chân của đoàn quân Nam tiến; Đã có một thời người dân Việt hiến của cải, đổ máu xương, dốc sức dốc lòng quyết tâm theo về dưới cờ đại nghĩa của vị Anh hùng áo vải Quang Trung. Và... nhiều lắm, đã bao lần một thời y chang như thế trong thiên trường ca Lạc Hồng mở cõi, dựng nước. Tiếc rằng tất cả đã trôi qua, muộn màng. Nhưng dù sao thông thuộc được bài học lịch sử, chắc chắn sẽ giúp chúng ta ít phạm lỗi lầm hơn trong công cuộc đấu tranh lâu dài để dành lại quyền định đoạt vận mệnh quốc gia và kiến tạo tương lai dân tộc. Xin độc giả hãy cùng người viết chia xẻ nỗi niềm qua bài:

    Ðường quyền tuyệt mệnh

    Từ ấp Thủy Thạch xã Phổ Hiệp xuôi về Nam trên quốc lộ I, chúng ta sẽ đến ấp Chí Trung rồi kế tiếp là ấp Diên Trường thuộc Xã Phổ Trung. Trong địa giới nầy ta sẽ đi qua một cây cầu ngắn mang tên Cầu Ông Dân. Bên trái hiện ra một con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo chạy xuyên cánh đồng lúa dẫn sâu vào thôn xóm xanh thẩm một màu cây cối, cuối cùng chấm dứt bởi một đầm nước ngọt to lớn. Dân ở đây tứ tán bốn phương vì nạn chiến tranh, chỉ còn lại khoảng vài chục nóc gia thưa thớt. Tuy nhà tranh vách đất nhưng đời sống họ no đủ nhờ vừa canh tác ruộng vườn, vừa làm nghề đánh cá nước ngọt trên cái đầm rộng mênh mông. Ðầm có tên là An Khê (*), ê hề các loại cá hiếm nhưng người đánh bắt thì rất ít vì sợ an ninh. Vào mùa mưa nước lớn, cá tức đẻ theo dòng nước lũ tràn cả vào đồng ruộng, nhiều nhất là giống cá Chép, có nhiều con nặng cả chục ký nhưng dân làng ở đây chả mấy ai ăn cá chép. Hầu hết họ theo đạo Phật nên tin rằng cá chép là đệ tử nhà Phật, vì trên trán cá có dấu chữ Vạn - cá hoá long, cá chép sẽ trở thành Rồng.

    Theo lời kể của vị sư trụ trì ngôi chùa nhỏ nằm trơ vơ giữa đồng trống ở đây, truyền thuyết trong số đệ tử của Thần Trụ Trời có ông Khổng Lồ. Một ngày xuôi Nam, bàn chân phải của ông đặt vững chắc trên các ngọn núi phía Tây Trường Sơn, còn bàn chân trái thì dẫm lên các cánh đồng ven quốc lộ hướng Đông. Có lúc lỡ bước, ông đặt chân lên đất cù lao Chàm tít ngoài biển khơi. Dọc trên đường, miền nào cũng có dấu chân của ông hoá đá. Tới huyện Tây Sơn Bình Ðịnh, tuân lời Thần dạy ông dừng lại ở đỉnh đèo An Khê trên quốc lộ 19, gánh đá núi xếp thành hào lũy cho đất Tây Sơn trở thành hiểm trở, thuận lợi cho công cuộc phất cờ khởi nghĩa về sau nầy. Ông khổng lồ vác những tảng đá lớn, ném ào ào xuống vùng đồng bằng trước mặt, rơi rải rác khắp nơi tạo thành những địa danh như: Hòn Dũng, Hòn Một, Hòn Ngang, Hòn Dãi ... tạo nên hình thể núi sông hùng vĩ, làm cho đất An Khê - Tây Sơn trở thành nơi quy tụ và đất dụng võ của nhiều anh hùng dân tộc. Ðầm An Khê là dấu bàn chân to lớn của vị thần khổng lồ đã để lại khi đi qua vùng nầy. Theo lời vị sư, những khi đói lòng người khổng lồ ăn hết mọi thứ có ở trên rừng dưới biển, nhưng cá Chép hóa Long và cua Huỳnh Ðế là thủy tổ của loài bò ngang, thì ông không hề đụng tới. Do đó, hai giống nầy còn tồn tại và sinh sôi nảy nở đến mãi ngày nay. Ăn no người khổng lồ khát nước, hái hàng trăm quầy dừa đập uống, vỏ dừa vất bỏ lung tung khắp nơi trên đất Bình Ðịnh, nên đã nẩy mầm mọc tràn lan thành rừng. Ngày nay, ai có dịp đi ngang qua các vùng Tam Quan, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát Bình Định sẽ gặp những cánh rừng dừa xanh tốt, nối tiếp nhau bạt ngàn.

    ***

    Ngôi chùa nhỏ rêu phong củ kỹ của vị sư già nằm lẻ loi trên một khoảnh đất trống, chung quanh lưa thưa mấy gốc mai già, vài cây bàng, cây ăn trái và một cây bồ đề mới trồng cao chưa quá đầu người. Sư cụ khoảng chừng ngoài 70 tuổi, hàng râu bạc trắng, phong cách thanh cao, thân thể khỏe mạnh. Không ai biết ông từ đâu đến và đã đến lúc nào, chỉ thấy ông sống lặng lẽ với một chú tiểu khoảng chừng 13 tuổi nhưng cao lớn vạm vỡ, cường tráng như thanh niên 18. Trẻ con trong thôn đều là học trò của sư cụ. Ông tổ chức một lớp dạy chữ miễn phí ngay sau hậu liêu chùa để giúp con cái nhà nghèo, nên dân làng rất quý kính và biết ơn ông. Sư cụ hiền lành, nho học uyên bác, ngoài kinh kệ ra ông còn thông suốt được nhiều lý lẻ đạo và đời, nên gia đình nào có điều gì gút mắc đều đến hỏi xin ý kiến ông. Những ngày lễ làng, cúng vía quan trọng, sư cụ luôn luôn được mời làm chủ tế. Tiếng tụng kinh, thuyết pháp của ông mạch lạc và sang sảng như chuông. Ông truyền bá đạo pháp từ bi bác ái đến mọi nhà, ông giảng giải đạo lý làm người mẫu mực hoàn mỹ. Ngoài thời gian kinh kệ, thiền định, dạy học, ông và chú tiểu canh tác tự túc trên mấy sào đất làng dành cho chùa. Nhìn chú tiểu làm việc đồng áng, ai cũng nể phục sức khỏe của chú, nhưng cũng giống như sư phụ, chú hiền lành, hay giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng thương mến, và nhất là trong lần họ tận mắt chứng kiến chú tiểu đang gánh phân bón ruộng, thấy con trâu khùng hất ngã một chị đàn bà xuống bờ mương, định húc cặp sừng nhọn vào người. Chú lập tức vất gánh phân, rút đòn xóc lao đến phạng vào trán trâu một đòn, kịp thời cứu được người đàn bà. Trâu đau đòn nổi điên quay đầu đuổi đánh chú tiểu, chú bình tỉnh và nhanh nhẹn tránh đòn. Đúng lúc vị sư già cũng vừa ra đến nơi, ông vội nhảy vào chụp lấy đuôi trâu và đá nhẹ vào hạ bộ nó một đòn hiểm. Trâu đau quá rống lên bỏ chạy. Từ đó tiếng đồn thầy trò vị sư biết võ nghệ, lan truyền khắp trong thôn làng. Có ai hỏi, thầy chỉ cười hiền từ rồi bỏ đi, không nói năng gì hết.

    Ðêm đêm, thôn xóm yên lành đắm chìm trong giấc ngũ êm ả. Thỉnh thoảng vài ánh hỏa châu vàng vọt được bắn lên từ phía đồn Cầu Ông Dân, chiếu ánh sáng lạnh lẽo xuống những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt. Xa xa, ngoài Núi Dâu có tiếng đạn nổ ì ầm của đơn vị Pháo binh trú đóng bắn đi. Kể từ ngày ở trên điều về một đại đội Ðịa phương Quân đóng ở cầu, dân làng lại có giấc ngũ bình an, không bị bọn du kích về quấy nhiễu thu gạo, đóng tiền nuôi quân, ủng hộ cách mạng như trước. Thỉnh thoảng, vị sĩ quan Ðại đội trưởng trong những lần tuần tiểu, thuận đường ghé thăm chuyện trò với sư cụ. Thấy thầy và đám học trò hiếu học không có bàn ghế phải nằm lê lết trên nền gạch, ông cho lính mang vào nhiều thùng gỗ đựng đạn súng cối rồi giúp đóng bàn ghế tạm thời cho mấy thầy trò nghèo.

    Một đêm trăng sáng vằng vặc, trời không gợn một chút mây, cảnh vật tĩnh lặng an bình. Sau hậu liêu chùa, dưới ánh trăng, hai bóng người một già một trẻ đang quần thảo nhau gay cấn. Họ tung đòn chớp nhoáng, phóng cước vun vút, trổ hết mọi ngón võ, phát huy hết tinh túy của quyền cước để giành thế thượng phong. Cả hai mồ hôi nhể nhại, tiến thoái linh hoạt, chân đá xé gió, quyền xuất vù vù, nhưng tuyệt nhiên không gây ra tiếng động ồn ào. Trận đấu bất phân thắng bại, càng lúc càng ác liệt. Mãi một chập sau người trẻ có phần núng thế, không còn tấn công mà chỉ lo thủ thế đở đòn rồi lùi dần, lùi dần. Người lớn tuổi phát đòn liên tục và chờ đợi thời cơ lúc anh thanh niên vừa lâm vào thế lúng túng thì ngay lúc đó, hai chân người già bỗng xoạc ra, rùn xuống thành trung bình tấn, xoay qua đinh tấn, rồi chuyển thành chảo mã tấn rất lẹ và điêu luyện, rồi một ngọn cước phóng vút ra. Thân hình người già quay tròn nữa vòng trên không trông thật ngoạn mục. Một tiếng “chát” khô khan. Người thanh niên ngã ngồi xuống đất, trong lúc người già đã đáp gọn xuống bên cạnh. Có vài tiếng vỗ tay nho nhỏ phát ra từ phía mái hiên chùa. Chú tiểu chạy đến nâng nhẹ người thanh niên dậy rồi nói:

    - Sư huynh thua rồi. Lần sau thì chỉ được giao đấu với đệ thôi nhé.

    Người tuổi trẻ xoa xoa bàn tay lên chổ bả vai vừa mới lảnh cú đá nhẹ của thầy, trả lời:

    - Quả vậy. Thiên hạ có mấy ai qua được tuyệt nghệ của sư phụ, hả đệ?

    Vị sư già mỉm cười vui vẻ, âu yếm nhìn hai học trò rồi nói với chàng thanh niên:

    - Ta đi tắm rồi vào ăn chè.

    Quay sang chú tiểu, sư cụ bảo:

    - Con đi ngũ trước, ta có nhiều chuyện cần nói với sư huynh của con.

    Lát sau. Trong tư phòng của vị sư già, người thanh niên đã thay bộ quân phục có mang phù hiệu Sư đoàn 2 Bộ binh VNCH, đang ngồi chú tâm nghe lời chỉ dạy. Thầy nói:

    - Ta đã nhiều lần xử dụng để con nhìn rõ tuyệt kỷ của đường quyền Ngọc Trản gia truyền rồi chứ? Tuy vậy, con cũng cần phải tập luyện thường xuyên cho thật thuần thục. “Văn ôn võ luyện” con biết rồi đó.

    Vị sư già nâng tách trà chiêu một ngụm nhỏ rồi khoan thai nói tiếp:

    - Bắt đầu ngày mai ta sẽ dạy cho con chiêu thức bí truyền “Lôi Vũ tề mi” cuối cùng là hết. Sư tổ của ta ngày xưa là Ðại tư đồ Võ văn Dũng đã khổ công nghiên cứu gần hai mươi năm để bớt ngắn thêm dài, gia hư giảm thực, dĩ tĩnh chế động để hoàn hảo đường Lôi Vũ quyền nầy. Và, cũng chỉ với một đường quyền nầy thôi, Sư Tổ ta đã dọc ngang bốn bể, danh lừng thiên hạ, tung hoành một đời chưa hề có đối thủ. Ngay cả vợ chồng danh tướng Trần quang Diệu, Bùi thị Xuân cũng phải nể nang mười phần.

    Ông ngừng nói, rồi bỗng thở dài trầm ngâm im lặng. Mãi một lúc sau mới tiếp lời:

    - Ta cũng đã mất hơn năm năm, dưới sự chỉ dạy tận tâm của nghĩa phụ, ta mới phát huy hết được tinh hoa của đường Lôi Vũ quyền. Và như con đã biết, đời ta cũng vì đường quyền nầy mà bị lao đao lận đận, phải bỏ quê trốn qua sống xứ nẫu(2) mà cũng chẳng được yên thân. Ngày mai truyền dạy tuyệt kỷ cho con xong, con chỉ cần chuyên tâm tự rèn luyện là được rồi. Vậy là từ nay ta không còn gì để dạy thêm cho con nữa, chỉ duy nhất một điều con phải luôn ghi nhớ lời ta là cái đạo tâm mới là điều chính yếu, còn tuyệt nghệ chỉ là phần thứ yếu của con người.

    Sư cụ nhìn chàng trai, ánh mắt chan chứa thương yêu:

    - Đời lính rày đây mai đó, thầy trò ít có dịp gần gũi, nay ta cũng đã già, không biết rồi có còn cơ hội để giải bày tâm sự với con hay không? Tiện thể hôm nay con về thăm thầy, ta có điều ủy thác phải nhờ đến con.

    Người lính ngồi im lặng, bây giờ mới lên tiếng:

    - Có việc gì cần thầy cứ dạy bảo, con sẽ cố gắng hoàn thành, xin thầy yên lòng.

    Nhà sư gật nhẹ đầu rồi chậm rải tiếp lời:

    - Ðời ta già rồi, nếu có mệnh hệ gì xảy ra cũng không hối tiếc, duy chỉ có một việc ta mãi lo âu trong lòng. Ðệ của con còn nhỏ dại quá, ta sợ nếu không có ai giáo dục hướng dẫn đúng đắn, lỡ nó đi sai đường lạc lối, trái với nguyện vọng sư môn và hoài bảo quốc gia dân tộc, giống như đại sư huynh của con, thì ta không những thân mang trọng tội mà môn phái cũng bị tủi hổ lây. Vậy thử hỏi làm sao ta có thể an tâm nhắm mắt yên giấc được.

    Lặng đi một lát như để hồi tưởng. Ðôi mắt nhà sư chợt thoáng buồn:

    - Ðệ của con côi cút từ khi mới lên một. Ngày đó ta đang về chơi quê ngoại ở thôn Thạch Bi xã Phổ Thạch thì được lệnh sư phụ phải lên gấp miền ngược, mãi tận vùng Ba Gia, Ðồng Ké huyện Sơn Hà, để nhận đứa bé nầy về nuôi. Ngày ấy ta rất ngạc nhiên trước quyết định bí ẩn của thầy nhưng vẫn im lặng tuân theo. Ta nghĩ, chắc phải có lý do nên thầy mới quyết định đột ngột như vậy.

    Ngưng một lát, cụ tiếp:

    - Ngày xưa theo chân cha, ta bôn tẩu giang hồ từ lúc còn bé. Hết về xuôi buôn muối ta lại lên ngược buôn trâu. Rong ruổi khắp núi rừng Quảng Ngãi rồi lặn lội vào mãi tận vùng Sông Ba, Bình Khê, Bình Ðịnh... Cho đến một ngày tại huyện Tuy Viễn, cuộc đời ta bắt đầu chuyển hướng. Ta làm lễ bái sư nhập môn học võ Tây Sơn, theo hầu thầy làm đệ tử. Cha ta là bạn vong niên thân thiết của thầy. Thầy có vợ nhưng không có con, nên cha đồng ý để thầy nhận ta làm nghĩa tử. Từ đó ta danh chính ngôn thuận được chân truyền bí kíp võ nghệ và cuối đời thầy chọn ta làm chưởng môn y bát(3). Ta mang đệ của con về nuôi dạy chỉ là làm theo lệnh thầy truyền bảo, mà không hiểu hết được tâm ý sâu xa của thầy. Quan niệm “Tôn Sư trọng đạo” thời đó ăn sâu vào tâm não con nhà nho giáo gia phong, chứ ta đâu biết hậu ý của sư phụ lo lắng cho ta khi tuổi về già.

    Nói đến đây, ánh mắt vị sư già sáng lên niềm kính phục lẫn ngưỡng mộ:

    - Sư phụ ta giỏi lắm, văn võ song toàn. Ông thông thuộc cả “Dịch số Mai Hoa” nhưng cả đời chẳng hề bói toán cho ai. Ngày ấy ông âm thầm gieo quẻ, chấm số tử vi cho ta, do đó thầy biết vận số đời ta cô độc, không vợ không con. Ta thuộc quẻ Ly, trong cung “thê tử” thì lẻ loi đơn chiếc nên thầy muốn giúp ta tìm một đứa bé nhận làm con nuôi để đở đần lúc tuổi già xế bóng. Ðến nay nó đã theo ta được 13 năm. Nghề võ thì loàng xoàng vài ba bài quyền cước kiếm côn, chưa thể thỏa chí vẫy vùng. Còn nghiệp văn chỉ mới chập chững bước vào cấp hai. Nó cần phải học hành dồi mài nhiều hơn nữa, cả võ lẫn văn, nhưng ta thì tuổi đã già rồi, nhất là mới đây khi nhận được tin chính xác là sư huynh của con có về tìm ta đôi ba bận ở quê nhà Tây Sơn. Con người đó mà đi tìm ai thì lành ít rủi nhiều. Mai nầy không may ta có mệnh hệ nào, chỉ biết trông cậy vào con thay ta nuôi dưỡng và dạy dỗ em nó khôn lớn thành người hữu ích, đừng bỏ bê tội nghiệp.

    Sư cụ ngừng lời đột ngột, cố nén tiếng thở dài u uất, buồn bã nói tiếp:

    - Cả đời ta không hề gây ra tội lỗi, duy chỉ có một sai lầm không thể tẩy rửa được là đã nhận sư huynh con làm đệ tử. Ta đau lòng, xấu hổ với sư phụ, sư môn nên xuất gia để ăn năn sám hối. Bí quyền “Lôi Vũ tề mi” nhất định không để lọt vào tay tên phản đồ. Hãy nhớ lời thầy dặn.

    Sư cụ chấm dứt câu chuyện. Xa xa vọng lại tiếng gà gáy sang canh. Trăng lưỡi liềm đã ngã về non. Mãi đến lúc đó thầy trò mới chia tay đi nghỉ.

    ***

    Một năm sau ...

    Càng ngày cộng quân càng bành trướng chiến tranh, gia tăng cường độ tấn kích, lấn chiếm. Chúng bắt đầu mở những mặt trận qui mô ở Quãng Trị, An Lộc, Bình Long, Kontum ... Ngân - tên người thanh niên học trò của vị sư già - phải theo đơn vị hành quân liên miên, không có dịp trở lại chùa thăm thầy và sư đệ.

    Mãi đến một ngày, bất ngờ Ngân nhận được bức điện tín gởi đi từ đơn vị Ðịa phương Quân đóng tại Cầu Ông Dân, báo hung tin sư phụ anh vừa từ trần. Ngân bàng hoàng đau đớn, lập tức xin phép về xem hư thật. Đơn vị đang hành quân trong địa bàn quận Mộ Ðức, cách ngôi chùa cầu ông Dân khoảng 50 km, nên vị sĩ quan chỉ huy cấp quân xa và tài xế để Ngân tiện đi lại nhanh chóng. Trên đường về Ngân miên man suy nghĩ, hoang mang không biết sự việc như thế nào. Mới tuần trước anh còn nhận được thư của sư phụ cho biết vẫn khỏe mạnh, cớ sao nay lại có bức điện tín quái lạ nầy. Anh nóng lòng mong sớm đến nơi.

    Xe vừa dừng ở trạm gác đầu cầu ông Dân, Ngân đã vội xuống xe xuất trình Sự vụ lệnh và nói rõ lý do, xin được gặp đơn vị trưởng. Đợi một lát thì có người ra mời anh vào hầm chỉ huy để diện kiến vị sĩ quan đại đội trưởng. Sau khi chào kính, Ngân tự giới thiệu tên họ, cấp bậc, thuộc đơn vị Trinh sát của Sư Ðoàn 2. Anh nói thêm:

    - Thưa trung úy, tôi là đệ tử của vị sư trụ trì chùa và cũng là người đã nhận được bức điện tín báo hung tin của trung úy gởi.

    Vị sĩ quan gật đầu ra ý đã hiểu. Ông gọi người Thượng sĩ thường vụ đại đội, ban vài khẩu lệnh ngắn ngủi. Lập tức một tiểu đội binh sĩ võ trang được tập họp để hộ tống hai vị sĩ quan ra chùa. Trên đường đi, sau khi hỏi thăm sức khỏe Ngân, vị trung úy bùi ngùi nói:

    - Rất tiếc chúng tôi phải nói lời chia buồn cùng thiếu úy. Mới tuần trước, tôi còn ghé chùa nghe sư cụ giảng giải về chữ Nhẫn của người quân tử, thế mà hôm nay… ông đã ra người thiên cổ.

    Vị trung úy thở dài im lặng rảo bước, rồi đột ngột mặt ông tỏ vẻ giận dữ. Ông nói gằn từng tiếng:

    - Bọn chúng dã man thật ...

    Vừa nói đến đây thì cũng là lúc vào đến cổng chùa. Vị trung úy bỏ lửng câu nói, gật đầu chào đáp lể dân làng. Ngân băn khoăn trong lòng nhưng chưa tiện hỏi. Anh linh cảm cái chết của sư phụ dường như có điều uẩn khúc.

    Trước hiên chùa, một cái rạp che sơ sài mới được dựng lên. Dân làng đến tham dự tang lễ đông đúc. Linh cửu của vị sư già trụ trì được quàn ngay chính cửa chùa, nhang đèn hương khói nghi ngút. Chú tiểu đang quỳ bên cạnh quan tài thầy, nghe tiếng người lao xao chú ngẩng nhìn lên, chợt thấy sư huynh về, chú chạy ùa ra ôm chầm lấy Ngân, vừa khóc nức nở vừa nói:

    - Huynh ôi! Sư phụ đã bỏ chúng ta đi rồi.

    Vị sĩ quan trẻ gục đầu trước linh cửu sư phụ, cắn môi cố nén tiếng khóc, răng nghiến chặt không thốt nửa lời. Ngân không khóc mà nước mắt cứ tuôn chảy thành dòng. Bầm gan tím ruột, lòng đau như vò xé. Vì sao xảy ra cơ sự nầy? Ai đã gây ra cảnh đoạn trường biệt ly? Sư phụ anh đã làm gì nên tội mà phải ra đi đau đớn đột ngột, khiến anh không được nhìn mặt lần thầy cuối cùng, không được nói một lời từ biệt. Ân hận nghìn đời. Người chiến binh cộng hòa từng vào sinh ra tử, nghiến răng, mắt toé lửa, nắm đấm bóp chặt như muốn nghiền nát kẻ thù đã gây ra cảnh tang tóc chia ly. Quỳ bên cạnh, chú tiểu thương thầy khóc đến sưng mắt. Dân làng cũng sụt sùi rơi lệ.

    Vị trung úy đứng yên lặng hồi lâu chờ Ngân qua cơn xúc động. Ông bước đến đốt nắm nhang trao cho Ngân. Mọi người ai nấy đều giữ im lặng. Họ trân trọng giây phút nghĩa tình thiêng liêng của hai môn đồ đối với sư phụ kính yêu. Trên bàn thờ, đôi mắt vị sư hiền lành, nhân ái như phảng phất thoáng mỉm cười hài lòng.

    Một cụ già trọng tuổi là tiên chỉ trong làng, bước đến nâng nhẹ anh em Ngân dậy, giọng nói đượm buồn:

    - Hai cháu đừng bi thương quá đỗi, hãy để sư cụ được thanh thản ra đi về đất Phật. Bây giờ hãy vào trong rửa mặt, thay quần áo rồi chuẩn bị làm lễ phục tang.

    Lúc sư cụ còn sống đã để lại trong lòng người dân biết bao niềm kính mến, ngưỡng mộ. Ðến nay người ra đi, dân làng xa gần quy tụ về đông đúc, tiển đưa người trong sự nuối tiếc, thương yêu.

    Theo chương trình tang lễ, vị sĩ quan đại đội trưởng sẽ thay mặt bà con làng xóm lên nói lời chia buồn, đồng thời theo yêu cầu của một số người dân chưa rõ câu chuyện và nhất là Ngân, ông tường thuật lại chi tiết về cái chết oan khiên của vị sư già vô tội.

    “Cũng như mọi năm vào mùa nước lũ dâng cao, các loại cá trong đầm An Khê bắt đầu theo con nước tràn cả lên đồng ruộng, kiếm chổ sinh đẻ. Cả mấy tuần qua hể đêm nào có mưa lớn thì dân ở đây và các thôn xóm kế cận rủ nhau đốt đuốc, lội ruộng đi bắt cá. Số người tham gia lên đến năm, bảy chục người, họ đi tản mát khắp nơi trên cánh đồng rộng mênh mông, do vậy vấn đề giữ gìn, kiểm soát an ninh trở nên rất khó khăn. Chúng tôi đã mời các vị thôn trưởng đến họp bàn để tìm biện pháp thích nghi, nhưng vì đời sống người dân ở đây cơ cực quá, hiếm khi có dịp may như thế nầy, nên chúng tôi không thể ngăn cấm họ. Điều chúng tôi có thể làm là hàng đêm tung ra ngoài hai trung đội, chia nhau nằm kích ở nhiều tọa độ trọng yếu để giữ gìn an ninh, bảo vệ dân.

    Thật ra, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện Việt cộng sẽ có lúc tấn công vào chùa, bởi chùa vốn là nơi tu hành tôn nghiêm, không gieo rắc oán thù, không màng đến chuyện thế nhân. Nhưng rất tiếc, điều không tưởng vẫn cứ xảy ra, VC đã thực hiện những điều tàn ác dã man đó. Bọn chúng có khoảng mười tên, trùm áo mưa đội nón lá, giả dạng làm người dân đánh bắt cá, đột nhập vào chùa rồi nổ súng giết chết vị sư trụ trì đáng kính. Cho mãi đến nay chúng tôi vẫn không hiểu lý do tại sao chúng lại hành động như vậy.

    Chỉ vài phút sau khi súng nổ, một tiểu đội phục kích gần đó đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chận đường rút lui và mở đợt tấn công bọn chúng. Chúng bắn trả quyết liệt và chạy trốn về hướng tập trung đông người dân. “Vô kế khả thi”, vì sự an toàn của nhân dân, binh sĩ đành thúc thủ để chúng đào tẩu. Cùng lúc, tôi dẫn một tiểu đội khác vào chùa cứu sư cụ, nhưng rất tiếc…”

    Vị sĩ quan cúi đầu, buông tiếng thở dài:

    - “Vết thương nặng quá, sư cụ chỉ còn thoi thóp thở hơi ra. Trước khi chết, người trối trăn lại nhờ tôi báo cho thiếu úy biết, cần nhất phải lo nuôi dưỡng chú tiểu thành người và hãy quên đi chuyện buồn nầy, không nên trả thù. Người đưa tôi địa chỉ đơn vị của thiếu úy và hôm nay, tôi đã hoàn thành di mệnh của người chết nhờ cậy.”

    Ông lại thở dài:

    - “Sư cụ từ bi nhân đức quá, tha thứ cả cho kẻ đã giết chết mình.”

    Vị sĩ quan chấm dứt câu chuyện trong sự buồn bã. Không khí lễ tang chìm trong im lặng nặng nề, lẫn tiếng sụt sùi thương tiếc.

    ***

    Sau khi an táng sư phụ, chú tiểu và Ngân đi đến cám ơn cụ tiên chỉ, ban đại diện thôn ấp và bà con dân làng, cuối cùng là vị sĩ quan nhân hậu và nghĩa tình.

    Trong căn hầm chỉ huy lúc nầy chỉ có hai người, Ngân khuyên vị trung úy nên đề phòng cẩn thận cho đơn vị, có thể trong những ngày tới sẽ có đánh lớn. Khi vị sĩ quan hỏi lý do, Ngân trầm ngâm giây lát rồi quyết định tiết lộ cho vị trung úy nghe một câu chuyện bí ẩn. Anh nói:

    - Vì cảm kích nghĩa khí và lòng yêu thương mà trung úy và anh em trong đơn vị đã dành cho thầy tôi, đồng thời cũng để bảo toàn sinh mạng cho binh sĩ của trung úy, tôi sẽ kể một câu chuyện có liên quan đến cái chết của sư phụ tôi, gọi là đền đáp chút tình tri ngộ. Tuy nhiên, tôi có yêu cầu là trung úy không nên phổ biến tin nầy sớm để khỏi xảy ra ngộ nhận, gây giao động lòng quân dân.

    Vị sĩ quan đồng ý và Ngân bắt đầu câu chuyện:

    - “Sư phụ của thầy tôi vừa là cháu, vừa là truyền nhân đời thứ tư của Ðại Tư đồ Tây Sơn Võ văn Dũng. Năm Nhâm Tuất 1802 vận nước suy vi, thành Nghệ An bị thất thủ, kết thúc triều đại huy hoàng của những anh hùng áo vải nhà Nguyễn. Tháng 11 năm đó, các tướng lãnh Tây Sơn bị thảm sát tại thành Phú Xuân. Thiếu phó Trần quang Diệu, người dũng tướng bậc nhất của vua Quang Trung, quắc mắt ngẩng cao đầu, thản nhiên đón nhận lưỡi gươm phục thù hèn mạt của Nguyễn Ánh, trong khi người vợ là Nữ tướng Bùi thị Xuân bình tĩnh nhận cái chết voi giày. Quan phụ chính Trần văn Kỷ thì gieo mình xuống Ngã Ba Sình tuẩn tiết để trọn tình với người tri kỷ. Riêng Ðại tư Ðồ Võ văn Dũng quyết không chịu thảm tử hoặc khuất thân làm tôi mọi cho Gia Long, nên đã trốn thoát về vùng núi rừng Tây Sơn thượng ẩn náu. Người dân Thượng vùng nầy hết lòng bảo vệ, phò trợ ông, lấy hòn Hội Sơn ở Trinh Tường làm căn cứ quân sự, nên người dân địa phương thường gọi là Hòn ông Dũng hay Hòn Dũng. Tuy nhiên mưu sự không thành, ông mang bệnh rồi từ trần lúc thọ được 90 tuổi. Ông ra đi để lại cho thế hệ đời sau một tấm gương anh hùng khí phách của một vị hổ tướng cuối cùng trung thành với vương triều Tây Sơn. Riêng với dòng tộc họ Võ của thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, ông đã để lại một bí kíp quyền phổ gia truyền. Thầy tôi tuy là người ngoại tộc nhưng vì sư phụ của thầy không có người nối tự, vả lại ông là nghĩa tử minh linh, nên thầy tôi được chân truyền công phu và thừa kế y bát.

    Tôi có duy nhất một người sư huynh. Ban đầu sư phụ đặt nhiều kỳ vọng vào người nầy, nhưng thời gian sau mới phát hiện ra anh ta là kẻ thâm độc giảo hoạt, nhất là đang đi theo con đường phản dân hại nước, ngược lại với tôn chỉ từ bi đạo đức của sư môn. Từ đó thầy tôi từ chối truyền thụ bí kíp quyền phổ nên anh ta đem lòng hận thù, đã nhiều lần dẩn đồng bọn đến hăm dọa thầy. Nếu như chỉ với năm, bảy tay dao búa thì sư phụ tôi có coi chúng vào đâu, nhưng đàng nầy chúng đem cả súng đạn tới uy hiếp, do đó thầy tôi đành phải bỏ xứ ra đi. Tưởng rằng như vậy là được yên thân, nhưng cách đây hai năm, gia đình thầy ở Tuy Viễn nhắn tin ra là sư huynh tôi vẫn tiếp tục truy lùng tung tích thầy. Hể anh ta đi tới đâu là gieo rắc kinh hoàng chết chóc tới đó. Nghe đâu anh ta là chính ủy của một trung đoàn đặc công thuộc Sư đoàn 2 Thép Cộng sản Bắc Việt.”

    Ngân thở dài buồn bã tiếp lời:

    - “Thầy tôi nhân từ độ lượng quá, người không muốn xảy ra thảm cảnh huynh đệ tương tàn nên không muốn tôi trả thù. Nhưng tôi là một quân nhân, trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu, nếu tha không giết anh ta hoá ra là đã “dưỡng hổ di họa.”

    Ngân nhìn vị trung úy rồi nghiêm trang nói tiếp:

    - “Trong tình chiến hữu, tôi không thể thấy chết mà dửng dưng. Sư huynh tôi vốn là thủ trưởng của một đơn vị chuyên đi điều nghiên tình hình thực tế và địa bàn chiến trận, vẽ phóng đồ tác chiến và lên kế hoạch hành quân, do đó nơi nào anh ta xuất hiện thì hầu như nơi đó sẽ có những trận đánh lớn mở màn tiếp theo sau. Trong trường hợp nầy, giả thiết vì truy tìm thầy tôi mà anh ta phải bỏ đơn vị theo ra đến đây là không đúng, bởi vì vùng trách nhiệm hoạt động của đơn vị anh ta nằm ở khu vực phía Tây-Nam Quảng Ngãi, bên kia đèo Bình Ðê thuộc quân đoàn II quân khu II VNCH. Còn nếu ngẫu nhiên thì càng không thể, vì có ai biết vị sư trụ trì ngôi chùa nghèo nhỏ bé kia, là một tay võ nghệ siêu quần bạt chúng và là truyền nhân của vị dũng tướng bậc nhất nhà Tây Sơn đâu. Do đó, chỉ còn lại khả năng là chuyện công tác kết hợp với chuyện cá nhân. Thời gian gần đây, đơn vị viễn thám của chúng tôi đã tái xác nhận nguồn tin của các toán Lôi Hổ-Nha Kỹ Thuật cung cấp, về những dấu hiệu xuất hiện lực lượng cơ giới quân sự chủ lực của địch lảng vảng gần khu vực Sa Huỳnh. Ðiều đó là chính xác.”

    Ngân kết thúc câu chuyện với tình cảm nồng nàn:

    - “Nay có duyên may gặp nhau ở đây, sư đồ chúng tôi thọ lãnh cái ơn mà anh em binh sĩ và trung úy đã lo lắng, giúp đỡ cho sư phụ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, nên tôi xin thông báo tin tức nầy để trung úy đề phòng và có kế hoạch, hầu tránh hao tốn máu xương thuộc cấp.”

    Ngày hôm sau, huynh đệ Ngân chia tay với dân làng và quân nhân các cấp tại Cầu Ông Dân. Hành trang của chú tiểu mang theo chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo nâu sòng cũ kỹ và một cây trường côn của sư phụ để lại đã lên nước bóng láng. Ngân và sư đệ chấp tay cúi đầu bái tạ mọi người, xin gởi gắm lại phần mộ của thầy, nhờ mọi người trông nom. Vị trung úy đại đội trưởng tiễn chân hai người ra đến tận xe. Lòng ông dạt dào niềm thương mến lẫn kính phục người sĩ quan trẻ tuổi, tình cảm nhân hậu, thủy chung và trung thành với lý tưởng quốc gia dân tộc.

    ***

    Ba tháng sau.

    Ðúng vào hôm làm tuần 100 ngày cho sư cụ, cũng chính là thời điểm mở màn của trận chiến đẫm máu.

    Hòa đàm Paris ký kết chưa ráo mực thì Cộng quân đã tráo trở vi phạm. Chúng xử dụng hai trung đoàn 1 và 141 của Sư đoàn 2 Thép/Bắc Việt ẩn quân vùng rừng Đắt Pơ, Kong Chro Gia Lai và trung đoàn 52 đang hoạt động trong khu Đá Chát Ba Tơ Quảng Ngãi mà chúng đã chiếm được, bất ngờ mở cuộc tấn công ồ ạt, quyết chiếm bằng được cửa khẩu Sa Huỳnh. Một tiểu đoàn Ðịa phương quân trấn đóng ở đây đã anh dũng chiến đấu và cố thủ được 2 ngày, nhưng sau cùng vì áp lực quá nặng của đại pháo và với quân số áp đảo gấp 5 lần hơn của địch, nên vị tiểu đoàn trưởng ĐPQ đành phải ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Trung đoàn 141 bộ đội chủ lực, trong đó có tiểu đoàn 406 đặc công cơ hữu, là đơn vị của sư huynh Ngân. Riêng đại đội Ðịa phương quân đóng tại cầu Ông Dân, vì đã đề phòng từ trước theo lời thông báo của Ngân, do đó hầu như không bị tổn thất nhân sự nào. Họ rút về phòng thủ tại Núi Dâu Phổ Hiệp.

    Sau trận đánh, lập tức vị tướng tư lệnh Sư đoàn 2 BB cũng là tư lệnh mặt trận của Quân Lực VNCH, tái phối trí các lực lượng tham chiến rồi ra lệnh tấn công tái chiếm cảng Sa Huỳnh, với sự yểm trợ hùng hậu của hai tiểu đoàn pháo binh 105 ly và 155 ly và hải pháo 127/50 ly của các chiến hạm ở ngoài khơi. Sư đoàn 1 không quân yểm trợ tiếp tế, tản thương và hỏa lực. Trước sức mạnh và lòng quyết tâm của binh sĩ Sư đoàn 2 Bộ binh và Liên đoàn 1 Biệt động Quân, sau 17 ngày đêm giao tranh ác liệt(4), các đơn vị VC bị đánh tan tác và xé nhỏ ra từng mảnh vụn, phải tháo chạy về phía núi rừng Trường Sơn. Quyết không tha, vị tướng tư lịnh mặt trận ra lệnh cho các đơn vị tiếp tục truy kích với phi-pháo yểm trợ tối đa. Ngày đêm tiếng bom, tiếng đạn pháo nổ rung trời. Những đơn vị Cộng hòa thu được hàng núi vũ khí và tài liệu quan trọng.

    Ðại đội Ngân cũng được lệnh truy tìm cho bằng được những tên đầu sỏ đã vạch ra kế hoạch xâm lăng. Anh dẩn trung đội viển thám theo hướng Tây-Nam, đi sâu vào vùng biên giới giáp tỉnh Gia Lai. Ngân vẫn nhớ lời thầy nhắn nhủ lúc lâm chung, tuy nhiên dường như có một hấp lực thần bí lôi cuốn mạnh mẽ, anh cứ dấn bước lần theo dấu vết người sư huynh hung tàn, bất nghĩa.

    Một đêm, toán quân dừng chân tạm nghĩ trên vùng địa giới thung lũng Ba Động. Ngân đang nằm trên võng thiu thiu ngũ, bỗng thấy từ hướng núi sâu mờ mịt, hiện ra một vầng sáng le lói đang lan rộng dần, từ từ tiến đến gần. Ngân nghi ngờ có chiến xa địch xuất hiện, anh muốn vùng dậy báo động, nhưng chẳng hiểu sao thân thể như tê liệt không ngồi dậy nổi. Muốn mở miệng gọi cũng không được, cố thử vài lần vẫn bất lực, cuối cùng chỉ đành đưa mắt nhìn. Nhưng không, từ trong vầng ánh sáng đang tiến đến gần và tỏa lớn rực rỡ như hào quang kia, bỗng xuất hiện một lão ông cao lớn, râu tóc bạc phơ, dáng dấp tiên phong đạo cốt, mặc huỳnh bào thêu hổ, đầu đội kim khôi, tay chống thiết trượng uy nghi, đang đạp mây đi về hướng Ngân đóng quân. Khi đến gần Ngân, lão ông đưa tay chỉ xuống đám mây đen đang vần vũ dưới chân, không nói nửa lời. Mây tan dần, Ngân nhìn thấy một con người cụt đầu đang quỳ mọp dưới chân ông lão, hai tay bị trói quặt sau lưng, trước ngực mang một tấm bảng nhỏ, ghi rõ hai chữ màu đỏ chói: “Trảm thủ”. Ngân chưa kịp hiểu ra sự việc thế nào thì lão ông đã quay người bước nhanh về hướng núi ngàn khuất dạng. Phất phơ trong gió lộng, Ngân còn kịp nhìn thấy phía sau lưng chiếc huỳnh bào của ông có thêu một chữ “Võ” thật lớn. Cùng lúc ấy trong không gian bỗng rền vang những âm ba dữ dội của hàng loạt bom nổ, được thả đi từ trên những chiếc phi cơ đang truy kích VC.

    Ngân bừng tỉnh ngồi bật dậy. Thì ra anh vừa trải qua một giấc chiêm bao kỳ lạ. Ngân bâng khuâng suy nghĩ, cố lý giải sự việc nhưng không thể hiểu ra được gì cả.

    Sáng hôm sau, đơn vị anh có lệnh tiến vào lục soát khu vực phi cơ đánh bom hồi đêm. Binh sĩ báo lên cho Ngân biết vừa tìm thấy một số thi thể địch quân bị bom chết. Ngân đến nơi quan sát, bỗng anh giật mình sửng sốt. Một cái xác cụt đầu, chiếc xắc-cốt đẫm máu còn đeo trên vai. Ngân chợt nhớ lại giấc mơ, anh không chần chờ ra lệnh mở ngay chiếc xắc-cốt. Bên trong, ngoài một ít đồ dùng cá nhân thì còn lại toàn là phóng đồ, hồ sơ, tài liệu mật về kế hoạch hành quân, yểm trợ, tấn công, phòng thủ, rút lui ... và một quyển nhật ký đẫm máu. Ngân mở ra đọc lướt qua và lập tức anh đã biết cái xác ấy là ai.

    Thì ra vị thần tướng họ Võ mà Ngân được diện kiến dầu chỉ là trong giấc chiêm bao, lại là vị danh tướng lừng lẫy vào hàng bậc nhất của triều đại Tây Sơn, và cũng là vị sư tổ tôn nghiêm trong môn phái của Ngân. Ngài đã hiển linh báo mộng cho anh biết trước hình thức trừng phạt đối với tên phản đồ khinh môn sát sư hung tàn kia.

    Quả là “ác giả ác báo”, điều đó thuận lẽ trời, hợp với luật nhân quả báo ứng. Còn riêng đối với Ngân, người sĩ quan Quân Lực VNCH trung hậu, đạo nghĩa, cũng đã giải quyết được một vấn đề nan giải, không trái lời thầy trối trăng, mà cũng không phụ lòng tin yêu của Tổ quốc.

    ***

    Sau ngày chiến trận Sa Huỳnh chấm dứt, người dân hiền lương, yêu chuộng hòa bình tự do, lại dắt díu nhau trở về, bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới, dưới sự bảo vệ an toàn và giúp đỡ vật chất của quân đội, chính quyền Quốc gia sở tại. Họ bắt tay làm lại tất cả.

    Ngân được đi phép thưởng hành quân. Anh dẫn chú tiểu về thăm mộ thầy và ngôi chùa nơi người sinh sống đến ngày ra đi, nay bỏ hoang phế không ai chăm nom. Tại đây, anh nghe dân làng kể lại một câu chuyện kinh dị.

    “Vào một đêm khuya, trời đầy mây u ám vần vũ. Dân làng và lính trong đồn nghe tiếng người kêu khóc ai oán, thê lương phát ra từ mái chùa bỏ hoang. Tò mò, họ hé cửa nhìn ra và thấy dưới ánh sao mờ một con người cụt đầu, mặc quân phục bộ đội bê bết máu, đang thất thểu đi về hướng ngôi mộ của vị sư già. Ðến nơi, người lính cụt đầu quỳ lạy, khóc than thảm thiết. Khoảng mươi phút sau thì biến mất. Sau đó thỉnh thoảng sự việc lại tái diễn vào những đêm âm u trăng lặn. Dân làng sợ hãi và nghĩ rằng đó là oan hồn của người lính Bắc phương hung tàn, nay ăn năn trở về xin sư phụ tha thứ những lỗi lầm oan nghiệt đã gây ra.”

    Trước hôm trở về đơn vị, Ngân và tiểu đệ sửa soạn lễ vật ra cúng thầy. Trước mộ, Ngân quỳ lạy van vái linh hồn sư phụ sớm siêu thoát về cõi Niết bàn và xin thầy từ bi độ lượng tha thứ tội lỗi cho người sư huynh sai đường lạc lối đã đền nợ máu, nay biết sám hối tội lỗi.

    Xa xa từ trong thôn xóm bình yên, có tiếng ai hò đồng vọng văng vẳng ra:

    Nước trong, nước đục tại dòng,
    Sao anh thay dạ đổi lòng ai ơi.

    (TiênSha)

    Trời trong vắt, mây lãng đãng nhè nhẹ trôi, thoảng trong thinh không nghe có tiếng gió rì rào, vi vu như linh hồn vị sư già nhân hậu đang trở về, lắng nghe lời cầu khẩn van xin của hai đứa học trò yêu quý, trung nghĩa vẹn toàn./-

    Atlanta, 2002
    TiênSha-LêLuyến



    (*) Có tài liệu gọi là đầm Nước Mặn.
    (1) Thống kê dân số năm 1972
    (2) Nẫu: người ta
    (3)Y bát: áo cà sa và chiếc bát đi khất thực hóa duyên.
    Ngụ ý là người được chọn đứng đầu môn phái.
    (4) Từ 28-1 đến 15-2-1973.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X