Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tình yêu trong chiến tranh VN

Collapse
X

Tình yêu trong chiến tranh VN

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tình yêu trong chiến tranh VN

    Khung trời mầu nhiệm

    Tặng bạn Nguyễn văn Giàu, Nguyễn văn Thịnh
    Trinh Sát 4/Sư đoàn 2BB.


    1- Mặt trời đứng bóng. Đường xuôi Nam cách quốc lộ I về hướng đông khoảng hơn 1km, núi Thiên Ấn cao 106 mét nổi bật lên như một khối hình tháp đồ sộ, vuông vức, đỉnh bằng phẳng tựa một cái ấn nằm bên tả ngạn dòng sông Trà Khúc, quả đúng như tên gọi: “Thiên hà niêm ấn” (Ấn trời đóng trên sông). Nắng như một giải lụa vàng trải dài từ dòng sông Trà lên đến tận thượng nguồn, ngang qua núi Long đầu cuồn cuộn nổi sóng, lấp loáng ngoằn ngoèo tựa như con Thần Long khổng lồ đang uốn khúc quẫy mình đùa sóng, nên người đời đặt tên là: “Long đầu hý thủy” (Đầu rồng giỡn nước). Rải rác trên sông những guồng xe đạp nước to lớn quay chầm chậm, đang chuyển động múc nước, như cuốn mây trời bất tận để dệt nên tấm lụa trắng xóa lững lờ đổ vào những dòng kênh dẫn thủy, nằm dọc theo hai bên bờ sông Trà Khúc. Xa xa, dãy Trường Sơn sừng sững xanh thẫm một màu, lãng đãng khói mây tạo thành một hành lang thiên nhiên chạy dọc theo suốt chiều dài tỉnh Quảng Ngãi, như để che chở cho một quê hương vốn có quá nhiều của quý thiên nhiên trời ban, từ danh lam thắng cảnh cho đến những đặc sản quý giá của núi rừng như: trầm hương, quế, mật ong cho đến những loại cao cấp hiếm có như: kỳ nam, ngà voi, sừng tê, nhung nai ... vốn xuất phát từ những địa danh nổi tiếng nằm dọc theo dãy Trường Sơn như: quận Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Gia Vực ...

    2- Trời tháng Tám, nắng chói chang đổ xuống mặt đường nhựa, bốc lên hơi nóng hừng hực, khiến khách bộ hành vội vã tìm chổ có bóng mát. Phố xá vắng vẻ im lìm như đang trong cơn say ngủ mùa hạ. Bỗng từ phía bệnh viện một chiếc xe Jeep quân đội chạy hối hả về hướng Ngã Năm. Khi đến Cống Kiểu, xe dừng lại đón một người đàn ông dong dỏng cao mặc thường phục, rồi xả hết tốc lực chạy về hướng Sông Vệ. Người lái xe là một quân nhân còn trẻ, trên cổ áo lính có gắn hai bông mai vàng, trước ngực mang bảng tên Ðạt. Xe chạy được một đoạn, người mặc thường phục mở lời trước:

    - Liệu có còn kịp gặp Thịnh không ông?

    - Hy vọng kịp. Trước khi đi mình có nhờ người liên lạc với Trung tâm hành quân huyện Mộ Ðức và được cho biết nơi cần phải đi đến để gặp Thịnh “nguyên soái”.

    Có tiếng thở dài và giọng nói đượm buồn:

    - Bạn bè dăm đứa ngày xưa quấn quít bên nhau như những sợi tơ trời của 6 vị thần tiên (1) trong truyện cổ tích tình yêu mà bố ông thường kể hồi còn đi học, lớn lên họ tứ tán khắp nơi nhưng ai cũng an phận và thành đạt nhất có lẽ là ông. Chỉ tội cho cô bé “vương hậu”, ai ngờ cuộc đời bất hạnh như một nhánh rong buồn mùa thu, chẳng biết trôi dạt về nơi đâu?

    Người quân nhân tên Ðạt im lặng, đôi mắt nhấp nháy sau làn kính cận, có vẻ xúc động.

    Xe chạy ngang qua vùng đất xã Tư Chánh huyện Tư Nghĩa, nơi có ngọn núi tròn trịa cân phân, đỉnh nhỏ tua tủa cây cối mang tên là Núi Bút. Dưới chân núi là một gò đất nhỏ bằng phẳng, cân đối gọi là Hòn Nghiên (Nghiên mực). Những buổi sáng có nhiều sương mù lãng đãng trên ngọn núi, đứng từ xa nhìn thấy chập chờn như hình ảnh những cây bút vẽ mây trời, đây chính là lúc rất đúng với cái tên mỹ miều: “Thiên bút phê vân” (Bút trời vẽ mây). Cách đó không xa về hướng đông, có một ngọn đồi trọc phẳng lì ở thôn La Hà, không mọc cây cối mà chỉ toàn là đá, lớn có nhỏ có, cao thấp đủ loại đủ cỡ, được bàn tay huyền diệu của tạo hóa sắp đặt thành hàng thành lối ngang dọc như một trận đồ nên được người đời đặt tên là: “La Hà thạch trận” (Trận đá La Hà).

    Xe chạy đến đoạn gần cầu Bàu Giang, đã nghe vẳng lại tiếng súng trận nổ lẻ tẻ ở hướng Thạch Trụ, quận Mộ Ðức. Hai người bạn đưa mắt nhìn nhau chia sẻ nỗi lo âu nhưng không nói một lời. Dọc theo hai bên đường, trong những căn nhà nhỏ bé đơn sơ, cất tạm che mưa nắng của người dân trốn chạy giặc cộng, bỏ làng quê ra đây tỵ nạn chờ ngày hồi cư, hiện ra những khuôn mặt chất phát đầy vẻ muộn phiền. Không khí chiến tranh như có mặt quanh quẩn đâu đây. Đến khi xe chạy vào gần thị trấn Sông Vệ thì hình ảnh chiến tranh đang diển ra rõ ràng trước mắt. Từng đoàn xe nhà binh chở đầy những người lính đầu đội nón sắt, vai mang ba lô, tay cầm súng lăm lăm, chạy nối đuôi nhau sẵn sàng vào trận. Học sinh nghỉ học, trường trung học Sông Vệ nghỉ dạy, được trưng dụng làm chỗ ở tạm thời cho người dân chạy nạn cộng sản.

    Ngừng xe bên đường, Ðạt vừa quan sát đoàn quân xa di chuyển, vừa nói với bạn:

    - Ngày hôm qua, những người lính bị thương được chuyển về điều trị tại Quân y viện Dã chiến Tỉnh kể lại rằng: “Một tiểu đoàn đặc công cộng sản thuộc chủ lực miền, đã bất ngờ tấn công các đơn vị đồn trú địa phương và uy hiếp một trại tiếp cư “Nạn nhân chiến cuộc” thuộc huyện Mộ Ðức, sau đó chúng chận đánh tất cả các đơn vị quốc gia đến tiếp viện. Hiện nay giao thông bị gián đoạn và có một số đông dân chúng đang bị kẹt trong vòng lửa đạn, Việt cộng ngăn cản không cho dân di chuyển đi nơi khác, nhằm mục đích dùng dân làm lá chắn an toàn cho chúng. Cuối cùng sư đoàn quyết định sử dụng đơn vị tinh nhuệ của Thịnh “nguyên soái” để giải vây áp lực địch”.

    Ðạt đưa tay chỉ vào chiếc xe Jeep có vẽ phù hiệu đơn vị trinh sát 4 của sư đoàn 2BB, anh nói tiếp:

    - “Lính hầu”, tháng trước nhờ ông cho tôi biết tên của đơn vị nguyên soái nên tôi mới phăng lần ra được tin tức của Thịnh. Bây giờ chúng ta đến chiếc xe kia để hỏi thăm tin tức nó.

    Khi người lính trinh sát biết trung úy Ðạt muốn gặp vị đại đội trưởng của mình, anh sốt sắng hướng dẫn hai người đến Bộ chỉ huy nhẹ đặt tại đầu cầu sông Vệ, gặp vị thượng sĩ thường vụ đại đội. Tại đây, Ðạt và người đàn ông có biệt danh “lính hầu” xuất trình giấy tờ tùy thân và trình bày rõ lý do xin gặp đại đội trưởng thì được ông thường vụ cho biết: “Nhận lệnh khẩn cấp của sư đoàn, đêm qua khi vừa đến mặt trận, vị sĩ quan đại đội phó đã chỉ huy một cánh quân mở cuộc tấn công dữ dội vào khắp các vị trí địch, mục đích thu hút lực lượng VC theo kế hoạch dụ địch, để cho đại đội trưởng Thịnh có cơ hội dẫn một toán quân trinh sát ngụy trang, bí mật đột nhập vào trại tiếp cư giải thoát dân chúng và đưa ra khỏi vùng nguy hiểm, đến một địa điểm an toàn, sau đó phối hợp với cánh quân của đại đội phó, tấn công dứt điểm các mục tiêu còn lại của địch. Sáng nay số dân may mắn được cứu thoát đã chuyển hết về trú tạm trong trường trung học Sông Vệ”. Kết thúc câu chuyện vị thượng sĩ nói:

    - Ðại đội trưởng tôi đang bận họp với quận để bàn giao các khu vực trách nhiệm, có lẻ cũng sắp xong rồi. Trung úy và ông bạn ra quán đằng trước uống nước ngồi chờ một lát, thẩm quyền về tôi sẽ báo lại ngay.

    Thị trấn Sông Vệ vốn sầm uất nhờ nằm trên quốc lộ I và thuận tiện cả đường thủy, có ngã ba thông thương với Tỉnh và các xã thuộc huyện Tư Nghĩa, Mộ Ðức, Nghĩa Hành, thế mà nay phố xá vắng vẻ đìu hiu. Một số gia đình có tiền sợ cảnh bom rơi đạn lạc nên đã sớm tản cư ra tỉnh, một số khác cửa đóng then cài, chỉ còn lèo tèo lại vài hàng quán nhỏ nghèo nàn. Ðạt tấp xe jeep vào một ngôi quán bên đường. Anh gọi hai ly cà phê ngồi chờ bạn.

    Trời vẫn oi bức, phố xá đông đúc xe nhà binh qua lại. Hai người bạn im lặng uống từng hớp cà phê, trầm ngâm nhớ lại thời kỷ niệm mật ngọt của 6 đứa bạn thân trong độ tuổi học trò hoa mộng ở quê nhà, với những biệt danh mang tính trẻ thơ ngây ngô như: Quân vương, Vương hậu, Nguyên soái, Tỳ nữ, Lính hầu, Lão bà ... để thay cho tên mỗi khi trêu cợt chơi đùa với nhau, lâu dần trở thành thói quen mỗi khi xưng hô.

    Khoảng 30 phút sau, một chiếc xe Jeep gắn hai cần ăng ten, một cái thẳng vút, một cái cong vòng, bám đầy bụi đất, đổ xịch trước quán. Người quân nhân thân hình vạm vỡ ngồi ghế trưởng xa, mang dây ba chạc, súng Colt 45, ào vào quán như một cơn lốc. Ðôi mắt trũng sâu mất ngủ, hàm râu quai nón chưa kịp cạo, lỡm chởm bao quanh khuôn cằm vuông vức ngang tàng, đang đưa mắt nhìn quanh quán tìm kiếm. Ðạt và lính hầu đứng bật dậy, cùng lúc người lính cũng vừa nhìn thấy. Cả ba ùa đến ôm chầm lấy nhau, mừng vui cảm động. Vài người lính ngồi trong quán ngạc nhiên nhìn vị đại úy đại đội trưởng trinh sát. Họ đâu hiểu rằng ba người vốn là những bạn bè thân thiết từ thưở bé thơ, vì hoàn cảnh chiến tranh họ đã xa nhau nhiều năm tháng. Thời gian mười năm, dư để những cây xanh nẩy mầm kết trái trên mảnh đất quê hương đã bị bom đạn cày xới nát tan; Thời gian đủ cho những đứa bé ngô nghê ngày xưa, hoàn tất giai đoạn trưởng thành vào đời.

    Kéo nhau trở lại bàn, Ðạt trình bày ngắn gọn nội dung câu chuyện, lý do cần thiết phải tìm gặp bạn, rồi im lặng chờ nghe câu trả lời. Vị đại úy tên Thịnh có biệt danh là nguyên soái thở dài trầm ngâm, vẻ mặt ưu tư đượm buồn. Mãi một lát sau anh mới nói:

    - Bao nhiêu năm xa cách. Từ mặt trận trở về, bất ngờ nhận được lời nhắn của hai ông, tôi mừng vui khôn xiết; Nhưng niềm vui hội ngộ chưa trọn vẹn thì lại phải xót xa bởi biết được sự bất hạnh vô cùng của vương hậu.

    Thịnh ngưng nói, anh nắm chặt tay hai người bạn cũ, bồi hồi tiếp lời:

    - Chắc chắn chúng ta phải tìm cách giúp đỡ vương hậu, đó là tình cảm cao quý, là sự thủy chung và lòng tự trọng của những con người chân chính. Ngay tối nay mình sẽ gọi điện xin phép thượng cấp và trong ngày mai sẽ đến gặp hai ông để cùng nhau bàn bạc phương án nào hiệu quả nhất để giúp đỡ cho vương hậu.

    Họ chia tay nhau sau khi đã ghi lại địa chỉ nhà Phong. Ðạt và lính hầu đứng nhìn theo nguyên soái. Có ai nghĩ rằng đứa bé ngày xưa thích chơi trò bẻ thanh tre làm kiếm, bây giờ lại là một sĩ quan tác chiến oai phong như một viên tướng trận.

    3- Mận đang lúi húi làm thức ăn đãi khách quý thì có tiếng gõ cửa, nàng chỉnh lại nếp áo rồi bước lên nhà trên. Chồng nàng cũng đi theo sau. Cánh cửa vừa mở ra, trước mắt Mận lố nhố mấy bóng người mặc đồ trận. Ðối diện nàng là một người lính cao lớn dáng vẻ phong trần, quanh cằm mờ xanh vết râu quai nón vừa mới cạo. Mận hơi lùi lại trước cái nhìn soi mói của người khách lạ. Ðột nhiên người lính bật cười ha hả, đập mạnh tay vào vai người chồng:

    - Lính hầu, thằng mắc dịch. Sao mầy không nói trước với tao Mận là...

    Mận trố mắt nhìn người khách rồi bỗng la lên:

    - Có phải Thịnh, Thịnh “nguyên soái” đó không?

    Nàng mừng rỡ, gọi vọng xuống bếp:

    - Sự ơi, Sự ơi! lên mà xem nguyên soái nè.

    - “Tỳ nữ” đừng sợ, đừng sợ. Ta chính là Thịnh nguyên soái đây. Người lính khoát tay nói đùa vui vẻ.

    Sự “lão bà” từ dưới bếp chạy lên dứ dứ đôi đũa, giả giọng nói khàn khàn của bà già:

    - Ai sợ? còn có lão bà ta đây nữa.

    Những tràng cười mừng vui bật lên giòn giã, kèm theo tiếng chào hỏi và những cái bắt tay siết chặt. Phong lính hầu kéo Thịnh và Ðạt vào nhà:

    - Vào đây, vào đây đã chúng mầy.

    Quay sang Mận, Phong giục vợ:

    - Ðã có món gì lai rai chưa em? Bọn anh chờ ông nguyên soái nầy lâu quá nên đói lắm rồi.

    Thịnh vừa cởi dây súng vừa trả lời:

    - Lính trận đang ở trong vùng hành quân mà. Tao phải năn nỉ lắm mới được ba ngày phép đặc biệt.

    Rồi quay sang người tài xế và truyền tin, anh bảo:

    - Hai thằng em mang quà vô rồi tranh thủ chạy về thăm nhà đi. Chiều tối đến đây rước anh.

    Phong vừa soạn bàn, vừa thúc bạn:

    - Lại ngồi đi chúng mầy. Mình nhậu lai rai vài sợi rồi tâm tình sau cũng không muộn. Em và vợ chồng Sự cũng ngồi vào để bắt đầu khai tiệc.

    Mận, Sự dọn món ăn lên bàn rồi kéo ghế ngồi vào bên cạnh hai ông chồng. Phong nâng ly mời:

    - Bằng hữu thâm giao không nên khách sáo. Nào chúng ta cạn ly 100% mừng ngày tái ngộ.

    Bốn người đàn ông uống cạn. Thịnh dành chai rượu rót đầy bốn ly, rồi nâng lên nói:

    - Mình mừng trễ cho hạnh phúc của các bạn, Mận tỳ nữ với Phong lính hầu và vợ chồng Sự lão bà, cầu chúc được trăm năm đá vàng. Chúc Ðạt “quân vương” sự nghiệp mỹ mãn. Quả thật là một bất ngờ lý thú và vui vẻ.

    Ðạt uống một hớp rượu rồi đặt ly trở lại bàn, khuôn mặt anh trầm tư. Sự giục mọi người cầm đũa rồi nàng quay qua nói với Thịnh:

    - Ðạt quân vương lo lắng cho bệnh tình của vương hậu quá nên không được vui. Bây giờ chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện của vương hậu.

    Mọi người gật đầu đồng ý. Sau đó Mận tỳ nữ bắt đầu câu chuyện. Trong không khí im vắng của buổi trưa hè, tiếng kể chuyện của cô gái thật khẽ khàng và ướt sũng xúc động, tựa hồ như dẫn dắt đám bạn thân năm xưa trở về với chuỗi năm tháng ấu thơ vô tư, đầy hoa bướm mộng mơ ở tại quê nhà ...
    -----
    ... Dòng họ ông Phúc mấy đời lập nghiệp ở xã Ðức Phú, huyện Mộ Ðức. Từ những mảnh đất bạc màu thường xuyên thiếu phân khát nước, họ cần cù kiên nhẫn chịu khó chịu khổ, thức khuya dậy sớm, lao động quần quật bốn mùa, chăm bón tưới tiêu để cải tạo thành những thửa ruộng cao sản, những mảnh vườn sum suê cây trái tốt tươi. Cứ thế, những giọt mồ hôi muối mặn của họ nối tiếp nhau nhiều đời đổ xuống mảnh đất cằn cỗi, để thế hệ mai sau được no ấm đầy đủ. Dần dà rồi việc làm ăn cũng khá hơn. Họ bỏ tiền mua phân bón, áp dụng phương pháp canh tác khoa học, đầu tư vào máy bơm nước Kohler và huy động bà con nông dân ra công sức đào mương dẫn thủy nhập điền, lấy nước từ hồ Mạch Ðiểu tưới tiêu theo nhu cầu cho đồng lúa, nương vườn. Ðến đời ông Phúc thì gia sản đã vững vàng trông thấy, họ có cả những phần đất trên cánh đồng Ba Gò, Hành Thịnh phì nhiêu, vốn là vựa lúa chính của cả tỉnh Quảng Ngãi. Bà con dân làng Phước Thuận cũng dự phần ổn định được đời sống vật chất; Họ mang ơn gia đình ông Phúc đã ra tay giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn, để sớm ngày được thoát cảnh bĩ cực lam lũ, vất vả quanh năm vẫn không ăn no mặc ấm. Ông Phúc ra đời được mang một cái tên rất có ý nghĩa, để ghi nhớ công đức của dòng họ đã gầy dựng nên cơ nghiệp.

    Ông Phúc trưởng thành, lấy vợ là người làng Mỹ Hưng huyện Nghĩa Hành. Quê vợ nằm cạnh vùng đất được ví von là “cánh đồng vàng Ba Gò” nên ông Phúc dời về sống ở quê vợ cho tiện việc coi sóc điền thổ cao sản; Phần ruộng vườn ở xã Ðức Phú huyện Mộ Đức, ông nhường hết lại cho vợ chồng cô em gái. Ông bà Phúc chất phác hiền lành, có tính thương người nên bà con làng xóm ai ai cũng yêu mến. Họ hiếm hoi chỉ sinh được mỗi một cô con gái đặt tên là Hiền. Giống như tên, cô bé đẹp người đẹp nết, hiền hậu hiếu thảo, không kiêu căng kênh kiệu như những cô gái con nhà giàu khác, nên đám học trò cả nữ lẫn nam, thường tìm đến làm bạn với Hiền.

    Thưở đó cả bọn rất thích chơi trò diễn tuồng trên cái sân rộng lát gạch đỏ, cạnh cây bông gòn của nhà ông Phúc. Vào những đêm trăng sáng, bọn trẻ gồm ba trai ba gái, thường dựa theo những câu chuyện cổ tích được thầy giáo làng kể, để đóng tuồng. Khi phân vai, Hiền thường được các bạn cho giữ vai “Vương hậu” và luôn luôn đóng cặp đôi với thằng Tèo mập - con ông thầy giáo, cậu bé có vẻ ngoài đạo mạo như một người lớn, rất thích hợp với vai “Quân vương”. Còn con Mận, con Sự thì đóng vai “Lão bà” hay “Tỳ nữ”. Thằng Tí Mèo người cao lòng khòng và nhanh như sóc, thường được giữ vai “Lính hầu”. Sau chót là thằng Bé Bự, con ông xã trưởng, thân hình to lớn dềnh dàng oai vệ, thích tước bẹ chuối khô cuốn quanh lưng rồi cài vào bên hông một thanh tre dài làm kiếm, được phân vai làm “Nguyên soái”.

    Buổi chiều tan học về là cả bọn kéo nhau ra bãi dâu hay lên gò nổng tìm bẻ hoa dại về gắn lên vỏ trái thanh trà đội trên đầu làm mão. Tèo mập vai vua, trèo hái trái gòn bóc lấy những nhúm bông trắng nõn bên trong dán lên mão để có vẻ uy quyền khác người. Bé Bự bẻ nhánh bông lau dài thay lông chim trĩ gắn lên mão làm nguyên soái. Tí Mèo, Mận, Sự tính lè phè dễ dãi nên nhóm trang điểm sao cũng xong, phân công vai gì cũng được. Riêng Hiền, cá tính cô bé rất thích những chùm hoa đùng đình màu vàng tươi rực rỡ, mọc kết thành chuỗi dài cỡ hai gang tay, bẻ xuống buộc quanh lên nẹp tre được uốn cong thành hình bán nguyệt và gắn những hạt bi thủy tinh trong suốt như ngọc để làm vương miện hoàng hậu. Ðội cái vương miện thô sơ lên đầu, cô bé trông xinh ra hẳn, khuôn mặt rực rỡ, đôi mắt long lanh ướt át đầy vẻ thích thú... Có người bảo rằng đôi mắt cô bé bao giờ cũng như mọng nước, đó là dấu hiệu báo trước của cuộc đời truân chuyên, phong ba.

    Tuổi ấu thơ của Hiền trôi qua thật êm đềm, hạnh phúc với năm tháng sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và đám bạn hiền bé nhỏ thân thiết với cả một khung trời ngập tràn hoa và bướm. Cứ thế, lũ chúng bạn sáu đứa cứ gọi nhau là Quân vương, Vương hậu, Nguyên soái, Tỳ nữ, Lính hầu, Lão bà ... lâu dần trở thành thói quen. Mãi đến khi đã trưởng thành, nhưng cứ mỗi lần gặp nhau họ vẫn âu yếm gọi đùa với nhau một cách thân thương như ngày xưa vậy.

    Năm Hiền lên mười, niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi cha mẹ nàng có thêm một đứa con trai nối dõi tông đường. Lúc nầy thì ông bà Phúc tuổi đã xấp xỉ bốn mươi. Họ đặt đứa bé tên Cầu để ghi nhớ những năm tháng chuyên cần đi cầu tự. Kể sao cho hết nỗi mừng vui, nhất là với Hiền, cả ngày lẩn quẩn bên em, ẵm bồng, cho bú, thay tã lót... việc gì cũng tranh làm như một người lớn đảm đang, quên cả cuộc vui chơi với chúng bạn.

    Đến năm bé Cầu sáu tuổi, Hiền phải ra tỉnh học tiếp chương trình trung học. Cô bé tuổi mười sáu cắp sách đến trường mà bụng dạ thì cứ nôn nóng, mong chóng đến cuối tuần để về với em bé và đám bạn cũ ngày xưa. Nàng thương chìu em lắm, cái gì cũng dành cho bé Cầu, cả cái vương miện mà nàng rất ưa thích. Cuối tuần vú nuôi đưa Hiền về thăm nhà bằng tàu lửa. Ðến ga Lâm Ðiền hai bà cháu xuống tàu, hôm nào khỏe thì lội bộ ghé chợ Vom mua sắm, rảo thăm người quen, hay nhởn nhơ nhìn ngắm thiên hạ; Hôm nào mệt thì xuống thuyền ngược dòng sông Cùng, dập dìu sóng nước ngang qua đập Bến Thóc thì còn cách nhà chẳng bao xa. Vừa bỏ túi xách xuống là cô gái đã quấn quít bên em. Thằng bé cũng mến chị, chập chững chạy theo sau không rời nửa bước, bi bô tập ăn tập nói trong vòng tay chăm chút yêu thương của Hiền.

    Phải như dòng đời cứ êm ả bình lặng trôi qua thì hạnh phúc biết mấy và cũng chẳng có gì để oán trách, nhưng số mệnh nghiệt ngã đã bắt đầu đến với dân làng từ lúc những kẻ trên núi mang mã tấu súng đạn về gieo rắc đau thương, điêu tàn. Họ nhân danh cách mạng, vì dân tộc, vì tổ quốc đứng lên đánh đuổi bạo quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ. Cuộc sống của người dân bị khuấy động và đe dọa bởi những buổi học tập chính trị, ủng hộ nuôi quân giải phóng, phê bình kiểm điểm, lên án địa chủ … những lần vô cớ bắt người dẫn đi mất tích, và thủ tiêu đẫm máu ... cứ diễn đi diễn lại. Quân đội Cộng hòa mở cuộc hành quân tảo thanh thì họ lại quên hết những gì đã cam kết trước đó, cuốn gói chạy trốn lên núi, nhưng khi lính rút đi hết thì họ lại quay về. Và cứ như vậy cuộc sống của người dân lâm vào thế khốn cùng, nơm nớp lo âu sợ hãi.

    Quân đội miền Nam lúc bấy giờ không muốn chiến tranh bành trướng, nên chưa tận dụng nhân lực để có đủ quân số dàn trải ra bảo vệ lãnh thổ, giữ vững cuộc sống bình an cho người dân, nên chi một số gia đình quốc gia đành phải gạt nước mắt rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Gia đình thầy giáo, cha của Đạt “quân vương” là những người đầu tiên lên đường vào Nam lánh giặc. Kế đó là gia đình ông xã trưởng, Thịnh “nguyên soái” giã từ đám bạn thưở ấu thơ với nỗi lòng bịn rịn và những giọt nước mắt tiễn đưa của đám trẻ quê. Không lâu sau đó Sự “lão bà” lập gia đình sớm, theo về quê chồng ở tận ngoài huyện Bình Sơn. Ðám bạn hữu ngày xưa chỉ còn lại một nửa, nhưng rồi cuối cùng Phong “lính hầu” cũng phải ra đi vì nạn bắt người sung quân bừa bãi của mấy ông cách mạng địa phương. Từ đó đám “lục hữu” tứ tán khắp nơi, bặt tin tức, mất liên lạc. Quê nhà chỉ vỏn vẹn còn lại hai nhỏ bạn gái là Mận “tỳ nữ” và Hiền “vương hậu”, vẫn thường thăm viếng nhau và nhắc lại đám bạn cũ, chuyện xưa. Cứ thế thời gian dần dà trôi qua. Hiền bây giờ đã là cô gái bước vào tuổi mười chín mơn mởn xinh đẹp, đang theo học năm cuối của chương trình trung học đệ nhị cấp trường tỉnh. Cho đến một ngày ...
    -----
    ... Bản chất vốn hiền lành, thật thà nên suy nghĩ của ông bà Phúc cũng mộc mạc, giản dị không lươn lẹo trí trá như bọn người mệnh danh nầy, nhân danh kia mà hành động thì gian ác, độc hiểm còn hơn cả loài sài lang, ác thú. Cứ nghĩ mình là người nông dân làm ăn lương thiện, không tham gia đảng phái, chính quyền hay quân đội quốc gia, không nhiễu hại dân lành và sẵn sàng đóng góp theo những đòi hỏi yêu sách của cách mạng thì chẳng có chi phải lo lắng. Tuy nhiên cuộc đời vốn đa dạng, con người thì muôn mặt, túi tham thì vô tận, không phải ai ai cũng suy nghĩ đơn thuần như ông bà Phúc. Từ lâu cộng sản đã để ý dòm ngó đến gia sản ức vạn của ông, nhưng sở dĩ chúng chưa đả động gì đến là có ý lần lữa đợi chờ qua những lời gợi ý bóng gió của bọn bám trụ nằm vùng, hy vọng ông sẽ giác ngộ tự nguyện dâng hiến. Chúng tin chắc rằng phải có kết quả. Người dân lành ai mà không sợ bắt cóc thủ tiêu, muốn được yên thân? Nhưng đợi mãi hoài công, nên chúng quyết định “tiên hạ thủ vi cường”.

    Buổi chiều, đợi khi trung đội Nghĩa quân rút hết về trong đồn đóng tại ấp Ba Bình, Việt cộng bắt đầu thực hiện thủ đoạn. Chập choạng tối, khi đám trẻ mục đồng chấm dứt những trò chơi vô tư, rời thảo nguyên mượt mà cây cỏ, ngất nghểu trên lưng trâu trở về làng. Nhà nhà đã lên đèn, sắp sửa quây quần bên mâm cơm tối trong làn gió mát mùa hạ, thoang thoảng hương thơm mùi lúa tháng ba vừa trổ đòng đòng. Tối xuống chậm, cảnh hoàng hôn nơi thôn dã thật êm đềm, chan chứa tình quê hương, tình người nếu như không có sự hiện diện của những con người từ rừng sâu núi thẳm mang tai ương, hận thù lũ lượt kéo về. Ðêm nay họ về đông hơn mọi khi, nghe đâu có cả chủ lực huyện và tỉnh ủy gì đó. Sau khi rải quân bố phòng cẩn mật, du kích địa phương và những tên bám trụ bắt đầu tỏa ra khắp thôn xóm, loa gọi dân làng tham dự mít tinh. Cả ngày vất vả với công việc đồng áng, mong tối về xúm xít với gia đình rồi ngả lưng dành sức để ngày mai tiếp tục ra đồng lao động, thế mà cũng không được yên thân, đành phải trở dậy đi theo lời thúc hối nếu không muốn bị ghi tên vào sổ đen hay bị để ý trả thù. Bao nhiêu năm bầm giập với cách mạng, làm sao người dân ở đây không biết được cái ranh giới mờ mờ ảo ảo giữa các thành phần giai cấp. Khi cần, thành phần ấy là bạn, khi hết cần cũng chính thành phần ấy lại đổi thành thù, dễ như chơi.

    Khác với mọi lần, tối nay du kích hướng dẫn dân làng đi về hướng thôn Ðồng Xuân. Ai ai cũng ngơ ngác phân vân, im lặng lầm lũi bước theo, lòng hoang mang lo âu. Mãi khi vào đến sân nhà ông bà Phúc thì mọi việc mới được phơi bày rõ ràng. Quả vậy, bi kịch thảm khốc, bất công của tấn tuồng “cải cách ruộng đất” đẫm đầy máu lệ vào thời điểm 1955 tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã cô lập, bỏ đói và giết chết hàng triệu người dân lành vô tội Việt Nam, được tái diễn rập khuôn, bài bản ngay trên phần đất miền Nam, tại sân nhà ông bà Phúc bắt đầu.

    Tên Thận, một tay du thủ du thực nghiện rượu, siêng ăn nhác làm, nghe đâu đã có lúc đi lính quốc gia nhưng lại đào ngũ trốn về làng; Có vợ nhưng rồi bị vợ bỏ, sống lang thang từ làng nầy đến làng khác, hết mùa nầy qua mùa khác, chỉ rong chơi và ăn uống chực. Ðã có một thời gian được ông bà Phúc cho giữ máy xay lúa, thì ăn cắp lúa đổi lấy rượu thịt; Canh rẫy mía thì bẻ trộm đem đi bán. Mọi nhà ai ai cũng kiềng mặt không dám thuê mướn. Bị ông Phúc cho nghỉ việc nên tên Thận đâm ra thù oán, ghim sâu trong bụng chờ cơ hội trả thù.

    Rồi thời cơ đến. Từ lâu, cộng sản chủ trương chọn những kẻ bần cố nông ngu dốt, đầu óc bệnh hoạn, lòng đầy hận thù như tên Thận, để dễ bề sai khiến. Họ bảo đó là những con người đại diện cho giai cấp vô sản cốt cán, được vinh danh là tầng lớp điển hình của chuyên chính cách mạng, dám hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân.

    Cộng sản mưu đồ thành lập một khối liên minh, liên kết lại tất cả những thành phần được chúng phân loại là nghèo, không có ruộng đất phải đi làm thuê hay bất mãn chính quyền miền Nam, để tiêu diệt và gieo rắc thảm họa lên đầu những lương dân có ruộng đất và yêu ruộng đất như chính tình yêu của máu thịt mình. Họ nhờ cần cù, tiết kiệm nên đã tạo dựng lên được một mái nhà, một đàn trâu, năm ba mẫu ruộng, vài mảnh vườn mà bị VC gán ghép vào tội địa chủ phú nông bóc lột, để một ngày bị đưa ra hành xử tàn bạo như ông bà Phúc hôm nay.

    Tai họa bất ngờ giáng xuống khi tên Thận ngồi chồm hổm trên ghế chủ tọa, đập bàn quát lớn:

    - Lão Phúc, mầy có biết tao là ai không?

    Dân làng thấp thỏm lo âu. Họ cũng biết rõ, trước khi đem ai đi giết phải xử án, trước khi xử án phải có màn đấu tố, để tỏ ra tính dân chủ. Và không ai còn lạ gì thứ sách lược dân chủ nhân dân giả hiệu của bọn đao thủ cộng sản cuồng tín, ngu xuẩn và hiếu sát.

    Hai vợ chồng già bị bắt quỳ gối trước sân nhà của mình. Bé Cầu khóc thét, khiếp sợ giống như cha mẹ nó, như nhiều người khác đã khiếp sợ vào lúc đó. Trước mắt hai người là đám đông bà con dân làng, bị bắt buộc phải đến ngồi chung quanh, đuốc được đốt lên sáng rực trên tay những tên du kích đi qua đi lại nhìn ngó soi mói, hầm hè. Họ có nhiệm vụ ngồi nghe những lời đấu tố và bắt buộc phải hưởng ứng “đả đảo địa chủ” cùng với nắm tay giơ cao kèm theo lời tiếp theo “đả đảo, đả đảo”. Trong tiếng hô miễn cưỡng của đám dân làng, hẳn nhiên không ít những tiếng hô lớn để che lấp cơn sợ hãi đang âm thầm bộc phát. Cũng như ông bà Phúc, họ đang chênh vênh bên bờ vực tai họa, chỉ cần một lời tố cáo điêu ngoa, họ dễ dàng rơi từ địa vị người ngồi đấu tố xuống hố thẳm tội lỗi của kẻ bị đấu tố. Án chết đang treo lơ lửng trên đầu, biết đâu một ngày nào đó họ không chỉ là kẻ mang tội địa chủ phú nông, mà còn mang nhiều thứ tội phản dân hại nước ghê gớm khác nữa? Tha hay giết, bao giờ cách mạng cũng đúng cả, đó chính là “chân lý” của đảng cộng sản xưa nay. Do vậy, những tiếng thét gào của họ không chỉ là bị bắt buộc phải làm trước những cặp mắt cú vọ, mà còn là một phương pháp tự trấn tỉnh tinh thần mình một cách cầu an thấp hèn, cái thấp hèn tầm thường mà những con người vốn hiền lành, nhu nhược khó tránh khỏi khi gặp phải những cơn phong ba phũ phàng bất trắc của cuộc đời.

    Ðêm hôm đó VC lập biên bản tịch thu ruộng đất, tài sản của nhà ông Phúc sung vào quỹ cách mạng rồi đưa ông Phúc ra cánh đồng, nơi những vạt lúa xanh rì phủ kín mặt ruộng. Chúng trói quặt hai tay ông ra đằng sau rồi bắt quỳ gối, đóng cọc ngay trên thửa ruộng của ông, sau đó kéo nhau bỏ đi. Bà con dân làng thầm mừng cho ông Phúc, tuy bị mất tài sản nhưng được thoát nạn xử chết. Bà Phúc được tha ở lại nhà với đứa con trai út.

    Tờ mờ sáng hôm sau, lúc những người nông dân vừa thức dậy lo cơm nước, chuẩn bị ra đồng thì thình lình một tiếng nổ dữ dội phát ra từ phía đồng Ba Gò, nơi ông Phúc bị đóng cọc phơi sương suốt đêm qua. Dân làng nháo nhác không biết chuyện gì xảy ra, khi chạy đến nơi thì mới hay sự việc cụ thể quá đỗi đau lòng.

    Thương chồng bị ức hiếp, thân già mắc nạn phải gánh chịu nỗi nhục nhã lẫn tai ương sương gió lạnh lẽo đêm trường, nên bà Phúc đợi lúc chúng rút đi hết rồi mới lén ra mở trói cho chồng. Cứ những tưởng ông Phúc may mắn được xử án nhẹ, ai ngờ chúng thâm độc vô cùng, âm mưu gài lại lựu đạn trước khi bỏ đi, rồi đổ tội là của lính quốc gia gài mà không gở. Bà Phúc bị vướng phải, nổ chết ngay tại chỗ. Bé Cầu được mẹ cõng trên lưng cũng bị thương nặng. Ông Phúc bị trói quỳ gần đó cũng lãnh vào người nhiều mảnh đạn nguy hiểm, hôn mê bất tỉnh. Dân làng cảm thương vợ chồng ông Phúc ăn ở tình nghĩa nhân hậu, nên xúm lại giúp đỡ thuê xe chở hai cha con ông ra bệnh viện cứu chữa và đưa thi hài bà Phúc vào quàn tạm trong nhà, chờ nhắn tin cô con gái lớn ở tỉnh về.

    Hiền được Mận từ quê tất tả ra báo hung tin khi tiếng kẻng báo hiệu vào lớp buổi sáng vừa ngân vang...
    -----
    Nghĩa trang bây giờ mọi người đã ra về hết, chỉ còn lại mỗi mình Hiền ngồi lặng lẽ cô đơn gặm nhấm nỗi đau mất mẹ. Ngôi mộ mới phủ đầy hoa trắng trong buổi chiều nắng xế thật ảm đạm. Con đường đất ngoằn ngoèo, lồi lõm giữa những hàng bia mộ cũ, mới, cao, thấp, bằng đá, bằng gỗ ... lẫn lộn lung tung, không hàng không lối, như nỗi lòng cô gái ngổn ngang trăm mối. Mẹ đã ra đi, vĩnh viễn lìa xa không thể hồi sinh. Người chết đã mang theo cả một trời yêu thương ngọt ngào đằm thắm lẫn sự tin yêu trìu mến của đấng mẫu từ. Cô gái ôm mặt nấc lên từng hồi nức nở. Cõi đời bơ vơ chỉ còn lại mỗi mình nàng với gánh nặng của cha và em đang thập tử nhứt sanh trong bệnh viện. Bên cạnh gần đó, một cô gái khác cũng nước mắt đầy vơi, đang lặng lẽ khóc cùng với bạn. Ánh chiều tà xám xịt trùm lên bãi tha ma u tịch một màu rờn rợn. Cỏ cây xao xác, trời tối dần... Mận rời chỗ đi đến đặt tay lên vai bạn. Không gian tĩnh mịch bỗng có tiếng chim cú mèo thét ré lên vang dội bên tai. Hai người bạn thưở bé thơ giật thót mình, ôm choàng nhau khóc mùi mẫn.
    -----
    Hậu quả của việc làm giết người ác độc kia đã đẩy cô gái ngây thơ vào một khúc quanh định mệnh oan nghiệt. Hiền phải bỏ trường lớp, bỏ thầy cô bạn hữu, một thân một mình cô đơn chống chọi với nỗi đau đứt ruột và gánh trách nhiệm nặng nề đối với cha, em trên vai.

    Ông Phúc vẫn chìm sâu trong cơn mê man như bất tận. Một mảnh lựu đạn đục sâu vào sọ, chạm đến vùng thần kinh não bộ đã làm ông ói mửa liên miên, đau đớn lăn lộn vật vã mỗi khi tỉnh giấc.

    Ðứa con trai tám tuổi bị nhiều mảnh lựu đạn, được giải phẫu cấp cứu ngay từ khi mới nhập viện. Tất cả đã lấy ra an toàn, chỉ trừ một mảnh nhỏ nằm ở phần cột sống thì vô phương. Tuy các bác sĩ không nói ra nhưng Hiền biết rằng y học hiện đại cũng không thể làm gì tốt hơn, và điều đau đớn vô cùng là bé phải chịu cảnh bại liệt suốt đời. Thương cha, thương em nàng gắng gượng phấn đấu để chạy chữa điều trị, hy vọng một ngày gặp được phép mầu. Hàng tháng nàng về quê thăm mộ mẹ, van vái cầu xin hồn mẹ linh thiêng phù hộ cho cha và em qua khỏi cơn đau hiểm nghèo, rồi đong gạo, lấy tiền tiếp tục ra tỉnh làm bổn phận đứa con hiếu thảo. Công việc nhà Hiền không màng gì đến, ủy thác hết cho bà vú và ông quản gia trông coi.

    Nhưng rồi việc gì đến cũng phải đến. Gần một năm tận lực chạy chữa, ông Phúc cũng chẳng khá gì hơn. Ðến một ngày, sau liên tiếp những cơn đau dữ dội, ông trối trăn lại với con gái mấy lời đứt quãng rồi qua đời:

    - Cha thương con côi cút một mình ... Con ở lại ráng lo cho em ... tội nghiệp con tôi quá ...

    Hiền rũ xuống như một thân cây mục, không còn đủ sức sống để chống chọi cảnh bất hạnh của cuộc đời. Nàng hoàn toàn cô đơn trên cõi trần. Bạn bè xưa, nay chỉ còn mỗi mình Mận “tỳ nữ” và Phong “lính hầu”, đang dạy học ở Tư Nghĩa, thỉnh thoảng chạy đi chạy về, san sẻ nỗi buồn với Hiền. Bà cô ruột ở Sài Gòn về chịu tang anh cả vài ngày, rồi lại vội vàng trở vào Nam. Căn nhà ngói ba gian rộng thênh thang, nay bỗng lạnh lẽo vô cùng.

    Bé Cầu èo uột như một đứa trẻ suy dinh dưỡng trầm trọng. Thức ăn, thuốc uống bồi bổ vẫn không giúp cho bé khá hơn, ngược lại càng ngày càng teo tóp, chỉ luôn miệng khóc lóc đòi cha đòi mẹ, đến lúc mệt quá thì lăn quay ra ngủ. Hiền nhìn đứa em đang tàn tạ dần mà đành chịu bó tay, nên lòng đau như dao cắt. Duy nhất trên đời, Hiền chỉ còn lại mỗi mình bé Cầu, nên tất cả tình yêu thương, nàng dành hết cho đứa em tật nguyền. Hiền chăm sóc bé như một bà mẹ đảm đang còn rất trẻ hết lòng thương yêu con. Nàng nâng niu em như đang giữ gìn một giấc mơ tuyệt đẹp, chỉ sợ nó tan biến mất đi lúc nào không hay.
    Những lúc buồn khổ tuyệt vọng quá, tưởng chừng như cạn kiệt hết cả sức chịu đựng, nàng thường thơ thẩn một mình ra mộ cha mẹ để tìm kiếm lại một chút nghị lực và sự an ủi ấm lòng. Chiều trên cánh đồi mộ địa sao hoang lạnh, hiu hắt và ảm đạm quá.

    Sức khỏe mong manh của bé Cầu chỉ kéo dài được hơn một năm thì em theo về với cha mẹ. Thế là hết, Hiền đã tiễn đưa núm ruột cuối cùng đến đoạn kết của cuộc hành trình mà điểm đích là sự chấm dứt cuộc đời - Chết.

    Sau khi chôn lẻ sống cuối cùng của đời mình dưới ba thước đất, Hiền cũng quỵ xuống, nước mắt chan hòa lẫn với mưa tuôn và từ đó, không ai có thể rứt nổi được nàng ra khỏi phần mộ đứa em yêu dấu. Bà vú, ông quản gia và Mận, Phong bất lực, nên đành phải thay phiên nhau canh chừng Hiền. Một rồi hai, ba ngày, cơm nước vẫn không hề suy suyển. Giữa lúc xóm làng đang lo âu, chưa tìm ra giải pháp nào khả dĩ cứu nguy, thì Hiền bỗng biến mất. Nàng tự ý rời bỏ nghĩa trang đi biệt tích. Bà con nhốn nháo lo sợ, chia nhau tìm kiếm khắp nơi. Nhưng, ngày lại ngày qua vẫn bóng chim tăm cá ...

    4- Mận sụt sùi khóc, xúc động làm nàng nghẹn lời. Sự ôm mặt nức nở. Ba người đàn ông ngồi im như hóa đá. Không khí trầm lắng nặng nề. Đau thương giông bão cuộc đời họ đã từng có lúc nếm qua, nhưng nghịch cảnh trái ngang tột cùng của người bạn gái bé nhỏ thưở ấu thơ quả là quá sức chịu đựng.

    Mặt Ðạt tái đi, hai tay run rẩy ôm lấy đầu, không nói được nửa lời. Thịnh “nguyên soái”, người lính chiến nhiều năm xông pha trận mạc, chưa hề biết run sợ trước nỗi đau và cái chết, đôi mắt bỗng như toé lửa, khuôn cằm bạnh ra, răng nghiến chặt, đè nén hận thù. Anh thẫn thờ, buồn bã nhìn ra khung cửa sổ để che dấu xúc động. Một đôi chim non đang âu yếm rỉa lông tình tự vô tư ...

    Phong tiếp lời vợ, kể nốt câu chuyện dang dở:

    - “Vợ chồng mình cùng người quen, chia nhau lùng sục tìm kiếm khắp cả vùng Thị tứ, bệnh viện, chợ, trường học, chùa, ga xe lửa ... nơi nào có chút liên quan đến vương hậu là có mặt bọn nầy. Mình làm đơn nhờ cả cơ quan cảnh sát, thông tin, loan báo trên đài. Thế nhưng đã ba tháng qua vẫn chẳng có tung tích gì cả. Mệt mỏi, bất lực và thất vọng, đã có khi mình nghĩ lẩn thẩn, có bao giờ Hiền cuồng trí dại dột tìm đến cái chết, nhưng rồi lại vội gạt nhanh ý nghĩ ghê rợn khủng khiếp đó đi.

    Cho mãi đến gần đây, khi người dân đồn đãi có một vị sư già linh mẫn thông tuệ, vân du đến chùa Thiên Ấn hành đạo cứu đời. Mận rủ mình thử đi cầu may và tình cờ lần đó gặp cả vợ chồng Sự cũng đến chùa. Chúng mình thành tâm lễ Phật, khấn nguyện và gieo quẻ xin được một lá xăm có đề hai câu thơ:

    “Nhơn mã bất tri hà xứ khứ,
    Huyết y trường dữ thử bi lưu.”

    Đọc quẻ xăm, cả bọn ngẩn ngơ không hiểu ý thơ ám chỉ điều gì. Chờ mãi mới đến lượt được diện kiến vị sư già và sau khi xem quẻ xăm, người đã giải thích rõ ràng. Lão sư nhắc lại giai thoại lịch sử của một vị tướng tài tên là Bùi tá Hán, gốc người Châu Hoan Nghệ An, làm quan đến chức Bắc quân Ðề đốc Chưởng Phủ Sự đời vua Lê Anh Tông, đã có công đức rất lớn với Quảng Ngãi trong công cuộc bình giặc Chiêm và đánh tan giặc Ðá Vách, Thạch Bích. Trong trận cuối cùng tại Rừng Lăng, lúc giặc Thượng bị ngài đánh tan tành thì cũng là lúc người và ngựa của vị tướng bỗng biến mất, chỉ lưu lại một mảnh nhung bào điểm huyết. Tương truyền rằng ông đã hiển thánh.

    “Người lẫn ngựa đi đâu không biết,
    Linh còn truyền điểm huyết áo nhung.”

    Vị sư kết luận, quẻ xăm ứng vào hai câu thơ ngụ ý cho biết sự việc có thần nhân phò trợ và điều gì khách đang bận tâm lo nghĩ, sẽ xuất hiện ngay tại Rừng Lăng.

    Mình không mấy tin vào chuyện huyễn hoặc, mê tín nhưng hai người đàn bà thì cứ thúc hối bên lưng. Vợ chồng Sự gởi con cho ông bà nội, rồi vô nhà mình ở mấy hôm để tiện việc tìm kiếm Hiền. Nghe theo lời vị sư, chúng mình tập trung hỏi thăm người dân khắp khu vực Rừng Lăng, nhưng đã ba ngày trôi qua vẫn không có chút manh mối nào.

    Ngày thứ tư. Sau bửa cơm trưa, vợ chồng Sự dự định trở về Bình Sơn để đón con và tiếp tục công việc buôn bán. Đang chuẩn bị lên đường, thì bất ngờ nghe trên radio của đài phát thanh địa phương, đọc bản tin buổi trưa thông báo là: “Cảnh sát vừa chuyển vào bệnh viện một cô gái trẻ mất trí, bị đơn vị phòng thủ phi trường dã chiến tại Rừng Lăng bắt giữ, khi đi vào khu vực cấm”.

    Bốn người bạn tức tốc đi đến nơi thì quả đúng là Hiền, nhưng tiều tụy, hốc hác, bơ phờ và bẩn thỉu, đôi mắt trủng sâu với cái nhìn dài dại, trơ lạnh vô cảm. Vương hậu ngồi lặng lẽ trong góc phòng, nói cười lảm nhảm một mình, vô hồn vô thức, nhìn đám bạn hữu hờ hững, xa lạ. Mận, Sự thương bạn quá không kềm được lòng bật khóc nức nở. Nghe tiếng khóc, đôi mắt đờ đẫn của Hiền chợt một thoáng giao động, rồi bất ngờ nàng hớt hải vùng lên bỏ chạy.

    Sau khi làm thủ tục với cảnh sát để nhận người nhà, chúng tôi phân công vợ chồng Sự chạy Honda về trong quê báo tin cho ông quản gia và bà vú biết; Vợ chồng mình lo cơm nước cho Hiền ăn xong, rồi đi đến Quân y viện tìm người anh họ làm y tá lâu năm trong quân đội, để xin ý kiến về phương pháp chạy chữa cho vương hậu.

    Khi đến Quân y viện. Gởi xe xong vừa bước khỏi cổng kiểm soát, mình vội kéo Mận tránh qua một bên, nhường đường cho chiếc xe Jeep vẽ phù hiệu trinh sát, đang từ bên trong chạy ào ra. Nhìn người sĩ quan ngồi ghế trưởng xa, hai vợ chồng mình bỗng giật mình, kêu lên thành tiếng. Rõ ràng là Thịnh “nguyên soái”. Bao nhiêu năm bặt tin, nay bất ngờ gặp mặt Thịnh, tuy có đổi thay nhiều nhưng mình vẫn không thể nhầm lẫn được, cả Mận cũng nghĩ như thế. Vợ chồng mình nhìn theo xe nuối tiếc. Giá như có Thịnh bây giờ thì hay biết mấy. Ðến khi gặp ông anh, mình vui miệng kể lại câu chuyện vừa xảy ra thì ảnh xác nhận người đó đúng tên là Thịnh, bị thương nhẹ, vừa nằm ở đây mới xuất viện về lại đơn vị.

    Chiều hôm đó Sự cùng với bà vú nuôi ra đến, mình đi đón người anh quân y, rồi tất cả cùng vào thăm Hiền. Vẫn vóc dáng nhỏ bé mong manh, ánh mắt xa xăm ngây dại, khuôn mặt đờ đẫn, vương hậu nhìn mọi người dửng dưng xa lạ, cả bà vú nàng cũng không còn nhận ra. Sau khi quan sát Hiền, ông anh khuyên mình nên tìm những bác sĩ chuyên khoa để điều trị và ông hứa sẽ giới thiệu một vị vừa tốt nghiệp khoa thần kinh học, mới thuyên chuyển về Quân y viện được vài tháng nay.

    Rồi không biết lời vị sư linh nghiệm hay do sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà người bác sĩ trưởng khoa thần kinh được ông anh giới thiệu lại chính là Ðạt, là thằng Tèo mập đóng vai quân vương ngày xưa bé thơ”.

    Phong ngừng nói rồi nhìn Ðạt, tỏ ý nhường lời lại cho bạn. Ðạt chậm rãi lau đôi kính trắng, anh từ tốn nói như tâm tình:

    - “Ngày ấy chia tay với các bạn, rời bỏ quê hương mình theo gia đình vào Nam tiếp tục việc học. Bao nhiêu năm miệt mài đèn sách, cuối cùng gặt hái được ước mơ trở thành bác sĩ khoa thần kinh học. Ðất nước chiến tranh, do đó các bác sĩ đã thi hành nghĩa vụ vào trường quân y. Sau khi mãn khóa mình tình nguyện trở về phục vụ tại quê nhà, mặc dầu ông bà cụ không mấy hài lòng. Mình muốn trực tiếp chia sẻ những nỗi đau của đồng bào, hàn gắn những vết thương chiến tranh với người lính và ước ao sớm gặp lại bạn bè cố tri gắn bó ngày xưa”.

    Ðạt ngừng lời như để dằn cơn xúc động. Sau tiếng thở dài não nuột, anh buồn buồn nói tiếp:

    - “Và trớ trêu thay, bạn hữu chúng ta lại hội ngộ trong hoàn cảnh đau thương nầy. Kiến thức y học của mình được đem ra ứng dụng ngay trên cuộc đời của người bạn gái thân thiết thưở ấu thơ, thường đóng chung vở tuồng với Tèo quân vương ngày xưa. Lòng xót xa đau đớn, mình suy nghĩ ngày đêm cố tìm ra giải pháp để giúp Hiền. Cuối cùng, mình quyết định làm đơn gởi Chỉ huy trưởng Quân y viện, kể rõ đầu đuôi sự tình và xin phép được đặc ân bảo lảnh và chuyển Hiền về một phòng đặc biệt ngay trong khu vực mình làm việc, để tiện săn sóc và điều trị. Thật là may mắn, mình được cấp trên chấp thuận.

    Sau một thời gian chửa bệnh và theo dõi, mình đã có kết luận chính xác. Những bất hạnh đau thương mất mát đã liên tục xảy đến, tất cả mọi áp lực bi ai, căm phẫn cứ dồn dập đổ ập xuống đời người con gái bé bỏng, đã bức hại Hiền không còn sức lực chịu đựng nỗi. Do vậy, khi niềm an ủi cuối cùng nơi đứa em tật nguyền bị tước đoạt, là lúc nàng bị rơi vào thế tận cùng đau khổ và tuyệt vọng. Ðầu óc nhiễu loạn, nói cười ngu ngơ, mê tỉnh lẫn lộn, nàng chìm sâu vào thế giới hỗn độn, huyễn hoặc. Thần kinh bị tổn thương trầm trọng nên không còn nhận thức và phân biệt ra được ai quen ai lạ, đúng sai, quá khứ hay hiện tại ... tất cả chỉ là vô thức mơ hồ, như ảo ảnh hoang tưởng. Y học bảo đó là “hội chứng trầm uất”, một hiện tượng thần kinh rối loạn có tính chất thực vật của não bộ, có liên quan đến một biến cố tình cảm mà bệnh nhân sẽ bị sốc khi gặp phải. Bệnh có thể bộc phát đột ngột hoặc từ từ, nguy hiểm nhất là hay nghĩ đến cái chết.(2) Muốn chữa khỏi căn bệnh nầy cần phải thúc đẩy sự hồi phục ký ức bằng chính những hình ảnh, kỷ niệm, vật thể, sự việc, con người ... hoàn toàn có thật, kích thích tác động trực tiếp vào não bộ bệnh nhân như là đang sống thật của lúc chưa bị mắc bệnh.

    Mình đã hội chẩn với một số bác sĩ đồng nghiệp nhiều năm kinh nghiệm và họ cũng đồng ý trị liệu bằng phương pháp hồi phục ký ức bằng con đường tâm linh bao hàm trí tuệ, ý thức, tinh thần và linh hồn(3) là tốt nhất, không có sự tác hại gì cả. Mình đã xin phép vị chỉ huy trưởng và tất cả đã được chuẩn bị sẳn sàng. Ngày mai mọi người chúng ta sẽ bắt tay cùng thực hiện thử nghiệm phương pháp điều trị mới mẻ nầy nhé.

    Khung trời hoa mộng của tuổi ấu thơ sẽ được tái phục hoạt và nó sẽ là phương thuốc thần diệu mầu nhiệm giúp Hiền chấm dứt những cơn mê cuồng hoảng loạn, để trở về với thực tế hữu hình của đời sống thực tại”.

    5- Sáng hôm sau nhóm “lục hữu” đã có mặt đầy đủ. Vợ chồng Sự từ Bình Sơn xa xôi, ẵm đứa con trai lên 6 còn đang ngũ vùi trong lòng mẹ, cũng đã hiện diện.

    Ðúng giờ hẹn với Ðạt, họ lên đường đi đến bệnh viện. Ở đây, họ và các chuyên viên có khoảng 20 phút để chuẩn bị. Một căn phòng rộng rải, kín đáo được trưng dụng làm nơi thực hành chữa bệnh.

    Hiền được các bác sĩ chích cho mấy liều thuốc trợ tim và tăng lực từ sáng sớm nên có vẻ tỉnh táo, ngồi nhìn vu vơ ra ngoài trời. Khi tất cả đã sẵn sàng, Hiền được y tá dẫn đến căn phòng chữa bệnh tối om, không có ánh đèn. Mọi người và bác sĩ đều ẩn mặt kín đáo sau mấy bức bình phong, theo dõi một ca điều trị tâm thần bằng phương pháp tân kỳ, rồi đèn bất ngờ được bật lên sáng trưng. Một khung cảnh ngộ nghĩnh, khôi hài và ngây thơ nhưng đầy sinh động và hoàn toàn câm lặng, hiện ra. Một vở kịch câm, do những nghệ sĩ chưa hề một lần bước lên sân khấu biểu diễn, chưa bao giờ được huấn luyện qua một trường lớp đào tạo kịch nghệ nào, nhưng họ được cuộc đời ủy thác, thực hiện một sứ mệnh cao quý của đám bạn bè thưở hoa niên. Họ là những diễn viên bất đắc dĩ, nhưng đồng thời cũng là những nghệ sĩ chân chính đúng nghĩa nhất của ngôn từ, sống trọn nghĩa trọn tình, một lòng một dạ thủy chung son sắc. Và đặc biệt nhất, vở kịch chỉ có duy nhất một người khán giả, đó là Hiền.

    Khi đôi mắt đã điều tiết quen dần với ánh sáng, Hiền bắt đầu chăm chú nhìn những người nam nữ vẽ mặt tô mày, ăn mặc theo kiểu trẻ con, áo cộc quần xăn ống đơn sơ, đầu đội chiếc mũ làm bằng vỏ trái thanh trà có dán bông gòn trắng nõn và những cành hoa lau dài thượt, dây bẹ chuối cuốn quanh lưng để giắt một thanh tre ngắn làm kiếm ... đang đùa giởn, múa máy trước mặt. Ðôi mắt vốn đờ đẫn vô hồn từ lâu của Hiền vụt lóe sáng như có ánh hồi quang phản chiếu (4). Ký ức dần dần trở về từng chút, từng lúc.

    Tiếp theo là một người con gái tay cầm cành hoa lau, đầu đội chiếc vương miện tre được kết bằng hoa đùng đình màu vàng tươi rực rỡ, có đính những viên bi thủy tinh trong suốt, ngồi trên một chiếc ghế được hai người con trai ăn mặc như lính hầu khiêng từ bên trong đi ra. Vừa nhìn thấy, mắt Hiền chợt sáng lên, mở to. Cô chần chừ một giây rồi bước mau đến xòe hai bàn tay tỏ ý muốn xin. Cô y tá đóng giả vai vương hậu, lột chiếc mão đội lên đầu cho nàng, dìu nàng ngồi vào chiếc ghế. Khuôn mặt Hiền tự nhiên đỏ rựng lên, lộ rõ vẻ sung sướng. Lát sau nàng đứng lên nhập cuộc chơi, chân nhún nhảy, người quay tròn chầm chậm, hai tay đưa lên cao xuống thấp như một vũ điệu, mặt rạng rỡ. Mọi cặp mắt đều mở to, cả diễn viên lẫn bác sĩ, y tá, chăm chú nhìn vào mặt con bệnh, hy vọng bỗng le lói. Trí nhớ đang từ từ trở về với Hiền. Những vũng mờ tăm tối, bệnh hoạn, khổ đau đang bị đẩy lùi dần dần. Mọi người hồi hộp nín thở theo dõi.

    Bỗng một sự việc ngoài kịch bản dự liệu, đã bất ngờ xảy ra. Ðứa con trai 6 tuổi của Sự nảy giờ thức giấc, đang ngồi im bú sửa bên cạnh cha và nhìn xem hoạt cảnh trước mắt, đột nhiên vụt chạy ra níu lấy tay Hiền, đòi cái mão có gắn bông vàng vương hậu. Như bị một luồng điện cao thế truyền vào người, một giây sững sờ, rồi Hiền bỗng rùng mình, nàng quỳ xuống ôm choàng lấy đứa bé vào lòng, bật khóc nức nở. Nàng lột chiếc mão âu yếm đội lên đầu cho thằng bé, hôn lên đôi má hồng hào phúng phính của cháu. Bé thích chí nhìn Hiền, bi bô nói cười ngây thơ. Tình huống bất ngờ xảy ra khiến mọi người không biết phải ứng phó cách nào, đành đứng im lặng theo dõi. Vài phút chậm chạp trôi qua, chợt cô gái nhìn chung quanh rồi dụi mắt ngỡ ngàng. Mọi diễn viên lẫn khán giả có cảm giác như hóa đá, nín thở nhìn Hiền, theo dõi từng biến động nhỏ. Ðôi môi khô nẻ của Hiền mấp máy hồi lâu rồi chợt bật khóc to, thốt lên thành tiếng gọi:

    - Mận ơi! Sự ơi!

    Hai người bạn gái vùng chạy đến ôm chặt lấy Hiền trong vòng tay run rẩy. Cả ba nước mắt chan hòa, cùng òa khóc mùi mẫn. Cả căn phòng đột nhiên ồn ào, mọi người đồng thanh la lên:

    - Cô gái tỉnh lại rồi, tỉnh lại rồi.

    Hiền quỵ xuống như không còn sức chịu đựng nổi. Ðạt tách ra khỏi đám diễn viên, cầm tay Hiền xem mạch, đo áp huyết và nghe nhịp tim. Anh gật đầu hài lòng. Thịnh và Phong quay mặt chỗ khác, giấu đi niềm xúc động đang dâng trào dữ dội. Họ nghe cổ họng mình nghèn nghẹn như có mùi vị ngọt ngào lẫn đắng cay.

    Vị chỉ huy trưởng, các bác sĩ và y tá đến bắt tay sáu người và nói lời chúc mừng. Những người bạn thời bé thơ ngày xưa bỗng nghe như có điều sung sướng vô cùng, đang òa vỡ dào dạt trong lòng.

    6- Hôm cuối cùng của ba ngày phép đặc biệt, Thịnh đặt tiệc mừng Hiền vương hậu vừa thoát khỏi căn bệnh ngặt nghèo; Mời những vị bác sĩ, y tá ân nhân cùng đến chung vui và nói lời cám ơn. Hôm nay trông Hiền đã khá hẳn lên. Thịnh nhường lời cho Ðạt tuyên bố lý do rồi mời tất cả cùng nâng ly.

    Vị chỉ huy trưởng Quân y viện thay mặt tập thể y, bác sĩ chúc mừng Hiền và ca ngợi sự thủy chung của tình bạn cao quý. Ông cũng không quên nhắc nhở thuộc cấp vai trò nhân đạo của những người áo trắng mang sứ mệnh cao cả, hàn gắn xoa dịu nỗi đau nhân loại. Ông nói:

    - Chiến tranh tự nó vốn đã rất tàn bạo, cộng thêm những hành động khát máu, vô nhân đạo của bọn người cộng sản máu lạnh, đã đẩy nhiều quốc gia vào chỗ có nguy cơ bị diệt vong thảm khốc, trong đó có cả dân tộc chúng ta. Do vậy với thiên chức của người y bác sĩ, chúng ta phải tận hết sức mình, làm tròn nhiệm vụ “lương y như từ mẫu”, để san sẻ phần nào nỗi đau của người chiến binh và người dân miền Nam, bị mắc nạn chiến tranh.

    Thịnh thay mặt bạn hữu, ngỏ lời cám ơn những vị ân nhân. Trong nỗi niềm xúc cảm, anh tâm tình:

    - Bối cảnh lịch sử của tổ quốc hiện nay, đã đẩy mọi con người vào cuộc chiến khốc liệt, không loại trừ bất cứ một ai, kể cả dân lành. Người lính VNCH phải thường trực đối diện với thương tật và cái chết để bảo vệ nhân dân và lãnh thổ. Mạng sống của họ luôn luôn chênh vênh bên bờ tử sinh, nhưng họ vẫn luôn chứng tỏ được bản chất nhân đạo, khí phách tuyệt vời của những con người có giáo dục, được đào tạo trưởng thành trong một xã hội văn minh, đầy tính nhân bản. Ðó chính là điểm khác biệt với kẻ thù. Sự độc ác, dối trá và phi nghĩa của cộng sản đã thúc đẩy thanh niên miền Nam vốn là những con người hiền lành, lương thiện, ôn hòa, trở thành những người lính tình nguyện, can trường và thiện chiến.

    Thịnh ngừng lời, anh âu yếm nhìn các bạn, rồi ánh mắt dừng lại chổ Ðạt và Hiền. Giọng nói của người lính trận bỗng chùng xuống, tha thiết nồng nàn:

    - Mình cũng như Ðạt, như các bạn, cả cuộc đời đã gắn bó với quê hương cội nguồn Quảng Ngãi. Mình vốn là một chiến binh phiêu bạt giang hồ, như cánh chim bằng căng gió, vùng vẫy dọc ngang, nhưng vẫn chưa thỏa chí tang bồng hồ thỉ, bởi lẽ tổ quốc đang còn trong cơn loạn lạc nguy biến, nên chẳng biết tương lai ngày mai sẽ ra sao. Hôm nay trước giờ phút chia tay, mình có đôi lời tâm tình với các bạn trong nhóm “lục hữu”.

    Phong lính hầu, Mận tỳ nữ, Sự lão bà, ba người bạn thân đã yên bề gia thất. Hiền đẹp người đẹp nết nhưng nay lại là kẻ côi cút, bất hạnh nhất trong đám bạn hữu chúng ta. Cuộc đời nàng từ bây giờ, cần có bàn tay chăm sóc của một người bạn thâm giao thủy chung, biết nhau từ thưở bé và phải là một người am tường về y học như Đạt quân vương, cận kề giúp đỡ. Ðó là lời tâm tình, là ước vọng tha thiết của cả nhóm bạn thân thiết ngày xưa, đã ủy thác cho tôi trình bày ra hôm nay trước mặt quân vương và vương hậu. Mong rằng Đạt, Hiền hiểu và thành toàn cho điều mong ước chính đáng đó.

    Thịnh dứt lời trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của bàn tiệc. Ðạt im lặng, anh hồi hộp liếc nhìn Hiền. Mặt cô gái bỗng đỏ hồng lên một cách duyên dáng đáng yêu, xóa dần đi vẻ xanh xao bệnh hoạn. Ðôi mắt nàng rực lên chùm tia sáng diệu kỳ, lấp lánh và linh động tràn đầy niềm tin yêu, điểm thêm vài hạt nước mắt long lanh đang tràn mi vì sự hạnh phúc bất ngờ. Lòng vương hậu đang âm thầm hòa nhịp với đấng quân vương.

    Trong tận cùng của nỗi đau tê tái, họ đã ngộ ra được chân lý và hiểu rõ rằng, sau những ký ức đau buồn và mất mát, tình yêu chính là phép nhiệm mầu vô biên, là khuôn diện dung nhan toàn mỹ có thể vực thoát con người ra khỏi cảnh tuyệt vọng đau khổ.

    Ngoài kia vầng trăng mãn khai đang bắt đầu lên cao, sáng chói vời vợi như tấm lòng son sắt thủy chung của những người bạn nam nữ thanh niên miền quê hương núi Ấn sông Trà ./-

    TiênSha-LêLuyến
    Atlanta, 10.2003


    (1)6 vị thần tình yêu trong truyền thuyết là: 1- Thần mai mối: Nữ Oa nương nương; 2- Ngưu Lang-Chức Nữ; 3- Nguyệt thần; 4-Nguyệt Hạ lão nhân; 5- Thần tình yêu: Tứ Châu đại thánh; 6- Thần bảo vệ tình yêu: Hoa Nhạc Tam nương.
    (2)Theo tài liệu Y học “Thuốc Net”.
    (3)Theo Wikipidia.
    (4)Hồi quang phản chiếu: bắt nguồn từ kinh Phật, chữ “hồi” là quay lại, “quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. Như vậy, “Hồi quang phản chiếu” là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X