Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Vụ Tình Thương “Đón anh về"

Collapse
X

Phi Vụ Tình Thương “Đón anh về"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Vụ Tình Thương “Đón anh về"

    Phi Vụ Tình Thương “Đón anh về”

    Đây là câu chuyện về Cố Đại Úy KQVNCH Trần Tuấn Trung, người đã bỏ mình trong trại tù CS tại miền Bắc từ năm 1977 nhưng gia đình vì gia cảnh khó khăn nên không đủ tài chánh để có thể đi tìm và bốc mộ.
    Mãi tới tháng 12/2009; gia đình cố ĐU Trung -với sự giúp đỡ vật chất của 1 số CQN/KQ/VNCH khắp nơi- và được tổ chức Vietnamese POW-MIA Foundation tại Hoa Kỳ do ông Nguyễn Đạc Thành (cũng là Chủ tịch tổ chức Vietnamese American Foundation chủ trương và vận động việc trùng tu NTQĐBH và tu bổ mộ phần tử sĩ QLVNCH) hướng dẫn cách thức và thủ tục bốc mộ, đã đưa ông về cải táng tại quê nhà Kontum.
    Hình ảnh kèm theo là của anh Trần Đường Đăng Khoa, con trai cố ĐU Trần Tuấn Trung đăng trên group "Không Lực Việt Nam Cộng Hoà".
    Xin góp lời cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita ✝️
    Bài share từ fb Bao Van Vu


    ---

    Bài viết về Cố Đại Uý Trần Tuấn Trung đã được đăng trong ĐS LÝ Tưởng Úc Châu số Ngày KL 1-7-2010

    Cố Đại Uý Trần Tuấn Trung

    Cuối tháng 10 năm 2009, tôi nhận được một e-mail từ một người bạn cựu Ó Biển - TQLC cùng cư ngụ tại thành phố này Melbourne - Victoria
    Mở thư đọc thì nội dung thơ là của Ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Hội Vietnamese POW-MIA Foundation tại Hoa Kỳ cho biết ông vừa nhận được các chi tiết của Đại úy KQ Trần Tuấn Trung, số quân, khoá huấn luyện QSV-Nha Trang, và đơn vị phục vụ trước năm 1975 từ một người cũng từ Úc - Sydney, ông Ngọc Văn chuyển đến cho ông cho biết là Đại uý Trung đã bỏ mình trong trại tù cải tạo tại miền Bắc từ năm 1977 và vì gia cảnh khó khăn nên gia đình không đủ tài chánh để có thể đi tìm và bốc mộ. Ông Thành kêu gọi sự giúp đỡ của các Cựu KQ về tài chánh, còn về việc tìm mộ phần thì ông Thành có thể nhờ người của ông ở VN, họ sẽ tìm mộ phần của Đại uý Trung được chôn ở đồi Cây Khế, tỉnh Yên Bái. Ông Thành đã góp ý kiến chỉ cho việc liên lạc, cách thức bốc mộ cũng như phần tài chánh cần thiết
    Tôi đã liên lạc thẳng với Ông Ngọc Văn tại Sydney để biết thêm chi tiết trước khi phổ biến lời kêu gọi trên diễn đàn “khongquan group” với những KQ cùng khoá 64G. E-mail chuyển đi và đã nhận được một vài hồi âm, đặc biệt là mail của KQ Đặng Quỳnh (PĐ219) lên tiếng kêu gọi, rồi KQ Lê Văn Sùng đề nghị KQ Quỳnh làm leader cho “phi vụ” này. KQ Đặng Quỳnh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của một KQ, lãnh nhận ngay nhiệm vụ, phổ biến tọa độ bãi đáp (địa chỉ gởi ngân phiếu) và T.O.T (ngày khóa sổ).
    Hàng ngày, danh sách các NT và các chiến hữu KQ cùng số tài chánh đóng góp gởi về càng nhiều và cho đến ngày khóa sổ thì số tiền đã thu được tại Hoa Kỳ cho phi vụ này là $2645 đô-la.

    Tại Úc, tuần báo Việt Luận cũng đã giúp đỡ phổ biến lời kêu gọi trong trang KBC và chúng tôi cũng đã nhận được những đóng góp của các chiến hữu KQ, Ông Nguyễn Đức Sơn, Ông Dương Lộc Kiết, đặc biệt là của KQ Bùi Văn Lâm, bạn đồng khóa với Đại Úy Trung và chiến hữu Ngô Văn Quế cùng phục vụ tại Biệt Khu 44 với Đại Úy Trung, tổng số tài chánh tại Úc là $1000 đô-la.
    Tất cả số tài chánh này đã được gởi làm nhiều đợt và có 1 vài cá nhân gởi trực tiếp nên số tiền gia đình Đại uý Trung đã nhận được nhiều hơn số mà chúng tôi kết toán.
    Mộ phần của Đại uý Trung thật sự đã được tìm thấy từ hơn 10 năm nay khi con gái của Đại Tá Dương Hữu Trí ra Bắc tìm và đưa hài cốt của ông về với gia đình, khi trên đường đi đến đồi Cây Khế, cô này đã bị trượt chân té xuống đất, một chiếc dép của cô văng vào bụi cây, cô ngồi dậy đi vào bụi cây để tìm chiếc dép. Khi vạch cây cỏ để tìm thì cô thấy một tấm mộ bia có ghi rõ tên tuổi người chết và cả địa chỉ của gia đình tại Kontum, đây chính là mộ của Đại uý Trung và có lẽ vong linh Đại uý Trung đã xui khiến để cô tìm thấy mộ phần.
    Khi trở về Sàigòn, cô có viết thơ gởi theo địa chỉ trong mộ bia và đã được gia đình Đại úy Trung hồi đáp cám ơn, nhưng lúc này gia cảnh của gia đình quá khó khăn, không thể đi để bốc mộ về. Ước mơ này đã ấp ủ mọi thành viên trong gia đình Đại uý Trung cho mãi đến cuối năm 2009, một cựu quân nhân tên Quỳnh cũng là người hàng xóm với chị Trung ở Kontum có người anh Ngọc Văn hiện đang cư ngụ tại Úc liên lạc với Hội Vietnamese MIA-POW Foundation để xin giúp đỡ cho việc bốc mộ. Đó là những lý do mà chúng tôi đã nhận được các dữ kiện của Đại uý Trung.
    Khi nhận được một phần tài chánh đầu tiên, nhận thấy đã vừa đủ, chị Trung và hai cháu trai đã vội vã lên đường, trước khi đi tôi đã liên lạc với cháu Khoa là nên liên lạc lại với địa chỉ của người nhà Đại tá Dương Hữu Trí với hy vọng sẽ nhận được thêm các chi tiết cho chuyến đi. KQ P.M.M một cựu KB 219 cung cấp cho một chi tiết rất quan trọng là cháu Khoa hãy liên lạc với chú Văn (em vợ của Trung tá Nghĩa - PĐT 219) để được chỉ dẫn cách đi Yên Bái tìm mộ cha vì chú Văn và gia đình mới đi bốc mộ Trung tá Nghĩa cách đây khoảng hai năm. Và chú Văn đã chỉ dẫn rất tường tận vì vậy mà gia đình Đại úy Trung đã chỉ mất có hai ngày là tìm được mộ và bốc mộ về Kontum. Sự giúp đỡ quý báu của chú Văn chỉ đòi hỏi có một điều kiện là cháu Khoa phải đi mua một hộp sơn đỏ loại tốt, khi tìm được mộ cha thì phải sơn lại tên tuổi của các mộ bia khác để cho gia đình các vị này mai mốt có đi tìm thì sẽ tìm được dễ dàng hơn.
    Chuyến đi bốc mộ Đại úy Trung đã thành công trong một thời gian ngắn, gia đình đã thỏa mãn với mơ ước, từ nay vong linh Đại uý Trung đã ấm áp được an nghỉ gần gũi với vợ con sau hơn 30 năm nằm trong rừng hoang gío lạnh.
    Trong tháng 3/2010 vừa qua, trong chuyến về VN thăm gia đình, KQ Nguyễn Văn Dũng đã đến Kontum để đốt một nén nhang và thăm viếng mộ phần Đại uý Trung mà gia đình đã cải táng tại nghĩa trang Kontum.
    Cám ơn tất cả các Niên trưởng, các chiến hữu KQ, quý vị đã cùng tiếp một bàn tay thực hiện một phi vụ đầy tình người và tình chiến hữu.
    Dưới đây là bức thơ của cháu Trần Đường Đặng Khoa, trưởng nam của Đại uý Trần Tuấn Trung viết để cám ơn đến tất cả quý Bác, Cô Chú KQ
    Vũ Văn Bảo -2010

    Kontum - Việt Nam 21-12-2009
    Kính thăm Chú Bảo và toàn thể các Bác, các Cô Chú,
    Đầu thư cháu xin thay mặt gia đình gởi lời chào, lời cầu chúc sức khoẻ đến toàn thể các Bác, các Cô Chú. Cháu thật sự không biết bắt đầu như thế nào trước ân tình của các Bác, các Cô Chú đối với Ba cháu cũng như gia đình cháu.
    Từ ngày cháu được tin Ba cháu mất và phải nằm lạnh lẽo nơi rừng sâu núi thẳm. Gia đình cháu đã bao lần toan tính, dành dụm tiền bạc mong có ngày đưa được Ba cháu về gần với gia đình. Nhưng cuộc sống thực tế quá khắc nghiệt đã dập tắt mơ ước mà gia đình cháu mấy mươi năm ấp ủ. Vì, không biết nơi đó có dễ đi hay không? Bao nhiêu tiền thì đủ? Rồi, khi về có tiền để cải táng không? Hay, khi đi mất bao nhiêu thời gian? Có tìm được mộ phần không? 32 năm canh cánh trong lòng để rồi cuối cùng là đau khổ, thất vọng. Những ngày Lễ, Tết nhìn thấy bạn bè, người thân đến nghĩa trang thăm viếng, thắp lên nén nhang tưởng nhớ cha mẹ, ông bà mà lòng thấy tủi thân, thấy nặng tội với người Cha mà mình chưa được một lần báo hiếu. Thế rồi vong linh Cha hiền như xui khiến, dẫn dắt gia đình đưa được hài cốt người về để gia đình vơi đi nỗi đau khổ bao năm trời mang nặng.
    Tình cờ được Cô Chú Quỳnh (em Bác Ngọc hiện ở Úc) hướng dẫn làm hồ sơ để xin khoản tiền nhỏ từ những tấm lòng từ thiện. Thật bất ngờ, ngoài cả sức tưởng tượng của gia đình cháu. Lòng từ tâm, tình nghĩa đồng đội của các Bác, các Cô Chú được chuyển về. Đầu tiên là 200 đô Úc, 50 đô Mỹ. Rồi bất ngờ ngày càng to lớn 800 đô Mỹ đến 1970 đô Mỹ và cuối cùng là 1000 đô Úc.
    Hơn 4000 đô được chuyển về từ sự dành dụm, chắt chiu, từ sự dành dụm tiết kiệm các khoản chi tiêu trong gia đình và từ những đồng lương hưu ít ỏi. Cháu biết rằng các Bác, các Cô Chú ở hải ngoại không phải ai cũng đầy đủ, khá giả nên những đồng tiền này không chỉ giá trị về mặt vật chất mà còn mang nặng nghĩa tình.
    Để không phụ lòng các Bác, các Cô Chú và thoả lòng mong ước bấy lâu nay, gia đình cháu vội vã lên đường. Mẹ cháu vừa mới dứt đợt điều trị do bị thoái vị đĩa đệm và thêm chứng cao áp huyết. Tối thứ bảy (5-12-2009), sau khi đến Bác sĩ khám lần cuối và mua thêm một số thuốc điều trị, Mẹ cháu và hai anh em lên đường (Cháu là anh cả và em trai út - đứa em sau khi sinh được hai ngày, Ba cháu chỉ kịp thấy mặt, đặt tên rồi ra đi vĩnh viễn).
    Sáng Chủ nhật (6-12-2009), xe đò từ Kontum lăn bánh ròng rã 24 tiếng, đến 7 giờ sáng thứ hai (7-12-2009) đến bến xe Hà Nội, tiếp tục đón xe đi Yên Bái, khoảng 6 tiếng đến Yên Bái, lại tiếp tục đón xe đến xã Việt Cường. Đến 4 giờ chiều cùng ngày đến đồi Cây Khế và được một gia đình ở gần đó đưa ba mẹ con cháu đến trước mộ phần của Ba. Mẹ cháu lúc này gần như kiệt quệ, một phần vì đoạn đường dài và phần vì xót xa khi nhìn thấy tấm bia nhỏ bé bị chìm khuất giữa cây cỏ và nấm mộ đã sạt lở trũng thấp như mặt đất thường.
    Đêm đó ba mẹ con cháu ngủ nhờ nhà của gia đình ông bà Huyên, 7 giờ sáng hôm sau, thứ ba (8-12-2009), cùng với những nghi thức và lễ vật theo phong tục nơi đây, gia đình ông Huyên cùng hai người con trai đã nhiệt tình giúp đưa phần hài cốt của ba cháu lên. Thân xác ba cháu chỉ còn sót lại vài mảnh xương nhỏ và một số vật dụng được chôn theo. Má cháu đã khóc ròng khi nhìn thấy chiếc khăn quàng cổ bằng len màu tím, đây là kỷ vật mẹ cháu tặng ba cháu khi mới cưới nhau. Đôi dép nhựa và dây quai nón lá của mẹ cháu khi đi thăm ba cháu tại Long Khánh, không được gặp mặt, Mẹ cháu gởi lại để làm tin, cùng với chiếc cà mèn, lon gô đựng cơm, bao cát, mảnh nylon được gói gém cẩn thận và vài vật dụng cá nhân tự chế. Nhìn những vật dụng này đủ để nói lên tất cả sự thiếu thốn cơ cực của những năm tháng đó.
    Khoảng 11 giờ trưa mọi việc hoàn tất, gia đình cháu vội vã về trong sự im lặng, cảnh giác vì lo sợ đủ thứ, phần sợ kẻ gian cướp giật vì tưởng mang đồ quí, phần vì sợ làm phiền hay sợ chủ xe phát giác mang hài cốt nên không cho đi. Nhưng thật may, mọi việc đều suông sẻ. Đến khoảng 8 giờ sáng thứ năm (10-12-2009), gia đình cháu đã về đến nhà an toàn. Hài cốt của ba cháu được quàn ở nhà cho đến Chủ nhật (13-12-2009) để anh em, con cháu đến viếng và đọc kinh cầu nguyện (tên thánh của ba cháu là Gioan Baoxixita). Sáng Chủ nhật (13-12-2009), gia đình đưa ba cháu lên nghĩa trang để cải táng, sau đó tiến hành xây mộ luôn và đến Chủ nhật sau (20-12-2009) mộ phần xây xong, Tất cả mọi việc đều diễn ra suông sẻ và như ý. Cháu chỉ kể những việc chính, còn việc xảy ra mang ý nghĩa tâm linh huyền bí cháu xin kể sau vào 1 dịp khác.
    Còn tổng số tiền của các Bác, các Cô Chú cháu cũng xin trình bày qua: chi phí di chuyển và hoàn thành mộ phần hết khoảng 2000 đô, còn lại 1000 đô Mỹ và 1000 đô Úc má cháu quyết định đổi ra được khoảng 36 triệu tiền VN, chia đều cho 5 người con, mỗi người 5 triệu để trang trải qua lúc ngặt nghèo, còn lại 10 triệu là quỹ chung, khi các anh em cháu có nhu cầu thì mượn, xong việc phải hoàn lại. Đối với xã hội hiện nay, số tiền này không lớn nhưng với anh em cháu lại rất có giá trị vì đó là công sức, mồ hôi, nước mắt của các Bác các Cô Chú và cả sự hy sinh của ba cháu đối với 1 chế độ. Chúng cháu hứa sẽ xử dụng đồng tiền này một cách có trách nhiệm.
    Đây là số tiền nghĩa tình của cả một tập thể nên cháu báo lại cho các Bác các Cô Chú biết rõ ràng. Một lần nữa mong các Bác, các Cô Chú nhận từ gia đình cháu lời cảm ơn chân thành vì đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao mà gia đình cháu bao nhiêu năm mong đợi giờ mới có được. Kính mong các Bác, các Cô Chú thêm lời cầu nguyện cho linh hồn ba cháu mau được siêu thoát. Không biết lấy gì để đền đáp nghĩa tình sâu nặng này, gia đình cháu chỉ biết cầu xin ơn trên ban cho gia đình các Bác, các Cô Chú luôn an mạnh và tràn đầy phước lành.
    Kontum, ngày 22-12-2009
    Kính thư
    Trần Đường Đăng Khoa
    TB. Cháu có ghi chép và chụp ảnh lại các ngôi mộ được chôn gần ba cháu, nhưng đa số bị mờ hết chữ không dò được tên và địa chỉ để có thể liên lạc, có một số đã mất bia. Cháu được biết thêm phần đất nơi còn mộ này, ông bà Huyên đã giao lại cho nhà nước quản lý để làm nghĩa trang cho cư dân địa phương.

  • #2
    Chúng tôi xin bổ túc bài viết của KQ Vũ Văn Bảo một số hình ảnh về cố Đại úy Trần Tuấn Trung mà cháu Khoa Tran, trưởng nam của ông, mới post lên website Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sở dĩ phải đợi hơn 10 năm là vì trước đây do hoàn cảnh khó khăn, cháu không có bất cứ phương tiện IT nào. Cách đây khoảng một tháng, vào website này, thấy câu chuyện của Khoa Tran giống câu chuyện trước đây KQ Vũ Văn Bảo đã phổ biến trên đặc san Lý Tưởng (Úc Châu), tôi xin “làm bạn” và đã được cháu xác nhận cháu chính là trưởng nam của cố Đại úy Trần Tuấn Trung được nhắc tới trên Lý Tưởng (Úc Châu).

    Cũng theo lời Khoa Tran, mẹ cháu kể lại ba cháu đã được thăng cấp Thiếu tá (nhiệm chức) vào cuối năm 1974 nhưng chưa kịp gắn lon thì ngày 30 tháng Tư 1975 đã ập tới.

    Phóng bản Chứng Chỉ Tại Ngũ đính kèm cho biết các chi tiết sau đây:

    Đại úy Trần Tuấn Trung, Số quân: 64/600.442
    Nhập ngũ: ngày 18 tháng 10 năm 1963
    Chứng Chỉ Tại Ngũ được ký ngày 24 tháng 7 năm 1973 do
    Thiếu tá Ngô Văn Thắng,
    Trưởng Toán Liên Lạc Điều Không,
    Trung Tâm Hành Quân Không Trợ
    III






    SVSQ Thủ Đức


    Chuẩn uý Không Quân (lon Chuẩn uý trước 1965)


    Học bay tại Hoa Kỳ






    Bia mộ ngoài miền Bắc


    Di vật dưới mộ...





    Mộ phần ở Kontum (2009)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-29-2020, 06:41 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X