Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thềm xưa…

Collapse
X

Thềm xưa…

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thềm xưa…

    Thềm xưa…
    Phan




    Chờ – Tranh: Mai Tâm


    Chiều đã lười trải nắng, tôi ngồi bên đây đường, nơi một quán xá dửng dưng ở Việt Nam, nhưng nhìn qua bên kia đường là nhà tôi xưa cũ. Nơi tôi đã mang dấu ấn tuổi thơ suốt cuộc đời. Ở đó không có gì ngoài những nỗi buồn trẻ thơ nhưng khó quên. Ở đó là một con đường đất đỏ dài chừng cây số, chỉ đủ hai chiếc xe đạp ngược chiều không cần giảm tốc độ khi gặp nhau, nhưng xe gắn máy thì đã phải cẩn thận, còn xe hơi thì tôi chưa hề thấy trên con đường thân quen ấy……

    Người chủ quán chiều nay rất tinh ý, dù tôi không nói gì hơn xin cô cho chai bia thì cô cũng nhận ra tôi không phải người ở đây; chẳng qua tôi ở đây khi cô chưa đến đó thôi. Cô thấy tôi ngồi một mình nên thương cảm. Nhưng dù sao tôi cũng cảm ơn cô chủ đã tiếp đãi tôi bằng ngôn ngữ khác hơn ngôn ngữ cô dùng với khách quen của cô.

    Thế là những hớp bia vơi theo chiều, tôi hình dung lại những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước. Cả vùng này hoang vu, ngay ngọn lúa cũng không có mà chỉ toàn cỏ dại, rùa, rắn… Rồi người lớn nói với tôi rằng ông Diệm đốt nhà khu ổ chuột bên Hãng phân, tức khu Cư xá Khánh Hội sau này. Thôi thì chuyện người lớn để lịch sử trả lời vì người lớn của tôi cũng là những người có tuổi còn hiểu biết của họ là chuyện tôi không rành. Nhưng đó lại là lý do tôi biết vùng đất này vì gia đình tôi đã về đây sau vụ cháy nhà lớn bên quận tư, mà mãi khi ra hải ngoại tôi mới đọc được trên vài tài liệu về vụ cháy nhà thời tổng thống Diệm. Nhưng đến năm 1968 thì tôi nhớ rõ tết Mậu thân. Năm đó, Việt cộng pháo kích dữ. Nhà nào cũng đào hầm và tập cho con nít cách tuột xuống hầm nhanh nhất khi nghe tiếng rocket xé toạc vùng trời bình yên. Có những gia đình khốn khổ hơn gia đình tôi-dù gì cũng đã ổn định là những gia đình dưới miền tây chạy giặc lên ngoại vi Sài gòn lánh nạn. Họ là những gia đình nạn nhân cũng có mà cộng sản nằm vùng cũng nhiều vì sau 1975, nhiều gia đình ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản mới lộ diện, thọ ơn bà con láng giềng giúp đỡ khi họ đến đây nhưng tình cạn nghĩa tuyệt sau biến cố 75. Có cả những gia đình chạy giặc ngoài trung vào sau mùa hè đỏ lửa 1972.

    Chiều tan dần vào phố xá đã lên đèn, có gió sông ngoài kia thổi về mùi hôi tanh của dòng sông tuổi nhỏ trong veo những trưa hè; nhưng nay chỉ còn là con rạch ứ tắc, nước trôi không nổi rác rưởi đời thường do người ta tuôn đổ, chỉ tội những người tìm về bến sông xưa. Không biết bạn bè thuở ấy có ai về lại; ai nghĩ gì khi thấy lại mình trên dòng tức tưởi. Riêng tôi nhớ những cặp cá bống sao rẽ nước mà đi như hai mũi tên đã biệt tăm mất tích. Loài cá luôn đi cặp và nghe nói khi con này chết thì con kia cũng chết buồn. Không biết người yêu của lớp đàn anh tử trận ngày xưa bây giờ ra sao, chỉ thấy bến sông như hiện về cây cầu làm bằng mấy tấm vỉ sắt đáp trực thăng với mớ cột là cây tràm, cây đước. Chiều chiều, các chị gánh nước, giặt đồ, trẻ con bơi lội bì bõm, đàn anh vượt sông sang cù lao như người đi khai phá, những nhà thám hiểm……

    Bên cù lao tranh kia, ông già chăn vịt với chiếc xuồng ba lá đã thành cổ tích những đêm mưa ở một nơi xa mù cố thổ, vẫn có những đứa trẻ đã già thấy được bóng đèn hoài niệm trên bến sông xưa. Ông thắp bóng đèn bão màu đỏ cho trực thăng đừng bắn nhầm vì tưởng ông là Việt cộng, đêm đêm mò về phá rối dân tình. Rồi khúc quanh cùi chõ của con sông là cả một vùng trời bí hiểm với rừng đước bạt ngàn đã bị sức người tàn phá đến cạn kiệt màu xanh của lá. Những đàn chim bay đi để nhường chỗ cho những ngôi nhà mọc lên loang lổ bầu trời, hoen ố không gian thoáng đãng mà nhiều người đã tìm về vô vọng. Cuối tầm mắt tôi là hư vô bên bờ ảo vọng, không có ngày xưa nữa, dù chỉ là giấc ngủ ngồi, ngủ gục dưới gốc cây mãng cầu, dù chỉ là ngồi chơi với bông mướp đực rụng vàng trên mặt đất……

    Ngôi nhà lầu bốn tầng bên kia đường là nhà tôi xưa cũ, căn nhà mênh mông gió vì đồng không mông quạnh. Từ ngoài ngõ vào lót chục miếng đan, đến hàng râm bụt, rồi giậu hoa dài suốt theo mùa rực rỡ những bông hồng, bông trang, bông cúc, bông vạn thọ… đến miếng sân phơi lúa tráng xi măng nên trở thành nơi hội tụ những tiếng hát cây nhà lá vườn một thời đã xa. Bước vào cửa lớn nhà tôi là thấy ngay bàn thờ gia tiên trang nhã, căn phòng khách rộng rãi đến kê được mấy bàn ăn lớn khi nhà có đám giỗ. Bên trái là bộ ván một miếng, không biết từ đâu có miếng ván to lớn đến có thể làm được bộ ván với chỉ một miếng. Thông thường bộ ván ở những nhà hàng xóm được ghép lại từ ba, bốn miếng ván và mỏng chừng gang tay. Trong khi bộ ván nhà tôi chỉ một miếng to lớn và dày đến ba gang tay nên ngay bên dưới gầm bộ ván là hầm trú pháo kích. Bộ ván được kê vô góc nhà, chung quanh tấn bao cát và đào sâu xuống để chứa những giấc mơ tuổi nhỏ, giai thoại tưởng tượng về thần cây cổ thụ đã chết khi người ta xẻ gỗ để làm bộ ván này, máu ông loang ra những vùng đỏ nâu ngộ nghĩnh hơn là thớ cây, xớ cây… những ký ức chiến tranh và hoà bình. Chiến tranh thì nhanh chân còn mạng, nghe pháo rít trên đầu là nhào xuống hầm ngay. Nhưng hoà bình thì không nơi trú ẩn vì cán bộ tịch thu nhà, tịch thu bộ ván chở đi đâu mất.

    Tôi chỉ còn trong ký ức bên phải bàn thờ gia tiên là cầu thang lên lầu để ngủ. Dưới chân cầu thang là chỗ ngủ của con chó mực trung thành. Xuống nhà dưới là phòng ngủ của cha mẹ, xuống tiếp đến nhà bếp thì có bàn ăn dài như trại lính. Bên phải, đi xuống bếp, rẽ trái ra chuồng heo, chuồng gà. Bên trái ra sàn nước, khu nhà tắm, nhà vệ sinh, có hàng lu đếm tới hết ngón tay cũng không hết lu nước. Hàng lu im lặng dưới hàng cây mãng cầu xiêm ngọt lịm những trưa hè. Trong khi bị bắt lên lầu ngủ trưa thì chỉ tìm cách hái vú sữa ở phía bên kia nhà. Hoá ra có thật một ngôi nhà lý tưởng mà từ đó ra đi để không tìm gặp bất cứ ở đâu.

    Tôi về lại nhà đã nhiều năm sau thời không hộ khẩu ở quê nhà, ngôi nhà, người thân, cả xóm làng đã bị cướp ngày làm tan hoang hơn cả chiến tranh. Con đường đất đỏ ngày xưa đã có một thời xe nhà binh chạy rầp rập khi lính Mỹ và lính Nhảy dù về đây lập căn cứ để bảo vệ Sài gòn sau tết Mậu thân. Con đường đã thiếu dấu chân qua, thu hẹp lại như đường mòn vì cỏ dại, chỉ có dấu bánh xe đạp lẻ loi tôi về thăm nhà lần ấy. Cả xóm làng đã bị lùa đi kinh tế mới, hồi hương về miền tây, miền đông… nhà tôi chỉ còn lại chục miếng đan cỏ lấp, sân phơi lúa nứt nẻ những vết hằn năm tháng, giậu hoa um tùm cỏ mực vô ưu… bàn bếp bằng xi măng như thềm xưa kỷ niệm.

    Tôi ngồi đó đến đêm về lần cuối trong đời, lảng vảng những bóng người nhếch nhác ngoài bắc vào lập nghiệp. Họ sửa sang lại những ngôi nhà hoang đổ để ở, họ trồng cấy lại những mảnh vườn trù phú ngày xưa, nhưng chỉ rặt khoai mì với khoai lang. Mấy chục năm xã hội chủ nghĩa miền bắc không ai trồng cây trái ăn chơi mà người ta chỉ trồng củ để ăn no. Ở một nghĩa tối nào đó thì người dân trong nam xem họ là kẻ cướp. Nhưng lần về chào bái biệt mảnh đất quê nhà trước khi đi xuất ngoại, tôi thấy thương những người khốn khổ một đời. Họ bị xịt thuốc chống chấy rận trước khi lùa xuống tàu vào năm 1954 đã để lại trong tôi niềm tủi hổ giống nòi vì bầy gia súc bị lùa lên xe lửa ở những nước ngoại quốc cũng bị xịt thuốc sát trùng như thế. Nhưng đợt di cư thứ hai của người bắc sau 1975 lại không phải là chạy nạn cộng sản mà là “giải phóng miền nam”. Những cụm từ mị dân của một tập đoàn làm cho người dân miền bắc bị hàm oan vì họ chỉ di cư theo cái bao tử. Sự đói nghèo do thiên nhiên miền bắc đã tạo ra những đợt di dân, là hình ảnh nam tiến xa xưa được khoác áo mở cõi. Tôi không hình dung được mấy mươi năm xa cách, những người trố mắt nhìn người khác không chào hỏi này đã bằng cách nào mà phát triển khu nhà quê đổ nát bởi chiến tranh, tàn tạ vì hoà bình này trở nên khu thị tứ sầm uất. Theo người chủ quán cóc lề đường cho tôi biết là Đài loan đầu tư vào đây khu chế xuất; Đại hàn đầu tư khu du lịch… làm cho đất ruộng trở thành bạc triệu đô la. “Ngày em theo gia đình vào nam thì khu này còn đồng lúa nhưng hoang phế sau đó vì thủy lợi, người ta bỏ đi kinh tế mới hoặc về quê…” Một cô bé không chừng tôi có biết trong những ngày ngập ngụa hận thù.

    Đêm tàn buông làn sương khuya khoắt xuống, tầng một của ngôi nhà bốn tầng là tiệm bán quà lưu niệm đã đóng cửa. Tầng hai là những văn phòng công ty cũng vắng bóng người. Tầng ba, đèn phòng tắt dần cho người ta đi ngủ. Nhưng trên tầng bốn có người làm việc khuya, thỉnh thoảng lại hắt xuống phố phường những câu tục tĩu. Những giọng bắc chưa phai đang miệt mài suốt canh thâu để rang cà phê lậu. Cô chủ quán không hiểu tại sao công an phường không biết, công an kinh tế, quản lý thị trường không hay khi mùi thơm cà phê bay, lan toả đến nhức mũi, nhảy mũi vì mùi hoá chất… Không biết cô có ngây thơ thật không, ước gì cô nói thật để tôi tin là có người bắc đã vào nam sau 75 nhưng không giống người bắc mà người trong nam gọi là bắc 75.

    Đêm xuống sâu hơn, mang khối sương khuya về đánh thức ban mai. Quê tôi bây giờ không có ngủ, còn khách là hàng quán còn bán. Nhưng ai bán tôi mua chục miếng đan khuất lấp dưới cỏ dại, giậu bông xơ xác, tả tơi, thềm xưa rêu phủ nhạt nhoà bên kia đường… cô chủ quán bảo tôi say rồi! Bác về nghỉ đi. Chẳng qua tôi ở đây bằng tuổi thơ của một đời người nên thấy được xóm làng xưa cũ và một gia đình đã muôn phương theo vận nước; tôi không ở đây bằng ước vọng thôn tính miền nam, làm chủ căn nhà bốn tầng, nên buồn tủi về già như cô với cái quán cóc lề đường ọp ẹp. Tôi chào cô không hận thù như xưa, một chút ngậm ngùi với người bỏ xứ ra đi như nhau thì ở đâu có cơm ăn-nơi đó là quê hương, còn quê nhà thì đã mất vĩnh viễn……

    Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X