Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Oan Gia Nghiệp Báo

Collapse
X

Oan Gia Nghiệp Báo

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Oan Gia Nghiệp Báo

    Oan Gia Nghiệp Báo


    Phan Ngọc Vinh


    Thời gian gần đây nhiều clip xuất hiện trên YouTube, mà Youtuber đã đánh động lương tâm của người xem, bằng cách quay đưa lên mạng những mảnh đời cơ cực, phần đông những người trong clip đều già nua, bệnh hoạn, hoặc trẻ hơn thì con đau, vợ bịnh, nhiều người già mà còn phải bương chải kiếm sống vì không nhờ được con, làm tôi chạnh lòng, nhớ đến gia cảnh một gia đình người hàng xóm mà tôi biết từ trước năm 75.

    Đó là gia đình bà Tư, người hàng xóm thân thiết của gia đình chúng tôi.

    Vào khoảng cuối năm 1974 gia đình ba má tôi nhờ cái xe nước mía đậu góc đường Lê văn Duyệt và Hồng Thập Tự mà phất lên mua đuợc nhà, lúc đó tôi nhớ không lầm là Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tuyên bố bỏ Ban Mê Thuột, tức là bỏ Miền Đông cao nguyên nên dân chúng các tỉnh quanh vùng đó ùn ùn đổ về Sài Gòn, xe nước mía được xay bằng tay, cả nhà từ ba má, anh chi em tôi xay mệt xỉu luôn và chỉ sau cái Tết nóng đổ lửa năm đó gia đình chúng tôi mua được căn nhà kế nhà bà Tư và đó là lý do vì sao tôi biết gia đình bà Tư.

    Bà có tất cả 12 người con, những năm trước đó ông Tư làm tài xế cho Hãng RMK, bà thì ở nhà nấu cơm chăm con, con gái lớn đi dạy học, làm được nhiêu tiền thì giử lại chút ít, còn bao nhiêu đưa hết cho mẹ, vô phước cho bà là thằng con kế bê tha, trụy lạc, hút sách, lấy cắp đồ nhà đem cầm bán, hở ra gì là lấy cắp món đó, bà cho đi học nhưng khi chở đến trường bà vừa quay lưng là có người canh nó chở đi liền, đến giờ bà tới đón thì nó xuất hiện cho bà rước về, khi bà biết ra thì quá muộn màng, nó đã lún sâu vào tội lỗi.

    Đến tuổi bị bắt lính, nghe lời bạn bè nó đăng lính thứ dữ, khi nó tập huấn ở Quân trường Quang Trung mỗi tuần bà đều lên thăm, vừa mua đồ ăn, vừa dúi tiền cho nó bỏ túi, bà tâm sự với má tôi là “hầu như bao nhiêu tiền con gái lớn đưa mỗi tháng bà xài cho nó hết, vì tiền ông đưa là để xài trong nhà“... ông tin bà nên cũng đưa hết cho bà, cô con gái lớn giữ ít tiền thì lại chơi hụi để dành tiền hộ thân.

    Thời gian trôi qua, cứ thế, ngày thằng con ra khỏi Quân trường thì bị hốt đổi ra Lai Khê, chiến trận càng lúc càng ác liệt, trong trận đánh ở Sông Bé nó lạc đường chạy bỏ quân ngủ, mò được về nhà nằm trên gác xép chờ vài tháng êm êm thì mặc đồ lính mượn xe Honda của chi nó chạy vi vút ra đường, bà thương nó quá, không biết có nợ nần gì kiếp trước mà trong số 12 đứa con bà thương nó nhiều nhất, bà mất ăn mất ngủ vì nó.

    Chơi ở nhà đâu vài tháng nó lại đăng lính khác, rồi vào Quân trường, ra trận, rồi lại trốn về, và đăng lính khác nữa, bà lo sợ nó chết, nên mỗi lần về phép bà nuôi nó như nuôi con chim cưỡng (nghe người ta ví thế, chứ tôi không biết nguời nuôi chim nuông chiều, cưng con chim cuỡng cỡ nào).

    Bà Tư kể cho má tôi nghe, nên tôi chỉ nhớ đại khái là vào năm 1973 hãng RMK rút về nước hay gì gì đó... ông Tư đổi sang hãng Mỹ khác nhiều quyền lợi hơn, và đương nhiên ông làm nhiều tiền hơn, vào khoảng tháng hai, năm 1975 nơi hãng ông làm, vài sếp mà ông lái xe cho họ, bảo ông đưa danh sách cả nhà, họ làm giấy tờ nhận cả gia đình ông được định cư sang Mỹ, ông đem giấy tờ về nhà bàn với bà Tư sẽ làm thêm vài thủ tục nữa để ra đi...

    Bà Tư nóng lòng chờ thằng con trời đánh đang hành quân ở Lai Khê, Đồng Nai, chiến trận càng lúc càng ác liệt hơn, mà đi Mỹ là một việc không thể chần chờ, nhưng bà kiên quyết ra điều kiện với ông là chờ thằng con yêu quý về đã, ông thì càng ngày càng sốt ruột, vì chính ông là người đã chở vài chuyên gia Mỹ ra phi trường, chính ông tập họp chở các bà con của nhân viên, có người ra đi không kịp về nhà còn nhờ ông tới nhà họ chở giúp người thân đem vô phi trường vì ông có thẻ ra vào phi trường, đấy là vào khoảng tháng giêng, tháng hai, chưa có nhiều dân chúng ào ào vào phi trường....

    Khi ông chở dùm thân nhân của họ vào, ông nhận xét phải có vàng, đô la hoặc tiền Việt, tóm lại là phải có tiền mới nên đi vì vào đó phải chờ đến lượt, rồi thì phải ăn phải xài, vì ai mà nuôi báo cô những 12 đứa con của vợ chồng ông, ông sốt ruột quá khi thấy thiên hạ nằm ăn chờ để đi, ông về hỏi bà còn tiền, vàng, đô la gì không thì nên đi, khi nào thằng con về thì cho nó căn nhà nầy, nó có bán mà ăn cũng sống được vài năm nữa, nhưng bà nói một câu mà nghe xong ông bịnh luôn... ông nằm trùm mền mà thở dài thườn thượt, bà nói là... “Tui không còn một đồng nào nữa, chơi 10 dây hụi bị giựt hết rồi! Chủ hụi trốn đi rồi! “... Ông chỉ kịp thốt lên hai tiếng “Trời ơi!“ rồi buông thỏng hai tay... bất lực, tưởng là ông ngũm luôn rồi.

    Sau ngày 30 tháng tư, bà Tư lần lượt bán dần đồ đạc trong nhà, thằng con quý tử lang thang lếch thếch trở về, cô con gái lớn trước đó dành dụm hốt được đầu hụi chót chuộc lại miếng đất hương hỏa gần nửa mẫu ở Đức Hòa, đất của ông bà nội mà vài tháng trước 75 tình hình lộn xộn quá nhắm sẽ không thể hồi cư, vì cứ năm ba bữa nghe tin VC giựt mìn làm lật xe đò chết thường dân nhiều lắm, nên các cô em chồng của bà Tư đã bán rẻ miếng đất ấy cho một người bà con, bà ta chưa kịp sang tên thì miền Nam bị mất vào tay CS, cô con gái lớn của bà Tư dùng tiền hốt hụi của mình chuộc lại miếng đất, chụp đúng thời cơ, sau khi mua xong lúc làm giấy tờ cô để cho ba má đứng tên, vì năm đó cô mới 24 tuổi, chưa biết gì về quyền lợi riêng tư của chính mình, cô chưa nghĩ ra của ba má là của chung trong gia đình.

    Hai gia đình chúng tôi thân nhau như ruột thịt, nên chuyện gì xẩy ra, vui buồn gì cũng nói cho nhau biết, gia đình chúng tôi còn có xe nước mía, nên sống đắp đổi qua ngày, bên gia đình bà Tư thì thiệt là kiệt quệ... cô con gái lớn vẫn tới nhiệm sở trình diện mỗi ngày nhưng trong vòng vài ba tháng nữa sẽ bị đổi đi xa, vì là độc thân, và họ xét lý lịch có cha làm việc cho Mỹ Ngụy, có tội ác với nhân dân, nên không thể ở thành phố, thành phố nầy chỉ dành cho gia đình có công với Cách mạng, và phải để dành cho “nguời anh em mình“ ở ngoài Bắc vào... tiếp thu.

    Trong những tháng ngày còn ở Sài Gòn chờ có quyết định đổi đi xa, chị theo bà Tư ra chợ Cầu Muối mua khoai lang về đổ ở con đường nhỏ ngang chợ Ông Tạ để bán cho người mua mớ về luộc bán lẻ, quy luật gì lạ lắm, khi mua thì bà Tư phải mua cả mấy cần xé ở Cầu Muối rồi mướn xe ba gác chở về, trước đó khoai sùng khoai tốt gì “đầu nậu“ mua mão bao cả vườn, họ muớn nguời nhổ lên thẩy vô cần xé rồi chở xe cam nhông từ tỉnh lên Sài Gòn, khi mua về bà Tư đổ đóng một nơi nào đó gần chợ, rồi cắm bảng bao nhiêu tiền một ký, người mua lẻ bao nhiêu ký cũng bán, nhưng lạ một điều mà bà Tư ngày đầu không biết là người mua khoai họ thủ theo một con dao bén, tới nơi họ xà xuống móc bao nylon từ trong giỏ của họ, rồi vừa lựa vừa vạt đầu vạt đuôi, vạt bỏ chỗ thâm chỗ sùng, rồi bỏ vào bao đưa bà Tư cân, bà Tư là tay mơ nên ngày đầu bị lỗ te tua vì mua thì bị mua điêu (cân đểu) mà bán ra thì cân đúng lại bị vạt đầu vạt đuôi, cứ cân bán xong trả tiền rồi, người mua là những tay sành sỏi xin thêm bà Tư vài củ, nhưng họ hốt thêm cho một mớ không cần vạt, hai má con nhìn nhau như thầm hiểu và biết trước là kết quả sẽ vô cùng thê thảm, vì phải bán hết trong ngày cho rồi chứ không bán hết lại phải mướn xe chở về nhà, mai lại chở đi sẽ còn khổ nữa. Hai má con cực khổ bán khoai độ tuần lễ không chịu nổi vì lỗ lã, mệt mỏi vì không quen dầm mưa giãi nắng, và điều nữa là không cân điêu cho người mua được, nên dẹp luôn cái vụ bán khoai lang.

    Thằng con trai của bà thì vẫn là thằng vô tích sự, phá xóm phá làng, nhậu nhẹt bê tha, chửi cha mắng mẹ, những câu như “bà đẻ tui ra chi để tui khổ thế nầy? ... bà nuôi tui mà bỏ tui đói quá! ...” Gạo mua tổ cho 14 người trong nhà mỗi người được 13 ký (hình như vậy), với 13 ký lương thực mỗi nguời thì gồm 6 ký gạo mốc và 7 ký khoai lang , khoai mì, có tháng thì là bo bo, khi chị và mẹ đi bán nó ở nhà gom gạo đem bán rẻ lấy tiền đi nhậu, trước đó ông Tư bán hai chiếc Honda gom hết tiền mua xe Lam chạy từ Bảy Hiền ra Sài Gòn, xe đuợc nhập từ năm 1967 (nhớ vậy) Ông Nguyễn Cao Kỳ mua về nước bán trả góp cho người dân ai muốn chạy chở khách thì mua, đến năm 75 những xe đó cũ quá rồi, ông Tư mua lầm xe cũ xì, họ tân trang, sơn phết lại bán cho ông, nên ông chạy cứ hư hoài cũng chẳng mang được tiền về nhà.

    Sau vụ bán khoai lang thì Bà Tư và chi lớn ra chợ trời, mua qua bán lại, đắp đổi sống qua ngày, sau đó chị có Giấy quyết định đi dạy xa, bà Tư lầm lũi đi buôn một mình, một bữa ở bên nhà tui nghe cái rầm... có tiếng loảng xoảng như tiếng thuỷ tinh vỡ bên nhà bà, rồi nghe tiếng thằng con bà la lối um sùm, sau đó nghe bà kể lại với má tôi, bà đi buôn đồ cũ, gặp gì mua nấy rồi bán lại, trưa đó bà mua được cái radio xài pin, đem về nhà định nghe cho vui rồi mai sẽ đem ra chợ trời rao bán lại kiếm lời, đang nằm võng lim dim nghe vọng cổ, cái radio để trên bàn thấp kế bên, từ ngoài cửa nó xăm xăm bước vào chụp cái radio quăng mạnh vô cái Tivi, cả hai cái đều bể, đó là hai món quý giá cuối cùng trong nhà bà Tư, rồi nó la lên :

    - Có gì ăn không, dọn cho tui ăn, bà sướng quá, tui đang đói mà bà nằm nghe “dọng“ cổ...

    Bà bịnh luôn không ngồi dậy nổi, ôi thảm cảnh trong nhà bà Tư, phải trước kia bà đi Mỹ, bỏ thằng mất dạy nầy ở lại thì bà đâu phải khổ thế nầy...Vì thương nó, chờ nó mà cả nhà 13 người phải lâm vào cảnh khổ thế nầy!

    Từ sau năm 75, mọi người dân ở miền Nam khổ ơi là khổ, gia đình tôi cũng vậy, bán nước mía đâu còn huy hoàng nữa, má tôi bán nhà về quê ở Củ Chi, xem như đứt đoạn với gia đình bà Tư...

    Khoảng năm 1978, má tôi đi thăm bà con ở Hóc Môn, buổi tối má tôi và nguời chị chồng vào chợ ăn hủ tiếu, ăn xong đi dọc vài căn phố gần chợ để đến tiệm sửa điện hỏi xem cái Tivi cô bỏ sửa họ làm xong chưa để ngày mai kêu anh họ tôi ra lấy, buổi tối khu chợ nầy rất đông người qua lại, má tôi thấy ai lom khom phủi phủi cái thềm nhà bên vệ đường, má tui bảo cô dừng lại xa xa xem ai mà thấy giống bà Tư quá, và cố nhìn cho kỷ thì rõ ràng đúng là bà Tư, nhưng sao bà lại có vẽ như muốn ngủ lề đường vậy...

    Sau một hồi phân vân, má tôi bảo cô thôi đừng đi qua, mà hãy đứng từ xa nhìn xem sao, thì lát sau, sau khi dọn chỗ tương đối sạch má tui thấy bà Tư trùm cái mùng nhỏ và nằm ngủ bên vỉa hè của căn nhà vệ đường, má tôi bật khóc, suy nghĩ mãi lý do nào mà bà Tư lâm vào cảnh bần cùng thế nầy, sau cùng má tui nói cô thôi về nhà cô đi đừng đi qua chỗ đó, và thay vì ngày mai về, má tôi quyết định ở lại thêm ngày nữa để tối mai ra gặp bà Tư, vì thời gian đó phần đông những người từ kinh tế mới trở về ban ngày họ vật vã xin ăn hay làm thuê làm mướn kiếm tiền, ban đêm chờ chủ nhà đóng cửa họ mới trải chiếu ngủ nhờ, và phải thu dọn sạch sẽ trước trời sáng hôm sau, tức là trước khi chủ nhà mở cửa.

    Tối hôm sau cũng khoảng 9 giờ đêm má tui rình từ xa xa thấy bà Tư xách cái bao, đoán là trong đựng tấm vải trải ngã lưng và cái mùng nhỏ dùng để trùm cả đầu mình tay chân mà bà dùng để cuộn tròn ngủ cho đỡ muỗi cắn, má tui đi nhanh lại ôm bà, bà giật mình khi hội ngộ má tui, cả hai đều khóc. Rồi bà kể sự tình trong nước mắt:

    - Khi chi bán nhà đi rồi, con gái lớn của tôi cũng đổi đi dạy học xa, ông chồng tôi bán xe Lam mua lại chỉ được chiếc xe Honda đời cũ, còn dư chút đỉnh, sau đó ông được em bà con đi tập kết về nhận cho lái xe trong Hợp tác xã ở Hốc Môn, số tiền còn lại ít ỏi từ vụ bán xe lam tôi về quê cất cái chòi ở Đức Hoà, là đất bên chồng mà con gái tôi chuộc lại từ người bà con, trước đó mấy cô em chồng đã bán vì nghĩ sẽ không bao giờ trở về đó nữa vì chiến tranh, tuy gần thành phố mà vài ba bữa bị VC cho nổ mìn.

    Gần nơi đó có một trường Trung Tiểu học, tôi về đó bán bánh mì buổi sáng cho học sinh, chỗ đó không có lò bánh mì cứ mỗi chiều tôi theo chuyến xe đò cuối cùng xuống Hóc Môn, đi vòng vòng chợ chơi rồi chờ tối ra đây ngủ để khuya đi lấy bánh mì ở lò gần đây, vì là lò của Hợp Tác Xã, tụi nó làm thêm bán chui kiếm thêm thu nhập, lúc trước khuya 3 giờ sáng ông xã tôi chở đi lấy nhưng chỉ thời gian ngắn sau ông không chịu nổi vì sáng phải đi làm, lái xe cho HTX mà ngủ gục, thành thử cứ mỗi chiều tôi đón chuyến xe cuối đi một mình xuống đây, ngủ đây rồi chờ 4 giờ khuya qua lò bánh, vào cửa sau, nhân công đếm sẵn bánh rồi, chỉ trả tiền rồi vác ra bến xe gần đây, đi mua bánh mì mà như đi ăn trộm, vì nhân công làm mẽ đầu bán lén để có thêm thu nhập, tôi bán mỗi sáng độ chừng trăm ổ, ế thì mấy nhỏ ăn trừ cơm, trên đó có chợ nhỏ, dặn thịt trước, trưa bán xong qua chợ mua miếng thịt về luộc bỏ màu gạch vào nhìn cho đuợc mắt rôi đậy lại, làm đồ chua mọi thứ xong xuôi, chiều tối theo chuyến xe cuối cùng xuống đây ngủ chờ lấy bánh, khuya đem về sớm đẫy xe ra bán trước trường học.Con gái lớn vẫn còn đi dạy, về nhà mỗi tuần, được nhà ở SG chưa bán được vì họ trả rẻ quá. Má tui hỏi:

    - Còn thằng con trai lớn của chị đâu sao không đi lấy bánh cho chị, mà để chị đi khổ sở ngủ hè ngủ đường phố thế nầy?

    Bà Tư mếu máo:

    - Oan gia nghiệp báo chị ơi, khổ lắm, nó vẫn kiếm chuyện chửi tôi như xưa, có bữa sáng về lấy thịt ra bán thì không còn miếng nào cả vì tối qua nó rũ bạn tới ăn nhậu hết rồi, sáng đem bánh về còn dọn chỗ nó ói mữa từ trên giường xuống đất, bữa đó phải mau mau ra quán mua mấy hộp cá mòi về chế biến, hôm đó bán bánh mì chan cá nấu với cà chua.. Ông xã tôi từ lúc không chở tôi đi lấy bánh nữa thì buổi tối ông về nhà ở thành phố ngủ, vì vẫn còn vài đứa con ở đó, mà ổng kỵ thằng nầy, nó về đây thì ổng về đó, nó về đó thì ổng về đây, hai cha con như hai kẻ thù truyền kiếp... chị biết không, tối ngồi đây mà che cái nón lá sùm sụp, sợ gặp người quen, chờ bớt người, bớt xe cộ qua lại mới dọn chỗ nằm ngủ, có bữa thấy chú nó là em chồng tôi từ Trung Chánh chở vợ xuống đây ăn tối, tôi phải che cái nón lá, thụp cái đầu xuống vì sợ nó thấy mình, dù trước 75 ông nhà tôi giúp đỡ gia đình nó nhiều lắm. Bây giờ nghèo khổ tôi cũng còn sĩ diện, không cần sự giúp đỡ của ai, chờ bán được nhà gom về một mối, sẽ đỡ khổ hơn bây giờ, tôi hy vọng vậy, nhưng không biết tôi với ông ấy còn sống tới ngày đó không?

    Đêm đó về nhà chị chồng mà má tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, thầm vái van cầu xin ơn trên che chở cho bà thoát khỏi cảnh ngủ đường, ngủ chợ thế nầy...

    Đoạn cuối. Nhiều năm sau có dịp lên Đức Hoà, má tôi ghé thăm bà Tư, giờ khá lắm, nghe kể vài năm sau giá nhà lên vì cán bộ ngoài Bắc vào tranh nhau mua, bà bán được nhà, ông bà Tư đem tiền về quê cất nhà tuờng trên đất hương hoả, con gái lớn lấy chồng, theo chồng ra nước ngoài, thằng con kế nhậu nhẹt chết vì ruột gan phèo phổi tanh banh do uống rượu độc mua từ TQ, nó chết xong bà Tư mới yên, mọi người mới yên, các người con kế của bà cũng lấy chồng, lấy vợ cùng trong làng, làng mạc giờ không còn chiến tranh thì cũng giống y như thành phố.

    Cũng mừng cho bà, thằng con chết, bà đã trả xong món nợ mà bà vay nó từ tiền kiếp, nó lấy đủ nợ cho hết rồi mới chết, nghe nói nó chết mà bà làm tang ma lớn để... ăn mừng và không khóc than tiếc nuối thương cảm như năm xưa ông biểu bà cùng ông lo giấy tờ đi Mỹ, sau đó bà mới được thảnh thơi vào tuổi xế chiều.



    Phan Ngọc Vinh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X