Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Ngày Đầu Tiên Của Căn Cứ 20 CT Không Quân

Collapse
X

Những Ngày Đầu Tiên Của Căn Cứ 20 CT Không Quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Ngày Đầu Tiên Của Căn Cứ 20 CT Không Quân

    [MYOUTUBE]mKzcTGwCPGw[/MYOUTUBE]

    Khi cái ramp của chiếc C-7 hạ xuống, tôi tháo giây nịt an toàn đứng dậy nhìn ra phi đạo. Một cơn gió nóng hắt vào theo những luồng nắng màu vàng sậm. Phan Rang đây rồi. Tôi xách túi hành lý, bước chân xuống ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ toàn là quân nhân Mỹ. Một sĩ quan không quân tốt bụng cho đi nhờ chiếc xe pick up về nơi tạm đặt văn phòng của toán Không quân Việt Nam đang tiến hành nhiệm vụ tiếp thu căn cứ.
    Đó là những ngày cuối năm 1971 khi các đơn vị của Không Lực 7 (Không đoàn Yểm cứ 312 và Không đoàn Chiến thuật 312) chuẩn bị để rời Phan Rang trong chương trình Việt Nam hoá chiến tranh và bàn giao căn cứ lại cho Sư đoàn 2 Không quân.Việt Nam.
    Tôi là một sĩ quan bộ binh được chuyển về Không quân do nhu cầu phát triển quân chủng. Rời chiến trường Lộc Ninh còn đang diễn ra ác liệt, tôi vui sướng hưởng được mười lăm ngày phép hiếm hoi với gia đình rồi trình diện Bộ Tư Lệnh Không quân để sau đó, được đưa ra Phan Rang ngay. Là một trong khoảng hơn ba chục quân nhân VN đầu tiên có mặt ở Phan Rang, chúng tôi đã bắt đầu công việc một cách khó khăn vì thiếu phương tiện, nhân sự, mà căn cứ lại quá lớn, quá nhiều tiếp liệu, nhiều cơ sở kỹ thuật tân tiến mà chúng tôi còn rất bở ngỡ.
    Người anh cả ngày đó là Đại tá Nguyễn Đình Giao, hiền lành và cởi mở. Đại tá Giao là Chủ tịch Úy ban Tiếp thu Căn cứ Phan Rang, mà trong những tháng đầu, nghe đâu đơn vị mới này được đề nghị đặt tên là Lữ đoàn 21 KQ (nhưng bảng cấp số chưa được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận). Dưới ông là Trung tá Võ Văn Ân, về sau là Không đoàn phó KĐ 92/CT, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệt, (sau là Liên đoàn trưởng Phòng Thủ) một hoạ sĩ biếm họa tài ba, mà sau này đã giúp tôi rất nhiều trong việc ấn hành bản tin hàng tháng “Gió Cát”. airbase_pr2Đúng là chúng tôi đã hình thành một cái khung chỉ huy cấp Không đoàn, Liên Đoàn, Đoàn, Khối, Phòng, Ban trở lên cho căn cứ trong tương lai. Tôi còn nhớ nhiều tên các sĩ quan như sau: Đại Úy Trương Khương (Phòng Vệ), Thiếu Uý Lương Văn Cón (Quân Cảnh), Trung úy Vũ Văn Phán (Chuyển Vận), Trung úy Nguyễn Thành Lân (Truyền Tin), Đại úy Long (Yểm trợ Hành Quân), Đại Uý Trần Phước Hội (Bảo Trì), Trung úy Phạm Thế Dân (Tiếp Liệu), Trung úy Nguyễn Văn Ngà (Cư Xá), Trung Úy Nguyễn Văn Phước (Ẩm Thực), Y sĩ Trung úy Nguyễn Dương, Dược sĩ Thoại, Nha sĩ Sanh, Nha Sĩ Huỳnh Thanh Xuân (Khối Quân Y), Trung Úy Lý Phước Lộc (Nhân Viên), Đại Uý Nguyễn Minh Tâm (Huấn Luyện), Trung úy Phạm Phú Vinh (Tài chánh), Đại uý Nguyễn Tấn Mỹ (An ninh KQ). (Cấp bậc trong bài viết này là cấp bậc của thời điểm đầu năm 1972).
    Trong khi các anh em khác đều là quân nhân KQ từ Sư đoàn 2 chuyển vào, có nhiều hiểu biết về tổ chức quân chủng, thì tôi là “em mới” ngơ ngác, quân phục tuy đã thay phù hiệu, nhưng vẫn còn còn vương hơi thuốc súng và dấu vết đất đỏ miền Đông Nam phần. Ấy thế mà tôi lại là một trong những người được đi nhận nhiều cơ sở và trang bị nhất trong căn cứ. Vì là một quân đội nhà giàu, quân nhân Mỹ được hưởng nhiều tiện nghi vật chất, nên đơn vị Tổng vụ của Hoa Kỳ quản lý gần như một phần tư tài sản của căn cứ gồm các hội quán, PX, rạp chiếu bóng, hồ bơi, du thuyền, câu lạc bộ… mà lẽ ra, đoàn Tổng vụ KQVN phải ký nhận. Nhưng mấy ông Tổng vụ Không quân quá rành sáu câu, nên đã biết không dại gì vơ vào để sau này có thể mang hoạ. Thế là anh sĩ quan CTCT mới gia nhập gia đình quân chủng bèn được ưu ái cho lãnh nhiệm vụ này. Lúc còn ở Bộ binh, tôi làm đơn vị trưởng chiến đấu, tiếp liệu đã có người lo, nên không hề thấy hết cái phức tạp của ngành này. Vì thế, tôi cứ ngày ngày tà tà đi theo các sĩ quan Mỹ đến hết kho này đến kho kia, từ bên này qua bên kia phi đạo xa lắc, để ký nhận hàng ngàn món vật dụng mà sau này, cho đến khi rời Phan Rang về nằm Tổng Y viện Cộng Hoà, tôi không có một dịp thứ hai để kiểm kê lại mất còn ra sao.

    Cuộc sống ở Căn cứ Phan Rang những ngày đầu tiên rất đơn điệu. Ngày ngày đi ký nhận cơ sở, vật liệu. Đến chiều, anh em chúng tôi leo lên mấy cái pick-up về phòng ngủ, tắm rửa rồi kéo nhau lên Câu lạc bộ Sĩ quan nằm trên một ngọn đồi nhỏ để ăn tối. Trong thời gian này, quân nhân VN được chiêu đãi miễn phí cả ba bữa ăn: sáng, trưa, chiều. Thức ăn dồi dào thừa mứa, như bên này chúng ta ăn ở các nhà hàng “all you can eat”. Thửa đó, chúng tôi chẳng biết tên món nào vào món nào, nên phải chỉ cho anh đầu bếp Mỹ múc vào cho mình, giống như kiểu ăn “cơm chỉ” ở quán ăn bên hông rạp cine góc đường Lê Lợi và Công Lý ở Sài gòn ngày xưa vậy.
    Lính Không quân là sướng nhất trong quân đội VNCH, thứ nhất ở các thành phố lớn, thứ hai là tiện nghi rất cao. Phan Rang là một trong hai căn cứ sau cùng do Hoa Kỳ chuyển giao, nên tất cả tiện nghi kiểu Mỹ còn như nguyên vẹn. Chúng tôi được chia cho các căn phòng mà trước đó dành cho sĩ quân độc thân, nên cò đủ giường, nệm, tủ áo hai cánh, tủ nhỏ 6 ngăn, bàn viết, ghế nệm. Duy chỉ có cái máy lạnh là bị gở đi mất. Có lẽ các bạn Mỹ cho rằng dân Việt miền nhiệt đới thì đã chịu quen cái nóng nên không cần máy lạnh chăng?
    Buổi tối, những anh có xe pick up thì rủ nhau ra phố cách phi trường chừng 5 cây số để vui chơi. Vài anh em còn lại quây quần trong cái lounge đánh cờ tướng, trò chuyện gẫu. Tôi chưa quen ai, nên còn e dè chưa biết phải hội nhập ra sao với các anh sĩ quan Không quân vốn hào hoa phong nhã. Vì thế, tôi thả bộ qua Câu Lạc Bộ gần đó để uống bia, nghe nhạc với Thượng Sĩ Jansen, là người cùng làm việc với tôi trong suốt thời gian tiếp nhận căn cứ. Những năm đầu thập niên 70, nhạc Rock-n-Roll rất thịnh hành. Câu lạc bộ tràn ngập trong khói thuốc, hơi rượu và ầm ỉ tiếng la hét của ca sĩ Hard Rock. Thỉnh thoảng cũng có những ban nhạc sống Đại Hàn, Phi, hoặc từ Mỹ đến. Những đêm đó, thật đông và nhộn vì chắc chắn có các cảnh tươi mát.
    Ngoài việc hàng ngày đi ký nhận cơ sở, vật liệu; tôi bắt đầu thực hiện một bản tin lấy tên là “Gió Cát”.Bản tin chừng 6 trang, gồm tin tức tiến hành công việc, vài bài thơ của các anh trong ban tiếp thu, vài tranh hí hoạ của Thiếu Tá Thiệt. Trên trang bià, tôi vẽ lại hình chụp từ cockpit môt chiếc A-37, với người hoa tiêu nhìn từ sau nên chỉ thấy chiếc nón và một phần mặt nạ của ống dưỡng khí. Việc in ấn rất dơn giản bằng stencil là chính. Thế là mãi bốn năm sau ngày ra trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị, tôi mới chính thức làm công tác CTCT.
    Phan Rang là một địa điểm thích hợp cho việc bay bổng. Đứng trên đỉnh đèo Ngoạn Mục cách phi trường chừng 50 cây số nhìn ra hướng biển, là cả một vùng đất bằng phẳng. Thời tiết quanh năm khô ráo. Hình như chẳng có trận mưa nào suốt năm. Bầu trời thì luôn luôn quang đảng, không một gợn mây. Duy chỉ có gió và lại là gió cát. Vì thế người dân Phan Rang thường có đôi mắt không đẹp, do phải thường nhắm nghiền lại để khỏi bị bụi cát.
    Cuối tuần, đa số các anh có nhà ở Nha Trang đã đánh bài chuồn từ chiều thứ sáu. Còn lại một đám “mồ côi” như tôi chẳng biết làm gì cho hết hai ngày nghỉ. Phương tiện thì không có. Chúng tôi dùng chiếc Step Van – chỉ được phép sử dụng trên phi đạo để đưa đón phi hành đoàn mà thôi – ra phố chơi. Step van chỉ có ba số: Tới, lui và parking. Ngoài tài xế là được ngồi trên ghế, anh em còn lại phải ngồi bệt xuống sàn nếu không muốn đứng lắc lư con tàu đi suốt khoảng đường 5 cây số.
    Phan Rang là một thị trấn nhỏ, hiền lành. Có một con phố chính, là đường quốc lộ 1, đoạn đi qua thị xã chừng dưới một cây số. Các đường phụ đa số chạy qua khu dân cư, khu hành chánh. Tiệm ăn không nhiều. Nhưng đặc sắc là có tiệm bán chim sẻ nướng. Những con chim nhỏ vừa chín tới, thơm ngon. Mỗi con luôn đầu mình (chân tay) vừa một miếng. Thêm một vài tiệm bán đồ nhắm thủy sản mà ngon nhất là con hào, móng tay, ăn nướng vĩ than hay xào, nấu cháo đều ngon. Phan Rang có hai chị em cô Phụng, Hoàng là các đấu thủ bóng bàn cấp quốc gia; sau này căn cứ có thêm Thiếu tá Tạ Duy Quý cũng là một tay vợt nổi tiếng. Anh Quý thường đi săn chim mỏ nhác đem về. Tôi mua rượu chát đỏ trong bình 5 lít cùng anh em thân thiết ngồi quây quần nhậu nhẹt suốt đêm.
    Từ cổng phi trường đi ra chừng vài trăm thước là thị xã Tháp Chàm. Gọi là thị xã, nhưng đó chỉ là một điểm dân cư nhỏ quanh ga xe lửa Tháp Chàm. Tại đây, có vài cơ sở dịch vụ vui tươi như quán “bà Tô” mà anh em độc thân xa nhà thường ra “thử súng”. Vài quán ăn lèo tèo. Chỉ một nồi súp mà chủ quán có thể gia giảm để khi thì bún bò, khi thì phở, hủ tíu, và canh các loại. Tuy nhiên chúng tôi cũng dễ dải chấp nhận sau những ngày dài ăn toàn gà chiên, hamburger trong căn cứ.
    Căn cứ Phan Rang nổi tiếng là nhiều rắn. Đủ loại, đủ cỡ. Khi đã thành đơn vị, gia đình chúng tôi được phát những căn nhà nhỏ xinh xắn ở khu Bánh ú (cấp trưởng phòng) hay khu Red Horse. Từ cấp Liên đoàn trưởng trở lên thì được ở trong những trailer đẹp dựng ở các sườn đồi. Gần như ngày nào chúng tôi cũng thấy rắn bò lổm ngổm. Có lần rắn nằm chực ngay chỗ vòi nước sau nhà, nơi vợ tôi thường hay ra giặt giủ. Một lần, chị Phạm Bính (Trung tá Bính là Liên đoàn trưởng LĐ 92 CT) đứng trước nhà nói chuyện với vợ tôi. Tôi vừa mặc áo quần sửa soạn lên Bộ Chỉ Huy Căn cứ họp thường lệ. Vừa ra khỏi cửa, đã nhìn thấy môt chú rắn hổ đang ngóc đầu ngay bậc thềm nhà anh Bính, chỉ cách chỗ chị Bính chừng một mét thôi. May mà chị Bính đẹp và duyên dàng, nên chú rắn cứ mãi nhìn say đắm mà không tác hại. Phải có hàng trăm con rắn đang sinh sống trong những nơi mà trước đó là các căn nhà trailer đã bị Không quân Mỹ tháo đi, chỉ còn những đám cỏ cao đến tận đầu gối không ai phát quang, dọn dẹp. Chúng thường bò đến các căn nhà chúng tôi để kiếm nước, để lại những dấu vết trên mặt đất khô.
    Dần dà, quân nhân Việt Nam đến càng đông. Các đơn vị bắt đầu hình thành với tạm đủ sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính. Nhưng cho đến khi tôi rời đơn vị vào giữa năm 1973, bảng cấp số vẫn chưa được chính thức thừa nhận. Vì thế, các anh gốc Sư đoàn 2 KQ vẫn mang chức vụ cũ, trong khi chỉ có tôi và vài anh là mang chức vụ “Lèo” Do đó, sau này chúng tôi có nhiều thiệt thòi trong việc thăng thưởng. Đến giữa năm 1972, chúng tôi vẫn chưa biết đơn vị mình sẽ là Lữ đoàn 21 hay Căn cứ 20 Chiến Thuật. Sự phiên chế vẫn chưa rõ ràng. Khối Chiến tranh Chính trị là một thí dụ. Khi thì nghe rằng khối CTCT trực thuộc bộ Chỉ Huy căn cứ, có lúc lại nói rằng trực thuộc Không đoàn Yểm Cứ Phan Rang.
    Sau khi Đại tá Nguyễn Đình Giao hoàn tất việc tiếp nhận, một lễ bàn giao trong thể được tổ chức ngay tại sân lớn phiá sau toà nhà Bộ Chỉ Huy. Tôi được vinh dự làm MC, Thiếu tá Nguyễn Văn Tâm (trưởng phòng Huấn Luyện) làm sĩ quan Quân lễ. (hình đính kèm). Đại Tá Giao đi làm Tham Mưu Trưởng Sư đoàn 6 KQ tân lập, Đại Tá Nguyễn Văn Bá về thay làm Chỉ Huy Trưởng Căn cứ. Không doàn Yểm cứ do Trung tá Trần Đình Giao đảm nhiệm, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệt, Không đoàn phó kiêm Liên đoàn trưởng LĐ Phòng Thủ.. Không đoàn 92 Chiến Thuật do Trung Tá Lê Văn Thảo nắm, Trung tá Võ Văn Ân làm Không đoàn phó, Trung tá Phạm Bính là Liên đoàn trưởng LĐ 92 CT, Thiếu tá Ấn (Hành Quân), Thiếu tá Tạ Duy Quý (An Phi). Phi đoàn Kim Ngưu 534 ra đời, là đơn vị Phản lực A-37 đầu tiên của Phan Rang, dưới quyền Thiếu tá Nguyễn Văn Thi. Sau đó tăng cường Phi đoàn 524 của Thiếu tá Sử Ngọc Cả từ Nha Trang vào, và phi đoàn tân lập 548 của Thiếu tá Trần Mạnh Khôi. Không đoàn 92 CT có thêm một phi đội trực thăng 215 do Đại uý Tạ Thành Nhân làm Phi đội trưởng. Ông Nhân họ Tạ này, hợp cùng hai ông Tạ Hoà Hưởng và Tạ Thượng Tứ của Phi đoàn 534, Tạ Duy Quý (An Phi) làm thành bốn sao quả tạ của Căn cứ!! Liên đoàn Bảo trì Tiếp liệu do Thiếu tá Trần Phước Hội chỉ huy gồm có Đoàn Bảo trì (Thiếu úy Xuyến); Chuyển vận (Đại úy Phán), Truyền Tin (Đại uý Lân), Tiếp liệu (Đại úy Dân), Vũ khí (Thiếu úy Đức).
    Căn cứ Phan Rang rất rộng, chu vi phòng thủ dễ đến khoảng 30 cây số, do một tiểu đoàn Địa Phương quân đảm trách phối hợp cùng Liên đoàn Phòng Thủ. Sĩ quan Tham mưu lâu lâu trực căn cứ một lần hai giờ; vừa đủ đi một chuyến vòng đai. Tôi ở Phan Rang hai năm hình như chỉ có một vài lần bị pháo kích. Đa số các quả đạn lọt vào phía bên kia phi đạo.
    Đơn vị có một rạp hát rất rộng và đẹp. Nhưng máy móc thì bị Không quân Mỹ gở đi hết, chỉ còn một nền nhà trống trơn mà suốt mấy năm trời, chúng tôi chỉ sử dụng một lần cho chương trình văn nghệ học tập. Đa số các buổi học tập cấp căn cứ và các buổi diễn văn nghệ khác đều được tổ chức ở sân khấu lộ thiên, có các băng ghế gỗ đủ cho 3000 khán giả. Sân khấu lộ thiên này nằm cạnh một câu lạc bộ rất đẹp (cũng bị bỏ trống nhiều năm), trên con đường ngoằn nghèo dẫn lên Câu lạc bộ Hạ Sĩ Quan nằm trên đồi có giàn rada của căn cứ.
    Sau khi quân nhân Hoa Kỳ đã hoàn toàn ra đi, các nhà ăn cũng bị Việt Nam hoá. Từ hamburger, khoai tây chiên, nay chỉ ngửi thấy mùi đậu xào, canh cải. Các “câu lạc bộ” do các quân nhân Việt trúng thầu mọc lên, cung cấp các bữa ăn vừa túi tiền cho quân nhân trong đơn vị. Rồi bắt đầu mọc lên những quán cà phê nhạc, mà đông khách nhất là quán của phu nhân Đại Uý Lân (Truyền Tin).
    Khối CTCT cũng sử dụng một dãy nhà đặt 4 bàn bi da cho quân nhân giải trí. Nhưng vì không ai chăm sóc nên rồi cũng dẹp tiệm sớm để thay vào đó là võ đường Thái Cực Đạo. Phía sau phòng Chính huấn của tôi có một hồ bơi rất tiện nghi, nhưng chưa hề thấy ai ra tắm. Hồi đó, Thiếu tá Võ Văn Thi làm Trưởng khối CTCT, Trung úy Trần Thanh Tịnh (Tâm Lý Chiến), Thượng sĩ Nguyễn Đình Thiều làm báo chí, tôi làm Trưởng phòng Chính huấn, thường tổ chức các buổi học tập từ cấp đoàn đến cấp căn cứ. Căn cứ đã có lần đoạt giải nhất toàn quân chủng trong đợt học tập về Hoà đàm Paris. Tôi nhớ một lần, học tập cấp căn cứ rất trọng thể tại sân khấu lộ thiên. Có Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lương, Sư đoàn trưởng và các sĩ quan cao cấp từ Nha Trang vào tham dự. Tôi là thuyết trình viên. Trưa đó, tôi có việc ra phố Phan Rang liên lạc với khối CTCT Tiểu khu. Gặp một đám bạn quen mời nhậu cho đến chiều, quên mất việc mình sẽ lên thuyết trình vào lúc 7 giờ tối hôm đó. Sau khi quân nhân đã tập họp đông đủ tại sân khấu lộ thiên, ông Thi (khi đó còn là Đại uý) tìm tôi không ra. Hỏi qua nhà, nghe vợ tôi nói đã đi ra phố chưa về. Thế là căn cứ cho một xe Quân cảnh đi tìm. Họ gặp tôi ở quán ăn, chở về vừa kịp trước giờ khai mạc. Ông Thi đứng ngay bậc thềm bước lên sân khấu hỏi: “Anh xỉn rồi, có nói được không?” Tôi tự tin: “Đại Úy đừng lo.” Có lẽ nhờ hơi ngà ngà, đêm đó tôi đã nói một cách hết sức hùng biện và được Sư trưởng khen ngợi. Chỉ có vài anh biết chuyện, đùa rằng: “Nhờ rượu nói đó.” Làm CTCT chưa đủ, tôi thường nổi máu giang hồ mạo hiểm, nên hay đến với phi đoàn 534 xin đi theo các chuyến bay hành quân. Tôi bay nhiều lần với Đại úy Dương Thiệu Chí, Thiếu tá Võ Phi Hổ. Thiếu tá Thi (Phi đoàn trưởng) cho phép tôi sử dụng dù và nón bay của Thiếu úy Xuân, ưu ái cấp cho tôi một sổ Không vụ bạ ghi giờ bay, coi tôi gần như một thành viên của phi đoàn. Thiếu úy Xuân (hy sinh năm 1974), Thiếu úy Đạo kiếm cho tôi ba bộ áo bay ba màu khác nhau (đen, xám và nomex) có đủ phù hiệu của Phi đoàn. Thường sau các chuyến bay yểm trợ cho Sư đoàn 23 BB ở Buôn Hồ, Đại uý Chí thế nào cũng tách hợp đoàn, bay qua thành phố Đà Lạt cho tôi nhìn lại căn nhà vợ tôi nấp dưới những tàng cây xanh mướt. Anh cũng liều mạng tập cho tôi cầm “stick” bay về căn cứ nhiều lần. Tôi cũng học cách sử dụng Tacan, Beacon để định hướng, biết thế nào là Final Approach. Thế là tôi cũng phần nào thỏa mãn mộng bay bổng đã một lần không thành sau khi khám xong sức khoẻ để nhập khoá 65A mà phải bỏ cuộc.
    Giữa năm 1973, tôi bị nhiễm chứng bệnh Thyroid mà lúc đó Y sĩ Đại úy Vĩnh Phương chưa tìm ra bệnh. Ông gửi tôi ra Quân Y Viện Nguyễn Huệ, sau đó chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hoà. Nằm được mấy tháng, biết căn bệnh không thể trị được, TYV Cộng Hoà đưa tôi ra Hội Đồng Miễn Dịch để giải ngũ với cấp độ tàn phế 70%. Tôi trở về đời sống dân sự cho đến ngày quốc nạn để được nhà cầm quyền CS “khoan hồng nhân đạo” cho “học tập cải tạo” tròn mười năm.
    Những ngày cuối cùng của miền Nam, tôi còn gặp Trung tá Trần Đình Giao một lần tại quán Gà, Xôi nướng nổi tiếng trên đường Hàng Xanh. Sau đó, những ngày cuối tháng 4 hỗn loạn, lại nhìn thấy các anh em Kim Ngưu không di tản kịp đang chen chúc nhau trên một chiếc xe jeep qua đường Trương Minh Ký.
    Rồi thôi. Bẳng đi hơn ba mươi năm nay mới có dịp ngồi ôn lại.
    Đỗ Văn Phúc

  • #2
    Buổi Lễ Bàn Giao Căn Cứ Không Quân Phan Rang

    [MYOUTUBE]89hOyeq_KAE[/MYOUTUBE]

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X