Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ký giả Hồ Trường An và tôi

Collapse
X

Ký giả Hồ Trường An và tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ký giả Hồ Trường An và tôi

    KÝ GIẢ HỒ TRƯỜNG AN VÀ TÔI


    Ký giả Hồ Trường An


    Nguyễn Toàn / Sydney


    Lần đầu tôi gặp ký giả Hồ Trường An tại tòa soạn tuần báo Minh Tinh (chuyên viết về ca nhạc và điện ảnh) khi tôi ghé thăm ký giả Trần Quân - chủ nhiệm & chủ bút, còn ký giả Hồ Trường An thì mang bài viết cho tòa báo để đăng vào tuần sau.

    Hồi đó, đa số các ký giả cộng tác cho các nhật báo hay tuần báo đều tự động mang bài viết của mình đến tòa soạn hay viết ngay tại tòa soạn chứ không như bây giờ viết bài tại nhà rồi send đến tòa báo. Sở dĩ ký giả Hồ Trường An chỉ cộng tác duy nhất cho tuần báo Minh Tinh vì ký giả Trần Quân chủ bút là Dượng của ký giả Hồ Trường An.

    Sau lần gặp gỡ đó, tôi và anh thường xuyên gặp nhau mỗi lần có buổi chiếu phim ra mắt đầu tiên của một phim Việt Nam mới, hay tham dự các buổi ca hát ở phòng trà, nhất là cùng nhau tham dự Ngày Điện ảnh VN ngày 22 tháng 9 hàng năm.

    Phải nói các bài viết của ký giả Hồ Trường An thời đó về các nam nữ nghệ sĩ rất ăn khách vì cách viết của anh rất tỉ mỉ khi đã gặp một nam nữ ca sĩ hay tài tử điện ảnh VN nào đó để phỏng vấn viết bài.

    Khi quen thân với nhau, tôi mới biết anh đang học ở Dược Khoa nhưng phải bỏ ngang để anh theo học khóa 26 Sĩ quan trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi mãn khóa, anh được thuyên chuyển về phòng Tâm Lý Chiến của Sư đoàn 5 Bộ binh đóng ở Lai Khê, sau đó thì được thuyên chuyển về phòng báo chí Quân Đoàn 3 - Quân Khu 3 cho đến ngày 30 tháng 4/75.

    Sau 75, tôi và anh, mỗi người mỗi ngã, rồi tôi tình cờ gặp nhà thơ Đoàn Yên Linh, người bạn thân của ký giả Hồ Trường An cho biết anh An đã sang Pháp tị nạn vào năm 1978, định cư ở thành phố Troyes. Và anh Linh kể tiếp, trước khi lên đường sang Pháp định cư, anh An đã lên làng báo chí ở Thủ Đức để chào giã từ nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Nhân dịp này nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã cho anh An xem một sáng tác mới nhất "Sàigòn niềm nhớ không tên" và mong anh An mang ra hải ngoại phổ biến. Và ít ai ngờ, ký giả Hồ Trường An đã học thuộc lòng lời bản nhạc nói trên, khi đến Pháp, anh đã nhờ nhạc sĩ Xuân Vinh dựa vào lời ca để viết thành nhạc sau đó phổ biến khắp nơi. Mãi sau này nhà văn Nguyễn Đình Toàn đến Nam Cali định cư mới sửa hoàn chỉnh bản "Sàigòn niềm nhớ không tên".

    Năm 1988, tôi vượt biên. Năm sau 1989 tôi mới đến Sydney định cư. Cuộc sống chưa ổn định, tuy vậy tôi đã tìm cách viết thư liên lạc với một số bạn đồng nghiệp cũ như ký giả Thiên Ân, Ngọc Hoài Phương cùng anh Hồ Trường An… Tất cả các bạn đồng nghiệp của tôi đều trả lời thư thăm hỏi của tôi, riêng lá thư của anh An, chữ viết rất đẹp, đã khuyến khích tôi nên viết lại các sinh hoạt văn nghệ về ca nhạc hay điện ảnh mà tôi đã sinh hoạt trước 1975 nhưng vì miếng cơm manh áo thưở ban đầu đến Sydney định cư tôi đã không thực hiện được như lời khuyên của anh An.

    Phải đến năm 1996, tôi mới viết trở lại, khi nhà báo Trường Kỳ nhờ tôi viết về các nam nữ nghệ sĩ Việt đang định cư ở Sydney cho Tuyển Tập Nghệ Sĩ do anh thực hiện và kể từ đó, tôi còn cộng tác với Tuần báo Văn nghệ ở Sydney.

    Năm tháng qua đi, tôi được một người bạn ở Nam Cali báo tin cho biết ký giả - nhà văn Hồ Trường An đã bị đột quỵ sau chuyến ra mắt sách mới in của anh ở Bắc Cali, do đó anh bị liệt nửa người, nhất là cánh tay phải của anh không cử động được.

    Sau một thời gian dài chữa trị, anh An đã phục hồi dần, tuy nhiên khi di chuyển phải dùng xe lăn. Và kiếp con tằm phải nhả tơ, anh An đã viết trở lại, bằng ngón tay trái mổ cò để cho ra vài tác phẩm về văn chương, hay văn nghệ, nhất là cuốn "Ảnh trường Kịch giới" do nhà xuất bản "Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa kỳ" phát hành năm 2012.

    Tuy nằm một chỗ , thỉnh thoảnh anh An vẫn viết thư mail cho tôi, hỏi về sinh hoạt văn nghệ của các nam nữ nghệ sĩ khắp nơi, hầu có đề tài anh viết cho tuần báo Văn nghệ ở Sydney. Không những viết mail, thỉnh thoảng anh An gọi điện thoại viễn liên cho tôi thăm hỏi, đôi khi tôi cũng gọi lại cho anh, anh không cho vì sợ tôi tốn tiền, còn phần anh có Thẻ Điện Thoại đặc biệt gọi Viễn liên không tốn tiền.

    Trong những lần nói chuyện viễn liên, anh An luôn luôn hỏi thăm tôi về nữ ca sĩ Trúc Mai dạo này ra sao? Tôi cũng đã trả lời, năm 2013, nữ ca sĩ Trúc Mai lần đầu đến Sydney để hát trong chương trình Đại nhạc hội "Một thời để nhớ" quy tụ toàn nam nữ ca sĩ nổi tiếng trước 75 và tất cả đều trên 6 bó. Tôi đã gặp và nói chuyện với nữ ca sĩ Trúc Mai, thậm chí tôi còn cho anh số điện thoại của nữ ca sĩ Trúc Mai để anh tiện liên lạc. Sở dĩ anh An nhắc đến nữ ca sĩ Trúc Mai vì nữ ca sĩ Trúc Mai là độc giả trung thành của anh, không một tác phẩm nào của anh mà Trúc Mai bỏ sót chỉ vì mê “Bà Già Trầu” Hồ Trường An.

    Tháng 11 năm ngoái, lần cuối anh An phone cho tôi, nhưng rất tiếc tôi không có nhà, và không ngờ đó là lần cuối anh còn sức khoẻ để gọi điện thoại cho tôi... để rồi ngày 27 tháng 1 /2020 tức mùng 3 Tết, anh An đã ra đi, bỏ lại bao nhiêu bạn bè văn chương, văn nghệ mến mộ anh… và nhiều người sẽ không quên “Bà Già Trầu” Hồ Trường An đã nấu các món ăn ngon trong các tác phẩm của anh đã xuất bản.

    Thôi nhé! Cầu chúc anh An ra đi trong yên bình. Còn tôi vẫn luôn luôn nhớ đến anh trong những lần nói chuyện Văn nghệ Viễn Liên.

    Nguyễn Toàn / Sydney

    P.S: Ký giả Trần Quân cũng đã qua đời ở VN. Nhạc sĩ Xuân Vinh (Người Tình Lara) đã qua đời ở Paris.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X