Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Điệp Viên Giỏi Nhất của Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
X

Điệp Viên Giỏi Nhất của Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Điệp Viên Giỏi Nhất của Việt Nam Cộng Hòa

    Trong cuộc chiến Việt Nam, không phải chỉ có những đơn vị chủ lực: Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, Không & Hải Quân..., tham gia chống trả cuộc xâm lăng của Cộng sản miền Bắc. Có nhiều cá nhân, nhiều đơn vị vô danh đã âm thầm đóng góp xương máu của mình vào cuộc chiến ngăn chận bon Cộng Sản xâm lược... Những Anh Hùng Vô Danh!

    Tình Báo Trong Chiến Tranh - Điệp Viên Giỏi Nhất của Việt Nam Cộng Hòa
    (Tài liệu được phổ biến bởi BBC)
    Phan Tấn Ngưu

    Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2008, Trung Tâm Việt Nam thuộc Đại Học Công Nghệ Texas, cùng Trung Tâm Nghiên Cứu Tình báo thuộc CIA, đã tổ chức hội thảo mang chủ đề:
    “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam”

    - Tường trình của BBC...

    ... Nhiều chuyên viên đang và từng làm trong ngành tình báo của Mỹ và Nga đến nói chuyện về kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến.

    Có bảy buổi thuyết trình với bảy chủ đề lớn như: CIA ở Việt Nam, Chương trình Phượng Hoàng, Công nghệ và Tình báo, Cuộc chiến bí mật ở Lào, Hoạt động tình báo Nga và Việt Nam…

    Một trong các diễn giả, Merle Pribbenow, đem đến hội thảo bài thuyết trình: “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.”

    Merle Pribbenow, cựu nhân viên CIA và chuyên gia tiếng Việt, từng phục vụ ở Sài Gòn từ 1970 đến 1975. Sau khi rời khỏi CIA năm 1995, ông dành thời gian để dịch các sách lịch sử của Việt Nam và viết về cuộc chiến. Bộ lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam được ông dịch sang tiếng Anh, và được NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2002.

    Trong bài thuyết trình ở hội thảo, Pribbenow mô tả ba nhân vật hoạt động cho ba cơ quan tình báo khác nhau: CIA, Phòng Tình Báo Chiến Lược của Trung Ương Cục Miền Nam, và Tình báo Quân đội Liên Xô.

    Được sự cho phép của tác giả, BBC xin giới thiệu hai phần trong bài thuyết trình, nói về Nguyễn Văn Minh (Ba Minh) và Võ Văn Ba (người được gọi là điệp viên số một của CIA ở ViệtNam).


    - Ngưng trích.

    Vì chủ đề viết về Điệp Viên ở Tây Ninh, nên chúng tôi không đề cập đến đoạn nói về các Điệp Viên nằm trong văn phòng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, mà chỉ viết theo đề tài chính mà thôi.

    - Trích tiếp:

    I. PHẦN THUYẾT TRÌNH CỦA MERLE PRIBBENOW

    Trong chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ sử dụng nhiều tình báo trong cuộc chiến Việt Nam (undefined).

    Tiếp theo phần một loạt bài về các điệp viên ít được biết đến trong cuộc chiến Việt Nam, BBC giới thiệu nhân vật Võ Văn Ba, người được gọi là điệp viên “giỏi nhất của CIA ở Việt Nam”.
    (Tư liệu dựa trên bài thuyết trình “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam" của ông Merle Pribbenow).

    Bài này đã đọc tại hội thảo “Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam”, ở Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas (undefined).

    Đọc phần một loạt bài tại đây:
    Orrin De.Forest, một nhân viên CIA phục vụ sáu năm ở Việt Nam, nhắc đến con người này với mật danh “Reaper” trong cuốn sách “Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Vietnam.” Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông ta là “điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam.” Còn trong cuốn tiểu sử về sếp CIA ở Sài Gòn Ted Shackley, tác giả David Corn dẫn ra một sự đánh giá thời hậu chiến của CIA rằng điệp viên này là “nguồn tin đáng tin cậy nhất về ý định của cộng sản” ở Việt Nam.

    Frank Snepp, một nhà phân tích tình báo có đôi lần gặp con người này, gọi ông ta là “điệp viên hàng đầu của chúng ta” ở Việt Nam. Văn phòng của CIA ở Sài Gòn thì đơn giản gọi ông này là “nguồn tin Tây Ninh”. Sau 1975, những người cộng sản mô tả nhân vật này là “điệp viên nguy hiểm trung thành với CIA” và nói CIA xem ông ta là “điệp viên có giá nhất tại Đông Dương” của CIA.

    Con người này là ai?
    Tên của người này là Võ Văn Ba. Theo các ghi chép của phía cộng sản, nhân vật này, sinh năm 1923, là một đảng viên Cộng sản phụ trách tuyển mộ đảng viên mới ở khu vực Tòa thánh Cao Đài và thành phố Tây Ninh.

    Có những ghi nhận khác nhau về cách làm thế nào và nhờ ai mà điệp viên này được tuyển mộ cho CIA. Orrin DeForest nói chú của ông Ba, ban đầu theo Việt Minh nhưng sau trở thành sĩ quan phục vụ trong ngành An Ninh Quân Đội của miền Nam, đã thu dụng người cháu. David Corn và John Sullivan viết rằng chú của Ba, người mà họ chỉ nói là một sĩ quan miền Nam, đã tuyển Ba làm chỉ điểm cho Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

    Trước khi CIA vào cuộc, có vẻ Ba làm việc một thời gian cho quân đội Mỹ. Theo John Sullivan, một người trong CIA nói Ba từng làm cho tình báo quân đội Mỹ.

    Không lâu sau khi đến tỉnh Tây Ninh năm 1969, sĩ quan CIA đầu tiên phụ trách Ba đã nhanh chóng chuyển điệp vụ mà lâu nay tiến hành khá nghiệp dư trở thành một hoạt động tình báo chuyên nghiệp, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của CIA.

    Hoạt động
    Từ nay ông Ba được yêu cầu báo cáo về những mục tiêu chiến lược, các kế hoạch hành động mang tính chất toàn quốc, chứ không còn là những mục tiêu chiến thuật cấp thấp. Ông Ba ở trong vị trí lợi thế để lấy được những thông tin chiến lược vì trong suốt giai đoạn này, trụ sở chính của Trung Ương Cục Miền Nam đặt rất gần chỗ ông, có lúc bên trong tỉnh Tây Ninh, có lúc ở tỉnh Bình Long kế cận. Các báo cáo của người này được chuyển qua các kênh thông tin của CIA, và chỉ một số ít người biết về sự tồn tại của Ba.

    Quân Mỹ sử dụng thông tin tình báo để tiến hành các cuộc tấn công.

    Để bảo đảm bí mật, chỉ một sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt miền Nam và một nhân viên người Việt ở văn phòng CIA ở Tây Ninh được phép gặp mặt Ba ở Tây Ninh. Chỉ thỉnh thoảng Ba mới gặp nhân viên CIA người Mỹ và cũng chỉ gặp ở địa điểm mật tại Sài Gòn.

    Thông tin mà ông Ba cung cấp thường xuyên được sử dụng trong các đánh giá của tình báo Mỹ về kế hoạch của phe cộng sản. Ngoài ra, mặc dù Ba chuyên môn theo dõi các khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, nhưng thỉnh thoảng ông cũng báo trước các cuộc tấn công ở khu vực Tây Ninh.

    Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sự trung thành của ông Ba đối với CIA. Mấy lần kiểm tra ông bằng máy thử nói dối đều có kết quả không làm CIA hài lòng. Năm 1971, hai năm sau khi CIA tuyển mộ Ba, họ phát hiện rằng Ba vẫn ngầm liên lạc và báo cáo cho tình báo quân đội Việt Nam Cộng Hòa. CIA ngay lập tức liên lạc và yêu cầu quân đội Miền Nam ngừng mọi giao thiệp với Ba. Một số sĩ quan CIA cũng đặt câu hỏi làm sao Ba lại không bị Việt Cộng phát hiện mặc dù các điệp viên cộng sản đã xâm nhập vào toàn bộ các tổ chức tình báo của miền Nam, những nơi biết về sự tồn tại của con người này. Nhưng rốt cuộc, sự chính xác trong các báo cáo của Ba làm tan biến mọi hồ nghi, và giới tình báo miền Nam và Mỹ xem Ba là tài sản quý giá của họ.

    Những người cộng sản cũng ngày một nhận ra là họ có kẻ phản bội trong hàng ngũ. Những thiệt hại ở khu vực Tây Ninh năm 1969, những dấu hiệu là đối phương biết trước ý định tấn công, khiến những người cộng sản nghi ngờ trong nội bộ của họ có điệp viên. Một nữ cán bộ được cử điều tra tại Tây Ninh, nơi Ba có nhiệm vụ tuyển mộ và tổ chức chi bộ đảng. Nhưng nhà nữ điều tra này lại bị an ninh miền Nam bắt được khi bà đi vào địa giới do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, và bà bị giam cho đến hết cuộc chiến. Không có tư liệu cho biết liệu có phải ông Ba đã báo cho an ninh miền Nam bắt người này hay không.

    Cuộc truy tìm nội gián trở nên gấp rút tới mức, theo một loạt các bài báo đăng trên báo chí Việt Nam năm 2004, một trong những điệp viên cao cấp của cộng sản trong chính quyền miền Nam, Nguyễn Văn Tá (tức Ba Quốc), được giao nhiệm vụ săn lùng nội gián vào năm 1972. Ông Ba Quốc đoán rằng hồ sơ mà ông muốn có thể nằm trong một tủ khóa ở Nha điệp báo (ban K) thuộc Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Ông vào được nơi này và định mở khóa, nhưng lại có người vào bất thình lình, khiến ông đành bỏ dở. Hai năm sau, các hoạt động của chính ông Ba Quốc bị phát hiện và ông phải trốn vào căn cứ cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Đoạn Kết
    Hồ sơ mật về ông Võ Văn Ba được an toàn cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ hôm 30-4-1975. Khi quân đội cộng sản chiếm văn phòng Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ở Sài Gòn. Viễn Chi, Cục Trưởng Cục Tình Báo của Bộ Công an Bắc Việt, được nói là đã tìm thấy hồ sơ về Ba trong ngăn khóa của Nguyễn Khắc Bình, Tổng giám đốc cảnh sát quốcgia.

    Cho đến khi cuộc chiến gần kết thúc, ông Ba tiếp tục có những báo cáo giá trị cho CIA. Thế nhưng đến tháng một năm 1975, khi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Bắc Việt ra Nghị Quyết tổng tấn công để “dứt điểm” Miền Nam Việt Nam, Võ Văn Ba đã không báo động trước cho CIA về Nghị Quyết nầy. Đây không phải lỗi của Ba mà là do Cộng sản nghi là có người phản bội trong hàng ngũ của họ, thành ra giới lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam đã quyết định không phổ biến Nghị Quyết mới cho cấp dưới.

    Vào giữa tháng Tư 1975, ông Ba cho CIA một loạt báo cáo cuối cùng mô tả chung chung kế hoạch tấn công Sài Gòn của Bắc Việt. Những báo cáo này được xem trọng đến mức chúng được đưa vào bản phúc trình hàng năm của đại sứ Mỹ Martin trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về việc sơ tán khỏi Sài Gòn. Nhưng vào lúc Ba chuyển những báo cáo này thì số phận của miền Nam đã được định đoạt. Thực tế, số phận của chính ông Ba cũng được định đoạt, mặc dù lúc này ông chưa biết.

    Điệp viên Võ Văn Ba bị bắt đúng ngày 1-5-1975
    Khi Sài Gòn sắp sụp đổ, CIA đề nghị đưa Ba và gia đình sang Mỹ. Nhưng ông này lại từ chối, nói là muốn ở Việt Nam thay vì khởi nghiệp từ đầu ở xứ người trong lúc tuổi đã cao. CIA hứa họ sẽ làm mọi cách để ngăn không cho hồ sơ về ông Ba rơi vào tay đối phương. Tuy vậy, lúc đó quân đội cộng sản đã bắt được và tra hỏi một người mà có lẽ biết hoạt động của ông Ba rõ hơn ai hết.

    Theo các ghi chép hậu chiến của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phong (hay Nguyễn Sĩ Phong) là một người di cư miền Bắc 33 tuổi làm việc cho văn phòng CIA ở Tây Ninh. Ông Phong là người liên lạc của Ba ở CIA kể từ 1969, ngay sau khi CIA tuyển mộ Ba. Sau nhiều năm làm việc trực tiếp với Ba, sau này ông Phong rời khỏi Tây Ninh và làm ở văn phòng CIA ở Ban Mê Thuột.

    Ngày 10-3-1975, lực lượng cộng sản nhanh chóng chiếm được Ban Mê Thuột. Ông Phong và gia đình chạy đến nhà của Paul Struharik, đại diện của USAID và là nhân viên người Mỹ duy nhất còn ở lại trong tỉnh. Nhưng ngôi nhà lập tức bị bao vây và mọi người trong đó bị bắt. Ông Phong thú nhận ông đã làm việc cho CIA và khai ra tên của Võ Văn Ba. Ngày 30-4-1975, quân cộng sản chiếm thành phố Tây Ninh và bắt được Phan Tấn Ngưu, sĩ quan miền Nam phụ trách trường hợp ông Ba. Bản thân ông Ba bị bắt ngày 01- 5-1975.

    Phía Việt Nam nói ông Ba tự sát ngày 8-6-1975 trong lúc đang bị giam trong trại của Bộ Công an. Sự thật về cái chết của Võ Văn Ba – có phải đó là tự sát hay là một điều gì khác- có lẽ sẽ không bao giờ được biết.

    Đoạn kết khác
    Còn có thêm một đoạn kết khác cho câu chuyện về điệp viên Tây Ninh. Vào năm 1980, trong cao trào thuyền nhân, Paul Struharik, đại diện của USAID ở Buôn Mê Thuột và là người có nhà bị bao vây hồi tháng Ba 1975, nhận được lá thư gửi về địa chỉ nhà ông ở Mỹ. Lá thư được gửi từ Malaysia, và người viết là Nguyễn Văn Phong.

    Phong nói ông đã trốn được khỏi trại giam Bắc Việt bằng cách nhảy khỏi xe trong lúc chuyển tù. Ông nói sau khi trốn thoát, ông tìm thấy vợ con và cả nhà sắp ra đi trên con thuyền với những người tị nạn vừa đến được bờ biển Malaysia. Theo Phong viết thì vì thuyền của ông vẫn còn đi biển được, phía Malaysia muốn đẩy họ đi tiếp, nhưng Phong nói ông thuyết phục được người ta gửi lá thư này về Mỹ. Phong nhờ Struharik giúp đỡ.

    Câu chuyện của ông Phong nghe khó tin vì̀ làm sao một người tù quan trọng như ông có thể trốn thoát, lại mang theo được cả vợ con. Tuy vậy người Mỹ biết rằng trong đời này cũng thỉnh thoảng gặp trường hợp phép lạ, thành ra họ vẫn gửi tin nhắn yêu cầu nhân viên chức trách để ý khi thuyền của ông Phong đến được trại tị nạn.

    Khoảng hơn một tuần sau, một người Việt Nam lênh đênh trên biển Đông được một chiếc tàu đi ngang cứu được. Người này nói ông ta có mặt trên con thuyền của ông Phong. Ông nói con thuyền đó đã chìm trên đường tới Indonesia, và mọi người trên thuyền, kể cả ông Phong và gia đình, đã chết.
    (theo BBC) . Hết.

    II. TƯỜNG TRÌNH CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC: Phan Tấn Ngưu
    Ngay sau buổi thuyết trình từ Đại Học Công Nghệ về, Merle Pribbenow tìm mọi cách để liên lạc với chúng tôi, vì ông ta cho rằng bài thuyết trình vừa qua, có những điểm không giải thích được cũng như còn những chi tiết mà ông không được biết trong việc xây dựng cũng như điều khiển công tác này, nhất là cách nào đã bảo vệ an toàn cho công tác trong nhiều năm.

    Trong chuyến công tác của chúng tôi tại Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 2010, Ông Merle Pribbenow có tìm gặp và cùng nhau đi ăn phở trong khu thương mại Eden. Gặp nhau, để ông yêu cầu là tôi sẽ viết lại những diễn tiến công tác, từ lúc chưa trở thành một điệp viên có bí số X..., cũng như tất cả những chi tiết liên quan đến việc điều hành công tác này, mà cho mãi đến 30-4-1975 hãy còn an toàn, dù bọn Việt Cộng luôn nghi ngờ và kiểm soát gắt gao trong hàng ngũ của chúng!

    Trở lại thuở ban đầu. . . . . . . . . .

    Khoảng giữa năm 1970, tôi được Giám Đốc Nha CSQG Vùng III chọn về làm Trưởng Phòng Cảnh Sát Đặc Biêt Ty CSQG Tây Ninh thay thế cho Ông Lê Quý Thông bị tử thương khi đi hành quân vào tháng 5 năm 1970. Khi nghe tin "được" đi Tây Ninh, cảm thấy ớn da gà, vì nơi đây đầy những địa danh với những chiến trận khốc liệt. Ớn thì ớn, nhưng cũng phải xách gói lên đường, với bao lời khuyên bảo, khích lệ cũng như lời hứa giúp đở tận tình của Đại Tá Đào Quan Hiển. Tôi hãy còn nhớ lời nhắn nhủ của Ông: “Tôi không cần biết cậu có tài hay không, tôi chỉ cần cậu sự siêng năng và không quản ngại khó khăn ....”

    Những ngày đầu đến địa phương mới, gần như là những ngày bị mất ngủ, không chỉ với bao công việc phải giải quyết hàng ngày mà phải xem lại từng hồ sơ của những cảm tình viên, mật báo viên mà nhất là những tình báo viên còn đang hoạt động.

    Trong đống hồ sơ đó, tôi không thể không lưu tâm đến công tác X.54 (bí số xử dụng trong những năm 1969-1970) và tình báo viên có tên là Võ Văn Ba (tức Năm Huỳnh), hiện cư ngụ tại vùng Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Sinh sống bằng nghề ruộng rẫy, thường xuyên ra vào khu vực xã Ninh Thạnh, Hiệp Ninh và Suối Đá cho mãi đến gần chân Núi Bà Đen phía Bắc tỉnh Tây Ninh (đường ra vào của bọn cán bộ Cục R)

    Xem lại từng chi tiết về nhân vật này, được biết sinh quán tại Mộc Hóa tỉnh Kiến Tường và vì chiến cuộc nổi trôi đã đến lập nghiệp tại vùng Long Hoa, quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh. Trong gia đình của Võ Văn Ba ở Kiến Tường, có người chú đã hoạt động cho Việt Minh và cùng với Ba gia nhập đảng cộng sản từ những năm 1945.

    Cho đến khoảng 1967, do sự móc nối của một nhân viên hoạt vụ, trước kia cũng là một cán bộ cộng sản, hoạt động vùng xã Hảo Đước (TN) sau về đầu thú, lập công và được tuyển dụng làm nhân viên Công An từ những năm 1962 (do Đại Tá Nguyễn Văn Y, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định tuyển chọn), đã tuyển mộ Ba làm Mật Báo viên.

    Từ những năm 1967 đến 1970, Võ Văn Ba thỉnh thoảng báo cáo những hoạt động có tính cách địa phương như dưới hình thức lượm lặt, gặp gỡ với bọn cán bộ Việt Cộng trong lúc đi làm rẫy trong vùng bất an ninh mà Quốc Gia chưa kiểm soát được. Những báo cáo của Ba có vẻ chính xác mà chúng ta có thể kiểm chứng được ở từng địa phương và từng thời điểm.

    Nhưng có một vài báo cáo mà tôi không thể không lưu tâm:

    1. Đó là cuộc Tổng công Kích Tết Mậu Thân năm 1968. Cả hai phía VNCH và Cộng Sản đã ký kết Hiệp Ước ngừng bắn, để cho người dân được vui Xuân đón Tết, có hiệu lực từ ngày Mồng Một tháng Giêng Tết. Nhưng ngày 25 tháng Chạp, Võ Văn Ba đã báo cáo là cộng sản đang chuẩn bị cuộc tổng tấn công toàn diện trên khắp miền Nam, từ thành phố cho đến thôn quê. Trong báo cáo này, Ba cho biết đã được bọn Việt Cộng đi họp ở phía Bắc núi Bà (Chiến khu D) về thuật lại, là được lệnh Trung Ương phải thực hiện cuộc tổng công kích bất ngờ này để cướp cho bằng được miền Nam. Và báo cáo này được chuyển về Tổng Nha CSQG và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ nội trong sáng ngày 26 tháng Chạp ta.

    Trong những bài trước đây khi viết về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, chúng tôi có đề cập đến lệnh của Ông, yêu cầu các đơn vị CSQG trên toàn quốc phải cấm trại 100% và ra lệnh phải lo đào hầm trú ẩn chung quanh các đơn vị, trong khi anh em quân nhân đang lần lượt được thay phiên đi phép về thăm nhà...và “ăn Tết”.

    2. Trung Ương Cục (TƯC) ra lệnh lui binh để tránh bị tổn thất khi Quân Lực VNCH tấn công qua đất Campuchia từ cuối năm 1969 cho đến 1970. Một số đơn vị phải cố thủ ở vài mật khu quan trọng, còn hầu hết rút về phía Nam Lào. Bọn Việt Cộng đoán chắc thế nào Quân Đội VNCH cũng đánh sang Campuchia để tiêu diệt cho bằng được bọn Trung Ương Cục đang ẩn náo nơi đây.

    Đây là 2 báo cáo tiêu biểu trong rất nhiều báo cáo bình thường khác, tôi cảm thấy Võ Văn Ba không phải là một “Mật Báo Viên” bình thường, mà bên cạnh Ba còn có ai hoặc tổ chức nào, hoặc cá nhân của Ba là ai mới có được những tin tức như vậy.

    Những thắc mắc của tôi được cố vấn Mỹ lúc đó là Bernard D’ambrossio cũng đồng quan tâm. Sau khi thảo luận, chúng tôi quyết định cần có cuộc gặp với Ba ít nhất trong 3 ngày và địa điểm là tại Sàigòn. Lúc đó là khảng giữa năm 1971.

    Mỗi lần hẹn để gặp với Võ Văn Ba, chúng tôi phải chuẩn bị từ lúc đi cho đến lúc về, vì lúc đó Ba đã là một mật báo viên “đáng tin cậy”. Điều quan trọng là trong gia đình, Ba phải giải thích cho vợ và 2 đứa con, một trai và một gái, sự vắng mặt của mình.

    Chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, không kỳ nào giống kỳ nào. Nhưng chuyến đi đó, là lần đầu tiên sau khi tôi đến phục vụ tại Tây Ninh, chúng tôi yêu cầu Ba giả vờ đi phám bệnh tại bệnh viện tỉnh (nhưng không được gặp bất cứ bác sĩ nào), sau đó, chỉ lách qua một cánh cửa, lẻn ra phòng kín phía sau, leo nằm trên chiếc băng ca, với tấm vải che toàn thân, mặt và được 4 anh em Cảnh Sát Đặc Biệt khiêng cho vào xe cứu thương và đưa ra phi trường Tây Ninh West (Tỉnh lỵ) có phi cơ chờ sẵn và đưa về Sàigòn (4 nhân viên CSĐB này cũng không biết là ai đang nằm trên đó). Riêng chúng tôi, cùng với cán bộ điều khiền, lái xe đi đường bộ và hẹn gặp nhau tại Hotel X.Y.

    Ngoại trừ khi ở trong phòng khách sạn ( chúng tôi ở phòng bên cạnh), khi đi ra ngoài, đi ăn tiệm, nghe nhạc v.v... Võ Văn Ba đều phải hóa trang tùy theo địa điểm sẽ tới: khi mang tóc giả, khi mang râu v.v..., nhưng thường phải mang kính đen, nếu ban ngày.

    Kỳ gặp đó, có cả Frank Snepp, chuyên viên phân tích của tòa đại sứ Mỹ, tham dự, và thông dịch viên lúc đó là Ông Nguyễn Sĩ Phong cùng với một người Mỹ đến để thu âm mà không tham gia cuộc thảo luận.

    Kết quả, chúng tôi được biết:

    - Ông Ba là một Trung Ương Ủy Viên, đang giữ nhiệm vụ tuyển mộ cán bộ và đảng viên mới để phụ giúp ông kiểm soát mọi hoạt động trong vùng Tòa Thánh Tây Ninh cũng như cung cấp nhân sự cho các đơn vị khác từ cấp Quận, Tỉnh và Trung Ương Cục (TƯC) v.v...

    - Thi hành mọi chỉ thị của TƯC, trong việc phá hoại tại địa phương như đặt chất nổ, rãi truyền đơn. Ông Ba chỉ ra lệnh cho những Chi Bộ khác thực hiện mà không được tham gia trực tiếp các công tác này.

    - Bám sát và yểm trợ mọi hoạt động của Chi Bộ Tòa Thánh để ám sát những chức sắc cao cấp mà bọn chúng cho là do chính quyền Sài-gòn dựng lên, như quý ông Cao Hoài Sang, Trương Hữu Đức, Lê Thiện Phước, Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Nhã (sau này giữ chức Thượng Chánh Phối Sư), mà nhất là Cựu Trung Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành. (xin mở ngoặc thêm chỗ này: Với chức Thượng Chánh Phối Sư, sau 30 tháng 4/1975, Ông Nguyễn Văn Nhã bị bọn Cộng Sản bắt giam ở khu vực núi Bà 10 năm, cho đến năm 1985 mới được thả)

    Chúng tôi đã tường trình trong một bài viết trước đây trên Phượng Hoàng về cái chết của Trung Tướng Nguyễn Văn Thành. Chúng đã ám sát ngay phía sau phòng ngủ, trong nội ô Tòa Thánh, vì chúng cho rằng những người này là người của CIA, gây khó khăn cho bọn TƯC trong việc khống chế Đạo Cao Đài. (Qua những tin tức khác nhận được, không phải Trung Ương Cục chỉ thị cho Riêng X.92 mà Huyện Ủy Tòa Thánh của Việt cộng cũng được chỉ thị tương tợ, vì chúng tôi có được một Tình Báo viên hoạt động trong Huyện Ủy này). Trung Tướng Cao Đài Nguyễn Văn Thành bị giết vào ngày 22 tháng 11 năm 1972 (16 tháng 10 Âm Lịch)

    - Dù đang dịnh cư tại Tây Ninh, nhưng Võ Văn Ba vẫn được bọn Trung Ương Cục bí mật liên lạc để chỉ thị công tác cũng như mời tham dự các cuộc họp ở phía Bắc Núi, nơi cứ địa của Mặt Trận Giải Phóng. Điều nên biết thêm, mỗi lần đi họp như vậy, có cả các cấp Ủy, như Tỉnh, Huyện, Xã... Võ Văn Ba được sắp xếp cho ngồi phía trước, ở một vị trí được che kín (những người ngồi phía sau không thấy được).

    Theo hồ sơ tuyển mộ của ngành Đặc Biệt Tỉnh Tây Ninh, sau một thời gian ngắn khi đến Tây Ninh lập nghiệp, Võ Văn Ba đang đứng trước ngả ba đường: bọn Việt Cộng vẫn cho người đến để móc nối và thường xuyên đe đọa, nếu Ba từ chối hoặc phản bội, bọn chúng sẽ tố cáo Ba trước kia hoạt động cho Cộng Sản ở Kiến Tường, với cấp đảng là... thuộc tổ chức ..v.v... Đó là lý do mà Ba phải nhờ một người chú họ, giới thiệu cho Ty Cảnh Sát và được tuyển mộ làm “nhân viên ngoại vi”.

    Ngành Đặc Biệt Tây Ninh tuyển mộ được 3 nhân viên ngoại vi và cả 3 người này đều đã đem lại thành quả, như sau:

    a. Anh Đ. V. N.: Sau này trở thành công tác X.45, đã phá vở ổ Việt cộng ở Làng Cô Nhi Long Thành năm 1973 sau cuộc bố ráp do sự phối hợp của E. Công Tác (BTL) và ngành Đặc Biệt Tỉnh Gia Định.

    b. Anh Ng. T.T: sau này trở thành công tác Y.80, đã phá vở tổ chức Y.4 của Việt Cộng và bắt được chủ nhà hàng Thanh Bạch, tọa lạc trên đường Lê Lợi, gần bệnh viện Sài-gòn năm 1974. Sau năm 1975, anh T. bị bắt và bị di tù tận ngoài Bắc với tôi và được thả sau hơn 10 năm.

    c. và Võ Văn Ba ...

    Khi nhận làm nhân viên ngoại vi, chỉ là hình thức một cái nón che thân, vì Ba biết không thể nào thoát được sự bám sát và đe dọa của Việt cộng, nhưng nếu Quốc Gia biết được cũng phải bị bắt.

    Từ hình thức mượn cách để che thân, dần dần Ba thấy được cái dã tâm của Việt Cộng từ ngày chúng du nhập vào Việt Nam. Trong những dịp có thời giờ tiếp xúc với Ba, anh thường than thở, kiểm điểm lại những gì mình đã làm khi theo bọn chúng từ ở vùng quê Kiến Tường cho đến sau này, chỉ là cướp của, giết người, kể cả những người dân vô tội. Muốn cho dân sợ để theo, để "ủng hộ" cách mạng, chỉ có cách là phải "giết"! Cuối cùng, anh than rằng: "Chỉ những người không lương thiện, không có cái tâm, mới theo tụi nó".

    Khi anh đã nghĩ như vậy, mới nảy sinh ra một việc mà chúng tôi phải giải quyết. Anh có người con trai, tên Võ T.D, đậu Tú Tài I năm 1971, nhưng rớt Tú Tài II liền 2 năm sau đó, trong khi đã hết hạn hoản dịch vì lý do học vấn, vì lứa tuổi đang thuộc về “tài nguyên của trường Bộ Binh Thủ Đức”. Nếu cho con gia nhập trường Thủ Đức, chắc chắn anh sẽ bị hạ tầng công tác, đương nhiên việc hợp tác với Quốc gia sẽ không còn hữu hiệu nữa, đôi khi còn gặp rắc rối sau này. Ngược lại, nếu anh cho con theo Việt Cộng, điều mà anh không bao giờ muốn vì anh đã trải qua gần hết cuộc đời cho chúng.

    Sau đó chúng tôi về gặp Đại Tá Huỳnh Thới Tây, Phụ Tá Đặc Biệt Bộ Tư Lệnh CSQG để trình bày sự việc.

    Chỉ hơn 1 tuần sau, tôi được gọi về gặp Ông, để nhận giấy hoản dịch tiếp cho VT.D. Khi đó tôi mới biết, Đại Tá Tây lên gặp Thiếu Tướng Tư Lệnh, và với sự yêu cầu của BTL/CSQG, Nha Động Viên (mà Giám Đốc lúc bấy giờ là Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm), đã ký giấy hoản dịch này.

    Những thắc mắc về nhân vật này dần dần được giải tỏa. Và cũng từ đó, việc bảo vệ an toàn cho công tác phải được quan tâm hơn nữa.

    Liền sau đó, chúng tôi đã đổi bí số công tác, từ X.54 (năm 1970), thành X.69 với bí danh là Rạng Đông (năm 1972), cho đến 1974 được đổi thành X.92 với bí danh là Bảo Quốc. Từ nay chúng tôi chỉ dùng bí số X.92 để viết về công tác này, giúp cho người đọc hiểu dễ dàng hơn.

    Tiếp theo đây, chúng tôi trình bày một số chi tiết trong việc điều hành Công Tác X.92, cũng là kết quả thỏa thuận với Võ Văn Ba trong chuyến đi đó cũng như những lần gặp gỡ sau đó:

    1. HỆ THỐNG GIAO LIÊN
    Với loại công tác như X.92, việc an toàn luôn là nhiệm vụ hàng đầu không thể sơ xuất bất cứ lý đo gì. Trong việc liên lạc, chúng tôi đã xử dụng:

    a. Hệ thống máy liên lạc: Đó là loại phone không có dây (như loại Walkie Talkie bây giờ). Máy chỉ mở trong những giờ giấc đã ấn định và không được chuyện trò hơn 1 phút. Trong một phút đó, chỉ để biết sẽ phải làm gì, như đến nhận thư ở hộp thư số..., đến nhà an toàn số ..., hoặc sẽ đi công tác trong mấy ngày....

    b. Hộp thơ chết: Có tất cả 3 hộp thư chết, hai đặt trong còng nội ô Tòa Thánh và 1 đặt bên ngoài, gần Tỉnh lỵ.

    c. Hộp thơ lưu động: Phương tiện vận chuyện thông dụng của dân Tây Ninh là xe lôi. Xe lôi có nhiều thứ, nhất là các loại xe: Honda, Suzuki, Yamaha. v.v.. Chiếc xe này được gắn số ẩn tế, hay nói đúng hơn là số giả. Mỗi lần anh tài xế (là nhân viên Đặc Nhiệm) có lệnh đi công tác, là phải lo đổi số xe khác và phải lo gắn cái nóc xe để sẽ có 2 nữ hành khách là 2 học sinh, xách 2 cái cập giống nhau, sẽ đón xe tại những ngả đường khác nhau. Khi đến đoạn đường nào đó sẽ lần lượt xuống xe, kẻ trước người sau, sau khi đã đổi cập cho nhau. Loại lưu động này chúng tôi thường xử dụng, sau mỗi lần X.92 đi công tác hoặc đi họp ở T.Ư.C về, viết báo cáo xong và bấm máy liên lạc 1,2,3. Trên đường trở về, khi đến đoạn đường nào đó, Cán Bộ Điều Khiển ra nhận, bọc kín cập sách lại và mang vào văn phòng để lấy tài liệu hoặc báo cáo...

    d. Nhà an toàn: Đương nhiên, nhu cầu này chỉ là một đề tài mà bất cứ người trong ngành đều được biết và đều phải làm. Riêng với X.92 chúng tôi có 2 cái, ở vùng Long Hoa và ở gần tỉnh lỵ.

    2. NHỮNG THÔNG DỊCH VIÊN
    Cố vấn Cảnh Sát Đặc Biệt tại Tây Ninh có ít nhất là 3 hay 4 thông dịch viên Việt Nam, vì công tác ở Tây Ninh khá nhiều, không chỉ ở cấp Tỉnh mà ở các Quận cũng có những Tình Báo Viên hoặc Mật Báo Viên. Riêng công tác X.92 chỉ có một thông dịch viên, không kiêm nhiệm bất cứ công tác nào khác, mà chúng tôi và cố vấn Mỹ đồng ý với những điều kiện như sau:

    - Không phải là người của Tây Ninh
    - Không có bà con thân thuộc, là người đang sinh sống tại Tây Ninh.

    Suốt hơn 4 năm phục vụ ở Tây Ninh, tôi được gần gũi với 3 thông dịch viên (cho riêng công tác X.92)

    - Nguyễn Sĩ Phong
    - Nguyễn Cao Quang
    - Nguyễn Thanh Trang

    Trường hợp Nguyễn Sĩ Phong (không phải Nguyễn văn Phong) đã đến Tây Ninh trước tôi, khoảng năm 1969. Phong người miền Bắc, nhỏ con, tương đối nhanh nhẹn thi hành những công tác được giao phó, nhất là dịch những báo cáo của X.92 sau mỗi lần đi họp ở Trung Ương Cục về, có khi phải thức cả đêm, vì ngoài báo cáo viết tay, còn có cả tài liệu của Trung Ương Đảng phổ biến xuống (đôi khi vài ba chục trang giấy)

    Đến năm 1972, Phong có quen với một phụ nữ là dân đang sinh sống với gia đình ở Tây Ninh và định lập gia đình với người này. Trong những ngày đầu, khi Phong cùng đi chơi, ăn uống với phụ nữ này, chúng tôi đã được báo cáo và đã cho bí mật điều tra về họ. Rất may, gia đình này thuộc loại tốt, có thể tin cậy được. Tuy nhiên, khi thảo luận với cố vấn Mỹ, phía Mỹ yêu cầu tôi giữ kín quyết định để họ sắp xếp cho yên, vì nếu bị bất mãn, Phong có thể “hy sinh” X.92 dưới bất cứ hình thức nào mà anh ta có thể làm được.

    Cuối cùng, chúng tôi được dự một bữa tiệc để tiễn Phong đi phục vụ tại Tổng lãnh sự vùng II (Văn Phòng Cố Vấn CIA), nghĩa là được thăng chức! (từ cấp Tỉnh lên cấp Vùng).

    Từ đó, công tác X.92 vẫn được tiếp tục an toàn cho đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, đích thân tôi và Trưởng G. Công Tác mang tất cả những hồ sơ tình báo (từ hồ sơ tuyển mộ, hồ sơ công tác v.v... mang vào sân của Trung Tâm Thẩm Vấn để đốt và vất tro xuống giếng).

    Đến 9 giờ tối ngày 30 tháng 4, tôi và vợ tôi (Đại Úy Cảnh Sát), bị bắt bên trong tòa Thánh Cao Đài và bị giam vào xà lim từ đó. Thời gian sau, vợ tôi bị đưa lên trại tù Cây Cầy, trong khu rừng “Chiến Khu D”, còn tôi bị đưa ra Bắc, đến 1988 chuyển về Nam và được thả ngày 29 tháng 4 năm 1992

    Khi đang bị giam ở xà lim Tỉnh, khoảng ngày 4 hay 5 tháng 5/ 1975, tôi được gọi lên gặp cán bộ của bộ Nội Vụ VC tại văn phòng của Trưởng Ty Công An VC tỉnh Tây Ninh. Điều đầu tiên hắn ta hỏi là tôi có nhớ gì về tên Võ Văn Ba và tại sao tôi ra lệnh đốt tất cả hồ sơ của G. Công Tác v.v...?

    Tôi chỉ trả lời, việc đốt chỉ là nguyên tắc khi thấy tình hình không được an toàn, hoặc nếu chính phủ VNCH ra lệnh di tản, chúng tôi cũng phải đốt trước khi đi. Kể từ đó, gần như ngày nào tôi cũng phải lên “làm việc” với tên cán bộ này và đến lúc đó, tôi được biết Võ Văn Ba cũng đã bị bắt sau tôi một vài ngày.

    Theo phần thuyết trình của Merle Pribbenow, tôi mới biết Nguyễn Sĩ Phong cũng đã bị bắt tại Ban Mê Thuột vào tháng 3 năm 1975, cho tới ngày tôi gặp được Merle Pribbenow tại Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 2010, cùng những tin tức về cái chết của Nguyễn Sĩ Phong vào năm 1980.

    Sau đó các anh Quang và Trang tiếp nối cho đến ngày 23 tháng 4 năm 1975 thì chuyển hết về Vùng III Biên Hòa.

    Cần nói thêm về các cố vấn Mỹ. Khoảng năm 1974, tất cả các cố vấn Mỹ ở các Tỉnh đều phải rút hết về các Vùng. Khi có công tác hay trao đổi việc gì, sẽ hẹn gặp nhau mà không còn ở lại địa phương như trước kia. Riêng tại Tây Ninh, các cố vấn này, kể cả anh Nguyễn Thanh Trang, phải ở lại Tây Ninh cho đến ngày 23 tháng 4 năm 1975 mới rút đi và người cố vấn sau cùng đó là John R. Stockwell (hiện đang sống ở TB Texas).

    Trong bài này, các Cố Vấn không phải là đề tài chính, nên tôi chỉ sơ qua về Mr John R. Stockwell.

    Khi qua tới Hoa Kỳ năm 1995, tôi mới biết cấp bậc của John. R. Stockwell là Đại Tá. Khi rời Tây Ninh về Vùng III Biên Hòa, làm Chỉ Huy Trưởng công tác di tản các Cố Vấn cũng như các lực lượng Hoa Kỳ tại Vùng III trở về Hoa kỳ, vì Hoa kỳ đã bỏ Việt Nam! Trước khi rời Tây Ninh, vào sáng ngày 23 tháng 4 năm 1975, R. Stockwell có đến gặp tôi tại văn phòng và yêu cầu tôi cùng bà xã rời Việt Nam ngay hôm đó, vì phi cơ đang chờ vợ chồng tôi tại phi trường Tỉnh Lỵ. Nhưng tôi có 2 lý do để từ chối đề nghị này:

    - Tôi còn 2 đứa con đang gởi Ông Bà ngoại chúng ở Long An, (vì từ những năm 1973 đến 1975, Tây Ninh thường bị pháo kích, bất kể ngày đêm), nên tôi không thể nào bỏ chúng lại mà đi, dù chưa nói cho vợ tôi biết, nhưng tôi biết chắc vợ tôi cũng sẽ có quyết định như vậy.

    - Tôi không thể bỏ anh em đã gần 5 năm trời cùng chết sống với tôi trong nhiều công tác khó nhọc, không hề đắn đo, lo sợ sự nguy hiểm trước mắt.

    Tôi chỉ nói lời cám ơn và chấp nhận số phận nếu đất nước có ra sao thì ra! R. Stockwell đứng im lặng một chút, sau đó đến xiết tay tôi và “Say Goodbye!”. Khi qua Mỹ năm 1995, tôi có liên lạc với một số người làm việc ở văn phòng cố vấn Hoa Kỳ khi xưa và tôi mới biết anh ta đã bất mãn khi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam. Anh đã viết sách, nhưng không được xuất bản bởi lệnh của CIA ! (Có thể kiểm chứng qua những Youtube trong những cuộc thảo luận về “Những Cuộc Chiến Do CIA Tạo Ra Trên Thế Giới).

    3. HOẠT ĐỘNG
    Không kể những báo cáo tin tức về công tác, về tình hình trong khu vực trách nhiệm, về những chỉ thị của bọn Trung Ương Cục (TƯC)..., chúng tôi đã kịp báo về Khối Đặc biệt trong thời gian ngắn nhất. Có những tin tức cấp bách, chỉ trong vòng một hay hai giờ đồng hồ là có phi cơ từ Sàigòn xuống chuyển về Khối (có khi tôi hoặc Cán Bộ điều khiển đính thân mang đi), còn phần cố vấn Hoa Kỳ, cũng nhận bản sao của báo cáo đó để chuyển cho Tòa Đại Sứ. Trong số đó, nếu có những tin tức liên quan đến địa phương, tôi đến báo trực tiếp cho Tỉnh Trưởng để liệu cách đối phó.

    Tin chiến thuật gần như X.92 đã đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu cho địa phương cũng như cho khắp các vùng lãnh thổ khác của miền Nam. Tuy nhiên những công tác có tính lịch sử, tôi xin được trình bày chi tiết đôi chút.

    a. Trận chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa”
    Khi cũng cố lại lực lượng sau thất bại thảm hại trận chiến Tết Mậu Thân 1968, Cộng Quân quyết định giải quyết cuộc chiến bằng quân sự, hơn là bằng Hội nghị 4 Bên. Song song đó, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ đã và đang bành trướng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định của Quốc Hội cho sự tiếp tục yểm trợ miền Nam, như lời hứa của các vị Tổng Thống...

    Vào tháng 12 năm 1971, X.92 được lệnh vào họp khẩn cấp tại khu vực rừng rậm mà TƯC đang trú đóng. Trong cuộc họp đó, X.92 được chỉ thị phải về họp gấp các Chi Bộ để phổ biến lệnh của Bộ Chính Trị là phải đánh chiếm cho bằng được Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh thuộc Quận Phú Khương, để mặc cả với chính phủ VNCH trên bàn Hội Nghị tại Ba Lê. Bên ngoài thì xử dụng quân sự đánh vào, bên trong X.92 phải xách động tín đồ biểu tình, phản đối, yêu cầu chính phủ VNCH ngưng xử dụng vũ khí, sợ làm hư hại Tòa Thánh và làm chết tìn đồ.

    Khi báo cáo này được đưa về Sàigòn, qua sự trình bày của Tỉnh Trưởng Tây Ninh, Đại Tá Lê Văn Thiện, lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, phải bảo vệ Tây Ninh và Tòa Thánh Cao Đài bằng mọi giá.

    Từ đó, có những cuộc họp liên tục với quý vị: Tư Lệnh Quân Đoàn, Tư Lệnh Sư Đoàn 25, Tỉnh Trưởng cũng như các đơn vị trực thuộc trong tỉnh Tây Ninh. Vài hôm sau, các đơn vị Công Binh, Pháo binh ...được lệnh đào giao thông hào toàn khu vực phí Bắc, để VC không xử dụng xe thiết giáp được. Giao thông hào chạy dài từ căn cứ Trảng Lớn, qua phía Bắc Tỉnh Lỵ đến giáp ranh với Quốc Lộ 22 (khu vực Ngã Ba Giang Tân).

    Vì thời gian sau này, bọn VC đã xử dụng xe thiết giáp để chuyển quân cũng như để tấn công các vị trí của VNCH, nên việc đào giao thông hào chỉ là cái vỏ bọc ngoài, là hình thức, còn thật sự là lắp đặt các hệ thống mìn đủ các loại. Vào ban đêm, phi cơ từ Biên Hòa hoặc Sài-gòn thay phiên bay thám sát vùng phía Bắc Tỉnh lỵ, kể cả phần núi Bà Đen, cách tình lỵ 12 cây số.

    Trong khi đó, trong khu rừng phía Bắc, đơn vị Biệt Kích 81 vẫn ngày đêm bám sát mọi hoạt động của các đơn vị Việt Cộng, kể cả phần ranh giới với Kampuchia phía Tây Nam, bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông.

    Đến khoảng đầu tháng 4 năm 1972, lúc 2 giờ sáng, những tiếng nỗ đồng loạt vang rền, kể cả tiếng pháo kích của địch quân, dọc suốt phía Bắc vào Tỉnh lỵ. Vì mấy chiếc pháo đặt ở khá xa, nên chỉ rơi vào một ít khu vực của dân phía ngoài tỉnh, tổn thất không đáng kể.

    Lúc đó chúng tôi đang ở hầm Chỉ Huy của Tỉnh Trưởng, Đại Tá Lê Văn Thiện, đang thay phiên nhau theo dõi báo cáo của các đơn vị dọc tuyến phòng thủ cũng như ở các Quận gọi về. Các nơi cho biết, địch quân chỉ xử dụng bộ binh mà không thấy xe thiết giáp, nên khi bọn chúng đến gần các giao thông hào, anh em tại các đơn vị chỉ việc “bấm mìn” ...

    Có lẽ, vì các phi cơ thay phiên nhau bay liên tục, nên bọn VC không dám chuyển quân bằng xe, kể cả thiết giáp, vì ở Tây Ninh, đa số là rừng cao su, dễ bị phi cơ phát giác.

    Khoảng gần 5 giờ khuya hôm đó, tiếng súng thưa dần và im bặt trước khi trời sáng. Sáng hôm sau, các đơn vị báo về, dọc giao thông hào phía Bắc, đầy vết máu của VC và còn một số xác chưa kịp mang đi...

    Chỉ 3 hay 4 hôm sau, trận chiến ở Lộc Ninh đã nổ ra, quốc lộ 13 đã bị cắt hoàn toàn và An Lộc đã bị cô lập...

    Có lẽ, sự chuẩn bị cho Tây Ninh quá kỹ, dựa theo tin tức của X.92, nên đã cứu được Tây Ninh và Tòa Thánh Cao Đài, thay vì Bình Long phải gánh chịu trong vài ngày sau đó....

    Trong những lần gặp và thảo luận với Frank Snepp sau đó, chúng tôi có đồng kết luận về trận chiến Mùa Hè 1972 tại khu vực miền Nam:

    1. Qua tin tức của X.92 lúc ban đầu, Cộng quân sẽ đánh Tây Ninh bằng mọi giá, chỉ là tin “phịa”, trong khi chúng đang dồn mọi nỗ lực để đánh An Lộc. Đó là lý do mà chỉ trong một thời gian ngắn, An Lộc đã bị cô lập hoàn toàn. Cho đến khi giải tỏa, Quân ta đã phải tốn khá nhiều để tái chiếm, nhất là Lực Lượng Biệt Cách Dù 81.

    2. Vì sự chuẩn bị cho Tây Ninh quá kỹ, trong khi Cộng quân chỉ có thể tập trung ở phía Bắc, cách Tỉnh lỵ hơn 10 Km, trong vùng Chiến Khu D, chạy dài đến biên giới Kampuchia, nên bộ binh VC khi tấn công vào đã bị tổn thất khá nặng với hệ thống giao thông hào mới đào chằng chịt, đầy mìn bẫy. Đó là lý do mà chúng đành phải rút trở lên hướng Đông Bắc để đánh vào Bình Long như đã xảy ra.

    b. Hiệp Định Paris 1973
    “Hòa Đàm Ba-Lê” vẫn đang tiếp diễn tại Paris, với 4 bên: VNCH, Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng và Hoa Kỳ. Đến giữa tháng 10 năm 1972, sau khi tham dự cuộc họp với T.Ư.C về, X.92 gọi máy khẩn cấp và hẹn hôm sau sẽ sắp xếp cho “Xe Lưu Động” chạy theo lộ trình a, b, c...

    Khi nhận và mở cặp sách ra, trong đó có một Nghị Quyết của Bộ Chính Trị ở Hà Nội (bản sao) và một báo cáo chi tiết để thi hành của T.Ư.C, cho biết Hiệp Ước Ba-Lê sẽ được ký kết vào ngày 30 tháng 10 năm 1972, trong đó, có một điều khoản rất quan trọng là Hoa Kỳ và VNCH đã chấp nhận sự hiện hữu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong phần lãnh thổ phía Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống. Phần chỉ thị của T.Ư.C là các nơi phải dốc toàn lực để “giành dân lấn đất” từ ngày 27 tháng 10 năm 1972 và phần “giành giựt” này sẽ được Hiệp Định hợp thức hóa sau đó vào ngày 30.

    Tôi liên lạc ngay với cố vấn Hoa Kỳ và yêu cầu cho một phi cơ để mang tài liệu về Bộ Tư Lệnh. Song song đó, tôi đã gọi máy SA.100 cho Đại Tá Trưởng Khối Đặc Biệt để trình bày sự việc và hẹn 2 tiếng sau, tôi sẽ mang báo cáo về Khối. Phía cố vấn Hoa Kỳ, tôi copy cho một bản sao để chuyển về Tòa Đại Sứ Sài-gòn cùng một chuyến phi cơ.

    Khi lên gặp Đại Tá Trưởng Khối Đặc Biệt, tôi trình bày thêm những sự kiên liên quan đến chuyến đi họp trong vùng chiến khu D của X.92 mà bọn TƯC đã chỉ thị là phải đi họp đúng ngày giờ và không được vắng mặt, vì bất cứ lý do gì....

    Trước khi ra phi trường TSN trở về Tây Ninh, tôi chỉ nghe Đại Tá Trưởng Khối bảo: “Việt cộng chỉ là một bọn ăn cướp và tụi Mỹ là tụi xỏ lá...”!

    Đến ngày 30 tháng 10, không thấy chính phủ chỉ thị hay thông báo gì về việc ký kết Hiệp Định và phía VNCH lúc nào cũng phải chuẩn bị những sự tấn công có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu...

    Khoảng 10 ngày trước mùa Giáng Sinh năm 1972, tất cả hệ thống thông tin, như tivi, radio khắp miền Nam đều báo tin Mỹ đã đem B.52 ra dội bom ở ngay Hà Nội để làm áp lực bọn cộng sản Bắc Việt và bọn Giải Phóng phải rút khỏi miền Nam, đó là điều kiện tiên quyết mà Hội Nghi Paris đưa ra theo yêu cầu của Chính Phủ VNCH.

    Sau vụ dội B52 ở Hà Nội, trong lần gặp Đại Tá Trưởng Khối vài ngày sau đó, ông chỉ cho tôi biết là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau khi đọc được báo cáo từ Bộ Tư Lệnh CSQG, do Tư Lệnh Nguyễn Khắc Bình trao tay, đã mời Đại Sứ Hoa Kỳ đến để “hạch hỏi” những sự việc liên quan cũng như tại sao Hoa Kỳ lại “qua mặt” VNCH? Lời dọa cuối cùng của Tổng Thống VNCH là sẽ triệu hồi phái đoàn của VNCH tại hòa đàm Ba-Lê về nước.

    Sự “đi đêm” của Hoa Kỳ với Bắc Việt không đạt được kết quả, vì bị VNCH phản đối quyết liệt, nên Hoa kỳ đành phải đem B.52 ra Hà Nội và cuối cùng Bắc Việt chấp nhận điều kiện của VNCH và cho đến ngày 27 tháng 1 năm 1973 hòa đàm mới được ký kết.

    Tuy nhiên, những bài học của chúng ta đối với bọn Cộng Sản ít ai quên, nên trước ngày ký kết Hiệp Định đó, không riêng gì ở Tây Ninh mà tất cả các tỉnh khác, kể cả Sài-gòn đều nhận được lệnh là phải chuẩn bị đối phó trong cuộc chiến mới gọi là “giành dân- lấn đất” ngay ngày Hiệp Định có hiệu lực.

    Vào hơn nửa đêm 26 rạng 27 tháng 1 năm 1973, tiếng súng đã nổ khắp nơi. Có vài Tỉnh, vài địa phương phải kéo dài đến 3 hay 4 hôm sau mới chấm dứt.

    Kiểm điểm lại, bọn Việt cộng đánh tới đâu là nhận lấy thất bại tới đó, chẵng những không giành được dân, không lấn được đất mà các đơn vị, các tổ chức của chúng càng bị co cụm hơn trước kia.

    c. Nghị Quyết 24 Bộ Chính Trị tháng 1/1975
    Cuộc chiến Việt Nam, có hay không có Hiệp Định Ba-Lê, cũng tiếp diễn như mọi ngày. Nó chỉ là cái cớ cho Hoa Kỳ bắt đầu rút các đơn vị về nước, trước sự quan tâm của thế giới và làm thỏa lòng bọn phản chiến ngày càng gây bao khó khăn cho chính phủ.

    Đến đầu năm 1975, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, người chiến Sĩ VNCH đã phải đối đầu với sự thiếu thốn trăm bề, kể cả đạn dược, và ít ai có thể nghĩ đã kéo dài qua đến năm 1975!

    Sau cuộc rút bỏ ở miền Trung vào tháng 3, X.92 phải đi họp liên tục ở TƯC, để nhận những chỉ thị trong việc yêu cầu những cơ sở địa phương đánh vào các kho nhiên liệu, các đơn vị nhỏ như cấp xã, quận v.v..., trong khi đó các đơn vị chính quy sẽ xử dụng tối đa pháo binh và xe thiết giáp để tấn công những mục tiêu chiến lược mà chúng cảm thấy cần thiết. Chúng cho rằng đã đến lúc phải dứt điểm bằng quân sự. Chúng chỉ ra chỉ thị tổng quát mà không có một kế hoạch cụ thể để thi hành. X.92 chỉ báo cáo mà không đưa ra được một yêu cầu nào để thực hiện.

    Đến tháng 4/1975, X.92 mang về toàn bộ nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị và TƯC biến thành Nghị Quyết 12. Chính hai nghị quyết này, khi được đưa đến tay Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Ông đã triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nhiều lần để tìm cách đối phó.

    Sau này tôi mới biết ít nhiều về phản ứng của Tổng Thống Thiệu, vì nhân chứng sống, là Tổng Thư Ký trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, là Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia.

    Trong Nghị Quyết 24 (hay 12 của TƯC) đã phân tích tình trạng thiếu thốn của VNCH đủ mọi mặt, trong đó bọn Cộng Sản đã đưa ra một kế hoạch tăng cường quân sự để bao vây Sài-gòn sau khi chúng đã “được cho không” vùng đất phía Bắc của Vùng I và II hai tháng trước đó.

    Người lính chiến phải tiết kiệm từng viên đạn, từng lít xăng v.v..., kèm theo là sự đe dọa, ép buộc của phía Hoa Kỳ, để yêu cầu Tổng Thống Thiệu từ chức. Nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc nào cũng vẫn trả lời là VNCH sẽ đánh cho đến “viên đạn sau cùng”.

    Trước thực trạng này, bọn cộng sản Hà Nội đã tìm mọi cách đi đêm với Hoa Kỳ để tìm người thay thế cho bằng được TT. Nguyễn Văn Thiệu, sau khi đã cho Hoa Kỳ nhận món quà mà cả nước đang mong đợi: trao trả tù binh do Bắc việt giam giữ theo tinh thần Hiệp Định Ba-Lê đã ký kết.

    Cuối cùng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau khi gánh chịu áp lực tứ bề, đã phải từ chức, giao lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và ... cho đến trưa 30 tháng 4/1975, Ông Dương Văn Minh đã giao đất nước cho Cộng Sản.

    Những gì xảy ra tiếp theo đó, hoàn toàn ngoài những gì mà tôi biết được qua 2 Nghị Quyết đó, cũng như những nhân vật lãnh đạo tiếp nối cũng không được đề cập đến.

    d. Nhân vật Út Tặng
    Trong phần trên, Merle Pribbenow có đề cập đến sự nghi ngờ của bọn chúng về các cơ sở đang hoạt động, vì những gì chúng định làm mình đã biết trước, gây cho chúng những tổn thất không nhỏ. Sau đó chúng cho người ra điều tra.

    Đến cuối năm 1971, qua một công tác xâm nhập khác, phạm vi hoạt động trong Quận Phú Khương, tên Ba Dừa, bí thư và tên Tư Tịnh, Chủ Tịch Huyện, (chúng gọi là Huyện Ủy Tòa Thánh), đã chỉ thị cho một nữ cán bộ hợp pháp ra sinh sống trong khu vực chợ Long Hoa (gần nhà X.92), giả dạng dân buôn bán hàng rong và tìm cách theo dõi X.92.

    Qua báo cáo, tôi được biết y thị này là một cựu tù nhân chính trị, tên là Nguyễn Thị Xe, bí danh là Út Tặng. Trước đây đã bị Cảnh Sát Đặc Biệt bắt và Ủy Ban An Ninh Tỉnh quyết định cho an trí 3 năm. Y thị được thả năm 1971 và tái hoạt động ngay sau đó.

    Do công tác yêu cầu, hàng ngày Út Tặng đạp xe đạp, chở rau cải, trái cây v.v... ra chợ bán, đến trưa đi lòng vòng theo dõi tình hình và tối về đi báo cáo hoặc thi hành những chỉ thị nào khác.

    Sau cuộc gặp gỡ với X.92 tại nhà an toàn, X.92 cho biết y thị rất hăng say và rất nguy hiểm đối với các cơ sở hợp pháp. Dù là cấp Quận, nhưng trong vài lần họp ở mật khu, X.92 thấy có sự tham gia của y thị.

    Chỉ 2 ngày sau, chúng tôi đã bí mật bắt cóc Út Tặng ngay trên đường từ Xã Ninh Thạnh đi ra chợ Long Hoa và biệt giam từ đó. Hôm sau, tôi báo về Khối Đặc Biệt và được lệnh chúng tôi phải mang về cơ quan D.6 giữ y thị cho đến ngày 30 tháng 4/1975.

    Việc bắt giữ Út Tặng, chúng tôi hoàn toàn không cho X.92 biết, để X.92 luôn phải đề phòng trong mọi công tác và cũng để X.92 không phải lo âu về sự an toàn của mình. Khoảng hơn 1 năm sau, X.92 mới được TƯC cho biết là Út Tặng đã bị bắt mất tích, nhưng không được cho biết thêm chi tiết nào khác. Bọn chúng có nhờ X.92 dò xem Út Tặng hiện bị giam giữ ở đâu và còn sống hay đã chết.

    e. Công tác “ngoại vi”
    Sở dĩ gọi là ngoại vi, vì các công tác này do chúng tôi thực hiện theo sự yêu cầu của bọn Cộng sản, từ cấp TƯC, Tỉnh Ủy ... và Huyện Ủy chỉ thị cho X.92 phải làm:

    - Rãi truyền đơn: Thường bọn chúng chỉ thị cho X.92 phải tìm cách rãi truyền đơn lên án các chức sắc trong Hội Thánh Cao Đài vì đa số các vị này tìm cách loại những thanh niên trốn quân dịch vào ẩn trốn trong Nội Ô. Tuy nhiên, trong số thanh niên trốn quân dịch này, cũng có vài người do mình tổ chức để theo dõi bọn cộng sản có thể trà trộn để phá hoại.

    Mỗi lần rãi truyền đơn, thường là vào những ngày Lễ Vía trong Đạo, nên anh em Cảnh Sát Đặc Biệt phải mặc Đạo Phục với áo dài trắng hiện diện khắp các cơ quan trong Nội Ô. Trong khi đó, người rãi truyền đơn cũng là một nhân viên Cảnh Sát, chỉ rãi theo một lộ trình đã được ấn định (nhưng đi bằng xe gắn máy để chạy trốn cho nhanh). Sau đó, có một số anh em “đạo hữu” đi nhặt tất cả những truyền đơn này, mang về Bộ Chỉ Huy tỉnh để báo cáo lên Tỉnh, Khu và Bộ Tư Lệnh.

    - Đặt chất nổ: Ở Tây Ninh, các tổ chức Nhân Dân Tự Vệ được tổ chức canh gác rất chặt chẽ trên những nẽo đường dẫn về Tỉnh Lỵ, nhất là khu vực giáp ranh giữa Tòa Thánh và Tỉnh lỵ (Xã Hiệp Ninh và Thái hiệp Thạnh), cách nhau 7 Km.

    Trong các trạm gác đó, bọn cộng sản chỉ thị cho X.92 phải phá sập bằng được trạm ranh Xã Hiệp Ninh và trạm ở ngả ba Giang Tân. Hai trạm này đã gây trở ngại cho chúng khi muốn xâm nhập vào vùng trong, nhất là chúng không dám di chuyển vào ban đêm.

    Sau khi trình bày sự việc với Tỉnh Trưởng và với Cố Vấn Hoa Kỳ, Tỉnh đồng ý cho đánh chất nổ, nhưng tránh gây thương tích cho dân cũng như anh em Nhân Dân Tự Vệ ở đó. Phần còn lại, Cố Vấn Hoa Kỳ sẽ lo mọi chi phí để xây lại các trạm này, tiền sẽ đưa trực tiếp cho Tỉnh trưởng mà không qua trung gian của bất cứ Ty Sở nào trong Tỉnh.

    Cái khó mà vui nhất là anh em Cảnh Sát phải đến rủ rê mấy tay Nhân Dân Tự Vệ đi nhậu ở một quán nào gần đó và phải xử dụng loại mìn hoặc chất nố của tụi Việt Cộng mà mình tịch thu được trong các cuộc hành quân trước đó.

    Sau khi đặt chất nổ xong, Tỉnh Trưởng làm giấy khiển trách những người có trách nhiệm, từ cấp Ấp, cấp Xã cho đến cập Quận....

    4. SỐ PHẬN

    a. Truy tìm kẻ nội gián: Trong phần thuyết trình của Merle Pribbenow, có đề cập đến việc truy tìm kẻ nội gián trong chính quyền miền Nam mà bọn Cộng Sản đã xử dụng tên Nguyễn Văn Tá (bí danh Ba Quốc), tên nội tuyến trong Phủ Đặc Ủy.

    Sau khi tìm hiểu với những người liên quan, được biết tên Ba Quốc chỉ là “tép riu” trong PĐU, làm gì có quyền đi từ phòng này sang phòng khác để tìm cách xâm nhập, mở khóa tủ v.v... Khi bị lộ và phải chạy trốn, Ba Quốc phải báo cáo để lập công hầu bọn cộng sản còn tiếp tục cho mấy đoạn giao thông hào hoặc một khu rừng nào đó để vun thân.

    Cũng có nguồn tin cho rằng khi bọn Cộng Sản chiếm được văn phòng của Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, phải nói rõ là phải sau ngày 30 tháng 4 mà không phải là 29 tháng 4/1975, tên Viễn Chi, Cục Trưởng Tình Báo của Bộ Công An Bắc Việt, đã tìm thấy hồ sơ của Võ Văn Ba trong ngăn khóa của Nguyễn Khắc Bình. Đây là sự “bịa chuyện cho vui”.

    Trong việc bảo mật hồ sơ, từ của các Cảm Tình Viên, Mật Báo Viên cho đến Tình Báo Viên, chỉ có các địa phương tuyển mộ mới giữ những hồ sơ này, với đầy đủ lý lịch và các mẫu ĐV(từ ĐV.1 đến ĐV.16). Kế đến là E.Điều Hành Khối Đặc Biệt, nhưng chỉ giữ các Mẫu ĐV với Bí Số của các nguồn tin cùng với bản sao các Báo Cáo định kỳ cũng như bất thường, mà không giữ hồ sơ tuyển mộ. Trong các báo cáo, nguồn tin chỉ ghi và ký tên bằng bí số đã được cho.

    Điều Hành là cơ quan phối hợp, theo dõi, phối kiểm mọi hoạt động của các nguồn tin tình báo trên toàn quốc, để:

    - Tránh sự lợi dụng và đánh lừa tin tức vì mục đích cá nhân. Có thể một người đang cộng tác với 2 hay 3 cơ quan khác nhau, sẽ sanh ra những hệ luy khó kiểm soát và đánh giá sai lệch của các cơ quan anh ninh.

    - Tránh những tin ngụy tạo có thể gây nguy hiểm khi mang ra khai thác,

    - Tránh những nguồn tin “hai mang”, có thể gây đỗ vỡ công tác và bị đối phương phát giác, vô hiệu hóa.

    Như vậy, trong văn phòng của Tư Lệnh CSQG, dù ở BTL hay ở Phủ Đặc Ủy, kể cả trong văn phòng của Trưởng Khối Đặc Biệt, làm gì có hồ sơ của Võ Văn Ba mà tìm thấy?? (chỉ có hồ sơ cùa X.92 - Bí danh là Bảo Quốc mà thôi)

    Riêng tại Tỉnh Tây Ninh, như phần trên tôi đã trình bày, tôi đã đốt tất cả hồ sơ của các nguồn tin này trước khi rời Bộ Chỉ Huy và đến 9 giờ tối bị bắt trong Nội Ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.

    b. Số phận của Võ Văn Ba: Trong lần gặp sau cùng, khoảng giữa tháng 3 năm 1975, trước tình hình rất khó khăn của chính phủ lúc bấy giờ, Cố Vấn J. R Stockwell có hỏi ý kiến và đề nghị đưa X.92 cùng vợ con đi qua Hoa Kỳ. X.92 suy nghĩ hồi lâu, và quyết định:

    - Vì đã lớn tuồi nên thấy khó khăn khi đến “lập nghiệp” ở một xứ như Hoa Kỳ.

    - X.92 sẽ trở lại đời sống của người dân bình thường. Nếu bọn cộng sản có chiếm được miền Nam và giao cho chức vụ nào đó, X.92 cũng sẽ từ chối, vì đã hiểu quá nhiều về bọn chúng. Trong đó X.92 cũng không quên đề cập đến 2 đứa con, tuyệt đối không hợp tác với cộng sản.

    - Cuối cùng, X.92 tuyên bố một câu mà đến giờ này tôi hãy còn nhớ, cũng như hãy còn bị “ám ảnh” dù đã hơn 40 năm qua: “Nếu tụi cộng sản chiếm được miền Nam, tôi sẽ tự tử!”.

    Nhớ điều này, tôi không lấy gì làm lạ, khi qua định cư năm 1995, được biết X.92 đã chết trong lúc bị giam tại trại tạm giam của Bộ Công An ở Sài-gòn, mà lý do tụi cộng sản cho biết là X.92 đã tự tử!

    Với tôi, X.92 đã tự tử thật sự. Trong ngục tù Cộng sản, để giết một tên nguy hiểm như X.92, mà chỉ bị giam có 1 tháng thì hơi “rộng lượng”!

    Vâng, tự tử hay bị bức tử trong lúc bị giam là điều thường hay xảy ra trong chế độ vô nhân!

    III. PHẦN KẾT
    Sau khi gặp Merle Pribbenow vào đầu năm 2010 tại Virginia, tôi rất khó xử, vì tôi cảm thấy khó có thể thỏa mãn yêu cầu. Bên cạnh đó, ngoài Pribbenow còn một người bạn của Ông, là người Mỹ cũng đến gặp và cũng yêu cầu tôi nên giúp vì ông đang viết một cuốn sách về chiến tranh Việt Nam.

    Tôi cho là khó xử, vì ngoài X.92 làm việc trực tiếp với chúng tôi, còn biết bao người trong cuộc khác mà hiện còn sinh sống tại Việt Nam, nhất là trong vùng tỉnh Tây Ninh. Xem lại phần trên, trong việc điều hành công tác, từ hệ thống giao liên, nhà an toàn, hộp thư sống, hộp thư chết .v.v..., phải cần rất nhiều người mới có thể làm được. Tài liệu có trễ nãi, sách có ra chậm, vẫn là chuyện nhỏ so với sự tồn vong của những người “lính không có số quân” này.

    Trong hơn 20 năm sống ở hải ngoại, những anh chị em làm việc với tôi khi xưa, tôi không bao giờ dám quên. Tôi nhớ từng người, từng khuôn mặt buồn vui sau mỗi lần đi công tác về, đặc biệt là những người bạn, những người em, những đứa cháu không có tên trong “danh sách lãnh lương của chính phủ VNCH”.

    Suốt bao năm qua, tôi cũng đã âm thầm bằng điều kiện hạn hẹp của cá nhân, tôi cũng ráng giúp vui cho “những người không có trong danh sách” này mà không dám liệt kê để báo cáo trong mỗi độ Xuân về, Tết đến, vì báo cáo phải có tên họ, địa chỉ v.v...

    Qua cái chết của X.92, cũng như những bài học đã trãi qua trong suốt bao năm phục vụ trước 1975, tôi cảm nghĩ:

    * Chỉ có những ai thấu hiểu được Cộng Sản mới dám hy sinh để đối đầu, kể cả mạng sống của chính mình!

    Phan Tấn Ngưu


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X