Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngự Sử Đài kiểu Mỹ - (impeachment trial)

Collapse
X

Ngự Sử Đài kiểu Mỹ - (impeachment trial)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngự Sử Đài kiểu Mỹ - (impeachment trial)

    Ngự Sử Đài kiểu Mỹ

    Trong số 20 người từng bị Hạ Viện đàn hạch thì phần lớn là quan tòa; 13 người đã bị Thượng Viện xét xử với kết quả 8 người mất chức. Đây chỉ là lần thứ ba có một vị tổng thống bị “impeached”, nhưng chưa có vị nào bị Thượng Viện truất phế.



    Bộ ba lịch sử – Andrew Johnson, Donald Trump, Bill Clinton.

    Ở nước ta, từ đời vua Lý Thái Tổ (1008-1029) đã có Ngự Sử Ðài là cơ quan quan trọng hàng đầu, có nhiệm vụ giám sát chính quyền và đàn hạch các tham quan nhũng nhiễu dân oan. Quan ngự sử là những người liêm chính và can đảm, dám can gián cả vua nếu vua làm điều sai quấy. Những triều đại nối tiếp đều giữ cơ chế ấy.

    Dưới triều Tự Ðức (1847-1883) có vị tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình) nổi tiếng cương trực, dám đem giáo sĩ Trần Lục ra đánh đòn vì tội ức hiếp dân lành. Vì chuyện đó mà năm 1878 ông được triệu về kinh đô làm quan ngự sử. Khi Tự Ðức băng hà, Tôn Thất Thuyết làm trái di chúc, không đưa Dục Ðức lên kế vị. Viên ngự sử này cả gan mắng Thuyết trước mặt bá quan văn võ, bị Thuyết tống giam và tước hết chức quyền. Cận Ðại Việt Sử Diễn Ca mô tả khí khái ông như sau:

    Ngự sử loạn trào dám bạo gan

    Quyền thần đàn hạch giữa trăm quan

    Giam cầm lao ngục than quân nhược

    Hồi thải thảo lư quốc nhục nàn


    Tại Sài Gòn trước 75 có con đường lớn mang tên ông, đó là đường Phan Ðình Phùng.



    Tượng Phan Đình Phùng trước Bưu điện Chợ Lớn, 1970.


    Khi các nhà Quốc Phụ soạn thảo Hiến Pháp cho Liên Bang Mỹ Quốc, họ đã bỏ khá nhiều thì giờ bàn cãi cơ chế kiểm soát quyền Hành Pháp. Ðại biểu George Mason – một nhà đại điền chủ ở Virginia, là người đầu tiên mang vấn đề này ra mổ xẻ tại Nghị Hội Hiến Pháp tại Philadelphia vào mùa Hè 1787. Bản thảo đầu tiên ghi: “Người lãnh đạo Hành Pháp có thể bị đàn hạch và tước quyền nếu họ tắc trách hay không chu toàn nhiệm vụ.”

    Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng đàn hạch không cần thiết, vì sau bốn năm cử tri vẫn có thể bầu tổng thống khác. James Madison của Virginia đặt câu hỏi ngược lại: “Nếu tổng thống làm lũng đoạn hệ thống bầu cử hay hiệp đồng với kẻ thù ngoại xâm, ai sẽ đứng ra ngăn chặn họ? Nếu ta phải đợi hết nhiệm kỳ để bầu tổng thống khác thì có quá muộn không?”

    Một đại biểu khác cũng từ Virginia, ông Edmund Randolph, biểu đồng tình: “Tổng thống có rất nhiều cơ hội để lạm dụng quyền lực, nhất là khi có chiến tranh. Lúc ấy ông ta không những là lãnh đạo quân lực tối cao mà còn nắm trong tay tiền thuế của dân.”

    Sau nhiều ngày bàn cãi, cuối cùng Nghị Hội biểu quyết (8 tiểu bang thuận, 2 tiểu bang chống) thông qua quy trình Ðàn Hạch (Impeachment) để truất phế tổng thống/phó tổng thống/quan chức liên bang nếu cần. Quy trình này được ba vị đại biểu nói trên dựa theo hiến pháp Virginia, vay mượn từ luật đàn hạch có từ thế kỷ 14-15 ở bên Anh. Nên nhớ các nhà Quốc Phụ, sau cuộc chiến giành độc lập từ vua George III, không ai muốn thấy tân quốc gia của mình rơi vào tình trạng độc tài chuyên chế trong tương lai, cho nên họ đã dành khá nhiều thì giờ bàn thảo điều khoản này.

    Theo khuôn mẫu lấy từ House of Commons bên Anh thì House of Representatives, tức Hạ Viện, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đàn hạch nhân viên nhà nước. Nhưng rồi ai sẽ thay thế nhà vua đứng ra xét xử? Có ý kiến cho rằng nên để Tối Cao Pháp Viện làm việc đó; lại có ý kiến nên giao cho Thượng Viện. Số còn lại muốn thấy cả hai cơ quan này tham gia vào phiên xử. Sau nhiều cuộc bàn luận sôi nổi, Nghị Hội cuối cùng đồng ý với giải pháp Thượng Viện đóng vai bồi thẩm đoàn, và phiên toà sẽ được đặt dưới sự chủ trì của vị thẩm phán đứng đầu Tối Cao Pháp Viện – Chief Justice of the Supreme Court. Như vậy nhánh Tư Pháp vẫn có thể đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình đàn hạch mà không vướng vào những mâu thuẫn liên quan đến luật hình sự hay dân sự mà người bị đàn hạch vẫn có thể phải đối mặt sau khi rời khỏi chức vụ (như bị kiện chẳng hạn.)



    Các Thượng Nghị Sĩ tuyên thệ trước phiên tòa xử TT Donald Trump.


    Cần nhắc lại, Phiên Toà Ðàn Hạch (impeachment trial) là một biện pháp chính trị chứ không phải toà án theo nghĩa thông thường. Người bị buộc tội nếu bị Thượng Viện kết tội thì họ chỉ bị truất phế và cấm không được làm việc cho chính quyền nữa mà thôi. Ðiểm này khác với Impeachment bên Anh thời phong kiến; thuở ấy quan chức nếu bị kết tội có thể phải treo cổ (ở xứ ta thì chém đầu).

    Dù các đại biểu tại Nghị Hội đồng thuận trên nguyên tắc về quy trình đàn hạch, nhưng họ vẫn còn lấn cấn với câu hỏi thế nào là “tội đáng đàn hạch” – “impeachable offense”. Sang Thu, mọi người tạm đồng ý với hai tội danh: “phản quốc và hối lộ”. Nhưng George Mason một lần nữa phản đối; ông cho rằng định nghĩa ấy còn quá hẹp. Thật tình cờ, ngay trong lúc họ đang luận bàn vấn đề này thì bên Anh xảy ra vụ đàn hạch ông Warren Hastings, quan toàn quyền tại Ấn Ðộ. Ông ta bị cáo buộc một số tội, trong đó có tội cưỡng chiếm đất đai của dân bất hợp pháp.

    Mason dẫn chứng rằng đó cũng là một tội đáng đàn hạch mà không phải là phản quốc hay hối lộ. Ông bèn đề nghị thêm vào câu “high crimes and misdemeanors against the State” – tạm dịch là “các vi phạm nghiêm trọng chống lại nhà nước.” Cụm từ “high crimes and misdemeanors” không mới; nó đã được dùng ở Anh ít nhất từ thế kỷ 14. Nghị Hội đồng ý và đổi câu đó thành “high crimes and misdemeanors against the United States” – “các vi phạm nghiêm trọng chống lại Liên Bang Mỹ Quốc” – cho rõ ý. Nhưng không hiểu sao, khi người thư ký chép câu này vào Hiến Pháp thì cụm từ “against the United States” bị bỏ sót, khiến câu “high crimes and misdemeanors” trở thành tối nghĩa, gây biết bao cuộc tranh cãi từ đó tới nay.

    Chiếu theo quy trình đàn hạch, Hạ Viện chịu trách nhiệm điều tra việc làm sai quấy của các quan chức; các uỷ ban như Tình Báo hay Tư Pháp phải thâu lượm chứng cứ và phỏng vấn nhân chứng. Sau đó toàn thể Hạ Viện nhóm họp và biểu quyết xem có nên đàn hạch hay không; nếu có thì sẽ gồm những tội danh nào. Tại phiên toà đàn hạch, Hạ Viện trao cho Thượng Viện một bản hạch trạng (articles of impeachment) gồm những cáo buộc mà họ cho là vi hiến. Hạ Viện cũng gởi sang Thượng Viện một uỷ ban đàn hạch gọi là “impeachment managers” để làm công việc truy tố. Nhiệm vụ của họ là đưa ra những bằng cớ đã thâu thập được để chứng minh bị can có tội. Phía bị can cũng có quyền mướn luật sư để biện hộ cho mình. Các Thượng Nghị Sĩ trong vai bồi thẩm đoàn chỉ được ngồi nghe mà không được phát biểu.



    Chứng cớ tuy rành rành Nixon vẫn ngoan cố không chịu bỏ cuộc.

    Trong vụ Watergate năm 1973, nhờ có trát toà (subpoena) nên Uỷ ban Tư Pháp của Hạ Viện đã thâu thập được nhiều chứng cớ từ Bạch Cung, kể cả băng ghi âm cho thấy Nixon đã cố ý lấp liếm (cover up) các hành động vi hiến của mình. Thấy không đỡ nổi, Nixon nhanh chân từ chức trước khi Hạ Viện biểu quyết đàn hạch. Nếu không thì có lẽ ông đã thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trong lịch sử bị Thượng Viện truất phế. Năm 1999 Bill Clinton là tổng thống thứ nhì bị Hạ Viện đàn hạch, sau Andrew Johnson năm 1865. Nhưng cả hai đều không bị kết án vì không đủ 2/3 số phiếu của Thượng Viện. Trong trường hợp của Andrew Johnson, ông thoát nạn chỉ với 1 phiếu.

    Khác với hai phiên toà đàn hạch trước đây, vụ xử ông Trump là lần đầu tiên Thượng Viện không mời nhân chứng hay gởi trát đến các cơ quan Hành Pháp yêu cầu cung cấp tài liệu. Trên nguyên tắc thì thẩm phán chủ toạ vẫn có thể gọi nhân chứng ra hầu toà, nhưng không biết ông John Roberts có sẽ làm điều đó hay không.



    Kẻ sĩ cương trực ngày xưa: Phan Đình Phùng


    Dù kết quả vụ xử tổng thống Trump ra sao đi nữa, đây vẫn là cơ hội hiếm có để chúng ta học hỏi cách vận hành một thể chế dân chủ lập hiến, tam quyền phân lập. Việt Nam ngày nay đang bị thống trị bởi một nhà cầm quyền độc tài, không có Ngự Sử Ðài để đàn hạch đám quan tham lộng quyền hiếp đáp dân lành. Những kẻ sĩ can đảm như Phan Ðình Phùng sống trong thời đại này không ở tù thì cũng bị đàn áp hay o ép kinh tế, thậm chí trục xuất khỏi quê nhà. Như thủ tướng Winston Churchill của Anh nói: “Dân chủ là hệ thống chính quyền dở nhất, nhưng mọi hệ thống khác còn dở hơn.”



    Kẻ sĩ cương trực ngày nay: Trần Huỳnh Duy Thức


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X