Thông báo

Collapse
No announcement yet.

VNCH Oanh Kích Căn Cứ Cq Ở Bắc Vĩ Tuyến 17

Collapse
X

VNCH Oanh Kích Căn Cứ Cq Ở Bắc Vĩ Tuyến 17

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • VNCH Oanh Kích Căn Cứ Cq Ở Bắc Vĩ Tuyến 17

    VNCH Oanh Kích Căn Cứ Cq Ở Bắc Vĩ Tuyến 17
    Vương Hồng Anh/Việt Báo

    Từ đầu năm 1965, CSBV đã tung nhiều đơn vị vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập vào miền Nam tiến hành các cuộc tấn công vào vị trí phòng ngự của các đơn vị VNCH. Để triệt hạ các căn cứ tiếp vận của CSBV tại phía Bắc vĩ tuyến 17 - những nơi đã cung cấp quân dụng, vũ khí cho CQ tại miền Nam, từ tháng 2 đến tháng 4/1965, Không quân Việt Nam Cộng Hòa đã phối hợp với Không quân Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc oanh kích một số căn cứ trọng điểm của địch quân từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa. Sau đây là phần lược trình một số cuộc oanh kích của Không lực VNCH và Hoa Kỳ diễn ra trong thời gian nói trên. Phần này được biên soạn dựa theo bản tin chiến sự được bộ Tổng tham mưu QL.VNCH và bộ chỉ huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ phổ biến cho báo chí, hồi ký của đại tướng Westmoreland (nhà xuất bản Sự Thật) và tài liệu Việc Từng Ngày của nhà nghiên cứu Đoàn Thêm:

    * Các trận oanh kích thượng tuần tháng 2/1965:
    Ngày 8 tháng 2-1965, Không quân VNCH khởi động cuộc oanh kích đầu tiên với một lực lượng gồm 24 khu trục cơ của Không quân Việt Nam do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, tư lệnh Không quân, hướng dẫn, cùng với một số phi cơ của Hoa Kỳ, dội bom xuống các căn cứ CSBV tại Vĩnh Linh, ở phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc địa hạt tỉnh Quảng Trị trước Hiệp định Genève. Một số phi cơ trúng đạn nhưng đều trở về Đà Nẵng, 1 phi cơ bị hư hại, phi công vô sự. Phi cơ của tướng Kỳ bị trúng 4 viên đạn, 1 viên xuyên qua nách quân phục phi hành của ông. Ngày hôm sau, 9 tháng 2, các phi công VNCH tham dự cuộc oanh tạc Vĩnh Linh đã được tiếp đón nồng nhiệt tại phi trường Tân Sơn Nhất. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, lúc bấy giờ là tham mưu trưởng Liên quân, cùng một số tướng lãnh và đại diện các đoàn thể đã tham dự buổi tiếp đón này.

    Ba ngày sau, 11 tháng 2/1965, hai phi đội Không lực VNCH oanh kích dội 50 tấn bom vào các căn cứ của CSBV tại đồi 83 bên sông Rào Quang và Quan Tây, cách Bến Hải 15 cây số về phía Bắc, trung tá Phạm Phú Quốc trực tiếp chỉ huy phi đội 1. Cũng trong ngày này, một lực lượng hùng hậu của Không lực Hoa Kỳ với hơn 150 phi cơ đã oanh tạc Chánh Hòa và Chấp Lễ gần Đồng Hới, 3 phi cơ được ghi nhận mất tích. Vụ oanh tạc này được đại tướng Westmoreland - chỉ huy trưởng bộ chỉ huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) - gọi là để trả đũa vụ CQ đặt chất nổ phá hoại một khách sạn tại Qui Nhơn vào ngày 10/2/1965, sát hại cho 23 người, gây thương vong cho 21 người khác và một số nữa bị kẹt dưới gạch vụ, trong vụ này người Mỹ chịu thiệt hại về nhân mạng nhất.

    * Tướng Westmoreland nói về cuộc oanh kích ngày 11/2 tại Chấp Lễ:
    Trình bày về cuộc oanh kích nói trên, đại tướng Westmoreland đã ghi lại trong hồi ký của ông như sau:
    Sau khi chúng tôi thỏa thuận ném bom trả đũa vụ tấn công khách sạn ở Qui Nhơn thì vấn đề chọn mục tiêu nảy sinh một chuyện gần như thất bại hoàn toàn, chứng tỏ cho thấy dù với phương tiện liên lạc tối tân, một ủy ban làm việc với Tổng thống cách xa hàng ngàn dặm cũng ì ạch và kém hiệu năng trước những vấn đề khẩn thiết. Vụ nổ tại Qui Nhơn xảy ra lúc 8 giờ tối ngày 10 tháng Hai. Sau khi phối hợp với phía Việt Nam về vụ ném bom trả đũa thì từ bộ tư lệnh của tôi gửi công điện báo cho bộ Tư lệnh Thái Bình Dương tại Hạ Uy Di để chuyển tiếp lên bộ Chỉ huy Liên quân ở Hoa Thịnh Đốn vào giữa khuya về các mục tiêu do Sư đoàn 2 Không quân sắp tấn đánh. Chừng vài phút sau đó, bộ Tham mưu lại đưa ra một lô mục tiêu khác. Vậy là giữa đêm tin đi tin lại giữa hai bên rất mâu thuẫn nhau. Có một điểm là bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thông báo chỉ thị từ Hoa Thịnh Đốn nói rằng không cho quân đội VNCH biết về những mục tiêu này trong khi họ đã cùng với phía Hoa Kỳ hoạt động chung rất sát cánh. Vậy là suốt đêm đó phi công cả Việt lẫn Mỹ đều thức để chờ lệnh vì hết lệnh đến lạc không biết đâu mà theo. Đợi mãi đến sáng 11 tháng Hai thì các phi công đều đã mệt mỏi.
    Tuy nhiên, tính chung các cuộc không tập trả đũa xuống vùng Chấp Lễ vẫn diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ do Không quân Hoa Kỳ và Không quân Việt Nam thực hiện, và xuống vùng Đồng Hới do phi cơ của Hải quân Mỹ phụ trách. Công bố các cuộc ném bom cho dân chúng biết, Tòa Bạch Ốc lại tránh không dùng hai chữ trả đũa hay nhắc đến vụ nổ bom tại khách sạn Qui Nhơn. Ngược lại, Tòa Bạch Ốc nói rằng cuộc ném bom nhằm trả lời “những đề xướng của chế độ Hà Nội” và “những hành động tiếp tục xâm lăng của chế độ này”. Không định danh rõ việc ném bom này, Tổng Thống có ý muốn duy trì tư thế hành động.

    Hai ngày sau, Tổng thống quyết định cho thực hiện giai đoạn 2 có tên là Rolling Thunder, theo đó, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa sẽ phối hợp trong một hành động Không quân có giới hạn và cân nhắc rằng phải đánh vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ miền Bắc nhưng từ vĩ tuyến 17 trở xuống.

    Trong khi công nhận kế hoạch này là một bước thay đổi quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ, tôi vẫn thấy không có hy vọng. Với những giới hạn đưa ra như vậy lúc nào cũng có tác hại cho cuộc chiến. Vì bị giới hạn nên chỉ có ba đến bốn cuộc oanh tạc mỗi tuần lễ, và mỗi lần chỉ được phép đánh vào từ hai đến ba mục tiêu trên toàn khu vực từ vĩ tuyến 19 trở xuống. Điều này làm cho tôi thấy mình từ làm cho suy yếu một cách đau khổ. Với lối gửi công điện nói theo kiểu của đại sứ Taylor và các nhân viên khác thì làm sao mà lay chuyển mấy lãnh tụ CSBV được. Vậy mà một trong số các bức điện văn của bộ Ngoại Giao, các nhân vật ở Hoa Thịnh Đốn nói rằng chỉ trong vài tháng, tình hình sẽ đến tột điểm. Cuộc ném bom đầu tiên trong kế hoạch Rolling Thuder được dự trù ngày 20 tháng Hai, nhưng cơn khủng hoảng chính trị tại Sài Gòn do hai ông Lâm Văn Phát (cựu thiếu tướng) và Phạm Ngọc Thảo (đại tá) gây ra khiến đại sứ Taylor phải ra lệnh hủy bỏ. Mãi đến 2 tháng 3 kế hoạch mới bắt đầu.

    * Các cuộc oanh kích trong tháng 3 và tháng 4/1965:
    Ngày 2 tháng 3/1965, lúc 15 giờ 45 phút, 5 phi đội gồm 20 phi cơ của Không lực Việt Nam Cộng Hòa đã oanh tạc căn cứ hải quân CSVN tại Quảng Khê, cách Đồng Hới 30 cây số và gây tổn thất nặng cho đối phương. Phi đội 2 do đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh phó Không quân hướng dẫn, 1 phi cơ bị bắn rớt, phi công nhảy dù xuống biển và được vớt.

    Cũng trong ngày này, 160 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc căn cứ tiếp liệu của CSBV tại Xóm Bàng, cách Bến Hải 16 km về hướng Bắc, 6 phi cơ bị bắn rớt, 5 phi công được cứu thoát. Sau cuộc oanh tạc này, chính phủ VNCH và tòa Đại sứ Hoa Kỳ ra thông cáo chung: oanh tạc vì những cơ sở quân sự của CSBV đã yểm trợ cho cuộc xâm lăng của CQ vào miền Nam.

    Ngày 14 tháng 3/1965, lúc 14 giờ, 24 phi cơ do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ hướng dẫn, oanh tạc đảo Hòn Cọp, căn cứ của thủy đoàn CSBV, căn cứ này đã bị phá hủy. Ngày hôm sau, 100 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc Phủ Quỳ, trung tâm tiếp vận đạn dược của CSBV. Lúc trở về hàng không mẫu hạm, 1 phi cơ đâm xuống biển. Lệnh oanh tạc này do Tổng thống Johnson đích thân ban hành.

    Ngày 19 tháng 3/1965 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc kho võ khí Phú Vân, tỉnh Nghệ An, cách Vinh khoảng 50 km, và cả kho tiếp liệu Vinh Sơn ở khu vực phụ cận. Ngày 21 tháng 3, 26 phi cơ của Không lực VNCH oanh tạc căn cứ Vu Côn cách Bến Hải 25 km về Tây Bắc. Ngày 23 tháng 3, 8 phi cơ Không lực VNCH oanh tac dọc trên Quốc lộ số 1, từ Bến Hải đến Đồng Hới, phá hủy đài radar Ba Bình cách Bến Hải 15 km về phía Bắc.

    Ngày 26 tháng 3/1965, 40 phi cơ Hoa Kỳ phá hủy đài Radar và các căn cứ Vinh, Bạch Long Vĩ, Mũi Rọn, Vinh Sơn, 2 phi công bị rớt, 2 phi công được cứu thoát. Ngày 29 tháng 3, 50 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc đài radar của CSBV trên đảo Long Vĩ trên vịnh Bắc Việt, 1 phi cơ bị bắn rớt, phi công được cứu thoát.

    Ngày 31-3/1965, 14 phi cơ Không lực Việt Nam Cộng Hòa oanh tạc đài Radar Hà Tĩnh. Cũng trong ngày này hơn 100 phi cơ Việt Mỹ oanh tạc mật khu Bời Lời, quận Khiêm Hạnh, Tây Ninh, mục đích: thiêu hủy các kho lương thực, đạn dược và các cơ sở trung ương của CSBV tại miền Nam.

    Ngày 3 tháng 4/1965, 90 phi cơ Hoa Kỳ phá hủy cầu Đò Lèn, Thanh Hóa. 50 phi cơ khác dội bom xuống cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, 3 phi cơ bị bắn rớt, 2 phi công bị cứu thoát. Ngày 4 tháng 4, 24 phi cơ VNCH và 12 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc cầu Đồng Hới, 2 phi cơ bị bắn rớt do cao xạ CSBV. Cũng trong ngày này, 60 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc đường thiết lộ và Quốc lộ 1 từ Bến Hải đến Thanh Hóa, có 2 phi cơ bị cao xạ bắn rớt. Ngày 7 tháng 4, 35 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc dọc theo Quốc lộ 1 từ Bến Hải ra Vinh, 1 phi cơ bị bắn rớt.

    Ngày 9 tháng 4/1965, 50 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các cầu Quý Vinh và cầu Khe Kiến, dội 145 tấn bom. 70 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các cơ sở quân sự Tam Đa cách Vinh 15 km, dội 100 tấn bom. Không chiến trên vịnh Bắc Việt, 1 Mig bị bắn rớt, 2 phi cơ Mỹ bị trúng phòng không của địch quân. Ngày 13 tháng 4, 15 phi cơ VNCH phá cầu Thanh Yên, Đồng Hới, cùng lúc đó, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc các đài Radar Hòn Mật và Cửa Lò.

    Ngày 14/4, 1 phi đội VNCH bay đêm trên BV lần đầu tiên, oanh kích các đoàn quân xa và rải 3 triệu truyền đơn. Trước đó, cũng trong ngày 14/4, 15 phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc Hòn Mật, tuần thám trên Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa. Ngày 15/4, 6 phi cơ Hoa Kỳ oanh kích bến tàu thủy Mường Sén và tuần thám trên Quốc lộ 7 và 8. Ngày 19 tháng 4, một phi tuần VNCH oanh kích Quốc lộ 1, một phi cơ bị súng cao xạ CSBV bắn rớt gần Hà Tĩnh, phi cơ này do trung tá Phạm Phú Quốc điều khiển.

    Ngày 30 tháng 4, theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, từ 7/2 đến 30 tháng 4, các phi cơ Hoa Kỳ đã oanh tạc BV 89 lần, với 2,788 phi xuất, ném 1,380 tấn bom, không kể hàng tấn đạn và rocketts, phá hủy 30 cơ sở quân sự, 127 ổ súng phòng không, 34 cầu, 17 đoàn quân xa, 17 đoàn hỏa xa, 1 căn cứ không quân, 2 căn cứ hải quân, 5 bến phà, 20 đài radar, 33 tiểu đĩnh.

    Source:https://vietbao.com/a51251/vnch-oanh...ac-vi-tuyen-17


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X