Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hồi Ức Về Một Cái Tết

Collapse
X

Hồi Ức Về Một Cái Tết

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hồi Ức Về Một Cái Tết

    Hồi Ức Về Một Cái Tết
    Tống Phước Kiên

    Mùa Hè năm ấy, cả Miền Nam nóng lên từng ngày không những chỉ với khí trời oi bức mà cả với những tin tức thời sự hàng ngày trên báo chí và đài phát thanh.Những trận đánh khốc liệt xẩy ra khắp nước được loan tải khiến dân chúng lo âu. Cuộc chiến nổ ra khắp nơi mà nặng nhất là ở vùng I. Cộng quân tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và VNCH như Caroll, Lao Bão, Khe Sanh, Bastogne, A Sao, A Lưới… có khi với cấp sư đoàn cùng tăng, pháo hạng nặng.

    *****


    Những tháng cuối của năm 1967 tin tức tình báo nhiều nơi gởi về cho hay VC sẽ tấn công vào các thành phố vào dịp Tết Mậu Thân. Tất cả nhân viên Ty CSQG Thị Xã Đà Nẵng cũng như các đơn vị trực thuộc đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến.Anh em bàn tán với nhau rằng phen nầy chắc phải cấm trại 100% rồi,đành ăn tết tại chỗ.

    Đến cuối tháng 11 Âm Lịch, tin tức chiến sự bỗng nhiên lắng dịu dần rồi chiến trường im ắng vào giữa tháng Chạp. Cộng quân ngưng mọi hoạt động quân sự để chuẩn bị ăn Tết chăng?

    Chính Phủ và quân đội VNCH thừa kinh nghiệm để biết rằng cộng sản là bọn lưu manh, gian trá nên các chiến sĩ nơi các tiền đồn vẫn luôn giữ vững tay súng. Những đơn vị hành quân diện địa vẫn ăn Tết với đồng bào nơi mà họ mang trọng trách bảo vệ phần lãnh thổ trách nhiệm của mình.

    Dù tiếng súng im bặt trên các chiến trường nhưng những tin tức tình báo khả tín từ khắp nơi gởi về xác định rằng Bắc quân sẽ tấn công vào các đô thị miền Nam vào dịp Tết Nguyên Đán.

    Đến đầu hạ tuần tháng Chạp, cộng quân đưa đề nghị hưu chiến bảy ngày để hai bên và dân chúng đón tết mừng xuân. Chính Phủ VNCH không tin vào thiện chí của VC nên chỉ chấp nhận hưu chiến ba ngày đầu năm mà thôi.

    Ngày 25 tháng chạp, Ty CSQG Thị Xã Đà Nẵng nhận được công điện từ Tổng Nha cho xả trại 50% trong ba ngày Tết.

    Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 29 tết, ông Trưởng ty Phạm Công Bạch cho gọi Nguyễn Văn Sáo, Lê Việt Hằng và tôi về trình diện ông tại văn phòng. Ba anh em chúng tôi phỏng đoán có lẽ sẽ nhận một công tác nào đó trong dịp Tết.

    Ba đứa đứng nghiêm chào kính thượng cấp và chờ lệnh. Ông Bạch nhìn chúng tôi với nụ cười thân thiện trên môi mà chẳng nói lời nào rồi rút trong ngăn kéo ra trao cho mỗi người một mảnh giấy. Thấy chúng tôi ngạc nhiên ông liền lên tiếng: “Các cậu được phép ba ngày về Huế mừng xuân với gia đình, cho tôi gởi lời thăm hỏi và chúc Tết tất cả thân nhân và họ hàng của các cậu.” Chúng tôi nói lời cảm ơn và chúc Tết ông Trưởng ty cùng gia quyến rồi đưa tay lên chào kính trước khi rút lui.

    Ba anh em hẹn gặp nhau tại bến xe An Lợi vào lúc 8 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi phải vất vả mới lấy được ba tấm vé xe nhưng phải chờ đến mười giờ mới có chuyến vì người về Huế quá đông. Trước khi lên xe, Sáo lôi từ túi xách ra tặng Hằng và tôi mỗi người hai phong pháo làm quà Tết.

    Xuống khỏi đèo Hải Vân, khung cảnh trước mắt chúng tôi là chiếc cầu Lăng Cô vá víu do VC giật sập và được Công Binh VNCH sửa tạm để nối lại giao thông cho dân chúng.

    Con đường từ Đà Nẵng đi Huế chỉ dài 100km mà xe phải chạy mất gần bốn tiếng đồng hồ. Tất cả cầu cống lớn nhỏ đều bị VC phá sạch vì tham vọng cưỡng chiếm Miền Nam bằng vũ lực.

    Xuống xe trên đường Trần Hưng Đạo, chân cẳng người nào cũng bị tê cứng vì tài xế nhét thêm hành khách để thu thêm lợi nhuận. Ba đứa chúng tôi rảo bộ tới bến xe đò. Sáo lên xe Tây Lộc để về nhà ở cạnh bờ tường Mang Cá, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB. Hằng lấy tuyến đường An Hòa để về nhà ở làng Đốc Sơ nằm bên kia sông Đào sau lưng Hoàng Thành. Tôi định lên xe đò Thuận An để về Vĩ Dạ, nhưng rồi đổi ý chưa về nhà vội. Phải dạo phố xem cảnh chợ chiều ba mươi tết một chốc, xong về nhà cũng chẳng muộn.

    Tôi đi ngược đường Trần Hưng Đạo lên phía cầu Trường Tiền, lững thững vào các chợ hoa. Đúng như người ta thường nói: “Tiêu điều như chợ chiều Ba Mươi Tết”. Nhiều sạp hoa đã dọn sạch, nhiều sạp khác đang vội vã thu vén để về lo cúng lễ rước ông bà. Những người còn nán lại đa số là người bán lẻ mong kiếm thêm ít tiền cho gia đình chi tiêu trong ba ngày Tết.

    Tôi tạc vào chợ hoa nơi công viên Thương Bạc để cố tìm một cành mai đẹp cho mùa xuân gia đình thêm rạng rỡ.

    Đang loay hoay chọn lựa một cành mai, bỗng giật mình vì có ai vỗ mạnh trên vai. Nhìn lại, một thoáng ngạc nhiên, trước mặt tôi là Phan Cháu. Với đầu tóc húi ngắn và mặt mày sạm nắng trông tương phản trên chiếc sơ mi trắng muốt anh đang mặc. Bạn bè gặp lại nhau sau thời gian xa cách kể từ khi rời Học Viện CSQG. Như một phản xạ tự nhiên hai đứa ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Tôi vui cười hỏi Cháu: “Cậu làm gì mà trông phong trần như một chiến binh ngoài mặt trận mới trở về thành phố vậy?”. Cháu tươi cười trả lời: “Khác với khóa Thẩm, khi ra trường khóa BTV về phục vụ ở các đơn vị theo lối bốc thăm. Tôi bốc trúng TTHL/CSDC Đà Lạt. Là sĩ quan huấn luyện viên thì tóc phải cắt ngắn, suốt ngày ngoài bãi tập nên đen đủi như lính chiến. Đó là nghề với nghiệp”.

    Cháu viết cho tôi địa chỉ của anh trong Thành Nội và mời tôi ghé nhà chơi. Tôi hứa sẽ cố gắng đến thăm và chúc Tết gia đình Phan Cháu vào chiều mồng ba. Anh em chúc Tết nhau rồi chia tay.

    Chọn được cành mai ưng ý, tôi rảo bộ xuôi về chợ Đông Ba. Chẳng có gì để vội vàng, tôi đi chầm chậm vừa nhìn phố chợ vào những giờ năm cùng tháng tận vừa nhởn nhơ tận hưởng những giây phút nhàn nhã không vướng bận công vụ hàng ngày. Nhiều căn phố, sạp hàng đã đóng cửa. Nhiều nơi đang bày hương án lên đèn cúng bái.

    Những người buôn thúng bán bưng dọc theo vỉa hè vẫn còn cố nán lại để mong bán hết phần hàng nhỏ nhoi của mình.

    Thay vì lên xe đò về nhà tôi lần xuống bến phà chợ Đông Ba để về bên kia Đập Đá. Lâu rồi, nay mới tìm lại cảm giác đi phà qua sông Hương.

    Đứng trên phà đang lướt sóng giữa dòng sông tôi đưa mắt nhìn quanh đôi bờ. Xa xa tận thượng nguồn sông Hương, dãy núi Kim Phụng vẫn bốn mùa xanh thẳm. Bên nầy là Cồn Hến với những ruộng bắp xanh ngát, cây cỏ tốt tươi nhờ đất phù sa tô bồi hàng năm. Ven theo bờ sông Vĩ Dạ, hàng tre soải mình trên mặt nước kéo dài đến ngút tầm mắt. Tôi hít sâu không khí trong lành từ làn gió lồng lộng trên sông Hương mang lại. Cảnh vật an bình khắp Cố Đô tưởng chừng như đất nước mình chẳng hề có chiến tranh.

    Về tới đầu ngõ, ba đứa cháu thấy tôi về liền chạy ra reo hò mừng rỡ. Giữa nhà, hương đèn và mâm cỗ đang được bày biện cho lễ rước ông bà.

    Sau khi tắm rửa thay quần áo, tôi thắp nhang trước bàn thờ ông bà, cha mẹ, rồi đi ra xóm ngoài thăm gia đình bốn bà chị.

    Trở về nhà thì gia đình đang chuẩn bị cúng lễ Giao Thừa.

    Tôi lấy một phong pháo trao cho ba đứa cháu và theo chúng ra treo trên một cành ổi bên cạnh vuông sân trước nhà. Khi tiếng pháo đâu đó nổ vang báo hiệu giờ giao thừa đã điểm, mấy đứa cháu tranh nhau châm lửa. Tiếng pháo nổ dòn, xác pháo vương vãi trên sân, khói bốc mù mịt, không khí hăng hắc mùi thuốc súng. Dây pháo đang dòn dã bỗng dưng tắt ngấm giữa chừng. Cháu Quả châm lửa một lần nữa nhưng rồi lại tịt ngòi, đốt lần thứ ba dây pháo mới nổ hết.

    Mấy đứa cháu nói rằng “đầu năm đốt pháo bị đứt đoạn, chắc năm nầy có điều gì đó chẳng lành”. Tôi nói: “Đừng tin chuyện dị đoan,có lẽ vì bị ẩm nên pháo nổ không thông suốt”. Tôi bảo mấy đứa cháu đem phong pháo còn lại để gần bếp lửa, hy vọng sẽ nổ một lèo vào lễ Khai Niên.

    Sáng sớm hôm sau, đang lúc gia đình cúng lễ đầu năm, mấy đứa cháu lại đốt pháo. Tiếng nổ râm rang nhưng nửa chừng lại tắt phải mồi lửa thêm lần nữa.

    Mặc cho mấy đứa cháu bới tìm những viên pháo lép trong đống xác pháo, tôi lấy xe đi dự Thánh Lễ cầu nguyện cho “Hòa bình thế giới và quốc thái dân an” tại thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên cạnh tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Xong lễ, tôi đi thăm và chúc tết bà con nội ngoại, thắp nhang mừng tuổi ông bà tổ tiên. Đi đâu cũng không quên mang theo những bao lì xì đỏ chót cho trẻ nhỏ.
    Sực nhớ tới Sáo và Hằng thì đã ba giờ chiều tôi liền đạp xe qua Thành Nội vào Tây Lộc thăm gia đình Sáo.

    Thăm và chúc tết gia đình Sáo rồi định rút lui để còn đi viếng gia đình Lê Việt Hằng. Nhưng ông cụ thân sinh của Sáo giữ lại dùng cơm chiều với gia đình. Thôi thì “cung kính không bằng vâng lời”. Cơm nước xong thì trời cũng đã tắt nắng, tôi phải về nhà kẻo trời tối. Đành dời chuyến đi Đốc Sơ vào ngày hôm sau.

    Vừa về tới trước ngõ thì đã nghe tiếng rổn rảng lắc bầu cua trong nhà hòa lẫn với tiếng reo hò của mấy đứa cháu cùng lũ trẻ hàng xóm đến chơi. Thấy tôi về bọn trẻ níu áo bắt tôi làm cái. Tiếng vui cười lại tiếp diễn và nhà cái thì cứ chung mệt nghỉ. Mấy đứa cháu vừa cười vừa chọc ghẹo: “Năm nay chú gặp hên rồi”.

    Tôi đáp: “Thua tận mạng mà hên nỗi gì.” Cháu Quả lớn tuổi nhất trong nhóm nói: “Đen bạc đỏ tình mà”. Lại cười.

    Đến quá nửa đêm, tôi cảm thấy mệt và buồn ngủ nên không chơi nữa. Mấy đứa cháu thấy tôi mệt nên bảo lũ trẻ hàng xóm ra về để tôi nghỉ ngơi.

    Suốt hai ngày, từ lúc lên xe ở Đà Nẵng tôi cứ lu bu mãi nên thấm mệt. Đặt lưng xuống giường tôi cảm thấy xương sống của mình dãn ra dễ chịu và chìm dần trong giấc ngủ.

    Đang say giấc, bỗng nghe tiếng nổ vang rền khắp nơi. Chổi dậy thấy đồng hồ chỉ hơn hai giờ sáng ngày mồng hai tết và tự hỏi: Tại sao người ta đốt pháo trong giờ nầy? Định thần nghe kỹ thì có tiếng nổ lớn như lựu đạn, mìn xen lẫn với tiếng súng cá nhân mà dường như có tiếng súng AK của VC. Tôi nhủ thầm, thôi rồi, thành phố Huế đang bị VC tấn công.

    Tôi đến bên cửa sổ nhìn lên bầu trời, có ánh hỏa châu do máy bay thả xuống trên thành phố Huế. Tiếng súng vang rền và hỏa châu soi sáng, nhiều nhất là khu vực cầu Trường Tiền nơi có bản doanh của Tiểu Khu Thừa Thiên, Bộ Chỉ Huy CSQG Thừa Thiên-Huế và cơ quan MACV của Hoa Kỳ. Bên phía Trường Bia An Cựu cũng giao tranh ác liệt, có lẽ VC tấn công căn cứ tiếp vận quân đội VNCH gần núi Ngự Bình. Xa xa nằm về phía tây thành phố, hỏa châu soi sáng một vùng và tiếng súng lớn nhỏ không ngớt; tôi đoán nơi đó là bản doanh của BTL Sư Đoàn I/BB nằm trong khu Mang Cá. Tôi bỗng nghĩ đến sự an nguy của hai bạn Lê Việt Hằng và Nguyễn Văn Sáo đang ở trong khu vực giao tranh.

    Cả nhà kể cả mấy đứa cháu đều đã thức giấc và yên lặng đến đứng cạnh tôi dõi mắt nhìn những trái hỏa châu thay nhau thắp sáng những nơi đang giao tranh.
    Chú Đá thì thào nói: “Thế nầy là thế nào? Đang là thời gian hưu chiến mà”. Tôi khe khẽ trả lời: “Dối trá, lừa đảo là bản chất của cộng sản, nếu quân mình tin VC thì giờ nầy chắc không có ai để chiến đấu…”

    Xem ra VC đã làm chủ tình hình trên toàn thành phố ngay trong những giờ đầu tiên bất ngờ tấn công Huế, ngoại trừ ba nơi đang có giao tranh.

    Tôi mong cho trời mau sáng để cộng quân không chiếm được lợi thế bóng đêm thì phải rút lui. Thế nhưng trời càng sáng dần thì tiếng súng càng dữ dội hơn. Cả xóm, nhà nào cũng cửa đóng then cài, đường sá vắng hoe. Mọi người trong gia đình ai cũng lo lắng cho tôi.

    Sau khi ai nấy ăn vội chút điểm tâm bằng bánh chưng bánh tét, chị Đa đội nón đi ra đầu xóm để dò xem tình hình. Chừng nửa giờ sau trở về, chị nói với vẻ mặt trầm trọng: “Dọc theo bờ sông phía làng mình đường sá vắng tanh, nhưng bờ sông bên kia từ Đập Đá xuống thì VC rải dài trong các khu vườn nhà dân. Nghe nói VC đóng chốt nơi đầu đường Thuận An, như vậy là Đập Đá đã bị khóa rồi không còn đường nào để lên thành phố cả”. Nghe nói thế tôi cảm thấy lòng bồn chồn vì mình đang như ở trong một cái túi mà hiện VC đã cột thắt miệng túi mất rồi.

    Đến trưa, tôi vạch hàng rào sau nhà, men theo bờ ruộng sang nhà chị Cúc. Thấy tôi chị vội mở cửa cho tôi vào rồi đóng ngay cửa lại.

    Sau bữa cơm trưa chị bảo tôi trông chừng các cháu để chị đi dò xem tình hình và coi có con đường nào cho tôi thoát thân. Tôi nói với chị là không nên đi theo con đường ven sông, rất nguy hiểm. Chị gật đầu rồi cầm nón lá và chiếc rổ ra đi như người đi chợ.

    Tôi ngồi xuống tấm chiếu nơi góc nhà, ôm thằng Dũng con út của chị hồi đó mới hai tuổi vào lòng. Năm đứa lớn ngồi quanh áp sát vào tôi để tìm sự che chở của cậu. Tất cả sáu đứa nhỏ đều im lặng. Tiếng súng vẫn nổ ì ầm. Trên bầu trời đã thấy xuất hiện mấy chiếc máy bay trực thăng chiến đấu của không quân VNCH, nhưng bay vòng vòng rất cao. Thỉnh thoảng chúc đầu xuống phóng rockets vào những cao ốc nơi VC đặt súng phòng không, hoặc nhả vài tràng đại liên vào các đơn vị VC.

    Chị Cúc đi đã hơn một tiếng đồng hồ mà chưa thấy về khiến tôi nôn nóng lo âu. Bỗng cánh cửa sau bếp xịch mở, chị về tôi mừng nhẹ nhõm. Theo lời chị kể thì từ Đập Đá về tới chợ Vĩ Dạ bộ đội đóng thành từng chốt mà đông nhất là chốt ở đầu Đập Đá. Nơi nầy lại có sự xuất hiện của thằng Nết, một đứa chăn trâu dưới làng Vân Dương, hắn cũng đội mũ tai bèo cầm súng AK. Nghe nói thế tôi đâm lo, từ làng trên xóm dưới thằng Nết biết rõ từng người, nay nó đã theo VC thì dù cho có hóa trang thành một cụ già cũng không qua mắt nó được. Ngưng giây lát, chị nói tiếp:”Cậu Hạnh bạn của em cùng hai người em trai bị họ bắt đi từ lúc trời chưa sáng, nói là đưa đi học tập một thời gian rồi sẽ cho về. Không phải chỉ có ba anh em Hạnh mà tất cả thanh niên và đàn ông sống hai bên đường Thuận An đều cùng chung số phận”.

    Hạnh vừa tốt nghiệp trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức về nhà ăn tết. Em của Hạnh là Thanh Vĩ, ca sĩ đài phát thanh Huế, còn đứa em út đang học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học. Chú thím Quại chỉ có ba người con đều bị bắt đi hết mà mãi mãi không thấy trở về. Sau nầy hai ông bà đi từ hố chôn người tập thể nầy đến hố chôn tập thể khác khắp tỉnh Thừa Thiên mà không nhận dạng được ba đứa con trai thân yêu của mình.

    Sáng sớm ngày Mồng Ba, anh Khôi nhà ở gần bờ sông bị bắn chết khi xuống bến múc nước cho gia đình xử dụng. Khu vực nầy và phía bờ sông đối diện đều do VC chiếm đóng thì đây là chỉ dấu cho thấy cộng sản bắt đầu tàn sát dân lành.

    Qua ngày mồng bốn, một đạn pháo vu vơ nào đó rớt xuống sân nhà ông Giáo cách vườn nhà tôi chừng 50 mét khiến thím Tập và đứa con nhỏ đang bồng trên tay tan xác. Thím Tập ở đầu xóm bồng con đi tránh đạn lại bị chết thảm.

    Tình hình hiểm nguy như thế mà chị Cúc cũng ngày mấy lần len lỏi ra tận Đập Đá để xem có đường nào cho tôi thoát nạn. Nhưng chỉ thấy chị lắc đầu với vẻ mặt âu lo.

    Qua đến ngày Mồng 5 Tết thì cuộc chiến trên thành phố Huế đã mở rộng. Tiếng súng vang dội nhiều nơi trong thành nội. Máy bay trực thăng chiến đấu xuất hiện nhiều hơn và áp sát đánh vào những đơn vị VC đang cố thủ trong gia cư hoặc công sở của thành phố. Mấy chiếc F5 thay nhau đánh bom vào mặt và chân bức tường hoàng thành mà VC dùng làm công sự phòng thủ. Tôi mừng thầm vì thấy quân mình đã phản công ngày càng quyết liệt hơn. Tuy nhiên mối lo vẫn còn nguyên đó, mình đang còn nằm trong vùng chúng kiểm soát thì có khác chi cá nằm trên thớt.

    Sau bữa ăn trưa tại nhà chị Cúc bỗng nghe cháu Huệ, con gái lớn của chị, khe khẻ gọi tôi với giọng khẩn cấp: “Cậu, cậu” và ngoắc tôi đến bên cửa sổ . Nhìn theo hướng chỉ của cháu, qua cánh cửa sổ hé mở tôi thấy dọc theo con đường ven làng Diễn Phái nằm bên kia cánh đồng hẹp, VC đang áp giải một đoàn người toàn là đàn ông. Tất cả đều bị trói tay sau lưng và cột liền nhau bằng một sợi dây thừng tạo thành một chuỗi người. Có lẽ VC bắt đàn ông, thanh niên ở vùng chợ Vĩ Dạ dẫn về hướng quận Hương Thủy và Phú Thứ. Tôi đứng như Trời trồng dõi mắt nhìn theo cho đến khi đoàn người ấy mất hút sau rặng tre làng Vân Dương. Bỗng tôi chú ý đến một người mặc áo trắng chạy ngược từ làng Vân Dương lên theo đường ruộng. Khi người ấy chạy đến sát hàng rào sau nhà, tôi nhận ra ngay đó là anh Hồ Cháu thôn trưởng thôn Diễn Phái, cháu gọi cô ruột tôi bằng thím. Nơi khủy tay trái của anh vẫn còn một đoạn dây thừng chưa dứt ra được.Tôi mở rộng cánh cửa để nhìn anh rõ hơn. Thấy tôi, anh dong cánh tay có đoạn dây đang cột và nói lớn cho tôi nghe: “Chạy mau, chúng nó đang tìm bắt đó”. Anh Cháu có lẽ là một trong đoàn người bị bắt mà tôi vừa thấy dẫn đi đã may mắn bứt dây chạy thoát. Tôi cảm thấy nguy cơ bị VC lùng bắt gần kề.

    Tôi rời nhà chị Cúc men theo bờ ruộng trở về nhà rồi sang nhà anh Nguyễn Đình Liên, một Hạ sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt của Ty CSQG Thừa Thiên. Kể cho anh Liên nghe sự kiện tôi vừa mục kích và bàn với anh ấy phải tìm cách ẩn núp ngay kẻo không còn kịp. Bàn tới tính lui hai anh em đồng ý làm hầm trú bom đạn, bên trong lại đào thêm một hầm bí mật để trốn mỗi khi VC đi ruồng bắt.

    Chúng tôi lấy cuốc xẻng và gom góp vật liệu như bàn ghế, thanh giường, phản…để chống đỡ nóc hầm. Đang lúc chuẩn bị đào đất thì chị Cúc từ hàng rào phía sau chạy vào và nói với tôi và anh Liên: “Cậu Lang và cậu Tân đã chạy được qua Đập Đá rồi, em và anh Liên tính sao?”. Tôi quyết định chạy còn anh Liên bảo không đi vì quá nguy hiểm.

    Tôi khoác vội chiếc áo ấm rồi lao nhanh về phía hàng rào sau nhà. Anh Liên gọi theo: “Kiên, đợi anh với”. Tôi dục: “Nhanh lên, đã 5 giờ rưỡi chiều rồi”. Anh Liên moi khẩu súng ngắn bọc trong bao nylon chôn cạnh bụi chuối sau hè, nhét vào lưng quần rồi theo tôi. Hai anh em băng từ vườn nầy qua vườn khác mà đi. Khi vượt qua vườn nhà chị Liễu, người chị thứ nhì của tôi, thấy anh Đồng em của anh Trình ló mặt nơi cửa sổ tôi vẫy tay ra dấu cho anh ấy chạy theo.

    Ra tới đầu hẻm nơi có cổng chào của thôn Hô Lâu bên đường Thuận An thì anh Thu và một thanh niên lạ mặt từ căn nhà gần đó ra nhập bọn. Nhìn trước ngó sau không thấy bóng dáng VC chúng tôi bảo nhau dong hai tay lên cao và chạy nhanh qua Đập Đá. Liếc nhìn địa điểm nơi VC đặt chốt, không thấy một tên nào ở đó tôi cảm thấy người mình như nhẹ hẫng lên. Vừa chạy được một đoạn thì có tiếng từ đồn CSQG Đập Đá: “Đứng lại, không được vượt qua lằn ranh kẽm gai”. Chúng tôi khựng lại, anh Thu đặt tay lên miệng làm loa: “Thu đây”. Bên kia có tiếng đáp trả: “Chỉ một mình anh Thu qua thôi”. Chúng tôi đẩy anh Thu chạy trước, bốn người còn lại nối đuôi theo sau. Đến giữa Đập Đá chúng tôi nhảy xuống nước vòng qua vòng rào kẽm gai rồi leo lên mặt đường chạy tiếp. Dừng lại trước đồn Cảnh Sát, năm người nhìn nhau cười thoát nạn. Tôi cúi đầu thầm lặng “Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã đưa chúng con qua khỏi một cửa tử thần”.

    Anh Liên và anh Thu ở lại với Cuộc Cảnh Sát Đập Đá. Anh Đồng tôi và người thanh niên tự giới thiệu là Đại Úy Biệt Động Quân tên Vĩnh Điền đi tiếp lên trường Trung Học Kiểu Mẩu nơi được dùng làm trung tâm tạm cư.

    Đến ngã ba Lê Lợi-Chu Văn An, tôi bàn với hai anh kia đi qua đường Nguyễn Thị Giang để tôi lên trình diện Ty CSQG và anh Vĩnh Điền có thể trình diện Tiểu khu Thừa Thiên bên cạnh.

    Vừa đến ngã ba Chu Văn An-Nguyễn Thị Giang cả ba chúng tôi đều đứng sững lại. Dọc con đường Nguyễn Thị Giang xác cộng quân nằm la liệt, hầu hết đều còn rất trẻ, xác nào cũng mang một bánh chất nổ bên hông, còn súng AK thì rơi bên cạnh. Tất cả đã sình chương lên, nhiều thi thể bị chó, heo gặm đến trơ xương sọ trông thật ghê rợn. Chính hình ảnh nầy khiến tôi không sờ đến thịt heo suốt mấy năm liền. Đoàn cảm tử nầy của VC rõ ràng là mồi ngon cho cây đại liên nơi công sự phòng thủ trước cổng Ty CSQG.

    Quay trở lại đường Lê Lợi, ba anh em vừa đi vừa chạy về hướng Trường Kiểu Mẫu. Dưới ánh sáng yếu ớt của một ngày sắp tắt, tôi thấy nhiều xác đàn ông, đàn bà nằm chết vắt lên quang gánh và xe đạp bên lề đường Hàng Me và đường Đội Cung. Trước sự sống và cái chết cách nhau như đường tơ kẽ tóc, trí óc tôi tựa hồ đông cứng lại với thảm cảnh dân lành chết tức tưởi bởi tham vọng điên cuồng của bọn đồ tể Hà Nội.


    Dừng chân trước cổng trường, ngước mắt nhìn lên Kỳ đài trên cửa Ngọ Môn, bất giác tim tôi như có bàn tay vô hình nào đó bóp lại. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu không còn nữa. Thay vào đó là một lá cờ lạ hoắc (hai vạch màu xanh nước biển kẹp lá cờ đỏ sao vàng) đang bay vật vờ trong cơn mưa phùn giăng mù ảm đạm. Sau nầy tôi mới biết đó là lá cờ của Lực lượng Liên Minh Dân Chủ và Hòa Bình mà chủ tịch là Lê Văn Hảo giáo sư Đại Học Huế. Thượng Tọa Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Linh Mụ làm Phó chủ tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường giáo sư trường Quốc Học giữ chức vụ Tổng Thư Ký.

    Khuôn viên trường Trung Học Kiểu Mẫu rộng rãi với hai tòa kiến trúc hình chữ Y cao ba tầng đã chật cứng dân chúng đến lánh nạn. Tối hôm đó tôi không ngủ được vì đói và lạnh. Sáng ra, nhờ mua được mấy gói mì ăn liền nơi một gia đình lánh nạn mới thấy bao tử hết cồn cào. Bỗng nghe tiếng nổ lớn ngoài bờ sông rồi tiếng người xôn xao. Cảnh sát, quân nhân với sự tiếp tay của dân chúng đưa nhiều người bị thương vào sân trường. Một người đàn ông chết không toàn thây còn để lại tại chỗ chờ chôn cất. Được biết, sáng sớm nhiều người xuống bờ sông rửa mặt, lấy nước bị VC từ bên kia bờ sông Hương bắn súng cối sang khiến người xấu số lãnh nguyên quả đạn.

    Trận chiến giải tỏa Huế mạnh dần, trên bầu trời chiến đấu cơ Mỹ xuất hiện đánh vào những nơi VC chiếm giữ trong Thành Nội. Bên phía hữu ngạn, trực thăng võ trang không lực VNCH bắn phá dữ dội các tòa nhà Ty Ngân Khố và Bưu Điện nơi VC chiếm giữ làm công sự chiến đấu. Tháp chuông nhà thờ Phanxico bị VC dùng làm cứ điểm đặt súng phòng không cũng bị rockets từ máy bay trực thăng bắn sập. Sau những đợt tập kích của không quân, các đơn vị chiến đấu của Tiểu Khu Thừa Thiên tràn lên chiếm lại phần đất chỉ cách BCH Tiểu Khu có một block đường. Đồng thời, quân tiếp viện từ Phú Bài và Quận Hương Thủy tiến lên Quốc Lộ 1 giải tỏa khu vực cầu An Cựu rồi bắt tay quân trú phòng Tiểu Khu TT.

    Khoảng năm giờ sáng ngày Mồng 8 Tết, một tiếng nổ kinh hoàng làm các ô cửa kính của trường học vỡ toang rơi loảng xoảng. Nhiều tiếng la thất thanh vì nhiều người bị thương bởi mảnh kính. Tôi đang hoang mang chưa biết tiếng nổ ấy do đâu mà có thì mấy người từ bên ngoài vào cho biết cầu Trường Tiền đã bị VC giật sập. Nghe thế, tôi thầm nghĩ, địch quân đang thất thế nên giật sập cầu để ngăn cản bước tiến của quân đội VNCH.

    Sáng sớm hôm ấy, một đơn vị TQLC Mỹ chừng hai trung đội xuất hiện. Đây là lần đầu quân đội Mỹ ra quân sau một tuần VC bất ngờ đánh Huế. Một nửa trong số họ hành quân tiến lên phía bệnh viện Trung Ương, mặc dù chỉ là cuộc hành quân thăm dò nhưng họ cũng giải cứu được trung tá Phan Văn Khoa Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Thừa Thiên đang ẩn trốn trong bịnh viện. Nửa còn lại hộ tống hai chiếc xe tăng, mỗi chiếc trang bị sáu súng đại bác. Chiếc thứ nhất tiến về bờ sông nhắm khu gia cư bên kia cầu Gia Hội mà nhả đạn khiến tiếng súng của cộng quân ở đó im bặt. Còn chiếc thứ hai chạy xuống Đập Đá bắn phá chốt đóng quân của VC nơi cửa ngỏ vào xã Vỹ Dạ.

    Sau cuộc tấn công của xe tăng Mỹ, một số đồng bào bên kia Đập Đá chạy thoát được qua phía bên nầy trong đó có gia đình chị Liễu. Gặp tôi chị khóc òa vì mừng rỡ. Chị nói: “Chiều hôm kia, sau khi em chạy được chừng nửa giờ thì chúng nó ập vào tìm bắt em và chú Đồng và anh Liên. Sục sạo khắp nơi không có chúng tịch thu một số vật dụng của em,đồng thời chúng bắt dì Cúc làm giấy cam đoan đi tìm và đưa em về trình diện “cách mạng”. Còn anh Trình thì làm giấy cam đoan đi tìm chú Đồng về. Thì ra chiều mồng sáu VC rút nhân sự tại chốt Đập Đá để đi lùng bắt người.”

    Theo lời chị Liễu kể thì cũng trong đêm hôm đó VC đi tìm bắt lại anh Hồ Cháu không được chúng vào nhà bắt bác Thỉu thân sinh của anh ấy đem ra giữa sân chặt đầu. Ông cụ đã gần tám mươi tuổi và mù cả đôi mắt mà chúng cũng không tha chỉ vì tội là cha của một thôn trưởng. Bác Thỉu có ba người con trai, anh Hồ Quyền là con trưởng gia nhập đảng CSVN và tập kết ra Bắc năm 1954. Một trong hai người em lớn lên bên cha mẹ lại là Thôn Trưởng. Hóa ra VC bắt đứa em quốc gia không được thì giết ông bố cũng là cha của một đảng viên cộng sản.

    Ngày mồng chín Tết, hai Tiểu đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân từ Đà Nẵng ra và một Chiến đoàn TQLC được không vận đến Huế. Tất cả đều đặt dưới quyền điều động của Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn I/BB.

    Biệt Động Quân hành quân về Vĩ Dạ đến tận Quận Phú Vang rồi bọc qua Bãi Dâu và giải tỏa vùng Gia Hội. Còn TQLC nhận nhiệm vụ diệt địch tại Quận II bao gồm các đường phố chính như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…và thế chân cho lính Dù đang quần thảo với “bộ đội cụ hồ”trong Thành Nội để binh chủng thiện chiến nầy về đẩy VC ra khỏi Thủ Đô Sài Gòn. Lực lượng Mũ Xanh (TQLC) Hoa Kỳ cũng được điều động đến để sát cánh với TQLC VNCH giải tỏa Thành Nội mà khó khăn nhất là khu Đại Nội vì cộng sản quyết tử thủ nên chúng chống trả mãnh liệt.

    Ngay trong ngày đầu VC tấn công Cố Đô thì lính mũ đỏ VNCH đã có mặt. Đó là một may mắn cho Huế và cũng là một xui xẻo cho Bắc quân. Lúc đó Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đang ăn Tết với dân tại Phong Điền và Quảng Điền. Được lệnh cả hai TĐ nầy tức tốc kéo về cứu Huế. Đụng Độ ác liệt với VC tại làng An Hòa mà đẩm máu nhất là địa điểm cố thủ của địch tại cửa An Hòa. Suốt một ngày một đêm quần thảo các Thiên Thần Mủ Đỏ mới tái chiếm cổng thành. Để có được chiến công nầy lính Dù phải chịu tổn thất quá lớn, gần nửa quân số của TĐ 7 Dù đã trở thành anh hùng Vị Quốc Vong Thân. Đến ngày mồng 5 Tết, TĐ 9 Nhảy Dù được không vận từ Quảng Trị và nhảy xuống bắt tay với Sư Đoàn I/BB trong đồn Mang Cá rồi cùng nhau bung ra chiếm lại từng khu vực dân cư từ Cống Lương Y, Tây Lộc, Tây Linh, Hồ Tịnh Tâm…

    Bên phía tả ngạn sông Hương, từ khu vực thương mãi Quận II về vùng Gia Hội hễ nơi nào được quân đội VNCH đến giải tỏa thì dân chúng gồng gánh, dắt dìu nhau chạy đi tìm sự che chở của người lính Quốc Gia.

    Nhờ Công Binh thiết lập chiếc cầu phao nối liền hai đầu nhịp cầu gãy bị dìm sâu dưới nước, đồng bào vượt cầu Trường Tiền về bên hữu ngạn để lánh nạn. Đoàn người thất thểu mang vác đồ đạc, bồng bế trẻ con và cả những người bị thương.

    Tôi chạy theo một nhóm thanh niên trong trung tâm tạm cư Kiểu Mẫu ra giữa cầu Trường Tiền giúp đồng bào mình bên kia sông. Chúng tôi dìu những người già cả hoặc bị thương leo ngược đoạn cầu bị VC đánh sập. Thấy một người đàn bà đầu chít khăn tang, một tay bế đứa con gái nhỏ tay kia kéo lê túi xách, sau chị là đứa con trai chừng tám tuổi, tôi liền bước tới đỡ túi xách cho chị. Tôi hỏi nhà chị ở đâu? Chị bảo nhà chị ở Gia Hội gần trường Nguyễn Du, chồng chị đã bị VC giết chết tại một phiên tòa trong sân trường Gia Hội mà người ngồi xét xử là Hoàng Phủ Ngọc Tường, GS trường Quốc Học. Chị nói với tôi trong nước mắt như những lời than thở cho chính mình và cả cho người dân thành phố Huế: “Thật không ngờ những người được cả thành phố nầy trọng vọng như GS Tôn Thất Dương Tiềm, GS Nguyễn Đóa, GS Hoàng Phủ Ngọc Tường lại là những tên sát thủ của mảnh đất Thần Kinh. Họ đâu phải là người xa lạ, cũng được sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi nầy mà hóa ra quỷ dữ”.

    Nghe nói thầy Tường đi theo VC và quay lại giết dân xứ Huế tôi bỗng thấy xốn xang trong lòng. Năm 1962 tôi rời trường Bình Linh sang học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học thì thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường dạy môn Việt Văn lớp Đệ Nhị. Hồi đó đám học sinh đệ nhị cấp chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ thầy Tường. Dáng dấp thầy dong dỏng cao, đầu tóc bồng bềnh. Thầy đi chiếc xe gắn máy hiệu Gobel mà chân đạp thì mất một chiếc trông có vẻ bất cần đời. Con trai mới lớn mà nhìn một vị giáo sư lãng tử như vậy, chúng tôi cảm mến như một thần tượng của mình. Nay nghe chính vợ của nạn nhân bị thầy Tường sát hại thì thần tượng ngày nào của tôi không những bị tiêu tan mà còn đâm ra kinh tởm.

    Sáng ngày 18 tháng giêng một chiếc tàu đổ bộ của Hải Quân Mỹ cập bến Tòa Khâm mang theo nhu yếu phẩm và vật dụng tiếp tế cho cơ quan MACV. Khi nhổ neo quay về Đà Nẵng họ cho một số người Việt quá giang trong đó có tôi.

    Chiếc tàu vừa qua khỏi Cồn Hến, một trái B40 phóng ra từ hàng tre bên bờ sông Vĩ Dạ. Trái đạn bay xẹt qua đỉnh chiến hạm rơi xuống nước nổ ầm. Khẩu đại liên hai nòng bên hông phải chiếc tàu tức khắc gầm lên. Hàng tre rạp xuống như bị một lưỡi dao khổng lồ chém đứt phăng. Từ đó chiếc tàu không còn bị tấn công nữa.

    Khi tàu đi qua địa phận Bãi Dâu mọi người đứng dậy để xem một trận quần thảo giữa một tiểu đỉnh không biết của Việt hay Mỹ với VC ở trên bờ. Chiếc tiểu đỉnh được trang bị hai khẩu đại liên, một phía trước và một ở đằng sau. Khi chúi mũi vào bờ thì khẩu súng phía trước nhả đạn, gần tới bờ thì quay ra lúc đó khẩu súng đằng sau hoạt động. Chiếc tiểu đỉnh cứ chạy vào chạy ra cho đến khi không còn nghe tiếng súng của địch mới bỏ đi.

    Chiếc tàu cập vào bến cá Bạch Đằng gần tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc 10 giờ đêm. Đường phố sáng choang, người người và xe cộ qua lại bình thường.

    Tôi đã trở về từ địa ngục sau hai mươi ngày lặn hụp trong âm u lạnh lẽo, máu lửa kinh hoàng.

    Trở về nhiệm sở, ông Trưởng Ty Phạm Công Bạch cũng như đồng nghiệp chúc mừng tôi đã thoát qua một kiếp nạn. Vui mừng nhất là gặp lại Lê Việt Hằng. Nhờ nhà ở bên cạnh sông Đào nên hắn về được bến Bao Vinh rồi theo đường biển vào Đà Nẵng ngay trong tuần lễ đầu tiên Huế bị tấn công. Riêng Nguyễn Văn Sáo thì bặt vô âm tín khiến ai cũng lo lắng cho anh ta. Khoảng một tuần lễ sau khi lá đại kỳ màu vàng ba sọc đỏ tái tung bay trên kỳ đài Ngọ Môn Huế thì Sáo xuất hiện. Gặp lại nhau, ba đứa ôm chầm lấy nhau mừng rỡ.

    Huế Mậu Thân là một chứng tích tội ác diệt chủng của CSVN với mồ chôn tập thể khắp nơi trong tỉnh Thừa Thiên mà nạn nhân tổng cộng đến gần sáu ngàn người và trên một ngàn mất tích. Trong số quân cán chính VNCH và thường dân vô tội bị thảm sát ấy có giáo sư môn Toán năm Đệ Nhất Quốc Học của tôi là thầy Châu Khắc Túy và bốn bạn cùng Khóa 1 Học Viện CSQG: Phan Cháu, Nguyễn Văn Lợi, Lê Văn Sấm và Hoàng Khê.

    Xin lỗi bạn Cháu,tôi mãi mãi thất hứa không đến chúc tết bạn và gia đình được. Giặc đã phá tan ngày Tết và đã bắt bạn đem ra bắn dưới chân Hoàng Thành nơi cửa Đông Ba vào lúc tờ mờ sáng ngày mồng Hai.

    Ôi Huế của tôi, sao gánh nhiều oan khiên nghiệt ngã. Hết thiên tai rồi lại nhân tai.

    Tống Phước Kiên
    Tưởng niệm 48 năm biến cố Mậu Thân 1968


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X