Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tết trong lòng

Collapse
X

Tết trong lòng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tết trong lòng

    Tết trong lòng
    Phan



    Tết Ngoài Trời – Ảnh: Lưu Na

    1.

    Tết tới rồi! Nhóm người Việt trong hãng tôi đang đóng tiền hào phóng vì năm nay anh chị em làm thêm giờ được khá nên đóng khá để làm tất niên, mời đồng nghiệp Liên Hợp Quốc trong hãng ăn tết Việt nam với chúng tôi cho vui.

    Cái truyền thống này có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, vì những người khai sinh ra cái truyền thống vẻ vang dân tộc này đều đã nghỉ hưu. Thường thì chú bác cô dì đã về hưu, nhưng ngày tất niên của nhóm người Việt, các chú bác cô dì nào có thể thì cũng vào hãng để chung vui, gặp lại bạn bè làm chung ngày trước.

    Hãng cũng dễ chịu là tết Việt, tết Lào gì mấy ông mấy bà sếp lớn cũng tham gia nhiệt tình. Cái nhiệt tình cảm động nhất là thay vì ăn trưa thường ngày chỉ ba mươi phút. Thì Tết Việt, tết Lào cứ thoải mãi ăn trưa chừng hai tiếng, không sếp nào hối đi làm cả. Có năm ăn tết vào giờ ăn trưa nhưng kéo luôn tới giờ về vì đầu năm tây thì thường công việc chưa nhiều nên mấy sếp du di.

    Mấy bà Mỹ cứ hỏi cách làm chả giò, sao mà ngon quá! Rồi làm sao gói được quá nhiều thứ vào chung trong một cái bánh tét đẹp đẽ đến vậy, còn ngon thì bánh tét ngon quá ngon…

    Mấy tay nhậu người Mỹ, người Mễ thì mê món trứng ngàn năm của tôi. Tôi ngẫu hứng chế lại món hột vịt bắc thảo – củ kiệu – tôm khô của Việt nam thành món hoà hợp dân tộc vì Mỹ, Mễ không thích ăn tôm khô, thậm chí có người ăn không được vì mùi tôm khô khó chịu với họ. Vậy là chỉ có hột vịt bắc thảo với củ kiệu, nhưng tôi cắt thêm củ hành trắng với cần tàu rải lên khay, vài lát ớt đỏ cho đẹp mắt, rồi rắc đậu phộng rang giã giập…

    Trời ơi vậy mà mấy tay nhậu người Mỹ, người Mễ mê tít nước củ kiệu chua chua, ngọt ngọt. Trứng thì béo ngậy mà rau cần với đậu phộng rang lại quá thơm…

    Tôi có tên bạn thân trong hãng là người Mỹ đen, nhưng nó chịu chơi lắm, mê tết Việt nam hơn mê tết Lào vì người Lào cho nó ăn cơm nếp thì nó bị dính răng… như ăn silicone. Nó nói làm ai cũng cười. Nhưng tết Việt thì nó dặn tôi phải cho nó biết trước một tháng để nó để dành tiền. Thằng nghèo mà chơi đẹp. Tết Việt năm nào nó cũng mua một thùng rượu một trăm chai, loại uống trên máy bay nên chai rượu chỉ ực một hai hơi là hết. Rồi nó học tiếng Việt để nói với mọi người câu, “Chúc Mừng Năm Mới” và nó dúi vào tay mỗi người một chai rượu nhỏ vì ăn trứng ngàn năm mà không có ngụm cognac thì uổng phí một món ngon.

    Mới đầu uống rượu chui trong phòng ăn của hãng là phi pháp. Nhưng tới mấy ông mấy bà sếp lớn biết chuyện thằng Mỹ đen nó biết phong tục Việt nam là tết, phải nói câu “Chúc Mừng Năm Mới” và lì xì cho người Việt một chai rượu nhỏ đầu năm thì mới là bạn tốt với nhau nguyên năm… Mấy sếp biết nó ba sạo. Nhưng ăn trứng ngàn năm mà chiêu một ngụm cognac thì tuyệt vời. Nên mấy sếp cũng tự nhận “Hôm nay. Tao là người Việt nam” để nó cho một chai.

    Tới cánh đàn bà cũng tận tình chiếu cố món độc… mà tác giả cũng không biết gọi là món gì? Nên tôi nói với người Mỹ là món trứng ngàn năm. Bạn thử cất một cái trứng vịt trong vỏ trấu đủ ngàn năm thì nó đen thui và béo ngậy như vậy đó!

    Cái món trứng ngàn năm đã độc mà câu chuyện về trứng ngàn năm làm tôi nổi tiếng với người Mỹ, người Mễ trong hãng là tên lường gạt, vì ai sống được ngàn năm để kiểm chứng?

    Chắc chắn tết Việt năm nay trong hãng tôi vui lắm! Vì ông Mỹ chuyên viên mắc loa, điều khiển âm thanh cho những cuộc họp toàn hãng đã bảo tôi “mày về download nhạc xuân của Việt nam đi. Tới tết Việt tao phát thanh vào bữa tiệc cho vui…”

    Vậy là đám trẻ người Việt đã rì rầm với nhau: Hôm đó đi làm đem theo giày nhảy, quần áo thì thay nhanh mà… Chắc chắn có nhảy đầm cho đám Mỹ lé mắt, chột đui luôn với gái Việt không có cô nào béo phì như cái thùng phi…



    2.

    Nếu nghĩ tới thì lòng mỉm cười. Đó là sự đặc biệt của tết trong lòng. Năm hết tết đến cùng tuyết đá đầy đường ở hải ngoại. Thì tự trong thâm tâm người Việt xa quê có biết bao thương nhớ người thân, bạn hữu còn ở quê nhà. Những hoài niệm không có tuổi trong lòng bị đời sống che khuất với cơm áo gạo tiền cả năm sẽ bỗng ngo ngoe nhắc nhớ những kỷ niệm. Mà kỷ niệm thời còn bé, còn trẻ thì thường nhiều vui hơn buồn nên làm cho lòng mỉm cười khi tết tới, mà tạm quên đi những vất vả, thiếu trước hụt sau của đời sống di dân. Đâu phải ai cũng thành công, ai cũng dư giả. Thậm chí sức khoẻ cũng người bệnh người khoẻ riêng mang phước phần của mình…

    Nhưng cứ nghĩ tới tết là lòng mỉm cười, không sầu muộn, hay quá khích như những mùa khác trong năm. Tết là thời điểm kết thúc mà cũng là khởi đầu một chu kỳ mới của tự nhiên. Và con người với thiên nhiên có sự hoà hợp diệu kỳ đến bái phục tạo hoá khi lòng người da diết nhớ thương, ăn năn, buồn bã với quá khứ như mùa đông khô khốc những nhánh cây đen xì, chĩa thẳng lên bầu trời xám xịt. Thì cũng tự trong thâm tâm đó tràn trề hy vọng, vui tươi với mùa xuân đang về. Trời sẽ xanh trong, cây nở hoa, lá đầy cành…, chim về ríu rít bản hồi sinh.

    Đã nhiều năm tôi để ý, cứ tết tới là lòng tôi bâng khuâng. Sự bâng khuâng tuổi thơ khi đầu trên xóm dưới lẹt đẹt tiếng pháo chuột là lòng tôi bâng khuâng. Tiếng pháo, mùi khói pháo như có ma lực làm cho tâm hồn những chú bé hưng phấn hơn ngày thường, nhưng không nổi loạn mà ngoan ra, không ngỗ nghịch vì niềm tin mình sắp thêm tuổi, mình lớn rồi. Đừng để bị rầy la, đòn roi ở nhà với ở trường nữa. Nó cứ như lời hứa cuối năm – đầu năm với chính mình. Làm cho xóm làng tốt đẹp hơn. Không nhà nào bị ném đá nữa vì tội không cho vô coi ti vi buổi tối, không nhà ai bị vặt trụi cả cây xoài cho bõ ghét tội có xoài ngon mà chỉ để nhà ăn, không cho hàng xóm. Rồi gặp ai trong xóm cũng chào hỏi cho thật lễ phép. Tự đi tắm mỗi chiều, không đợi ngoại la, má đánh mới chịu ra lu nước xối đại vài gáo cho có lệ để lại đi xem ti vi bên nhà hàng xóm. Dễ gì ngày thường chịu chia cho thằng bạn hàng xóm con dế, trái bần, trái bình bát hái được ngoài bờ sông, mé ruộng… Thế mà tết về thì chia nhau mấy viên pháo chuột đầy tình thương mến thương như huynh đệ với nhau từ kiếp nào…

    Thời tình yêu và tuổi trẻ tôi cũng rất bâng khuâng khi tết tới. Sự bâng khuâng của được-mất do lòng ích kỷ đã trưởng thành. Có bạn gái rồi lại muốn có thêm nên bâng khuâng với mỗi người một vẻ… Bâng khuâng mơ tưởng đủ điều phi hiện thực như người đi trên mây.

    Để chín chắn lại thì đã vô tù chung thân. Vì tết trước còn tự do mơ mình được đi hồ bơi với cô bạn đó thì tha hồ hỉnh mũi với vóc dáng thể thao nhà nghề của cô ấy. Tết đồng mơ đi chùa với cô kia, vì cô ấy mặc áo dài đẹp quá! Còn cô chuyên mặc đầm ngắn, đầm dài bên khoa ngoại ngữ thì để dành đi bát phố Sài gòn cho khách ngoại quốc lé mắt chơi…! Tới đồng bóng đi theo con nhỏ mê coi bói một thời bên khoa Sử-Địa… tới già nhớ nó còn mắc cười một mình. Hỏi sao tôi không bâng khuâng khi tết tới vì tết là mùa của những thân thương ngồi nhớ những thân thương nên tôi bâng khuâng.

    …Ôi thôi bâng khuâng của lý trí thơ ngây mà lòng ích kỷ đã trưởng thành là nhất định không nhường cho mấy thằng bạn còn mồ côi bạn gái. Nên trời phạt bản án chung thân cho mày sớm để chín chắn hơn sau khi lập gia đình… thì vẫn bâng khuâng khi tết tới với luyến tiếc quá khứ. Nhưng đụng hàng không trả lại nên tiếp tục bâng khuâng sau cả năm miệt mài lo cày để trả nợ nhà, xe…, còn phải cày hơn nhu cầu đời sống bởi người Việt là dân tộc đáng tự hào với truyền thống cha mẹ trẻ luôn để dành ra một khoản tiền lớn cho con ăn học sau này.

    Chỉ thoáng buồn với những ngày giáp tết thấy chạnh lòng nhớ tới người xưa nay đâu? Bâng khuâng đã nhuốm màu hối hận, ăn năn khi nghe tin buồn về người tình cũ… nên có tóc bạc.

    Rồi bâng khuâng những ngày tết tới khi đi viếng đám tang bạn bè. Nỗi bâng khuâng không còn tử tế như tuổi thơ, tham lam, ích kỷ như hồi mới lớn, đau điếng như tuổi bốn mươi gãy đổ hôn nhân, bâng khuâng ngũ thập tri thiên mệnh đã về mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay…

    Cái bâng khuâng đợi chờ tình yêu, hạnh phúc đến đã thay đổi thành nỗi bâng khuâng đời người sao ngắn ngủi vậy ta? Vậy được mất nghĩa gì mà tranh đua mòn mỏi. Sự bâng khuâng tết tới còn đó, còn mãi… Nhưng cảm thức đã thay đổi là sự bâng khuâng với buông bỏ. Nhấc cái điện thoại điềm tĩnh chứ không nóng vội như xưa. Để làm gì với một việc chẳng đẻ ra đồng xu nào, nhưng lại thấy cần là gọi xin lỗi người bạn đã cắt đứt liên lạc lâu ngày, lâu tháng, lâu năm… Nỗi bâng khuâng về sự chối tội tuyệt đối hôm nào thì nay nhận lỗi. Đó là nỗi bâng khuâng khi thấy người thân ngày càng ít đi với quy luật của muôn đời là sinh lão bệnh tử. Bâng khuâng vì những giận hờn chỉ giữ được cái tôi không cần thiết nữa. Bâng khuâng nhận lỗi, bâng khuâng tha thứ. Bâng khuâng mùa về với những sám hối. Lòng bâng khuâng nguyện cầu cho cả nhân loại được ấm no, hạnh phúc của kẻ chối Chúa, không tin Phật đã râm ran tự đáy lòng, vang vọng lên trái tim đã biết chân chính; vang lên bộ óc thôi mánh khoé, sân si để chiếm đoạt. Là nỗi bâng khuâng của cho đi sao người ta thấy vui hơn đón nhận. Nhận lỗi thấy thanh an trong lòng hơn chối tội để giữ sĩ diện hão. Hiểu ra. Danh dự không có trong danh dự ngụy biện khi nỗi bâng khuâng biết xấu hổ ngập lòng.

    Tết tới rồi! Thêm một năm lui vào quá khứ của đời người. Nhưng một năm mới đến với thật nhiều hy vọng về tương lai. Tôi bâng khuâng nhưng không buồn sầu nữa. Sự bâng khuâng mỉm cười khi đã đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng…

    Đi tìm đôi giày nhảy để góp vui với tết Việt trong hãng năm nay.

    Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X