Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (94) – NHẠC PHIM – The Phantom of th

Collapse
X

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (94) – NHẠC PHIM – The Phantom of th

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (94) – NHẠC PHIM – The Phantom of th

    01/01/2020

    Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (94) – NHẠC PHIM – The Phantom of the Opera (Bóng ma trong hí viện), Andrew Lloyd Webber & Charles Hart


    Hoài Nam


    Bài này chúng tôi giới thiệu thêm một ca khúc trích trong một vở ca nhạc kịch nổi tiếng sau năm 1975 được đặt lời Việt, đó là bản The Phantom of the Opera của hai tác giả Andrew Lloyd Webber và Charles Hart, trích trong vở ca nhạc kịch có cùng tựa đề. The Phantom of the Opera được Diệu Hương đặt lời Việt với tựa Bóng ma trong hí viện.

    Ra mắt tại West End, Luân-đôn, năm 1986, và bắt đầu diễn tại Broadway, Nữu Ước năm 1988, The Phantom of the Opera đã trở thành một trong hai vở ca nhạc kịch thành công nhất xưa nay, tính chung về mọi mặt; vở kia là Les Misérables.

    Trước khi viết về The Phantom of the Opera chúng tôi cũng xin điểm qua các ca khúc nổi tiếng trích từ nhạc phim trong thập niên 1980.

    Trong bài trước chúng tôi viết: Theo đa số tác giả, nếu tính theo đơn vị “thập niên” (decade) thì những năm 1960s là khoảng thời gian có nhiều ca khúc hay nhất… Tuy nhiên, trong giới thưởng ngoạn không phải ai cũng đồng ý với “đa số tác giả” ấy, và theo đa số “không đồng ý” này, thập niên 1980 có nhiều ca khúc hay hơn.

    Với thế hệ baby-boomers, trong đó có bản thân chúng tôi, mà đa số thưởng thức được hầu hết mọi thể loại nhạc, dứt khoát nhất thập niên 1960 có nhiều ca khúc hay nhất, nhưng với thế hệ kế tiếp, nếu họ chấm nhất thập niên 1980 cũng là điều dễ hiểu, bởi hai nguyên nhân sau đây:

    (1) Thập niên 1980 có quá nhiều nhân tài trong làng ca nhạc.

    (2) Sự ra đời của MTV (music television) đã khiến ca nhạc trở nên thu hút hơn, và các thần tượng trở nên gần gũi với người ái mộ hơn.

    Sau đây chúng tôi xin liệt kê một số ca khúc điển hình của thập niên 1980 được xem là bất tử:

    – Woman in Love (Barbra Streisand)

    – Billie Jean, và Beat It (Michael Jackson)

    – Like a Virgin (Madonna)

    – Time after time (Cyndi Lauper)

    – Purple Rain, và When Doves Cry (Prince)

    – Sexual Healing (Marvin Gaye)

    – What’s Love Got To Do With It? (Tina Turner)

    – Hello, All Night Long (Lionel Richie)

    – Money For Nothing (Dire Straits)

    – Born In the U.S.A. (Bruce Springsteen)

    – Careless Whisper (George Michael)

    – Every Breath You Take (Police)

    – Power of Love (Jennifer Rush)

    – The Blue Eyes (Elton John)



    Hello, Lionel Richie

    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/UBYnT8JY7sE" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Michael Jackson – Billie Jean
    (Official Music Video)
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/Zi_XLOBDo_Y" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Jennifer Rush – The Power Of Love (Official Video) (VOD)
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/b_zHQ6kFuQ0" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Việc thập niên 1980 có nhiều ca khúc hay còn được thể hiện qua nền nhạc phim. Thật vậy, trong những năm 1980, hầu như khoảng thời gian nào cũng có những ca khúc trong phim được liệt vào danh sách những ca khúc để đời.

    – Năm 1980, Fame, ca khúc chủ đề của phim ca nhạc Fame, đoạt cả giải Oscar lẫn giải Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim.

    – Năm 1981, ca khúc Arthur’s Theme (Best That You Can Do) của Christopher Cross, được anh hát trong cuốn phim tình cảm hài kịch Arthur, do Dudley Moore và Liza Minnelli thủ vai chính, đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, đứng No.1 trong danh sách Billboard Hot 100 trong ba tuần liên tục. Arthur’s Theme cũng đứng No.1 tại Na-uy và trong Top 10 của nhiều quốc gia Âu châu.

    – Năm 1982, ca khúc Up Where We Belong trong phim An Officer and a Gentleman đã đoạt giải Oscar, giải Trái Cầu Vàng, giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc) cho ca khúc trong phim, đứng No.1 trong danh sách Billboard Hot 100, được đưa vào danh sách Songs of the Century của RIAA (Recording Industry Association of America), và đem lại cho nam ca sĩ Joe Cocker và nữ ca sĩ Jennifer Warnes giải âm nhạc Grammy cho song ca.

    An Officer and a Gentleman, một cuốn phim bi kịch tình cảm do Richard Gere và Debra Winger thủ vai chính, được xưng tụng là cuốn phim hay nhất trong năm 1982, tuy nhiên với người yêu nhạc nói riêng, nếu không có ca khúc Up Where We Belong chưa chắc cuốn phim này đã được họ đón nhận tới mức ấy.

    Thế nhưng trước đó, nhà sản xuất phim Don Simpson đã đòi loại bỏ Up Where We Belong ra khỏi phần nhạc phim, vì ông cho rằng tình khúc (ballad) này chẳng có gì xuất sắc, đã thế lại còn do Joe Cocker – một người chuyên hát nhạc rock, nhạc soul – trình bày.

    Riêng với những người yêu thích giọng hát “thô” (raw) của Joe Cocker, trong đó có chúng tôi, Up Where We Belong phải được xem là một trong những ca khúc hay nhất do anh thu đĩa.

    Joe Cocker & Jennifer Warnes – Up Where We Belong
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/bjrOcrisGyI" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    – Năm 1983, ca khúc Flashdance…What a Feeling do Irene Cara hát trong cuốn phim bi kịch tình cảm Flashdance đã đạt thành công rực rỡ, đoạt giải Oscar, giải Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim, và giải âm nhạc Grammy cho nữ ca sĩ nhạc pop. Flashdance… What a Feeling cũng là một trong những ca khúc trong phim đứng No.1 ở nhiều quốc gia nhất, gồm: Úc, Gia-nã-đại, Pháp, Ý, Nhật Bản, Tân-tây-lan, Na-uy, Bồ-đào-nha, Nam Phi, Thụy-điển, Thụy-sĩ, và Tây-ban-nha.

    Riêng tại Hoa Kỳ, Flashdance…What a Feeling đã đứng No.1 trong danh sách sách Billboard Hot 100 trong sáu tuần lễ, và đứng No.3 cho cả năm.

    – Năm 1984, ca khúc I Just Called to Say I Love You, do Stevie Wonder sáng tác và thu âm cho cuốn phim tình cảm hài kịch The Woman in Red, đã đoạt cả giải Oscar lẫn giải Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim, đứng No.1 trong danh sách Billboard Hot 100 ba tuần lễ, và đứng No.1 trong 18 danh sách khác tại Hoa Kỳ cũng như ở hải ngoại, trong đó có Anh quốc – nơi I Just Called to Say I Love You đứng No.1 suốt sáu tuần lễ, và là ca khúc của hãng đĩa Motown Records (của các nghệ sĩ Mỹ da đen) bán chạy nhất xưa nay tại quốc gia này.

    Tính cho tới nay I Just Called to Say I Love You vẫn đứng đầu trong danh sách ca khúc lên No.1 của chàng ca nhạc sĩ khiếm thị.

    Cũng cần ghi nhận thêm: I Just Called to Say I Love You đã góp công lớn trong việc “gỡ vốn” cho Woman in Red On, một cuốn phim do nghệ sĩ hài kịch nổi tiếng Gene Wilder viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn và thủ vai chính, đã bị các trang mạng phê bình cho điểm khá thấp: Rotten Tomatoes 35%, Metacritic 55%, và IMDb 5.9/10.

    Công tâm nhận xét, ít ra Woman in Red On cũng có công lăng-xê người mẫu sexy Kelly LeBrock, lần đầu tiên xuất hiện trên màn bạc đã có sức thu hút khán giả, nhất là qua cảnh “bị tốc váy” (the skirt-and-grate scene) nhái theo một cảnh của thần tượng nhục thể Marilyn Monroe trong cuốn phim The Seven Year Itch năm xưa.

    I JUST CALLED TO SAY I LOVE YOU

    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/h-02Cwbg6MM" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    – Năm 1985, ca khúc Say You, Say Me do Lionel Richie sáng tác và hát trong White Nights, đoạt giải Oscar, giải Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim, đồng thời đứng No.1 trên cả hai danh sách Adult Contemporary (trước kia gọi là Easy Listenning) và R&B.

    Riêng tại Nam Phi, Say You, Say Me đã tạo kỷ lục với 30 tuần lễ liên tục trên vị trí No.1, một sự việc mà nhiều người cho là “tính cách không biên giới của âm nhạc tại một quốc gia vốn bị chia rẽ trầm trọng vì kỳ thị chủng tộc (Apartheid)”.

    – Năm 1986, ca khúc Take My Breath Away trong cuốn phim Top Gun do Tom Cruise thủ vai chính, đã đoạt giải Oscar, giải Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim, đứng No.1 trên hai danh sách Billboard Hot 100 và Cash Box của Mỹ, và No.1 tại Anh quốc, Gia-nã-đại, Hòa-lan, Bỉ, và Ái-nhĩ-lan.

    Mặc dù tính về cả thứ hạng lẫn mức độ phổ biến tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới nói chung, Take My Breath Away đứng sau hai ca khúc trong khim khác của thập niên 1980 là Flashdance…What a Feeling (phim Flashdance) và I Just Called to Say I Love You (phim The Woman in Red), nhưng nếu chỉ tính giới thanh thiếu niên (và cả một số trung niên), Take My Breath Away cùng với cuốn phim Top Gun và tên tuổi của Tom Cruise đã trở thành một hiện tượng!

    Trước hết xin có đôi dòng về cuốn phim.

    Top Gun là một cuốn phim hoạt động tình cảm tâm lý lấy bối cảnh trung tâm huấn luyện các “top guns”, tức trường bay Fighter Weapons School tại căn cứ hải quân Naval Air Station Miramar, ở San Diego, California, do Tom Cuise, Val Kilmer và Kelly McGillis thủ vai chính.

    Trung úy Pete “Maverick” Mitchell (Tom Cruise), một phi công trẻ lái chiến đấu cơ F-14A Tomcat trên hàng không mẫu hạm USS Enterprise, và sĩ quan ra-đa nghênh cản của anh là Nick “Goose” Bradshaw được gửi tới trường bay nói trên để thực tập và rút tỉa kinh nghiệm nghênh cản phi cơ địch.

    Vừa tới nơi, Maverick đã mê mẩn một người đẹp quyến rũ mà anh gặp gỡ trong bar rượu của trường; qua ngày hôm sau mới biết nàng chính là nữ huấn luyện viên dân sự Charlotte “Charlie” Blackwood (Kelly McGillis), dạy môn vật lý không gian cho khóa học.

    Tại trường, đối thủ đáng ngại nhất của Maverick trong việc đoạt danh hiệu “Top Gun” vào cuối khóa là Trung úy Tom “Iceman” Kazansky (Val Kilmer), một trong ba phi công tới từ mẫu hạm USS Enterprise.

    Maverick và Iceman hoàn toàn khác biệt về quan niệm chiến đấu trên không: trong khi Maverick có những ý tưởng cá nhân táo bạo thì Iceman chủ trương theo đúng sách vở.

    Một ngày nọ, trong một cuộc tập huấn, Maverick “hạ” được vị huấn luyện viên của mình nhưng sau đó bị chỉ trích nặng nề vì đã phá “luật an phi” hai lần!

    Trong khi đó Charlie, nữ huấn luyện viên của lớp học, lại kín đáo thán phục những ý tưởng táo bạo của Maverick trong chiến thuật không chiến, và hai người trở thành tình nhân!

    Sau khi bị huấn luyện viên cho một bài học (đưa vào tầm và góc độ bị bắn hạ) để chứng minh sức mạnh liên kết với đồng đội, Maverick vẫn không bị khuất phục. Để rồi cũng với chiến thuật táo bạo và quyết tâm không để Iceman qua mặt, trong một cuộc thực tập truy kích phi cơ địch, Maverick đã bay vào vùng nhiễu loạn (jetwash) phía sau phi cơ của Iceman, đưa tới tình trạng phi cơ (của Maverick) mất điều khiển, đâm xuống đất. Maverick và Goose (sĩ quan ra-đa nghênh cản) cùng nhảy dù thoát hiểm nhưng chỉ có một mình Maverick sống sót, còn Goose bị tử nạn khi đập đầu vào mui phòng lái (canopy) lúc ghế được phóng ra ngoài.

    Mặc dù được Charlie và đồng đội an ủi, Maverick vẫn mang mặc cảm đã gây ra cái chết của Goose, quyết định từ giã nghiệp bay. Nhưng cuối cùng vị huấn luyện viên đã thuyết phục được Maverick ở lại để hoàn tất khóa học.

    Mãn khóa, danh hiệu “Top Gun” về tay Iceman. Khi mọi người đang dự dạ tiệc thì ba phi công của USS Enterprise được lệnh khẩn cấp trở về mẫu hạm để đối phó với tình hình khẩn cấp.

    Trong cuộc đụng độ đầu tiên, sáu chiếc MiG của địch đã bắn hạ một chiếc F-14 trong phi tuần của Iceman; nhờ Maverick tới tiếp cứu kịp thời, bắn hạ ba chiếc MiG, Iceman cũng bắn hạ được một chiếc; hai chiếc còn lại bỏ chạy thoát thân!

    Trên đường trở về mẫu hạm, mọi mâu thuẫn, kình chống giữa Maverick và Iceman đã được giải tỏa và thay vào đó là sự nể phục dành cho nhau.

    Khi được lựa chọn bất cứ đơn vị nào, Trung úy Pete “Maverick” Mitchell đã tình nguyện trở về trường bay Fighter Weapons School để góp phần đào tạo các “Top Gun” tương lai.

    Maverick và Charlie tái ngộ tại bar rượu trong trường – nơi họ đã gặp nhau lần đầu…


    Top Gun • Take My Breath Away • Berlin

    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/r5h5JrzJMtQ" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Top Gun bắt đầu chiếu cho công chúng ngày 16/5/1986. Tính chung mọi mặt, cuốn phim nhận được khen chê lẫn lộn từ các nhà bình phim. Những người khen thì hết lời ca tụng tài nghệ của cặp nam nữ diễn viên chính (Tom Cruise, Kelly McGillis) và các cảnh không chiến, phi cơ nhào lộn, xảo thuật…

    Top Gun được đề cử khá nhiều giải thưởng về hình ảnh và kỹ thuật nhưng không đoạt giải nào.

    Về nghệ thuật, Top Gun chỉ đoạt các giải Oscar, Trái Cầu Vàng, và Grammy cho ca khúc Take My Breath Away, một sáng tác của Giorgio Moroder và Tom Whitlock, được ban nhạc new-wave Berlin của Mỹ trình bày trong phim.

    Thế nhưng trong khi điểm trung bình trên các trang mạng bình phim chỉ vào khoảng 50-55%, hoặc 2.5/4 sao, thì trên trang Google, Top Gun đã được tới 91% khán giả yêu thích.

    Với phí tổn thực hiện chỉ mất 15 triệu Mỹ kim nhưng số thu lên tới 356 triệu, Top Gun đã trở thành cuốn phim ăn khách nhất của năm 1986, được các rạp hát ở Mỹ chiếu liên tục trong sáu tháng trời.

    Theo Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, Top Gun đã vô tình trở thành một “cuốn phim tuyển mộ” (recruiting video) có hiệu lực nhất với số thanh niên tình nguyện gia nhập Hải Quân để trở thành phi công đã gia tăng 500% sau khi Top Gun được chiếu cho công chúng! Vì thế, ở ngay bên cạnh một số rạp chiếu Top Gun, Bộ Hải Quân đã cho thiết lập một phòng thông tin & tuyển mộ lưu động để các thanh niên khỏi cần tới các doanh trại…

    Đặc biệt số lượng kiểu áo khoác không quân (bomber jacket) và kính mát phi hành Ray-Ban Aviator, được các nhân vật mặc và đeo trong phim, bán ra đã gia tăng 40%!

    Năm 2015, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa Top Gun và danh sách National Film Registry. Sắp tới, cuốn phim tiếp theo có tựa đề Top Gun: Maverick sẽ được trình chiếu vào ngày 26/6/2020.

    * * *

    Tới đây, chúng tôi viết về ca khúc The Phantom of the Opera trong vở ca nhạc kịch có cùng tựa.


    Sau thành công của các vở Jesus Christ Superstar (1970) với ca khúc I Don’t Know How to Love Him, Evita (1976) với ca khúc Don’t Cry for Me, Argentina, và Cats (1981) với ca khúc Memory mà chúng tôi đã giới thiệu trong các bài trước, tới năm 1986 (Sir) Andrew Lloyd Webber đã trình làng The Phantom of the Opera, vở ca nhạc kịch được nhiều người ca tụng hay nhất xưa nay, và cũng là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

    The Phantom of the Opera được Andrew Lloyd Webber phóng tác theo cuốn tiểu thuyết trinh thám Le Fantôme de l’Opéra của tác giả Pháp Gaston Leroux, xuất bản năm 1911.

    Gaston Leroux (1868 – 1927) là một nhà viết tiểu thuyết được biết tới với các tác phẩm thuộc thể loại trinh thám và giả tưởng. Sau khi tốt nghiệp trường Luật ở Paris năm 1890, ông trở thành luật sư và hành nghề trong ba năm. Sau đó ông chuyển sang viết bình luận về pháp luật cho nhật báo Le Matin. Chính từ công việc này, Gaston Leroux có nhiều cơ hội theo dõi các vụ án ly kỳ sau này trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt tiểu thuyết trinh thám và giả tưởng đăng nhiều kỳ, trong đó có The Phantom of the Opera (Le Fantôme de l’Opéra).

    The Phantom of the Opera được đăng từng kỳ trên tờ Le Gaulois từ ngày 23/9/1909 tới ngày 8/1/1910, sau đó được xuất bản toàn tập vào cuối tháng 3/1910.

    “Opera” ở đây chính là nhà hát Opera ở Paris, thủ đô Pháp quốc, vào thời đó vẫn được xem là nhà hát opera lớn nhất thế giới.

    Còn nhân vật “Phantom” được Gaston Leroux xây dựng từ những truyền thuyết có thật (?), cũng giống như hình tượng Quasimodo trong cuốn Chàng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, hay Bá tước Dracula của Bram Stocker.

    Ngày nay, du khách khi ghé thăm nhà hát Opera, bên cạnh câu chuyện về Phantom, họ còn được nghe nhiều truyền thuyết khác về các hồ nước ngầm, các xác chết bị chôn vùi… Một trong những chi tiết “ly kỳ” về nhà hát này đã được Gaston Leroux sử dụng trong tác phẩm của ông là việc một công nhân trong thời gian xây dựng nhà hát đã bị chiếc đèn chùm từ trên trần rớt trúng và tử nạn tại chỗ. Ông cũng bị ám ảnh bởi giai thoại (bịa đặt?) theo đó bộ xương người được sử dụng trong vở Der Freischütz (The Marksman) của Carl Maria von Weber diễn năm 1841 chính là bộ xương của một nữ vũ công ballet trẻ chôn dưới hầm nhà hát…

    Tất cả những giai thoại kỳ bí ấy cho tới nay vẫn còn là những bí ẩn, nhưng Gaston Leroux tin là có thật; không phải “cố tin” để tạo sức thu hút cho cuốn truyện của mình mà tin thực sự, cho tới lúc chết ông vẫn tin…

    Cốt truyện The Phantom of the Opera kể về một con người khốn khổ (Phantom) với khuôn mặt biến dạng đã trốn chạy khỏi xã hội phù hoa nhưng đầy giả dối, ích kỷ của nước Pháp vào thế kỷ 19. Nơi anh chọn để trú ẩn là trong mê lộ những tầng hầm và nhà kho bên dưới nhà hát Opera. Dần dần sau đó, tại đây bắt đầu xuất hiện những tin đồn về một bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện bên trong nhà hát, và những đồ vật cũng thường bị mất một cách bí mật.

    Một thời gian sau, khi vô tình nhìn qua một lỗ nhỏ về phía sân khấu, Phantom nhìn thấy Christine Daaé, một nữ diễn viên phụ trẻ đẹp và trái tim anh bị nàng thu phục. Phantom có kỹ thuật hát opera hoàn hảo do học lóm được từ những giọng ca hay nhất châu Âu thường biểu diễn tại đây. Phantom xuất hiện để gặp Christie, dạy nàng hát. Nhờ đó, cô diễn viên phụ nhanh chóng được trao các vai chính và trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp.

    Phantom vẫn thường ôm trong lòng một mối mộng mơ rằng, Christie sẽ đáp trả lại tình cảm của mình. Nhưng nàng lại đem lòng một chàng quý tộc trẻ tuổi, Tử tước Raoul de Chagny. Đau khổ, tức giận, Phantom liền bắt cóc Christie tới nơi ở của mình, cạnh một chiếc hồ ngầm ở tầng hầm thứ bảy. Khi thấy chàng quý tộc trẻ tuổi bất chấp tất cả để chạy tới cứu người yêu, và biết rằng Christie có chết cũng không chọn mình, Phantom đã muốn giết đôi tình nhân. Nhưng rồi đám đông phía trên đi xuống để tìm những người mất tích, trên tay là các ngọn đuốc sáng rực. Phantom buộc phải từ bỏ người mình yêu, chạy vào nơi tối tăm nhất của tầng hầm để ẩn nấp. Và từ đó trở đi, Phantom – người đàn ông bất hạnh với con tim tan nát, đã biến mất và không bao giờ còn được nhắc đến.

    * * *

    Tuy nhiên, vì Gaston Leroux không phải là một tác giả tầm vóc cỡ Victor Hugo hay Bram Stocker cho nên cuốn truyện của ông mau chóng chìm vào quên lãng. Phải đợi tới năm 1922, ông Carl Laemmle, Chủ tịch hãng phim Universal, tình cờ đọc được cuốn Phantom of the Opera, thực sự bị rúng động, và quyết định đưa câu chuyện lên màn bạc.

    Năm 1925, cuốn phim The Phantom of the Opera ra mắt khán giả và lập tức gây chấn động. Từ đó, nhân vật Phantom, cùng với Bá tước Dracula, Dr. Frankenstein, đã trở thành ba hình tượng kinh dị trong văn học được khai thác nhiều nhất.

    Cho tới giữa thập niên 1980, đã có thêm bốn cuốn phim được thực hiện và một vở kịch được đưa lên sân khấu.

    Năm 1984, Andrew Lloyd Webber tìm gặp nhà sản xuất kịch nghệ Cameron Mackintosh, người đã hợp tác với ông trong vở Cats (1981), thảo luận về việc thực hiện một vở ca nhạc kịch trữ tình dựa trên cốt truyện của The Phantom of the Opera.

    Tuy nhiên, sau khi cùng Cameron Mackintosh xem lại hai cuốn phim “kinh dị” The Phantom of the Opera thực hiện năm 1925 và 1943, Andrew Lloyd Webber nhận thấy không đủ chất liệu để chuyển thể thành một vở ca nhạc kịch với chủ đề tình yêu.

    Nhưng chín tháng sau, may mắn bất ngờ đã tới với Andrew Lloyd Webber: trong một lần lang thang ở Nữu Ước, vào một cửa tiệm bán sách cũ, ông tình cờ bắt gặp một phiên bản tiếng Anh của cuốn The Phantom of the Opera đã từ lâu không còn được xuất bản nữa.

    Đọc phiên bản nguyên thủy của cuốn truyện, Andrew Lloyd Webber mới nhận ra rằng đây không chỉ đơn thuần là một câu chuyện rùng rợn ma quái, cũng không dựa trên sự thù ghét và tàn nhẫn, mà là một bi kịch thực sự về một chuyện tình đau khổ không lối thoát.

    Andrew Lloyd Webber liền bỏ dở mọi dự án khác để bắt tay vào việc chuyển thể cuốn truyện nguyên tác của Gaston Leroux, qua đó ông đã cắt bỏ những hình ảnh thô bạo, thay đổi một số chi tiết căn bản để trình bày bản chất thực sự của tấn bi kịch tình cảm này.

    Kết quả, cho tới nay, hầu như cả thế giới biết tới cốt truyện của The Phantom of the Opera qua phiên bản trên sân khấu của Lloyd Webber thay vì cuốn truyện nguyên tác của Gaston Leroux xuất bản năm 1911.



    Andrew và Sarah

    Không ít người tin rằng phía sau thành công của The Phantom of the Opera chính là chuyện tình giữa Andrew Lloyd Webber và nữ ca sĩ kiêm diễn viên trẻ Sarah Brightman, đời vợ thứ hai của ông. Lloyd Webber muốn đưa nàng lên đỉnh cao qua vai nữ nhân vật Christine Daaé trong The Phantom of the Opera.

    Sarah Brightman sinh năm 1960, là một nữ ca sĩ giọng soprano, diễn viên, vũ công ballet, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ dương cầm, về sau trở thành một nữ ca sĩ “classical crossover” nổi tiếng bậc nhất.

    Xuất thân từ một gia đình doanh thương giàu có, Sarah Brightman được học vũ ballet và dương cầm từ năm lên 3, được huấn luyện tại nhiều trường vũ, nhạc và diễn xuất nổi tiếng trong đó có Royal College of Music ở Luân-đôn.

    Cô bắt đầu sự nghiệp sân khấu năm 13 tuổi (1973), tới năm 16 tuổi thu đĩa ca khúc đầu tiên đo hãng đĩa của riêng cô, Whisper Records, phát hành.

    Năm 1981, Sarah Brightman được thủ vai Jemima – một vai phụ quan trọng – trong vở Cats của Andrew Lloyd Webber. Sau đó cô đã thủ nhiều vai trên sân khấu West End trong đó có vai Christine Daaé trong The Phantom of the Opera.


    Sarah Brightman trong vở CATS

    Sau khi ly dị Andrew Lloyd Webber năm 1990, Sarah Brightman đã từ giã sân khấu kịch nghệ để chuyên tâm vào lĩnh vực ca hát, trở thành nữ ca sĩ “classical crossover” ăn khách nhất thế giới.

    [“Classical crossover”: ca sĩ, nhạc sĩ cổ điển có khả năng trình diễn cả nhạc pop, hoặc trình diễn nhạc cổ điển dưới hình thức nhạc pop, nhắm vào thành phần khán thính giả trẻ]

    Năm 1992, Sarah Brightman đã chinh phục khán thính giả khắp năm châu qua ca khúc Amigos Para Siempre (Friends Forever) trình diễn chung với nam danh ca tenor Tây-ban-nha José Carreras tại lễ khai mạc Thế vận hội Barcelona, với trên ba tỷ người theo dõi qua màn ảnh truyền hình.

    Năm 1996, Sarah Brightman đạt thành công lớn nhất trong thể loại “classical crossover” (ít ra cũng là về mặt thương mại) khi song ca bản Time to Say Goodbye/Con te partirò với nam danh ca tenor Ý Andrea Bocelli.

    Time to Say Goodbye là phiên bản tiếng Anh của ca khúc Ý Con te partirò (nghĩa là: With you I shall leave), được Andrea Bocelli trình diễn lần đầu tiên tại Sanremo Music Festival năm 1995, sau đó đứng No.1 tại Pháp, Bỉ và trở thành đĩa đơn bán chạy nhất tại hai quốc gia này.

    Tuy nhiên, sau khi Con te partirò được đặt thêm lời Anh với tựa

    Time to Say Goodbye, rồi được thu đĩa với hai tiếng hát Andrea Bocelli và Sarah Brightman, ca khúc đã đạt tới một đỉnh cao mới: đứng No.1 trên TẤT CẢ mọi bảng xếp hạng ở Âu châu; riêng tại Đức, Time to Say Goodbye/Con te partirò đã đứng No.1 liên tục trong suốt 14 tuần lễ, trở thành đĩa đơn bán chạy nhất xưa nay tại quốc gia này với trên ba triệu đĩa, và 12 triệu trên toàn thế giới.

    Cũng qua ca khúc “classical crossover” điển hình này, Andrea Bocelli và Sarah Brightman đã được các nhà phê bình xưng tụng là hai nghệ sĩ có công lớn nhất trong việc phổ biến thể loại ca khúc này tới thế hệ trẻ vốn ưa chuộng nhạc pop, rock, và những người xưa nay “sợ” nghe nhạc cổ điển.

    Riêng Sarah Brightman, với số album bán ra trên 35 triệu, DVD hai triệu, hiện nay vẫn được ghi nhận là nữ ca sĩ giọng soprano có số đĩa bán cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân đưa con số này là Sarah có khả năng hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mà ngoài tiếng Anh còn có tiếng Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Catalan, La-tinh, Đức, Nga, Thổ-nhĩ-kỳ, Nhật, và Trung Hoa (tiếng Phổ thông).


    Andrea Bocelli, Sarah Brightman – Time To Say Goodbye (Live)
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/4L_yCwFD6Jo" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Trở lại sự nghiệp ca nhạc kịch của Sarah Brightman và chuyện tình của nàng với Andrew Lloyd Webber.

    Năm 1979, vào tuổi 18, Sarah Brightman kết hôn với ông bầu ca nhạc Andrew Graham-Stewart, lúc đó đang làm bầu cho ban Tangerine Dream của Đức.

    Theo tường thuật của báo chí, qua năm 1980, Sarah Brightman gặp gỡ Andrew Lloyd Webber, lúc đó đang chung sống với Sarah Hugill, đời vợ thứ nhất, và có hai con. Thế là tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa nàng ca sĩ diễn viên xinh đẹp thu hút và nhà soạn nhạc kịch tài hoa hơn nàng 13 con giáp, đưa tới việc Sarah Brightman được Andrew Lloyd Webber cho thủ vai Jemima, “con mèo” trẻ nhất, xinh đẹp nhất trong vở Cats.

    [Jemima là một trong vai phụ quan trọng nhất trong vở Cats.Trong cảnh cuối cùng – video clip “CATS Memory Elaine Paige” chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước – Jemima đã hát một đoạn trong ca khúc Memory]

    Giữa năm 1983, Sarah Brightman ly dị chồng, và tới cuối năm Andrew Lloyd Webber ly dị vợ. Tháng 3/1984 hai người bí mật kết hôn. Tuy bí mật nhưng báo chí cũng biết, và chuyện tình sôi nổi này đã trở thành đề tài ăn khách trong suốt mấy năm trời, cho tới khi hai người ly dị năm 1990 vì Sarah Brightman công khai ngoại tình với một chàng nhạc sĩ trẻ trong dàn nhạc của chồng!

    Tuy nhiên trong cuốn hồi ký tựa đề Unmasked mới phát hành năm 2018, Andrew Lloyd Webber cho biết ông không hề bị tiếng sét ái tình ngay trong lần đầu gặp gỡ như báo chí thêu dệt. Sự thật là sau khi gặp gỡ Sarah Brightman vào năm 1980 tại một quán rượu của giới nghệ sĩ, ông đã quên luôn, cho tới khi nàng tham dự cuộc tuyển lựa diễn viên cho vai Jemima trong vở Cats và được ông chọn.

    Mặc dù giọng hát của Sarah Brightman (qua vai Jemima), theo nhận xét của Andrew Lloyd Webber, không có gì độc đáo, Sarah Brightman đã trở nên nổi tiếng.

    Một năm sau (1982), khi được các nhà sản xuất kịch nghệ khác cống hiến những vai trò quan trọng hơn, nàng đã bỏ vở Cats để thủ vai chính trong hai vở ca kịch và vở opera nhi đồng Nightingale.

    Chính qua vở opera này, Sarah Brightman đã được các nhà phê bình hết lời ca tụng, đến nỗi Andrew Lloyd Webber đã phải đi xem nàng diễn. Ngồi dưới hàng ghế khán giả, ông mới nhận ra chất giọng đặc biệt và tài nghệ trình diễn của Sarah Brightman, đem lòng say mê và tìm cách… tỏ tình!

    Sau khi trở thành vợ chồng, Andrew Lloyd Webber đã quyết định thực hiện một vở ca nhạc kịch với nội dung lãng mạn trữ tình – công việc mà ông chưa từng làm trong sự nghiệp của mình – để Sarah thủ vai chính.

    Từ đó dẫn đưa tới việc Andrew Lloyd Webber tìm gặp nhà sản xuất kịch nghệ Cameron Mackintosh để thảo luận về việc thực hiện vở The Phantom of the Opera.

    Và theo cách nói của người tây phương, the rest is history!

    VIẾT THÊM:

    Trái với những bài báo viết về “tình hận” kéo dài giữa Andrew Lloyd Webber và Sarah Brightman sau khi chia tay, trên thực tế chỉ vài năm sau (khi Lloyd Webber đã lấy đời vợ thứ ba) hai người đã làm hòa. Trong buổi trình diễn (ca hát) của Sarah Brightman tại Royal Albert Hall, Luân-đôn năm 1997, Andrew Lloyd Webber đã cùng nàng xuất hiện trên sân khấu.

    Năm 2006, trong kỷ niệm 20 năm diễn ra mắt The Phantom of the Opera tại Luân-đôn, Andrew Lloyd Webber đã xưng tụng Sarah Brightman là “một phụ nữ tuyệt vời”, “một người tín cẩn đáng yêu”.

    Năm 2011, trong buổi diễn đánh dấu 25 năm ra mắt The Phantom of the Opera, Sarah Brightman đã trở lại để thủ vai Christine Daaé.

    * * *

    Trở lại với năm 1986, The Phantom of the Opera diễn ra mắt công chúng tại nhà hát Her Majesty’s Theatre ở Luân-đôn ngày 9 tháng 10. Nam diễn viên Michael Crawford thủ vai Phantom, Sarah Brightman vai Christine, và Steve Barton vai Raoul.

    Ngày 23/10/2010 đã đánh dấu buổi diễn thứ 10,000 của The Phantom of the Opera tại West End. Hiện nay, vở này vẫn được tiếp tục diễn tại nhà hát nói trên, được ghi nhận là vở ca nhạc kịch được diễn trong khoảng thời gian kéo dài thứ nhì, (tại West End và trên thế giới, ngoài Hoa Kỳ), chỉ đứng sau vở Les Misérables.

    Bên kia bờ Đại tây dương, The Phantom of the Opera diễn ra mắt tại nhà hát Majestic Theatre, Broadway, Nữu Ước, ngày 26/1/1988, với thành phần diễn viên chính từ Anh quốc (Michael Crawford, Sarah Brightman, Steve Barton) sang đảm trách.

    Ngày 11/2/2012, The Phantom of the Opera diễn xuất thứ 10,000 tại Broadway, trở thành vở ca nhạc kịch đầu tiên vượt qua con số này tại thủ đô kịch nghệ Hoa Kỳ. Hiện nay, với trên 13,000 xuất diễn, The Phantom of the Opera vẫn tiếp tục được ghi nhận là vở kịch được diễn lâu nhất trong lịch sử của Broadway.

    The Phantom of the Opera – với lời hát nguyên tác của Charles Hart -đã được đặt ca từ bằng nhiều ngôn ngữ khác nau; tính tới năm 2011 đã được diễn tại 145 thành phố ở 28 quốc gia trên khắp mọi lục địa, với tổng số khán giả trên 130 triệu. Tại 19 quốc gia trong số nói trên, thành phần diễn viên đã được địa phương hóa với những nghệ sĩ tên tuổi.

    Với doanh thu 5.6 tỷ Mỹ kim (845 triệu chỉ riêng tại Broadway), The Phantom of the Opera được ghi nhận là vở ca nhạc kịch có doanh thu cao nhất xưa nay, trước khi bị The Lion King qua mặt vào năm 2014.

    The Phantom of the Opera cũng là một trong những vở ca nhạc kịch đoạt nhiều giải thưởng nhất xưa nay, trong số đó có bốn giải cao quý Laurence Olivier Awards của Anh quốc và bảy giải Tony Awards của Hoa Kỳ.

    * * *

    Tương tự trường hợp các vở Evita, Jesus Christ Superstar, Cats…, The Phantom of the Opera đã được Hồ-ly-vọng đưa lên màn bạc, tuy nhiên phải mất tới 15 năm trời!

    Nguyên vào đầu năm 1989 – chỉ vài tháng sau khi The Phantom of the Opera được diễn tại Broadway – hãng phim Mỹ Warner Bros đã mua tác quyền để thực hiện thành phim điện ảnh, với Andrew Lloyd Webber đảm trách giám đốc nghệ thuật, Michael Crawford và Sarah Brightman thủ hai vai chính.

    Về đạo diễn, trong số nhiều tài danh của kinh đô điện ảnh ngỏ ý mong muốn được đảm trách, Andrew Lloyd Webber đã chọn Joel Schumacher, người vừa nổi tiếng với cuốn phim kinh dị The Lost Boys, vì nhà đạo diễn đã chứng tỏ ông biết cách đưa âm nhạc vào cuốn phim này.

    Tuy nhiên, công việc chưa kịp khởi sự thì đã xảy ra vụ ly dị ồn ào giữa Andrew Lloyd Webber và Sarah Brightman, đưa tới việc nàng diễn viên tuyên bố giải nghệ diễn xuất. Hãng phim Warner Bros phải đình chỉ vô thời hạn việc thực hiện cuốn phim.

    Khoảng thời gian này, Joel Schumacher lại được các hãng phim đua nhau mời mọc cho nên ông cũng tạm quên The Phantom of the Opera. Tới năm 1997, Joel Schumacher vừa rảnh tay, tìm gặp Andrew Lloyd Webber để bàn về việc thực hiện The Phantom of the Opera thì ông (Joel Schumacher) lại được mời đạo diễn ba cuốn phim Batman Unchained, Runaway Jury và Dreamgirls.

    Phải đợi tới cuối năm 2002, Joel Schumacher mới nhất quyết ngưng mọi công việc để cùng Andrew Lloyd Webber thực hiệnThe Phantom of the Opera, nhưng khi ấy hãng Warner Bros đã dẹp bỏ ý định. Qua đầu năm 2003, hãng sản xuất Really Useful Group của Andrew Lloyd Webber bỏ tiền mua lại bản quyền từ hãng phim Warner Bros để thực hiện với số vốn tự túc.

    Hugh Jackman, nam diễn viên Úc đa tài được Andrew Lloyd Webber ưu tiên mời thủ vai Phantom, tuy nhiên vì chàng đã ký hợp đồng đóng cuốn phim kinh dị Van Helsing cho nên bắt buộc phải từ chối. Sau đó, trong số trên dưới 20 nam diễn viên tham dự cuộc tuyển lựa, đạo diễn Joel Schumacher đã chọn nam diễn viên gốc Ái-nhĩ-lan Gerard Butler, người mới thủ vai chính trong cuốn phim Dracula 2000.

    Vai Christine được Andrew Lloyd Webber trao cho nữ diễn viên Mỹ Anne Hathaway, một người xuất thân ca sĩ soprano cổ điển, tuy nhiên vì thời gian quay phim The Phantom of the Opera dự trù sẽ kéo dài quá thời hạn Anne phải đóng cuốn phim The Princess Diaries 2: Royal Engagement theo hợp đồng, vai Christine đã được trao cho đàn em Emmy Rossum.

    Thực hiện với chi phí lên tới 80 triệu Mỹ kim, phim The Phantom of the Opera – trình chiếu tại Hoa Kỳ cuối năm 2004 – đã bị đa số các nhà phê bình cho điểm dưới trung bình. Điểm son duy nhất của cuốn phim là tài nghệ của Emmy Rossum, đoạt giải Saturn Award nữ diễn viên trẻ, và được đề cử giải Trái Cầu Vàng nữ diễn viên ca nhạc kịch/hài kịch.

    Tuy nhiên, những người khen phim The Phantom of the Opera thì cho rằng các nhà phê bình không thể so sánh “cuốn phim” nhắm vào thành phần khán giả trẻ với “vở ca kịch” trên sân khấu Broadway nhắm vào giới thưởng ngoạn “chuyên nghiệp”.

    Trên thực tế, cuốn phim The Phantom of the Opera ngày càng được giới thưởng ngoại yêu chuộng, hiện nay được khán giả trang mạng CinemaScore cho điểm hạng A (của từ A xuống tới F), và trang mạng IMDb cho 7.3/10.

    * * *

    Trở lại với vở ca nhạc kịch The Phantom of the Opera năm 1986, album thu âm 25 nhạc khúc, ca khúc với thành phần ca sĩ diễn viên đầu tiên ở West End, Luân-đôn, trong đó Sarah Brightman thủ vai Christine Daaé, phát hành năm 1987 dưới dang CD, đã bán ra trên 40 triệu đĩa trên toàn thế giới, cho tới nay vẫn là một kỷ lục.

    Trong số 25 nhạc khúc, ca khúc nói trên, ca khúc chủ đề The Phantom of the Opera – do Michael Crawford (vai Phantom) và Sarah Brightman (vai Christine) song ca – dĩ nhiên được yêu chuộng nhất.

    Tuy nhiên, nếu chỉ tính đĩa đơn (single) thì phiên bản do Sarah Brightman hát chung với nam ca sĩ Steve Harley lại được nhiều người yêu chuộng hơn.

    Nguyên vào khoảng giữa năm 1986, để quảng cáo cho vở ca nhạc kịch sắp được trình diễn, Andrew Lloyd Webber đã cho tung ra đĩa đơn và video clip thu ca khúc chủ đề The Phantom of the Opera, do Sarah Brightman song ca với Steve Harley (sinh năm 1951), ca sĩ chính trong ban nhạc rock Cockney Rebel.

    Người ta không biết rõ nguyên nhân Andrew Lloyd Webber không để Sarah Brightman thu đĩa với nam diễn viên Michael Crawford, người sẽ thủ vai Phantom trên sân khấu, mà lại chọn một nam ca sĩ khác.

    Chỉ biết một điều: phiên bản The Phantom of the Opera do Sarah Brightman song ca với Steve Harley, cùng với video clip do hai người đóng chung, rất được yêu chuộng, lên Top tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh quốc và Nhật Bản.

    The Phantom of the Opera

    In sleep he sang to me
    In dreams he came
    That voice which calls to me
    And speaks my name
    And do I dream again?
    For now I find
    The phantom of the opera is there
    Inside my mind

    Sing once again with me
    Our strange duet
    My power over you
    Grows stronger yet
    And though you turn from me
    To glance behind
    The phantom of the opera is here
    Inside your mind

    Those who have seen your face
    Draw back in fear
    I am the mask you wear
    It’s me they hear

    My spirit and my voice
    In one combined
    The phantom of the opera is there…



    Andrew Lloyd Webber, Sarah Brightman, Steve Harley – The Phantom Of The Opera
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/G2zxzaWgVRA" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    Với giới thưởng ngoạn người Việt, The Phantom of the Opera cũng là vở ca nhạc kịch được nhắc tới nhiều nhất, tuy nhiên qua tìm hiểu trên các trang mạng, cho tới nay chúng tôi cũng chỉ biết một tác giả duy nhất đã đặt lời Việt cho ca khúc The Phantom of the Opera, đó là Diệu Hương, với tựa đề Bóng ma trong hí viện, được Diễm Liên và Nguyên Khang song ca trong chương trình Vân Sơn 40, năm 2008.

    Bóng ma trong hí viện

    Một giấc mộng giữa đêm sâu, người đến từ đâu?
    Từng khúc nhạc cuốn chơi vơi, người vẫn gọi tôi…
    Từ trong mơ ước thiên thu, lạc bước mộng ru…
    Tình hỡi…ôi có đắm mê ngây say quay cuồng
    Trong tâm hồn người…

    Cùng hát nhẹ bước bên anh, vào cõi tình xanh…
    Tìm lấy ngày tháng cho em, khoảnh khắc bình yên
    Từ trong háo hức đêm đêm, là những cuồng điên…
    Hạnh phúc, đôi khi thấy thẳm trong con tim này
    Theo cơn mộng dài…

    Người hỡi nào bước chân rung, lòng vẫn hoài mong
    Từng phút hiện lên trong tôi, là nỗi buồn thôi…
    Tình người trôi giữa hư không, lạc bến dòng sông
    Người đến, bâng khuâng cho tôi đêm nay rung đông…
    Con tim nhỏ chờ…



    The Phantom Of The Opera – Nguyên Khang – Diễm Liên [ Vân Sơn – Những Chuyện Tình Bất Tử]
    <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/QeT_QItvzdc" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>

    HOÀI NAM
    ©T.Vấn 2020

    TÀI LIỆU THAM KHẢO: The Phantom Of The Opera, Wikipedia


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X