Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày tháng trôi đi

Collapse
X

Ngày tháng trôi đi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày tháng trôi đi

    Ngày tháng trôi đi


    Trần Yên Hòa


    Một buổi sáng, mặt trời lên rực rỡ, tốp quản giáo hôm nay nai nịt gọn gàng. Họ vào từng nhà. Quản giáo kêu nhà trưởng Hoàng ra chỉ thị:

    - Anh cho tập hợp anh em lên hội trường học tập.

    Mọi người đang chuẩn bị đi lao động như mọi ngày. Nghe tin đi học tập, có người nhảy cởn lên la to:

    - Rồi, đến rồi, phải thế chứ. Học tập xong chuyến này là về, anh em tin tôi đi.

    Lời nói đó của Lập, một tân thiếu uý, anh còn nắm chức vụ trung đội trưởng một trung đội bộ binh. Lập hay lạc quan «tếu», hay loan những tin tức thuận lợi cho ngày về. Trong đầu óc Lập non choẹt về sự phán đoán. Lập thường nhìn sự việc bằng hiện tượng hơn là bản chất.

    Lập nói tiếp:

    - Anh nào cá với tui không? Tôi nói về là về. Họ nhốt mình để làm gì, chỉ tốn cơm nuôi.

    Có một số người muốn đáp lại lời Lập, nhưng lại bận lo chuẩn bị mặc áo quần đi học tập nên họ im. Sum cũng vui trong lòng. Biết đâu đấy! Quan trọng nhất trong việc tập trung là học tập. Học tập là tẩy não, là xóa đi cái nhìn cũ trong đầu và tiếp thu lấy cái mới, cái cách mạng, cái giải phóng dân tộc, cái tự do, độc lập và hạnh phúc. Mà nay đã đến ngày đó. Chắc là ngày về cũng gần kề thôi.

    Trong lúc bận áo quần, Sum hỏi Niệm:

    - Bạn nghĩ thế nào, sau đợt học tập này?

    Niệm cũng đang mặc áo. Cái áo bao cát anh vừa thực hiện. Cái áo khô, cong lên, trông nực nội, nóng bức. Nhưng Niệm đã rách hết áo quần. Từ Quy Nhơn chạy vô Sài Gòn anh đem theo mấy bộ đồ, rồi gói đi «học tập» luôn. Gần một tháng lao động ngoài trời, mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, làm áo quần mục đi.

    Niệm nói:

    - Bây giờ mình theo chủ nghĩa hoài nghi. Bắt đầu tin lời ông Thiệu nói. Để coi thử sao?

    Sum lắng đi cái tin tưởng, cái háo hức vừa mới bùng lên trong đầu.

    Hoàng nhà trưởng. Dương B trưởng, hối hả, hấp tấp, vừa chạy đầu này, chạy đầu kia, hối thúc anh em nhanh lên, nhanh lên. Mười phút sau, cả đội chuẩn bị xong, tập họp ở trước sân nhà.

    Người quản giáo đứng trước anh em, lên tiếng:

    - Hôm nay bắt đầu cho đợt học tập chính trị, các anh sẽ đến hội trường tham dự học tập. Các anh phải nghiêm túc tiếp thu những cái mới. Có được sớm trở về đoàn tụ với gia đình hay không là do các anh. Tôi thấy các anh vẫn còn lề mề, lao động thì chây lười. Tôi dặn các anh, đến hội trường dự học tập các anh phải nghiêm túc, không được nói chuyện ồn ào, trò chuyện riêng, các anh quán triệt hết chưa?

    Mọi người đồng thanh, nghe rõ. Tất cả đi theo quản giáo.

    Dương bước ra khỏi hàng, anh hô, một, hai, ba, bốn như đi diễn hành, cho toán đi đều hàng, như những ngày còn học ở quân trường. Trong đầu óc Dương lúc nào cũng đầy đặc óc chỉ huy, toán đi phải có «khí thế».

    Dương lên tiếng :

    - Anh em đi đều bước nhé, tôi hô các anh em đi theo lệnh tôi, một, hai, ba, bốn, một, hai, ba, bốn, một, hai, bước đều, bước.

    Trong toán, anh em đang đi tự do, nghe tiếng hô của Dương tự nhiên chập choạng. Có tiếng xì xào:

    - Đi tự do đi, đều bước cái con mẹ gì. Đi tù mà cứ như đi diễn hành vậy. Đụ mẹ!

    Rồi nhiều tiếng chữi thề tiếp theo cất lên sau đó. Ngô Hoàng vội chạy tới hỏi ý quản giáo, quản giáo vừa nói vừa chỉ tay. Ngô Hoàng chạy về trước hàng quân, nói lớn:

    - Thôi anh em cứ đi tự do, bước đều nhau là được rồi.

    Dương quê cơ. Anh im lặng bước đi. Ai cũng biết giữa Ngô Hoàng và Dương có hiềm khích nhau. Dương chỉ là B trưởng, tức là dưới quyền Hoàng, thế mà Dương có nhiều lúc lấn lướt, gặp quản giáo là Dương lăn xăn báo cáo, làm ra vẻ tích cực lắm. Anh thường có ý kiến, có nhận xét, đề nghị về cách sinh hoạt của anh em trong đội. Quản giáo nhiều lúc cũng tin lời Dương. Ngô Hoàng đâm ra cay cú.

    Tất cả anh em toàn trại được tập trung vào hội trường. Hội trường là một căn nhà rộng, lợp bằng tranh do anh em tập trung bên lán trại B thực hiện. Anh em vô rừng, rừng Tây Ninh đầy đặc tranh và cây gỗ. Anh em đốn gỗ, cắt tranh, cả mấy đội làm việc hàng tháng mới dựng nên hội trường này. Mùi tranh mới, còn nồng.

    Hội trường được trang trí sơ sài, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Một tấm màn đỏ kéo ngang qua làm cái nền. Màu đỏ mới trông vào ai cũng rờn rợn. Bức tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh bằng thạch cao màu trắng để một bên. Một bên là khẩu hiệu «Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do».

    Anh em từng đội được dẫn vào ngồi dưới đất theo thứ tự. Các quản giáo chạy đi chạy lại. Vệ binh mang súng đứng bên ngoài lố nhố. Cũng ba mươi phút sau mới bắt đầu.

    Một người bộ đội mang "quân hàm" Thiếu tá, lên đứng trên bục gỗ. Ông tự xưng là người của Ủy Ban Quân Quản thành phố, lên nói về chiến thắng vẻ vang của cách mạng và tội ác của ngụy quân, ngụy quyền đối với nhân dân. Ông nói tràng giang đại hải, dùng những từ rất mới, nên Sum nghe qua lạ tai. Ngày trước, có đôi lần Sum nghe lén đài phát thanh Hà Nội hay đài Giải Phóng Miền Nam, anh có nghe những từ này, nhưng nghe qua rồi bỏ. Hình như cái lén lút hay kích thích con người. Bây giờ nghe người thiếu tá giảng viên nói, anh lại thấy khó chịu, nhưng anh phải ngồi im. Nếu như đây là một giảng đường đại học, anh đã bỏ về.

    Anh em có nhiều tiếng xì xào nho nhỏ, hình như ai cũng có cảm giác tương tự như Sum. Nhất là khi người giảng viên nói qua tội ác Mỹ Ngụy. Sum thấy mình như bị va chạm một điều gì đó thuộc về nhân phẩm. Tội Ác? Thật sự trong chiến tranh, chuyện bắn giết nhau để giành lấy chiến thắng, bên này hay bên kia. Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ là chính nghĩa, nhưng đó cũng chỉ là những nhân danh. Bây giờ thì lý là ở kẻ mạnh, là ở phe của những người chiến thắng.

    Cuối cùng, sau khi nghỉ giải lao mười lăm phút, người giảng viên tiếp tục nói đến Bản Tự Khi Lý Lịch. Cũng là chuyện bình thường mà cả đội đã làm nhiều lần, có người khai xong, bị trả về làm lại.

    Người giảng viên nói:

    - Bây giờ muốn cân đo sự thành thật của các anh, các anh sẽ làm tiếp Bản Tự Khai. Lần trước các anh đã làm nhiều rồi nhưng chưa đạt. Cách mạng biết rõ hết về quá trình hoạt động của các anh nhưng muốn thử các anh thành thật đến mức độ nào, nên lần này, Bản Tự Khai các anh phải khai rõ ràng từng giai đoạn hoạt động của mình, như chức vụ, quân hàm, công tác…

    Ông còn nói thêm nhiều nữa nhưng Sum cảm thấy mệt quá, sức nóng của hơi người đông đảo làm anh muốn ngạt thở. Anh thấy sức khoẻ của mình sa sút hẳn, nhất là đôi chân. Đôi chân sưng húp, đó là kết quả của bệnh phù thủng. Anh thấy tê cả phần dưới, những lúc đi lao động đôi chân hoạt động còn đỡ nhức nhối hơn là ngồi nghe như thế này. Mấy người bạn ngồi bên anh, nói nhỏ:

    - Nữa rồi, lý lịch, lý lịch hoài. Ghi một mẫu để nhớ rồi cứ theo đó mà viết ra. Cách mạng dùng chữ trước sau như một mình cũng chơi chữ trước sau như một. Đụ mẹ, ly lịch ba đời cứ khai hoài, ông bà cha mẹ chết rồi cũng nằm không yên chỗ.

    Người bạn kế bên hích tay người đang nói, anh ta nháy mắt về phía Dương, Dương đang ngồi nghe một cách chăm chú.

    Theo chương trình, suốt buổi chiều và buổi tối, anh em được chia từng tổ, ngồi học tập, thảo luận, triển khai bài giảng của giáo viên đứng lớp, rồi phát biểu ý kiến của mình. Vì là buổi học tập đầu tiên nên bắt buộc ai cũng có ý kiến. Dĩ nhiên là chia phiên nhau. Ý kiến anh em chung chung. Chỉ có Dương là gay gắt. Anh kết án quân đội cũ tham nhũng, hối lộ, quân phiệt. Anh em ngồi nghe, có người che miệng ngáp.

    Theo thời khóa biểu, suốt một tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, buổi sáng lên lớp nghe giảng bài, buổi chiều về phòng họp từng toán thảo luận, đến chiều thứ sáu là thu hoạch. Mỗi người được phát một cây bút lá tre và một bình mực, như những lần khai lý lịch trước.

    Đến ngày thứ hai thì các buổi học tập trở nên sôi động. Đám cải tạo tuy lặng lẽ nhưng vẫn nghe và hiểu những điều đang tiếp thu. Buổi chiều trời nóng oi nồng. Không có một chút gió nào. Không gian như khô lại. Đám cải tạo ngồi dưới nền xi măng. Nhà trưởng Ngô Hoàng điều hành buổi thảo luận. B trưởng Dương làm thư ký. Khuôn mặt ai nấy đều căng ra, không biết có phải vì bịnh phù thủng hay vì đề tài nóng bỏng.

    Đề tài «Từ Chủ Nghĩa Thực Dân Cũ đến Chủ Nghĩa Thực Dân Mới». Trên Hội trường, giáo viên giảng huấn đã giảng rằng:

    "Bắt đầu chủ nghĩa thực dân là các đế quốc châu Âu như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, muốn tìm thị trường buôn bán nên đem quân đến các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc, đi kèm theo mũi súng của quân đội viễn chinh đế quốc là các ông cố đạo truyền bá đạo Chúa. Vì bản chất của người Á Đông là theo Phật hay đạo Khổng, các ông cố đạo nhân danh Chúa, đã làm công cụ cho lực lượng đế quốc. Vua Gia Long đã cỏng rắn cắn gà nhà, cho Pháp đến Việt Nam xuyên qua các ông cố đạo như giám mục Bá Đa Lộc."

    Đề tài nóng vì đụng chạm đến tôn giáo. Anh em ngồi xếp bằng. Ai cũng muốn nói lên suy nghĩ của mình. Có người đồng tình, có người không. Tuy nhiên, anh em ai cũng biết, đây là buổi học tập chính trị của cộng sản nên những suy nghĩ của mình không thể phát biểu ở đây. Tốt hơn là ngồi nghe hơn là nói.

    Ngày cuối cùng trong đợt học tập là thu hoạch. Như người trồng lúa đến ngày gặt lúa. Như người trồng khoai trồng đậu đến ngày thì đem cuốc ra đào khoai, hái đậu đem về nhà. Nay thì một tuần học tập là một tuần gieo giống, cày xới thảo luận, rồi đến cuối tuần thì thu hoạch kèm theo là làm Bản Tự Khai quá trình hoạt động của bản thân, để xem qua việc học tập của anh em tiến bộ đến đâu?

    Sum cũng chăm chú loay hoay viết bài thu hoạch, anh viết như bài đã học, nào chế độ cũ là ngụy quyền không đại diện cho ai, quân đội cũ là ngụy quân, phục vụ cho ngụy quyền. Tướng tá thì tham những, hối lộ và quân phiệt, phần đông là xuất thân từ quân đội Pháp, phục vụ cho thực dân Pháp, là kẻ thù của dân tộc, đã chiếm và cai trị Việt Nam hàng trăm năm.

    Anh viết một mạch theo dòng suy nghĩ tuôn tràn. Có những lúc cảm hứng anh viết văn hoa bóng bảy thêm lên như là viết một truyện ngắn, nhưng nó cũng rỗng tuếch chẳng đâu vào đâu. Đến lúc viết bản tự khai, anh khai ở đơn vị không tác chiến, làm việc ở văn phòng, không dính dáng đến chiến tranh chính trị, an ninh hay tình báo. Anh ghi chú ngày giờ và từng đơn vị anh phục vụ trong một tờ giấy nhỏ, anh biết sẽ còn khai lý lịch dài dài nên phải viết làm sao cho trùng khớp, trước sau như một.

    Buổi tối nằm một mình, anh hơi ân hận những điều mình đã khai. Anh đã dấu đi trường anh đã học, nơi anh xuất thân. Anh đã ở đó trên hai năm, đã luyện tập để trở thành sĩ quan, với bao nhiêu cực khổ cam go, anh đã hãnh diện cùng bạn bè đồng khóa khi quỳ xuống ở Vũ đình trường trong ngày xuống núi. Nhưng anh nghĩ lại, trong chiến tranh, trong tác chiến, có những lần hành quân bắt được tù binh, hàng binh địch, họ đã vứt bỏ cấp bậc, chức vụ, để không ai chú ý, để lẫn trốn. Trong chiến tranh, chuyện gì, việc gì, cũng trở nên bình thường.

    Những ngày mới ra trường với biết bao hoài bão, bao nhiêu lý tưởng đầy ắp trong lòng, mình sẽ làm một điều gì đó theo như những lý thuyết đã học. «Đem Đại Nghĩa để thắng hung tàn, lấy Chí Nhân mà thay cường bạo». Sum ra trình diện đơn vị với ba người bạn đồng khóa. Từ sư đoàn chuyển về trung đoàn. Tư lệnh sư đoàn lúc đó là tướng công, gương mặt ông bạnh ra như là một con heo nọc, lúc này tướng công đang bị báo chí đánh tơi bời vì tội đã hiếp dâm một em bé. Trung đoàn trưởng là đại tá Nghìn, tốt nghiệp trường Võ Bị. Ông lúc nào cũng nghiêm nghị, mặt không bao giờ có một nụ cười. Ông leo lên từ cấp thiếu úy lên đến đại tá. Đã giữ nhiều chức vụ chỉ huy từ trung đội trưởng trở lên. Con người như vậy cứ ngỡ là rất lý tưởng cho một sĩ quan hiện dịch. Nhưng khi có trong tay quyền hạn lớn, ông trở nên ăn chơi, quân phiệt và tham nhũng. Khi về trình diện trung đoàn, tất cả 4 tân thiếu úy cùng khóa vào trình diện ông. Ông ngồi phía trong một cái bàn dài, rộng. Sau khi mỗi người trình diện ông xong, ông chỉ nói một câu: «Các anh biết là đơn vị bộ binh chẳng có cần gì công tác... của các anh cả. Các anh về làm đại đội phó ở đơn vị tác chiến dưới đại đội lẻ.»

    Chào ông trung đoàn trưởng đi ra, lòng Sum nghe một nổi buồn từ đâu ụp đến, không phải anh sợ hành quân gian khổ, nhưng anh thấy như lý tưởng của mình như là một ảo vọng.

    Và tháng ngày sau đó là lội suối trèo đèo, ăn ngủ trong rừng từ tháng này qua tháng khác. Khi lên hành quân chưa đây hai ngày, Sum nghe tin người bạn cùng khóa, thằng Bút chết. Một năm rưởi sau, thằng Dân chết. Sum bỏ ngành anh đã học để làm người lính tác chiến thật sự. Thời gian đã biến đổi anh và đã dạy cho anh một bài học thực tế, ở ngoài đơn vị tác chiến, người sĩ quan phải có quyền, phải nắm chức vụ trưởng. Nếu không, chỉ là người vô dụng. Phần đông, những sĩ quan leo lên chức đại đội trưởng là đã quân phiệt, chữi thề, đánh lính, ăn lương khô hành quân của lính, lính ma, lính kiểng. Anh không còn con đường nào khác là phải bỏ ngành để lên làm cấp trưởng.

    Anh thương những thằng bạn cùng khổ với anh, thương những người lính dưới quyền mà cái chết của họ được đếm trong từng tíc tắc. Mới cười nói đó, mới ước mơ đó, mới kể chuyện tiếu lâm đó, mà nghe một cái ầm, tiếng nổ từ một quả mìn của địch gài, sẽ tung lên những thân xác người lính. Họ chết trong ngất ngứ, không toàn thây. Sau tiếng nổ, những người lính còn sống sót sẽ đi nhặt nhạnh ở chung quanh, đâu đó một cánh tay, một cái chân hay một cái đầu bê bết máu. Cái chết không trối trăn, không dặn dò.

    Sum chỉ còn lại niềm tin ở những người đồng đội cùng anh trong chốn tử sinh. Cuối năm đó anh nghe tin trung uý Tín chết khi đang hành quân ở mặt trận Quế Sơn. Tín là khóa đàn anh của Sum. Tín đã về làm việc ở Bộ chỉ huy trung đoàn một thời gian, nhưng sau lại bị đại tá Nghìn đổi ra đơn vị tác chiến vì không chung đủ số vàng cho ông. Sum nghe tin mà hụt hẩng cả người.

    Bây giờ anh là người bại trận. Anh sẽ khai gì đây. Hồ hởi phấn khởi trước sự thắng lợi của phía bên kia? Như những người đục nước thả câu trong những ngày sau ba mươi tháng tư bảy lăm, đeo băng đỏ, bận đồ bà ba đen, đi trên những chiếc xe jeep căng đầy biểu ngữ hô hào chiến thắng, kết tội kẻ thua. Anh không có cái lòng ấy. Dù gì anh đã lớn lên, hít thở không khí ở miền Nam, đã chịu sự giáo dục dưới những mái trường thân yêu, anh không thể đành lòng lên án một chế độ đã qua. Con người, chỉ có con người là có lỗi. Những nhân vật, những con người, khi quyền hành quá lớn đã làm họ đi chệch đường vì tham vọng. Sự đào thải sẽ cuốn họ trôi đi như những giòng nước bẩn, sẽ trôi đi ra biển, để lại cho dòng sông sự im lặng, lóng trong.

    Nhưng Sum vẫn nghe lòng mình không yên ổn. Xã hội lúc nào cũng có sự lẫn lộn giữa người và người, giữa tốt và xấu. Ai cũng mặc lên mình chiếc áo gấm trang trọng. Làm sao phân biệt được ai. Như Dương, như Hoàng. Mới một tháng trước đây còn đứng trước hàng quân oai phong lẫm liệt, mà nay đã quay mặt lại chữi quân đội thậm tệ, không còn danh từ nào tệ hơn.

    ***

    Đảng phái: Không.

    Trước đây, Sum không tham gia đảng phái nào cả. Kể cả đảng Dân Chủ của ông Thiệu một thời bành trướng đến tận cùng thôn ấp, lấy lực lượng chính quyền và hệ thống giáo dục làm nòng cốt. Tổ chức, ra mắt rầm rộ, cùng khắp. Nhiều sĩ quan, bạn bè anh đã tham gia, nhưng anh từ chối. Anh thấy đây là một đảng cầm quyền chẳng ra ngô khoai gì cả. Với lại, lúc đó anh đang hành quân suốt năm, suốt tháng, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện «chính chị, chính em».

    Nhưng anh cũng loay hoay suy nghĩ đến Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hình như ở quê anh, những gia đình khá giả, tiểu tư sản, đều gia nhập đảng này. Khi anh còn bé dại, anh đã nghe nói đến những người trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã làm nên những kỳ tích anh hùng. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con, Nhượng Tống…Anh mê những hình hình ảnh lãng mạn cách mạng của họ, những con người mà thể hiện là nhân vật Dũng trong truyện Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Và cả Nhất Linh nữa, anh cũng mê sự nghiệp văn chương của ông, và cả sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông nữa.

    Sum lớn lên trong một gia đình phú nông, cha anh là một thầy dạy học miền quê. Cha anh là hình ảnh những ông đồ nho còn sót lại của thời phong kiến qua thời đệ nhất cộng hòa. Cha anh để lại cho anh hình ảnh một con người của giai cấp trung lưu, yêu nước thụ động và chỉ có những ý nghĩ lãng mạn trong đời sống thường nhật.

    Anh lại nghe lòng mình rộn lên những cảm xúc dạt dào của những ngày mới lớn. Việt Nam Quốc Dân đảng lập chiến khu Nam Ngãi chống chế độ Ngô Đình Diệm. Đó là hình ảnh thuở thiếu thời của Sum. Anh bảy Phát, anh tám Cẩn, anh Phước đã thoát ly lên rừng núi của ba xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà, lập chiến khu kháng chiến, gọi là chiến khu Sơn-Cẩm-Hà.

    Ôi ! Chiến khu ! chiến khu !

    «Lãng mạn cách mạng» quá đi mất thôi. Như chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, và trước đó, chiến khu Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, chiến khu Ba Đình của Đinh Công Tráng.

    Sau đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng đầu hàng chính quyền Ngô Đình Diệm và bị khủng bố đến tận cùng. Chỉ có một số ra làm việc cho chính quyền mới, còn lại, tất cả đều ở trong thế đối lập. Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn còn ẩn chứa trong anh những hình ảnh tuyệt vời.

    Sum lại nghĩ đến phong trào Học sinh Sinh viên tranh đấu ngày anh còn học trung học. Đó là những ngày sau cách mạng 1.11.1963. Chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo theo những khủng hoảng chính trị ở chính trường miền Nam. Phong trào Phật giáo tranh đấu, biểu tình, bãi khóa liên miên. Các bạn anh đã khoác lên mình bộ áo tranh đấu. Nào Trà, nào Chiến, nào Nhẫn, nào Tuyết. Những thằng bạn hiền hậu ngồi trong lớp chăm chú học hành và học giỏi, mà giờ đây đã đứng trên những chiếc xe, giữa chợ đông người đăng đàn diễn thuyết. Họ dăng biểu ngữ, hô hào biểu tình, họ phát biểu kêu gọi.

    Đoàn biểu tình đông đảo, tiếng gào thét vang râng trời. Tất cả đã đem nhiệt huyết tuổi trẻ của mình ra để đấu tranh, cho dân chủ, tự do, chống độc tài, quân phiệt. Nhưng họ không ngờ là họ bị giựt dây. Tuyết và Chiến, trên một chuyến xe đò đi từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng đã bị nghĩa quân bắt đem đi thủ tiêu. Những bạn còn lại bỏ trường bỏ lớp mà đi. Nhẫn bị bắt lên ty Cảnh Sát, nằm trong trại giam gần mấy tháng trời, ghẻ lở đầy mình, sau nhờ có người thân làm việc cho chính quyền bảo lãnh Nhẫn mới được thả ra.

    Đó là một thời của tuổi thanh xuân, những người thanh niên đã trải lòng minh ra để làm một cái gì đó, nhưng tất cả đã bị điều hành, chỉ huy, lèo lái của những thế lực. Nên khi biết ra mình bị lợi dụng thì Trà phải bỏ trường mà đi, Nhẫn ra tù cũng tấp vô Sài Gòn, những đứa khác vào quân đội. Quân đội là chỗ an toàn nhất để trú thân, tránh sự trả đủa của chính quyền đương thời. Một thời buổi nhiểu nhương nhưng đầy hào khí. Đó là cái «lãng mạn cách mạng», bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

    Chiến tranh lan rộng, mọi thanh niên đều phải thủ một thế đứng, bên này hay bên kia. Nguyễn Thanh Vân, Trình Nhữ, Trình Anh, Nguyễn Văn Tường, Trần Ngọc Thản «nhảy núi». Một số ít tiếp tục lên đại học, còn thì vào lính. Bên nào cũng cần những tay súng nã đạn vào quân thù. Bắn chậm thì chết. Miền Bắc ào ạt tuyển quân, miền Nam ra lệnh Tổng Động Viên trên toàn quốc. Những thiếu niên mới lớn bị xúc vào quân trường rồi thảy ra chiến trận. Miền Bắc thì đi B. Đường Trường Sơn, lũ lượt hàng trăm ngàn binh lính bộ đội miền Bắc tràn vào miền Nam.

    Sum tình nguyện vào quân đội trong lúc anh đang đi dạy học. Thật ra thì không còn con đường nào khác. Dạy học rồi cũng bị động viên vào Thủ Đức, học sáu tháng ra chuẩn úy với cái quai chảo trên cầu vai. Làm trung đội trưởng với mấy chục người lính tiền tiêu, dễ chết như chơi. Thời buổi chiến tranh chuyện chết chóc là chuyện thường ngày. Sum quyết định thi vào trường hiện dịch. Anh sẽ học ở đó hai năm, biết đâu khi ra trường tình hình sẽ đổi khác, biết đâu gió sẽ xoay chiều.

    Nhưng có phải anh tình nguyện đi sĩ quan hiện dịch vì lý do đó thôi sao? Hay vì Nại. Mối tình của Nại đã làm anh choáng váng. Cùng học chung một trường trung học. Nại như một hình bóng rất xa ngoài tầm tay. Nại áo dài trắng học trò, Nại hát hay, múa đẹp. Nại làm bàng hoàng trong anh nổi khắc khoải không rời. Nhưng có phải vì thế thôi sao? Nại có một người đàn ông theo đuổi, đó là một người xuất thân từ trường Võ Bị. Có phải sự tranh hơn của anh, muốn cho mình cũng được làm người hùng trong tim Nại, nên anh tình nguyện thi vào trường hiện dịch? Để anh có những chiều thứ bảy, chủ nhật, bát phố cùng em trong những bộ đồ dạo phố mùa đông, mùa hè? Hay thành phố sương mù Đà Lạt đã quyến rủ anh trong những mộng tưởng? Thành phố sương mù. Thành phố núi. Hoàng triều cương thổ. Tất cả những lý do đó đã đưa anh đến Đà Lạt. Còn tình yêu Tổ Quốc, Lý Tưởng? chỉ lờ mờ, mơ hồ trong tâm tưởng anh như một sợi chỉ mong manh, xuyên suốt, ẩn sâu trong huyết quản, trong tâm thức. Chỉ bùng lên như lúc này đây, trong trại tập trung, anh mới thấy mình có một thời quá nông cạn trong suy nghĩ, trong đánh giá kẻ thù. Còn kẻ thù thì lọc lừa,hung bạo bao nhiêu ?

    Đêm vẫn lặng lẽ trôi qua một cách mệt nhọc. Khu Trảng Lớn rộng chứa đầy mấy ngàn người tập trung cải tạo. Đêm im ắng và buồn tẻ. Sum vẫn thao thức trong cơn đau nhừ của tinh thần. Anh cố gắng ngủ mà đôi mắt vẫn mở toang. Nhớ về vợ và các con thật xa vời vợi, như đã là ngàn trùng xa cách.



    Trần Yên Hòa


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X