Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Gọi vào quá khứ…

Collapse
X

Gọi vào quá khứ…

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Gọi vào quá khứ…


    Gọi vào quá khứ…




    Tranh: Trần Thanh Châu

    Anh Thái là người không giống nhiều người khác ở địa phương, thường ai cũng có một chút hơn người để trở thành đặc trưng cá nhân. Trong khi anh chỉ là một người bình dân lại ít nói, sự chân tình với bạn bè của anh làm nên sự khác người thì cũng rất ít người biết được. Tôi không nhớ đã quen biết anh từ bao giờ? May sao một lần anh nhắc lại, “lần đầu chúng ta gặp nhau…”

    Là người sống nhiều năm ở một thành phố như tôi, có lẽ ai cũng có lúc ngộ nhận người quen nhưng thật ra chỉ quen mặt chứ không quen biết, bởi lui tới nhà hàng, chợ búa, chùa chiền, nhà thờ của người Việt thường gặp ai đó tới quen mặt mà cứ ngỡ là quen biết.

    Lần đó, tôi viết một phóng sự địa phương, cũng như những phóng sự diễn ra hàng tuần thì thường thôi. Nhưng phóng sự địa phương lần đó chết tới sáu mạng người, có cả em bé còn nằm trong bụng mẹ. Nên bài phóng sự khá dài hơi. Sau đó, anh mời một số bạn hữu của anh, nhưng nhờ một người trong những bạn anh có biết tôi, và mời tôi tới dự bữa tiệc đơn sơ ở một nhà hàng bình dân trong Dallas. Nhờ vậy, tôi từ quen mặt thành quen biết được anh và nhóm bạn ít nói này. Cả nhóm đều ít nói, họ nhậu chung một “bình trà nóng”, thế mà ai cũng ngồi xoay ly nhiều hơn uống. Thỉnh thoảng, một người nói (chỉ một câu ngắn), và những người còn lại đáp lời càng ngắn hơn, như: “đương nhiên”; “thì hẳn rồi!”; “có thể lắm!”…

    Nhìn lại, tôi trẻ nhất trong lớp đàn anh đều đã có tuổi trên bàn tiệc. Riêng anh Thái quá ân cần, làm tôi hơi ngại vì anh chuẩn bị rượu, bia đầy đủ, thậm chí dư thừa, nhưng cho dù rượu mắc tiền, bia bộn bạc thì ai uống được một mình trên bàn tròn mà hầu hết mọi người chỉ uống trà nóng.

    Nhưng càng về sau càng hiểu tính anh vốn ân cần với bạn bè hiếm hoi của anh, (chỉ có bốn người, anh là người thứ năm, và không muốn tính tôi là người thứ sáu, vì tôi thuộc hàng đàn em). Rồi theo thời gian, thỉnh thoảng chừng vài tháng, anh lại ra một cái email cho đúng ngần ấy người, hẹp gặp ở nhà hàng nào đó, ngày, giờ… Bao giờ anh cũng là người đến trước để chuẩn bị mọi thứ cho anh em, rất tươm tất và chu đáo. Và là người ra về sau cùng vì còn tính sổ với nhà hàng.

    Tôi thấy anh là người có uy tín trong bạn hữu, cái uy tín vượt quá việc anh là người trả tiền toàn bộ những bữa tiệc họp mặt. Cái uy tín của anh là lòng tận tụy với bạn bè, sự nhường nhịn những người bạn của anh khi lớn tiếng, thậm chí quá lời khi rượu bia nói. Anh vẫn ôn tồn khuyên nhủ bạn với lời ăn tiếng nói của thân tình. Vì thế tôi coi trọng lời nói của anh và nhất là anh nói về tôi “anh đọc em nhiều trên báo chí. Nhưng bài phóng sự tuần rồi thì em đã thiếu sự kềm chế cảm xúc riêng của người viết để bài viết được khách quan hơn… chắc không cần nói thêm. Cảm ơn em đã đến chơi với bọn anh.”

    Tôi ghi nhớ lời phê bình từ độc giả khá đặc biệt này.

    Sau đó, vẫn vài tháng lại nhận được email triệu tập của anh. Cũng chỉ mấy mặt quen – và điều tôi nghĩ tới là một hôm nào đó sẽ vắng mặt một người với lý do quá cố; rồi ai nữa tiếp theo… vì người này không ăn thịt bởi đang bệnh; người kia không ăn cá cũng vì bệnh; người chủ xị lại không ăn gì hết, không uống một ngụm bia cũng vì đang mang nhiều bệnh trong người là anh Thái.

    Thời gian nhìn lại không bao lâu mà nhóm bạn đó đã thôi họp mặt. Không thấy email của anh Thái gởi ra nữa. Những lúc chợt nhớ những người ít nói mà tôi cũng không biết gì nhiều về họ. Chỉ biết người là chủ cả của khu vực này nhưng là thời đầu của người Việt lúc mới định cư, người là trí thức cũ của Sài gòn. Còn anh Thái là ai? Cứ mỗi lần gặp anh với sự nhiệt tình, làm tôi ngậm miệng với những câu hỏi trong đầu nhưng lại khó nói ra. Để rồi cuối năm ngồi nhìn lại, không biết nhóm bạn tuổi vàng nay đã ai còn ai mất? Nhớ đôi lần, anh Thái gởi tin nhắn cho tôi, anh đang ở quán cà phê nào đó, nếu tôi có rảnh thì ghé chơi. Và cũng có khi tôi ghé được, khi không. Đôi lần chỉ có hai anh em thì anh cũng hỏi tôi ăn gì chưa, uống gì bây giờ? Anh lúc nào cũng ân cần với bạn bè. Có hôm, chỉ một bình trà nhưng là trà từ nhà, anh đưa ra quán, nhờ quán tí nước sôi với mấy cái tách và chỗ ngồi. Dĩ nhiên là trả tiền bình trà như giá thường bán ở quán xá.

    Cuối năm, chợt nhớ tới anh, tấm lòng với bạn bè không nhiều hao tốn tiền bạc vì ai cũng đã lớn tuổi, mang bệnh trong người nên ăn nhậu không đáng kể. Chỉ là gặp mặt bạn hữu như nạp năng lượng để sau đó trở về với nỗi cô đơn của tuổi tác và bệnh hoạn của mỗi người…

    Tìm lại email của anh trong hộp thơ điện tử thì không còn nữa vì lâu không liên lạc nên đã bị xoá mất; tìm lại số điện thoại của anh – may sao còn. Nhưng người sử dụng số điện thoại ấy đã là một người khác. Một người Mỹ cộc cằn hơn là kỳ thị, ném cho tôi một câu trả lời khiếm nhã mà cũng không cho mình nói được lời xin lỗi. Khác với năm ngoái, tôi gọi cho một người quá cố, là người bạn cắm hoa nghệ thuật, mỗi tác phẩm của ông không chỉ là một bình hoa, chậu hoa đơn thuần nghệ thuật mà ẩn chứa trong tác phẩm là một câu kinh, lời kệ… Tôi thích uống trà, nghe ông giải thích về đá, gỗ, nước, và hoa trong từng tác phẩm nghệ thuật của ông. Người cựu tù mỗi sáng đi bộ thể dục và nhặt nhạnh cành khô, hái bông hoa dại trên đường; đầu óc suy tư về lời kinh, câu kệ… Ông đưa về nhà – kết hợp với hoa nhà lá vườn để tạo ra một một tác phẩm nghệ thuật. Sau đó, bưng lên chùa dâng Phật. Sau nữa là khách vãng lai nào ghé chùa dâng hương, nếu thích, có thể bưng về nhà họ. Và tùy lòng hảo tâm để lại chút tiền cúng dường cho chùa có tiền mua nhang đèn cho khách thập phương sử dụng.

    Một sáng cuối năm ngoái, tôi nhớ ông. Thèm được ông gọi đến chùa để cùng uống trà với thầy, cùng nghe thầy giảng giải về kinh kệ ẩn chứa trong tác phẩm… Biết rằng ông bạn mình đã qua đời, nhưng tôi cứ gọi. Tôi vẫn tin có sự hồi âm từ miền quá khứ! Nhưng chỉ là tiếng nói đời thường. Một người phụ nữ Mễ đã trả lời điện thoại là ông lộn số rồi! Tôi xin lỗi, và không hề nói ra tôi không lộn số để cô ta sơ hãi việc đang dùng số điện thoại của một người đã chết. Cũng như số điện thoại của anh Thái, nay đã có người Mỹ cộc cằn sử dụng. Và số điện thoại của tôi thì ai đã từng sử dụng, người ấy còn hay mất? Số điện thoại của bạn đã qua tay bao người, họ là những người hiền hay dữ… Một hôm nào, số điện thoại của tôi thuộc về ai? Số điện thoại của bạn vẫn là một bí mật của người sử dụng sau bạn – nếu người đó nghĩ tới – còn thường thì khi đi mua cái điện thoại mới, ai cũng chỉ vội vàng thông báo cho bạn bè, người thân về số điện thoại mới của mình để tiện liên lạc.

    Mười con số để liên lạc với tất cả là số điện thoại, một hôm tất cả không còn là gì cả với người này, những con số ấy không mất đi mà mở ra quan hệ mới cho một người khác. Chỉ có điều, ngày càng nhiều những số điện thoại không còn liên lạc được nữa trong điện thoại của mình thì đừng quên những người đã từng chia chung với ta một thời, những gì không vui cũng không còn buồn nữa. Nhưng những gì còn mãi là người bạn chân tình, người cựu tù buông bỏ lòng thù hận… Mong cho hai ông bình an ở thế giới khác với thế giới tỵ hiềm và ganh đua không ngừng này. Mong cho nhóm bạn tuổi vàng chỉ gặp gỡ ít mà nhớ nhau nhiều đều thượng lộ bình an. Mong đời sống gặp nhiều mà nhớ nhau không bao nhiêu, hay chẳng có gì để nhớ nên người ta thẳng tay delete những số điện thoại không còn giá trị lợi dụng. Thì cũng thử suy nghĩ, những con số cũng không tự nhiên trở thành số điện thoại của ai đó. Mà nó có xuất xứ, duyên ngộ gì đó giữa người sử dụng trước với người sau; giữa người này với người khác…

    Cuối năm, ngồi nhìn lại cái danh mục điện thoại sẽ hiểu được mình liên lạc với quyền lợi bao nhiêu, và liên lạc với tình thân bao nhiêu – trong năm qua? Không ai dối được mình nên hy vọng sang năm tốt đẹp hơn với liên lạc thường hơn với bạn hữu vì chắc chắn năm nào cũng có những số điện thoại trong danh mục điện thoại của mình đổi chủ. Người ta dạy người ta lớn chuyện như, “khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Ráng sống làm sao đến lúc ta chết đi,mọi người khóc còn ta thì cười…” Nếu chỉ được ai đó, bạn hữu nào đó, không nỡ delete số điện thoại của mình đã là mãn nguyện về cuộc ở trọ trần gian. Hay gọi vào quá khứ là gọi mình trở về vậy!

    Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X