Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nổ

Collapse
X

Nổ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nổ

    Nổ


    Trần Yên Hòa


    Buổi chiều thứ bảy trại được nghỉ không đi lao động. Long Khánh đã vào mùa khô. Tết đã đi qua. Mùa hè đã đến. Nóng rang người. Không khí ẩm, khô khốc. Đám cải tạo vẫn chưa được thăm nuôi lần nào dù đã gần một năm tập trung. Trại đã phát hai lần áo quần. Đồ tù là những bộ áo quần bà ba màu xanh đậm hay xám. Đi lao động ngoài hiện trường, cuốc đất, vác củi, đào hố cao su, trồng rau xanh. Hay ở nhà, đánh cờ tướng, chơi đô mi nô…đều mặc bộ đồ ấy. Mỗi lần phát một bộ, sáu tháng mới phát một lần, thay ra, mặc vào…

    Hồi ở Trảng Lớn, đám cải tạo còn kiếm được bao cát để may quần áo. Về Long Khánh bao cát rất hiếm, may mắn lắm mới tìm được một vài bao. Nên áo quần bao cát cũng giảm đi. Đi lao động về đến lán trại, cái thú duy nhất là cởi trần ra, nằm đánh vật trên nền xi măng mát lạnh, nghe cái khoan khoái lan từ đầu đến chân, ngó lên trần nhà rồi nhắm mắt lại, là thích nhất. Đó là đối với Soại. Đánh trần, chỉ bận cái quần xà lỏn là thời trang đại trà của toàn thể anh em tập trung. Vừa tiết kiệm được quần áo cũng như được thoải mái.

    Buổi chiều thứ bảy anh em chia từng tốp để sinh hoạt riêng tư. Tốp này là tự chọn. Sống trong lán, đi lao động với nhau ngoài hiện trường, nếu thấy ai hợp với mình thì kết làm bạn. Như là cùng đơn vị ngày trước, cùng trường học ngày còn học sinh hay cùng trường lính. Tâm đầu ý hợp về cách sống, về suy nghĩ, về ý thích thì kết thành từng tốp để ăn chung. Hai ba người, bốn năm người. Ngồi ăn chung cho vui chứ có gì đâu.

    Có lúc có chút cải thiện như nồi canh lá giang, rau tàu bay, rau dền dại thì cùng chia nhau, chan, húp. Có con ếch, con nhái, con rắn bắt được, nướng hay xào thì chia nhau chút đỉnh cho có chút thịt tươi. Còn phần ăn của trại cấp thì đâu cũng như đâu, ai cũng như ai. Một chén cơm nhỏ, một chút rau và chén nước muối. Thế thôi. Về đây, trước căn nhà có mảnh đất nhỏ, anh em tranh nhau trồng chút rau xanh “cải thiện”.

    Soại ăn chung với Mẫn và Thanh, hai chàng sĩ quan hải quân, thuyền trưởng duyên tốc đỉnh. Cùng quê miền trung nên dễ thông cảm. Ăn chung để cho vui, khỏi đơn độc.

    Hồi tối trong buổi họp tổ. Anh Lưỡng đưa ra ý kiến:

    - Anh em đi lao động về rất đói và mệt. Dạo này cơm ít quá nên ăn không đủ sức lao động, lại phải một số “anh nuôi” chia cơm không đều. Có lúc cơm kết lại, có lúc tơi ra, nên tôi đề nghị anh nuôi chia cơm phải đánh cho thật tơi và tất cả anh em để bát trên nền nhà. Khi anh em chia cơm thì bốc số, gọi tên anh nào thì anh đó đưa bát ra lãnh. Như vậy mới công bằng, không ai ít, ai nhiều.

    Lời đề nghị của anh Lưỡng tuy có sống sượng nhưng đúng trong thực tế. Cũng có anh nuôi chia cơm thấy bát của bạn mình hay của mình thì xúc nhiều hơn. Anh Lưỡng để ý và đề nghị như thế. Cũng công bình nhưng cũng có chút đau xót trong tình huynh đệ chi binh.

    Cho nên buổi chia cơm bây giờ có thêm màn gọi tên.

    Mỗi người mang một con số. Người anh nuôi xúc cơm lên thì một người được chỉ định bốc cái thăm có số. Số tám, Trần Quang Soại. Soại nói, có, và chìa cái tô cho người anh nuôi đổ cơm vào. Đồ ăn cũng thế. Bữa cơm bây giờ có them màn bi, hài, nên cũng làm nhiều người cười ra nước mắt.

    ***

    Buổi chiều thứ bảy là buổi chiều nghỉ làm việc, nên anh em hay “ca cóng”. Ca cóng là từ của quản giáo Điệp, người Thanh Nghệ Tĩnh, ám chỉ sự việc anh em cải tạo nấu nướng linh tinh. Cũng chẳng có món gì để ca cóng, nhưng ca cóng cũng là một niềm vui. Anh em làm một cái lò nhỏ để nấu. Lon sữa Guigoz rất tiện dụng ở đây. Dùng để nấu nước sôi, nấu canh, nấu cháo, nấu chè…Anh em ai cũng nấu, nhất là vào thứ bảy hay chủ nhật như hôm nay.

    Soại đang loay hoay nấu nước sôi. Nấu nước sôi cũng là một niềm vui. Không có gì nấu thì nấu nước sôi, để được uống chén nước còn đang bốc khói như uống nước trà. Cảm giác được uống nước trà cũng là khoái cảm. Bạn bè tụm năm, tụm ba nói chuyện bên chén nước sôi bốc khói. Kể chuyện về miếng ăn: Về phở, về bún bò Huế, về mì Quảng, về cơm tấm, về lẩu, đủ cả, để thỏa thuê cái lỗ tai và để nước miếng ứa ra trong kẻ răng. Thèm thuồng. Đó cũng là một khoái lạc.

    Như hôm nay, buổi chiều thứ bảy, không biết làm gì cho hết thì giờ, Soại đi nấu nước sôi.

    Lon Guigoz đặt trên cái bếp lò tự chế, Soại lấy bao nhựa quấn lại rồi đốt lửa, lửa bắt đầu cháy xèo xèo thì bỗng đâu một tiếng nổ ầm vang lên từ khu doanh trại bên kia. Rồi tiếp theo những tiếng nổ khác ầm ầm dội lại. Soại cầm lon Guigoz nước chạy vô phòng thì anh em trong phòng đang ngơ ngác. Ai cũng hỏi, nổ ở đâu đó ? Vì sao ? Không có câu trả lời. Ai cũng xao xác chạy ra ngoài phòng. Trong lúc đó tiếng nổ một lúc một gần hơn. Anh em cải tạo kẻ chạy ngõ này người chạy ngõ kia, xáo xào như đĩa phải vôi.

    Soại không còn tâm trí đâu để suy nghĩ. Anh băng mình chạy qua mảnh sân cách giữa đội anh và đội bạn, nơi có gian nhà bếp, có những tấm ghi PSP lót ở phi trường, được đem về làm nơi đặt đồ chia cơm. Đạn nổ tung trên đầu, nổ tràn ngập cả khu doanh trại, đạn bắn lên không trung thành những tia chớp ngòng ngoèo rồi kéo theo những tiếng nổ vang trời, hung bạo. Soại chui vào nằm trên nền sàn xi măng, phía trên là tấm PSP, anh chẳng thấy an toàn chút nào, nhưng anh như con kiến nằm trong vòng lửa, chẳng biết chạy đi đâu. Những người bạn cùng đội cũng đang chạy tứ tung. Ai cũng lấy một cái gì đó che trên đầu như cái ghế gỗ, cái soong nấu bếp, dù biết rằng súng đạn đâu có chừa những thứ đó.

    Tiệp, một người bạn chung phòng với Soại chạy loanh quanh rồi cũng tọt xuống nằm dưới sàn nhà gần chỗ Soại. Một số anh em nữa cũng chun vào nằm dưới sàn, dưới những tấm PSP.

    Tiệp thấy Soại, liền nói:

    - Nổ đâu không biết mà nghe sát sạt bên mình ?

    Soại trả lời:- Ai biết được. Cứ núp đó đi.



    Soại vừa nói xong thì nghe có tiếng rủng rẻng trên mái tôn rồi tiếp theo là một tiếng oàng lớn, nổ trên mái nhà tiếp theo. Khói bụi nghịt trời. Anh không còn tính toán gì nữa, nhưng có một điều như từ tâm thức anh, thúc giục anh phải chạy. Anh bò ra khỏi chỗ trú rồi chạy thục mạng ra ngoài sân, hướng theo các bạn anh đang chạy xuống phía trại dưới. Đạn vẫn nổ trên đầu ì ầm, khói lửa bốc lên từng cột. Những trái đạn phòng không nổ vút lên cao rồi rơi xuống, xoáy rít trong bầu trời như tiếng mảnh kiếng bể. Soại chạy sau mấy người cùng hướng về một chiếc xe thiết giáp bị hư đang nằm ụ đàng kia. Bỗng người bạn chạy trước anh la oái lên rồi qụy xuống. Một người bạn khác chạy lại đỡ người bạn kia. Máu phía sau lưng người bị thương chảy ra thành vòi. Những mảnh áo xé vội để rịt vào cầm máu cũng không làm máu ngưng chảy. Một ống tút của đạn phòng không rơi xuống, đã cắm phập vào lưng người bạn.

    Nhiều tiếng la lên:

    - Máu ra nhiều quá.

    - Lấy tút đạn ra đi.

    - Nóng quá.

    Một người lấy miếng vải đã thấm đầy máu, đặt trên tút đạn, kéo mạnh tút đạn đang dính chặt trên thân người bạn. Một dòng máu đỏ phụt ra. Miệng người bạn ngáp ngáp rồi lặng đi, một chốc, mắt không còn động đậy nữa. Một số anh em làm dấu thánh giá và râm râm đọc kinh.

    Soại cố chui vào trong gầm xe thiết giáp, dù bên trong đã đầy đặc người. Anh nằm trên đất, cố bò nhích từng chút vào phía trong. Đạn vẫn gầm rú trên bầu trời. Soại nằm im, tưởng đến những lần đụng trận ngày trước. Dù thắng hay thua, trong những lần đụng độ cũ, anh còn có cây súng trên tay, còn có thể nhìn quân địch trước mặt hay sau lưng mà nã đạn. Bây giờ, đám cải tạo như những con kiến nằm trong vòng lửa đỏ, càng lúc lửa càng gần tới.

    ***

    Cũng đến bảy giờ tối, tiếng nổ mới ngớt. Một số người chui ra khỏi gầm xe. Soại cũng chui ra. Anh lâm râm đọc kinh cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

    Một cảnh tượng kinh hoàng hiện trước mắt. Cây cối bị đạn đốn ngã tả tơi. Những mái tôn bị tốc nóc. Người tìm người, bạn tìm bạn. Tiếng gọi nhau í ới.

    Sau khi tổng kết, dãy nhà Soại có năm mươi hai người mà đã có mười hai người bị chết và một người chạy ra hàng rào bị vệ binh bắn gãy chân. Một người chạy trong cơn hoảng loạn rớt xuống giếng chết. Tiệp chạy cùng Soại qua phía nhà bếp cũng chết. Tôn Thất Đường, khóa 24 Võ Bị, chết. Và những người khác nữa…

    Mới hôm qua, Tôn Thất Đường đem khoe với bạn bè tấm hình vẽ ghép anh với người vợ mới cưới. Đó có phải là cái điềm báo trước không? Ôi! Những cái chết không lường trước được.

    ***

    Những ngày sau đó là dọn dẹp khu doanh trại. Những tin đồn được truyền miệng từ anh em: “Phe ta” về đốt kho đạn Long Khánh. Tâm trạng ai cũng xôn xao, lo lắng. Đi dọn dẹp hiện trường cũng là một nỗi lo cho nhiều người. Những quả đạn M79 khi ra khỏi nòng, chưa đủ vòng xoay, chưa nổ kịp, nó sẽ nổ tung khi có ai đụng đến. Đã có tin những người bộ đội bị thương vì đạn M79. Đám cải tạo dọn dẹp khu doanh trại bị đạn nổ tơi bời như qua một cơn bão lớn, suốt hai, ba ngày như vậy, làm ai cũng rã rời.

    Tin nổ kho đạn Long Khánh làm thân nhân những người bị tập trung ở Sài Gòn rúng động. Họ chạy đi hỏi thăm tin tức khắp nơi. Tiếp theo là những tin đồn, sắp có đánh lớn, phe ta sẽ giải phóng lại Sài Gòn. Tướng Trưởng, tướng Kỳ, tướng Lân đã về lập chiến khu kháng chiến. Mỹ sẽ nhảy vào lại Việt Nam.

    Trong lúc những tin đồn làm hoang mang toàn trại, thì có lệnh: Tất cả tập họp lên hội trường.

    Người thủ trưởng trại nói về “sự cố” xảy ra, đó là sự sơ ý của một bộ đội thủ kho đạn, đã để lửa cháy khiến kho đạn phát nổ. Tất cả chỉ có thế, anh em yên tâm học tập.

    Thủ trưởng nói:

    - Không có chuyện chuyển trại.

    Không có gì mới. Mọi người trở về đội nhưng vẫn trong trạng thái bất an.

    Sáng sớm ngày hôm sau.

    Quản giáo, vệ binh lũ lượt đến từng nhà.

    Quản giáo ra lệnh:

    - Tất cả chuẩn bị gọn gàng. Chuyển trại.


    Trần Yên Hòa


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X